30 tháng 11, 2015

Thịt ếch xào lá cách

Lâu lắm rồi, cũng phải trước năm 2000, tôi có chuyến công tác vô Cần Thơ. Trên đường về ghé thăm đồng nghiệp ở Vĩnh Long. Từ Cần Thơ chỉ qua con sông Hậu là đến Vĩnh Long nhưng hồi đó chưa có cầu phải đi phà nên 10 giờ mới tấp được vô thị xã Vĩnh Long. Dân miền Tây hễ đã gặp nhau là phải nhậu mới ra bạn ra bè. Ngồi chưa ấm chỗ đã thấy ông bạn bưng ra một đĩa to món xào thơm nhức với chai rượu gạo nút lá chuối khô trong như mắt mèo. Bạn xởi lởi: Đang mùa nước nổi nên chuột, cá linh, rắn, lươn, ếch về nhiều như lục bình trôi sông, bán đầy chợ rẻ rề. Đây là món thịt ếch xào lá cách nổi tiếng của ẩm thực khẩn hoang Nam Bộ. Mấy ông cầm đũa cho nóng.
Thịt ếch thì đã quá nhiều không kể xiết nhưng xào với lá cách thì đấy là lần đầu tiên tôi được ăn. Món lá cách cho vô miệng nhai thong thả thấy bùi bùi, hăng hăng mà bắt vị qúa chừng. Càng ăn càng thấm càng thấy ngon. Tìm hiểu cho kĩ thì ông bạn kéo ra sau vườn chỉ vô một cây to như cây dâu tằm lá xanh um tùm: Cây lá cách đây. Tên đầy đủ là cây vọng cách, một loại rau rừng của Nam Bộ, thuộc loại thân gỗ, lá to dày, thường mọc dọc bờ kênh rạch, rìa làng, chỉ cần bẻ cành cắm xuống bất kì đâu cũng sẽ mọc lên tươi tốt. Lá ra không kịp hái. Đặc điểm của cây lá cách là không hái từng lá mà phải bẻ cả cành, như thế cây mới mọc cành ra lá non. Không chỉ với ếch mà với chuột, lươn, rắn, cá đồng các loại đem xào nấu với lá cách đều rất bắt miệng, ăn no không biết chán.
Tôi mê lá cách từ bữa đó. Nghĩ bụng có dịp sẽ trồng lấy một cây ăn cho đã.
Năm 2010, vừa định cư vô Sài Gòn thì một ông bạn dạy cùng trường có nhà mãi trên Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức rủ lên chơi. Nhà ổng trên bờ sông Sài Gòn, gió ngoài sông thổi vô mát rười rượi mang theo cả tiếng sóng vỗ bờ ì oạp, cây cối xanh um. Đặc biệt có hai chậu cách một to một nhỏ để sát cổng. Bữa đó ổng cũng hái lá cách vô xào lươn bằm xúc bánh tráng nhậu với rượu ngâm lá cách. Ăn đến no thì thôi. Là nhà khoa học lại là người quê Sóc Trăng miền Tây chính hiệu nên ông bạn rất am hiểu về cây trái miệt vườn. Ông còn giới thiệu thêm về lá cách với nhiều công dụng chữa bệnh như: giảm men gan, thanh nhiệt, giải độc gan, chữa nhức mỏi xương khớp, chống viêm nhiễm và giảm đau vân vân… Lá cách đem phơi khô sao vàng hạ thổ ngâm rượu bữa ăn làm một li thì khỏe cả đời. Lá cách còn là vị thuốc quý.
Tôi nghe càng lấy làm khoái. Khoái hơn nữa là thấy tôi thích nên khi chia tay ông bạn quý đã nhổ luôn cây cách nhỏ cho tôi mang về trồng.
Đã 5 năm nay, cây cách xin từ Hiệp Bình Chánh về được trồng trong cái chậu màu xanh sẫm đẹp nhất luôn xanh tốt trên sân thượng nhà tôi. Thịt ếch thì có sẵn quanh năm ngoài chợ kí chỉ 5 -6 chục nghìn. Đến chủ nhật vợ tôi lại mua ếch về ướp hành tỏi ớt rồi xào với lá cách thái chỉ làm món khoái khẩu cho cả nhà.
Lá cách cũng như trái sầu riêng. Mùi vị rất khó ngửi nhưng ai đã một lần ăn thì nhớ mãi và sẽ thèm thuồng khi nhớ về hương vị của nó. Ăn nhiều sẽ nghiện.
Cách đây hơn tháng, bạn học Nguyễn Xuân Sùng từ Ba Đồn vô Sài Gòn đến chơi, nhằm lúc vợ con đi vắng hết, tôi cũng mua ếch về xuống bếp xắn tay áo lên xào lá cách hái trên sân thượng đãi bạn món ăn đặc trưng của người miền Tây. Dọn lên mâm đĩa thịt ếch xào lá cách bốc khói thơm lừng, tôi nổ với Sùng: Đã nói đến ẩm thực Nam Bộ là phải nói đến thịt ếch xào lá cách. Sùng chăm chú nhìn tôi như nhìn một tay đầu bếp có thứ hạng. Bữa đó tôi nêm nước mắm quá tay nên hơi bị mặn nhưng Sùng cũng khen ngon. Chẳng biết Nguyễn Xuân Sùng khen có thật thà gì không nhưng tôi thì lấy làm mãn nguyện lắm.

 Cây lá cách ông bạn ở Hiệp Bình Chánh cho được tôi trồng trong cái chậu đẹp nhất


Quanh năm xanh tốt. Chỉ đứng gần đã nghe tỏa mùi đặc trưng hăng hắc khỏ tả và khó... ngửi nhưng sẵn sàng gây nghiện khi bạn chỉ một lần thưởng thức  


               Thịt ếch xào lá cách. Món khoái khẩu của dân Nam Bộ




2 nhận xét:

  1. ui chao ơi, chắc là hấp dẫn lắm đây, món này cháu chưa thử lần nào hết,
    mấy lần về miền Tây ko lần nào cháu sống xót khi nhập cuộc với mọi người trên mâm nhậu :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. BSS hãy thử một lần rồi kiếm một cây trồng vô chậu, tha hồ xài.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới