30 tháng 4, 2017

Dậu đổ thì bìm leo thôi

Nhớ cái buổi chiều cách đây 10 ngày, chiều 20 - 4 tại nhà riêng Huy Đức, trong cuộc trò chuyện giữa Huy Đức với Trần Kỳ Trung và tôi, Huy Đức tiết lộ: vào thời điểm này Đinh La Thăng đang bị lên thớt, cuộc chơi chính trị của anh Thăng có lẽ sẽ dừng ở đây.
Từ đó đến nay đã chục ngày trôi qua, tôi để ý trên tờ Sài Gòn giải phóng (tờ báo mà tôi được Thành ủy TP. HCM cấp phát theo chế độ vào lúc 6 giờ sáng mỗi ngày do bưu tá ném qua cổng nhà) và trên kênh HTV, hình ảnh của ĐLThăng biến mất hẳn như chưa từng có. Đúng là anh Thăng đã thăng thật rồi. Và tôi lấy làm tiếc cho một con người tài ba, dám nói dám làm.  
Còn tối nay, trong chương trình thời sự đặc biệt của Đài HTV kỉ niệm 42 năm ngày 30 tháng 4 thì ĐLT càng biến hẳn cứ như là ở Thành phố này chưa từng có một Bí thư thành ủy tên là Đinh La Thăng vậy, dù vào phút này anh ta vẫn đang ngồi trên ghế Bí thư Thành ủy sau cái thông báo đề nghị kỉ luật Thăng của Ủy ban Kiểm tra TƯ đảng.  
Thiệt đúng là dậu đổ bìm leo. Nói đời bạc như vôi là vậy.
Tham nhũng thì cha nội nào làm quan ở xứ ta mà không dính đến. Ở chế độ này không tham nhũng không phải là quan, dù chỉ là một cái ghế trưởng phòng con con cũng buộc phải tham nhũng. Thăng chắc càng hơn thế nhưng ít ra anh ta cũng nói được nhiều câu hay và làm được nhiều việc tốt đáng khâm phục kể từ khi về làm Bí thư Thành ủy HCM. Phải nói rằng Tp. HCM từ khi có ĐLT bỗng sôi nổi, náo nhiệt hẳn lên. ĐLT thực sự như một luồng gió mát lành thổi ào ạt và sôi nổi giữa một SG rộng lớn đang khát khao đổi mới từng ngày sau những năm tháng đầy ù lì của người tiền nhiệm.  
Và tôi cũng như nhà văn Trần Kỳ Trung càng nể NB Huy Đức sát đất. Nhớ bữa trong câu chuyện đó, tôi hỏi HĐ: Tôi nghe người ta nói anh là người của Tư Sang đúng không. HĐ cười không ra công nhận mà cũng không ra phủ nhận: Người ta đang nói tôi hiện là người của NPTrọng nữa đó anh.
Kì nghỉ lễ 42 năm ngày 30 tháng 4 này, tôi và Nguyễn Quang Ngọc hai thằng CCB C20 F341 Quân đoàn 4 cùng nhau phượt trên chiếc Mazda 4 chỗ quen thuộc của Ngọc. Chúng tôi lang thang trong những cánh rừng cao su và vườn cây ăn trái rộng đến 37ha của Ngọc ở Đồng Xoài. Sau 4 ngày ăn chơi ngủ nghỉ xả láng, chiều tối qua chúng tôi về Biên Hòa gặp Mai Văn Thưởng quê Kỳ Anh Hà Tĩnh cũng là lính C20 F341 sống ở Tp công nghiệp này. Nhậu xong thì đã tối lắm, Thưởng hỏi, bằng giờ này 42 năm trước anh em mình đang ở đâu nhỉ. Tôi nói 2 ông thì không biết nhưng phân đội trinh sát của tôi thì sau khi dẫn bộ binh vào chiếm sân bay Biên Hòa, tôi cùng 5 người khác trong phân đội đã ngủ lại trong câu lạc bộ sĩ quan Sư đoàn 3 không quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa nằm ngay trong sân bay Biên Hòa để sáng sớm mai tìm đường về Sài Gòn. Thưởng phán ngay: Vậy thì tối nay hai ông ngủ lại Biên Hòa là đúng rồi, ngủ để ôn lại kỉ niệm xưa, để được “đi lại con đường xưa em đi”.  
Vậy là tôi và Ngọc tối qua đã ngủ lại trong căn nhà khang trang của Thưởng nằm ngay mặt đường quốc lộ 51 cách ngã 3 Thái lan không xa. 3 thằng lính cũ của Sư đoàn 341 nằm nói chuyện đời xưa đời nay đến khuya lắc khuya lơ mới chịu ngủ. Tôi có cái tính ai nói chuyện gì cứ nói, tôi đã buồn ngủ là tôi ngủ. Tôi ngủ trong tiếng ì ầm của xe cộ lao vun vút trên con đường Biên Hòa – Vũng Tàu, trong tiếng rì rầm trò chuyện của Ngọc và Thưởng. Ngủ nhưng tôi vẫn nghe  cha nội nào đó nói: Thằng Hà Sơn ni hắn đang tuổi ăn tuổi ngủ thì phải. Hắn ăn chi cũng ngon và nằm đâu cũng ngủ được.
Kệ, tôi cứ ngủ.
Sáng dậy càfe cà pháo đâu vô đó, chúng tôi chia tay vợ chồng Thưởng về lại Sài Gòn. Chạy xe trên xa lộ Biên Hòa rồi xa lộ Hà Nội ngược với dòng xe đủ loại của dân SG đang lao vun vút về Long Hải, Vũng Tàu nghỉ ngơi lễ lạt ăn hải sản và tắm biển, tôi nói với Nguyễn Quang Ngọc: Thế là sau đúng 42 năm, cũng vào giờ này, ngày này, tháng này tao và mày lại tiến từ Biên Hòa về Sài Gòn. Chỉ khác là trong một bộ dạng khác hẳn và với một mục tiêu khác hẳn. Nhớ lại những bạn bè đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống trong trận chiến cuối cùng 42 năm về trước mà  giờ mồ mả đang hiển hiện ở  Nghĩa trang Liệt sĩ Trảng Bom như Đỗ Xuân Ngôn, như Pham Xuân Tụng… chúng tôi bỗng thấy ngậm ngùi cho bạn và thấy cuôc đời mình còn may mắn chán.
Thôi kệ. Thằng nào tham nhũng độc ác tham tàn thì cứ để cho chúng nó tham nhũng độc ác tham tàn. Trời có mắt cả. Chúng nó có vay rồi sẽ có ngày phải trả mà tay ĐLThăng là một ví dụ nhãn tiền. Chợt nghĩ sao lũ chúng nó tham lam vô độ thế nhỉ. Mỗi người sống trên cõi đời này chỉ cần một mái nhà, có đủ cơm ăn áo mặc, có tiện nghi vừa đủ, có phương tiện đi lại là sướng lắm rồi. Khi chết có ai mang theo được cái gì đâu chứ.
Vô nhà thấy vợ con đang xúm xít dưới bếp làm mấy món ăn được chế biến từ thịt thỏ, tôi chỉ việc lấy lò nướng ra vận hành nữa là liên hoan kỉ niệm 30 tháng 4 được rồi.  
Rượu thì có sẵn.  Nâng li thôi.   

Trang trại của Ngọc hiện có tổng công 37ha. Đi cả ngày không hết.

Chủ yếu là cao  su và thu hoạch chính từ bán mủ cao su

Trồng một đồi sim để chơi, có 120 cây từ Thọ Xuân Thanh Hóa do Lê Quang Phương gửi vô

Hàng trăm cây sầu riêng bắt đầu ra trái

Bưởi da xanh Nam Bộ và có cả  4 cây bưởi đỏ Luận Văn cũng do Lê Quang Phương gửi cây giống từ Thọ Xuân vô

Gà tre hấp và cá bắt từ Sông Bé lên nướng uống với rượu sim Thọ Xuân cũng do Lê Quang Phương gửi vô 

Ông chủ trang trại Nguyễn Quang Ngọc

Có cả một vườn dừa giống từ Bến Tre

Ngọc đang xây nhà nuôi yến sào rộng hàng trăm mét vuông

Chiếc Mazda 4 chỗ quen thuộc của Ngọc.


Tình quê Hà Tĩnh nhà ở Đồng Xoài, cũng là một CCB C20 F341 với tôi và Ngọc 

Kỉ niệm ngày tôi nhập ngũ, 10/9/1972

Kỉ niệm ngày tôi xuất ngũ trở về trường cũ 42 năm trước. 

   


21 tháng 4, 2017

Gặp gỡ ở Miếu Nổi

Chiều nay có Trần Kỳ Trung từ Hội An vô, chúng tôi hẹn nhau đến thăm Huy Đức, tác giả bộ sách nổi tiếng Bên thắng cuộc. Huy Đức ở một mình trong một căn hộ tươm tất và rộng rãi nếu không nói là khá sang của một chung cư nhìn bên ngoài rất cũ kĩ và rất bình dân trên khu Miếu Nổi - Phú Nhuận.
Mở cửa đón chúng tôi anh bắt tay thật chặt và nói hai anh thông cảm vì em không thể xuống dưới đón hai anh được.
Ba chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau suốt  2 tiếng đồng hồ mà chủ yếu là tôi và Trần Kỳ Trung nghe Huy Đức nói về đủ mọi thứ chuyện, trong đó có chuyện anh đã viết và phát hành bộ Bên thắng cuộc như thế nào.
Rồi anh lại giá sách lấy ra bộ Bên thắng cuộc gồm đủ hai tập, tập I Giải phóng, tập II Quyền bính kí tặng chúng tôi. Tôi hỏi nhỏ Huy Đức: Sách này anh in ở Mỹ hay ở VN. Huy Đức nói: Tôi nói dối anh thì không nên mà nói thật thì không được. Chỉ biết còn có sách ở đây để tặng các anh là tốt rồi. Không chỉ tặng sách, tác giả Bên thắng cuộc còn bỏ vô túi xách của tôi thêm chai rượu ngoại: Gửi các anh về nhà uống cho vui.  
Lần đầu tiên gặp và tiếp xúc với con người nổi danh này, tôi thấy thật thiện cảm. Dáng người Huy Đức cao gầy, giọng nói ấm và từ tốn, mỗi câu chữ anh nói ra đều thận trọng.
Thấy trên mặt bàn làm việc của Huy Đức nhiều tài liệu dang dở đang trong tình trạng xử lí, ngại làm phiền đến thời gian làm việc của con người nổi tiếng này, tôi và Trần Kỳ Trung đứng dậy dợm về nhưng Huy Đức vẫn nhiệt tình mời ở lại đàm đạo: Dễ gì mà chúng ta ngồi được với nhau thân tình và tin tưởng nhau như thế này, hai anh cứ ngồi chơi nói chuyện cho thoải mái.
Mặt trời gần tắt hẳn, chúng tôi chia tay nhau. Huy Đức đứng nép một bên khung cửa nhẹ nhàng bắt tay từ biệt chúng tôi: Hai anh thông cảm lần nữa nhé, em không thể tiễn hai anh xuống được. Ở dưới luôn có mấy cậu mật vụ canh chừng, mình không nên đánh động thêm việc cho họ.

Osin Huy Đức tiếp chúng tôi với bộ sách quý và một ấm trà thật đặc theo kiểu dân Bắc

Anh nắn nót viết lời đề tặng chúng tôi bộ sách quý mà tôi đã đọc từ lâu ở trên mạng nhưng không nghĩ có ngày được gặp gỡ chuyện trò lại còn được chính tác giả kí tặng bản in gốc

Đủ cả hai tập Giải phóng và Quyền bính

Theo Huy Đức, trọn bộ 2 tập của Bên thắng cuộc với hơn 800 trang sách in trên giấy tốt này anh đã ngồi ngay cái bàn mà chúng tôi đang uống trà trò chuyện để viết suốt 4 năm ròng. Sau đó anh nhận được một suất học bổng của Đại học Harvard mời sang Mĩ nghiên cứu. Anh đã sang ĐH Harvard chỉnh sửa thêm 6 tháng nữa. Ngày 12 tháng 12 năm 2012, Bên thắng cuộc được xuất bản đồng thời bằng bản giấy in tại California, USA và trên bản điện tử Amazon Kindle. Khi ra đời, Bên thắng cuộc đã gây tiếng vang lớn như một vụ nổ bom tấn ở cả Việt Nam và Mĩ cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Với sự ra đời táo bạo của Bên thắng cuộc, ai cũng nghĩ là Huy Đức sẽ không còn đường trở lại Việt Nam nữa và anh chỉ còn nước ở lại Mĩ và sống hết đời ở bên đó. Nhưng rồi anh đã ung dung trở về qua ngỏ Tân Sơn Nhất với chỉ duy nhất một người bạn dám cả gan ra sân bay đón là nhà thơ Đỗ Trung Quân. Sự đời nhiều khi li kì bí hiểm như thế đó. Điều bí ẩn này chắc chỉ có mỗi Huy Đức giải thích được, nhưng anh lại là một người rất kín kẽ, không dễ gì tiết lộ ra.
Trong lời giới thiệu sách tác giả viết: "Cuốn sách bắt đầu từ ngày 30-4-1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế chính trị học và các nhà xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ bắt đầu kể những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo; đánh tư sản; đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, nói về sự "đồng khởi" của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để giành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc."


Rời nhà Huy Đức tôi và Trần Kỳ Trung băng qua cầu Sài Gòn lên quán cafe Tiếng Thu của Vũ Tiến Thu, bạn đồng nghiệp từ thời dạy ĐH Quy Nhơn trên khu Thảo Điền quận 2, gọi thêm Đào Quốc Toàn, chúng tôi có đủ bộ tứ ngồi nhậu một chầu tưng bừng với một bình rượu 138 (ngâm hoa anh túc) còn nguyên nước cốt thơm lừng của Thu mang từ Bắc vô. Chuyện cứ nổ như bắp rang, cười đến đau cả miệng. Trái sang: Trần Kỳ Trung, HTS, Vũ Tiến Thu, Đào Quốc Toàn, đều là những đồng nghiệp từng vui buồn đói khổ với nhau trong suốt hàng chục năm trời thời còn dạy ở  Đại học SP Quy Nhơn. Hơn 10 giờ khuya chúng tôi mới lưu luyến chia tay nhau. 

Mâm cỗ bày ra, tôi bảo để lấy chai rượu của Huy Đức tặng ra uống, chủ nhà Vũ Tiến Thu gạt đi: rượu của tác giả Bên thắng cuộc tặng, để ông mang về nhà làm kỉ niệm. Bạn bè hiểu nhau thế.



13 tháng 4, 2017

Nhóm bốn tên

Có chị Hương học cùng lớp đại học 12A K2 với tôi từ Vinh vô chơi đang ở nhà Đào Thủy bên Gò Vấp. Thế là sáng nay chúng tôi hẹn gặp nhau. Lê Văn Ngọ đi xe buýt từ quận 7 sang nhà tôi rồi hai thằng đi xe máy sang nhà Thủy.
Ăn nhậu vui đáo để, chuyện thời đi học được kể lại vui nổ trời. Chơi đến 3 giờ chiều mới viền.
Chị Hương tiếng là học cùng lớp với chúng tôi nhưng tuổi lớn hơn nhiều nên cả bọn đều gọi bằng chị. Hồi đó chỉ làm lớp phó đời sống.

Mọi chuyện công danh sự nghiệp … dù  quan trọng đến mấy rồi đến lúc cũng sẽ ở lại phía sau và trở nên vô nghĩa, chỉ bạn bè là còn mãi. 

Trái sang: Ngọ, Sơn, Hương, Thủy




4 tháng 4, 2017

Những bí ẩn theo ta suốt cuộc đời

Nhà thơ nổi tiếng của nước Nga Evtushenko nhập viện ở Mỹ ngày 31 tháng 3 và đã qua đời vào ngày 1 tháng tư 2017.
Evgeny Evtushenko sinh năm 1932 tại vùng Irkutsk. Di sản của ông gồm nhiều tập thơ và 19 bản trường ca. Ông cũng nổi tiếng như một tiểu thuyết gia, đạo diễn phim, nhà biên kịch, nhà báo và diễn viên. 
Trước khi qua đời, nhà thơ yêu cầu được chôn cất tại Peredelkino, ngoại ô Moskva, gần với mộ nhà văn Boris Pasternak.
Nếu sống đến ngày 18 tháng 7, nhà thơ Evtushenko sẽ tròn 85 tuổi. Nhân dịp kỷ niệm này nhà thơ đã lên kế hoạch tổ chức chuyến đi đọc thơ tới các thành phố ở Nga, Belarus và Kazakhstan. Bây giờ thì những dự định tốt đẹp ấy đã theo ông về "thế giới bên kia".
Bài thơ đầu tiên của Evtushenko được xuất bản năm 1949. Sau đó, ông trở thành hội viên trẻ nhất Hội nhà văn Liên Xô. 
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới góa phụ, người thân và bạn bè của nhà thơ Evtushenko.

Evgeny Evtushenko

Evtushenko là nhà thơ vĩ đại, di sản của ông là một phần không thể thiếu của văn hóa Nga. Ông từng đến Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ. Thơ ông được dịch sang tiếng Việt và được bạn đọc hâm mộ, đặc biệt là tập thơ Lọ Lem do nhà thơ Bằng Việt dịch.
Là một người hâm mộ Evtushenko, tôi đã không khỏi bàng hoàng khi nghe tin ông qua đời. Xin được nhắc lại ở đây một kỉ niệm:



Những bí ẩn theo ta suốt cuộc đời 

Có những kỉ niệm đi theo ta suốt cuộc đời. Có những bài thơ hay như kỉ niệm cũng đi theo ta suốt cuộc đời. Như là một điều ám ảnh. Như là một sự ám vào mình. Bài thơ Những điều bí ẩn của nhà thơ Nga Evtushenko  là một trường hợp như vậy. 
Đại học Vinh. Khi tôi đang theo học năm thứ 2 hệ cao học. Cầm tập thơ mỏng mảnh có cái tên giản dị mà gợi sự tò mò Lọ Lem đâu chỉ có 30 trang  của Evtushenko, tôi đã đọc hết veo trong chốc lát. Sau đó chầm chậm đọc lại. Thấy bài nào cũng hay, bài nào cũng thấm đẫm những suy tư lai láng về cuộc đời, về con người. Đã có không biết bao nhiêu tập thơ qua tay tôi, nhưng đến nay, với tôi Lọ Lem vẫn là tập thơ hay nhất. Nó vẫn đi theo tôi suốt từ bấy đến nay sau mấy chục năm trôi đi với bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, vẫn chiếm một chỗ khiêm nhường trong tủ sách của nhà tôi, nhưng là một chỗ không thể không có, một chỗ không thể thiếu không chỉ là trên giá sách, mà trong cả tâm hồn.
Trong tập thơ hay nhất ấy, có một bài thơ hay nhất: Những điều bí ẩn.Theo tư duy thông thường của nhà phân tích, bài thơ được chia làm hai phần.
Phần một với bốn khổ đầu nói về những cảm xúc đầu đời của một thời trai trẻ. Những rung động của tâm hồn có sức mạnh đốt cháy  tơi bời những trái tim trẻ tuổi có thể nhịn tất cả, hy sinh tất cả chỉ vì một chữ yêu. Phần này đặt tên là Bí ẩn đi chân trần.
Phần hai với năm khổ thơ còn lại nói về những trớ trêu, hững hụt khi con người ta đã bước vào tuổi trưởng thành; khi những bí ẩn đam mê rất đỗi thiêng liêng của tuổi trẻ chợt tan biến như bong bóng xà phòng. Những xúc cảm đầu đời nay đã trở thành vô cảm. Cái được ngỡ như đã cầm nắm chắc trong tay với những bí ẩn đi theo ta suốt cuộc đời thì bây giờ, đau đớn thay, cũng có nghĩa là cái đã mất đi. Buồn vô cùng và thất vọng cũng vô biên.
Phần này được định danh là Bí ẩn đã bay xa. 
Evgueni Evtushenko là một nhà văn Nga cự phách.  Những câu chuyện về cuộc đời và văn nghiệp của ông có thể nói cả ngày không hết. Vào năm 1983. Khi Viện văn học Nga mang tên Gooc - ki mở một cuộc thăm dò dư luận với câu hỏi: Nếu được chọn ra hai mươi nhà văn Nga kiệt xuất, bạn sẽ chọn ai. Trong con số hai mươi ấy, có tên tuổi Evtushenko.
Hỏi tiếp: Nếu chọn lại còn mười người, bạn sẽ ghi tên những ai? Mười người vẫn có Evtushenko.
Vậy năm người sẽ có những ai? Vẫn cứ có Evtushenko.   
Câu hỏi cuối cùng của cuộc thăm dò: Nếu chỉ chọn có một người? Tất cả vẫn đồng thanh: Evtushenko.
Evtushenko là như thế đấy.
Sau này, do bất đồng với thể chế xã hội xô viết, Evtushenko sang định cư ở Mỹ, mặc dù ông là người yêu nước Nga đến tận cùng xương tủy. Ở Mỹ, ông sống bằng cách đi đọc thơ trước công chúng và giảng dạy về văn học Nga cho nhiều trường Đại học. Nước Mỹ tự do nhân văn và trọng dụng nhân tài đã không  có chút phân biệt đối xử nào với nhà thơ Evtushenko. Ông sống khỏe theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng và danh giá ở nước Mỹ nhưng lòng vẫn đau đáu về Tổ quốc Nga.
Năm 1991 chế độ Nga - Xô Viết sụp đổ, Evtushenko đã nhiều lần  trở về với quê hương, tổ quốc Nga của ông, song ông vẫn định cư chính ở nước Mỹ. Và ông lại tiếp tục vẫn là thần tượng của những người Nga có tâm hồn.
Tôi thích Những điều bí ẩn của Evtushenko đến nỗi sau khi đã giảng xong giáo trình văn học TQ cho sinh viên, bao giờ cũng kết thúc và từ biệt các lớp sinh viên bằng cách giới thiệu vài nét về tác giả Evtushenko và đọc bài thơ Những điều bí ẩn cho họ nghe như để tạo một dư ba về sự đồng cảm giữa những người yêu văn học với nhau.
Sau tất cả những điều đó, tôi mới  kính cẩn cúi chào sinh viên  ra về.
Và đây, bạn hãy cùng thưởng thức những hạt ngọc trong một bài thơ toàn là ngọc ngà châu báu của Evtushenko. Và bạn cũng đừng quên tài năng của dịch giả bài thơ này từ tiếng Nga sang tiếng Việt là nhà thơ Bằng Việt nhé.                

NHỮNG ĐIỀU BÍ ẨN

Những bí ẩn của tuổi thơ tan biến
Như những bến bờ sáng sớm mù sương...
Thuở những Tônhia, Tanhia duyên dáng
Bí ẩn đi nhón gót giữa sân trường!

Bí ẩn những vì sao, bí ẩn bao loài thú,
Gốc liễu khác thường ư? Vì một đám côn trùng
Và cánh cửa bí ẩn kêu cọt kẹt
Chỉ riêng ở tuổi thơ, cánh cửa mới lạ lùng

Những kỳ quan tỏa xa trên khắp miền thế giới
Như những quả bóng màu, không biết thổi từ đâu
Cứ liên tiếp nhả ra từ miệng nhà ảo thuật
Làm đám trẻ mê đi khi chứng kiến phép màu.

Và đôi bạn gái trai, lướt trên băng bí ẩn.
Chợt áp mặt vào nhau, khẽ bí ẩn thầm thì,
Tay vừa khẽ chạm tay đã như luồng điện giật
Vừa rụt rè, vừa nóng hổi, say mê...

Ấy thế rồi tuổi trưởng thành vụt đến
Tấm áo cũ vẫn choàng, giờ rách hết còn đâu?
Và tất cả mọi phép màu phù thủy
Đều vụt bỏ rơi ta, về với lứa em sau!

Bí ẩn quên ta rồi, ta lớn rồi phải khác.
Các vị phù thủy ơi, sao ác nghiệt quá chừng!
Tuyết vẫn tuyết rơi trên vai như trước
Nhưng rơi thế rồi thôi, chẳng một chút động lòng.

Những quả bóng nhiều màu từ miệng nhà ảo thuật
Chẳng hồi hộp nữa rồi, buồn chán biết bao nhiêu!
Bao người khác quanh ta chẳng làm ta háo hức
Và họ cũng nhìn ta thô thiển, sỗ sàng theo!

Nếu tay lại bắt tay, hay vô tình khẽ chạm
Thì có gì đâu, cũng chỉ giống tay mình!
Rất đơn giản là tay, nào có gì bí ẩn,
Nào còn lại gì đâu những cảm giác si tình!

Bí ẩn rất đơn sơ nhưng vẫn cần bí ẩn,
Dù ít dù nhiều, xin trả lại cho ta...
Bí ẩn rất lặng yên, rụt rè và nhút nhát,
Bí ẩn đi chân trần, mảnh dẻ, đã bay xa!
                    
(Nguồn: Lọ lem, thơ Evtushenko, Bằng Việt dịch

Ảnh: từ Internet)