24 tháng 7, 2014

Xách ba lô lên và ...



Năm nào cũng vậy, hình như tháng Bảy với những ai từng có một thời mài mòn đũng quần trên ghế một trường học từ phổ thông đến đại học nào đó, là tháng của gặp gỡ hội hè, từ hội trường đến hội lớp, hội khóa.
Và năm nay cũng vậy, chẳng bỏ công năm ngóng tháng chờ. Già rồi, đi họp lớp thích lắm. Bởi tuổi già thường sống với quá khứ, hay nhớ về kỉ niệm.
Chẳng thế mà giấy mời ghi 27 tháng 7 mới họp khóa  nhưng từ hôm qua, trong lúc tôi đang chúi mũi vô công việc thì thằng Đỗ |Kiến Quốc bên ĐHBK đã nhắn tin hỏi ngày nào mày đi, tao bay ra từ hôm qua rồi.
Thằng Phạm Bá Chiểu thì mấy bữa nay thấy im im, tưởng hắn vẫn đang trùm mền bên quận 2 để làm thơ tình tặng các em đăng mỗi này một bài sướt mướt trên phây thì hôm nay bỗng gọi gọi ới ời: mày ơi, tao ra Hà Nội trước mấy ngày nay rồi, mai sẽ có mặt ở Đồng Hới.
Rồi Lê Khắc Chân Như mấy tuần trước, từ Hà Nội cũng gọi cho biết sẽ vô họp lớp sớm từ ngày 25 tháng 7. Còn hỏi HTS có đi không. Hỏi thế có khác gì thách nhà giàu húp tương nhỉ.
v.v…
chúng nó làm tôi sốt cả ruột.
Tôi nhận được Thư mời của BLL khóa từ Đồng Hới gửi vô mà như cởi được tấm lòng. Như buồn ngủ gặp chiếu manh.
Giấy đăng kí nghỉ hè sớm gửi đi và đã được sếp gật rồi.
Vậy thì còn chần chừ gì nữa. Xách ba lô lên và...ra sân bay thôi.








19 tháng 7, 2014

Chấm thi tuyển sinh


Đến hẹn lại lên, năm nay tôi lại tham gia chấm tuyển sinh môn văn khối D cho Trường KTL trong vai trò tổ trưởng tổ chấm kiểm tra.
Một kì thi có được gọi là thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chấm thi mang ý nghĩa quyết định. Vì thế mà mọi người đều tham gia với tất cả trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. 
Thương các thí sinh khối D vì năm nay đề văn hơi bị khó.

 Làng Đại học QG TP. HCM tại P. Linh Trung, Thủ Đức nhìn từ lầu 6 ĐH. KTL

Vào những ngày này, trong lúc các thí sinh đang dài cổ ngóng trông kết quả thi của mình sẽ lần lượt được xuất hiện đầu tiên trên một số mặt báo thì ở các trường đại học đã và đang khẩn trương tổ chức chấm thi tuyển sinh của kì thi đại học năm 2014..
Ai cũng biết tất cả các khâu diễn ra của một kì thi tuyển sinh từ ra đề thi, tổ chức thi đến chấm thi, công bố kết quả thi là cả một quá trình quan trọng như thế nào. Ở mỗi khâu trong đó cũng là một quy trình nghiêm ngặt khác được quy định từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và từ Hội đồng tuyển sinh của các trường đại học. Tất cả đều nhằm để có được một kì thi nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả và khách quan.
Riêng ở khâu chấm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hẳn 2 điều 27 và 28 trong Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy. Từ đó hội đồng tuyển sinh của các trường đại học ban hành quy trình chấm thi. Ở mỗi trường sẽ thành lập một ban chấm thi. Mỗi môn có một tổ trưởng chấm chính thức và một tổ trưởng chấm kiểm tra. Các túi bài thi được các thành viên của một ban thư kí dồn túi và đánh phách theo một trình tự nhất định kèm theo một phiếu chấm được thiết kế để các giám khảo chấm trọn vẹn một túi bài phù hợp và đảm bảo theo nội dung của đáp án.
Giám khảo của các các tổ chấm được dành hẳn một thời gian đủ dài để nghe tổ trưởng hướng dẫn chấm thi; thảo luận về việc chấm thi theo đáp án. Sau đó tổ trưởng môn chấm sẽ cho cả tổ chấm chung khoảng 5 bài để mọi người vừa làm quen với đáp án, với quy trình chấm; vừa thống nhất quan điểm chấm đúng theo đáp án của Bộ.  
Mỗi bài thi sẽ được chấm ít nhất với 2 giám khảo 1 và 2. Các giám khảo phải bắt thăm để biết mình chấm túi bài số mấy. Tổ trưởng sẽ rút một tỉ lệ bài theo ngẫu nhiên để chấm lần 3. Mỗi lần chấm được hội đồng tuyển sinh quy định bằng một màu mực thống nhất. Việc chấm thi theo đúng màu mực giữa các lần chấm là một nguyên tắc bắt buộc. Chẳng hạn ở Trường Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, ở tổ chấm thi chính thức quy định: chấm lần 1 màu tím, chấm lần 2 màu đỏ, chấm lần 3 (của tổ trưởng) màu xanh lá. Sau khi chấm chính thức, một tỉ lệ bài theo quy định được rút ngẫu nhiên để chuyển cho tổ chấm kiểm tra. Ở tổ chấm kiểm tra lại có 3 màu mực khác. Trong đó chấm lần 1 màu nâu, chấm lần 2 màu hồng, chấm lần 3 (của tổ trưởng) màu cam. Chỉ riêng việc tìm cho ra đủ các sắc màu mực để chấm cũng đã là cả một kì công của các hội đồng chấm rồi. Đó là chưa nói chuyện sau khi công bố điểm thi chính thức, sẽ có một lượng thí sinh làm đơn yêu cầu chấm phúc khảo. Khi đó mỗi bài thi phúc khảo sẽ có thêm 3 màu mực nữa của hai giám khảo chấm và của chủ tịch hội đồng. Chỉ chừng đó cũng đã đủ để làm nhức đầu các thành viên ban thư kí chấm thi.
  Lại được gặp cái cổng trường rất giản dị nhưng rất đáng kính trọng của Trường Đại học KTL, giản dị như cổng của một công trường đang xây dựng nhưng lại đang là niềm mơ ước cháy bỏng được đặt chân vào của hàng vạn thí sinh trên cả nước.
 
Trong quá trình chấm, để đảm bảo khách quan, những người chấm thứ nhất và những người chấm thứ hai ngồi ở những phòng khác nhau và không biết ai là người chấm chung bài với mình. Người chấm thứ nhất chỉ được phép chấm trên phiếu chấm, tuyệt đối không được đặt bút vào bài thi. Người chấm thứ hai sẽ chấm trực tiếp trên bài. Việc đối chiếu điểm giữa hai lần chấm do ban thư kí thực hiện. Sau đó hai giám khảo chấm lần thứ nhất và lần thứ hai sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất điểm cho mỗi bài và chính thức ghi điểm vừa bằng số vừa bằng chữ rồi cùng kí tên vào bài.
Sau khi chấm kiểm tra xong, nếu có sự chênh lệch điểm với lần chấm chính thức thì tổ trưởng chấm chính thức và tổ trưởng chấm kiểm tra sẽ ngồi lại với nhau đối thoại để thống nhất điểm chấm cuối cùng. Trường hợp hai tổ trưởng không thống nhất được với nhau, điểm chấm của bài thi được xác định dựa trên trung bình cộng đã làm tròn đến 0,25 của các lần chấm.
Khu vực chấm thi được đặt trong hai lớp bảo vệ nghiêm ngặt. Vòng ngoài đặt ở tiền sảnh ra vào dưới chân cầu thang máy. Vòng trong ở ngay hành lang tầng lầu dành làm khu vực chấm. Chỉ có các lãnh đạo Hội đồng tuyển sinh và những người trong Ban chấm thi mới được đặt chân vào.
Có thể khẳng định, việc chấm thi tuyển sinh vào đại học được thực hiện hết sức công phu và nghiêm ngặt. Tất cả nhằm bảo đảm tính khách quan, khoa học và hiệu quả. Từ đó bảo đảm được quyền lợi chính đáng của thí sinh và tuyển chọn được những thí sinh xứng đáng vào các trường đại học.

                                  Một cặp giám khảo tổ chấm kiểm tra


            Khu chế xuất Linh Trung nhìn từ lầu 6 Đại học Kinh tế - Luật


11 tháng 7, 2014

Nếu em rớt hãy chôn em với cái ...đề

Đó là câu hát nghêu ngao thấm đẫm chất bi hài của mấy thí sinh mang một khuôn mặt méo xèo xẹo sau khi bước ra từ phòng thi đại học môn văn khối D. Câu hát đó nhại theo lời của Lorca "Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta" được Thanh Thảo lấy làm lời đề từ cho bài thơ Cây đàn ghita của Lorca. Đó cũng là lời ca trong bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng phỏng theo bài thơ cùng tên của Thanh Thảo: Cây đàn ghita của Lorca  nằm trong câu 3 của đề thi văn khối D năm nay.

Phải thừa nhận rằng đề thi môn văn của cả 2 khối C và D năm nay quả là khó nhằn. Ở khối C là tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, khối D là Cây đàn ghita của Lorca của Thanh Thảo. Cả 2 tác phẩm này hầu như rất ít được nhắc đến trong các buổi luyện thi đại học ở những lò luyện trên cả nước. Và tôi cam đoan rằng ngay trong chương trình dạy chính khóa ở PTTH, các thầy cô dạy văn cũng không ít người nhẹ nhàng lướt qua hai tác phẩm này. Đơn giản vì nó vừa khó hiểu với tuổi học trò, lại vừa khó thuộc. Nhất là ở bài thơ Cây đàn ghita của Lorca là một tác phẩm mới được tuyển chọn vào chương trình. Đây là một bài thơ được viết theo trường phái vừa siêu thực vừa tượng trưng vốn rất mới lạ với người đọc Việt; hai ý kiến đặt ra từ đề bài lại phiến diện đòi hỏi tư duy rất sắc sảo của học trò trong quá trình luận bàn. Đó là một nhận định nước đôi rất gần nhau và nghe ra bên nào cũng có lí: Hình tượng Lorca với ý kiến cho rằng mẫu nghệ sĩ - chiến sĩ vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình. Và cũng có ý kiến cho rằng đó là mẫu nghệ sĩ thuần túy chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật nhưng bị giết hại oan. Ra đề thế chỉ nhằm đánh đố học trò.
 Mà đa số học sinh vừa đi qua lớp 12 bây giờ học văn như nhai củ mì trộn với bắp thì lấy đâu ra cảm hứng và tư duy sắc sảo cơ chứ.

Trong lúc đó thì năm nay, với biển Đông đang nóng lên vì vụ dàn khoan HD 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta, các thầy luyện thi dồn hết tủ vào tư duy biển đảo và gìn giữ chủ quyền đất nước. Thậm chí trên mạng xã hội  facebook  có thí sinh còn nhanh nhạy rất thời sự đến mức cho rằng nhà văn Tô Hoài mới chết hôm qua, đám tang còn chưa diễn ra nên hôm nay thế nào Bộ cũng ra đề thi vào Vợ chồng A Phủ của ông ấy!!!  

Vì thế mà ngay khi đọc cái đề, các em đã nghĩ mùa thi đại học này mình chết là cái chắc. Chết với cái đề kiểu này; chết luôn với tác giả và tác phẩm này. Với tất cả sự hồn nhiên đáng yêu của tuổi học trò, chúng đã biến câu hát Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta thành ra câu Nếu em rớt hãy chôn em với cái đề thi  văn!  như một sự trêu ngươi các giám thị, trêu ngươi hội đồng thi cho…vui. 

                            Nếu em rớt hãy chôn em với cái đề thi  văn!

 Chẳng thế mà có ông giáo luyện thi văn lâu năm đã phát biểu rất cảm khái: Với đề thi kiểu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đốn ngã nốc ao các lò luyện thi chỉ trong gang tấc.


Thiệt là khổ và tội nghiệp cho lũ học trò ăn chưa no lo chưa tới. Thương luôn cả các bậc phụ huynh lặn lội đưa con lên Thành phố thi và trông chờ kết qủa thi cử của con với tất cả niềm hi vọng tràn trề.

Có lẽ trong kì chấm thi tuyển sinh năm nay, các giám khảo môn văn phải vận dụng hết lòng nhân ái để cho học trò tội nghiệp của mình được qua cầu phần nào. 


                                              Mệt mỏi và tràn trề hi vọng





1 tháng 7, 2014

Tản mạn về Thành phố



Hôm bữa đưa Nguyễn Xuân Sùng đi tham quan Dinh Độc Lập. Trở về đúng giờ tan tầm làm việc buổi chiều tối, xe máy phải nhích, lách từng tí một để tiến lên, nhất là khi qua những vùng trọng điểm như vòng xoay nhà thờ Đức Bà, vòng xoay Cộng Hòa, ngã năm Chuồng Chó, ngã sáu Gò Vấp... để về đến nhà Thu Huệ ở mãi Hạnh Thông Tây. Vốn quen đi đường ở Ba Đồn, Sùng lắc đầu có vẻ chán nản nhưng lại lấy làm khâm phục nghị lực của dân Thành phố ở 3 điều: Một là đi xe giỏi, hai là có sức khỏe, ba là đầu óc rất tỉnh táo. Thiếu một trong ba điều đó thì không thể chạy xe trên đường phố Sài Gòn được. Sùng còn thêm một nhận xét nữa là dù chật chội tắc đường như thế nhưng dân SG đi xe không có thói quen bóp còi, không văng tục chửi thề. Cứ lẳng lặng mà đi. Mà lại còn rất chịu khó nhường đường cho nhau nữa.
Điều này thì không chỉ có Sùng mà trước đây khi tôi đưa những người bạn khác như chị Đỗ Thị Kim Liên, rồi Uông Ngọc Dậu… từ Vinh, từ Hà Nội vào đi dạo dọc phố SG với những con đường dài dằng dặc cũng đã đưa ra những nhận xét như thế. Thậm chí GS. Liên còn nhấn mạnh một cách rất tu từ học: Phải là người có sức khỏe vô địch mới tồn tại được ở Sài Gòn. Còn Dậu thì nói Sài Gòn và Hà Nội cùng kẹt xe như nhau nhưng kẹt xe ở Sài Gòn không lưu manh như kẹt xe ở Hà Nội. Tôi thì nghĩ có lẽ là nhập gia nên phải tùy tục thôi. Ở đất Sài Gòn này nếu bạn làm ngược lại sẽ không có đất sống.
Tôi có một bài viết cũng đã lâu, đã đăng ở đâu đó vài nơi, kể cả được trích dẫn đầy đủ trên một trang mạng ở hải ngoại, nhưng không hiểu vì sao lại không có trên blog này, thấy trùng hợp với chủ đề này nên đăng lại ở đây. Cũng là một cách để giữ lại cảm xúc của mình:

                                   Đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1

Tản mạn về Thành phố

Chẳng biết tự bao giờ, người Sài Gòn và các tỉnh thành ở miền Nam có thói quen gọi rút gọn thành phố Sài Gòn chỉ ngắn gọn là Thành phố. Khi bạn nghe một ai đó nói họ vừa đi Thành phố về  thì bạn phải hiểu là họ vừa đi Sài Gòn về, dù nơi họ đang ở cũng đã là thành phố như Cần Thơ, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku hay Đà Lạt... Có lẽ trong mắt người miền Nam chỉ có Sài Gòn mới thực sự là thành phố. Thành phố từ một danh từ chung, với người miền Nam đã thành một danh từ riêng được viết hoa. 
Thành phố rộng mênh mông đến mức đầu đường phía này mưa như trút mà ở đầu phía kia đường thì nắng ráo như không. Thành phố rộng mênh mông mà ở đâu cũng chật chội với những người là người. Người như nêm cối ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của Thành phố.
Vậy mà ai cũng có một chốn để dung thân ai cũng có một công ăn việc làm. Và hơn thế ai cũng có một sự nghiệp miễn là người đó có nghị lực và biết chịu khó chắt chiu để sống. Đến với Thành phố không bao giờ là muộn.
Thế mới biết Thành phố bao dung làm sao.
Có một cảm nhận chung là ở Thành phố, do rộng quá nên ai sống ở đâu chỉ biết chủ yếu ở nơi đó. Nhưng ai ở đâu cũng thấy nơi mình đang ở là hay. Vậy thì ở Thành phố, sống ở nơi nào cũng hay cả.
Thành phố đúng là miền đất lành.  
Sáng sáng ta hơi vội vàng dong xe đi chiều chiều lại thong thả dong xe về kết thúc một ngày làm việc giữa cơ man người và xe ken vào nhau dày đặc mà thấy yêu vô cùng khung cảnh nhộn nhịp và hối hả cũng vô cùng của cuộc sống. Có lẽ không ở đâu mà cư dân lại hăm hở sống hăm hở làm việc như ở Thành phố này.
Thế mới biết Thành phố và con người Thành phố năng động đến mức nào.  Chỉ có những con người thực sự yêu đời yêu cuộc sống thì mới có phong cách sống năng động như thế.
Dù không đến mức như trong thơ Chế Lan Viên Gặp mỗi mặt người đều  muốn ghé môi hôn nhưng ta yêu đến vô cùng sự hối hả và năng động sống của cư dân Thành phố. Sống mà lờ đờ nước hến thì chán chết.
Cứ sống hết mình, làm việc hết mình ta sẽ gặp chính con người mình và ước nguyện của chính mình.  
6-2011