23 tháng 12, 2011

Khúc vĩ thanh

Tôi dự định là lần này sẽ viết cho kì hết những mẩu chuyện để lại ấn tượng mạnh nhất như là những kỉ niệm không bao giờ phai của mấy năm ở lính theo kiểu nói một lần để không bao giờ nhắc lại nữa nhưng rồi chợt nghĩ chẳng việc gì phải thế. Có viết hết ra đây thì rồi cũng cứ phải chất chứa thêm một vài ngăn nữa trong lòng. Làm sao mà đoạn tuyệt cho hết được qúa khứ khi mà nó đã thành một phần đời bất đắc dĩ của mình.
 Nhưng rồi cũng phải có phần vĩ thanh cho khúc ca bi tráng này.
Tối qua, nhân ngày 22-12, nhóm đồng đội cựu chiến binh là Sv hiện đang sống ở Sg gồm tổ tam tam Nguyễn Quang Ngọc khoa sinh, Lê Đình Nguyên khoa hóa (Nguyên chính là thằng lính của trung đòan bộ binh 273 có mặt trong trận đánh căn cứ Suối Tre mà tôi đã kể ở phần 3, còn Ngọc là lính của trung đoàn 266 từng đánh trận chi khu Định Quán, trận này đánh xong cả trung đoàn của Ngọc gom lại không đủ quân số một tiểu đoàn, có đại đội bộ binh gom lại không đủ một tiểu đội) và tôi đã ngồi với nhau ở quán thịt dê Lê Văn Sĩ để ôn cố tri tân.
Cả ba thằng đã hạ quyết tâm là Tết này, sau những ngày cố thủ ở Sg để ăn Tết với vợ con, khoảng sau ngày 5 Tết sẽ làm một chuyến hành hương về quê nhà của cả 3 thằng với mô hình ba anh em trên một chiếc Toyota, đi cho đến rằm tháng giêng thì quay về nhiệm sở. Không biết rồi có thành hiện thực hay không thì hạ hồi sẽ phân giải.   Nếu xưa nay mà nói đi đôi được với làm thì Vn ta đã thành thế giới đại đồng lâu rồi. Vấn đề còn ở chỗ không biết là lúc đó người nói hay bia nói nữa.
Cũng trong bữa tiệc mini trên, chúng tôi đã ngậm ngùi nhớ về những thằng lính Sv cùng ra trận với mình mà đã không có ngày trở lại trường đại học khi chiến tranh đã đi qua. Những Ngân khoa sinh, Ngôn khoa văn, Tiến và Trúc khoa Hóa.v.v… Nhớ bạn bè đồng đội chúng tôi đã chuyền tay nhau cái đt gọi đến rất nhiều những bạn bè đang sống ở khắp mọi miền đất nước để thăm hỏi và chúc nhau vui khỏe với đời, nhưng những cái tên bạn bè đã thành liệt sĩ ở trên thì ... không thể. Ngân, Ngôn, Tiến, Trúc ... ơi, thông cảm cho bọn tao nhé.
Ở đời cái gì mà không có giá cơ chứ, nhưng sự trả giá cho cuộc chiến này là quá đắt và không ít điều vô lí.     

20 tháng 12, 2011

Chuyện ở lính bây giờ mới kể 3

5/ Ở sở chỉ huy tiền phương

Khi vào đến chiến trường B2, bộ chỉ huy của sư đoàn bao giờ cũng phải chia làm hai bộ phận gọi là sở chỉ huy tiền phương và sở chỉ huy hậu phương. Gọi là hậu phương nhưng thực ra cũng đều là đang ở tiền phương như nhau. Chia ra làm hai là để lỡ có bị chết thì cũng không chết hết, vẫn còn một nửa để chỉ huy.
Trong trận đánh ở Suối Tre Long Khánh, tôi đi với Sở chỉ huy tiền phương do Đại tá Chính ủy Trần Nguyên Độ làm chỉ huy trưởng. Nếu ở Chuyện lính (2) Đại tá sư trưởng Trần Văn Trân được tôi và đồng đội coi là một thần tượng thì với đại tá chính ủy Trần Nguyên Độ lại là một tấm gương khác, tấm gương của một trí thức điềm đạm và uyên bác. Trước khi về sư đoàn Sông Lam 341 nhận nhiệm vụ chính ủy, ông được cử sang Liên Xô học ở học viện quân sự chính trị cao cấp. Trong thời gian này Trần Nguyên Độ đã tranh thủ bảo vệ thành công  luận án phó tiến sĩ triết học. Vì thế, những người lính Sv như chúng tôi không thể không lấy làm ngưỡng mộ vị chính ủy của mình. Riêng tôi thấy mình thật là may mắn và tự hào khi được làm lính của một sư đoàn có hai đại tá chỉ huy như Trần Văn Trân và Trần Nguyên Độ.
Trở lại với cái lần đánh trận ở Suối Tre. Chúng tôi đào hầm hào và tác chiến tại sở chỉ huy tiền phương trong cánh rừng nhỏ bao bọc bốn phía một cái trảng cỏ rộng bằng cái sân bóng đá. Phía trước tiền duyên ở căn cứ Suối Tre của địch, một trong ba trung đoàn bộ binh của sư đoàn tôi là trung đoàn 273 đang bao vây tiêu diệt căn cứ này. Sở chỉ huy tiền phương của chính ủy Độ là cấp chỉ huy cao nhất của trận đánh đó. Vào giữa trưa thì chợt nghe tiếng xe tăng địch gầm rú ở phía bên kia trảng cỏ đối diện với sở chỉ huy tiền phương. Lúc đó chính ủy Độ đang chăm chú nghiên cứu tấm bản đồ mặt trận. Mấy lính vệ binh sư đoàn mặt mũi tái mét hớt hãi chạy vào báo cáo là có hàng chục xe tăng địch đang tiến về hướng sở chỉ huy của chúng ta. Nghe báo cáo xong, sau một lúc suy nghĩ, ông ra lệnh: tất cả từ sĩ quan đến chiến sĩ nhảy hết lên khỏi hầm hào, chạy đi chạy lại và dùng tất cả các loại súng có trong tay bắn về phía trước nơi có xe tăng địch, không ai được ẩn nấp.
Nói thật lúc đó tôi hoang mang và sợ hãi vô cùng vì là sở chỉ huy tiền phương nên chỉ có khoảng hơn ba chục người vừa sĩ quan vừa lính. Vũ khí thì chỉ có tiểu liên AK và súng lục với một ít lựu đạn, không có lấy một khẩu trung liên. Chưa bao giờ tôi ở gần và thấy rõ nhiều xe tăng địch với tiếng gầm rú kinh hoàng đến thế. Trong đầu tôi kịp hiện lên ý nghĩ: có lẽ đây là những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Lúc đó là đầu tháng Tư năm 1975, tôi vừa đi qua tuổi 20 được ba tháng.
Vậy mà sau một hồi quân ta vừa chạy đi chạy lại dưới rừng cây vừa bắn thí mạng súng lục và AK về phía trước, bỗng nhiên thấy xe tăng địch quay đầu tháo chạy về hướng khác, để lại sự im ắng lạ thường. Thật là hú hồn. Chúng tôi đã thoát chết trong gang tấc mà vẫn không hiểu là vì sao cả. Nếu xe tăng địch không cần bắn chỉ dấn thêm hết qua trảng cỏ thì  đại tá chính ủy sư đoàn và tất cả chúng tôi đều đã bị nghiền nát dưới bánh xích để trở thành liệt sĩ rồi.
Khi đã yên hàn, chính ủy Độ mới giải thích với nhóm sĩ quan tác chiến: Đơn vị xe tăng này của địch không phải là đi làm nhiệm vụ tấn công mà là đang trên đường tháo chạy về Xuân Lộc. Do vậy chúng rất sợ bị rơi vào ổ phục kích của quân ta. Khi thấy từ phía bên kia trảng cỏ thấp thoáng bóng quân ta chạy đi chạy lại và tiếng súng nổ liên hồi thì cho đó là ổ phục kích của quân ta;  đang lúc hoang mang thần hồn nát thần tính nên chúng quay lui tháo chạy tìm đường khác để về Xuân Lộc.
Chính sự thông minh, bình tĩnh và quyết đoán đến tuyệt vời của chính ủy sư đoàn đã cứu nguy cho mạng sống của cả sở chỉ huy tiền phương, trong đó có thân tôi. Sau này còn nhiều dịp may mắn thoát chết khác nữa nhưng lần đó đối với tôi vẫn là rùng rợn nhất và may mắn nhất.
Đại tá Trần Nguyên Độ hồi đó khoảng hơn 50 tuổi nhưng tóc bạc trắng như cước. Tôi không nhớ rõ lắm nhưng hình như ông quê Nam Hà. Ông được thăng cấp hàm thiếu tướng năm 1982. Năm 1983 ông được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Binh đoàn Dầu khí 318. Rồi ông nghỉ hưu theo chế độ. 

16 tháng 12, 2011

Chuyện ở lính bây giờ mới kể 2

Ở Chuyện lính 1 là những mẩu có thực 100% nhưng chỉ là để cười cho vui về một thời ấu trĩ của đất nước thời dã man. Bây giờ là lúc không thể không kể về những kỉ niệm mà tôi và đồng đội vẫn nhói lòng mỗi khi nhớ lại sau hơn 35 năm cuộc chiến đã đi qua.  Nhưng trước hết là một kỉ niệm nghiêm túc:

4/ Vì sao phải đi đều hay là chuyện về Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân
Đó là một buổi chiều cuối năm, trời miền tây Lệ Thủy rét căm căm trong cơn mưa phùn gió bấc. Đại đội tôi được lệnh tập hợp để đón tư lệnh sư đoàn xuống huấn thị trước lúc lên đường vào Nam ra trận. Xin nói thêm C20 của tôi là đại đội trinh sát trực thuộc ban quân báo sư đoàn nên được các chỉ huy sư đoàn coi như con cưng.
 Vị tư lệnh của sư đoàn 341 chúng tôi hồi đó là đại tá Trần Văn Trân, gọi  thân mật theo kiểu miền Nam là Ba Trân. Với tôi và đồng đội trong đại đội trinh sát sư đoàn C20, đại tá Ba Trân là một thần tượng. Ông vừa được phía bên kia trao trả theo hiệp định Pa ri tại dòng Thạch Hãn Quảng Trị. Ngay sau khi được trao trả, ông nhận nhiệm vụ chỉ huy sư đoàn của chúng tôi để đưa cả sư đoàn vào sâu trong chiến trường miền Nam, nơi mà ông đã rất quen thuộc trước khi bị quân đội Sài Gòn bắt giam.  
Riêng chuyện ngày trao trả của ông thì tôi và các bạn bè được nghe chính từ ông trưởng ban 2 kể lại với sự thán phục và kinh ngạc đến mức không dám chớp mắt.
Chuyện rằng trong một lần đi chuẩn bị chiến trường ở vùng Bảy Núi, An Giang vào năm 1970, đoàn cán bộ tham mưu của ông bị quân địch bao vây và bắt gọn, nhiều người bị bắn chết. Khi đó ông là thượng tá sư đoàn trưởng. Đúng lúc người lính y tá bị trúng đạn ngã xuống ngay bên cạnh, ông đã nhanh chóng gỡ cái túi quân y của anh ra và đeo vào người với ý nghĩ là trong đó có nhiều thuốc men sẽ có lúc dùng đến. Ngay khi đó thì ông bị bắt. Bị tra hỏi ông đã khai nhận mình là y tá của đơn vị. Quân địch tin ngay vì bằng chứng là thấy ông đang đeo cái túi quân y đầy thuốc men. Ở trại giam tù binh Cần Thơ, ông được cử làm y tá của nhà tù, may mà lính ta hồi đó ai cũng có chút ít kiến thức về y tá. (Ngay ngu ngơ như tôi cũng đã mất mấy ngày học cách băng bó, rồi lấy ống tiêm hút nước lã chích vô thân cây chuối hàng chục lần). Nhưng phía địch vẫn gợn chút nghi ngờ vì thấy phong thái người lính y tá này sao chững chạc ra dáng quá. Chúng vẫn tiếp tục điều tra và nghe phong thanh hình như đây chính là vị thượng tá sư trưởng. Chúng lại lôi ông lên tra khảo. Có phải ông là thượng tá VC không. Ông nói đúng như vậy. Anh em trong đơn vị thấy tôi lớn tuổi đi lính lâu năm mà chỉ lên đến thượng sĩ y tá nên gọi tôi là thượng tá để trêu chọc. Đám sĩ quan phía bên kia cười thú vị và lấy làm tin về điều đó.
Ngày trao trả ông ở bờ sông Thạch Hãn là ngày 18 tháng 3 năm 1973, trong danh sách trao trả có tên ông, sau hơn ba năm ở trại tù binh Cần Thơ. Từ bên phía bờ nam nhìn sang bờ bắc, phía quân đội Sài Gòn thấy hôm đó có điều không bình thường so với những ngày khác. Xe ô tô con quân sự xuất hiện nhiều hơn. Chúng nghĩ ngay là trong số tù binh trao trả hôm  nay chắc  có nhân vật quan trọng. Vậy là chúng cho đưa  tù binh trở lại hết, trong đó có thượng tá Trân. Phía ta đấu tranh dữ dội. Hôm sau buộc chúng phải đưa lại để trao trả danh sách tù binh hôm qua. Hôm nay, phía bờ bắc lại lặng lẽ hơn, không khác thường như hôm qua. Đến lượt trao trả, tù binh Ba Trân được xướng tên, ông vừa bước lên thì có tên sĩ quan gọi giật lại. Biết là lại có trục trặc, ông nhanh chóng lao mình xuống sông và lặn một hơi thật dài ra gần giữa dòng Thạch Hãn mới nổi lên rồi nhanh chóng bơi sang phía bờ bắc. Bên này quân ta vội cho  thuyền ra đón ông vào. Vậy là thoát. Lúc nhìn thấy xe con của ta ở bờ bắc đón và chở ông chạy vút đi, phía quân đội Sài Gòn mới phát hiện được ông chính là một sĩ quan cao cấp, biết là trao trả nhầm nhưng đã quá muộn, một sai lầm không có cơ hội sửa.
Chuyện về vị chỉ huy của mình như thế, làm sao mà lũ lính sinh viên chỉ biết ăn với học như tôi không khâm phục được.

                                  Thiếu tướng Trần Văn Trân (1927-1997)                   

Ng
ay sau đó quân hàm của ông được gắn thêm một sao để thành đại tá và trở thành tư lệnh sư đoàn 341 mà tôi là lính trinh sát của sư đoàn ông.
Trở lại với buổi huấn thị trước ngày ra trận của sư trưởng Ba Trân. Ông đứng nhìn cả đại đội tôi duyệt binh đi đều trên một thửa đất trống và dơ tay lên vành mũ chào. Chúng tôi đi đều bước và nhìn ông ngưỡng mộ.
Kết thúc duyệt binh, đại tá Trân mới đứng trước hàng quân và hỏi: Các đồng chí có biết vì sao phải tập đi đều. Trong chúng ta đây ai cũng biết là ngày ra trận chỉ còn tính bằng giờ, vậy việc gì phải tập đi đều cho mệt, sao không dành thời gian để tập bắn súng lăn lê bò toài có ích hơn. Có mấy chiến sĩ nhanh nhảu giơ tay phát biểu nhưng đều không trúng ý sư trưởng. Sau cùng ông giải thích: Đúng là vào chiến trường chả ai cần biết đi đều làm gì. Chỉ cần bắn súng cho giỏi là được. Nhưng khi đi đều, người chỉ huy hô 1 là1, hô 2 là 2. Nghĩa là quân lệnh phải như sơn. Đi đều đó chính là cách để rèn luyện ý thức phục tùng mệnh lệnh của chỉ huy. Vì thế mà phải tập đi đều. Rõ chưa? – Cả đại đội đồng thanh: Rõ.
Thật là không thể chí lí hơn. Từ phút đó trong mắt tôi đại tá Trân không chỉ là vị chỉ huy cao nhất của sư đoàn mà hơn thế ông còn là thầy của tôi.
Sau này ông Ba Trân đã đưa cả sư đoàn chúng tôi vào tận mặt trận miền Đông Nam Bộ,  sư đoàn được đổi phiên hiệu từ Sông Lam 341 thành sư đoàn 1 trong đội hình quân đoàn 4 do trung  tướng Hoàng Cầm làm tư lệnh, đánh trận Xuân Lộc nổi tiếng, giải phóng Sài Gòn và làm quân quản Thành phố cho đến ngày có chính quyền dân sự. Đại tá Ba Trân được thăng hàm thiếu tướng và chuyển làm phó tư lệnh quân đoàn 4; rồi ông lên Đà Lạt làm phó giám đốc học viện lục quân Đà Lạt.  Ông nghỉ hưu và mất tại Sài Gòn năm 1997 khi vừa tròn tuổi thất thâp. 
Hàng năm, cứ đến kỉ niệm ngày thành lập quân đội 22 tháng 12 là tôi lại nhớ về ông, Đại tá Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân.


        
BA TRÂN.JPG
                Bài viếnày khi đăng báo cái đầu đề đã được bbt  sửa khác đi

Xem thêm:

- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-1.html

- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-3.html

-


        

10 tháng 12, 2011

Chuyện ở lính bây giờ mới kể 1

      Nước Việt mình đúng là dày kỉ niệm thiệt. Mới 20 – 11 đó giờ đã tới 22 – 12. Nếu chỉ ăn với kỉ niệm mà giàu thì nước Mĩ phải gọi Vn bằng cụ.
 Mấy bữa ni đi làm qua chỗ cổng bộ tư lệnh QK 7 trên đường Hoàng Văn Thụ, nơi trước đây là bộ tổng tham mưu quân đội SG, thấy băng rôn và khẩu hiệu giăng đỏ rực mới biết là ngày quân đội 22-12 đang đến, khiến tôi nhớ lại những tháng ngày đi lính với không biết bao nhiêu là chuyện vui buồn sống chết, mà nhớ nhất là những câu chuyện về các vị thủ trưởng nói năng phát ngôn nghe mắc cười mà hồi đó phải nín không dám cười vì sợ nó trù, đến mức đã mấy chục năm trôi qua rồi mà thỉnh thoảng mấy thằng lính cũ Sv bọn tôi hễ có dịp gặp nhau là lại đem ra kể để cười cho sướng miệng.
Học chính trị:
Sao ở xứ mình hay học chính chị chính em thế không biết. Như tôi đây suốt đời đi học cho đến khi đi kiếm sống khắp 3 miền qua đủ loại nhiệm sở, đi đâu, năm nào cũng không thoát học chính trị mà càng học lại càng mung lung u mê thêm.
Tuần đầu tiên của thời đi lính là học chính trị. Người lên lớp ở giữa rừng để giảng bài dĩ nhiên là hai vị chính trị viên trưởng và chính trị viên phó của đại đội. Các vị này thường chỉ học hết cấp 2, lớp 7 hồi đó, ngang lớp 9 bây giờ, có vị mới học đến lớp 5 thì đi bộ đội rồi phấn đấu lên đến sĩ quan chỉ huy.  Mà cơ khổ, cái đại đội huấn luyện của tôi với quân số 180 tên lại toàn là Sv từ năm 1 đến năm 3 của đhsp Vinh vừa nhập ngũ.
Có hôm giảng bài về truyền thống lịch sử 4 ngàn năm của dân tộc, ông chinh trị viên giở tài liệu in sẵn ra và đọc, đến chỗ nói về sự cần thiết gìn giữ lòng yêu nước, trong sách viết là không được để cho lòng yêu nước của chúng ta bị mai một thì ông dừng lại ấp úng vì vấp cái từ mới lạ quá. Thường ông chỉ nghe và dùng đến từ mai mốt, còn mai một thì chưa nghe chưa đọc bao giờ, mà đúng là cái từ này cũng ít dùng thật, chỉ có dân văn là hay dùng. Vậy là ông cao giọng nói: sách vở của Tổng cục chính trị mà cũng in sai, mai mốt mà in thành ra là mai một. Rồi ông ta lấy bút ra sửa lại là không được để cho mai mốt. Ông giải thích khi nói như vậy nghĩa là chúng ta phải yêu nước dài dài, không được yêu chỉ trong hai ngày mai và mốt. Rồi ông cười lấy làm đắc ý cho sự thông minh sáng tạo của mình lắm. Cả đám Sv bọn tôi ở dưới mắc cười muốn chết mà không dám cười. Có thằng chịu không nổi giả bộ xin ra ngoài đi tiểu rồi chạy một mạch vô rừng sâu, ôm bụng cười một mình cho đã.
Thấy phía dưới xì xào có vẻ không bình thường, ông CTV nghĩ là có chuyện chi rồi đây. Ông đằng hắng, tôi nói thế có đúng không các đồng chí. Cả bọn lại bụm miệng, có thằng chịu không được ho lên sằng sặc. Chợt ông kêu thằng Tiến vốn là Sv năm 2 khoa lí cùng trung đội với tôi đứng dậy:
- Đồng chí Tiến, là Sv khoa lí, chắc đồng chí học rất nhiều lí lẽ rồi, đồng chí phát biểu xem tôi nói có đúng lí lẽ không. Ôi trời, vậy có nghĩa là ông ctv hiểu rằng học khoa lí nghĩa là học lí lẽ. Thằng Tiến oai thế. Dĩ nhiên là thằng Tiến nói: Báo cáo: thủ trưởng nói rất đúng ạ. Ông nghe vậy tự tin đắc ý hỏi tiếp: Vậy khi còn học ở trường đh, các thầy có dạy đồng chí như tôi vừa nói không? Thằng Tiến: Báo cáo thủ trưởng có ạ.

                                       
                                                    Tôi ngày vào lính tháng 9 - 1972


Cái liềm:
Ông chính trị viên của tôi là dân Nam Hà, nơi nổi tiếng về lói ngọng lờ nờ, cũng ngang tầm với dân Hà lội hiện nay.
Một hôm ông lên trước hàng quân toàn đại đội đang rục rịch chuẩn bị hành quân đi B ra chiến trường, để động viên tinh thần chúng tôi, ông nói trong xúc động: Các đồng chí ạ, chúng ta cần phải mang theo trong mình mỗi người một cái liềm. Nói đến đó ông dừng lại như là dành ra một khoảng lặng để cho chúng tôi, những chiến sĩ sắp đi vào chỗ chết ngấm thêm lời dặn dò của ông.
Tôi thực sự hoang mang không hiểu vì sao người  lính vào chiến trường lại phải mang theo một cái liềm. Liền ngoảnh sang hỏi thằng Phương khoa sinh đứng bên cạnh, thằng này chúa láu cá, chuyện gì nó cũng biết: Sao vào chiến trường lại cần có 1 cái liềm mày. Hắn bỉu môi: mày đúng là dân khoa văn, ngu  bỏ mẹ. Vào trong đó không có nhà cửa gì, bọn mĩ ngụy gian ác đốt phá sạch hết rồi, phải mang theo liềm để bứt tranh lợp nhà mà ở chứ làm gì nữa. Tôi vẫn bán tín bán nghi không tin thằng Phương lắm. Thằng này  chỉ có bắn thuốc lào là giỏi chứ thực tế chiến trường thì hắn hơn gì tôi.
 Đến đó thì đồng chí ctv nói tiếp: Đó là cái liềm tin vào ngày chiến thắng của chúng ta.  
Ối trời ơi. Tôi và thằng Phương phải đút cả ba ngón tay vô miệng để khỏi cười phá lên như súng bắn.  
Không được yêu em:
Một hôm đến lượt tôi trực nhật, nghĩa là đến bữa phải đến nhà bếp nhận cơm và bưng về cho tiểu đội ăn.
Riêng vụ trực nhật đi nhận cơm này thì có mấy thằng trong tiểu đội không thích nhưng tôi lại rất khoái vì được về trước 1 tiếng, lại được một mình thong dong đi theo một con đường ven rừng, đi men qua một cái hồ nước trong leo lẻo, và nhất là được dịp lên lán của tiểu đội  anh nuôi. Nói là anh nuôi nhưng ở đó lại có 3 cô chiến sĩ nấu ăn và 1 cô y tá chuyên canh me vệ sinh an toàn thực phẩm cho các món ăn. Thực tình thì mấy cô này cũng chẳng xinh xắn gì. Cô thì cao quá (hồi đó mấy em chân dài chưa có giá cao như bây giờ), cô lại  lùn quá. Vậy mà tôi lại thích cái cô mập mập lùn lùn như hột mít mới chết chỉ vì có lần đến nhận cơm, cô kín đáo dúi riêng cho tôi tảng cơm cháy lấy từ đáy chảo quân dụng vàng ươm và dòn tan. Lại có lần cô còn tâm sự, em cứ tưởng lính sinh viên như các anh thì kênh kiệu và khó nói chuyện lắm nhưng tiếp xúc thì thấy các anh cũng hiền lành, giản dị và rất vui tính; mấy anh khoa văn lại còn thuộc nhiều thơ đọc nghe cũng vui.  Có lẽ đây là những cô gái cuối cùng trên đất miền bắc mà chúng tôi được tiếp xúc bởi ngay sau đó cả bọn rời đoàn huấn luyện này hành quân đi B, sống giữa rừng sâu và chiến trường không có lấy một bóng phụ nữ cho đến ngày chiến tranh kết thúc
Trên con đường ngoằn ngoèo đến chỗ tiểu đội anh nuôi,  tôi vừa đi vừa cao hứng ngâm nga câu thơ của ai không nhớ nữa, hình như là của nhà thơ Giang Nam: Người yêu ơi hãy đợi chờ, Anh sẽ mang về cho em viên ngọc qúi, Là trái tim người chiến sĩ, Yêu đời yêu đảng yêu em. Đang cao hứng như thế thì bỗng nghe từ phía sau có tiếng người gọi giật lại:
-      Đồng chí Sơn đứng lại! Tôi giật mình quay lại thì thấy đồng chí chính trị viên phó đi theo sau mình từ lúc nào không biết. Ông bước lên đứng đối diện với tôi rồi nói rất ngiêm khắc: Ai cho đồng chí đọc thơ lãng mạn. Đúng là không bõ công tôi theo dõi mấy đồng chí khoa văn lâu nay, hôm nay mới bắt được quả tang. Tôi biết ngay mấy đồng chí Sv khoa văn trong đơn vị ta là rất lãng mạn tiểu tư sản. Đồng chí vừa đọc thơ gì mà có anh anh em em đấy.
Tôi nói báo cáo thủ trưởng đó là thơ cách mạng của nhà thơ cách mạng Giang Nam đấy ạ (tôi cố nhấn 2 lần chữ cách mạng cho thêm trọng lượng).  
-      Giang Nam chứ Giang bắc gì cũng không được. Đồng chí đọc lại tôi nghe. Tôi đọc lại cho ông nghe.
-       Đấy thấy chưa. Toàn là anh anh em em. Lại còn dám đặt em ngang hàng với đảng nữa chứ. Mất cảnh giác cách mạng quá, mất lập trường quá, ủy mị thế này thì làm sao mà thắng được kẻ thù cơ chứ. Tôi ra lệnh cho đồng chí sửa  lại câu cuối và từ nay đọc là: Yêu đời yêu đảng yêu dân, đồng chí rõ chưa.
-      Báo cáo thủ trưởng, rõ. Yêu đời yêu đảng yêu dân ạ.
-      Có thế chứ.          
  (Còn tiếp 4, 5, 6 nữa)

Xem thêm:

- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-2.html

- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-3.html

- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/khuc-vi-thanh.html