26 tháng 4, 2021

Tỉ lệ 1/1 tỉ

Xuống xe Công Nhật ngay đèn xanh đỏ chợ đại học lúc 3h30 chiều 26/3, tôi xốc lại ba lô rồi thong thả đi vào nhà Nguyễn Trung Ngọc nằm trong KTT của ĐH Vinh bây giờ là con đường mang tên Phạm Kinh Vĩ, vị tiến sĩ quan lại quê Thanh Chương nổi danh đời nhà Hậu Lê. Đó là con đường chật chội rộn ràng và xinh tươi nhất ở các thành phố VN mà tôi được biết. Bởi đi trên con đường vô cùng ngoằn ngoèo này bạn luôn bắt gặp những khuôn mặt nữ sinh viên xinh đẹp từ khắp mọi miền quê đến đây trọ học, họ ăn mặc rất mode và hồn nhiên chen chúc mua sắm, ăn uống, chụp ảnh, photocopy... trên con đường chật chội với nét mặt tỉnh bơ như miễn dịch với tất cả. Họ, những nữ sv ấy sinh ra là để cho mọi người ngắm chứ họ chả việc gì phải ngắm nhìn ai.

Đó là con gái trường Vinh, dễ thương mà thương không dễ.

Đang chuẩn bị rẽ vào con phố SV PKV thì tôi đi qua căn biệt thự của Nguyễn Huỳnh Phán, người bạn có học hàm PGS toán học thứ thiệt chơi với nhau từ thời SV, từ cả thời cùng học sĩ quan dự bị Nghi Kim. Tôi đang phân vân có nên bấm chuông vào nhà NHP chơi 1 lúc không nhỉ thì cửa nhà anh chợt mở đúng lúc tôi đi qua cổng. Nhìn thấy tôi NHP như không thể ngạc nhiên hơn, anh chỉ kịp giang tay ôm choàng lấy tôi rồi nói: Ôi trời, đây chỉ có thể là cuộc gặp có tỉ lệ 1 trên 1 tỉ. Rồi anh kéo tuột tôi vô phòng khách. Chuyện rôm rả như không thể rôm rả hơn. Tôi nói với NHP: Người ta vẫn nói rất đúng rằng 1 người bạn cũ bằng 3 người bạn mới nhưng với anh thì 1 người bạn cũ bằng 30 người bạn mới. NHP cười khà khà. Ra về vợ chồng Phán Hà còn nhiệt tình tặng tôi cả 1 combo các sản phẩm tinh dầu thực vật nhãn hiệu Orenji do cty của con trai sản xuất tại Hà Nội dùng sát khuẩn da và ủ hương thơm tự nhiên cho phòng ngủ, tủ quần áo, xe hơi... với lời hẹn 1 bữa ăn sáng buffet tại KS 3 sao Hoa Mai vào sáng hôm sau.

Những món quà của vc NHP tặng tôi mang về Quảng Bình “phân phối” lại cho mấy đứa em và mang cả vô SG cho vợ con dùng. Ai cũng khen quá thơm quá dễ chịu. Bà xã tôi còn dặn lần sau ra Vinh nhớ ghé nhà Phán Hà nữa nhé.

Tôi lại mang ba lô đi bộ tiếp vào nhà Nguyễn Trung Ngọc trên con phố SV Phạm Kinh Vĩ, ở đó một bữa ăn gia đình ấm cúng của VC Ngọc Nga với cà xanh luộc chấm mắm rươi, chả rươi chiên nhậu rượu cao hổ cốt xịn đang chờ tôi. Mà với nhà Ngọc Nga thì tôi không phải nói nhiều.

Với tôi việc đi chuyến xe đò Công Nhật từ Bố Trạch ra Vinh chơi với giá vé 100 ngàn đồng chỉ ngang với việc đi từ quận Tân Phú qua quận Gò Vấp.

Từ Vinh tôi và vc Ngọc Nga ra Yên Thành thăm nhà Đông, về lại Bố Trạch, tôi đến Ba Đồn thăm các bạn học cũ 12A và 16D K2 sống tại đây như Nguyễn Xuân Sùng, Mai Thị Duyến, Nguyễn Hữu Nhia, Minh Trung, Hoàng Đình Bường (14 K2)... được vc Duyến mời ăn món thịt dê hấp của Ba Đồn dòn dòn sần sật ngon không thể ngon hơn. Tôi còn cả 1 ngày cùng vc bạn Hoàng Tấn Quả Nguyễn Hòa Hương đi Quảng Ninh thăm viếng đền thờ liệt sĩ Long Đại ở bến phà Long Đại xưa tuy nhiên chuyến đi này dành để viết bài đăng báo nên chưa thể công khai trên FB.

Đi chơi mà vui thế sướng thế tại sao không.

Tại nhà Nguyễn Huỳnh Phán - Thu Hà Lê

Ảnh 2: Bữa ăn không thể ngon hơn ở nhà Nguyễn Trung Ngọc

Ảnh 3: Với vc Ngọc Nga trước cửa garage

Ảnh 4: tại nhà Nguyễn Thị Đông Văn Thành, Yên Thành, NA

Ảnh 5: tại Ba Đồn với Sung Nguyen Xuan và vc Mai Thị Duyến. Ngoài cùng bên trái là chồng Duyến, 1 đại tá sư trưởng về hưu, Chủ tịch hội CCB huyện.

 

Nhỏ mà sướng

15h chiều 23/3 tôi có mặt ở SB TSN để bay chuyến 17h30 về Đồng Hới. Nghĩ rằng thủ tục check in đã làm online từ tối hôm trước, giờ chỉ việc đi thẳng lên cổng kiểm tra an ninh là xong.

Nhưng không phải thế.

Ngay chân cầu thang điện lên khu vực kiểm tra an ninh trước đây rất trống trải thì bây giờ là hàng trăm con người rồng rắn hỗn độn trên tay cầm điện thoại thông minh lăm lăm khai báo y tế. Tất cả xúm xít quanh 1 cái bảng hướng dẫn khai báo to bằng chiếc chiếu nhỏ, mặt ai cũng lộ rõ vẻ lúng túng và căng thẳng. Hỏi ra thì biết cục hàng không VN yêu cầu các SB phải bắt buộc hành khách làm thủ tục khai báo y tế trước khi lên máy bay. Chết thật, lần đầu tiên tôi làm cái gọi là KBYT online này.

Tôi lùi xa ra 1 chút đứng lên 1 bậc tam cấp cầu thang bộ gần đó và làm theo hướng dẫn. Trước hết là vô zalo, giơ máy lên quét mã QR, di chuyển camera đến vùng chứa mã QR của KBYT để quét. Làm đi làm lại 3 lần vẫn không được. Lại vô bằng đường Chrom. Vẫn không được. Nghĩ may mà mình đi sớm 2 tiếng rưỡi chứ không thì hỏng chuyến bay như chơi. Loay hoay hơn 30 phút rồi cũng xong, thấy nó hiện lên bảng chữ cảm ơn bạn đã KBYT. Nhẹ cả người. Đang tính vô thang điện để lên cổng an ninh thì thấy 1 ông có vẻ rất là cán bộ hiu trí đặt cái điện thoại vô tay tôi: Nhờ anh làm giùm tôi chút, tôi làm cả chục lần nãy giờ hơn tiếng đồng hồ rồi vẫn không được. Nhìn khuôn mặt thiểu não của ông này tôi không thể không làm giúp. Thế mà cũng phải 3 lần mới xong cho ông ấy.

Đám người hỗn độn xúm quanh bảng hướng dẫn KBYT ngày càng đông lên, các nhân viên mặt đất ngao ngán đứng nhìn từ xa. Chứ ai hơi đâu giúp hết cả chừng nấy người. Có mấy ông bà dùng điện thoại cùi bắp thì chỉ thiếu nước khóc, xách máy chạy khắp nơi càng hỏi han nhờ vả càng tuyệt vọng.

Vào phòng chờ, nhìn bảng thông tin thấy chuyến bay đi ĐH ra ở cửa số 9 liền xách đít đến đó ngồi (check in online chỉ cho ra số ghế chứ không cho thông tin về cửa ra MB). Đã từ lâu rồi SB TSN thực hiện chế độ câm lặng. Không chuông báo, không thông tin loa đài để khỏi gây tiếng ồn nhức đầu hành khách. Tất cả thông tin hiện lên ở những màn hình trong phòng chờ. Tôi ngồi đấy, chỗ cửa số 9 ung dung ăn hết 2 cái bánh fomai cua uống 1 hộp sữa rồi lấy đt lướt mạng, tranh thủ check FB, bấm vài cái like, viết mấy cái còm cho bạn bè (chứ có mấy đứa nếu lâu không thấy mình lai, còm là nó logout mình luôn). Đồng hồ đã hơn 17h mà không thấy làm thủ tục ra cửa lên MB, cửa số 9 vô cùng im ắng, đúng ra giờ này đã lên MB rồi. Xách ba lô chạy lại soi bảng thông tin thì thấy nó đã đổi qua cửa 14 từ hồi nào. Từ cửa số 9 đến cửa 14 cách nhau cả trăm mét. Đến nơi thì thấy lèo tèo vài người, thì ra người ta đã rồng rắn lên xe ngồi cả rồi. Chỉ còn mỗi tôi. Ở cái SB này mà tin vào thông tin ban đầu là chỉ có nước chết. Nó thay đổi gate chóng mặt như bọn trẻ thay người yêu. Lại thêm cú hú hồn nữa.

Chiều qua, 30/3 tôi ra SB Đồng hỚi để về lại SG với chuyến bay lúc 20h. Nhưng đủng đỉnh đến 17h30 mới rời nhà ra SB. Trên đường đi vợ chồng cô em còn đưa tôi ghé quán cháo lươn Hoàn Lão làm 1 tô to với hột gà. Đến SB ĐH thì chả thấy có khai báo với y tế gì, có người còn cả không đeo khẩu trang. Đại dịch Covid hình như nằm ở 1 nơi nào đó xa lắm tận ngoài Hải Dương, Hải Phòng ấy chứ ở đất Quảng Bình này thì quên đi nhé. Lệnh của Cục HK yêu cầu các SB thực hiện khai báo YT cho hành khách hình như chỉ có hiệu lực với SB Tân Sơn Nhất. Tôi cứ thế điềm nhiên check in rồi qua cổng an ninh, chỉ chưa tới 10 phút đã ung dung ngồi trước cửa số 2 lướt mạng, check FB với bạn bè. Cả SB ĐH chỉ có 1 cái cửa này để ra MB nên chả bao giờ có cảnh hành khách phải xách ba lô chạy đôn chạy đáo tìm cửa ra MB làm gì. Đã thế nó lại loa đài ra rả nghe rất ồn ào và vui vẻ chứ không câm lặng như Tân Sơn Nhất.

Ở đời có những cái to thì rất thích. Như chức to, lương to, xe to, nhà to. Nhưng gì thì gì chứ sân bay to như TSN là không bao giờ tôi thích. Tôi thích 1 cái SB nhỏ nhỏ như SB Đồng Hới. Bởi ở đó mọi chuyện thật đơn giản. Cũng xin nói thêm là đi MB của cái hãng rất nhỏ là BamBoo còn thích gấp mấy đi máy bay của cái hãng to nhất nước là Vietnam Airlines. Đi BamBoo chuyến nào cũng được mấy em tiếp viên chân dài miên man và xinh đẹp như người mẫu đồng phục lại sang trọng nhìn mãi không biết chán nhoẻn nụ cười tươi cúi chào, mời hẳn 1 chai nước free với 1 cái khăn lạnh, Còn đi VNA tiếng là hàng không quốc gia nhưng chỉ gặp những bộ mặt lạnh như tiền rất hợm hĩnh của đám tiếp viên, chai nước Free thì chỉ có trong mơ.




 

Chuyện vu vơ

Nhớ hồi mới tốt nghiệp 1979 tôi được bổ về dạy ở trường Quy Nhơn, cô em gái ở Đức về cho ông anh mấy cái áo sơ mi. Lần đầu tiên trong đời tôi có những cái sơ mi ra dáng như thế. Vải đẹp, may chuẩn. Chỉ có điều khi mặc vào thì nó rộng thùng thình nếu không bỏ vô quần thì vạt áo sẽ chùng quá gối vì đó là loại dành cho thanh niên châu Âu cao cỡ 1.8m trở lên trong lúc tôi thuộc loại những anh chàng chân ngắn.

Mặc dù vậy vẫn rất thích mặc vì khi mặc thấy nó rất thoải mái, cử động dễ dàng. Nhất là khi lên lớp dù có vươn tay hết cỡ để viết phấn trắng lên bảng đen vẫn không thấy vướng víu gì. Nhớ lời đức Khổng Tử: Mặc mà cứ như là không mặc, ấy mới gọi là mặc vậy. Hơn nữa đó là những cái áo không đụng hàng. Cả khoa văn hồi đó không có ai mặc những cái sơ mi như tôi. Áo của họ thời đó thường may chẽn theo hông, eo iếc đâu ra đó. Áo của tôi mặc đóng thùng gió vẫn lùa vô tư. Khi đó tôi 25 tuổi. Chưa biết yêu iếc là gì. Không vô tư mới lạ. Mà nói chẻ hoa ra hồi đó mới ra trường tôi nghèo bất tận. Có muốn mua áo khác mặc cho giống mọi người cũng không sẵn tiền.

Chỉ có một điều làm tôi thấy bất an là mỗi khi bước vô lớp kính cẩn nghiêng mình cúi chào sinh viên thì lại thấy hình như có điều chi đó không bình thường. Mấy cô Sv mắt thì nhìn chằm chằm vô cái áo của tôi, miệng lại thì thà thì thầm với nhau điều gì có lẽ bí ẩn. Nghĩ bụng sẽ có lúc mạnh dạn hỏi họ xem hình thể trang phục của mình có chuyện gì bất ổn không. Chứ nghề dạy học luôn phải đứng trước hàng trăm con người trẻ trung mà cứ thế này thì…chết.

Khi đã quen quen, có lần giờ ra chơi tôi không xuống phòng giảng viên nghỉ ngơi như thường lệ mà đứng lại ban kông tán chuyện cùng một nhóm sinh viên. Như thể vô tình mình hỏi nguyên nhân do đâu thỉnh thoảng tôi thấy các anh chị hay nhìn tôi và thì thầm to nhỏ rồi lại bụm miệng cười với nhau. Có gì các anh chị nói với tôi một tiếng để tôi biết mà điều chỉnh.

Chân tình là vậy nhưng bọn con trai thì bỗng đưa mắt nhìn trời cao xa xăm như không nghe tôi hỏi gì, bọn con gái thì chúi vô nhau cười rúc rích đánh trống lảng. Quyết không mở lòng với ông thầy trẻ.

Suốt năm học, đó vẫn là điều bí ẩn khiến tôi băn khoăn.

Mãi cả chục năm sau, khi tôi đã có vợ thì điều bí ẩn mới được lộ diện. Lần ấy vợ tôi từ Qui Nhơn đi coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở huyện An Nhơn hay Phù Cát chi đó về kể lại, có gặp mấy cô giáo cấp 3 trường huyện vốn là học trò cũ của tôi cùng đi coi thi bắt chuyện làm quen. Khi biết cô này là vợ của thầy HTS liền kể chuyên hồi Sv bọn em học với thầy Sơn thế này thế nọ. Trong đó chúng nó kể vụ thầy Sơn có những cái áo sơ mi không giống ai, mỗi lần thầy lên lớp chúng em lại hướng về cái áo sơ mi của thầy và đố nhau: đố mày cái túi áo của thầy là túi trên hay túi dưới. Rồi chúng cãi nhau: Túi trên thì không phải vì nó ở vị trí gần thắt lưng như một túi áo pijama; túi dưới cũng vô lí vì đã là áo sơ mi thì làm gì có túi dưới. Cũng nhờ vụ đố nhau ấy mà chúng em thấy giờ giảng của thầy HTS vui hẳn lên.

Thế có chết tui không. Bởi có một thời tôi cứ nghĩ là mình giảng bài hấp dẫn nên thấy sinh viên chăm chú nghe và bàn luận rất... sôi nổi.

Chưa hết.

Mới chập chững lên lớp được một năm thì năm 1981 tôi quay lại trường cũ học CH. Vẫn vô tư diện những cái sơ mi Đức không đụng hàng ấy. Các lớp cao học hồi đó là loại hình đào tạo mới, rất ít người học, hiếm hơn lá mùa thu nên biết nhau hết.

Một hôm có việc đi qua phòng kí túc xá mấy cô cao học khoa sinh, có chị Thiên Hương tuổi cỡ U35 ra vẫy và gọi í ới: HT Sơn vô đây cho tụi này nhờ chút. Lạ. Hay là có cô nàng nào để ý đến tôi rồi đây (lúc đó vẫn là trai chưa vợ nhé) mà cái lớp CH sinh này toàn những cô xinh xinh tôi rất thích. Chị Thiên Hương là Gv của trường Đà Lạt ra học, dân Huế, vợ một đại tá quân đội, ăn mặc đỏm dáng và đi đứng điệu đà như một bà quí tộc. Tôi thì thấy bình thường nhưng thằng bạn cùng lớp với tôi là Chử Anh Đào thì góc cạnh lắm. Hắn không gọi chị này bằng cái tên mĩ miều là Thiên Hương mà gọi là chị Lợi, tên một nhân vật nữ trong cuốn tiểu thuyết Rừng U Minh của Trần Hiếu Minh phổ biến hồi đó. Đến giờ nhớ lại, tôi vẫn phục thằng Đào ở cái tài đặt biệt danh cho mấy nàng cao học hồi đó. Thậm chí có nàng đã bị hắn đặt cho là con tôm luộc không biết với ý là khen hay chê vì tôi vốn rất ưa món tôm luộc. Giá có con tôm luộc mà chén thì thích.

Quay lại với vụ chị Thiên Hương gọi tôi vào. Khấp khởi mừng nhưng chân vẫn đầy thận trọng vì không tự tin lắm trong một phòng nữ đang túm tụm 4-5 mẹ. Tôi ngán phụ nữ hồi giờ.

Lạ là không thấy các mẹ cao học sinh này hỏi gì, chỉ chăm chú nhìn vô cái áo tôi đang mặc rồi nói: Được rồi đó, cảm ơn anh Sơn he.

Thế này có mà bằng đánh đố nhau. Tôi chưng hửng đã quay gót ra về nhưng tức quá liền quay lại hỏi cho ra nhẽ. Vụ vừa rồi nghĩa là gì vậy. Mấy bà mà không nói là tui không có về đâu á.

Chị Thiên Hương lúc đó mới nói là tụi này muốn ngắm lại cái kiểu cổ áo của bạn Sơn chút thôi.

Ra thế. Chả có vụ cô nàng nào để ý tôi ở đây cả.

Chả là mấy mẹ đó đang có cuộc tranh luận là nếu may sơ mi thì kiểu cổ nào là được nhất. Tên thì kiểu nhọn hoăn hoắt như tai mèo, tên thì kiểu lá sen tròn tròn lùm lùm. Có tên thích kiểu trung tính, bình thường không tù không nhọn. Đang tranh luận thì thấy tôi đi qua với cái sơ mi không giống ai nên mấy mẹ ấy gọi vô để làm mẫu dẫn chứng. Hóa ra cái sơ mi Đức tôi mặc hôm đó có cái cổ kiểu rất mốt vừa ra lò và đang thịnh hành ở Vn.

Cái áo ấy tôi mặc lên lớp cả chục năm sau bị rách cổ mới bỏ.

 Lớp CH văn khóa 6 ĐHSP Vinh ngày tốt nghiệp, 12/ 1983. Gồm12 trò và 12 thầy. Tôi hàng đầu ngoài cùng bên phải. Chử Anh Đào hàng sau thứ 5 phải sang, tiếp theo là Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Thành Thân, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Thành Thi (1 số bạn như Đinh Trí Dũng, Lê Thi Ngọ... vắng mặt là do đang lo bữa liên hoan ở VP khoa). Tất cả các thầy dạy chúng tôi có mặt trong hình này như thầy Lê Bá Hán, thầy Đậu Văn Ngọ, thầy Ngô Xuân Anh, thầy Hoàng Tiến Tựu, thầy Nguyễn Sỹ Cẩn, thầy Nguyễn Trung Hiếu... đều đã qua đời.


Chuyện về 1 tập tư liệu của đài truyền hình “ngụy”

Năm 1988 tôi được chuyển về làm việc tại Đài Truyền hình Quy Nhơn khi đó là đài khu vực trực thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin. Nhận công việc ở Phòng Biên tập Chương trình, đang chân ướt chân ráo chưa quen việc thì đùng cái ông trưởng phòng một người rất tốt bụng và thông thạo nghề làm TH bỗng xin nghỉ hưu sớm vì lí do sức khỏe. Lãnh đạo đài giao luôn cái ghế ông đang ngồi cho tôi. Nói thật khi đó tôi mừng thì ít mà lo thì nhiều. Và ở đây, tôi có hơn 20 năm làm việc với rất nhiều kỉ niệm.

Đài Truyền hình Quy Nhơn (tên gọi đầy đủ là Đài vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn) vốn là một trong 4 đài địa phương được ra đời từ năm 1972 thời Việt Nam Cộng hòa là Cần Thơ, Huế và Nha Trang, Đài Truyền hình Sài Gòn lúc bấy giờ là đài trung ương quản lí cả 4 đài địa phương.

Theo những anh em kĩ thuật cũ kể lại thì trong thời gian đầu thử nghiệm, cứ đến giờ phát sóng thì một chiếc máy bay trực thăng của quân đội có gắn ăng ten phát bay lên cách mặt đất từ 3 đến 5km rồi phát hình từ không trung xuống. Về sau đài phát sóng được xây dựng trên đỉnh núi Vũng Chua có độ cao 800m so với mặt biển thuộc Tp. Quy Nhơn, thường gọi là Đài Vũng Chua và vẫn được duy trì sử dụng hiệu quả cho đến ngày nay.

Trong căn phòng làm việc của tôi lúc đó ở trụ sở Đài số nhà 181 Lê Hồng Phong (bây giờ là Sở Tài chính Bình Định), có một cái tủ tài liệu bằng gỗ mộc rất thô sơ và cũ kĩ, bên trong chất đầy một cách lộn xộn những cặp tài liệu cũng rất cũ kĩ. Một hôm rảnh việc, tự mình sắp xếp lại tủ và tôi đã thấy tận cùng dưới đáy tủ có một cặp tài liệu bằng bìa cứng bên trong có 3 tập tài liệu gồm: Cẩm nang đấu tranh chánh trị với cộng sản trong giai đoạn tái phát chiến tranh. Tài liệu này dày 20 trang, do Phủ tổng dân ủy thuộc Phủ tổng thống Việt Nam cộng hòa phát hành. Phía dưới ghi: Loại cẩm nang phổ biến hạn chế; khối kế hoạch chương trình thực hiện tháng 12-1973. Một tập khác mang bí số HT.440-3 có tên “Huấn thị về bảo toàn quân dụng và tiếp liệu cơ phận thay thế công binh” dày 80 trang. Tập còn lại mỏng hơn, phía ngoài trang bìa ghi “Tin tức và phóng sự hàng tuần của Tiểu khu Phú Yên do Khối Chiến tranh Chính trị TK. Phú Yên thực hiện”.

Do máu nghề nghiệp làm báo, tôi lập túc chú ý đến tập tin tức và phóng sự này. Trên trang bìa ở góc trái có bút phê “Ông Thọ sắp xếp và cho thực hiện vào một tối thứ ba hay thứ tư tuần này 2-5/10/72”. Phía dưới có dấu văn thư hình chữ nhật ghi “Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, Đến số: 2214, ngày 3 tháng 10 năm 72”. (Theo anh Nguyễn Định Hiếu, một cán bộ kĩ thuật làm việc tại Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn từ năm 1972 và sau ngày tiếp quản được chính quyền của chế độ mới bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kĩ thuật của Đài Truyền hình Quy Nhơn giải phóng, thì ông Thọ ghi ở đây là một người quay phim phụ trách phim trường của Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, hiện đang sống ở Sài Gòn). Tôi lấy tập tài liệu thuộc về quá khứ lịch sử của một chế độ đã sụp đổ để hẳn sang một bên và tần ngần lật giở các trang bên trong thì đó là một bản tin lời và một phóng sự ảnh gồm có 5 bức hình kèm theo một trang đánh máy các lời bình về sự kiện xảy ra vào lúc 12 giờ ngày 18 tháng 9 năm 1972 ở Phú Yên “Lễ kỉ niệm đệ nhất chu niên ngày thành lập tiểu đoàn 2/210 địa phương”. Ngoài ra còn có tấm hình một người dân đang được chụp hình làm căn cước. Mỗi tấm hình đều có kèm theo lời bình chú về những quân nhân được tuyên dương công trạng và gắn huy chương đủ loại trước các cấp từ lữ đoàn đến quân đoàn.

Những tư liệu quá cũ được tôi tìm thấy sau 13 năm cuộc chiến tranh kết thúc kể từ 30 tháng Tư năm 1975 và sau hơn 15 năm kể từ ngày chúng được thực hiện, tháng 10 năm 1972. Nó như một minh chứng cho một thời kì lịch sử của Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, nay là Đài Phát thanh –Truyền hình Bình Định; và cho sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của một chế độ được dựng lên dưới bàn tay của cường quốc Hoa Kì. Từ đó đến nay 40 năm đã đi qua với bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, dù đã xê dịch từ Quy Nhơn vào định cư tại Sài Gòn, tôi vẫn mang theo cặp tài liệu của phía bên kia như một vật chứng, một kỉ niệm của hơn hai mươi năm làm báo hình tại Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, sau này là Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Định.

Những bức hình tư liệu của một thời dĩ vãng mà mỗi khi ngắm nhìn tôi lại cứ nghĩ không biết bây giờ số phận của những con người có mặt trong đó đang như thế nào, đang phiêu dạt nơi nao.

Ảnh từ tư liệu:

“Ông Thọ sắp xếp và cho thực hiện vào một tối thứ ba hay thứ tư tuần này 2-5/10/72”. Phía dưới có dấu văn thư hình chữ nhật ghi “Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, Đến số: 2214, ngày 3 tháng 10 năm 72”.

một phóng sự ảnh gồm có 5 bức hình kèm theo một trang đánh máy các lời bình về sự kiện xảy ra vào lúc 12 giờ ngày 18 tháng 9 năm 1972 ở Phú Yên “Lễ kỉ niệm đệ nhất chu niên ngày thành lập tiểu đoàn 2/210 địa phương”.

Lời bình cho tấm hình này:

Nguyên trang đánh máy lời bình cho phóng sự ảnh

Tấm hình một người dân đang được chụp hình làm căn cước

Cẩm nang đấu tranh chánh trị với cộng sản trong giai đoạn tái phát chiến tranh. Tài liệu này dày 20 trang; do Phủ tổng dân ủy thuộc Phủ tổng thống Việt Nam cộng hòa phát hành; Loại cẩm nang phổ biến hạn chế; khối kế hoạch chương trình thực hiện tháng 12-1973.