25 tháng 6, 2019

Chuyện tôi đi coi thi THPT quốc gia


Bằng giờ năm ngoái tôi làm việc ở ĐHHS và được cử đi coi thi THPT quốc gia 2018 cùng với 120 GV, NV của trường. Có lẽ trần đời của một GV, đi coi thi THPT QG là một công việc đày ải theo đúng nghĩa của nó.
Đúng 5AM xe xuất phát từ CS 8 Nguyễn Văn Tráng Q1. Nhà cách trường cả chục km nên 4h đã phải thức dậy, làm các thủ tục vệ sinh cá nhân xong 4h30 phi lên trường, vừa bước lên là xe chạy.
Điểm thi của ĐHHS là Trường THPT Phạm Văn Sáng tít trên Xuân Thới Thượng Hóc Môn, cách Q1 vài chục km. Xe chạy cả tiếng mới tới nơi. Ngồi trên xe tôi tranh thủ lấy cái bánh càng cua mua từ chiều hôm trước ra gặm để lấy sức làm việc.
Mỗi hội đồng thi ở TP. HCM có ít nhất 20 phòng thi, mỗi phòng gồm 24 thí sinh. Lãnh đạo hội đồng thi đã rất sáng suốt khi xếp mỗi phòng thi (buổi nào cũng vậy) gồm 1 giám thị là GV phổ thông, 1 giám thị là GV đại học. Nói sáng suốt bởi suốt 4 ngày coi thi tôi thấy các thầy cô là GV phổ thông rất thạo việc. Hầu như họ làm hết mọi việc của cả phần tôi một cách rất nhiệt tình và tự giác, tôi chỉ việc đứng tựa cửa ngắm nhìn cô giáo giám thị 2 tác nghiệp và các thí sinh làm bài.
Điều tôi sợ nhất khi coi thi là kí nhầm chỗ vào tờ giấy thi của thí sinh bởi trên đó có rất nhiều ô dành cho các loại CB coi thi, chấm thi... kí. Nếu lỡ mà tôi kí vô chỗ dành cho cán bộ chấm thi thứ nhất/thứ 2 là đủ để kỉ luật cảnh cáo rồi. Mà chuyện này thì ngu ngơ như tôi là rất dễ phạm lỗi.
Sau khi hoàn tất chuyện kí tá, tôi về cái ghế dành cho giám thị 1 trên bàn GV ngồi, tranh thủ ngắm phong cảnh Hóc Môn qua khung cửa kính. Cô giám thị 2 cũng có một cái ghế ở cuối phòng thi. Dù ngồi trên nhưng chả mấy khi tôi nhìn thấy thí sinh giơ tay xin thêm giấy thi, trong lúc cô GV PT ngồi dưới lại phát hiện rất nhanh và phục vụ thí sinh rất kịp thời. Tôi phục lăn các đồng nghiệp GV PT, không có họ thì tôi gay to, khó mà hoàn thành nhiệm vụ.
Ngồi buồn, thỉnh thoảng tôi bước xuống mượn cái đề thi của thí sinh liếc qua. Sao mà nó dài và khó và phức tạp thế. Với 6 môn thi, may ra có môn văn, môn sử và GDCD là tôi làm được, còn các môn khác tôi đọc xong đề mà rùng cả mình. Mỗi đề thi trắc nghiệm gồm 60 câu dài kín 2 mặt giấy A4, câu nào cũng như đánh đố với 6 đáp án, biết chọn cái nào để khoanh tròn. Thế mà các em Hs 12 làm cứ nhoay nhoáy. Điều đó cũng khiến tôi phục lăn.
Ví dụ 1 câu trong môn GDCD lớp 8: Vì sao Luật hôn nhân và GĐ quy định nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi mới được kết hôn. Trong lúc nam hay nữ thì đến 18t là cũng đều đủ quyền công dân như nhau nhưng tại sao bọn con trai phải thêm 2 năm nữa mới được lấy vợ trong lúc bọn con gái có thể lấy chồng ngay từ năm 18t. Chỉ có thể giải thích là do bọn con trai ngu hơn con gái nên buộc phải lấy vợ khi đủ 20t. Nếu cùng tuổi, bọn con gái đã dư sức làm chị, thậm chí làm mẹ, làm cả bà nội bọn con trai nên luật HN và GĐ phải quy định như thế. Chả biết tôi trả lời thế có đúng không.
Học hành thế có họa là ngang với đánh đố. May mà tôi đã thành giám thị rồi chứ mà còn làm thí sinh như các em HS 12 ngày nay thì tôi thi trượt THPT là cái chắc.
Sau mỗi buổi thi, có một điều sợ hãi nữa là các bài thi và tờ giấy thi của thí sinh có đầy đủ không. Chứ nó thi 1 tờ mà mình ghi lên 2 tờ là toi. Ngược lại cũng toi luôn. Chỉ đến khi thư kí dán niêm phong bì đựng bài thi, lập biên bản nhận bài thi xong, cả 2 giám thị và thư kí cùng kí tên lên tờ giấy mỏng niêm phong túi đựng bài thi mới thấy nhẹ cả người. Mỗi ngày coi thi được Bộ GD và ĐT bồi dưỡng 120k, trường ĐHHS cho thêm ngần ấy nữa là 240k mà trách nhiệm thì to như núi và độ nguy hiểm thì lớn như phải lặn xuống đáy đại dương. Ngán.
Buổi trưa thi xong, các thí sinh được cha mẹ đem xe hơi, xe máy rước về nhà ăn nghỉ, giám thị chúng tôi làm suất cơm hộp qua loa rồi kiếm cái ghế bỏ đi đâu đấy dọc hành lang ngả lưng nằm lấy sức chiều coi thi tiếp. Nhìn cứ như là dân tị nạn.
Sau một ngày coi thi, tối về nhà nằm ngủ lăn như chết rồi. Phải thức dậy từ 4h sáng, người tôi cứ bã cả ra.
Hết đợt coi thi như vừa thoát ra khỏi một trận đánh mà nguy cơ dính kỉ luật lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu.
Năm nay thoát vụ coi thi ngồi nhà viết tút đăng FB. Sướng.


                                            Giờ nghỉ trưa của CB coi thi.



23 tháng 6, 2019

Nhớ quán ăn Quê Hương


Hồi còn ở Quy Nhơn, Bình Định, hễ có nhu cầu ăn một bữa cơm thực sự đúng nghĩa cơm Việt, nhất là những khi tiếp đãi bạn bè và khách khứa là tôi lại đến quán ăn Quê Hương số nhà 185 đường Lê Hồng Phong.
Quán nằm ở trung tâm thành phố, cách nhiệm sở của tôi chỉ hơn trăm mét.
Nằm ở mặt tiền lại có cấu trúc theo kiểu nhà hình ống nhưng quán Quê Hương vẫn đủ thoáng mát và rộng rãi. Vào các buổi trưa, nếu dẫn khách khứa hoặc bạn bè đến đây, tôi vẫn thường gặp đủ cánh bá quan văn võ từ các sở ban ngành của BĐ.
Đến Quê Hương ngay khi vừa bước lên lầu, bạn sẽ gặp anh chàng quản lí tuổi còn trẻ lùn tịt trắng trẻo trơn tru như cục bột nặn nhưng tác phong lễ phép, điềm đạm như một ông cụ non cúi chào với trang phục thường xuyên sơ mi trắng, gi lê đen và mái tóc xịt gôm chải chuốt bóng lộn.
Tôi sẽ khó mà nói hết những món ăn hợp khẩu vị của quán Quê Hương bởi ở đây món nào cũng ngon, cũng hợp khẩu vị, cũng đều là đặc trưng của món ăn Việt nhưng giá cả lại rất phải chăng. Vì thế mà quán luôn đông khách.
Từ món bê thui chấm tương chao đến món dồi trường chấm mắm nêm… khai vị với vài li bia trước khi ăn; từ cơm gà luộc, gà rán, gà kho sả ớt, gà xé phay, thịt heo luộc… đến cá lóc, cá bống, cá rô kho tộ; món nào cũng đậm đà đến nhức nhối cả chân răng.
Một trong những đặc điểm của Quê Hương là vô đây bạn sẽ tha hồ thưởng thức đủ các loại mắm: Mắm nêm, mắm tép, mắm tôm, mắm thu (làm bằng cá thu), mắm nhỉ, mắm ruột (làm bằng ruột cá ngừ dùng để chấm cà)… Dù trong mâm có đông người đến đâu thì mỗi thực khách vẫn được nhà hàng dọn riêng cho một comple mắm như nhau. Tha hồ mà chấm và tha hồ mà nêm nếm. Thiệt đúng là kính thưa các loại mắm.
Nhưng điều mà tôi thích nhất ở Quê Hương là các món rau. Rau muống xào tỏi, rau bí xào tỏi, bông lí cũng xào tỏi và nhớ nhất là món rau lang luộc chấm mắm cua (cua đồng, quê tôi gọi là đam). Cái món ăn dân dã của con nhà nghèo đồng quê thời đói khổ ai ngờ nay lại thành như đặc sản của Quê Hương. Bạn hãy gắp một đũa rau lang xanh giòn, chấm ngập trong chén mắm cua nóng hổi và thơm nức mùi lúa mới, đi với một chén cơm bốc khói. Không ngon mới lạ. Thậm chí khi đang cơn đói, bạn chỉ cần chan vài muỗng mắm cua với chén cơm nóng, cũng đã thấy quá ngon rồi. Có lần tôi tiếp mấy bạn đồng nghiệp ở Gia Lai xuống, các bạn bảo lần sau vô đây chỉ cần kêu cơm nóng với rau lang chấm mắm cua là đủ.
Nhưng ở quán Quê Hương có một món khác còn hấp dẫn trên cả rau lang chấm mắm cua. Ấy là món canh rau tập tàng. Thành ngữ Việt Nam có câu: Rau tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn. Con tập tàng là những đứa trẻ sinh ra mà không xác định được bố nó là ai. Đó là một đứa con hoang. Đứa con hoang sinh ra trong sự ghẻ lạnh của người đời nên nó ý thức được sự thua thiệt của mình và luôn tìm cách chống chọi để vươn lên trong cuộc sống. Vì thế mà nó khôn. Rau tập tàng là một mớ rau thập cẩm gồm tất cả các loại rau trồng và cả rau dại. Từ bầu bí, dền, muống, mồng tơi, rau má, rau ngót…cho đến lá ớt, lá cà chua, lá tàu bay tập hợp lại trong một nồi canh gọi là canh rau tập tàng. Ở quán Quê Hương, canh rau tập tàng thường được nấu với thịt nạc bằm hoặc tôm tươi lột vỏ. Ăn nguyên một chén canh rau tập tàng ngọt lừ lại có mùi thơm thơm, hăng hắc rất khó xác định là của loại rau gì, bạn sẽ không thể không hỏi về nghĩa của từ tập tàng và công thức nấu món canh tưởng như đơn giản mà rất phức tạp này. Có lần vợ chồng tôi mời vợ chồng một ông bạn từ Sài Gòn ra với món canh rau tập tàng của Quê Hương, chị vợ dân Sài Gòn rất ngạc nhiên về độ ngon ngọt và mùi thơm đặc trưng của nó đã tìm hiểu kĩ về cách nấu. Mấy ngày sau từ Sài Gòn chị gọi điện ra cho biết là đã đi chợ mua đủ các loại rau và nấu y chang sự hướng dẫn của quán Quê Hương nhưng sao ăn không thấy ngon như ở Bình Định.
Thế đấy. Nếu ai cũng nấu ăn ngon như nhà hàng thì nhà hàng dẹp tiệm hết à.

Kính thưa các loại mắm ở quán ăn Quê hương 2 LHP. 

                       Nhờ ghé Quê Hương nhiều nên nay vẫn chém gió tốt


21 tháng 6, 2019

Ngày cuối cùng ở đài BTV


Năm 2010, sau 22 năm làm việc ở Đài PTTH Bình Định, tôi nộp đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Tôi sinh 1954, đúng ra thì phải làm việc 5 năm nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2015. Tuy nhiên, vợ con đã vào hết Sài Gòn, căn nhà Qui Nhơn đã bán, căn nhà Sài Gòn cũng đã mua, công việc làm mới trong SG cũng đã xin được, chả có lí do gì để tôi ở lại Qui Nhơn nữa.
Thấy tôi nộp đơn xin nghỉ hưu sớm, nhiều người ngạc nhiên, nhất là những đồng nghiệp cùng cơ quan. Họ nghĩ tại sao tôi lại xin nghỉ việc sớm thế, trong lúc cái ghế tôi đang ngồi dù là rất bé bỏng chắc chỉ ngang với chức tiểu đội trưởng trong quân đội cũng đang là niềm mơ ước của không ít người.
TP. Quy Nhơn nhỏ như cái móng tay, chuyện gì xảy ra ở đâu mọi người cũng biết. Đó là đặc điểm của dân tỉnh lẻ. Huống chi tôi, sống ở Qui Nhơn 31 năm (từ 1979 đến 2010) lại làm 2 công việc mà nhiều người biết là giảng dạy ở khoa văn ĐHSP Qui Nhơn và Đài Truyền hình Qui Nhơn, nên đi đâu gặp ai cũng hỏi: Nghe nói ông xin nghỉ việc à. Dù tôi đã trả lời giải thích cặn kẽ là nghỉ vì như thế… như thế… nhưng không ít người vẫn tỏ ra nghi hoặc: hay là cha này bất mãn vì làm TP hơn 20 năm mà không được lên chức. Hơn 20 năm ngồi nguyên ở một cái ghế, làm nguyên một công việc có lẽ cả tỉnh BĐ chỉ có mỗi tôi. Nhưng nói thực đó là công việc mà tôi rất lấy làm thích thú và có nhiều hưng phấn. Bất mãn, không là cái chắc. Mà bất mãn vì cái gì chứ, trong lúc cái công việc mà tôi đảm nhiệm khá tròn vai đã mang lại cho tôi nhiều thứ cả vật chất lẫn tinh thần.
Chỉ có một lí do duy nhất là tôi muốn vô Sài Gòn, nơi tôi đã có một thời được sống thời trai trẻ và rất muốn sống cuối đời ở đó. Chỉ có vào SG tôi mới được trở lại với nghề dạy học.
Tôi gửi đơn xin nghỉ việc từ tháng 2/2010. Nghỉ theo chế độ của Nghị định 132 của CP. Nghỉ theo chế độ này nghĩa là chấp nhận mình không đủ điều kiện về năng lực và sức khỏe để làm việc, phải tự nhận có 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ mặc dù lương hưu vẫn đủ % như khi nghỉ tròn 60 tuổi, lại được thêm 100 triệu đồng trợ cấp nghỉ hưu sớm mà nếu đủ 60 tuổi mới nghỉ thì không có khoản phụ cấp này. Khi đó tôi đã là BTV chính bậc 7. Có làm thêm 5 năm nữa thì lương tôi vẫn thế. Nghỉ cho khỏe.
Cứ tưởng xin làm mới khó, xin nghỉ thì dễ, ai dè cũng khó quá trời. Giám đốc Đài thấy tôi đưa đơn thì thông cảm mà kí ngay vì anh ta quá hiểu hoàn cảnh và ý thích của tôi. Nhưng trên UBND tỉnh và Sở Nội vụ thì không dễ vì họ quá biết tôi. Ai chứ tay Sơn này mà nói sức khỏe yếu và trình độ làm việc kém thì ai tin được... Tuy nhiên tôi quen với 1 sếp cao nhất UBND tỉnh và đã nhờ giúp đỡ. Cuối cùng có cái hẹn hẹn sẽ có quyết định và tiền trợ cấp vào tháng 12/2010.
Nhưng tôi không đủ kiên nhẫn đợi đến hết tháng 12 vì từ 1/7, trường ĐHVH đã có quyết định tiếp nhận tôi vào làm việc. Tôi lại nói với giám đốc đài xin nghỉ trước 6 tháng, tưởng sẽ nghỉ không lương GĐ vẫn để tôi được hưởng lương đến ngày có sổ hiu. Anh bạn GĐ này phải nói là rất tử tế với tôi chứ mà gặp thằng bụng dạ hẹp hòi thì tôi đã nghỉ theo chế độ không lương rồi. Vậy là 6 tháng cuối năm 2010, hàng tháng tôi ăn lương 2 nơi, một ở SG và một ở QN. Tuy nhiên chuyện này chỉ có tôi, giám đốc, TP Tổ chức và TP Kế toán - Tài chính biết, cả cơ quan, cả mấy chục nhân viên phòng tôi đều không biết.
Tháng 6/2010 có 30 ngày. Tôi quyết định rời Đài BTV, chia tay đất Quy Nhơn - Bình Định vào ngày 29 bằng ô tô vì có nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh không đi máy bay được. Một ông bạn là chủ một doanh nghiệp taxi (taxi Hương Trà) biết tôi chuyển hẳn vô Sài Gòn đã làm một bữa liên hoan chia tay và cho tôi một chuyến xe 4 chỗ với lời tuyên bố hào hiệp: Ông muốn đi mấy ngày cũng được. Ai nói mấy ông doanh nghiệp chỉ biết có tiền.
Đúng 5h chiều 28/6, tôi gọi người phó của mình, một cô học trò khoa văn cũ sang phòng làm việc của tôi và nói: Dù tháng 12 mới có quyết định nhưng hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của thầy ở Đài, thầy giao lại cho em chìa khóa và căn phòng làm việc với nguyên vẹn trang thiết bị. Kể từ ngày mai em thay thầy quản lí phòng. Tôi cũng yêu cầu cô không nói chuyện này cho ai biết cho đến khi tôi rời hẳn khỏi Đài. Tính tôi không thích ồn ào.
Rồi tôi tắt hết thiết bị điện, nhẹ nhàng khép cánh của phòng lại ra về cứ như là ngày mai tôi sẽ có chuyến công tác như thường lệ đi đâu đó chứ không phải là chuyển hẳn vào Sài Gòn.
Hai ngày 29 và 30/6/2010, tôi một mình với anh tài xế vi vu trên cung đường Qui Nhơn - Sài Gòn. Trên đường đi tôi ghé Tuy Hòa, Nha Trang chào các bạn đồng nghiệp; ghé nhà bạn học Lê Trọng Minh ở Ninh Chữ ăn hải sản, tắm biển và ngủ lại một đêm ở đó. Sáng hôm sau chở luôn cả hai bố con Lê Trọng Minh vào Sài Gòn thi đại học. 5 giờ chiều 30/6 tôi đã hội ngộ với vợ con ở Sài Gòn, để lại sau lưng 31 năm sống và lập nghiệp tại Quy  Nhơn – Bình Định.
Sáng 1/7/2010, đúng 8h, tôi bước vào Trường ĐHVH nhận nhiệm vụ.
Từ đó cho đến nay, 9 năm đã trôi qua, tôi nghỉ hưu mà cứ như chưa nghỉ hưu, vẫn miệt mài làm việc và đi dạy ở một số trường đại học bạn, không chỉ ở Sài Gòn mà cả ở miền Đông và Tây Nguyên.
Có lẽ rồi tôi sẽ phải xin nghỉ đi làm hẳn, nghỉ hưu lần thứ hai, vì nhiều lúc đã thấy mệt mỏi, nhất là trong người lại mang căn bệnh đường huyết cao khá nguy hiểm. 9 năm bươn chải sống ở Sài Gòn có thể đã quá đủ cho ước muốn được sống và làm việc ở thành phố mà tôi đã có rất nhiều kỉ niệm thời trai trẻ vào năm 1975. 

P/S: Ngày 30/12/2010, tôi trở lại Bình Định 3 ngày để nhận quyết định chính thức nghỉ hưu theo chế độ 132. Đến lúc đó Đài PTTH và Phòng BTCT cũng như bạn bè thân thiết ở Qui Nhơn mới mở tiệc chia tay dù tôi đã thực sự chia tay từ trước đó 6 tháng.