20 tháng 10, 2016

Một thoáng chân dung

Sáng nay dự Hội thảo KH về chuyên ngành du lịch. Như thường lệ, mấy cuộc này chủ yếu là ở phần hội, gặp nhau tán phét vui chơi chụp choẹt mấy cái hình kỉ niệm, café, bia rượu…  là chính, khoa học chỉ là phụ (nói tắt là phụ khoa).

Gặp thầy Đặng Ngọc Lệ (thứ 2 trái qua) việc đầu tiên là xếp hàng chụp hình post Facebook. Hội thảo tính sau

Cũng trong sáng nay tôi gặp lại người đồng đội Võ Hồng Quảng cùng là lính Sư đoàn 341 từ 47 năm về trước. Hiện Quảng là GĐ một cty dịch vụ bảo vệ do Quảng thành lập và tự mình làm chủ với hàng trăm lao động. Cũng là một đại gia.
Quảng đi cái xế hộp xịn chạy thẳng vào sân trường tôi, phía sau có dòng chữ dán ở kiếng: “Vinh quang người chiến sĩ F341 – Sư đoàn Bộ binh đầu tiên vào giải phóng và được giao nhiệm vụ làm quân quản TP. Sài Gòn”. Tôi đưa Quảng lên nhà hàng café SOTA ngồi tán tào lao và ôn kỉ niệm chuyện sư đoàn tôi thời đánh đấm. Quảng hỏi tôi uống éo được không và khoái khẩu món gì rồi hẹn nhau bữa nào rảnh sẽ thu xếp nhậu một chầu cho đã.  

Cái bắt tay của người đồng đội cùng Sư đoàn 341 từ 47 năm về trước (sáng nay tại SOTA) - Võ Hồng Quảng.



Hôm chủ nhật đi dự Lễ kỉ niệm 10 năm ngày thành lập trường SGact ở nhà hát Bến Thành, gặp ông anh đồng nghiệp Bùi Thanh Quang. Anh Quang năm nay đã trên 70 nhưng sống khỏe mạnh, lạc quan và rất máu me chụp hình, dù là chỉ chụp chơi cho vui nhưng anh thửa hẳn con Canon thuộc loại hàng khủng. Ngắm nhìn món hàng khủng của anh tôi hỏi mua nó bao nhiêu vậy. Có 70 triệu chứ mấy. Riêng cái lens đã 11 triệu. Tôi nghe mà chết khiếp. Bỏ ra một lúc 70 triệu chỉ để làm đồ chơi cho thỏa chí đam mê. Anh Quang nói: Tội gì thích mà không mua chơi cho đã, 70 triệu ấy bữa nào chết vợ con nó có bỏ vô quan tài chôn theo cho mình đâu. 
Người như anh kể cũng không nhiều. Tôi cũng thích chụp hình và cũng có cái máy để táy máy cho sướng nhưng so với con hàng khủng của anh, máy của tôi chỉ co thể là…muỗi. Hôm bữa tôi mua con Fuji  S5600, ngoài tiền máy ra không tính, có mỗi mua thêm cái lens nó đòi 1 triệu mà tôi còn nâng đặt xuống chưa dám quyết. 
Ngồi bên nhau, anh giơ máy dí sát vô mặt tôi rồi bấm một kiểu chân dung cận cảnh. Máy xịn có khác, không cần chỉnh sửa gì mà hình lên sáng quắc. 

An Bùi Thanh Quang với con Canon khủng mới mua 70 triệu đồng 


18 tháng 10, 2016

Với thời gian

Lê Đăng Sơn là bạn học cùng lớp đại học, cùng đi lính một ngày, ở cùng một đơn vị C20 F341 với tôi. Sơn có dáng vẻ bên ngoài gồ ghề thô ráp nhưng bên trong lại chứa đựng một tâm hồn đa cảm, dễ yêu và dễ ghét. Sơn hát hay nhưng không hay hát, khi nào họp lớp, họp chi đoàn, họp đại đội có người yêu cầu mới cất giọng hát và hình như chỉ hát mỗi một bài Người lái đò trên sông Pô Cô với chất giọng trầm ấm, truyền cảm.
Sơn lại hay làm thơ và bài thơ nào của Sơn đọc nghe cũng được, một số bài hay bởi sự chân thật của tình cảm. Không có xúc cảm Sơn không làm thơ. Nói hay làm thơ là bởi đến nay Sơn đã có đến 7 tập thơ được xuất bản, trong đó có đến 5 giải thưởng cho một số tập thơ và bài thơ.
Vì thế mà hầu như lần nào gặp nhau Lê Đăng Sơn cũng có một tập thơ mới in để kí tặng tôi. Thứ 7 tuần trước, trong chuyến vô Sài Gòn rồi về Long Hải chơi, Sơn đã lần nữa kí tặng tôi tập thơ mới ra lò: Với thời gian.

Tập thơ thứ 7 của Lê Đăng Sơn, dày 115 trang, 69 bài thơ

Với lời đề tặng gợi tôi nhớ về thời quá khứ


Tôi lật mở những trang thơ còn thơm mùi giấy mới và đọc ngay bài thơ có nhan đề Với thời gian được lấy làm tên cho cả tập thơ thì thấy rõ tính triết lí, nhân văn như một sự đúc kết sau quá nửa đời người trải nghiệm cuộc sống của tác giả. Những câu thơ lắng đọng nỗi niềm được Sơn viết theo thể thơ tự do. Cứ thế tôi đọc hết 69 bài trong tập thơ mỏng 115 trang của bạn.    

Với thời gian

Thời gian!
Bảy tỉ con người
Bảy tỉ vân tay
Chung mẫu số
Kiếp người
Lận đận
Niềm vui
Thành đạt
Sang hèn
Danh phận
Khác xa nhau

Thời gian!
Ai chẳng có niềm đau
Khi mẹ sinh ra ta
Chào đời là tiếng khóc
Ta gieo hạt trên cánh đồng khó nhọc
Mồ hôi rơi
Lấp lánh
Những hạt vàng

Thời gian!
Ai chẳng muốn giàu sang
Không ai muốn mình
Không thành ông bà chủ
Ta
Lận đận
Đường tu
Tự thấy mình
Gần đủ
Sau những hiến dâng
Kiêu hãnh
Nụ cười…
                                                                        LĐS
Lê Đăng Sơn và tôi. Long Hải, 15/10/2016





17 tháng 10, 2016

Gửi em trai

                              Chử Anh Đào

Chẳng bao giờ ngửng mặt lên
Ngay cả khi mẹ chia quà về chợ
Hơn chục tuổi đầu em đã làm chị cả
Mắt mở mắt hờ, bếp lửa đỏ canh ba

Cha là cha là Thái Sơn sừng sững
Mà giận mà thương mưa nắng thất thường
Em quằn oặn chịu bao điều oan ức
Ngọn roi bầm tím cả thơ ngây

Cây đa làng đã thành cổ tích
Em lang thang phiêu bạt mãi quê người
Hành trang bạc thếch như thân phận
Em chân trần lội dọc nhân gian.

CAĐ

Tác giả Chử Anh Đào

15 tháng 10, 2016

Đi Long Hải với Lê Sơn

Lê Đăng Sơn bay từ Thọ Xuân vô Sài Gòn chiều hôm qua để dự đám cưới thằng cháu con ông anh bên quận 2 vào trưa chủ nhật ngày mai. Mới 4 giờ chiều qua, khi còn chưa đến nơi, nghĩa là máy bay còn chạy rầm rầm trên đường băng hắn đã mở điện thoại a lô cho tôi (thằng này liều thiệt): Tao hạ cánh rồi nhé, mày thu xếp mai đi chơi nhà ông Mậu Đàn với tao, tao đã gọi cho ông ấy từ hôm kia ở Thanh Hóa rồi. Tôi nói ngay với hắn: chuyện nhỏ. Nói xong mới nhớ ra ngày mai (tức hôm nay) là thứ 7 còn phải làm việc hết buổi sáng mới được nghỉ. Thôi kệ, phải nghỉ việc hôm nay thôi vì cơ hội đi Long Hải thăm ông Mậu Đàn của hắn là rất ít. Bạn bè cùng lớp khóa 12 ai vô SG cũng muốn xuống dưới đó chơi với ông Mậu Đàn, và ai cũng muốn tôi dẫn đi, (cứ như là ai đến SG muốn đi tham quan dinh Độc Lập cũng đều kêu tôi đưa đi và làm luôn hướng dẫn viên vậy).
Tôi hẹn Lê Sơn sáng nay đúng 8h có mặt ở bến xe miền Đông để cùng đi.
Phải gần 9h chiếc xe đò 30 chỗ của Thiên Phú mới từ từ bò trên đường Đinh Bộ Lĩnh. Tôi gọi cho anh Đàn: bọn này xuất phát rồi nhé. Tiếng anh Đàn hồ hởi: Vậy tốt rồi, thằng Lân cũng sắp sang đấy. Lân, tức Nguyễn Ngọc Lân người Quảng Bình cùng học một lớp 12A K2 với bọn tôi, hắn ở trọ cùng một nhà với thằng Nguyễn Hữu Nhia, cùng nhập ngũ một ngày 10/9/1972 với bọn tôi nhưng hết chiến tranh tôi trở về trường học tiếp thì Lân lại được cử đi học sĩ quan và hắn phục vụ trong quân chủng hải quân đóng ở Vũng Tàu cho đến ngày về hưu với quân hàm thượng tá. Nhà Lân chỉ cách nhà anh Đàn có chục cây số nhưng anh Đàn chỉ nghe nói chứ không biết gì về nhau. Mãi gần đây anh Đàn phải cất công cả ngày sang Vũng Tàu hỏi thăm từ rất nhiều nguồn, nhất là hỏi từ mấy ông cựu chiến bnh hải quân thì mới tìm ra và gặp được Lân.  Hai ông đã qua lại nhà nhau chơi, hôm nay nghe tin tôi và Lê Sơn xuống chơi nên Lân sang nhà anh Đàn từ sớm.
Xe chạy chưa đến Tp. Bà Rịa, nghĩa là còn hơn nửa tiếng nữa mới về đến thì anh Đàn đã gọi: Bọn tao đang chờ hai thằng chúng mày ở bến xe Long Hải nhé. Ôi trời, nhà ông Đàn chỉ cách cái bến xe ấy chưa đầy 100 bước chân, sao không ngồi nhà uống nước cho khỏe mà ra chỗ hôi hám đó đón chờ chi cho mệt trời.
Thế mới biết, an Mậu Đàn và Lân mong chờ để được gặp bè bạn như thế nào. Mà tôi với anh Đàn thì từ ngày nối mạng lại với nhau năm nào mà chả gặp nhau 4-5 lần. Chẳng bù cho mấy thằng khác học cùng lớp như thằng N thằng Kh ở Đà Nẵng, thằng H ở Quảng Bình, thăng Ch ở Cần Thơ…, bọn tôi gọi điên thoại réo hoài để được nói chuyện với nhau, tìm cơ hội để gặp nhau mà chuông đổ liên hồi với hàng mấy cuộc gọi nhỡ hiện trên màn hình chúng nó cũng không thèm nghe máy chứ đừng nói là tìm gặp lại nhau. Trên xe, Lê Sơn cứ thắc mắc mãi với tôi về mấy trường hợp ấy. Tôi giải thích là ở đời không phải ai cũng có nhu cầu bạn bè. May mà những thằng N, thằng Kh, thằng H, thằng Ch… đó là số ít chứ nếu ai cũng sống như chúng nó thì cuộc đời này sẽ buồn tẻ và vô vị lắm.
Xe chưa dừng hẳn ở bến xe đã thấy hai ông bạn đứng chờ với nụ cười nở sẵn trên môi. Anh Đàn thì không nói chứ với Nguyễn Ngọc Lân thì từ tháng 9/1972 đến nay tôi và Lê Đăng Sơn mới gặp lại. 44 năm đã trôi qua. Tóc hắn bạc trắng, người hơi gầy. Phải định hình mãi tôi mới dần nhớ lại cái thằng bạn cùng quê QB học cùng lớp 12A ngày trước. Ôi cuộc đời gian truân và khổ ải của những thằng sinh viên thuộc thế hệ chúng tôi. 44 năm trước chúng tôi nhập ngũ khi vừa học lên đại học năm thứ 2 nhưng chỉ mới tròn 18 tuổi mà nay thằng nào trẻ nhất cũng 62 tuổi và tóc đều đã bạc trắng mái đầu.
Không vui mừng cảm động, không sung sướng khi gặp lại nhau sao được.
Uống chưa hết li nước vối thì bà xã anh Đàn đã ra xoa tay mời các bác ngồi vô bàn cho nó nóng. Một bàn bày đầy thức ăn đang bốc khói. Anh Đàn có thằng con rể tên là Sen làm giám đốc một doanh nghiệp tư nhân có biệt tài nấu đồ nhậu rất ngon. Lần nào tôi xuống cũng được ăn mấy món hải sản do Sen nấu. Hôm nay cũng vậy, Sen phải nghỉ việc ở nhà một buổi để vô bếp làm món nhậu đãi bạn của bố vợ. Cái số ông Đàn sướng và có hậu thế.
Bốn anh em tôi chén tạc chén thù vui không kể xiết.
Ăn xong rồi uống xong thì Sen đã đỗ xe ô tô trước ngõ mời bố vợ và các bác đi một vòng tham quan danh lam thắng cảnh của khu nghỉ mát nổi tiếng Long Hải: Dinh Cô, mộ Cô, Linh quang tịnh xá Hòn Một, nhà thờ họ Nguyễn Mậu ở Long Hải do anh Nguyễn Mậu Đàn làm trưởng họ… xe chạy dọc bờ biển Long Hải trên một con đường rất đẹp.
15h30 thì chúng tôi chia tay nhau. Lân hẹn tôi khi nào rảnh xuống Vũng Tàu ghé nhà Lân chơi cho biết. Dĩ nhiên là tôi vui vẻ nhận lời. Lân và anh Đàn và Lê Sơn cười tít mắt.

Vậy là hôm nay bọn tôi có cả một ngày vui.  

Trong vườn nhà nhà anh Mậu Đàn, nhóm 4 tên bạn học cùng lớp 12A K2 cách đây 44 năm nay mới trọn vẹn gặp lại nhau. Trái sang: Lê Đăng Sơn, Nguyễn Mậu Đàn, Nguyễn Ngọc Lân, Hà Tùng Sơn. 

Trước biển Long Hải, một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam. Tiếc là không có thì giờ xuống  tắm. Trái sang: Đàn, Sơn, Lân, Sơn 

Trước Dinh Cô Long Hải

Dưới chân một vị La Hán trong Linh quang tịnh xá Hòn Một. Ở chùa này có đủ tất cả 18 vị La Hán. Tất cả tượng trong ngôi chùa vĩ đại này từ lớn đến nhỏ đều được chạm khắc từ  đá nguyên khối 

Ngồi trước biển

Lê Đăng Sơn

Lê Sơn và Mậu Đàn

Đứng trước biển

Dưới chân pho tượng Phật nằm vĩ đại

Lê Đăng Sơn trước Mộ Cô

Dưới chân Linh quang tịnh xá Hòn Một

Trước cổng Mộ Cô

Một pho tượng Phật đang làm dang dở


Cùng hướng ra biển Đông

Dưới chân một vị La Hán

Trước cửa nhà thờ họ Nguyễn Mậu ở Long Hải, một kì tích của ông Nguyễn Mậu Đàn và những người con họ Nguyễn Mậu lưu lạc khắp Việt Nam

Cây mít trong khuôn viên nhà thờ họ Nguyễn Mậu ở Long Hải

6 tháng 10, 2016

Tôi viết “Hồi ức binh nhì”

Nguyễn Thế Tường

NTT: Các bạn ơi! Mồng 5/10 là ngày của bọn mình,những người lính Tăng Thiết giáp đã rời ngũ hoặc còn tại ngũ. Mình Post lên đây bài viết đã đăng báo cách nay ít lâu để các bạn chia sẻ với bọn mình những niềm vui và nỗi buồn về một thời đã qua, một thời sắp tới nhé. Cảm ơn các bạn.

Ngày 6/9/1971, có chừng 3500 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội nhập ngũ, hình thành nên sư đoàn 325B (bê). Sư 325A thành lập trong kháng chiến chống Pháp, là “con đẻ” của chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, ba trung đoàn là “con đẻ” của ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Nay thành lập 325B cũng lấy phiên hiệu các trung đoàn như vậy. Tình cờ, trung đoàn 95 là “của” Quảng Trị thì giữa mùa hè 1972 lọt thỏm vào thành cổ, chịu đủ 81 ngày đêm “cối xay thịt” nặng nề quay, chiến đấu rất dũng cảm và thiệt hại cũng rất lớn. Sau ba tháng huấn luyện bộ binh, cả sư đoàn chọn 100 lính chuyển sang binh chủng Tăng- Thiết giáp, hình thành nên bốn lớp hạ sĩ quan đầu tiên, tiền thân của trường sĩ quan Tăng-Thiết giáp bây giờ. Chưa mãn khóa học thì chiến dịch Quảng Trị mở, cần ngay một số lái xe. Vậy là có 20 học viên được gọi gấp rút thi “lái xe Tăng cấp 1” để bổ sung ngay vào chiến trường. Số còn lại hoàn thành khóa học, được phong quân hàm rồi bổ sung vào các chiến trường. Gần đây kiểm lại, trong 100 sinh viên-Tăng thiết giáp có 14 người không trở về “thành khói bay lên trời”, một người chưa tìm thấy (Thông, biệt danh Thông Vịt, một sinh viên rất ấn tượng, con trai của một cán bộ cao cấp nghành tòa án).
Tôi ở trong số 20 lính lái xe cấp một bổ sung cho Quảng Trị.
Có mấy điều ‘lạ” mà đến nay tôi chưa lý giải được. Trong buổi liên hoan tiễn đưa của lớp ở khoa Ngữ Văn đại học Tổng hợp, tôi phát biểu: Vào quân đội chỉ thích lái xe Tăng và nguyện mãi làm một người lính binh nhì. Ấy là cách nói “có cánh” của sinh viên khoa Văn mới học được chút ít chữ nghĩa. Vậy mà rồi thành “điềm”, tôi trở thành Tankist thật, và, đeo binh nhì đến gần 15 tháng, trong khi lính bộ binh chỉ sau ba tháng là được phong binh nhất. Rồi sau đó, khi đang ở chiến trường, phát hiện ra cái sự bỏ sót thì tiểu đoàn phong binh nhất cho tôi đến... hai lần.
Một điều lạ nữa là...suốt nhiều chục năm sau bảy lăm, đêm đêm tôi vẫn... lái xe tăng và vẫn yêu cái tình yêu của lính thuở trước. Nghĩa là, nhiều đêm, chân tay tôi cứ ngọ nguậy theo cái tiết tấu; “Lên số tăng ga, xuống số vù ga, ly hợp nhả ra, chân ga dận xuống” và vẫn xử lý các tình huống mà mấy mươi năm trước đó mình đã có động tác không chuẩn. Năm 2002, tôi đi học lái xe hơi, thường bị trợ giáo kêu là vào số nhanh qua và còn cho xe (ô tô) chồm qua hào, vách hụt. Đó là những “bệnh” (thói quen) của người lái xe Tăng. Và, điều này mới tệ hại, tôi vẫn yêu cô gái quân nhân thưở trước mà nay đã thành bóng chim tăm cá, vẫn điều chỉnh lại các lời nói, các tình huống trước đây đã diễn ra với “nàng”. Cho đến một ngày, tất cả ký ức ám ảnh ấy bật ra trên trang giấy như một dòng nước phá vỡ thân đê. Tôi viết như mộng du, cho đến đoạn: “Hỡi các em \Nụ, Quang, Lài...” thì nước mắt dàn dụa, khóc như một đứa trẻ. Ôi, đời lính! Gian khổ biết bao và đẹp biết bao. Hỡi các chàng lính trẻ! Rồi mai ngày các chàng sẽ thấy, đó là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc lãng du không dài lắm của một đời người. Đó thực sự là một trường ĐẠI HỌC TỔNG HỢP mà giáo sư dạy miễn phí cho sinh viên cả cách mắc màn, gấp chăn, cách phơi cái khăn mặt sao cho thẳng thắn và lớn nhất cao cả nhất là bài học về lòng dũng cảm. Tin tôi đi, các bạn lính trẻ. Trong những đêm lạnh buốt ở Yên Thế ( Bắc Giang), bốn thằng nằm úp thìa trên cái giường đôi của chủ nhà ngủ say như chết. Bỗng vang lên hồi còi báo động chiến đấu, những người lính rên lên những tiếng đau đớn, rồi, không thể khác, chồm dậy xỏ chân vào giày quờ cây súng AK chạy ra trời đêm lạnh lẽo để sau 5 phút phải có mặt trong hàng quân. Sau những lần như thế, thì, với người lính, không có gì là không thể.
Trở lại với câu chuyện trong “ Hồi ức binh nhì”, phịa đấy, phịa khoảng 80%. Nếu chép lại sự thật như đã diễn ra thì tôi là một anh nhà báo và giọng điệu câu chữ báo chí cũng phải khác. Là một tác phẩm văn học thì phải phịa, phải lấy râu ông này chắp qua...cằm ông kia, nghĩ ra những chi tiết chưa hề nhưng có thể xảy ra, văn học gọi là hư cấu. Hư cấu, để khi mỗi người đọc đều có thể thấy mình trong đó, như là chuyện của mình hoặc một phần của mình. Hư cấu nhưng phải hợp lý hợp tình, hợp tính lịch sử cụ thể, nếu không thì người đọc không chấp nhận. Ví như, là khẩu pháo tự hành thì không thể quay 360 độ cái nòng trên xe được, những năm chống Mỹ thì lính ăn cơm sáu người một mâm và phải ăn đũa hai đầu để đảm bảo vệ sinh, không chia từng suất cho mỗi chiến sĩ như bây giờ. Đó là chưa kể nội tâm, lính thời nào nghĩ gì, yêu như thế nào cũng phải hợp lý. Những thực tiễn trong” phạm vi xác định” thì nhất định không được hư cấu.Ví như thời gian và địa điểm diễn ra các chiến dịch lớn, chân dung các vị tướng nổi tiếng...Ở trong truyện ngắn, tôi hư cấu nên cái cảnh quay nòng pháo vì pháo trên xe Tăng quay được 360 độ. Cái cảnh ấy tình cờ tạo nên hiệu ứng mạnh: Công cụ chiến tranh chết chóc biến thành công cụ cầu nối tình yêu. Vấn đề là, trong trạng thái tâm lý và điều kiện yêu đương ngày trước rất hạn chế, lại là đơn vị thông tin cơ yếu tuyệt mật...Cứ như bây giờ, nhà nghỉ nhan nhản, di động nhoay nhoáy mà kể chuyện leo nòng vào với người yêu thì không nghe được.
Có thể các bạn lính trẻ ngày nay hỏi tôi rằng, vì sao sau chiến tranh đã 20 năm mà tôi (chúng tôi) không tìm lại các nàng?! Sau chiến thanh, miền Bắc nói riêng như một đấu sĩ rời khỏi võ đài, thắng trận nhưng kiệt sức. Phương Tây cấm vận chúng ta, các nước bạn thôi viện trợ. Những chính sách cũ kỹ, sai lầm, xơ cứng. Rồi thì chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, giặc sôi như kiến, lại thắt lưng buộc bụng. Đói. Hà Nội và các đô thị, những hàng người xếp hàng dài nhẫn nại chờ mua vài bìa đậu phụ, vài lạng bạc nhạc lợn, cân cá đông lạnh, gạo, sắn theo những tiêu chuẩn cố định không thể ít hơn. Người (cán bộ) ăn cả bo bo là thứ phương Tây dành cho ngựa. Chúng tôi, những sinh viên cựu chiến binh, túi rỗng, suốt ngày đêm an ủi cái dạ dày lúc nào cũng gầm thét. Vả chăng, biết tìm các em ở đâu trên đất nước mênh mông của chúng ta, khi mà, ngày ấy lệnh lên đường đi chiến đấu buộc chúng tôi sau 15 phút có mặt, sau 30 phút nổ máy, một lời chia tay, một dòng địa chỉ quê hương cũng không kịp hỏi. Và, bây giờ đây, bốn mươi bốn năm trôi qua, thân phận những nguyên mẫu trong câu chuyện ra sao, cũng...bất khả tri. Đã hơn một lần chúng tôi đặt vấn đề đi tìm các em, thì, một nửa số bạn bè được hỏi đều khuyên là không nên. Vì sao? Vì, như họ nói là, chẳng để làm gì, khi mà người gặp bây giờ là một...bà già nhăn nheo. Rồi thì, chồng người ta sẽ nghĩ sao khi phải tiếp “người yêu cũ “ của vợ!? Hãy để cho những dòng ký ức cứ bổi hổi bồi hồi, lấp lánh như những viên ngọc trai trong ký ức. Các bạn trẻ trong quân ngũ nghĩ sao, hãy cho tôi một lời khuyên nhé. 

       Nhà văn Nguyễn Thế tường (phải), Đồng Hới. tháng 3/2016

Cuối cùng, phải kể đến năng lực của những biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội, mà cụ thể là biên tập viên Khuất Quang Thụy. Khi tôi viết xong bèn đưa cho một người bạn thân đọc. Anh ta khen hay và khuyên nên gửi cho tạp chí VNQĐ. Tôi nói, ừ cứ liều gửi, không đăng thì họ vứt đi, có đánh mình đâu mà sợ. Gửi theo đường bưu điện, ai dè, đúng thời điểm ấy Tạp chí đang có cuộc thi truyện ngắn. Nhà văn Khuất Quang Thụy đang gác cổng cuộc thi bèn “lôi cổ” cái truyện của tôi vào dự thi, may mắn thay còn được trao giải. Thật mừng hết lớn. Điều đó để nói với các bạn rằng, nếu chúng ta có ý định hoặc đã viết được cái gì thì cứ mạnh dạn trình làng...biết đâu đấy. Sau này người ta chuyển thể cái truyện này thành hai bộ phim, phim truyền hình và phim truyện nhựa, nhưng công bằng mà nói vì nằm trong tình hình chung của điện ảnh Việt Nam nên dù cả hai phim đều được một số giải thưởng nhưng xem vẫn không ấn tượng nhiều.
Các bạn lính trẻ ơi! Nhiều lúc tôi tự hỏi, sao mình chỉ ở trong quân ngũ bốn năm mà “nhiễm” máu lính nặng đến thế!? Về với đời thường đã bốn mươi năm có lẻ mà cứ mỗi khi nhìn thấy màu xanh quân phục là lòng lại bồi hồi, loáng trên màn hình TV có chương trình quân đội là dán mắt vào...Phải chăng, caí môi trường ấy nó hấp dẫn quá, ấn tượng quá, hiểm nguy mà cũng lý tưởng cho quãng đời trai trẻ. Có thể suốt đời tôi vẫn không lý giải được, thì hãy cứ giữ nguyên cái “máu lính” trong người. Biết đâu, một ngày nào đó, đất nước cần, tôi, chúng tôi, ở cái tuổi không còn lái được xe Tăng thì cũng xin lụ khụ xách khẩu AK ra chiến hào chỉ để giữ lấy cái khu phố, cái làng trong đó có ngôi nhà có vợ con và cháu của mình. Lúc ấy chúng ta sẽ gặp nhau, các bạn nhỉ!

Đồng Hới đầu xuân
NTT
Rút thttps://www.facebook.com/tuong.nguyenthe

Top of Form