29 tháng 11, 2013

Sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà

Đàn ông vào bếp khi đàn bà đi khỏi nhà. Đàn bà vào bếp khi có đàn ông ở nhà.
Đàn ông ra chợ mua cái mình cần. Đàn bà ra chợ tìm cái mình cần mua.
Đàn ông ra chợ thấy hàng hóa ê hề tha hồ mua. Đàn bà ra chợ thường than không biết mua gì.
Đàn ông ra chợ mua cái gì cũng thấy rẻ. Đàn bà ra chợ mua cái gì cũng thấy đắt.
Đàn ông chỉ cần 10 phút để ra khỏi nhà. Đàn bà cần 60 phút để ra khỏi nhà.
Đàn ông ra khỏi nhà là lên xe đi ngay. Đàn bà ra khỏi nhà còn chạy vào chạy ra vài lần rồi mới lên xe đi.
Đàn ông bạc tóc vì sự chờ đợi. Đàn bà bạc tóc vì đàn ông không biết chờ đợi.
Đàn ông nói nhiều khi chưa lấy vợ. Đàn bà nói nhiều từ khi lấy chồng.
Đàn ông nói nhiều khi say. Đàn bà nói nhiều khi đàn ông say.
Đàn ông say sẽ nghĩ về người đàn bà không phải của họ. Đàn bà say sẽ nghĩ về người đàn ông đã bỏ rơi họ.
Đàn ông ăn cơm nhà nói chuyện thế giới. Đàn bà dù ăn cơm thế giới vẫn chỉ nói chuyện nhà.
Đàn ông thành đạt sẽ có thêm đàn bà. Đàn bà thành đạt sẽ mất đi người đàn ông của chính họ.
Đàn ông thường nhớ về người đàn bà đầu tiên. Đàn bà nhớ người đàn ông cuối cùng.
Đàn ông khi nào cũng thấy mình còn tiền. Đàn bà lúc nào cũng kêu hết tiền.
Mĩ phẩm đem lại cho đàn bà sự tự tin. Với đàn ông đó là sự lừa dối.
Đàn ông thường ngắm mình qua những tấm gương treo nơi công cộng. Đàn bà thường soi gương khi ở nhà.
Đàn ông lúc nào cũng thấy mình có nhiều quần áo. Đàn bà đứng trước cả tủ quần áo vẫn kêu không có gì để mặc.
Đàn ông đi xa 5 ngày chỉ mang quần áo đủ mặc 3 ngày (nếu thiếu họ lấy đồ cũ ra mặc lại). Đàn bà đi xa 5 ngày sẽ mang quần áo đủ mặc cho 10 ngày (kết cục họ vẫn bị thiếu một cái gì đó quên không mang theo).
Đàn ông ít khi thấy nhà bẩn. Đàn bà lúc nào cũng thấy nhà bẩn.
Đàn ông ăn món mà mình thích. Đàn bà ăn món mà đàn ông không thích.
Đàn ông thường ân hận vì sự khờ khạo trước đàn bà. Đàn bà thường ân hận vì sự khôn ngoan trước đàn ông.
Đàn ông về già mới phong độ. Đàn bà chỉ phong độ khi còn trẻ.
Đàn ông thường về già mới có giá. Đàn bà chỉ có giá khi còn trẻ.
Đàn ông thường nói xấu vợ khi ra khỏi nhà. Đàn bà chỉ nói xấu chồng ở trong nhà. 
Đàn ông thấy yêu đời khi gặp một cô gái trẻ. Đàn bà thấy chán đời khi đi qua một cô gái trẻ.
Đàn ông lấy vợ rồi mới nghĩ đến tương lai. Đàn bà chỉ có tương lai khi lấy chồng.
Đàn ông thành đạt khi kiếm được nhiều tiền. Đàn bà thành đạt khi kiếm được người đàn ông nhiều tiền.



Còn tiếp....

Cuối cùng, đàn ông luôn cần có đàn bà nhưng họ không không bao giờ muốn biến thành đàn bà. Đàn bà cũng cần có đàn ông nhưng nhiều lúc họ lại muốn được như đàn ông..   

  


26 tháng 11, 2013

Cuốn sách không dễ đọc

Cá thì ai chẳng ăn hàng ngày. Thậm chí như nhà tôi có thời gian bà xã còn tổ chức chiến dịch bài trừ thịt để tăng món cá trong các bữa ăn, vì nghe nói ăn cá có nhiều cái lợi còn ăn thịt thì có thể chết sớm vì mắc nhiều chứng bệnh, nhất là mấy bà hàng thịt ngày nay chuyên trò tẩm ướp đủ thứ hóa chất khiến ăn một miếng thịt vô người cũng có nghĩa là nhập thêm vào cơ thể một lượng hóa chất độc hại không gây cho ta cái chết ngay tắp lự nhưng sẽ có một cái chết từ từ. Vì thế mà ăn cá vừa ngon bổ lại rẻ, chỉ thiếu nước vừa ăn cá vừa hô cá muôn năm. Có hôm nhà tôi mua cả một con cá diêu hồng to còn sống tung tăng bơi lội trong chậu nước nhìn đẹp long lanh như một con cá cảnh mà chỉ hết có 30 ngàn. Tôi ngắm con cá rồi thầm nghĩ: Sao mà rẻ thế nhỉ. Nếu tôi mà nuôi hoặc bắt được con cá như thế này thì có ai trả 100 ngàn tôi cũng không bán. Bởi để có được một con cá trên mâm, nhất là giống cá biển chắc phải là kì công lắm. Đấy, ông nào giỏi cứ ra biển bắt về một con cá trích to bằng 2 ngón tay đi, tôi mua cho 100 ngàn.
Điều này càng đúng hơn khi tôi được đọc cuốn Nghề đánh cá thủ công xưa của ngư dân vùng biển Hoài Nhơn, Bình Định (*) do hai tác giả là Trần Xuân Toàn và Trần Xuân Liếng biên soạn. Đọc mới thấy hóa ra nghề bắt cá thật lắm công phu.
Này nhé, trước khi đi biển phải nắm bắt được tình hình thời tiết. Ngư dân Hoài Nhơn chỉ cần nhìn qua bầu trời là biết sắp có mưa hay gió: Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa. Khi ra biển thì tùy theo vùng mà đánh bắt kiểu gì, khơi hay lộng. Ngay trong đi lộng cũng đã thấy phức tạp với những câu kiều, câu thẻo, câu nhỏ, câu chạy, câu tay, câu cuộn… đọc mà hoa cả mắt. Rồi lưới, rồi ghe xuồng, cái nào cũng đủ các chủng loại.



Cuốn sách còn cho người đọc biết thêm về những tín ngưỡng, lễ hội và những điều kiêng kị trong nghề biển của ngư dân Hoài Nhơn. Phần này  mang nhiều đặc điểm của văn học dân gian – Folklore nhất, và đây chính là thế mạnh của tác giả sách này. Vì thế mà cũng là chương được viết rất thành công, mang lại sự hấp dẫn cần thiết cho người đọc.
Hoài Nhơn là huyện địa đầu phía Bắc của Bình Định có chiều dài gần 30km bờ biển với những làng biển nổi tiếng. Trong đó nổi tiếng nhất là làng biển Hoài Hương. Những năm sống ở Bình Định tôi đã có mấy chuyến công tác  về Hoài Hương. Được ăn món hải sản ngon nhất thế giới mà ở nhiều làng biển khác không có, đó là bộ lòng của con cá vĩ đại gọi là cá ngừ đại dương. Nó trông giống hệt con cá ngừ thông thường nhưng sống ở vùng nước biển ngoài khơi xa cách bờ hàng trăm hải lí và sâu hàng ngàn thước nên gọi là cá ngừ đại dương, có nơi còn gọi là cá bò gù. Mỗi con dài cả thước rưỡi, nặng cỡ năm chục kí. Bộ lòng cá ngừ đại dương phải 5-6 người ăn sặc sừ, khi ăn cứ dòn dòn sật sật, thơm và ngon lạ lùng, nhất là khi đi kèm với chai rượu gạo nút lá chuối nữa thì quên luôn đường về là cái chắc. Ăn vào đâu sướng đến đấy, chỉ no chứ không có chán. Đời tôi có lẽ không bao giờ có lại một dịp như thế nữa bởi bây giờ sống xa Hoài Nhơn quá.
Nghề đánh cá thủ công xưa của ngư dân vùng biển Hoài Nhơn, Bình Định là một cuốn sách không dễ đọc và không thể đọc nhanh. Tôi vốn đọc sách khá nhanh, vậy mà phải đọc dần dà đến 3 tuần mới xong. Tất cả chỉ là do những kiến thức trong sách mới lạ với tôi quá, dù đó là của ngư dân Hoài Nhơn xưa.
Cuốn sách đã cho ta thấy để trường tồn với lịch sử, người Hoài Nhơn nói chung và ngư dân Hoài Nhơn nói riêng từ ngàn xưa không chỉ đã rất cần cù mà còn rất thông minh và sáng tạo. Chẳng thế mà từng có thời huyện này suýt trở thành thủ phủ của Bình Định. Đó là đóng góp có ý nghĩa nhất của các tác giả từ Nghề đánh cá thủ công xưa của ngư dân vùng biển Hoài Nhơn, Bình Định.
Cuốn sách do vậy là một nguồn một tư liệu quí cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này.

(*) Tác giả Trần Xuân Toàn - Trần Xuân Liếng, NXB Thời đại, Hà Nội, 2013



  




25 tháng 11, 2013

Kính thưa các loại chủ nghĩa

 Mục Tiếng nói người viết

                                                            Chử Anh Đào

          Mấy năm gần đây cả người viết và các nhà phê bình, nghiên cứu văn học ở nước ta rộ lên phong trào (nước ta vốn có truyền thống phong trào) lập ngôn về các loại “chủ nghĩa” trong sáng tác. Đó là những “khái niệm”, “định nghĩa”, “đặc điểm”…đầy tính tư biện và kinh viện, kiểu “đóng chân theo giày”, làm cho những điều đơn giản, dễ hiểu nhất thành rối rắm phức tạp nhất. Có những người tỏ ra vinh dự tự hào vì là người khởi xướng, là đại biểu, là tiên phong…Xét thấy không cần dẫn giải nhiều ra đây. Chỉ xin quí vị lưu ý một điều: tất cả những cái gọi là chủ nghĩa ấn tượng, trực giác, siêu thực, đa đa, dã thú, cấu trúc, hiện sinh, hậu hiện đại…đều ra đời ở châu Âu sau đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai với những cơ sở xã hội nhất định, có những đại biểu xuất sắc và những tác phẩm để đời của mình. Những tưởng chúng đã kết thúc sứ mệnh lịch sử từ gần một thế kỉ trước, không ngờ lại phục sinh tại Việt Nam- mảnh đất được coi là màu mỡ một thời của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (!)
          Đổi mới, cách tân để sáng tạo ra cái Đẹp là mục tiêu hàng đầu, là nhu cầu tự nhiên của tất cả các nghệ sĩ cổ kim đông tây. Điều này được thể hiện thông qua những tuyên ngôn nghệ thuật trực tiếp hoặc gián tiếp qua hình tượng của các tác giả. O.Balzac “viết dưới ánh sáng của chủ nghĩa quân chủ”; Nguyễn Đình Chiểu “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”; Sóng Hồng “dùng bút làm đòn xoay chế độ”; Phadarello và A.Nexin khuyên mọi người nhìn hiện thực bằng chính cặp mắt của mình qua “Sự lựa chọn” và “Mua kính”; Nam Cao kiên quyết từ bỏ thứ văn chương phù phiếm để quay về với chủ nghĩa hiện thực qua “Giăng sáng”…Nhưng xét cho cùng vẫn là chất lượng tác phẩm qua cảm thụ của công chúng và sự phán xet của thời gian. Người ta nhớ tới một nhà văn nào đấy không phải ông ta đứng ở chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ mà bằng chính đứa con tinh thần mình sinh ra. Vì vậy, tuy chỉ là người viết vụn ở tỉnh lẻ nhưng tôi cứ tự nhủ mình rằng: mọi thứ ồn ào khoe mẽ ta đây rồi cũng sẽ qua đi, chỉ còn, như ý của Xuân Quỳnh, nghệ thuật đích thực và tình yêu ở lại./.
                                                          PK 20.11.13

                                                               C.A.Đ



19 tháng 11, 2013

20 tháng 11

Dù gì đi nữa thì ngày lễ vẫn là ngày lễ với những lời chúc tụng vô biên, thiệp mừng và hoa tươi cùng gặp gỡ nâng li.
Đó là không khí của ngày 20-11 năm nay.
Thời gian đã quá dư thừa để làm bạc trắng mái đầu dù đã nhiều năm nay bụi phấn không còn rơi trên tóc tôi mỗi bận lên lớp do nếu có đi dạy thì cũng bằng máy chiếu 100%. Tay tôi không buồn đụng đến viên phấn nữa.
Đi lại cũng chậm dần đều. Mỗi lần lên lớp cũng ít vung tay "Gào thét" để đến nỗi khi rời lớp thì thân thể "Bàng hoàng". 
Những cuộc tụ tập vui chơi ở nhà hàng đã bớt ham.
Nhưng cuộc sống thì vẫn tuôn trào như con đường Âu Cơ bên ngoài cổng trường luôn ầm ào xe cộ.
Và niềm vui thì vẫn như xưa.

Dù sao thì cũng xin được chúc mừng bạn bè đồng nghiệp của tôi nhân ngày này, 20 tháng 11.

              2 trong 1: Tổng kết năm học kết hợp với Lễ kỉ niệm 20-11 của VHU sáng nay

                                     Màn văn nghệ chào mừng

                                  Trên bàn làm việc sáng nay

                              Có cả hoa tươi và thịt nguội


18 tháng 11, 2013

Chỉ một lời Thầy khen làm tôi cố gắng mãi

Năm 1979 tốt nghiệp VU tôi được phân công về dạy ở Khoa Văn QNU. Hồi đó chẳng phải xin xỏ gì. Học xong người ta phân đi đâu thì đi đó cứ như trời định vậy. Không như sinh viên bây giờ tốt nghiệp đồng nghĩa với thất nghiệp. Chúng tôi hồi đó thuộc lòng câu: Cầm vàng còn sợ vàng rơi; Cầm bằng tốt nghiệp đời đời ấm no.
Về khoa Văn QNU tôi gặp Trưởng khoa Nguyễn Văn Giai là thầy giáo cũ dạy tôi văn học Nga khi còn học năm 3 ở VU. Ngay buổi họp cán bộ khoa đầu tiên, ông phân công tôi đảm nhiệm môn văn học Trung Quốc cùng tổ nước ngoài với ông. Tôi vốn dễ tính, thực ra môn mà tôi thích theo đuổi là Lí luận văn học, nhưng thôi, mất ngựa biết đâu lại là điềm may của ông già cửa ải.
Theo qui định đối với giảng viên đại học, năm đầu tiên ở lại trường tôi được đi đọc sách, biên soạn bài giảng và dự giờ các giảng viên khác, nhất là các thầy từ trường bạn đến thỉnh giảng, sau đó mới được tập tõm lên lớp.
Khoảng cuối năm 80 có Thầy Lương Duy Thứ là một trong số ít GS dạy VHTQ hàng đầu của Việt Nam từ ĐHSP 1 Hà Nội vào thỉnh giảng. Tôi ngày ngày chăm chỉ ôm cặp lên giảng đường cùng với SV khóa 1 học bài của sư phụ.
Một hôm sau buổi giảng Thầy bảo tôi: Đầu tuần sau đến phần thực hành chương Sử kí của Tư Mã Thiên, tôi dành 1 tiết để anh lên phân tích truyện Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện cho SV nhé. Dù lo lắng nhưng tôi sẵn sàng nhận lời Thầy, bởi nghĩ có dịp nên thử sức và khẳng định mình xem sao.
Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện là một tác phẩm thuộc loại hay nhất, có nhiều kịch tính nhất trong Sử kí, thể hiện được nhiều tài năng và sự thâm thúy trong ngòi bút của nhà viết sử cũng là nhà văn vĩ đại thời cổ đại Tư Mã Thiên.
Câu chuyện tóm tắt như sau:
"Liêm Pha là một tướng tài của nước Triệu thời Chiến quốc. Năm 283 TCN, nước Triệu theo kế hợp tung của nước Yên cùng đánh Tề Mẫn vương kiêu ngạo, Liêm Pha được Triệu Huệ Văn vương cử làm tướng đi đánh Tề dưới quyền tổng chỉ huy của tướng Yên là Nhạc Phi. Liêm Pha phá tan quân Tề, lấy ấp Dương Tấn về nước Triệu. Nước Tề sau đó bị nước Yên đánh bại.
Liêm Pha được làm thượng khanh, dũng khí của ông nổi tiếng khắp các nước chư hầu.
Khi đó Lạn Tương Như vốn xuất thân chỉ là người phục vụ dưới quyền hoạn quan Mục Hiền, nhờ việc đi sứ nước Tần bảo toàn được ngọc bích và uy tín của nước Triệu trước nước Tần hùng mạnh nên được phong làm thượng đại phu. Nước Tần hứa đổi 15 thành lấy ngọc bích họ Hoà của nước Triệu nhưng không thực hiện lời hứa, kết quả nước Triệu cũng không đem ngọc bích cho Tần.
Năm 282 TCN, vua Tần bực nước Triệu không chịu dâng ngọc bèn đánh Triệu, lấy Thạch Thành. Năm sau lại đánh Triệu, giết hai vạn người. Sau đó vua Tần sai sứ giả nói với Triệu Vương muốn họp nhau ở Dẫn Trì, ngoài Tây Hà để giảng hoà. Vua Triệu sợ nước Tần hung hãn, từng bắt giữ Sở Hoài vương khi đến hội họp nên định không đi. Liêm Pha và Lạn Tương Như bàn rằng: Nhà vua không đi thì tỏ ra nước Triệu yếu và nhát. 
Vua Triệu nghe theo, bèn đến hội họp. Lạn Tương Như đi theo phò tá vua Triệu. Liêm Pha tiễn đến biên giới, từ biệt nhà vua nói: Nhà vua đi, tính đường đi về cùng hội họp, chẳng quá ba mươi ngày, nếu ba mươi ngày không về, xin lập thái tử làm vua để cho Tần hết hy vọng.
Triệu Huệ Văn vương nghe theo.
Trong thời gian Triệu vương và Lạn Tương Như đối đầu với vua quan nước Tần ở Dẫn Trì, Liêm Pha coi giữ nước Triệu, không gặp biến cố nào.
Lạn Tương Như có công phò tá vua Triệu hội kiến vua Tần ở Dẫn Trì khiến nước Tần không dám chèn ép nước Triệu nên được vua Triệu phong làm thượng khanh, địa vị trên cả Liêm Pha.
Liêm Pha bất mãn nói:
Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận có công to, trái lại Tương Như chỉ nhờ miệng lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta. Hơn nữa, Tương Như vốn người thấp hèn, ta xấu hổ không mặt mũi nào ngồi ở dưới ông ta.
Và ông rêu rao rằng:
Ta gặp Tương Như, quyết làm nhục ông ta.
Tương Như nghe vậy, chủ động tránh không gặp Liêm Pha. Về sau, ông nghe mọi người nói lại lời Tương Như giải thích rằng:
Oai như vua Tần mà Tương Như dám gào thét ở giữa triều đình, làm nhục cả quần thần. Tương Như tuy hèn nhát há sợ Liêm tướng quân sao. Nhưng ta nghĩ rằng nước Tần sở dĩ mạnh, không đem binh lính đánh Triệu vì có ta cùng Liêm tướng quân. Nay hai con hổ đánh nhau, thế nào cũng không sống được cả, cho nên ta phải làm như thế, vì nghĩ đến việc cấp bách của nước nhà trước mà gác việc thù riêng đó thôi.
Liêm Pha nghe vậy ân hận, nhận ra lỗi của mình. Ông bèn cởi trần, mang roi nhờ tân khách đưa đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội, nói: Kẻ hèn mọn này không biết tướng quân rộng lượng đến thế! 
Rồi từ đó hai người vui vẻ làm bạn sống chết có nhau khiến nước Tần không dám hăm dọa nước Triệu. Sau này khi Liêm Pha và Lạn Tương Như qua đời, nước triệu suy yếu hẳn rồi mất vào tay Tần". 

Tôi dành mấy hôm đọc và nghiền ngẫm kĩ tác phẩm, rồi soạn bài. Bài soạn  của tôi là mấy trang A4 gạch xóa lem nhem, nếu người ngoài có nhìn vô cũng không biết đâu mà mò. Buổi tối cuối cùng gần như tôi không ngủ được, nghĩ đến bài giảng ngày mai dù chỉ 1 tiết ngắn ngủi nhưng lòng tôi bâng khuâng khó tả. Vừa náo nức vừa lo lắng. Cứ nằm vắt tay lên trán một lúc lại đứng dậy lật lật bài soạn rồi đi lại vung tay lảm nhảm một mình trong phòng như một thằng bị bệnh mộng du. Lần đầu tiên tôi thấm thía sự vất vả của cái gọi là lao động giáo án của nghề dạy học.
Khi cảm thấy đã ổn rồi tôi lên giường ngủ. Nhưng mắt vẫn không chịu ngủ. Có một cái gì chưa ổn trong bài phân tích của mình. Đó là sự ca ngợi hết lời nhân vật Lạn Tương Như của các bài viết trong giáo trình VHTQ cũng như trong các tài liệu tham khảo khác. Bài soạn của tôi cũng đi theo hướng đó, hết lời ca ngợi viên quan văn Lạn Tương Như rộng lượng, biết đặt lợi ích đất nước lên trên danh tiếng cá nhân; và chê trách nặng lời viên quan võ Liêm Pha bụng dạ hẹp hòi suýt nữa thì làm mất nước. Đây chính là chỗ mà tôi thấy không ổn trong nhận thức và phân tích tác phẩm. Nếu phân tích theo hướng này thì câu chuyện của Tư Mã Thiên không có chỗ cho sự thâm thúy. Lạn Tương Như là nhân vật tốt từ trong trứng. Ngay từ khi xuất hiện trong tác phẩm, ông ta đã là một con người tốt và cho đến hết tác phẩm tính cách của con người này vẫn vậy, không có gì phát triển. Đây không thể là một hình tượng nhân vật điển hình của tác phẩm được. Nếu hướng sự phân tích ca ngợi vào nhân vật này như các giáo trình văn học và tài liệu tham khảo đã viết tức là cố tình đẩy vào một cánh cửa đã mở sẵn. Một việc làm vô ích.
Nghĩ đến đó tôi bật dậy lấy bút viết lại bài phân tích theo hướng đề cao nhân vật Liêm Pha, một vị đại tướng lỗi lạc biết nhận ra sai lầm của mình để phục thiện. Con người ta ở đời ai cũng có sai lầm. Vấn đề là biết nhận ra cái sai của mình để từ đó sửa chữa lỗi lầm và phát triển nhân cách ngày một hoàn thiện hơn. Liêm Pha mới chính là hình tượng nhân vật đáng ngợi ca nhất của tác phẩm, là một hình tượng điển hình trong câu chuyện và trong cả bộ Sử kí vĩ đại, một con người biết vượt lên chính mình.
Sau khi đã viết lại gần như toàn bộ giáo án, tôi mệt mỏi lăn đùng ra giường ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm với tâm trạng đầy hồi hộp và náo nức cứ như thể lần đầu tiên hẹn hò với cô bạn gái trong mối tình đầu, rồi xách cặp rời khu tập thể CBGD để hầu sư phụ GS Lương Duy Thứ lên lớp.
Vẫn những bậc cầu thang quen thuộc lên giảng đường trên lầu 2 ấy nhưng hôm nay tim tôi đập rộn ràng.
Sau mấy lời giới thiệu của GS hướng dẫn, tôi bước lên bục giảng cầm phấn trắng nắn nót viết lên tấm bảng xanh dòng chữ: Phân tích tác phẩm Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện.
Sự hồi hộp ban đầu qua mau.
Tôi như bị cuốn hút vào bài giảng của mình, cuốn hút như là đang lên đồng. GS Thứ dành cho bài giảng của tôi một tiết nhưng tôi đã chiếm dụng của thầy cả một  tiết rưỡi.
Điều bất ngờ là khi tôi nói lời chấm dứt bài giảng của mình, cả 2 lớp SV khóa 1 học chung đã vỗ tay cổ vũ.  Tôi nghĩ vậy là mình thành công rồi.
Sau đó GS Thứ lên nhận xét. Thầy nói ngắn gọn: Qua bài giảng vừa rồi của thầy HTS, tôi xin được nói rằng, nếu tôi là Mao Trạch Đông thì thầy HTS là Lâm Bưu.
Chỉ có thế.
Lời nhận xét của Thầy làm tôi sướng ngất ngây. Bởi đó là một lời khen nhiều ngụ ý. Thời đó nếu ai quan tâm đến chính trị, sẽ biết rằng chủ tịch Trung quốc khi đó là Mao Trạch Đông đã chọn Lâm Bưu làm người kế vị của mình vì thế Phó chủ tịch Trung Quốc Lâm Bưu khi đó là nhân vật số 2 sau Mao Trạch Đông. Khi đó bất cứ báo đài nào nếu đã nhắc đến Chủ tịch Mao Trạch Đông hiển nhiên phải nhắc đến Phó chủ tịch Lâm Bưu. Hai con người này gắn liền nhau như hình với bóng trên đại lễ đài Thiên An Môn, trên các đoàn chủ tịch đại hội của Trung Quốc thời đó. Với ví von ấy Thầy đã kín đáo khen học trò là tôi rất nhiều.  Không sướng râm ran sao được.

Từ đó đến nay, sau mấy chục năm đã đi qua, kể cả khi đã nhảy sang làm nghề khác cả hai chục năm trời, tôi vẫn gắn bó với môn VHTQ, vẫn hồi hộp và say mê mỗi khi có dịp bước chân vào lớp để giảng bài, bởi tôi không bao giờ quên lời khen ấy của Thầy tôi, GS Lương Duy Thứ.

15 tháng 11, 2013

Sự khác nhau giữa Hà Nội và Sài Gòn (tiếp theo)

-  Ở Hà Nội nếu một nghệ sĩ dính đến scandal họ sẽ xem đó như một niềm hãnh diện rồi từ đó tìm cách nổi lên. Chẳng hạn như diễn viên phim sex Hoàng Thùy Linh Nhật kí Vàng Anh, người từng được  tờ CNN GO xếp vụ tai tiếng của Hoàng Thùy Linh vào nhóm 5 vụ bê bối tình dục hàng đầu châu Á, lại càng trơ tráo tìm cách để trở thành ca sĩ nổi tiếng và ngày càng nổi hơn trên sân khấu. Hoặc như nhà báo của VTV Vũ Kiều Trinh sau khi nổi tiếng do ăn cắp xuyên lục địa thì càng xem đó là cơ hội để nổi hơn trên màn hình VTV với chương trình Điểm hẹn văn hóa. 
Ở Sài Gòn nếu một nghệ sĩ dính đến scandal họ sẽ rất xấu hổ. Chẳng hạn diễn viên Yến Vy sau khi lộ cảnh đóng phim sex với người tình thì vì xấu hổ và lòng tự trọng đã không chỉ biến mất khỏi hoạt động nghệ thuật mà còn tìm đường biệt xứ, sang Mĩ lặng lẽ ẩn dật.
- Ở Hà Nội khi đàn ông ngồi lại với nhau chỉ nói chuyện nhân sự từ bộ chính trị trung ương đảng, chính phủ đến thành ủy, tỉnh ủy rành rẽ cứ như là vừa từ trong cuộc họp bộ chính trị bước ra.
Ở Sài Gòn khi đàn ông ngồi lại với nhau chỉ nói chuyện ba láp ba sàm cho vui, nói xong đứng dậy rũ áo ra về là quên ngay. Bởi đã có một mặc định bất thành văn là không bao giờ nói chuyện chính trị, kể cả lúc họp chi bộ.
- Dân Hà Nội thuộc hết tên các vị trong bộ chính trị, các bộ thứ trưởng; dân Sài Gòn không biết ông Lê Thanh Hải, ông Lê Hoàng Quân là ông nào
- Ở Hà Nội chuyện nhỏ cũng biến thành chuyện to. Ở Sài Gòn chuyện to mấy cũng chỉ là chuyện nhỏ.
- Ở Hà Nội nhìn ông xe ôm giống ông cán bộ nhà nước. Ở Sài Gòn ông cán bộ nhà nước nhìn giống ông xe ôm.
- Xe ôm Hà Nội tống ba chạy qua mặt công an ngoảnh lại “ịt mẹ mày”. Xe ôm Sài Gòn tống ba chạy qua mặt công an ngoảnh lại “Cảm ơn chú Hai”.
- Ở Hà Nội cô cave nhìn giống tiểu thơ con nhà giàu. Ở Sài Gòn tiểu thơ nhà giàu nhìn giống cô cave.
- Ở Hà Nội dân trong một dãy phố biết hết mặt nhau rành rẽ từ công việc đến chuyện riêng tư của mỗi nhà. Ở Sài Gòn 2 nhà ở cạnh nhau không biết tên là gì.
- Ở Hà Nội đi loanh quanh một hồi lại thấy Bờ Hồ. Ở Sài Gòn càng loanh quanh càng lạc lối.
- Xưa nay chỉ có người Hà Nội vô Sài Gòn định cư; Người Sài Gòn không bao giờ có ý nghĩ sẽ ra Hà Nội sinh sống.
- Người Hà Nội vô Sài Gòn cố bắt chước cách nói năng, sinh hoạt cho giống người Sài Gòn; Không thấy người Sài Gòn bắt chước người Hà Nội.
- Ở Hà Nội gặp khi tắc đường kẹt xe nghe ụ mẹ ụ cha ầm trời. Ở Sài Gòn ngậm tăm mà đi, không cả một tiếng còi xe.
- Ở Hà Nội lỡ mình có lỗi khi đi đường sẽ nghe hàng loạt lời rủa xả: Mù à; không muốn sống nữa à; muốn chết à… Ở Sài Gòn mọi người sẽ lặng lẽ nhường đường cho mình đi.
- Taxi Hà Nội thường nhỏ như cái chuồng gà (toàn xe matiz). Taxi Sài Gòn thường to như cái xe tăng (toàn xe innova).
- Ở Hà Nội ăn phở xong ra cửa mua chén chè nóng tráng miệng. Ở Sài Gòn trước khi ăn phở đã có sẵn li trà đá miễn phí.
- Nếu bạn ra Hà Nội Nội công tác, du lịch... sẽ được bạn bè ngoài đó quan tâm mời ăn uống, gặp gỡ sớm tối cho đến ngày bạn rời Hà Nội. Ở Sài Gòn khi bạn từ Hà Nội vô sẽ được bạn bè Sài Gòn mời nhậu một bữa rất thân tình rồi sau đó là quên luôn, bạn rời Sài Gòn lúc nào cũng không biết.
- Người Hà Nội thường tìm chỗ sang để ăn. Người Sài Gòn cốt tìm chỗ ngon để ăn.
- Người Hà Nội thường tự hào về hương hoa sữa. Người Sài Gòn không có hương hoa gì để tự hào.
Con gái Hà Nội dễ thương và thương cũng dễ. Con gái Sài Gòn dễ thương nhưng thương không dễ.
- Con gái Hà Nội dễ yêu nhưng khó bỏ. Con gái Sài Gòn khó yêu nhưng dễ bỏ.
- Hồ Gươm ở Hà Nội nhỏ bằng một con rùa to. Hồ Con Rùa ở Sài Gòn to bằng một con rùa nhỏ.
- Sân bay Hà Nội ở tít trên Nội Bài. Sân bay Sài Gòn ở ngay trong lòng thành phố.
- Ở Hà Nội không có đường mang tên Sài Gòn. Ở Sài Gòn có đường mang tên Hà Nội.
- Ở Hà Nội bảng tên đường chỉ ghi một mặt, người đi đường nhiều khi đi qua phải ngoái đầu nhìn lại mới đọc được tên đường phố. Ở Sài Gòn bảng tên đường ghi cả hai mặt, đi từ phía nào tới cũng dễ dàng đọc được tên đường.
- Ở Hà Nội đàn ông và đàn bà cùng vào quán thịt chó như nhau. Ở Sài Gòn chỉ có đàn ông mới vào quán thịt chó.
- Cuối cùng, Hà Nội là thủ đô và người Hà Nội luôn tự nhận mình là ngàn năm thanh lịch. Sài Gòn từng là thủ đô và từng được thế giới ngợi ca là Hòn ngọc Viễn Đông. 
                                                                     
                                                  

 

Sắp có Sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà  







13 tháng 11, 2013

Sự khác nhau giữa Hà Nội và Sài Gòn

-      Nếu một nữ nghệ sĩ dính đến scandal: 
Ở Hà Nội sẽ xem đó như một lợi thế rồi tìm cách nổi lên từ scandal. Chẳng hạn như  diễn viên phim sex Hoàng Thùy Linh Nhật kí Vàng Anh, người từng được  tờ CNN GO xếp vụ tai tiếng của Hoàng Thùy Linh vào nhóm 5 vụ bê bối tình dục hàng đầu châu Á, lại càng trơ tráo tìm cách để trở thành ca sĩ nổi tiếng và ngày càng nổi hơn trên sân khấu. Hoặc như nhà báo của VTV Vũ Kiều Trinh sau khi nổi tiếng do ăn cắp xuyên lục địa thì càng xem đó là cơ hội để nổi hơn trên màn hình VTV với chương trình Điểm hẹn văn hóa. 
Ở Sài Gòn diễn viên Yến Vy sau khi cũng dính vào scandal đóng phim sex với người tình thì vì xấu hổ và lòng tự trọng đã không chỉ biến mất khỏi hoạt động nghệ thuật mà còn tìm đường bỏ xứ ra đi khỏi đất nước, sang Mĩ lặng lẽ sinh sống.
- Đi ăn giỗ về gõ tiếp...

-       

6 tháng 11, 2013

Bão hụt

14h chiều nay, sau khi nhận được lệnh của lãnh đạo Trường, tôi gửi ngay một cái meo đến các khoa với giọng văn rất màu khí tượng: Theo cảnh báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ,  “chiều tối nay bão số 13 sẽ đổ bộ vào TP. HCM. Ngoài khả năng xảy ra dông lốc và gió lớn, thì khu vực TP. HCM có nhiều khả năng bị ngập nặng khi bão gây mưa lớn kết hợp với triều cường đang đạt đỉnh”. Để phòng tránh cơn bão số 13 và nhằm bảo đảm tính mạng cho GV và SV, yêu cầu các khoa cho các lớp kết thúc buổi học chiều nay vào lúc 16h, các lớp liên thông buổi tối nay cho nghỉ.
Vừa meo đi chưa kịp xoa tay đã nhận được mấy cái meo lại của các thư kí khoa: Chỉ bảo đảm tính mạng cho GV và SV, vậy còn tính mạng của NV và thư kí như bọn em thì sao thầy.
Ôi trời, tôi sai sót rồi. Đúng là bút sa gà chết. Nghĩ đến lớp học là tôi chỉ nghĩ đến thầy và trò, ai nghĩ đến những NV đang trong các văn phòng chứ. Nghĩ thế nhưng tôi vẫn cố vớt: Thì GV và SV còn dĩ nhiên CB và NV vẫn còn
Thông báo là vậy nhưng chỉ mới 15h30 các lớp SV đã túa cả ra sân trường cười nói rôm rả như tết. Hỏi sao ra sớm thế? Dạ thầy cho ạ. Thì ra là thầy cũng muốn về sớm tránh bão. Đúng là vui vẻ như cậu học trò được rời sách vở. Đang học trên lớp mà được nghỉ ngang xương, không sướng mới lạ.
Tôi ngước nhìn lên trời, im ắng lạ thường. Đây có phải là khoảng  lặng đáng sợ trước cơn bão lớn. Chắc là vậy rồi. Bão mà vô cả SG thì không phải là chuyện đùa.
Phút chốc cả khu trường im ắng, chỉ còn tôi với tổ bảo vệ.
16h hơn, rồi tôi cũng chào các anh bảo vệ ra về để tránh bão và chống bão. Tôi lo lo khi nghĩ đến hai mái tôn hờ hững của cái khung nhà trống trên sân thượng nhà tôi, kiểu này bay là cái chắc.
Vừa ra khỏi cổng trường mắt tôi như hoa lên khi nhìn thấy cả một biển người náo loạn như đang chạy di tản trên đường Âu Cơ. Thì tất cả cùng được nghỉ việc về sớm mà. Đến ngã tư Âu Cơ - Thoại Ngọc Hầu thì không tài gì quẹo trái để về nhà được. Xe cộ ngổn ngang, chiếc này đan xen vào chiếc kia không phân biệt được là đang đi về hướng nào nữa. Có 2 chú áo vàng đứng giữa biển người tuýt những tiếng còi bất lực. Tôi đành xuôi theo dòng người đi như trôi dần về Đồng Đen từ đó tìm đường vòng ngược lại Âu Cơ rồi ra hướng Bà Quẹo. Vậy mà lại thoát sau nửa tiếng giữa biển người và xe tắc tị.
Thấy nét mặt ai cũng căng thẳng lo lắng và nghiêm trọng. Lâu lắm dân SG mới được đón bão vào. Không nghiêm trọng mới lạ.
Về đến nhà vợ hỏi sao về sớm thế. Chứ bà không nghe bão à? Thấy gì đâu! Thì đang là khoảng lặng trước cơn bão lớn mà. Trước bão mà càng không thấy gì thì là càng nguy hiểm đấy. Tôi tranh thủ truyền đạt ngay kinh nghiệm thiên tai cho mụ vợ.
Một lúc sau thì con gái lớn cũng về. Nó bảo con đang dạy trên lớp thì thấy thư kí khoa thông báo cho nghỉ nên nghỉ ngay. Con bé này thường về nhà sau 18h. Trường nó cách trường tôi cả chục cây số.
Rồi con gái út cũng về. Nó bảo GĐ Cty yêu cầu về sớm tránh bão theo thông báo của TP. Con bé này thường về nhà sau 20h vì cty nó bắt đầu làm việc từ 9h sáng.
Vậy là lâu lắm vào một ngày làm việc bình thường 3 cha con tôi được đi làm về sớm và do vậy được ăn một bữa cơm chiều vừa sớm vừa đông đủ cả nhà. Nhờ có bão số 13 vô Tp đấy. Ai bảo số 13 là xấu.
Hài hước là chờ dài cổ từ tối đến giờ thì “khoảng lặng” vẫn nguyên “khoảng lặng”. Không một làn gió nhẹ, không một hạt mưa sa. Sao lại có cái khoảng lặng dài thế nhỉ.
Đọc trên mạng mới biết là không có cái gọi là cơn bão số 13 vào TP do áp thấp nhiệt đới đi nhanh quá, không đủ thời gian để hình thành nên một cơn bão.

Thấy tức cười quá nên ngồi gõ mấy dòng này. 
Nói ra chỉ sợ đồng bào miền Trung cười.



1 tháng 11, 2013

Nguyễn Văn Chương đã về mãi với xứ Đoài mây trắng lắm…

Xa Bình Định, xa Nguyễn Văn Chương đã lâu, hôm nay vào weblog của nhà thơ Mai Thìn được biết Nguyễn Văn Chương do bị tai biến nặng đã từ trần lúc 16h ngày 27/9/2013 (tức ngày 23 tháng 8 năm Quý Tỵ), hưởng thọ tròn 70 tuổi, tôi thảng thốt cả người.  Bởi hồi ở Qui Nhơn, anh và tôi vẫn thường gặp gỡ chuyện trò với nhau về cuộc sống, về văn chương. Vậy mà nay con người mang cái tên đậm màu Văn Chương như một cái nghiệp vận vào thân ấy, đã ra đi. Nhớ anh, người con của Xứ Đoài, Hà Tây cũ, tôi nhớ một câu thơ anh từng viết về quê hươngmình: Quê ở xứ Đoài mây trắng lắm.
Cách đây 5 năm, vào năm 2008, khi anh kí tặng tôi tập Thơ Nguyễn Văn Chương, cuốn sách có giá trị như một toàn tập thơ anh, tôi đã có bài viết về anh và tập thơ dày dặn này:


Sinh năm Quý Mùi, 1943, tính đến 2008 Nguyễn Văn Chương đã bước sang tuổi 65; nhưng nom anh vẫn còn phong độ và sung sức lắm. Chính vì thế mà tôi lấy làm ngạc nhiên khi anh tự mình làm một cuộc tổng kết khá hoành tráng cho chặng đường thơ hơn bốn mươi năm  của mình.  
Tôi đã đọc thơ Nguyễn Văn Chương khá nhiều, từ thơ cho thiếu nhi như Tiếng gọi vịt cho đến rất nhiều thơ cho người lớn như các tập Cỏ biếc, Đêm huyền diệu; Từ thơ trữ tình như Lục bát yêu đến thơ tự sự như trường ca Làng... Ở đâu tôi cũng thấy sự đằm thắm của Nguyễn Văn Chương với một cái nhìn đầy yêu thương về con người, về cuộc sống. 
Cầm cuốn Thơ Nguyễn Văn Chương còn thơm mùi giấy mới trên tay, tôi vô tình lật trúng bài in ở cuối phần V: Tình yêu nỗi nhớ, tôi như bị hút vào những câu lục bát da diết một niềm yêu từ thuở xa xăm: 
        Rượu thu cất tự nỗi buồn
Đắng cay chua mặn mãi còn ruổi theo
        Cất từ lệ trái tim yêu
Bao niềm sướng khổ, bao nhiêu lụy phiền 
       Và anh xin uống cạn em
Để lên nước chúa thì quên lối về 
Dù đã bôn ba qua nhiều chặng đời vất vả gian truân, trong đó có 15 năm làm lính của sư đoàn 308, cuộc đời và con người Nguyễn Văn Chương cũng lận đận long đong lắm. Biết Nguyễn Văn Chương đã lâu, tôi có cảm giác anh chưa có lấy một ngày sướng, một ngày thanh thản. Dù sống giữa gia đình với nhà cửa, vợ, con, cháu đề huề nhưng hình như Nguyễn Văn Chương vẫn thường để cõi lòng hướng về những nơi ngày xưa xa lắm. Và có lẽ vì thế mà khác với những người thuộc giới thơ văn bây giờ là hay ồn ào với những bia rượu, ngôn từ to tát, Nguyễn Văn Chương thường lặng lẽ, trầm tư như một người đứng ở bên lề cuộc sống.  
Thơ Nguyễn Văn Chương cũng vậy. Từ ngữ không đại ngôn mà dễ hiểu; câu chữ ít triết lý để ra vẻ thâm nho mà thường giản dị, rất đời thường. Cái đơn giản của chất lính như cũng ngấm cả vào thơ anh. Đó là những câu thơ chân thật, dễ đi vào lòng người.  
Các cây bút trẻ ngày nay không biết là vô tình hay hữu ý, thường muốn kiêm luôn cả nhà tư tưởng. Vì thế mà thơ họ thường cao siêu, trừu tượng, theo kiểu nói vậy mà không phải vậy.
Nguyễn Văn Chương thì khác hẳn. Thơ Anh đã đi từ những cái rất to tát như lòng yêu nước, tình yêu quê hương, tình cảm lứa đôi, tình đồng chí, đồng đội thành những câu chữ giản dị, ai đọc cũng có thể hiểu ngay được: 
          Sông Cầu như trôi ở trước hiên nhà
          Trăng kỳ ảo, mạn thuyền ai ngồi tựa
          Non nước xinh cho lòng anh đến ở  
          Trong mỗi lời quan họ mãi đằm sâu
                             (Em hát quan họ) 
Những câu thơ thật như không thể thật hơn. Và tình tứ như không thể tình tứ hơn.     

                              
                           Nhà thơ Nguyễn Văn Chương (1943-2013) 
Cầm trân trọng cuốn Thơ Nguyễn Văn Chương trên tay, tôi hỏi anh mà cứ sợ mất lòng: Làm cuộc "Tổng kết" này rồi anh định không đi tiếp đời thơ nữa à, chả nhẽ anh gác bút như hiệp khách gác kiếm? Anh cười: Thì có ai cấm mình đâu.
Thế đấy. Sau Thơ Nguyễn Văn Chương, chắc chắn sẽ còn những thơ Nguyễn Văn Chương khác. Anh sẽ vẫn làm thơ nữa như con chim thì phải hót, cây thì phải nở hoa, đâm chồi nảy lộc vậy.  
Lạc bước trong rừng thông cổ sơ
Trời xanh không gợn chút sa mù
Chiều chưa nhạt nắng mà se lạnh
Chớm hè như đã dẫn vào thu

Xuống thấp lên cao - lũng tiếp đồi
Đường như biển sóng vỗ triều vui
Trung tâm rừng núi, nhìn không núi
Chỉ thấy bao la bốn phía trời...
                     (Thoáng chốc Pleiku) 
Tôi lại hỏi Nguyễn Văn Chương: Rồi sẽ có cuốn Văn Nguyễn Văn Chương nữa chứ? Anh cười hiền lành: Thì rồi cũng phải có chứ. 
Đó là điều tất yếu. Vì Nguyễn Văn Chương cũng là cây văn xuôi quen thuộc trong giới cầm bút nước nhà với những tập Hoa mai đỏ, Chuyện làng văn, Cảm nhận dọc hành trình... 
Con người văn chương quê ở xứ Đoài mây trắng lắm ấy vẫn còn mơ mộng và vất vả với văn chương nhiều lắm.  
                                                    Qui Nhơn, 2008