19 tháng 4, 2013

Phan Hữu Ái



Là bạn học cùng lớp đại học khóa 16 với tôi. Cùng lớp nhưng anh hơn tôi 3 tuổi dù cũng chẳng người lớn hơn tôi được bao nhiêu bởi tính anh cũng rất tào lao thiên đế, ham vui là chính.
Chiều hôm kia đang ở nhiệm sở thì Nguyễn Hữu Thu gọi: Lão Ái đã có mặt ở Hạnh Thông Tây rồi nhé, chiều 5 giờ ông ghé nhậu chơi.
Ai chứ Ái thì tôi không thể không đến dù trưa đó có cuộc tiếp khách sương sương trong đầu vẫn còn ngật ngừ.
Cách đây 13 năm, vào năm 2000, tôi có chuyến công tác ra Vinh mấy ngày. Hai ông bạn cùng lớp đang dạy môn "Xã hội XHCN là một XH dân chủ gấp triệu lần xã hội TBCN" ở VU là Nguyễn Trung Ngọc và Lê Em tranh thủ ngày chủ nhật rỗi việc rủ tôi  lên nhà Ái ở Hưng Nguyên chơi. Gì chứ đi để gặp gỡ bạn bè thì xa mấy cũng không sá, huống chi từ Vinh lên Hưng Nguyên nhà Ái chỉ hai chục cây số
Đang giữa mùa đông giá rét, tôi từ miền Nam ra mặc mấy lớp áo mới đủ ấm. Vậy mà lên đến nơi chỉ kịp chào hỏi nhau chưa đến hai câu, Ái đã cởi trần ra rồi lao ùm xuống cái ao sau nhà lặn ngụp sục sạo một hồi thì giơ lên một con cá trắm quẫy đuôi to cỡ 3 kí với nụ cười tươi rói: Có món để phe ta uống rượu rồi đây.
Ái người nhỏ con lại gầy gò, đánh trần ra thấy xương sườn xếp hàng rõ mồn một, gió lạnh và nước ao giá buốt làm da anh tím tái. Tôi nhìn anh cười mà cảm động ứa nước mắt.  Và hình ảnh chân thành của tình bè bạn ấy cứ đọng mãi trong tôi.
Lần này anh vô Sài Gòn là để thăm vợ chồng thằng con trai làm công nhân trên khu chế xuất Linh Trung. Nghe tin Ái vô, vợ chồng Thu - Huệ là những bạn cùng lớp dạy ở Học viện Hành chính quốc gia rất có hiếu với bạn bè lên tận nơi mời Ái xuống nhà chơi.
6 giờ tối tôi mới đến được nhà Thu ở Hạnh Thông Tây. Vào nhà không thấy Ái đâu, Thu đang xào nấu mấy món ở trong bếp bảo ông Ái tắm gội xong đợi ông Sơn sốt ruột quá nên ra ngõ đón từ nãy. Chắc lão ta lạc rồi quá. Vậy là Thu xỏ dép đi tìm. Một lúc Thu về nói lão đang cắt tóc ở ngoài tiệm.  Ngược đời thế. Người ta thì cắt tóc rồi tắm, Ái thì tắm táp xong mới đi cắt tóc. Khi về lão cười hì hì: -Tui đứng đầu ngõ chờ mãi không thấy ông đâu, vô cắt tóc cho đỡ sốt ruột thôi.
Nhà Thu - Huệ có thằng con là tiến sĩ dạy đại học bên Xê Un nên trong nhà có cả chục hũ rượu ngâm sâm tươi Hàn Quốc củ nào củ nấy to bằng cổ tay xếp thành dãy dọc chân tường. Múc uống thoải mái như uống nước mưa nhậu với cá lóc hấp bầu thật đã.  
Chuyện trò ăn uống rôm rả đến hơn 9 giờ thì tôi rủ Ái về nhà tôi ngủ cho biết nhà nhau. Ái hỏi xa không. -5 cây chớ mấy. -Đi ngay. 
Rồi Ái dắt cái xe đỏ chói lói ra nói xe của thằng con tui mới mua, rồi dặn: -ông chạy từ từ cho tui theo với kẻo lạc nhé, tui sợ cái đường Sài Gòn ni lắm.
Nói vậy mà rồi đi được một đoạn, lão lấn vạch sang bên trái rồi bỏ tôi cả đoạn xa, tôi phải dấn ga chạy lên nói ông đi chậm thôi và đừng đi kiểu dân quê Bác lấn tuyến vượt làn ẩu tả ô tô nó cán chết đấy.
Đến mấy chỗ dừng đèn đỏ, Ái có vẻ khâm phục: -Công nhận dân Sài Gòn chạy xe tử tế thiệt. Mình đi ẩu nó im lặng nhường đường cho mà đi, không thấy to tiếng sửng cồ ồn ào đụ má đụ mẹ gì như ngoài ta; gặp đèn đỏ nó dừng hàng ngang cả loạt, đông đúc chen chúc rứa nhưng mà đi cũng dễ. Ở quê choa thì đừng hòng, đỏ xanh gì cũng chạy ráo.
Thấy chạy mãi vẫn chưa đến nhà tôi, ngang qua đường Trường Chinh, Ái nói: -Nãy giờ tui tính cũng là cả chục cây rồi đấy nhé. Vậy mà ông nói chỉ 5 cây. –Thì tui nói vậy cho ông máu lên mà đi thôi. –Vậy nói thực đi còn mấy cây nữa thì đến nhà ông. –Cũng chừng 5 cây nữa. -Ôi trời,cái thằng cha ba xạo. 
Đi một chặng ngắn nữa thì đã quẹo vô nhà tôi và dừng lại trước cổng. Ái nói: - Có thế chứ.     
Về nhà, tôi dẫn Ái đi giới thiệu với vợ con, nói đây là anh bạn đã nhảy xuống ao bắt cá giữa mùa đông đãi bạn mà tui đã kể mấy lần cho cả nhà nghe. Vợ con tôi nghe vậy quí bác Ái lắm.  
Đêm hai thằng nằm ngủ trong một cái phòng rộng. Ái nói chuyện oang oang còn mắt tôi thì díp lại vì buồn ngủ. Tính tôi thế, làm vài li vô là chỉ muốn ngủ huống gì cả ngày hôm nay chuyên đề ăn nhậu từ trưa đến tối.
Sáng tinh mơ tôi đang ngon giấc thì Ái đã dậy mò chìa khóa lên sân thượng ngắm bình minh Thành phố. Tôi lên theo tập thể dục. Lão bảo mình mất ngủ từ lâu rồi, mỗi đêm chỉ ngủ được vài tiếng, thức khuya dậy sớm mà không biết để làm gì. Khổ rứa.
Ăn sáng xong, tôi dẫn anh lên tận xa lộ Đại Hàn dù sáng đó có cuộc họp  bên Phú Nhuận. Chỉ tay về hướng Thủ Đức tôi dặn: anh cứ theo đường ni chạy thẳng một mạch chừng gần 2 chục cây thì đến Linh Trung. Đừng quẹo trái quẹo phải gì nhé. Dọc đường dù có con mắt xanh mỏ đỏ, váy ngắn chân dài nào rủ rê cũng đừng theo nhé.
-      Ông yên tâm, hồi trước tui cũng từng là đảng viên 4 tốt rồi đấy nhưng về hưu không cần gì nữa nên bắt chước ông En Xin bên Nga cho cái thẻ vô sọt rác rồi. Khi nào ra Vinh lại lên nhà mình bắt cá ăn nữa nhé. Năm nay ao nhà mình được lắm. 
Ái bắt chặt tay tôi rồi lên xe chạy thẳng giữa dòng người xe như nước trên xa lộ.
Tôi đứng nhìn hút theo cái bóng nhỏ dần của bạn mà thấy ngậm ngùi cay cay nơi khóe mắt. 

16 tháng 4, 2013

Tháng Tư về



Chủ nhật mới rồi tôi có một cuộc gặp cảm động.
Anh Quý đại đội trưởng cũ từ Hương Sơn, Hà Tĩnh vô Sài Gòn thăm con ở khu K300 Cộng Hòa, rất gần nhà tôi.  Thế là ới thêm anh Hợi chính trị viên đại đội, kêu thêm thằng Nguyên B3, thằng Huệ y tá (thằng Nguyễn Quang Ngọc B2 đang là PV báo Nông nghiệp đi công tác Phú Quốc không về kịp). Vậy là có đủ một nhóm 5 cựu chiến binh của đại đội trinh sát C20 Sư đoàn F341 Quân đoàn 4 vui mừng gặp lại nhau sau 38 năm rời cuộc chiến.  
Hình như những người lính cũ hễ có dịp ngồi lại với nhau chỉ nói mỗi chuyện thời đi lính. Nhiều nhất và xúc động nhất là nhắc về những trận đánh của sư đoàn ở Đồng Xoài, Trảng Bom, Hố Nai, Suối Đỉa, Xuân Lộc và cuối cùng là tiến vào Sài Gòn đúng ngày 30-4; và nhất là ngậm ngùi nhắc về những bạn bè, đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống giữa những cánh rừng cao su Xuân Lộc năm ấy.
Anh Qúy cứ kể mãi về thằng Tam B1 là thằng trẻ nhất đại đội trở thành liệt sĩ đầu tiên của C20 trong trận Trảng Bom khi mới 18 tuổi.
Rồi thằng Ngân sinh viên khóa 10 khoa Sinh cũng nằm xuống không lâu sau đó….
Đau lòng nhất là do đang chiến dịch rất ác liệt, nên hầu hết các bạn bè đồng đội hồi đó nằm xuống đều được chúng tôi chôn cất vội vàng  dưới những tán rừng cao su mà sau ngày hết chiến tranh dù có quay lại tìm nhưng hầu như không xác định được mấy người. Nay thì thân xác các bạn đều đã hoà trộn với đất rừng miền Đông.
38 năm về trước, năm 75, dù đã đi qua cả một chiến dịch đại thắng thì tôi với thằng Nguyên cũng chỉ mang quân hàm hạ sĩ, còn anh Quý xê trưởng là thiếu úy, anh Hợi là trung úy.
Thằng Nguyên với tôi sau ngày ra quân trở lại trường Vinh tiếp tục học đại học hồi tháng 12-1975.  Lang bạt kì hồ thế nào bây giờ cùng sống ở Sài Gòn mà nhà tôi lại cách nhà nó chỉ một con đường dù bên này đường là một phường và bên kia đường là một phường khác.
Anh Hợi và anh  Quý với thằng Huệ y tá ở lại cùng cả sư đoàn sang đánh nhau với Pôn Pốt bên Campuchia năm 1979. Rồi anh Quý phục viên với quân hàm đại úy về quê sinh sống. Anh Hợi đi học thêm quân chính về làm giảng viên của học viện chính trị quốc gia HCM trên quận 9. Anh về hưu đã 6 năm nay và định cư luôn ở quận 9. Thằng Huệ y tá thì học thêm để thành bác sĩ bệnh viện quân đoàn 4, mới về hưu năm ngoái, nay có nhà ở cư xá Bắc Hải.   
38 năm trước, khi tiến vào Sài Gòn đúng ngày 30-4, anh Qúy và anh Hợi già nhất đại đội C20 nhưng cũng chỉ mới 28 tuổi, cũng chỉ mới là U28. Gọi là lớn nhất mới đúng.  Tôi với thằng Nguyên, thằng Huệ y tá sinh cùng năm 54 thì chỉ mới đi qua tuổi 20. 
Đúng là:
           Có một thời như thế giữa rừng già
           Ta hồn nhiên đi hết thời tuổi trẻ
                   (Thơ đã đăng báo của tôi đấy) 
Bây giờ gặp lại nhau vẫn là giữa Sài Gòn nhưng tóc người nào cũng bạc trắng. Rõ là già rồi nhưng sao những câu chuyện về một thời lính tráng đạn bom khốc liệt và những nụ cười thì vẫn trẻ.
Kết thúc cuộc gặp, anh Hợi như vẫn mang máu me của thời làm chính trị viên đại đội chốt lại: Thiệt thòi nhất vẫn là những đồng đội đã hi sinh; còn mấy anh em ta đây, vẫn còn sống, vẫn đi lại, vẫn nói cười được với nhau như thế này là đã lãi lắm rồi.  
Đúng thế. Và cũng vì thế mà mấy anh em tôi thấy thanh thản vô cùng.
Tối đó về, ngồi gõ xong mấy dòng này trên bàn phím, tôi chợt gõ thêm mấy câu thơ, một thể loại văn học mà lâu lắm tôi không đụng đến bởi cho rằng nó chỉ dành cho mấy anh chàng ngu ngơ, khù khờ với tâm hồn treo ngược trên cành cây. Cũng chính vì có mấy câu gọi là thơ này mà tôi ngâm bài viết này đến tối nay mới post lên để bạn bè cùng đọc.  


THÁNG TƯ VỀ

Tháng Tư nào không nhức nhối bạn ơi
Cuộc chiến xa ba tám năm về trước
Ngồi với nhau giữa Sài Gòn mơ ước
Mà ngậm ngùi nhớ đồng đội khôn nguôi  

Ba tám năm mà như hôm qua
Bạn cùng tôi vượt cánh rừng rụng lá
Súng nổ chân trời hướng Sài Gòn băng tới
Để hôm nay vời vợi nhớ bạn xưa

Tháng Tư  trời Xuân Lộc xanh hơn
Phía Trảng Bom như vẫn nghe súng nổ
Rừng cao su nơi bạn tôi nằm lại
Để một đời xanh suốt tuổi hai mươi

Tháng Tư về đồng đội có hay
Kỉ niệm xưa một thời nhớ mãi
Dẫu tóc bạc da mồi, dẫu miệt mài kiếm sống
Chẳng thể nào quên những đồng đội không về

Tháng Tư này bạn có lắng nghe
Trong gió thoảng lời khấn thầm thiêng lắm
Bạn nằm đâu xin hãy về chứng giám
Những hương hồn đồng đội của tôi ơi.

14/4/2013

Tại căn hộ của vợ chồng con gái anh Quý trong chung cư khu K300. Từ phải sang: anh Quý, anh Hợi, vợ anh Hợi, Nguyên, Sơn và Huệ    


Chính trị viên Hợi (mới nhuộm tóc) và xê trưởng Quý, cả 2 cùng tuổi 66
                               

                                         Với nụ cười trẻ mãi


                            Đại đội trưởng Qúy và Bs quân y Huệ



                      Cụng li sâm panh mừng gặp gỡ

15 tháng 4, 2013

Lại hoa hậu


                    Chử Anh Đào

          Phải 90 vạn năm sau khi vượn thành người, nhân loại mới bước vào đời sống thẩm mĩ mà trong đó, cái Đẹp là đối tượng quan tâm hàng đầu. Các nhà bác học Hi Lạp cổ đại: Pi ta go, Xô crat, Hêracrit, Arixtôt; các nhà lí luận thời Khai sáng: Vonte, Đi đrô; các nhà lí luận dân chủ Nga: Bêlinxki, Secnưsepxki, Đôblôliubôp; các nhà lí luận của chủ nghĩa Mac- Lê nin đã cùng nhau theo thứ tự trước sau hoàn chỉnh khái niệm về “ cái Đẹp”. Cái Đẹp- đó là sự cân đối, hài hòa, phát triển ở mức độ cao nhất so với những sự vật, hiện tượng cùng loại với nó. Nhà văn Xtăng đan quan niệm: “ Cái Đẹp mời gọi hạnh phúc.”
          Hơn một thập niên qua, cùng với sự chạy chọt vinh danh các danh hiệu “ kì quan”, “ di sản văn hóa phi vật thể”, các công trình“to nhất, dài nhất, cao nhất Đông Nam Á, nhì thế giới” của những người háo danh và tự sướng, nước ta nở rộ và được mùa các cuộc thi hoa hậu: hoa hậu hoàn vũ, cố đô, biển, quí bà, Tây nguyên, dân tộc, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long…Hãy khoan nói về thí sinh, mục đích, phương pháp tổ chức, nhà thơ Nguyễn Duy quan sát sâu sắc và nhạy bén những người ngồi dưới “ đấu trường”:
                   Thiên hạ buông lơi cái nhìn thành thực
                   Ban giám khảo có vẻ nhìn nghiêm túc
                   Nhà khoa học có dáng nhìn chừng mực
                   Nhà đạo đức nhìn he hé mắt
                   Nhà chức sắc nhìn nghiêng
                   Nhà phê bình nhìn xiên
                   Nhà thơ lơ mơ nhìn cuốc hóa gà
                   Nhà nhiếp ảnh nhìn vằn vặn vèo vẹo
                   Nhà báo nhìn lắt la lắt léo
                   Nhà buôn nhìn lươn lươn lẹo lẹo…
          Và tác giả linh cảm:
                   Hậu hoa hậu còn gập ghềnh lắm
                   Thua cũng thương mà thắng cũng thương
                                                          ( Hoa hậu vườn nhà ta)
          Đã có những tình huống , nhại theo nhà thơ họ Nguyễn: “ Cười cũng thương mà khóc cũng thương”. Đồn rằng trong cuộc thi hoa hậu quí bà ở Huế, một thí sinh miền Trung đã thắc mắc với ban tổ chức: Lộn của em một kí(!) ( Dân miền Trung phát âm lẫn lộn thanh Nặng(.) với thanh Huyền(-) Ban tổ chức thanh minh chúng tôi cân toàn bộ chứ không cân từng bộ phận! Lại có những thợ phượt lên vùng cao rình thiếu nữ Thái tắm tiên, tìm hoa hậu xứ Mường. Bác nông dân đang cày nương chỉ vào sau đít con bò cái mà rằng: Hoa hậu nhà tao đấy! Được biết một lãnh đạo cấp cao của nhà nước ta sinh thời cũng phản đối thi hoa hậu. Ông bảo: Thi hoa hậu mần răng? Vậy để những người xấu chui lộ mô? Người ta tủi thân chết. Thà thi bắn súng còn hơn, hỉ.
          Vừa đây, tại Hà Nội, tên cuộc thi “ hoa hậu người khuyết tật” được đổi thành cái tên nặng mùi văn chương hơn: “ Hoa hậu vầng trăng khuyết”. Đã có mười thí sinh lọt vào vòng chung khảo, trong đó có người bại liêt, người khiếm thính, khiếm thủ…Tài năng, tư cách và nghị lực sống của họ thật đáng để những người lành lặn khâm phục. Nhưng xin nhớ, họ là những người cực kì nhạy cảm về bản thân và môi trường. Họ đã từng chết một lần vì bệnh tật, tai nạn, xin đừng để họ chết lần thứ hai vì một ánh mắt, một phát ngôn hay một nụ cười vô tình của ai đó về những khiếm khuyết của họ trong kì thi này. Chạm vào nỗi đau của người khác là một điều cực kì không nên, thậm chí còn là tội ác!
                                                                   PK 15.4.2013
                                                                          C.A.Đ  

14 tháng 4, 2013

Ăn phở Sài Gòn ở Hong Kong

Có một dịp vào đúng tiết thanh minh, tôi có chuyến tham quan Hong Kong gần một tuần. Lần đầu tiên được đặt chân đến xứ sở với những địa danh đã trở nên quá quen thuộc nhờ vào những bài học lịch sử, những cuốn sách và những bộ phim truyền hình Hong Kong nhiều tập, lòng tôi thật náo nức nhưng những hình ảnh hiện lên trước mắt thì vô cùng lạ lẫm. 

Sự tuyệt vời của một nền hạ tầng cơ sở

Chỉ có thể đúc kết bằng một câu là hoàn hảo và hoàn mĩ một cách lí tưởng. Tất cả các đường phố đều được che chắn bằng hàng rào sắt, phía sau hàng rào là lối dành cho người đi bộ. Và vì thế mà ở Hồng Kông khái niệm nhà mặt phố trở nên chẳng có ý nghĩa gì khi phía trước nhà luôn sừng sững một cái hàng rào ngăn cách với đường phố, dù là nhà có ô tô cũng không thể đỗ lại trước cửa nhà mình được chứ đừng nói là mua sắm.
Ấn tượng nhất với du khách đến Hồng Kông là hệ thống xe điện ngầm ở dưới mặt đất và cả dưới mặt biển. Tuy nhiên ở Hồng Kông mà nói xe điện ngầm là đã bị thừa ra chữ “ngầm”, vì đã là xe điện thì hiển nhiên là phải ở ngầm dưới đất và ngầm dưới biển rồi. Cả một hệ thống xe điện nhìn qua thì có vẻ chằng chịt, rối rắm nhưng thực ra là được qui hoạch rất khoa học, rất hiện đại lại rất thuận tiện cho người sử dụng. Chỉ với khoảng năm, mười phút nghe hướng dẫn, bỏ ra  tối thiểu năm đô la Hồng Kông (một đôla HK tương đương hai ngàn đồng Việt Nam), khách lạ đã có thể ung dung bước lên xe điện với vận tốc hàng trăm km/h để du ngoạn khắp ngang dọc đất nước được xem là hiện đại vào hàng bậc nhất thế giới này.
Lê Đức Chính, một chuyên gia về máy tính mà số lần đến Hồng Kông của anh còn nhiều lần hơn cả đi chợ Bến Thành, đi với tôi từ TP Hồ Chí Minh sang, đã nói rất hóm hỉnh rằng, đến Hồng Kông mà chưa biết sử dụng xe điện để đi lại thì coi như chưa biết Hồng Kông là cái gì, vì xe điện với Hồng Kông là biểu tượng của một xã hội giao thông văn minh và hiện đại; hơn thế, nó còn là một trong những niềm kiêu hãnh của người Hồng Kông. Tuy nhiên, muốn sử dụng được xe điện HK, bạn phải biết ít nhất một trong hai thứ tiếng là Anh văn hoặc Trung văn đủ để đọc được các bảng chỉ dẫn ga đi ga đến, tuyến đi tuyến đến. Đó là chưa nói tới hệ thống cầu vượt chằng chịt đến hai, ba tầng và nhờ thế mà vận tốc ô tô chạy trong tất cả các tuyến phố được ở mức 100 km/h trở lên. Có lần từ nơi ở là Newton Hotel thuộc bên này đảo KowLoon (ta quen gọi là Cửu Long), tôi đi xe điện xuyên biển sang khu trung tâm hành chính Tsim Sha TSui, nơi có nhà văn hóa nổi tiếng của HK, để được đặt chân thong thả trên Đại lộ Vinh quang.
Xong việc, chúng tôi đã liều mình đi taxi về nhà cho biết, (gọi là liều mình đi cho biết vì nghe bạn giới thiệu là tất cả taxi ở HK đều chạy bằng ga để bảo vệ môi trường, và vì thế mà gọi là taxi xanh mặc dù tất cả đều được sơn một màu đỏ sẫm như nhau và giá thì không rẻ chút nào). Vừa ngồi vào xe, có người đã phải nhắm cả mắt lại vì anh tài xế cho xe lao vun vút giữa một chiều dòng xe cộ đông đúc với tốc độ 120 km/h. Và mặc dù trên mọi nẻo đường đều ken dày bằng đủ kiểu ô tô đắt tiền của thế giới nhưng người ở Hong Kong không biết đến khái niệm tắc đường nghĩa là gì. Cứ mỗi lần dạo gót giữa dòng người đi bộ đông đúc trên đại lộ Thái Tử, tôi lại thầm nghĩ: Hồng Kông quả là nơi thích hợp với những người thuộc típ hiện đại và ưa cảm giác mạnh, còn loại như tôi thì chỉ nên ở vườn là hợp hơn cả.

Nơi đặc biệt quan tâm đến người tàn tật

Ở trong nước tôi luôn nghe bên tai những lời kêu gọi hãy quan tâm đến người tàn tật, người khuyết tật nhưng đi tìm những ví dụ để chứng minh cho sự quan tâm ấy thì thật là khó  thấy. Còn ở Hồng Kông, biểu tượng cho sự quan tâm ấy – hình ảnh chiếc xe lăn – đập vào mắt bạn bất cứ ở nơi đâu, bất cứ ở lúc nào. Ở ga hàng không, ga xe điện, siêu thị, nhà hàng, rạp hát… nghĩa là bất cứ ở một nơi công cộng nào, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp lối đi dành cho người tàn tật.
Đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên khi thấy gần như trong mỗi thang máy ở Hồng Kông đều có hai bảng điều khiển. Một bảng cao ngang tầm tay của người bình thường đứng, và một bảng ở dưới thấp ngang với tầm tay của người tàn tật đang ngồi trong xe lăn. Ngay khách sạn Newton nơi tôi ở, dù ở cửa thang máy đã luôn túc trực một nhân viên phục vụ khách, nhưng phía trong của mỗi thang máy đều vẫn có đủ cả hai bảng điều khiển như vậy. Điều đó làm ấm lòng người tàn tật vì họ thấy mình được quan tâm và tôn trọng; mặt khác cũng là một sự nhắc nhở vô giá (mà không cần phải hô khẩu hiệu) với tất cả mọi người về một sự ứng xử nhân văn nhất với người tàn tật. Phải chăng tôi đã thấy được ở nơi đây hình mẫu của một xã hội văn minh và công bằng? Câu hỏi ấy cứ vang mãi trong tôi với những ngày du ngoạn ở Hồng Kông.

Một lối sống đa dạng và đầy ắp cá tính

Có lẽ với mức thu nhập và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam chúng ta thì Hong Kong là một nơi quá đắt đỏ. Buổi tối cuối xuân, trời lạnh. Bảng thông báo nhiệt độ  ở phòng lễ tân ghi 14 độ. Chúng tôi bước vào một quán ăn có vẻ bình dân nhất ở khu mua sắm sầm uất Mong Kok, kêu mỗi người một tô há cảo. Sáu mươi đô HK một tô. Vậy là đi đứt một trăm hai mươi ngàn đồng Việt Nam. Nghĩ đến ở nhà với số tiền ấy có thể làm được hàng chục tô phở bò nóng hổi và thơm ngát kèm theo li cà phê đá mát lạnh mà thấy tô há cảo HK giảm ngon đi mấy phần.
Chưa hết, có tối đi chơi phố, chợt thấy nhấp nháy tấm biển hiệu đề “Pho Sai Gon”. Chao ôi, giữa cái xứ Hong Kong hoa lệ này mà có một quán phở mang tên Sài Gòn thân thương! Lòng yêu quê hương chợt trỗi dậy, cả bọn kiên quyết đặt chân vào. Hóa ra trong cái quán gọi là phở ấy không có ai là người Việt Nam. Chỉ có một ông chủ HK béo ỵ bưng đặt trước mặt chúng tôi mỗi người một tô phở, không, phải nói là chậu phở mới đúng vì cái tô ở đây nó to như một cái chậu nhỏ. Và khi ăn thì không thấy có chút hương vị gì của phở Sài Gòn. Có lẽ phải đặt tên cho nó là phở tả pí lù thì thích hợp hơn. Trong cái chậu phở ấy thấy cái gì cũng có mà không thấy giống cái gì cả. Ăn xong, nhìn lên bảng giá thấy ghi một trăm đô HK một tô, lại ngậm ngùi rút ví để có thêm một cuộc từ biệt với những đồng tiền ngoại quốc ít ỏi.
Hỏi ông chủ cớ sao lại đặt tên quán là Phở Sài Gòn, ông giải thích là quán này trước đây của một người Việt Nam từ Hải Phòng vượt biên sang từ năm 1980. Người đó mở ra quán ăn này đặt tên là “Pho Sai Gon”, ông chỉ là người làm thuê cho ông chủ Việt Nam đó. Năm 2000, ông người Việt đi định cư ở một nước khác, sang lại quán cho ông. Vậy là ông trở thành chủ quán và vẫn giữ cái thương hiệu không liên quan gì đến mình ấy. Còn với chúng tôi thì lòng yêu quê hương lại có thêm một lần gửi gắm không đúng chỗ nữa rồi.
Tuy nhiên ở Hồng Kông không phải cái gì cũng đắt và chỗ nào cũng đắt. Đó là những quày hàng, cửa hiệu chuyên bán hàng hạ giá, đại hạ giá; thậm chí có lần tôi đã lạc vào cả một dãy phố chuyên bán hàng hạ giá. Một đôi bít tất bày trong tủ kính đề giá 12 đô. Nhưng cũng đôi bít tất y chang khi để trong một cái thùng to đặt cẩu thả ở sát cửa ra vào chỉ đề giá 2 đô. Và tất cả những cái gì đã để vào trong cái thùng to hổ lốn ấy cũng đồng loạt có giá 2 đô. Hoành tráng và thuận tiện hơn nữa là còn có những cửa hiệu một giá. Đó là những cửa hiệu mà phía ngoài treo một tấm biển to đề các con số 50 đô, 80 đô… Nghĩa là tất cả những mặt hàng gì được bày bán trong cửa hiệu ấy đều nhất loạt có một mức giá hoặc 50 đô hoặc 80 đô. Tùy ý khách hàng tha hồ mà lựa chọn. Tôi nhận thấy có rất nhiều người dân HK và du khách nước ngoài cùng hăng hái chọn mua hàng trong những cửa hiệu như thế.    
Khi đi trên đường phố Hồng Kông, nếu để ý, bạn sẽ thấy ăn mặc của mọi người rất đa dạng, có thể nói là không ai giống ai. Nhưng dù mặc kiểu gì thì ở người Hồng Kông vẫn toát lên sự sang trọng và giàu có của một xã hội có mức thu nhập GDP tính theo đầu người hàng năm ở mức suýt soát hai mươi lăm ngàn USD. Tuyệt nhiên không thấy có sự nhếch nhác ở ngoài đường. Trong đoàn tôi có anh bạn là phóng viên quay phim tên Vũ. Vũ  là Việt kiều ở Mĩ với cái tên nửa Việt nửa Mĩ là Joe Hoang Vu từng làm công dân Mĩ nhiều năm. Vậy mà cứ mỗi lần đi bộ trên phố, Vũ đều chăm chú nhìn xuống chân của những dòng người đang hối hả đi lại và anh rút ra một nhận xét: Ở cái đất Hong Kong này nhìn xuống chân mọi người thấy không có đôi giày nào giống đôi giày nào cả. Thật là cá tính và đa dạng làm sao.
   
 Một sức sống mãnh liệt 

Hồng Kông là nơi chỉ có biển và núi ngự trị. Đến Hồng Kông, nếu bạn thấy có những ngôi nhà nằm cheo leo bên sườn núi, lưng dựa vào vách núi, mặt trông ra biển theo thế ỷ dốc, hoặc ngự hẳn trên đỉnh núi thì dứt khoát đó là nhà của những đại gia, của những ông chủ bự của HK đấy. Khác với nhiều nơi, ở Hong Kong, càng ở trên núi cao thì càng là nhà giàu, chỉ có tầng lớp tiểu thương nghèo buôn bán lặt vặt mới phải chịu cảnh ở nhà mặt phố để suốt ngày hứng đủ thứ tiếng ồn và bụi bặm của xe cộ. Chúng tôi đã được đến tham quan ngôi biệt thự của diễn viên võ thuật nổi tiếng HK Thành Long, cũng nằm vững chãi trên một sườn núi như thế với tuyền một màu trắng.  
Có một đặc điểm rất dễ nhận thấy ở HK là dù ở đâu, trên núi cao, dọc đường phố, trong công viên hoặc cả những nơi hoang vắng nhất, du khách sẽ thấy mọc ở khắp nơi những cây to như cây xoài, cây nhãn. Loại cây này chỉ thấy có hoa mà hầu như không có lá. Hoa nở tím hồng (nhìn qua giống như hoa bằng lăng ở nước ta) và nở suốt bốn mùa trong năm làm cho những khu rừng, những sườn núi Hồng Kông luôn nhuốm một màu hồng lãng mạn. Đó là hoa tử kinh. Hoa tử kinh không cần phải trồng, không cần phải chăm bón và có thể sống tốt tươi cả trên núi đá. Mỗi khi hoa nở tàn, gió thổi hạt bay đến đâu thì hoa tử kinh mọc lên đến đấy.

Vì có sức sống mãnh liệt như vậy nên hoa tử  kinh đã trở thành biểu tượng của Hồng Kông. Nếu ở nhiều nước, trên lá quốc kì thường có ngôi sao năm cánh hoặc chí ít cũng có hình mặt trời, mặt trăng gì đấy, thì trên lá cờ của Hồng Kông nằm hãnh diện ở chính giữa là hình ảnh của bông hoa tử kinh. Hoa tử kinh đã trở thành quốc hoa của Hồng Kông. Và người Hồng Kông tự hào xem mình cũng giống như bông hoa tử kinh khi họ đã xây dựng nên một Hồng Kông giàu có vào bậc nhất thế giới từ trên một vùng đất khô cằn chỉ có núi và núi được bao bọc bởi bốn bề là biển.

Hồng Kông là nơi không có tài nguyên gì, đến nước lã và quả ớt cũng phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Ấy vậy mà Hồng Kông đã và đang trở thành điểm đến của du khách từ khắp nơi trên thế giới. Chẳng thế mà ngay từ khi vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Hồng Kông, một sân bay nằm chỉnh chện trên một hòn đảo giữa biển khơi,  chúng tôi đã thấy đập vào mắt mình tấm pano to như một bức tường ở ngay cổng ga đến với dòng chữ vàng in trên nền đỏ: Discover Hong Kong (Khám phá Hồng Kông).


Chụp ảnh với tượng đài nghệ sĩ ở đại lộ Danh vọng nằm trên bờ vịnh Victoria. Tháng ba ở Hong Kong trời lạnh 14 độ, sang đến nơi tôi phải mua ngay cái áo khoác.



13 tháng 4, 2013

Vietnamnet láo toét



Chiều hôm qua có trận mưa rào đầu mùa, mưa ngớt thì tôi từ Q12 về nhà đi theo hết 2 con đường Phạm Văn Chiêu và Phan Huy Ích để ra đường Trường Chinh rồi về Tân Kỳ Tân Quý.

Sau mưa trời mát mẻ hẳn và trận mưa tuy có lớn nhưng không kéo dài chưa đủ sức gây ngập úng.

Vây mà tối lên mạng thấy nhà báo của VNN viết đến mức kinh hoàng:

TPHCM: Mưa đầu mùa, đường phố biến thành…sông
http://img.vietnamnet.vn/logo.gif- Cơn mưa chiều 12/4 tại TP.HCM báo hiệu thời tiết đã chuyển sang mùa mưa. Chỉ ít phút sau mưa, nhiều con đường trong thành phố nhanh chóng trở thành dòng sông…

Tại đường Nguyễn Văn Quá (P.Đông Hưng Thuận Q.12), theo ghi nhận của chúng tôi, nước dâng khá cao đến hơn 0,5m so với mặt đường, làm nhiều xe chết máy.
Nước từ trong các con hẻm tuôn ra ào ạt không kịp thoát khiến cho nước trên đường dâng cao thêm. 
Cơn mưa đầu mùa cũng làm cho nhiều tuyến đường như đường Song Hành QL 22 (quận 12), Tân Kỳ Tân Quí (Q. Tân Phú) Phan Huy Ích (Q. Gò Vấp) nhanh chóng chìm trong biển nước.  ...


Đọc tin này mà tôi thấy tay PV của VNN cứ như là từ trên trời rơi xuống hay là hắn dùng sức tưởng tượng để bịa ra cái tình hình nguy ngập này. Gây khủng hoảng cho người đọc.
Tôi đã đi suốt con đường Phan Huy Ích sau cơm mưa chiều qua trong tâm trạng sợ ngập nước, sợ mưa tiếp sẽ làm hỏng mất đôi giày đẹp vừa bóc tem. May mà con đường khô ráo. Nói vậy không phải để khoe đôi giày vía mà là để chứng tỏ đường Phan Huy Ích Gò Vấp hôm qua sau mưa không có vụ ngập.
 Lại nữa, nhà tôi ở ngay địa chỉ đường Tân Kỳ Tân Quý và vẫn lấy làm  may mắn là dù con đường này  hey kẹt xe nhưng chưa bao giờ biết ngập nước là gì. Chiều hôm qua cũng vậy. Lấy đâu ra mà  nhanh chóng chìm trong biển nước.  ...

Đó là chưa nói chữ Quý trong Tân Kỳ Tân Qúy đã bị nhà báo hại này viết thành Quí. Trong phép chính tả, danh từ riêng là phải tuyệt đối tôn trọng.

Láo toét thì cũng vừa phải thôi chứ.