2 tháng 11, 2015

Lai Tân, bài thơ châm biếm tiêu biểu của Nhật kí trong tù

                                                 Phan Thị Nga
                                             
                                                       Lai Tân
                                    Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ
                                    Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền
                                    Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự
                                    Lai Tân y cựu thái bình thiên

Dịch thơ:                                            Lai Tân
                                    Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc
                                    Giải người cảnh trưởng kiếm ăn quanh
                                    Chong đèn huyện trưởng lo công việc
                                    Trời đất Lai Tân vẫn thái bình
                                                                                    Nam Trân
           
Trong những bài thơ phản ánh, phê phán chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch của tập Nhật kí trong tù, Lai Tân được xem là bài thơ tiêu biểu cho bút pháp châm biếm, trào lộng của Hồ Chí Minh. Lai Tân là bài thơ số 97 trong số 134 bài thơ của Nhật kí trong tù, được viết vào tháng 12- 1942. Lai Tân cũng là một địa danh Hồ Chí Minh bị giải đến trong suốt chặng đường từ Thiên Giang đến Liễu Châu thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc.
Đối tượng trực tiếp mà Hồ Chí Minh châm biếm trong bài thơ là ba con người Bác đã gặp, đã thấu hiểu ở chặng dừng chân Lai Tân và Bác đã chẳng ngại ngần gì khi chỉ đích danh ba đối tượng ấy là ban trưởng, cảnh trưởng, huyện trưởng. Ba đối tượng đều giữ chức “trưởng”, chức vụ cao nhất, người đứng đầu một đơn vị, tổ chức nào đó. Cụ thể ban trưởng là người đứng đầu, phụ trách việc quản lí nhà giam; cảnh trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc áp giải phạm nhân; huyện trưởng là người có địa vị cao nhất huyện, trông coi, lo toan công việc huyện Lai Tân. Những đối tượng này được xem là danh giá nhất, tiêu biểu nhất cho chính quyền và bộ máy luật pháp dưới chế độ Tưởng Giới Thạch.
       Tiếng cười, sự châm biếm được toát ra từ chính sự mâu thuẫn giữa cái bề ngoài (hình thức) với cái bên trong (nội dung) ở ba con người được gọi đích danh trong ba câu thơ đầu:
Bề ngoài – hình thức                                Bên trong – nội dung
                  Ban trưởng                      > <                thiên thiên đổ
                 Cảnh trưởng                     > <                tham thôn giải phạm tiền
                 Huyện trưởng                   > <                thiêu đăng biện công sự
           Sự lố bịch, hài hước, đáng giễu cợt nằm ngay trong những mâu thuẫn này.
Ở câu một, người quản lý trật tự trại giam thật ra chỉ là một tên bài bạc. Hành vi đánh bạc của y diễn ra một cách thường xuyên “thiên thiên” (ngày ngày). Điệp từ thiên được dùng nhằm lột tả rõ cái bên trong, cái nực cười của công việc mà ông “ban trưởng” đảm trách. Đâu phải ông làm ban trưởng để quản lý trại giam. Ông làm ban trưởng để đánh bạc đấy chứ! Và “ban trưởng” làm gì có đủ tư cách để làm ban trưởng bởi bản thân ông cùng với những phạm nhân bị “quan bắt tội” vì “đánh bạc ở ngoài” là những kẻ cùng hội cùng thuyền.
      Trong câu 2: cảnh sát trưởng, người lo việc dẫn giải phạm nhân, kẻ thực thi pháp luật, có chức phận tương tự ban trưởng phòng giam, oai phong – uy nghiêm về chức tước như thế song thực chất là một kẻ tham lam, vòi vĩnh tiền phạm nhân. Điều này chúng ta đã gặp ở những bài thơ khác trong Nhật kí trong tù với các khoản thu phí vô lí từ việc thổi cơm, nấu nước (Công kim) đến phí thắp sáng (Đăng quang phí)…Người thực thi pháp luật hóa ra lại là kẻ lèo lá, đê hèn, xấu xa, chẳng coi luật pháp ra gì.
        Đặt “ban trưởng” bên cạnh “cảnh trưởng”, hai câu thơ đầu đối nhau trong sự tương xứng, gần gũi về ý nghĩa cùng góp phần tô đậm hiện thực xấu xa, thối nát của các vị quan chức nhà tù. Từ những mâu thuẫn giữa bề ngoài với bên trong, hình thức với nội dung, Hồ Chí Minh gửi gắm vào đấy thái độ phê phán qua tiếng cười toát ra từ sự đối lập về chuẩn mực đạo đức cần phải có với sự thực sa đọa về đạo đức ở các kẻ quan chức trên.
         Khác với hai câu đầu, cái nhìn của tác giả tập trung vào chốn trại giam, câu thơ thứ ba thể hiện sự mở rộng không gian quan sát: từ không gian chốn trại giam hướng đến không gian rộng lớn bên ngoài xã hội: huyện Lai Tân. Và cũng bằng điều tai nghe mắt thấy về vị huyện trưởng, tác giả gửi một tiếng cười hóm hỉnh, thâm thúy: “Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự”. Đây là câu thơ giữ vai trò chuyển ý đã được triển khai ở hai câu trên, chuẩn bị cho sự xuất hiện của câu kết. Câu 3 đã đem lại nhiều cách hiểu khác nhau trong độc giả và giới nghiên cứu. Cách hiểu khá phổ biến là huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện. Ngài huyện trưởng chong đèn ban đêm đâu phải để giải quyết công việc, đâu phải vì mẫn cán, tận tâm  mà chỉ là ngài đang “biện” “tư sự” đấy thôi! Thực ra là ngài làm việc riêng, ngài hút thuốc phiện - “các quan huyện hồi ấy bên đó khi làm việc quan có bao giờ phải đốt đèn (thiêu đăng) đâu. Ngài đốt đèn hút thuốc phiện đấy thôi! Đó là sự thật trong các huyện đường Quảng Tây dưới thời Tưởng” (Đặng Thai Mai, tr 192, Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, 1979); cũng có người cho rằng ngài huyện trưởng chong đèn ngoài hút thuốc phiện ra còn để làm những việc “tư” mờ ám, khuất tất khác không thể làm vào ban ngày. Cách hiểu này làm nên sự lôgic, sự liền mạch với ý mà câu 1, câu 2 đã triển khai và làm hoàn chỉnh thêm thực chất về thói sa đoạ, thối nát trong giới quan chức của chính quyền Tưởng Giới Thạch.
        Một cách hiểu khác về câu 3 không dừng lại  ở công việc cụ thể viên huyện trưởng làm mà chỉ dừng lại ở hình ảnh ông ta đốt đèn làm việc. Hình ảnh ấy, bề ngoài đã gợi lên sự mẫn cán lo toan công việc cho dân và trong chừng mực nào đấy “để tạo một hình ảnh thái bình vô sự bề ngoài” (Trần Đình Sử - Đôi lời nói lại về bài thơ Lai Tân của Hồ Chí Minh trong sách giáo khoa Ngữ văn 11 – phongdiep.net). Song dù huyện trưởng có mẫn cán đến đâu, dù có lo toan công việc cả ngày lẫn đêm thì cái hiện thực đầy xấu xa trong địa hạt ông ta cai trị vẫn ngang nhiên tồn tại. Những kẻ giúp việc cho ông như ban trưởng, cảnh trưởng còn thối nát thế, nói gì đến kẻ khác! Và cái mẫn cán của huyện trưởng không thể che dấu được cái thối nát, mục ruỗng bên trong của ban trưởng, cảnh trưởng.
          Dù được hiểu theo cách nào thì câu thơ thứ 3 cùng với 2 câu thơ đầu đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong những ngày Bác bị giam cầm tại Lai Tân, miêu tả một cách khách quan, trung thực hình ảnh các đối tượng quan chức ở Lai Tân với tinh thần phê phán mạnh mẽ. Tiếng cười châm biếm, phê phán trong bài thơ vì vậy không chỉ toát ra từ những mẫu thuẫn đã nói ở trên mà còn toát ra từ thái độ khinh bỉ, chế giễu đối tượng.
           Lai Tân không chỉ dừng lại ở việc mỉa mai, châm chọc vào các đối tượng ban trưởng, cảnh trưởng, huyện trưởng, cũng không đơn thuần chỉ là sự phê phán chế độ nhà tù thối nát của Tưởng Giới Thạch. Sức phê phán của bài thơ đã vượt ra những đối tượng cụ thể mà nhằm vào cả thể chế chính trị thối nát đương thời. Độc giả có quyền liên tưởng đến bộ máy pháp luật, cơ cấu chính trị mục ruỗng, thối nát hiện tồn ở Trung Hoa. Năm 1942, năm bài thơ ra đời là thời điểm Trung Quốc đang bị phát xít Nhật xâm lược, vận mệnh dân tộc đang ngàn cân treo sợi tóc nhưng hàng ngũ quan lại Trung Quốc vẫn bình chân như vại, ung dung hưởng lạc. Sự thực ấy thật đáng băn khoăn, đáng phê phán.
Mang thân phận là một phạm nhân, lại là người ngoại quốc nhưng là một nhà chính trị nên Hồ Chí Minh rất có ý thức khi quan niệm văn thơ là sự nghiệp chính trị, hành vi chính trị. Vì vậy, những nỗi niềm, tình cảm của Người dồn cả vào câu kết-câu 4:
Lai Tân y cựu thái bình thiên
            Học tập tứ thơ trong Đường thi, cụ thể từ Đề đô thành Nam trang của Thôi Hộ nhưng Hồ Chí Minh không bày tỏ nỗi hoài cổ, nhớ tiếc về quá khứ đẹp đẽ như Thôi Hộ mà lại gửi gắm vào câu thơ sự giễu nhại đầy thâm thúy. Câu thơ, trên bề mặt câu chữ là một lời nhận xét khen ngợi, khẳng định về cảnh thái bình ở Lai Tân nhưng đằng sau sự khẳng định ấy là thái độ chỉ trích, phê phán kín đáo nhưng vô cùng sâu cay của Bác: (thế mà) trời đất Lai Tân vẫn thái bình như cũ. Chữ “thế mà” không xuất hiện nhưng độc giả có quyền hiểu Bác đã lược bỏ nó để gửi ý rằng sự thái bình kia chỉ là thái bình giả tạo. Thực chất bên trong của cái gọi là thái bình ấy là những ung nhọt, thói sa đọa, phi đạo đức của hàng ngũ quan lại. Hiện thực vừa miêu tả ở ba câu thơ trên đối lập triệt để với hiện thực ở câu cuối tưởng chừng tạo nên một sự phi lí, không nhất quán trong lập luận, trên thực tế đã xé toang bức bình phong thái bình dối trá nhưng sự thực đang đại loạn bên trong, trực tiếp là của huyện Lai Tân, rộng lớn hơn là của chế độ Tưởng Giới Thạch. Chốt bài thơ bằng hình ảnh xã hội thái bình, bằng sự bất biến “y cựu” nhưng xâu chuỗi, liên kết toàn bộ các đối tượng quan lại thối nát về đạo đức trong xã hội với nhau lại làm nên một bức tranh thối nát muôn thuở không chỉ của giai cấp thống trị Trung Hoa mà còn là của xã hội Trung Quốc.
Tiếng cười giễu nhại ở câu cuối đã lật tẩy bản chất của thể chế chính trị ở Lai Tân, như một dự báo về sự cáo chung của chế độ Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu bởi vì cái gọi là “thái bình thiên” vốn đã thối nát như thế từ bao giờ.
Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, thể thơ cổ điển của Trung Quốc thường được người xưa sử dụng để ngâm vịnh hoài bão lý tưởng hoặc ca ngợi thiên nhiên, Lai Tân đã vượt khỏi khuôn phép truyền thống bằng cách hướng đến miêu tả - phản ánh hiện thực khách quan và đạt được những thành công đáng kể. Lai Tân đã đạt đến trình độ “đưa thời sự vào thơ”, tiếp thu tinh thần phản ánh hiện thực từ Đỗ Phủ, nhà thơ hiện thực xuất sắc đời Đường Bác vẫn ngưỡng mộ. Thông qua việc ghi chép những điều bản thân đã mục sở thị, Hồ Chí Minh đã vẽ một bức tranh hiện thực sáng rõ về lũ quan lại thối nát ở chốn lao tù và cả trong guồng máy chính trị đương thời.
Giọng điệu chủ đạo trong Lai Tân là giọng điệu châm biếm. Sự vận dụng và kết hợp nhuần nhuyễn các cấp độ của giọng châm biếm đã góp phần gia tăng hiệu quả phê phán, tố cáo của bài thơ. Ba câu thơ đầu là ba câu thơ tự sự có giọng châm biếm mạnh mẽ, trực tiếp, không né tránh quanh co, được biểu hiện ở việc nêu đích danh đối tượng, kể từng tội trạng của đối tượng. Câu thơ kết là câu thơ trữ tình gợi nhiều hơn tả, giọng giễu nhại, trào lộng nhẹ nhàng mà thâm thúy. Song sự giễu nhại nhẹ nhàng, thâm thúy ấy lại gợi lên bao suy nghĩ về chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch, về bản chất của hàng ngũ quan lại đương thời, về thực trạng của xã hội Trung Hoa.
Vấn đề mà Hồ Chí Minh đề cập trong Lai Tân không chỉ là vấn đề của thực tại mà còn là vấn đề của mọi thời đại, mọi quốc gia. Đạo đức, tư cách của những người làm quan, làm quản lí nhà nước mãi mãi là điều cần được quan tâm. Những người đảm trách công việc quản lý sẽ tự nhìn lại mình qua việc làm của ban trưởng, cảnh trưởng, huyện trưởng để tự sửa mình và làm cho đất nước thái bình thực sự.
Hơn 70 năm đã trôi qua, Nhật ký trong tù nói chung, Lai Tân nói riêng vẫn cuốn hút độc giả vì sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển và hiện đại, vì tinh thần “thép” trong thái độ châm biếm, tố cáo thẳng thắn, mạnh mẽ của Hồ Chủ tịch.
PTN

Tác giả bài viết Phan Thị Nga (thứ hai phải sang) trong dịp gặp gỡ bạn bè tại TP. Thanh Hóa, tháng 4 năm 2015




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới