30 tháng 4, 2015

Sao cứ căm thù mãi thế

Nhân 40 năm ngày 30-4, nhóm 3 thằng bạn thân cũng là 3 thằng cựu chiến binh C20 Sư đoàn 341 chúng tôi gồm Lê Đình Nguyên, Nguyễn Quang Ngọc và tôi hẹn nhau chiều nay lên nhà Ngọc ở chung cư gần chợ Tân Sơn Nhất làm cuộc hội quân nho nhỏ, trước hết là thăm căn chung cư mới mua của Ngọc, sau nữa là họp mặt ăn uống và tán tào lao nhân 40 năm ngày cả 3 chúng tôi thoát chết trở về.
Như một mặc định, những người lính chiến một thời chúng tôi từng cầm súng cùng cả sư đoàn vào Sài Gòn từ ngày 30 tháng 4 của 40 năm trước đều nhất loạt không ai còn gọi đó là ngày giải phóng SG. Thậm chí chúng tôi còn gọi đó là ngày Sài Gòn giải phóng mình. Nhờ có ngày đó mà chúng tôi sống sót trở về, được thấy phố phường Sài Gòn lộng lẫy nguy nga hơn cả cảnh các thành phố nước ngoài từng được xem trên phim ảnh; thấy được cái ti vi để trong nhà mà xem được phim như ngoài rạp, thấy cái tủ lạnh, cái xe máy Honda vô cùng tiện lợi… Những thứ mà khi còn sống ở miền Bắc thiên đường xhcn chúng tôi, dù là thành phần con cán bộ, đã học đến đại học vẫn chưa được nghe nói tới.  
Ai đã giải phóng cho ai. Có lẽ cũng đến lúc lịch sử sẽ phán xét lại.
Căn hộ tít trên lầu 8 khang trang của Ngọc chỉ có mỗi hắn đang nằm khểnh một mình, vợ con đi chơi hết. Ba thằng cựu chiến binh chúng tôi tự nấu nướng lấy vài món ngồi uống bia với nhau. Ăn uống là chuyện bây giờ đã không thành vấn đề. Như tôi đến đâu mà được cho một đĩa rau, thậm chí chỉ một tô canh rau nấu với tôm là đã đủ thích.
Có 3 món tôm, mực tươi và bông lí. Nguyên chịu trách nhiệm luộc mực và tôm. Hắn nói từ ngày vợ mất (đã 3 năm, xem ở đây: http://hatungson.blogspot.com/2012/08/vay-la-b-vo-thang-nguyen-ra-i-may-tuan.html) thường tự nấu lấy ăn nên cũng có ít kinh nghiệm bếp núc. Nguyên cho một nồi nước sôi sùng sục lên rồi thả hết cả vào. Những con tôm còn sống nhảy lung tung trước khi được xếp ra đĩa. Hai món đó tưởng khó mà dễ.
Tôi chịu trách nhiệm món bông lí xào tỏi. Xào sao cho bông lí chín tươi mà vẫn giữ màu xanh mới khó, lại phải thơm nức mùi tỏi nữa. May là tôi làm cũng gần được như vậy. Món này tưởng dễ mà khó.
Chủ nhà Ngọc thì cặm cụi pha chế nước chấm. Nước chấm mực gồm nước mắm, gừng, chanh và nhất thiết phải có một muỗng đường. Là chủ nhà nhưng hắn không biết hũ đường nằm ở đâu, đành lấy chai mật ong cho vào một muỗng. Hắn bảo mật ong thì cũng là đường. Chẳng ra sao.
Nhưng cả 3 chúng tôi ăn uống vẫn no say và ngon hơn đi nhà hàng. Vừa ăn chúng tôi vừa kể lại những kỉ niệm thời đi lính, thời làm quân quản ở SG cho đến ngày trở lại trường đại học. Ba thằng chúng tôi mỗi đứa học một khoa. Nguyên khoa hóa, Ngọc khoa sinh, tôi học văn. Cùng nhập ngũ một ngày, cùng chiến đấu trong một đơn vị và trở về cũng cùng một ngày. Cả 3 thằng cùng là đảng viên 40 năm tuổi đảng, tốt nghiệp đại học cùng trở lại miền Nam dạy ở các trường đại học và cao đẳng sư phạm, tôi và Ngọc còn giống nhau là chuyển sang làm nhà báo đến vài chục năm trước khi nghỉ hưu.
Tôi kể cho hai bạn nghe về chuyến ra Bắc mới rồi, mở máy tính cho xem ảnh chụp với các đồng đội, bạn bè ở Thanh Hóa. Cả hai thằng đều khen tôi là giỏi thế, đã đi được đến nơi mình cần đi dù xa xôi và trở ngại, nhất là về thời gian. Khen tôi có mà khen cả ngày!!!
Ăn xong ngồi uống trà. Ngọc bấm VTV1. Trên màn hình là một chương trình ca nhạc trực tiếp hình như là từ Dinh Độc Lập. Một tiết mục múa hát có tên Lửa căm thù với khói lửa ngút trời và lời dẫn của MC Quỳnh Trâm: “40 năm trước cả miền Nam dưới sự giày xéo của kẻ thù Mĩ ngụy máu lửa ngút trời…” Cả 3 thằng tôi nhìn nhau. Nó nói thế mà nói được nhỉ. 40 năm trước, khi tiến vào Sài Gòn chúng tôi chỉ thấy một thành phố giàu có, phồn hoa và văn minh. Có thấy ai giày xéo ai đâu có thấy máu lửa ngút trời nào đâu.  Mà sao đã 40 năm trôi qua rồi mà cứ tìm cách gieo rắc mãi vào lòng dân và cả xã hội sự căm thù vô biên nào thế nhỉ. Ai căm thù ai bây giờ. Sao lại cứ căm thù mãi thế. Sao không hát về hòa bình, hát về tình yêu thương nhân loại.
May mà Ngọc kịp chuyển sang kênh hoạt hình CN của Mĩ thì chúng tôi mới đỡ bị stress. Chứ không thì cuộc họp mặt mi ni của chúng tôi sẽ mất vui.
Ngấy tận cổ mất rồi.   


Nguyễn Quang Ngọc (trái) và Lê Đình Nguyên trong chuyến nhóm chúng tôi tham quan di tích chiến thắng Bàu Bàng năm 2012 (Ảnh: HTS)


                        Đại gia Ngọc trong vai trò tài xế đưa đồng đội đi rong chơi

                              Hoa mừng ngày 30-4 ở nhà tôi


Hành trình về lại tuổi thơ


Về lại Thành phố đã mấy ngày, nay tôi mới tỉnh trí để ngồi viết lại chuyến đi kéo dài cả tuần với rất nhiều cảm xúc và ý nghĩa.
Đây là chuyến đi 3 trong 1. 
Trước hết tôi về QB làm lễ cúng 100 ngày mất của ba tôi. 100 ngày ba tôi đi xa nhưng không chỉ người trong nhà mà bà con dân làng và hàng xóm cũng nói rằng cứ nghĩ như là ông chưa đi, ông vẫn còn đó đi lại chuyện trò với mọi người.
Xong việc 100 ngày tôi xuống Hoàn Lão bắt xe đò ra Vinh. Xe tốt đường tốt nên chỉ chừng hơn 3 tiếng là tới. Hồi còn đi học đại học, cũng chặng đường đó tôi phải đi cả một ngày trời.
Xe đang qua Hà Tĩnh thì Ngọc Nga gọi nói khi nào tới để ra đón nhưng tôi gạt đi, để tớ được lang thang đi bộ một chặng giữa phố phường Bến Thủy cho sướng. Hình như khi đi bộ dọc vỉa hè, người ta suy nghĩ được nhiều hơn và cũng nhiều cảm xúc uà đến hơn. Tôi thích thế.
Với tôi, mỗi lần được trở lại Vinh là cứ như được về quê dù quê tôi ở QB; tương tự mỗi lần được đặt chân đến căn nhà ấm cúng đầy ắp tiếng nói cười (và cả khóc nhè) của lũ trẻ cháu nội cháu ngoại của hai bạn Ngọc Nga thì cũng như là tôi được trở lại mái nhà xưa. Nếu không thế tôi đã ra khách sạn ở rồi.
Nhà Ngọc thích nhất là mấy đứa cháu. Ngoan và dễ thương. Tôi thích chúng nó và hình như chúng nó cũng có phần thích tôi.
Nhưng trong chuyến đi này, nhà Ngọc chỉ là trạm dừng chân. Hôm sau, ngày 23-4 Ngọc lái xe đưa tôi ra Thanh Hóa. Chuyến đi Thanh này của chúng tôi đầy ắp sự kiện và những cuộc tiếp xúc cảm động.
Lên Tây Hồ Thọ Xuân đến nhà Lê Quang Phương. Rồi các bạn cùng đưa tôi về làng Vân Lộ xã Thọ Nguyên để thăm lại gia đình thầy mẹ nuôi đã nuôi anh em tôi hồi sơ tán theo diện K8. Xe chạy dọc đê sông Chu từ thị trấn Thọ Xuân về đến làng Vân Lộ để nói như Lê Quang Phương là cho Hà Tùng Sơn được nhớ lại kỉ niệm xưa thời đi học. Dù Lê Quang Phương đã cẩn thận đi tiền trạm từ trước nhưng cũng phải thụt lui thụt tới mãi chiếc Nissan của Ngọc mới đỗ được trước cổng nhà thầy mẹ nuôi tôi ngày xưa.
47 năm trước, tôi đã ở đây suốt 2 năm 1967-1968 và đã học hết lớp 8 vào hè năm 1968. Đó là một tuổi thơ không dữ dội. Những buổi chiều ra sông Chu ngụp lặn, vẫn con đê to sừng sững nơi tôi đạp xe từ trường cấp 3 Thọ Xuân 1 đi về mỗi tuần. Vẫn là căn nhà cũ xưa ấy nhưng thầy mẹ nuôi tôi, gọi là ông bà cò Thảo thì đã lên bàn thờ ngồi cả rồi.
Tôi kính cẩn thắp hương tưởng nhớ thầy mẹ nuôi; nhìn ra góc sân gạch nơi vẫn diễn ra những bữa cơm tối đông người, dọc chân tường là những vại cà vại tương ăn quanh năm không hết. Nay thì gần như hoang phế hết cả rồi. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm.
Vân Lộ là một làng nghèo của huyện Thọ Xuân mà gia đình thầy mẹ nuôi tôi lại thuộc diện nghèo nhất làng. Căn nhà quả thực được chia lại hồi cải cách ruộng đất qua nửa thế kỉ không hề được sửa sang gì, nay do chị con dâu cả trông coi nhìn cứ như một ngôi nhà hoang. Cái giường kê ở góc nhà có cửa sổ trổ ra vườn nơi ngày xưa tôi thường nằm thò cả hai chân ra ngoài cho mát, nay vẫn còn nguyên chỗ đó...
Ngùi ngùi tôi nhớ lại một chặng đời của tuổi thơ tôi. 
Chuyến trở lại làng Vân Lộ khiến tôi thấy mình thật là người có lỗi. Tôi đã quá tệ hại khi phải đợi đến hơn 45 năm mới trở lại chốn này để thăm hỏi những người đã cưu mang mình trong chiến tranh. Ít nhất những năm học đại học ở Vinh tôi đã phải làm việc này rồi.
Đó là đều khiến tôi day dứt mãi.


                                Vẫn căn nhà xưa cũ

                             Thầy mẹ nuôi giờ đã ở hết trên ban thờ


 Biết tôi về thăm, mọi người tập trung lại thăm hỏi và ngồi hết trên chiếc giường nơi 47 năm trước tôi vẫn nằm thò cả 2 chân ra ngoài cửa sổ

 Tiếp theo: ở nhà Lê Quang Phương




29 tháng 4, 2015

Quà của Đỗ Kiến Quốc

Hôm nay vô FB thấy quà của bạn học cùng lớp thời cấp 3 Đỗ Kiến Quốc, hiện là Pgs dạy bên ĐH Bách khoa gửi tặng món quà với status:
Quốc Đỗ Kiến Cây này mình ..."bứng" từ Buôn Mê Thuột , nay tặng bạn Sơn cho mát mẻ nhà cửa.
Cái cây cổ thụ thật là vĩ đại.

Có cái cây quí dù là bằng hình Quốc vẫn nhớ đến tôi. Cảm động thế.



28 tháng 4, 2015

Chuyện treo cờ

Sáng nay được nghỉ lễ dài dài nên hơn 8h mới ngủ dậy ra ban công tầng 3 treo lên lá cờ đỏ sao vàng mà tôi gọi là cờ chế độ. Không gọi là cờ Tổ quốc vì Tổ quốc vốn không có cờ. Tổ quốc sẽ có nhiều chế độ thay nhau nắm quyền, mỗi chế độ có một lá cờ riêng như là kí hiệu của chế độ ấy. Chế độ nào cầm quyền thì người dân phải treo cờ của chế độ đó thôi. Không treo sẽ có người đến nhắc treo.
Nhớ cách nay vài tuần, ông tổ trưởng dân phố đến vận động nộp tiền để thiết kế dưới trụ cổng nhà tôi một chỗ cắm cờ nhân ngày lễ lớn 30-4 năm nay.
Tôi hỏi ổng tại sao phải làm như thế. Trả lời: Đây là chủ trương chung của quận và là lệnh của phường, làm như thế cho đồng đều và cho mọi người đều thấy là nhà mình có treo cờ.
Tôi bảo: Dẹp đi nhé. Nhà tôi đã dành một chỗ trang trọng nhất, cao ráo nhất là ban công tầng 3 để treo cờ. Tôi còn ra phố thửa hẳn một cây cột bằng i nox để làm cán cờ. Ông thấy suốt dãy phố này có cờ nhà ai treo cao bằng nhà tôi không.
Tay tổ trưởng cố giải thích: Nhưng làm như thế sẽ không có sự đồng đều và thống nhất. Mà không đồng đều thì không đẹp.
Tôi bác thẳng thừng: Khi nào ông ra chỗ Dinh Độc Lập và chỗ trụ sở UBND Thành phố xem ở hai tòa nhà đó người ta treo cờ chỗ nào nhé. Họ đang treo ngay trên nóc nhà đấy. Hà cớ gì ông bắt tôi treo cờ ở chân cổng nhà. 
Không cãi lí được với tôi tay tổ trưởng cười nhăn nhở chào thua và ra về.
Năm nay chắc chắn tôi mất danh hiệu người tốt việc tốt và nhà tôi chắc chắn mất danh hiệu gia đình văn hóa mới đã có liền 3-4 năm nay.
Sáng nay treo xong cờ, nhìn dọc con hẻm thấy cũng có nhiều nhà treo cờ trên ban công cao cao như nhà tôi. 
Có thế chứ.

 Dọc con hẻm nhỏ này nhà tôi treo cờ ở vị trí cao nhất, cao ngang với trụ sở UBND Thành phố HCM


Trong lúc cờ nhà tôi phấp phới bay ở trên cao thì nhà hàng xóm đối diện treo cờ thấp tịt ở dưới đất. Ai tôn trọng lá cờ của chế độ này hơn tôi




Những câu thơ hay về Vua Hùng

                                                                           A.Đa sưu tầm
A.Đa: So với mấy nghìn năm thì hàng thế kỉ không là cái đinh gì. Nhưng hàng thế kỉ nay người ta cứ băn khoăn: Hùng là họ hay là tên của Ông Tổ? Nếu là tên thì họ của Người là gì? Tôi chợt nghiệm ra: có những điều hệ trọng nhưng nó lại cực kì đơn giản! “Hùng”  chẳng qua là con chim trống, là giống đực, thế thôi! Thời đại mẫu quyền đã hết. Thay vì là sự lên ngôi của phụ quyền. Nếu bố mẹ Âu Cơ- Lạc Long Quân còn sống thì sẽ chẳng có chuyện “cưa đôi” các con như thế. Nhưng khoan, hãy cùng đọc một số câu thơ tôi cho là hay viết về Cụ và vùng đất Cụ chọn đóng đô.

                                                  Tượng Vua Hùng tại Phú Thọ

-         Cho tôi sống với bình minh đất nước
Trời hãy còn tròn
Đất hãy còn vuông
Và mưa nặng hạt
Chim Lạc bay xanh thẳm cửa rừng
                                                (Hoàng Vũ Thuật)

-         Biết em từ thủa Hùng vương
  Lưng ong thắt đáy như lưng nước mình
      Dẫu từng đi suốt chiến chinh
  Mà sao đất nước vẫn hình dáng em
                                                      (Trần Mạnh Hảo)

-         Ta ra đi từ nền văn minh trên lưu vực sông Hồng
Cả dân tộc bay theo hình chim Lạc
Nhưng đến hôm nay ta mới giống ông cha trên mặt trống đồng
Chiến thắng ấy là vầng dương Tổ quốc
                                                (Chế Lan Viên)

-         Đi qua xóm núi Thậm Thình
  Bâng khuâng nhớ nước non mình ngàn năm
     Vua Hùng một buổi đi săn
  Trưa tròn bóng nắng dừng chân chốn này
… …
          Trăm cô gái tựa tiên sa
  Múa chày đôi với chày ba rập rình
      Đêm đêm tiếng “ thậm” tiếng “ thình”
 Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non
                                                      (Nguyễn Bùi Vợi)

-         Mười mấy năm xa thế
Nay lại về Trung du
Buổi sáng heo may lạnh
Tam Đảo trôi mây mờ

Sao hay nhớ hay quên
Như một thời rất trẻ
Chiều về cây cọ lẻ
Đi rong bên sườn đồi

Những triều vua dựng nước
Cũng thất thường buồn vui
Một sớm mai chợt thấy
Cọ xòe xanh mặt trời
                            (Đào Thảng)

                                                A.Đa st


Châm ngôn cuộc sống

                                                       Lê Ngọc Sáng sưu tầm và biên soạn 
      
...........
Khi người ta sống chỉ vì mình, sẽ trở thành thừa đối với những người khác.
Hãy dạy đạo đức cho con cái bạn, chỉ có đạo đức chứ không phải vàng bạc mới làm cho con người sung sướng.
Có một điều tốt đẹp hơn cả sự ngay thẳng, đó là sự khoan dung.
Không có sự vĩ đại nào lại không có sự giản dị, lòng tốt và sự thật.
Giản dị là điều khó nhất trên đời, đó là sự giới hạn tột cùng của sự từng trải và nỗ lực cuối cùng của thiên tài.
Cứ cẩu thả trong cách ăn mặc nếu bạn muốn, nhưng hãy giữ một tâm hồn trong sạch.
Cuộc sống cũng trở nên khó khăn khi ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn.
Kẻ tự cho mình là giỏi thì tai không nghe được điều hơn lẽ thiệt.
Người có tài hùng biện là biết nói những gì nên nói và chỉ thế mà thôi.
Biết mà không làm là không biết. 
Khi ta già đi sắc đẹp ẩn vào bên trong.
………………
(Rút từ Châm ngôn cuộc sống; sưu tầm và biên soạn: Lê Ngọc Sáng; NXB Lao Động, 2014)

                         Bìa sách Châm ngôn cuộc sống của Lê Ngọc Sáng


  Tác giả Lê Ngọc Sáng cùng bạn bè và đồng đội. Trái sang: HTS, Lê Đăng Sơn, Nguyễn Trung Ngọc, Phan Nga, Lê Ngọc Sáng. Cafe Bình Minh, Tp. Thanh Hóa, sáng 25-4-2015. (Ảnh: Lê Quang Phương)





26 tháng 4, 2015

Chiều rơi

                                                                                         Lê Đăng Sơn

Chiều rơi bóng núi xa vời
Cánh chim gấp gáp chơi vơi lưng trời
Mau về với tổ chim ơi!
Kẻo đêm buông xuống nói lời sao lên

Chim mang nỗi nhớ không tên
                                          Chiều rơi
động bước
                                                  chân mềm ngày xưa

Tháng 10 năm 2017
(Rút trong tập Khúc hát xanh,thơ của Lê Đăng Sơn NXB Văn học, 2012)


Tác giả Lê Đăng Sơn (ngoài cùng bên trái) cùng những những đồng đội 40 năm về trước. Trái sang: Lê Đăng Sơn, Lê Ngọc Sáng, Nguyễn Trung Ngọc, HTS, Lê Quang Phương. Tp. Thanh Hóa, 25-4-2015 (Ảnh: Phan Nga)

Bìa tập thơ Khúc hát xanh của Lê Đăng Sơn

Tác giả Lê Đăng Sơn 40 năm trước; Sở thú Sài Gòn, tháng 5-1975


13 tháng 4, 2015

Khi ông thầy nhìn qua khung cửa


Một ông thầy có buổi giảng 5 tiết liền trong một lớp học. Giả sử là sinh viên đang ngồi học trong lớp ấy bạn có chán không. Chắc chắn là sẽ chán và… rất ngán. Bởi với 5 tiết giảng liên tục, thầy có dạy hay đến mấy người nghe cũng đến lúc thấy nhàm và …nhảm.
Vào những lúc chán ngán với bài giảng của ông thầy trên bảng bạn sẽ làm gì.
Nhìn lơ đãng qua khung cửa sổ lầu 5 với mây trời đang bay, nếu có thêm con chim đang bay nữa thì tốt. Sẽ sinh động hơn.
Lấy điện thoại 3G vô Yahoo chát tám với đứa bạn đang học ở một thành phố khác. Thành phố của đứa bạn nhỏ hơn rất nhiều bởi vừa được nâng cấp từ thị xã lên sau một đêm ngủ dậy. Trong lúc thành phố này có đến hơn mười triệu dân. Đứa bạn ở quê đang ao ước có một ngày được lên thành phố này chơi.
Khều đứa bạn bên cạnh đánh ca rô vào trang bìa cuối của tập vở học. Sinh viên đi học bây giờ cần gì phải ghi chép. Buổi lên lớp cuối cùng thế nào thầy chả đưa USB cho lớp phó học tập lưu bài giảng vào laptop. Lớp phó sẽ chuyển cho cả lớp cùng lưu. Sau đó một đứa đi in ra để cả lớp cùng pho to lại với chữ nhỏ li ti. Một sáng kiến kết hợp giữa giáo trình tham khảo và phao dùng thi hết môn.
Có những cặp tranh thủ nắm tay nhau mân mê dưới gầm bàn. Tình yêu học trò phải thế…
Ông thầy đang thao thao trên bục giảng chợt dừng lại. Đang tiết cuối của buổi học. Tiết thứ 5. Đám học trò quỉ tha ma bắt ở dưới lớp làm gì thầy biết hết. Thầy thì cũng từ chúng nó mà ra. Không biết mới lạ.
Đang nói đến đoạn nào nhỉ. Những bài học rút ra từ tiểu thuyết Tây du kí. Tại sao thằng Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông biến hóa giỏi giang thế lại chịu để cho tay Đường Tam Tạng ngu ngơ lãnh đạo. Lâu lâu nổi điên lên nó còn niệm thần chú cho vòng kim cô thít chặt vào đầu đau điếng. Phải chăng đám lãnh đạo thường là những thằng ngu còn những thằng giỏi chuyên môn thì suốt đời làm lính. Hay là dù ngu nhưng vì có tài quản lí nên nó được làm lãnh đạo. Hay là cứ như thằng Trư Bát Giới cho sướng. Thích được ăn ngon, thích ngắm gái đẹp. Thấy gái là mắt sáng rỡ lên như đèn pha ô tô, mắt híp cả lại, hở ra là đã ngáy khò khò.
Đến đó thì ông thầy đặt câu hỏi: Nếu được chọn làm một trong 4 nhân vật của thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng thì các anh chị sẽ chọn nhân vật nào.
Cả lớp râm ran hẳn lên. Không còn chát với đứa bạn từ xa. Không đánh ca rô. Không cả nắm tay nhau tỏ tình dưới gầm bàn nữa…
Thưa thầy em Tôn Ngộ Không. Thưa thầy em Đường Tăng. Thưa thầy em Trư Bát Giới… Loạn xà ngầu cả lên. Hình như nhân vật Sa Tăng không ai chọn. Mờ nhạt quá mà. Với đôi bồ gánh nặng trên vai và luôn đi chặn hậu; cần cù, chịu khó, nhẫn nại, không nhiều lời và chỉ biết có hành động; gánh hết khó khăn cho cả đoàn, Sa Tăng là một người tốt. Nhưng sự đời bất công, ở đâu và bao giờ cũng vậy, người tốt thường mờ nhạt và thiệt thòi nếu không nói là bất hạnh. Ngu gì làm người tốt.
Những bài học cuộc đời từ Tây du kí đấy chứ đâu.
Đúng lúc đó ông thầy chợt thấy chán ngán tất cả và nhìn qua khung cửa. Bên dưới là một công viên nhỏ như mũi tàu với bãi cỏ xanh rì. Giá lúc này mà có được phép đằng vân của lão Tôn nhỉ, thầy sẽ bay ngay ra bãi cỏ ngủ một giấc cho sướng.


   

9 tháng 4, 2015

Tôi có lỗi không, hay là chuyện tình thuở ấy!

                                                 
                                     Truyện kể của Lê Quang Phương
                                                       
                     Kính viếng anh linh liệt sĩ Lập hi sinh tháng 4 năm 1975
                     Kính gửi chị Bình là chị của đồng đội Lập
                     Kính tặng người yêu của Lập mà tôi chưa biết tên

Đêm qua nghe khúc dân ca:

- Ờ ơ anh đến giàn hoa thì hoa kia đã ơ nở 

Anh đến bến đò thì đò đã sang ơ sông 

Anh đến tìm em thì em đã lấy ơ chồng 

 Hỏi em yêu anh như ơ rứa có mặn nồng lấy ơ chi 

- Ờ ơ chứ anh đến giàn hoa hoa đến thì thì hoa phải ơ nở

Anh đến bến đò, đò đầy đò phải sang ơ sông 

Anh đến tìm em, đến duyên em cha mẹ ép phải lấy ờ chồng 

Giừ trách nhau chi ơ lắm cho cực lòng nhau ơ thêm
           
Tôi bỗng nhớ đến Lập.
 Người đồng đội đã vùi thân trong đất
 Bốn mươi năm qua, như người vừa tỉnh giấc .
Bâng khuâng tự hỏi: Mình có lỗi hay không?
 Lập quê ở Cảnh Dương, có chị gái tên là Bình. Lập đã có người yêu nhưng tôi không biết tên người yêu của Lập. Chỉ nhớ đôi mắt xanh buồn ươn ướt, nhìn Lập và nhìn tôi rười rượi muôn lời. Gió biển làm mái tóc buông lơi. Người yêu của Lập tuổi chừng mười sáu. Linh cảm rằng họ chia tay mãi mãi.  Mắt mỗi người đều đầm đìa lệ chảy. Ngàn cây dương vi vút cùng tiếng biển trùng khơi.
 Chị Bình của Lập kém tôi hai tuổi. Con gái làng chài dưới chân núi Phụng sông Loan (Hoành Sơn – Sông Ròn), mỡ màng đẹp dịu dàng thuỳ mị.  Gặp nhau có mấy chục phút thôi, đằng đẵng tháng ngày trôi, ngưòi đẹp tuổi hai mươi mãi trong tôi không phai mờ hình dáng.

Ngày ấy chúng tôi đang ém quân
trong rừng Trường Sơn mịt mùng thăm thẳm
Sau một đêm. Rạng sáng. Những người lính quanh tôi vắng bóng.
Những người lính Hà Tĩnh, Quảng Bình
Tranh thủ lúc dừng quân chạy vội về thăm Ba thăm Mạ
Chạy vội về với vợ, mong vợ có thai, để có chết, giống nòi không mất.
Những người lính xứ Thanh vì đường xa, nhớ nhà quay quắt.
Chỉ thấp thỏm nhìn về phương Bắc mông lung.

Còn vài ngày nữa
vào chiến dịch mùa xuân
Tôi được lệnh ra Quảng Bình gom quân về đơn vị
Hai ngày một đêm, mấy trăm cây số
Lúc chạy bộ lúc nhảy xe không ăn không nghỉ
Mưa dầm dề tê tái chốn rừng sâu
Gió biển lạnh lùng thâm thịt tím da
Đến phà Ròn hỏi thăm nhà đồng chí Lập nơi đâu
Những Bọ Mạ chỉ tay nơi nớ
Con cứ vô hắn vừa mới trộ nhà.

 - Đồng chí Lập!
Lập đang bưng bát cơm
Ba mạ chị em vây quanh tủi tủi mừng mừng râm ran tiếng nói!
Thấy tôi bước vào, súng chéo ngang lưng, áo quần lấm lê bùn đất
Tiếng râm ran vụt tắt.
 - Ơ anh!
 Lập nhận ra tôi.  Rất đỗi ngạc nhiên vì sao tôi cũng theo kịp về nhà. Phút đã cuối đầu, Lập biết mình có lỗi, đôi đũa buông xuôi miếng cơm nuốt vội.
 Mọi người hiểu ra, nặng nhọc tiếng thở dài.
 - Thôi con về đây, ngồi cùng  ăn lót dạ
Có việc chi ta bàn tính liệu sau.

Hai ngày một đêm nào tôi ăn đâu uống đâu, nhưng gấp lắm đã đến ngày vào trận
- Thôi ta đi. Đồng chí lập!
Mọi người oà khóc. Nước mắt tôi ầng ậc ướt cằm.

Tôi ra giữa sân, đứng nghiêm cùng khẩu súng. Nhìn vào nhà hô lớn:
  - Lập ơi tập hợp!
 Ba sãi chân. Lập đã đứng sau tôi. Thành hàng ngũ.
                            (Bỏ mâm cơm khúc cá còn nguyên)
  - Chúng con chào Bọ Mạ
 Tôi và Lập cùng đưa tay lên vành mũ
  - Chào mọi người con đi!

Lập kể ở nhà thường ra biển buông câu  - Biển trắng trời xanh một mình vờn gió- Chiếc mủng câu như một dấu chấm câu lừng ngang sóng vỗ.  Trái tim niên thiếu lồng lộng với khơi xa. Tiếng biển như khúc dân ca miền trung, vờn cao hơn núi, hối hả như sông, mặn mòi hơi muối.
 Lập hát cho tôi nghe …ơ ơ thì hoa kia đã nở …hỏi em yêu anh như rứa có mặn nồng lấy chi.

 Nếu anh không về thì đêm ni chúng em sẽ
 Đem nhau ra bãi cát để cùng nhau…
 Nhà em có mình em là con trai nên được tạm hoãn mấy lần nhập ngũ
 Ba mạ hay giục mau lấy vợ có con.
 Lần này thiếu quân và em cũng nguyện lên đường
 Chúng em đã ôm nhau rồi nhưng chưa làm chi cả hôm đi.
 Em đã ôm ghì
 Lại nỏ dám hôn vì sợ mang bầu mang bí!
 Nếu anh không về thì chắc chắn đêm ni
 Không biết lần đầu có đậu không anh?

  - Chào mọi người chúng con đi
Chị Bình đi bên tôi. Chị nói: Cho em gửi em của em, nó còn non dại
Chỉ biết đi câu đi lưới với tài bơi giỏi lội …
 Tôi nghe dịu êm tiếng nói – tiếng người thiếu nữ bên tôi .
 Mấy năm rồi, giữa rừng sâu, đâu nghe được lời con gái. Nay nghe giọng người thiếu nữ như lời ca hiền dịu làm ẩm ướt trái tim khô.
Trái tim tội nghiệp của tôi chưa biết yêu thứ tình yêu nam nữ, nó chỉ  biết “ Yêu đời yêu Đảng yêu Dân”, bởi nó là “Trái tim người chiến sĩ”.
Ánh mắt tội nghiệp của tôi khi ấy chưa dám nhìn người đẹp, chỉ biết “ Nhìn thẳng quân thù mà bắn”. Mà lấy đâu ra người đẹp giữa rừng thẳm núi xanh.
 Bây giờ nhớ lại cũng bồn chồn lắm đồng chí ơi, bởi cái dại khờ chiến sĩ ngu ngơ đã làm nên cái buổi ban đầu xao xuyến ấy
 Bình đi sát vào tôi.
 Nhìn vòm ngực thổn thức của Bình mà hồn tôi tan chảy theo mây theo gió.
 Bình thương em trai chưa ăn trọn bát cơm, chưa chạm đũa vào miếng cá.
 Tôi chợt nhận ra bụng tôi quặn đau vì đau đói, gần hai ngày tôi chẳng được miếng chi. 
 Tôi nuốt khan nước bọt, hít một hơi dài (gọi là ăn không khí) cho tay chân bớt run, nếu không cái đói sẽ làm tôi gục mất .    
 Tôi vô tình đưa được hương thơm người thỉếu nữ vào sâu trong thân xác.
 Lạ kỳ thay sức trai trẻ hồi sinh. 
 Đó là mối tình đầu của tôi thuở trước.

Người yêu của Lập nói điều chi thề ước điều chi
Hai đứa đi bên nhau thầm thì thống thiết
Tôi và Bình đi chậm dần phía trước
Để đôi bạn tình bịn rịn bước chân sau

Lập kể em ấy nó yêu em. Yêu bởi em hay hát câu ca ví dặm. Dân Cảnh Dương làng em vốn từ Xứ Nghệ vô nên điệu ví câu hò truyền đời muôn thuở. ơ…ơ…Ờ ơ chứ anh đến giàn hoa hoa đến thì thì hoa phải ơ nở  / Anh đến bến đò, đò đầy đò phải sang ơ sông / Anh đến tìm em, đến duyên em cha mẹ ép phải lấy ờ chồng / Giừ trách nhau chi ơ lắm cho cực lòng nhau ơ thêm
 Mắt Lập xanh như biển, tiếng hát da diết như muối xát vào lòng như vận vào thân phận.

 - Thôi Lập ơi ! Tôi bảo. Chào nhau đi rồi đi. 
 Đôi bạn tình nhìn nhau lần cuối. Nếu không có người họ sẽ ôm nhau.
 Tôi và Bình nhìn nhau không nói. Trái tim tôi rối nhịp. Nếu không có người tôi sẽ ôm em. 

Lập  bảo hoà bình về em gả chị Bình của em cho anh. Anh ở rể Qủang Bình đừng về Thanh anh nhé. 
 Anh thích bài thơ Qua Đèo Ngang, thằng cậu này sẽ đem anh ra biển, thoả thuê ngắm  dãy Hoành Sơn lúc bình minh soi khi đêm trăng dọi. Tha hồ nhìn núi Phượng sông Loan, lóng lánh muôn triệu ngàn sao trên trời dưới nước.
Em sẽ tập bơi cho anh,
tập chài lưói buông câu
tập lặn sâu để anh nghe tiếng ngân nga lời ca của nàng tiên cá.  

 Ngày ra Bắc, vết thương nơi chân tôi tái phát. Tôi nhăn mày nhăn mặt mồm méo đau vì xe dằn ngang xóc ngược.  
 Lập đã bỏ mình nơi chiến địa xa xăm, không biết xác đâu hồn đâu
 Tới phà Ròn
 xe dừng chuẩn bị vượt Đèo Ngang.
 Nhìn về làng Cảnh Dương,
 mối tình với chị em Lập lại làm tim tôi tái phát vết thương đau .
 Tôi không dám vào gặp Bình mặc dù dằn vặt nhớ nhung,
 mặc dù chỉ gặp nhau có chừng ấy phút
 mặc dù mới có một cái thở sâu đem hương tình người nàng vào trong lồng ngực. Chưa kịp nắm tay chưa nói một lời. Nhưng tôi chắc mười mươi rằng người ta đã thương tôi.
 Riêng tôi đã yêu thầm trộm nhớ.
Nay thắng trận trở về sao tôi lại lỗi lời thề (của riêng mình) không vào gặp nàng để nói một lời yêu.
 “ Em gửi em của em cho anh…” lời nàng còn êm ái bên tai. Bốn mươi năm rồi hôm nay tôi vẫn nhớ, như hơi thở nghe sao thương lạ thương lùng.
Tôi làm sao giữ được Lập khi mà pháo bùng pháo dập đạn bay như thế.
 - Lập ơi Lâp làm chứng cho anh Lập nhé. Anh đã gọi em bằng thằng cậu.
 Người anh cũng bằng thịt bằng xương làm sao chở che cho em được
 Chị cậu gửi cậu cho anh như một lời giao ước
 Máu thịt anh rơi còn cậu thì đạn găm vào ngực.
 Lập không về anh biết nói ra răng
 với chị Bình, anh là người bội ước.
  với người yêu của em
 anh không chuộc được lỗi lầm

Tôi có tội hay không
Ơ ơ …khúc dân ca lại da diết trong lòng
Rằng đò đầy thi đò phải sang sông.
Giừ trách nhau chi lắm cho cực lòng nhau them.
LQP


          Tác giả Lê Quang Phương (đứng) và HTS, Sài Gòn tháng 5-1975