30 tháng 9, 2016

Dưa lưới 3

Hôm nay nhằm ngày 30 tháng 8 âm lịch, ngày mai đã là ngày 1 tháng 9 âm, nhà tôi thu hoạch quả dưa lưới duy nhất đem xuống thắp hương cúng ba tôi. Vậy là tính từ khi nó nứt mắt chào đời đến nay là đúng 60 ngày. Nhìn có vẻ nhỏ thế nhưng nó chắc lắm và nặng đúng 2 kí. Theo giá bán trong siêu thị Lotte 1kg dưa lưới có giá 55 ngàn thì nó trị giá bằng 110 ngàn đồng. Lần đầu tiên trong đời trồng giống dưa nhiều dinh dưỡng nhưng năng suất rất thấp, lại khó trồng này, lại được nhõn có một quả. Đi làm về 5 giờ chiều, vợ tôi đã chuẩn bị sẵn hương hoa, tôi bày biện lễ vật rồi thắp hương khấn thỉnh ba tôi về thưởng thức xem có ngon không, coi như là chút lòng thành của vợ chồng con cái tôi với Ông Cụ.

Chẳng biết có khi nào tôi lại cao hứng mà thêm một lần trồng dưa lưới nữa không nhỉ.

Lần đầu tiên có vật phẩm tự tay tôi trồng để cúng Ông Cụ mà không phải mua từ ngòai chợ. Chắc ba tôi phải lấy làm cảm động lắm. 

Tổ ong mật trên cây mai vẫn còn

Cây cóc Thái vẫn sai trái quanh năm

Giàn đậu rồng rậm rạp xanh tươi ra nhiều hoa nhưng chưa có trái nào

Phía sau nhà tôi bên phải vừa mọc lên một khu chung cư mới đưa vô sử dụng khoảng tháng nay, dưới tầng trệt sau khi hoàn thiện sẽ là siêu thị 

Bên trái là tòa nhà kí túc xá sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm. Trường này có số lượng sinh viên đông như quân Nguyên, cỡ vài vạn. 

27 tháng 9, 2016

Trận mưa kinh hoàng

24 giờ sau trận mưa kinh hoàng chiều qua tôi mới có chút rảnh rỗi để viết mấy dòng về nó.
16h, đang làm việc trong phòng IT thì nghe mưa rào rào đổ xuống, cứ như là có một chiếc A380 đang bay qua bầu trời ngay trên đầu (ấy là tưởng tượng ra thế chứ đời tôi chưa thấy chiếc máy bay lớn nhất thế giới có hai tầng chở được một lúc 800 người này như thế nào). Tiếng mưa nghe ràn rạt như có ai ở trên trời dội xuống cả một dòng sông nước. Trần đời tôi chưa thấy có cơn mưa nào dữ dội như thế. Không lẽ có bao nhiêu nước ông trời đem dội xuống một thể cho xong kế hoạch làm mưa trong năm.
16h30 xách cặp ra về mà mắt tôi như không tin khi đứng ở tiền sảnh bỗng dưng nhìn thấy một dòng sông vốn dĩ là con đường đang cuộn chảy trước cổng trường. Kinh nghiệm sống ở Sài Gòn là ngay khi đang mưa to bạn hãy lên đường, chứ mà đợi cho ngớt mưa rồi mới về thì sẽ không còn đường về nữa. Mặc áo mưa đâu vào đấy, tôi quả quyết lội cả đôi dày da màu hạt dẻ Italia vẫn nâng niu mỗi ngày đi làm xuống dòng nước đang tuôn chảy một cách không thương tiếc. Ngay lập tức nước ngập đến bắp chân. Tôi băng qua nhà để xe bên kia dòng sông để lấy xe ra về. Giờ tan tầm, mưa xối xả, tôi cài số 2 để rẽ nước mà đi. Nhiều chỗ trên đường nước ngập sâu gần nửa mét, ống po nghe lục bục tưởng đã chết máy. Nước mưa quất vô mặt chảy ròng ròng, chảy cả vô miệng như đang có một cái ống hút tự động. Nghĩ uống nước mưa cũng tốt, tôi cứ để nó chảy tự nhiên vào miệng rồi uống thỏa thích.

Đường Trường Chinh tôi đi trong chiều qua 

Ảnh từ Internet

Chạy đến cái dốc dưới chân cầu Tham Lương thì ào một phát vô vũng nước sâu, tôi vội về số 1 tăng ga vọt lên. Hú hồn. May mà không chết máy. Qua khỏi cầu lại ào tiếp phát nữa khi rơi vào vùng trũng của chân cầu phía bên kia. Lại về số 1, lại tăng ga và lại thoát. Chạy dọc Trường Chinh thấy những nắp cống rung lên bần bật mới thấy nước lũ trên đường nhiều và mạnh như thế nào. Mới 4h30 chiều mà trời tối đen kịt như ngày tận thế đang đến; xe to xe nhỏ bật đèn sáng quắc lầm lũi chen nhau rẽ nước mà đi, không một tiếng còi, không một tiếng nói, cứ như là tất cả cùng có một sự đồng cảm vĩ đại trước cuộc giỡn chơi của ông trời. Nhiều người xe bị chết máy lầm lũi dắt đi trong dòng nước. Nhìn thật cảm động. Dù ai cũng cố đi và cố để khỏi chết máy nhưng như thường lệ, mọi người vẫn nhường nhịn nhau mà đi. Người Sài Gòn là vậy.
Khi rẽ vô con hẻm 50 trước nhà tôi cũng thấy cuồn cuộn nước như một con suối nhỏ chảy xiết trong rừng sâu. Những túi rác, nắp thùng xốp nhà ai trôi lều bều. Một cảnh tượng ít khi thấy.
Về đến nhà mà xe không bị chết máy, không té ngã, điện thoại không bị ướt, tôi thấy mình thật may mắn. Lên sân thượng kiểm tra thì thấy nước lênh láng cả tấc vì thoát không kịp. Cũng là một cảnh mà tôi chưa từng thấy. Đến gần 19h mới ngớt hẳn mưa. Vậy là hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ trời tuôn nước ào ạt xuống trần gian.
Tối lướt mạng, sáng lướt facebook, đề tài về trận mưa chiều tối qua tràn ngập với đủ kiểu miêu tả, tường thuật và những hình ảnh thê thảm của người dân thành phố. Báo thì gọi là trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay, báo khác thì nói là trận mưa lớn nhất từ sau năm 1975 đến nay; người thì gọi là trận mưa lịch sử, báo thì gọi là trận mưa khủng khiếp. Tôi gọi đó là trận mưa kinh hoàng. 
Nhiều người đã làm thơ, chế nhạc, đại loại Sài Gòn ngập quá Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi; Cả câu hát Mùa mưa trên thành phố HCM; có người nhắc lại lời ca như tiên tri từ trước năm 75 của Trịnh Công Sơn Phố bỗng là dòng sông uốn quanh trong một bài hát về Sài Gòn rất thịnh hành của ông.
Tối qua và cho đến tận sáng nay đang ngồi làm việc ở trường tôi nhận được nhiều tin nhắn của bạn bè qua điện thoại và qua FB hỏi chiều nay có sao không.
Không sao cả, đời tôi vẫn còn may chán.

Hình bổ sung:


Con hẻm phía sau nhà tôi đã hơn 25 giờ trôi qua nước vẫn chưa chịu rút (Hình chụp từ trên sân thượng nhà tôi, 17h15 chiều nay). Thế mới biết sống ở Sài Gòn không chỉ là nhà bạn như thế nào mà điều quan trọng không kém là nhà bạn ở nơi nào, có trộm cắp, đĩ điếm, xì ke ma túy không, và có ở trong vùng bị ngập lụt và triều cường không.

  

        

26 tháng 9, 2016

Sự bất hạnh của người nổi tiếng

Rất đông người đến gặp ứng cử viên Tổng thống Hillary chỉ để... quay lưng lại và chụp ảnh "tự sướng" chứ không phải để nghe bà phát biểu. Phong trào người người selfie đã trở thành thảm họa của nhân loại. Và đó chính là sự bất hạnh của của người nổi tiếng.

Ảnh từ Inter net

Tôi đã như không tin vào mắt mình khi xem tấm ảnh này. Tôi không hiểu là điều gì đang xảy ra. Phải mất mấy phút sau tôi mới hiểu ra nó.

24 tháng 9, 2016

Dưa lưới 2

Quả dưa lưới độc nhất vô nhị của nhà tôi đã có... lưới. Không tính công chăm bón suốt 2 tháng trời, riêng tiền giống và phân cũng hết gần 100 ngàn đồng. Số tiền đó có thể mua được 1 quả to như thế trong siêu thị với thời gian không đầy... một nốt nhạc.
Vấn đề đặt ra là không biết bao giờ thì nó chín để thu hoạch. Dưa lưới chưa chín, ngay cả khi còn non ăn vẫn rất thơm ngon và ngọt. Vì thế trong bữa ăn trưa nay, cả nhà tôi thống nhất là thứ bảy tuần tới (7 ngày nữa) sẽ thu hoạch, chứ không lỡ nó chín rồi mà không hái xuống ăn thì sẽ bị hư rất uổng.

Lưới rất rõ nhé, vì thế mà gọi là dưa lưới

Tổ ong trên cây mai vẫn ổn định và phát triển (như nạn tham nhũng của chế độ ta) chắc chắn sẽ có mật. Nhớ hôm bữa xảy ra trận mưa to gió lớn làm ngập cả sân bay TSN, tôi ở trường về thấy gió quật đổ nghiêng cả chậu mai nhưng chúng nó vẫn kiên cường bám trụ, có lẽ vì chúng cũng khó mà kiếm ra chỗ neo đậu nào yên ổn hơn giữa đất trời SG này ngoài cây mai trên sân thượng nhà tôi.

Từ ngày có bọn ong mật đến cư trú, cây cóc Thái sai trái hẳn lên nhờ được thụ phấn đầy đủ, riêng bọn chim sẻ hay bươi cào phá phách thì vắng hẳn  



23 tháng 9, 2016

Phim Tây Sơn hào kiệt: Bài ca về lòng yêu nước và tự hào dân tộc

Đã có những bài báo phê bình, chê bai với những lời lẽ ít thiện cảm về bộ phim Tây Sơn hào kiệt. Nhưng xét trên nhiều mặt, bộ phim Tây Sơn hào kiệt đã làm thỏa mãn người xem khi dựng lại một trong những trang sử chống ngoại xâm hào hùng nhất của dân tộc ta.
Các ý kiến phê phán chủ yếu tập trung vào cảnh chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn hạ đồn Ngọc Hồi – Đống Đa kém cỏi, phục trang quá mới, các nhân vật đủ cả ba miền Trung Nam Bắc nhưng toàn nói giọng Sài Gòn; khung cảnh triều đình nhà Lê ở Hà Nội lại lộ rõ những dấu vết của khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương…. Những lỗi như đã kể là có và đúng. Tuy nhiên cần thấy rằng, trước khi có những sản phẩm tốt, những sản phẩm đầu tiên bao giờ cũng chịu nhiều khiếm khuyết do chủ quan và khách quan. Vì thế, Tây Sơn hào kiệt nên được đánh giá trong cái nhìn toàn cục và lượng thứ hơn.

Một cảnh huấn luyện thủy binh của quân Tây Sơn trong phim “Tây Sơn hào kiệt”. (Ảnh: Văn Lưu)

Tôi vẫn chưa quên không khí vui sướng, hào sảng của khán giả dự suất chiếu đầu tiên của bộ phim này tại rạp 31-3 TP Quy Nhơn tối ngày 30.4. Mới 19 giờ, khán giả đã ngồi kín rạp háo hức chờ xem. Khi phim chiếu, khán giả, nhất là lớp thanh niên, thiếu niên đã ồ lên thích thú trước các màn luyện quân, duyệt quân với những đại cảnh hoành tráng. Họ cũng đã ồ lên sung sướng và mãn nguyện khi quân ta chiến thắng như thế chẻ tre, ào vào chiếm đồn giặc; còn quân nhà Thanh thì từ chỗ ỉ thế quân đông mạnh, khinh thường quân ta đến chỗ bạc nhược tháo chạy không mảnh giáp che thân.
Phải nói là lâu lắm tôi mới thấy lại một không khí xem phim chiến đấu sôi động và thích thú như thế. Không khí ấy chính là hiệu ứng tích cực được tạo ra từ những nỗ lực cộng với sự đầu tư kinh phí vô cùng lớn của nhà sản xuất, cũng như của dàn diễn viên. Tây Sơn hào kiệt không thiếu những khuôn hình đẹp. Dòng sông Côn lặng lờ hiền hòa uốn khúc với những bờ bãi phù sa, những cây cầu quen thuộc; chân núi Bân với những buổi Hoàng đế Quang Trung đích thân luyện quân; khu du lịch Hầm Hô trở thành khung cảnh thơ mộng và lãng mạn chứng kiến cho mối tình trai anh hùng gái thuyền quyên của Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân… Tất cả đã làm nên một bản anh hùng ca tuyệt vời về lòng yêu nước và tự hào dân tộc của người Việt Nam nói chung và người dân Bình Định nói riêng.
Dù còn những hạn chế như đã có người phê phán ở trên, nhưng nếu đặt trong bối cảnh khi mà suốt hàng chục năm nay, dòng phim lịch sử Trung Quốc đang được chiếu tràn lan trên màn ảnh truyền hình cả nước từ đài trung ương đến tất cả các đài địa phương, khiến người xem nước ta, nhất là lớp trẻ thanh niên, thiếu niên thuộc làu cả lịch sử các triều đại phong kiến Trung Hoa; trong đó, có không ít triều đại đã mang quân xâm lược, gieo rắc tội ác lên đất nước ta, thì mới càng thấy quý trọng hơn tấm lòng của những người làm phim.


20 tháng 9, 2016

Hoan hô Rasul

Tôi không bao giờ quên lời của nhà thơ  xứ  Daghextan  Rasul Gamzatov trong tác phẩm quen thuộc Daghextan của tôi do Bằng Việt dịch đã lâu rồi: Rasul làm nhà ở trên núi cao để biết rằng ai là người bạn chân tình của ông. Bởi chỉ có bạn bè thực  sự mới cất công trèo vượt núi cao đến với ông, chứ nếu mà nhà ở phố thị gần nhà ga bến tàu sân bay tiện đường tiện sá thì ai mà chả đến được, cứ gì là bạn bè.
Thật sâu sắc.
Càng sống tôi càng thấy có những người bạn thực thụ tìm đến với mình và đáp lại tôi cũng luôn tìm đến với họ. Bạn bè đã  quí nhau thì  kể chi đường sá xa xôi.
Đã là bạn bè, có khi cả năm không gọi cho nhau cú điện thoại nào nhưng vẫn là bạn bè. 

Gặp bạn ở Hậu Lộc, Thanh Hóa, 4 - 2015. Trái sang: Nguyễn Quang Phát, Nguyễn Trung Ngọc, Hà Tùng Sơn, Hoàng Mạnh Truật, Lê Đăng Sơn (ảnh: Lê Quang Phương)

Đã là bạn bè, có khi cả 10 năm không gặp mặt nhau nhưng vẫn là bạn bè. 

Nói không ngoa chứ với những ai quí trọng tình bạn bè, có khi coi bạn bè như ruột thịt, gần nhau cảm động, xa nhau thì nhớ. Có ông cả năm chẳng đụng đến cái chổi quét nhà xem đó là việc thuộc về vợ con nhưng khi nghe tin bạn thân sắp đến chơi nhà thì bỗng dưng siêng hẳn lên, tự tay lau dọn phòng ốc để đón bạn. Vợ con cháu chắt cứ mắt tròn mắt dẹt đứng nhìn.
Bạn bè chỉ đơn giản là như thế. 


Không phải là bạn bè thì dù có ngồi làm việc cạnh nhau hàng ngày, vẫn không là bạn bè.  

Người xưa nói: Bần cư trung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm là có ý khác. Không phải là nói về tình bằng hữu. 

Có người luôn xưng tụng với nhau là bạn bè nhưng nghe nói nhà bạn ở xa lắm thì buông ngay xa thế cơ à, ngại lắm mình ko đến được đâu. 

Một phép thử kiểu Rasul rất hiệu quả.

Tôi có anh bạn nhà ở Gò Vấp nơi mà đa số dân nhập cư thường xem là  nơi dễ sống  khi định cư SG. Nhà hẻm ngoằn ngoèo khó nhớ khó tìm khó đi nên mỗi lần thấy bạn bè lặn lội tìm đến sau hàng chục cú điện thoại hỏi đường thì mắt anh cứ rơm rớm. Bạn đây là bạn thiệt không dỏm chút nào. Và anh cũng vậy, chỉ cần nhấc máy báo mình đang ở chỗ này chỗ kia thì dù phải đi xuyên từ đông sang tây Tp anh cũng hô to tao đến ngay.  Rồi xách xe đi như không.
Đúng là bạn thứ thiệt rồi.
Nhà tôi không ở Gò Vấp nhưng cũng cách dinh Độc Lập cả chục cây số. Nhờ đó cũng đã biết được giá trị của sự xa ngái ấy.
Hoan hô sáng kiến của Rasul.   


11 tháng 9, 2016

Trên giá sách của tôi

Tháng trước đi chu du từ Hà Nội về Thanh Hóa, Vinh tôi được bạn bè tặng mấy cuốn sách qúi.
Đến Vinh được chị Liên (GS. TS. Đỗ Thị Kim Liên) tặng cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam trong hành chức (Trên tư liệu truyện ngắn và tiểu thuyết) của nhiều tác giả quen biết với tôi hiện là giảng viên Khoa Văn ĐH Vinh do chị là chủ biên. Cuốn Từ điển in bìa cứng sang trọng, dày 820 trang, NXB Khoa học Xã hội, 2015. Đây là một cuốn sách công cụ dùng để tra cứu mà tôi rất thích.

Là một cuốn sách công cụ dùng để tra cứu mà tôi rất thích.

Với lời đề tặng thân tình

Trước đó ở Thanh Hóa, bạn đồng đội C20 F341 Lê Ngọc Sáng, cựu giảng viên Khoa Hóa ĐHSP Huế tặng tập thơ thiếu nhi mới xuất bản của Sáng Tia nắng tuổi thơ, NXB Hội nhà văn, 2015. Sáng dạy khoa hóa nhưng rất mê và hay sáng tác văn thơ. Hầu như lần nào ghé Thanh Hóa gặp nhau Sáng cũng có sách mới tặng tôi. Còn viết lách, lại còn bỏ tiền túi ra tự in lấy, Lê Ngọc Sáng còn tin yêu cuộc đời này lắm.

Lần nào gặp Lê Ngọc Sáng

Cũng được tặng thơ mới in

Từ Ba Đồn Quảng Bình, Nguyễn Xuân Sùng gửi tặng tôi cuốn tạp chí Linh Giang của Chi hội VHNT Quảng Trạch. Cuốn tạp chí Linh Giang này rất quí, vì mỗi năm chỉ xuất bản một số vào dịp Tết nguyên đán do không có tiền. Nếu có tiền mỗi tháng ông Chi hội trưởng Nguyễn Xuân Sùng hẳn sẽ cho ra đời một số vì phong trào sáng tác thơ ở Ba Đồn rất sôi nổi, nhất là của các nhà giáo về hưu rất nhàn rỗi như Nguyễn Xuân Sùng. Số tạp chí Linh Giang này có in bài viết của tôi về cuốn truyện kí Chắp nối Trường Sơn của Nguyễn Xuân Sùng với nhan đề Chắp nối Trường Sơn và món nợ tâm hồn người lính. Bài này tôi quảng canh hơi bị nhiều bởi ít ra đã chính thức in ở ba nơi là báo Quảng Bình, tập san ĐH Vinh và bây giờ là trên Linh Giang của Quảng Trạch. Quảng canh nhưng chỉ có một lần tôi nhận được 500 ngàn nhuận bút từ báo QB nên cũng chẳng có gì mà phải xấu hổ, chỉ thấy vui.    

Cái bìa được nhưng góp ý với bạn Sùng là Tết này nếu có tiền in số mới thì nên đưa "mừng Xuân" lên trước "mừng đảng" cho đỡ vô duyên. Sản phẩm của Chi hội VHNT Quảng Trạch mỗi năm chỉ ra một số vào dịp Tết ...

...Nên đặc biệt quí hiếm
   

4 tháng 9, 2016

Dinh Độc Lập ngày 2/9

Có cô em gái ngoài quê vô chơi (tôi có 6 cô em gái cô này thứ 4 tính từ tôi là anh cả). Như thường lệ có bạn bè thân thích ở đâu đến Sài Gòn mà muốn tham quan Dinh Độc Lập thì tôi đều làm hướng dẫn viên rất nhiệt tình bởi đó là nơi mà tôi đã đặt chân đến vào chiều 30/4/1975. Hồi mạ tôi vô chơi Sài Gòn, tôi cũng đã đưa cụ lên đây tham quan, chụp và in cho cụ một bộ ảnh. Cụ quí lắm, thỉnh thoảng lại lấy ra xem.
Vừa làm hướng dẫn viên tham quan vừa ôn lại kỉ niệm xưa, vì thế mà tôi cũng thích lên đây chơi. Chứ không như nơi khác (chẳng hạn như lăng HCM, tôi chỉ đến một lần từ hồi còn SV năm thứ 4 cho biết, không đến lần thứ 2). Làm hướng dẫn viên nhiều lần quá nên tôi không nhớ là mình đã đặt chân đến Dinh Độc Lập bao nhiêu lần, chỉ biết là tôi sẽ còn nhiều dịp đưa bạn bè người thân đến đây tham quan nữa.
Từ nhà tôi lên Dinh gần 10km. Sáng ngày nghỉ lễ QK 2/9 nên đường sá rộng thênh thang, đi sướng.

Tham quan theo trình tự từ ngoài vào trong, từ phải sang trái.

Chiếc xe tăng số hiệu 843 được cho là chiếc thứ 2 vào Dinh trưa 30/41975

Chiếc 390 này vào Dinh trước nhưng bị kẹt cánh cổng sắt dưới bánh nên chiếc kia chạy vô sân trước. Nó dừng lại bắn 2 phát nhưng may thay đạn lép không nổ. Nếu nó nổ thì tình hình không biết sẽ như thế nào.

Chiếc F5E đươc cho là do phi công Nguyễn Thành Trung lái đã dội bom xuống Dinh ngày 8/4/1975

 Phòng tiếp khách của Tổng thống Thiệu 


Phòng Khánh tiết Phủ Tổng thống

Nhà bếp Phủ Tổng thống

Hồi đó nó đã xài ga để nấu ăn cho cái nhà bếp vĩ đại này. Nhà tôi đến năm 1996 mới có bếp ga

Chiếc Mercedes mang biển số đăng kí 9 nút 13-78 của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu 

Xe jeep của Phủ Tổng thống mang biển đăng kí Quân lực VNCH 15770, gần như còn mới nguyên

Một chiếc xe cổ 4 chỗ do Đức sản xuất từ trước 1975 đỗ trong sân Dinh

Cô em này nhỏ hơn tôi 10 tuổi

Trên sân thượng Dinh, sau lưng tôi nhìn xuống là đường Lê Duẩn chạy thẳng đến cổng Sở Thú (Thảo Cầm Viên). Cổng Phủ Tổng thống - Dinh Độc Lập và cổng Sở thú đối diện nhau ở hai đầu một con đường, kể cũng lạ. 

Quanh Hồ Gươm


14/8/2016, với chú Ngọc