29 tháng 12, 2015

Bạn tôi

                               Hoàng Đình Bường

                                             Tặng Nguyễn Xuân Sùng

Cũng mấy chục năm hiệu phó
Lắt lay một thuở chiến trường
Bây giờ hai thằng ngồi đó
Chén trà soi mái tóc sương.
Văn chương nhì nhằng khuây khỏa
Mong chi "nhà" nọ "nhà" kia
Cái thời tiền đè ngọn cỏ
Cổ. Tích xưa cứ vọng về
Đời giao khai tâm mở trí
Bao người nhớ kẻ trồng cây
Không ít người thành ma quỷ
Qua cầu...tình tình gió bay
Trên bàn giấy ơi là giấy
Người ơi là người hỡi người
Chữ nghĩa văn chương được mấy
Ta cười ta cứ trồng cây.

Hậu tháng 11/2015
HĐB

Nguyễn Xuân Sùng (thứ 2 trái sang) cùng đồng đội thăm di tích chiến tranh đường 9 Quảng Trị. 12-2015 
Nguồn: Facebook Nguyễn Xuân Sùng
Top of Form
Bottom of Form


27 tháng 12, 2015

Vòng quanh múa lộn (5)

Triền miên tiểu thuyết của Lê Quang Phương

Chương V: MÚA LỘN NƠI THÔN CÙNG 

 - Thưa nhân dân, trưởng thôn Hoàng Lộc Hầy nói, bây giờ có lẽ đã đến 15 giờ kém 15, ta họp thôi. Thưa nhân dân có lẽ mọi người đi chậm. Bây giờ đã 15 giờ (lại co tay nhìn đồng hồ) kém 15, chiều, sắp hết buổi chiều. Thưa nhân dân, thôn ta có một ngàn hai nhân khẩu. Bảy trăm bảy cử tri. Bây chừ, ta có mặt một hai ba bốn năm sáu bảy tám, tôi là chín, ông Hích là mười, Bạo mười một, Hồng, Hồng mười ba. Bí thư mười bốn.  Phụ nữ (hội) mười lăm . Da cam(hội) chưa đến nhưng chắc đến, đó vừa nói đến là đến, vô đi mười sáu. Mặt trận mười bảy, chị Minh vô đi, con Minh nữa hai tám. Nông dân(hội) chưa đến, ta tạm tính ba mươi, cựu chiến binh ba mốt. Quân dân số đi tạm ổn. Tốt. Các cụ bốn hai. Báo cáo cuộc họp đông đủ đại diện nhân dân, dân chủ đảm bảo, đại diện các ban ngành hội đoàn thể đảm bảo… Cuộc họp hôm nay bàn nhiều việc to lớn quan trọng. Tôi đã bắc loa gọi mãi nhân dân đi họp. Thay mặt ban thôn tôi bắt đầu họp. Tôi trưởng thôn xin chủ tọa và giới thiệu đồng chí Thụng (định nói Thụng Kều nhưng thôi) bí thư thôn lên phát biểu ý kiến lãnh chỉ đạo của trên theo tinh thần đã quán triệt nhất trí và cho phép của hội đồng quyết liệt và quyết liêt.
  - Thưa nhân dân, thưa các cụ, có lẽ bây chừ ta họp vì đã bốn giờ mười lăm. Bí thư Thụng sau mấy lần rít thuốc lào và đằng hắng dọn giọng bắt đầu lên tiếng.
   - Đã thưa nhân dân rồi lại còn thưa các cụ. Trưởng thôn Hầy nhắc bí thư Thụng.   
   - Thưa thế là đúng chứ răng không. Bí thư Thụng quay lại phản biện đồng chí trưởng thôn rồi lớn giọng: Tôi vẫn thưa các cụ. Vì như lời đồng chí Hích trưởng làng đã nói chúc mừng các cụ trong bài thơ báo liếp ở đình ta:” Kính già đa thọ đa dâm”. Vầy thưa các cụ. Thưa nhân dân. Tôi được sự cho phép của hội đồng đảng ủy xã quán triệt tinh thần bầu cử các chức danh nhiệm kỳ mới trong cơ cấu nhân sự đợt này. Nhân dân ta, các cụ ta, cùng các đoàn thể chúng ta lắng tai nghe, trật tự nghe để quán triệt rồi thảo luận rồi giới thiệu .
 - Ô tời tời lại bầu với bán. Có tiếng người dân nào đấy nói ngang.
 - Tôi lại nhắc đồng chí bí thư thêm một lần nữa là không phải “kính già đa thọ đa dâm” mô. Nhắc mãi đính chính mãi trong cuộc họp người cao tuổi rồi.
   Ông Chủ tịch hội người cao tuổi vội vã nhắc nhở đồng chí Thụng. Ông vốn là bí thư đảng ủy xã Xuân Nồng này từ thời bắn may bay Mỹ. Ông chả có văn hóa lớp mấy cả, vì ông bà cha mẹ là bần cố nông cộng với tinh thần làm bèo hoa dâu không sợ rét mướt nên ông được kết nạp. Ông đi dân công đắp đê, mỗi gánh cả tạ đất chả thua gì mấy chị dân quân xóm vác cả hai hòm đạn dính nhau. Hồi thanh niên ông khỏe lắm. Mần chi cũng phăng phăng không quản, không thèm suy nghĩ. Dốn Mím là tên của ông. Dốn là tên cha mẹ đặt cho. Mím là tên bon thanh niên thanh nữ gán cho. Mồm thằng Dốn cứ mím môi lại mỗi khi hắn làm việc nặng. Việc càng nặng hắn càng mím chặt môi. Ai quát hắn hẵn cũng mím môi cấm cãi lấy một lời. Cứ cấp trên bảo làm là mím môi cắn lưỡi lấy mà làm, làm bằng được, làm bằng chết. Việc càng nặng càng khó càng mím chặt môi. Từ tổ trưởng bèo hoa dâu hoặc tổ trưởng tổ vớt rong vớt bèo tây ở ao cồn làm phân xanh đến anh thư ký đội đều là cấp trên của Dốn Mím. Đều quát tháo và sai vặt được Dốn Mín. Thanh niên có tí đầu óc sáng dạ lần lượt ra đi trong những ngày vui sao từng đoàn ra trận. Dốn Mím mần việc chi cũng khỏe đấy nhưng không hiểu tại sao lại yếu tim và huyết áp cao nên lần nào khám cũng trượt bộ đội. Ở lại hậu phương Dốn Mím phấn đấu chăm chỉ, ngoan ngoãn vâng lời, rồi được làm bí thư xã đoàn rồi bí thư đảng ủy xã vì nhiều thành tích. Thành tích quan trọng nhất là bắt trói lợn trong làng xã. Không đủ sức khỏe đi bộ đội nhưng Dốn thừa sức lực trói lợn vật trâu. Một tay nắm đuôi kéo, một tay bắt cẳng, một cú huỵch là con lợn to mấy thì to cũng bị Dốn vật ngữa ngon ơ. Rồi một mình kéo lên xe cải tiến, một mình đẩy cả non tấn lợn lên nhà thực phẩm huyện. Dốn Mím tuy yếu tim nhưng mổ lợn nhanh lại sạch. Cái đẹp nhất của đồng chí Dốn Mín, được cán bộ các cấp thôn làng, xã huyện ngợi khen là động tác một mình chọc tiết lợn. Một lát cắt ngọt nhẹ nhàng ngang cổ. Một cú đâm thọc dao nhọn vào đứt cuông tim. Máu lợn tuôn xối xả đầy chậu. Không anh dũng giết giặc đổ máu ngoài chiến địa thì anh hùng chọc tiết lợn nơi hậu phương. Làm thịt lợn nhanh mà sạch, phay ra cân chia theo phiếu thực phẩm. Trước hết là cho các đồng chí cán bộ huyện. Sau đó là mới đến nhân viên các cấp. Nếu có giáo viên đến chìa phiếu ra đòi mua thịt thì Dốn kêu là thịt hết mặc dù còn. Đồng chí Dốn ghét nhất là người chó học. Cái lũ có học lắm lý sự không lọt được lỗ tai của đồng chí Dốn mù chữ. Tuy vậy từ ngày gánh vác trọng trách bí thư đảng ủy xã trong thời chiến tranh, đồng chí đã quyết tâm nâng trình độ toàn diện của mình lên để đáp ứng yêu cầu. Bắt đầu là việc tập cầm bút học chữ kí “Trịnh Dốn”.
 Bên cạnh thành tích mổ và chọc tiết lợn nhanh sạch đẹp được tỉnh đoàn khen tặng bằng khen danh hiệu “Đạt nhiều thành tích trong lao động sáng tạo nơi hậu phương” lúc còn đang làm bí thư xã đoàn, Dốn còn có thành tích đặc biệt khác. Dốn coi đó là thành tích. nhưng không kê khai để nhận bằng khen lúc làm bí thư đoàn hay bí thư xã ủy. Đó là việc đêm đêm đi giúp đỡ các vợ bộ đội, động viên các vợ liệt sĩ bỏ mình vì nước.
 Thằng bí thư Dốn Mím bị anh em cha mẹ các đồng chí bộ đội đang sống hoặc đã chết ngoài chiến trường ngày ấy khinh thường lắm, căm ghét lắm. Ghét như xúc cứt đổ đi, nhưng cứ thấy hắn lại tươi cười, chào thưa, bẩm hỏi. Ngày nay cứ gặp người đàn ông nào là con các bà vợ liệt sĩ trong xã, vợ bộ đội, có động tác mím môi mím lợi thì đích thực là đứa con rơi của cụ cựu bí thư Dốn Mím rồi. Chả cần xét nghiệm ADN cho tốn tiền.  Lũ này chả thèm nhận cụ làm cha mần chi cho rách việc. Chúng là lũ con liệt sĩ giả cầy. Số này nhiều cỡ mấy chục, có ở cả ba làng. Còn nguyên bí thư xã ủy Dốn Mím cũng chả dại gì mà  nhận đám con rơi con vãi ấy. Nhận rồi để chúng đòi chia tài sản đất đai, rồi đánh nhau, rồi chí chóe, ai mà chịu được. Dốn Mím được những người vui tính ở làng Chân Mây ví như con ruồi đực cưỡi lên lưng con ruồi cái, nhấp đít mội cú rồi bay đi, có cần biết đến con cháu ra sao. 
 - Không đa dâm mà là đa tâm. Đa tâm đồng chí nhớ chưa. Cụ Dốn đang sang sảng giảng giải cho đồng chí bí thư chi bộ thôn. Câu lạc bộ thơ làng ta và câu lạc bộ liên thế hệ xã mình đã sinh hoạt thơ, bình thơ, có giấy mời mà đồng chí vắng mặt. Bữa đó đã bỏ phiếu đi đến thống nhất đính chính đa dâm thành đa tâm, đồng chí không biết nên vẫn đọc đa dâm. Kết quả bỏ phiếu 41% là đa tâm, 22% là đa đâm, riêng tà dâm là ít phiếu nhất chỉ có 7%. Còn lại là mấy phần trăm đó giữ nguyên câu các cụ đa thọ đa dâm. Cái anh đa tâm phiếu cao nhất nên biểu quyết câu thơ đó là đa tâm. Đây là việc rất rất chi là  hệ trọng, vì nếu nói các cụ đa dâm là không làm gương cha mẹ mẫu mực con cháu hiếu thảo được. Bọn thanh niên nó lại thắc mắc. Xã ta lại đang nhức buốt chuyện nhà nghỉ Tuyết Vân sao mà lắm đôi vào làm việc. Rồi  làng văn hóa ta tháng tháng lại xảy ra chuyện hiếp dâm…   
 Cụ Dốn nguyên bí thư xã ủy bây giờ không đa dâm là đúng rồi. Cụ đã ngoài tám mươi, còn chi nữa mà dâm với dật. Cụ nói năng còn lưu loát nhưng người hom hem còm nhom. Hàm răng giả trắng hơn hớn, môi mim mím thật tội nghiệp, chân run tay lẩy bẩy ngó mà thương, chắc cũng sắp chết rồi nên cái thời làm bí thư có bao nhiêu tội lỗi với dân làng Chân Mây và cả xã Xuân Nồng (vốn có trái tim con người) cho qua hết. Hòa bình rồi mà. Riêng cái tội đoạt tình vợ liết sĩ và vợ bộ đội rồi vãi con ra mà không nhận để con cùng cha khác mẹ chúng lại lấy nhau, rồi cháu của chúng lại cưỡng hiếp nhau, làm thui chột giống nòi thì tổ tiên nhà nguyên bí thư Trịnh Dốn không tha thứ được.
       Không phải trăm phần trăm vợ liệt sĩ và vợ bộ đội thời đó im lặng để cho đồng chí bí thư  xã ủy Dốn Mím vào buồng. Có đêm Dốn bí thư đi tuần tới gõ cửa chị Hào (mới làm lễ truy điệu chồng được năm ngày). Chị Hào chìa cái liềm ra dọa “Cái thằng Dốn Mím chó dái ni, mi mà bước qua nghạch cửa nhà tau là tau móc mắt ném cho chó đớp”. Rồi bà la to “ Trộm trôm trộm, ối dân quân du kích ơi trôm trôm trộm”. Bí thư xã thật bất ngờ, vì đã là bí thư xã rồi thì muốn con mẹ mô mà chả được. Không ngờ cái con mẹ Hào vắng chồng lâu rồi. Lại mới truy điệu chồng mà còn mần ta đây ta đó. Bí thư xã phải vội vàng tụt dép, tay ôm cặp da, tay xách dép, chạy chạy chạy, rồi lanh lẹn đầm mình xuống ao Cồn. Dân quân du kích làng xóm nghe tiếng hô kéo nhau ra bắt trộm. May mà ao Cồn ngày ấy lắm năn nhiều lác xen với sen đang độ lá tốt hoa tươi, là nơi ẩn náu an toàn của tên trộm. Có may mà lại không may. Ao Cồn có sen có súng lại còn có cả những đám cây ấu dày đặc gai củ ấu. Cá còn sợ gai củ ấu huống hồ da thịt thằng Dốn. Vô phúc tiểu đức cho thằng trộm lúc lên bờ lại đi lạc qua đám gai ấu. Củ ấu được bữa đâm gai cho thấu xương buốt óc thằng trộm. Củ ấu nổi lềnh bềnh những gai là gai đâm từ cổ lên cằm lên cái môi mím của Dốn Mím đang bậm mồm mím môi. Củ ấu gai nổi lờ đờ đâm từ cổ xuống dái thằng trộm. Củ ấu gai xanh đen chìm trong bùn non đâm từ dái thằng Dốn Mín xuống đầu gối hắn. Củ ấu lâu năm đen bóng gai nhọn hoắt như gai cây bồ kết chìm trong bùn sâu cứ nhè chân thằng trộm tình mà cắm vào rồi gãy ra để lại đầu nhọn đen tẩm bùn độc đáy ao vào da thịt bí thư Dốn Mín. 
 Gần sáng Dốn Mím mới mò về được đến nhà. Hắn cởi trần ra, súng lục của hắn cũng bị gai củ ấu đâm đang đỏ tía và sưng lên vắt vẻo hai bên đùi. Đặc biệt là bao súng bằng da người thật của hắn là bị gai ấu hỏi thăm nhiều hơn. Dốn Mím nằm tô hô trên giường, tất nhiên là mím môi bặm miệng, không hé ra kêu la đau đớn lấy nửa lời. Vợ hắn phải dùng nhíp nhổ râu của bố chồng nhổ từng đầu cái gai ấu ra khỏi da thịt đàn ông mà trắng hều của hắn.
 Sau này Dốn được huyện biểu dương vì thành tích lùa nhưng không bắt được bọn hàng chài dưới sông Chu đêm đêm lên ăn trộm cá ao Cồn. Cá ao Cồn là nguồn phân phối cá cho cán bộ huyện khi tết đến.
 Bây giờ cụ Dốn nguyên bí thư Đảng Ủy xã giai đoạn 1965 đến 1976 đã về hưởng lương hưu địa phương và hưởng thêm trợ cấp người có công (là thương binh loại 4, tỉ lệ thương tật 39% -Không ai biết củ ấu đâm mà thương tích như đạn bom vậy).
 - Thưa các cụ cùng với hôi nghị. Tôi đồng ý với cụ Dốn là các cụ đa tâm. Theo nghị quyết hội đồng hôm nay ông Hầy trưởng thôn sẽ (đã) quán triệt. Bí thư Thụng nhường lời cho cụ Dốn từ lúc tới giờ nay lại lên tiếng.
 - Đồng chí bí thư quán triệt chứ tôi chỉ tập hợp thôn thôi. Hầy trưởng thôn nói.
 - Tôi đang quán triệt đây. Đồng chí Hầy lại đùn đẩy trách nhiệm cho tôi rồi. Tôi đại diện cho Đảng thôn lãnh chỉ đạo đạo đường lối. Đồng chí đại diện cho chính quyền thôn thực hiện. Việc bỏ phiếu lần này vô cùng quan trọng bầu ra những người tài đức để lãnh đạo thôn làng ta đạt danh hiệu về nông thôn kiểu mẫu mới. Theo tinh thần càng về nông thôn mới càng sớm càng tốt, mức thưởng càng cao.
 - Lại bầu bán, viền thôi.
  Có tiếng thì thào truyền tai nhau ở hàng ghế bên dưới, nơi dân thường hay ngồi. Cán bộ thôn xã ngồi hàng ghế trên không nghe được dân đang rủ nhau đi về khi nghe đến chuyện bầu cử. Bí thư Thụng thì đăm đăm đọc tài liệu hướng dẫn. Trưởng thôn Hầy thì chăm chú đối chiếu xem Thụng đọc sai chỗ nào để kịp thời bắt bẻ. Một đồng chí cúi mặt xuống ê a ề à đọc rặn ra từng chữ, một đồng chí chực chờ theo sát từng lời để bắt lỗi, chả ai nhìn hội nghị. Khi cả hai đồng chí đọc xong ngửng đầu lên thì thấy chỉ còn các đồng chí lãnh đạo đoàn thể, dân đâu chả thấy.
  Chuyện họp dân mà chả có dân chỉ toàn là cán bộ là việc thường xuyên nơi làng xóm. Nó quen đi rồi chả việc chi mà phải bận lòng. Cứ thế mà tạc vào biên bản báo cáo lên trên là đã được thông qua nhân dân và nhân dân đồng thuận một trăm phần trăm. Anh dân nào có ý kiến lại, rằng thì là ai bảo chúng bay không đi họp, ai bảo đang họp lại về. Có mấy đứa ngồi họp thì không mở mồm mở miệng ra nói lấy nửa lời. Cứ gật gù đồng ý. Choa làm mất dân chủ của bay hay là bay chả thèm vào cái dân chủ của bay.
 Trong cuộc sinh hoạt câu lạc bộ thương bệnh binh thôn Tứ, đồng đội cật vấn chủ nhiệm câu lạc bộ (cũng chính là Thụng bí thư thôn kiêm luôn) rằng:
  - Tại sao đồng đội mày lại làm mất quyền dân chủ của dân xóm đi. Bọn tao hỏi thật đồng đội, quân dự án xây dựng nông thôn mới đó hắn cho đồng đội được mấy trăm mấy triệu mà nhà văn hóa đang có đó đập đi, bán đất cho nhà hàng Tình yêu và sự kiện. Rồi nhà hàng Tình yêu sự kiện đó lại là nhà thầu đứng ra nhận thầu xây nhà văn hóa thôn lợp tôn tỉ bày, xa trung tâm xóm, chưa bàn giao xong đã nứt tường nứt móng.
 - Căng thẳng làm chi, làm quan thì phải chấm mút. Mẻ không ăn mẻ chết. Một đồng đội khác lên tiếng, rồi nhiều người vào cuộc đấu khẩu.
 - Nói thế mà nghe được à! Ăn nơi khác chứ đừng ăn quẩn dân đen hàng xóm!
 - Ăn bẩn nơi mô cũng là ăn bẩn.
 - Các ông cứ làm như thời xưa, bao giờ trở lại thời xưa.
 - Dân thì gian quan thì tham.
 - Dân không gian thì sống sao được.
 - Cán bộ thôn được mấy đồng mà bảo hắn không moi móc tiền dân. Không moi móc ăn bẩn tiền dân thì bốc đất mà ăn à.  
 - Tau nói cho các đồng đội biết. Không dễ mà mua được thằng này đâu nhớ. Hắn cũng mời tau đi ăn sáng mấy bữa thì tau đi. Thụng lên tiếng trả lời đồng đội. Gọi bỏng cổ dát họng, dân được mấy đứa đi họp. Bay đi xây mỗi ngày trăm rưởi, biểu bay đi họp bay lẫn như chạch. Mình tao chống chế với bọn xã chống mần răng được. Quân xã bảo nghị quyết hội đồng rồi phải chấp hành. Ý thức tổ chức kỷ luật đảng của đồng chí đâu. Đồng đội bay chỉ nói cái mồm có thằng mô đi họp, có thằng đi họp thì  ngậm mồm như hến. Tau với đồng đội bay có được đứa mô biết chi đến luật này luật nọ, có mấy đứa ngồi đây là đảng viên, kể cả tau đây là bí thư thôn mà có nhớ chi điều lệ với nghị nghị quyết nên phải tin tưởng đảng ủy với hội đồng mà làm theo. Trên đó hắn có tư pháp với văn phòng Đảng ủy, chắc là hắn đúng cả.  
 - Thôi thôi, miễn bàn chuyện chính chị chính em, dân chủ dân chọt chi ở đây. Ta bàn chuyện câu lạc bộ coi có góp được liên hoan ăn bữa thịt chó không. Coi quỹ được mấy để tính đi du lịch
- Tao làm bí thư được triệu lẻ bạc nhưng tao đéo thèm tham ô như  những thằng khác lắm bạc nhiều tiền.
 - Thôi đi đồng đội Thụng. bọn tao biết kiếm được thằng bí thư thôn như mi chừ hiếm lắm. Bọn xã cũng chả muốn mi làm bí thư mô. Nhiệm kì sau đấm vô mà mần nữa.
 - Các ông dốt ngu tăm tối lắm. Cái thằng Thụng còn tí máu người tử tế phải bầu cho hắn làm bí thư thôn. Cái thằng Phập mà làm bí thư thôn ni coi, liệu đó mà đóng ghóp. 
  Bí thư Thụng người gầy nhẵng nên đã cao lại càng cao. Làm bí thư phải gương mẫu. Muốn gương mẫu phải có cái để mà gương mẫu. Người muốn làm bí thư thôn nhưng không được làm, vì không đầu tư, không gương mẫu xông pha mặc kệ sai mặc kệ đúng mặc dân và cả mặc chấm chấm. Người không muốn làm nhưng lại làm bí thư như Thụng là sự cố nhân sự. Thụng phải bấm bụng để làm bí thư. Người năng lực và đức độ chả ai dại gì đâm đầu vào gánh vác để ôm rơm rặm bụng. Họ mở trang trại, đi buôn, đi học nghề chứ không ai có khả năng và có lương tâm lại làm trưởng thôn hoặc làm bí thư chi bộ thôn. Những công việc ăn theo nói leo dễ mất phẩm giá nhà quê nên ai có học còn có chút nhìn xa trông rộng họ đều né tránh.  Thành thử các chức tước này chỉ dành cho những người còn lại. Đã 69 tuổi rồi mà cứ phải đeo đẵng cái chức bí thư thôn nên nhà nghèo nhất xóm vẫn cứ nghèo nhất xóm. Chỉ vì tự ái bởi mấy câu nói của cánh cựu chiến binh với mấy ông tronh câu lạc bộ thương bệnh binh mà Thụng đeo cái cùm trách nhiệm chưa tháo ra được. Thằng Trương Báo và mấy đứa cùng học với Thụng chưa hết lớp ba thì đi bộ đội. Vượt cả ngàn cây số vào Tây Nguyên thời chiến tranh mấy đứa chết mất xác chỉ còn Báo và Thụng trở về. Báo là em ruột Trương Bạo. Tính Báo như beo như cọp nên được làm Chủ tịch mặt trận Quê hương. Cả mấy xóm của thôn Tứ hiệp thương không ai chịu nhận làm chức bí thư thôn nên Báo khích Thụng “ Chiến chinh đéo chết, đạn bom đéo sợ, làm bí thư chết chó chi mà không mần. Bí thư thôn lãnh đạo cả ngàn người còn hơn cả đại tá sư trưởng, tội chó chi mà không muốn oách...”. Thật ra đâu có phải mình lời khích nửa thật nửa sỏ ấy mà Thụng nhận lời để đưa vào diện bầu bán. Thụng có lương tâm trách nhiệm trung thành. Trung thành vì cái gì, cái đó thế nào thì Thụng không cần biết, không cần quan tâm. Mới dở lớp ba và cái đầu mấy đời ăn củ chuối nên theo nề nếp ông cha để lại là không cần suy nghĩ nhiều. Cấp trên xã huyện là sáng suốt rồi, chỉ có thằng ngu mới hay suy nghĩ đúng sai khi làm việc. không riêng gì Thụng mà tất cả các cán bộ thôn làng Chân Mây đều nghĩ thế.
Nhà nghèo thật nhưng là bí thư phải gương mẫu trong công tác cắt nghèo. Thụng phải tự giác và gương mẫu để đưa gia đình mình ra khỏi diện hộ nghèo. Vợ Thụng (phu nhân) căm hờn Thụng việc này lắm. Căm Thụng và trả thù bằng cách không cho Thụng đụng vào người. Trương Bạo biết được Thụng bị cấm vận nên hay nháy mắt đểu mỗi khi gặp nhau ngoài đình. Trương Bạo có rủ rê gợi ý mấy đám để giải tỏa nhưng Thụng sợ kỷ luật, sợ mất tính tiền phong gương mẫu nên đành kìm hãm. Nhà Thụng ăn uống cũng kham khổ, vả lại cũng có tuổi rồi nên bí thư Thụng chẳng ham hố gì cái khoản đó. Vì không phải hao tổn sinh lực với vợ nên Thụng có da có thịt hơn, ra dáng cán bộ bí thư đứng đầu thôn hơn. Điều này không qua mắt được cô Hồng Hương. Hồng Hương đã là chi hội trưởng phụ nữ thôn, là cán bộ nên hay kề vai sát ngực vào lưng bí thư Thụng. Hai cục ngực bèo nhèo của Hồng Hương được bọc trong hai cái nón nội y có núm nhọn và cứng chấm chấm vào lưng Thụng. Hai cái núm ngực ấy đã nhiều lần chấm chấm, rồi phẩy phẩy vào lưng vào vai Thụng nhưng nghe ra vẫn chả có tác dụng gì nhiều. Thụng cũng đã nghĩ đến chuyện giải tỏa áp lực bí thư thôn do vợ cấm vận, nhưng điều kiện không cho phép. Thụng bảo éo sợ kỷ luật nữa. Thụng thấy mê đứa cặp bồ vào nhà nghỉ Tuyết Vân mà có sao đâu. Mê đứa cán bộ làm giả hồ sơ để ăn cắp tiền của nhà nước mà có sao đâu. Điều kiện để không cùng đi với em Hồng Hương đó là Thụng không có xe máy và cũng không biết đi xe máy, không có tiền để trả tiền phòng. Cho là Hồng Hương thương mà cho không đi nữa thì bí thư Thụng cũng chịu. Không phải chịu vì thiếu năng lực đàn ông do có tuổi. Người có tuổi bây giờ cũng như thiếu niên đâu có kém gì thanh trung niên khoản đó. Có nơi có chỗ có lúc có người còn mạnh dữ hơn là trai tráng. (Tóc bạc thì nhuộm đen đi cho ngang tầm con cháu, gọi là trẻ hóa lãnh đạo. Ra đường đâu gặp mấy ông già tóc bạc đáng kính, đen tóc không hà. Ai thống kê dân số người mình đang già đi là sai lầm).  Trương Văn trưởng làng cứ có đám nào hiếp dâm hoặc đánh ghen trong làng lại nói chữ là dương thịnh âm thịnh chúng phải phang chắc cho hòa bình đươc lập lại. Nhà thơ cấp huyện, sau thời gian tìm hiểu nhà nghỉ Tuyết Vân gọi việc này là văn hóa tình dục giải thoát. Trương Bạo giải thích cho các cụ tại đình làng là do ăn thịt chi cũng nuôi bằng cám con cò nên nam phụ lão ấu lúc nào cũng chỉ 12 giờ.
 Cái bản mặt thằng Trương Bạo làm chi hiểu được cái tình. Hắn chỉ biết mỗi cái dục. Có lần một cụ chỉ vì nhặt hộ rồi trao lại cái nội y hai nón đen, cứng không còn cứng, nhọn cũng không còn nhọn của bà hàng xóm, rồi cụ ông sinh tình làm thơ tình mà ầm ĩ đến mức phải đem ra nhà văn hóa thôn kiểm điểm.  Cụ ông này 78 tuổi, vợ chết được 20 năm, ở một mình, vì khó tính con cháu không chiều được. Hình như ông có gì bất đắc chí. Cụ bà hàng xóm mới độ 65, góa chồng hơn 5 năm rồi, cũng ở một mình vì ngại phiền tới con cháu. Bà cũng khó tính và hình như có nỗi buồn tình. Bình thường hai ông bà hai nhà cũng chẳng có mặn mòi chi lắm. Họ giữ gìn để tránh tai tiếng thị phi.  Hôm đó gió to nội y của bà bay sang vườn nhà ông. Ông đang đứng nhìn trời nhìn gió để may ra có bài thơ nào nộp cho câu lạc bộ. Ban chấp hành hội người cao tuổi có ý định nhiệm kì này bầu cử ông vào ghế chủ tịch thay cụ Dốn. Nếu như vận động được cụ Dốn nguyên là bí thư đảng xã ủy tuổi quá cao tự nguyện viết đơn xin rút chức chủ tich hội thì chắc ông sẽ là nguồn cơ cấu cứng không cựa được. Vì vậy ông lại càng phải gương mẫu làm thơ và nộp thơ cho đúng hạn. Nhìn gió rồi nhìn cây, nhìn mây rồi lại nhìn trời,  vẫn chưa động tình để mà có thơ. Động tình sao được khi mà thơ ông phải nộp để chào mừng đại hội các cụ,  rồi chào mừng đại hội đảng bộ xã nhà. Năm 2015 này có nhiều đại hội lắm nên phải thi đua làm thơ.   
Thấy đồ dùng của đàn bà, tay run run, ông cầm lên. Vừa lúc bà góa chạy sang để lượm vể. Tay ông trao đồ vào tay bà. Ông thấy lòng xao xuyến, bà thấy lòng chông chênh. Ông kéo bà lại rồi ôm lấy. Bà cũng ôm ông trong lúc trời vẫn đang gió, cây vẫn đang lay, và mây vẫn đang bay. Gió mạnh hơn, rồi gió trở sào, sắp mưa. Hai người kéo nhau vào nhà. Ông dìu bà lại giường, bà ngoan ngoãn vâng lời. Bà ngồi xuống, ông ngồi bên, bà tựa vào vai ông. Ông vòng tay ôm eo bà. Hai trái tim già cô đơn cùng thổn thức. Ông ôm chặt lấy bà. Bà đưa bàn tay còn dính nhựa chuối (vì vừa thái chuối nuôi ngan giúp con dâu) lên sờ sờ vuốt vuốt vào râu ông. Ông nhẹ nhàng cấm lấy tay bà rồi nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng ông đưa bàn tay bà vào ngực ông. Trời vẫn vũ là thế mà lúc này chỉ lắc rắc làn mưa. Đây rồi đây rồi. Ông đọc cho bà nghe:
Gió gió cây cây
Mây mây bay bay
Gió đưa tà áo sang đây
Tay nâng trao lại nhớ này nhớ  xuân
Ông không ôm bà nữa mà đưa tay lấy bút nơi đầu giường (lúc nào cũng có sẵn đề phòng nhỡ có nàng thơ về thì dùng nhanh cho kip, không nàng đi mất) run run chép lại những lời vừa đoc.
Xuân ơi xuân nào xuân được hưởng
Thuở đang xuân gió chướng thân lao
Nào đâu đất thấp trời cao
Làm ra xuân đấy ai nào thấy xuân
Khốn thân dời gian truân nam bắc
Chí tang bồng
Bỏ mặc bồng tang
Gió đánh cành hồng
Gió giật cành nam
Đông Tây một gánh giang san…
 Dòng thơ đang thanh thoát nhập vào từng con chữ thì lão đồng chí Dốn Mím che ô lẩy bẩy bước đến. Lão đồng chí có ý định sang thương thuyết chuyện làm chủ tịch hội người cao tuổi. Ý lão đồng chí muốn làm một nhiệm kì chủ tịch hội nữa nên đến để khuyên ông đừng nhận lời xã ủy động viên dịp này. Khóa sau ông chỉ nên làm. Mới 78 tuổi vội làm chi. Dốn Mín làm sao hiểu được ông. Nào ông có ham hố chi, có ưng chi bọn lãnh đạo thôn làng xã này. Ông làm thơ thì làm thế thôi chứ chả mấy khi ông đồng ý cho đăng trên báo tường báo líp. 
Thật mười mươi cái cơ sự ông bà hai nhà đang ngồi sát nhau, cái nội y còn để đó. Mười mươi sự việc không chối cãi được. Lão đồng chí Dốn Mím vung gậy lên đập đập vào tường nhà vào cột nhà rồi mồm lão hô hoán “Chà chà chà thằng cò con hỉm nhà ni mô mau mau mà coi. Thằng cò con hỉm ơi.”
  Dốn Mím đã loại được đối thủ dự nguồn chủ tịch hội Người cao tuổi.
  Bà kia thì được hội phụ nữ kiểm điểm nhắc nhở. Khi kiểm điểm và nhắc nhở có mặt cả cựu bí thư Dốn Mín và Trương Văn Trương Bại cùng về dự cho thêm phần long trọng. Cả ba vị khách mời đều có ý kiến nghiêm khắc nhắc nhở bà nọ phải giữ thuần phong mĩ tục cho làng văn hóa Chân Mậy . Không ai biết cả ba thằng già này đều có ý định tòm tem với bà nọ nhưng bà cương quyết không là không. Riêng thằng Dốn Mím thì bà ghét hạng một, chả thèm chào hỏi.
  Cánh có tiền ở nhà quê bây giờ, cách giải trí là đi nhà nghỉ. Người  ăn lương nhà nước vì áp lực ngồi không ở nhiệm sở, đọc báo không ham, lướt nét không biết, hút thuốc lá nghe điện thoại mãi nặng nề lắm. Dự họp với các đoàn thể phát nhàm. Vì vậy tuần một đôi lần đến nhà nghỉ. Họ có xe máy tay ga, điện thoại cảm ứng ngón tay. Họ đội nón, bịt mặt, đeo kính một dương một âm đèo nhau đi trên xe máy lên thị trấn hoặc đến làng khác vào nhà nghỉ. Nông thôn mới ngày nay nơi nào chả có nhà nghỉ hoặc quán giải quyết nỗi buồn công sở của dân công sở, nỗi buồn học đường của tuổi học đường. Đi nhà nghỉ mới thể hiện được vị thế lãnh đạo, vị thế choai choai của tuổi học đường ta đây người lớn. Bí thư Thụng sánh làm sao được với người ta. Nếu so với bí thư Dốn Mím thời thế kỷ hai mươi lại càng không nên so sánh mần chi. Dốn Mím thời đó cứ muốn mần chị mô thì mần. Vì Dốn là bí thư nên quyền to trùm cả bầu trời của xã, cứ thầy chị mô vắng chồng mà Dốn mím môi lại là y như chị đó tối ngủ không đóng cửa chờ Dốn đến để kiểm tra coi chồng có đào ngũ về không. Bí thư Dốn Mím thời đó cứ thế mà tha hồ, chả mất chi đồng tiền bát gạo.
  Bí thư thôn như Thụng bây giờ, lương một triệu lẻ ba tư ngàn đồng, cộng với lương thương binh hai mốt phần trăm thương tật, tám trăm tám tám ngàn đồng, chả đủ để ăn cỗ cưới, với đám bốc mã thôn làng mời quanh năm. 

 Phu nhân Thụng nhận ra cách trả thù chồng trong việc gương mẫu tự cắt hộ nghèo nhà mình bằng phương pháp tình dục là sai lầm, là tự mình làm khổ mình. Phu nhân Thụng trả thù bằng cách ngược lại. Vì trẻ hơn chồng một con giáp nên bí thư Thụng bị trả thù ác liệt lắm. Người Thụng lại hao mòn nhanh chóng. Ý đồ của phu nhân là làm cho Thụng gầy ốm đi phải bỏ chức bí thư đi để năm tới được xét tái nghèo cho đỡ nghèo đỡ khổ.  Người ta là hộ nghèo (cả nghèo giả cả nghèo thật) thì có bảo hiểm y tế , có tiền điện thắp sáng. Phụ nhân Thụng hay ốm đau, vì tự gương mẫu cắt mất hộ nghèo nên không có thẻ bảo hiểm y tế. Không dám đi nằm viện vì vào viện đôi ba ngày là đôi ba triệu, kinh hãi lắm.      
 Phu nhân Thụng đêm đêm kẹp cứng lấy chồng, lúc được cũng hờn lúc không cũng hờn. Phu nhân hờn chuyện chồng vợ thì ít và hờn chuyện thôn xóm thì nhiều. Hai vợ chồng lại hờn nhau cái chuyện cắt hộ nghèo:
 - Ham hố chi chức bí thư thôn tháng triệu bạc mà để khổ thân khổ nhục vợ con.
 - Ham hố chó chi chức bí thư, mà ham.
Trưởng thôn, bí thư thôn cùng các chủ tịch hội đoàn thể thôn làng xã là những chức tước trên cử dưới bầu. Dưới bầu thì mặc dưới bầu. Cấp trên cử xuống mới vào ngạch quan. Xã cử kiểu cơ cấu rồi. Tổ bầu cử kiểm phiếu trong các cuộc bầu bán thường là Hồng Hương hâm chập làm thư ký, Văn Phập (trung úy về hưu) gác thùng phiếu, Trương Báo công an viên giám sát, Trương Văn trưởng làng là tổ trưởng. Đại diện đoàn thể giám sát bỏ phiếu, kiểm phiếu, lấy kết quả, tính tỉ lệ phần trăm, vân vân trong bầu cử là cụ Dốn (bây giờ không gọi là mím nữa vì kính thọ cụ) chủ tịch hội người cao tuổi. Cụ Dốn nguyên là bí thư xã nên cụ trung thành một trăm phần trăm với đảng ủy và hội đồng nhân dân xã Xuân Nồng . Cụ Dốn là trưởng ban giám sát cộng đồng nên giám sát bầu cử thì thật là dân chủ theo ý đảng ủy xã. Cụ mù chữ, mắt lại kém, nhưng cụ đã đứng bên giám sát thì lãnh đạo xã vô cùng an tâm.  
  - Cứ xã cơ cấu là trúng. Chị Minh nói vậy.
 - Sẽ là trúng cứ xã cơ cấu. Chị Nhu cũng nói vậy khi đi cấy thuê ngoài đồng.
 - Cả làng nói vậy thì việc chi phải đi bầu. xã thích ai thì xã cử. Mấy bà tiếc bữa cấy thuê trăm rưỡi nên nói liều như vậy
 Những lần bỏ phiếu trưởng thôn Hầy thường vác loa ác quy ra đồng a lô “ bà con nhân dân thôn Tứ  không được mần rốn nữa. Ta về bỏ phiếu để phát huy quyền làm chủ. Bỏ phiếu xong rồi ra đồng muốn mần chi thì mần. Đừng để ban đội nhắc nhở. Ai không chấp hành về bỏ phiếu thì công an cương quyết cương quyết bắt buộc phải phát huy quyền dân chủ.
  - Ôí chao ! bỏ thì bỏ.
 Mấy bà chia 2 phe cá độ cốc nước mía. Cá độ là cứ tâp trung phiếu bỏ cho quân xanh nhưng quân đỏ (cơ cấu) vẫn chiến thắng cho mà coi. Nhân dân (không tính cán bộ) chia hai phe xanh đỏ để mà chơi thôi mà. Vui chơi có thưởng cốc nước mía, chứ chả phải sợ chi nâng cao quan điểm cờ bạc mà công an sờ gáy.
  - Bầu cử có luật có pháp chứ các bà đừng có mà đùa.  Anh Hảo con bà Hào nói vậy làm các bà mất hứng. Chuyện bầu cử to bằng trời mà các bà lại đem nước mía ra cá cược. Công an có hỏi thăm sức khỏe đừng có run như cầy sấy nhớ.
 Anh Hảo làm nghề thợ xây. Anh là con liệt sĩ chính hãng. Bà Hào mẹ anh là vợ liệt sĩ chính danh. Anh Hảo sinh đầu năm 1964. Bố Lẫm anh đi chiến trương Miền Nam cuối năm 64, hy sinh năm 68. Khi nhân dân và cán bộ làng Chân Mây làm lễ truy điệu bố Lẫm, họ hô to át tiếng khóc của người thân: “Tinh thần đồng chí liệt sĩ Nguyễn Tiến Lẫm bât diệt – bất diệt – bất diệt – bất diệt”. Mới 4 tuổi anh Hảo chưa biết chi là bất diệt, nhưng anh vẫn hô theo: “Tinh thần đồng chí Nguyễn Tiến Lẫm bất diệt bất diệt bất diệt”. Ngày hôm sau rồi ngày hôm sau nữa cứ thấy mẹ khóc là anh cu Hảo lại hô tinh thần đồng chí Nguyễn Tiến Lẫm bất diệt bất diệt. Tiếng hô hào hùng váng óc chói tai năm ấy gây ấn tượng và ghi nhớ mãi trong óc anh.
 Lớn lên Hảo được mẹ Hào kể lại chuyện sau mấy ngày báo tử bố Lẫm, thằng bí thư Dốn Mím toan vào cưỡng hiếp mẹ. Mẹ đem liềm ra dọa móc mắt hắn rồi hô trộm cướp cho hắn bỏ chạy. Lúc dân làng đến bắt trộm, thấy nhiều người đến tụ họp như hôm truy điệu bố Lẫm, cu Hảo lại hô tinh thần đồng chí Nguyễn Tiến Lẫm bất diệt.
  Năm trước Hảo cưới vợ cho con trai. Năm nay anh có cháu trai nội. Ngày 27/7-2015 vừa qua, anh bế cháu đích tôn đứng cạnh bàn thờ tổ tiên nói với thằng cu mới 5 tháng là tinh thần cụ nội bất diệt. Hảo tự hào vì cái chết của bố anh. Anh học tập tinh thần bất diệt, anh dũng hi sinh của bố mình. Vụ mười vừa qua cán bộ xã thôn làng thu tiền đóng góp của mẹ anh để xây dựng nhà văn hóa thôn. Mẹ anh vâng lời đem nạp. Anh Hảo đem văn bản chính phủ ra chất vấn cán bộ,  ai cho phép các ông thu mà các ông thu. Các ông có coi đảng và chính phủ là cái chi nữa không. Tôi không phải là đảng viên nhưng tôi hỏi các ông là đảng viên có phải tuân theo pháp luật không. Mẹ tôi đã tám lăm tuổi, cha tôi hy sinh chưa tìm thấy xác, nhà nước cho miễn nhưng các ông là cái chi, là cán bộ thôn làng xã mà cho mình có quyền hơn quốc hội. Các ông trả lại tiền cho mẹ tôi… đây là một sự kiện vô cùng mới mẻ vì từ ngày khai sinh ra xã Xuân Tươi (1946) đến giờ chưa có ai dám cãi lời cán bộ. 
 Chiều hôm sau trong tiệc cưới con hàng xóm, có thằng bạn hỏi Hảo là: Tau chỉ nghe nói là ngày nhỏ lúc truy điêu ông Lẫm, mi cũng hô tinh thần bất diệt bất diệt phải không.
  Hảo đang kề môi chén rượu, nghe bạn hỏi vậy, dừng uống giây lát, rồi ngửa cổ tu ực một cái, rồi dằn mạnh cốc xuống mâm. Hảo quắc mắt nhìn bạn, lớn tiếng:
 -  Từ nay tao cấm mi nói đến bố tau. Không nói đến anh dũng với bất diệt hi sinh chi đây nữa cả.
 - Có chi mà mi nổi quạu lên. Không rõ thì hỏi. có chi phản động mô mà mi cấm tau.
 - Cha tau hi sinh, chú mi hy sinh hỏi xác nằm ở mô mi biết được không. Mẹ tau nhà nước Việt Nam cho tí chế độ, còn nhà nước Xuân Nồng ni bắt đóng góp cho bằng đủ. Thím mi vợ chú mi là liệt sỹ đó. Nhà đang nghèo đó nó bỏ phiếu cho mất nghèo. Từ nay tau cấm mi đừng há mồm trong phạm vi xã Xuân Tươi này nói anh dũng hy sinh với bất diệt nữa. Đi thôn khác đi làng khác đi xã khác mà nói.
 Khi biết được các bà các chị các em nhà mình có trò vui cá cược cuộc chơi bỏ phiếu, Hảo nói
 - Các bà làm cho cẩn thận nhưng phải thề thật độc địa vô, thề tới ba đời con cháu, đề phòng đứa phản bội ton hót với công an.
 Họ bí mật bảo cho con cháu họ hàng khi bỏ phiếu cứ quân đỏ mà gạch. Đứa mô không gạch quân đỏ thì như con chó cúi mặt ăn cứt chứ đừng ngửa mặt lên nhìn người. Để cho chắc chắn dân quê có cách của dân quê. Vì đi bỏ phiếu chỉ cần một người bỏ thay cho cả hộ. Lần này các bà không nhờ con cháu bỏ thay nữa mà rủ nhau cùng đi cùng giám sát nhau.
-         Quân đỏ trong phiếu là ai phải nói cho rõ ràng ra?
-         Quân đỏ là của bọn xã cử viền đó, có rứa mà còn phải hỏi.
 Những cuộc bỏ phiếu bầu bán trưởng thôn trưởng làng Chân Mây, mấy người dân cứ nhìn ai là Đảng viên thì gạch ngang. Đây là kinh nghiệm từ thôn Ngũ làng Đông tràn sang. Nhưng họ thừa biết có gạch nấy chứ gạch nữa trúng vẫn trúng. Trò vui mà, vậy nên họ cá cược.
 Cuộc cá độ nước mía trên cuối cùng ai cũng đúng và ai cũng phải bỏ hai ngàn một cốc để được bữa cười nghiêng ngả. Cười vì  được thấy ngược cái sự đời có thật. Con Chẹt thoạt chân mở quán nước mía cạnh nghĩa trang liệt sĩ bữa nớ bất ngờ vì thấy mấy chục bà và chị kéo nhau đến, kẻ đứng người ngồi râm ran kể chyện rồi cười vui vẻ lắm. Việc uống nước mía chỉ là chuyện phụ, buôn dưa lê chuyện bỏ phiếu mới là việc chính. Chẹt nhanh trí pha nước mía thêm nhiều đá lại còn thêm cả nước lã, có tí đường vô để cho kịp cho đủ mấy chục con người.
 - Đời thuở nào đứa bị gạch ngang lưng nhiều rứa mà vẫn trúng. Ôí ôi ôi cha ôi mẹ ơ!!! Chị Minh vừa cười đó mà chị khóc rồi là cớ vì sao?
  - Ô tề ô tề, mi mới cười cái chuyện bỏ phiếu ba que xỏ lá đó răng lại khoóc loóc lên liền. Chị Nhu hỏi chị Minh.
 - Hay lại chê cốc nác mía loãng the loãng thét đá nhiều mía ít. Mấy bà thấy chị Minh mới cười ngặt ngẽo đó mà lại khóc liền, vội hỏi
 - Ganh anh tậy uống mần chi. Tôi lại nghĩ lại thương mẹ tôi chết oan chết uổng. Ôi trời ôi ai lại đi bỏ phiếu hộ nghèo. Họ nhà ai lắm người đông anh em thì bàn chắc bỏ phiếu được hộ nghèo cho anh em họ hàng nhà hắn. Họ nhà tôi có phải thiếu người mô. Bác Dân tôi, chú Lẫm nhà tôi, ông Đồng nhà tôi, rồi anh Đông anh Ngãi các ông không hy sinh thời đánh Pháp đánh Mẫy (Mỹ) đánh biên giới Pôn Pốt, đánh biên giới Tàu thì họ hàng nha tôi thiếu chi người. Các ông mà sống lại được các ông chôn sống bọn thôn xã ni đi. Ôi ôi ôi người nhà ta ôi chả sống lại mà bỏ phiếu cho mẹ tôi được nhờ cái hộ nghèo, được ơn cái đường lối cho hộ nghèo. Tại cái chi cành nhà tôi lắm người dắt nhau vào mần công ty ở Bình Dương, lúc bỏ phiếu hộ nghèo lại không vác mặt về kịp. Hi.. hi…hơi hơi… mẹ ơi là mẹ, mẹ ốm lại kinh phải đi bệnh viện. Không có hộ nghèo không có thẻ bảo hiểm nên mẹ chết dần chết mòn.
 - Tại mi không biết đấu mà đòi cho được hộ nghèo cho mẹ mi.

 - Đòi chi được, một đàn một lũ kéo đến chấm điểm cho nhà  mẹ tôi.

 Tác giả Lê Quang Phương thứ hai từ trái sang. Thọ Xuân, Thanh Hóa, 4-2015


26 tháng 12, 2015

Tôi thương ông tổ trưởng

Hai giờ chiều thứ 7 hôm nay. Đang say giấc nồng như một thiếu nữ ngủ ngày để bù lại cho một tuần quăng quật kiếm sống mà mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6 chỉ chợp mắt được vài chục phút vào mỗi buổi trưa thì tiếng chuông điện thoại réo giật tôi dậy. Đầu dây bên kia (mà thực ra là không có tí dây nào) là tiếng ông tổ trưởng dân phố. Anh Sơn đấy à. Rảnh không anh em mình tâm sự chút. Quái. Ông này giở chứng đồng tính chăng. Tôi liền nghĩ ngay đến những trường hợp yêu đương đồng giới hoặc giới tính thứ 3 đang ngày càng phổ biến ở Thành phố này. Tôi thấy lo lo như lo một căn bệnh mơ hồ đang tràn đến. Mình đâu phải loại giới tính phức tạp đó.
Tổ trưởng dân phố của tôi là một ông trạc lục tuần. Ông thuộc loại khá giả nếu không nói là đại gia vì ông có hẳn một ngôi nhà mặt tiền to vật vã trên đường Tân Kỳ Tân Quý; lại có hẳn một mặt bằng rộng cho thuê làm tiệm thẩm mỹ, xăm môi xăm mắt và trang điểm… mỗi tháng ngủ dậy ông bỏ túi vài chục triệu đồng ngon ơ mà không phải làm gì. Nhưng nhìn ổng không ai nghĩ là người có tiền. Người ông ốm o gầy còm, cái lưng còng còng; ông đi lại bằng cái rim tàu máy móc kêu long sòng sọc. Ngày nào ông cũng lượn con giấc mơ tàu ấy qua cửa nhà tôi để đưa đón cháu đi học mầm non. Mỗi lần ông chạy qua là tôi biết ngay vì nghe tiếng máy nổ ầm vang cứ như là tiếng chiếc xe lam 3 bánh ngày ngày đi thu gom rác trong hẻm. Ông là dân Sài Gòn thứ thiệt. Nhà ông đã ba đời sống qua mấy chế độ từ đế quốc thực dân Mỹ Ngụy đến CS XHCN ngay trên con đường Tân Kỳ Tân Quý nổi tiếng từ lâu đời này. Có lần đi họp tổ dân phố tôi hỏi ông tên đường Tân Kỳ Tân Quý có từ khi nào và có nghĩa là gì. Ông nói vụ đó thì tui chịu. Từ khi sanh ra tui đã ở trên con đường có tên này rồi. Nghĩa là con đường nối từ QL1 chạy về Trường Chinh, chạy ra thấu Cộng Hòa này đã có ít nhất từ 60 năm trước. Nhớ câu cái gì không biết thì vô google, tôi về nhà bật máy tính ra tra thì hầu như không có thông tin gì về con đường TKTQ này. Vụ này cụ gúc gồ cũng chịu thua.
Vì là dân SG thứ thiệt nên ông không màng đến chuyện hình thức. Nhà ông tôi nghĩ có mua một lúc vài con xế hộp cũng dễ như lấy cái di động trong túi ra nghe. Vậy mà ông vẫn đi con rim tàu đã tã từ cả chục năm nay. Dân Sài Gòn thứ thiệt xưa nay vẫn thế. Hình thức là cái đinh.
Nhưng tôi không thương ông vì chuyện đó, chuyện người giàu cũng khổ, mà tôi thương ông vì câu chuyện ông phá giấc ngủ xế chiều của tôi để tâm sự. Nghe giọng thiểu não của ông qua điện thoại, tôi tỉnh ngủ hẳn. Có chuyện gì dzậy bác. Nói tui nghe đi. Chuyện vầy anh Sơn ơi. Trên phường, rồi trên khu phố giao cho tui phải thu cho được ít nhất là 50% phí giao thông đường bộ năm 2015 của tổng số hàng ngàn xe gắn máy trong tổ dân phố 60 của ta. Nhưng cả tháng nay tui chỉ thu được có 9 chiếc xe của 3 hộ. Trong đó có hộ nhà tui 3 chiếc, nhà Hai Quy tổ phó 4 chiếc và 2 chiếc nữa từ hộ nhà ông trưởng khu phố. Còn lại không nhà nào chịu đóng một xu nào nữa hết. Xong vụ này chắc tui nghỉ chức tổ trưởng dân phố quá anh Sơn. Đừng bi quan thế. Vậy rồi sao nữa bác. Còn sao nữa anh Sơn. Giờ tui chỉ còn trông mong vào hộ nhà anh, trông vào tình thương người mà thực ra là thương giúp tui của anh. Tui biết nhà anh là nhà cán bộ đảng viên. Tui nhớ mọi chuyện từ góp đá xây Trường Sa đến ủng hộ đồng bào ngoài Trung bão lụt anh đều đóng góp đầy đủ kịp thời. Tui cũng biết anh cũng như 100 hộ đồng bào tổ 60 ta rất phản đối vụ thu thuế xe máy dã man này nên khi đi phát tờ khai xe máy anh đã vo tròn lại ném xuống đường ngay sau lưng tui, ngay khi tui chưa kịp quay bước. Nhưng nay tui muốn anh rộng lòng mà đóng loại thuế tận thu đó cho tui để tui may ra bớt được chút kỉ luật nào từ phường giáng xuống... Nghe đến đó tui cắt phăng lời ông tổ trưởng: Thôi được rồi, nể tình thương mến thương với bác, nhà tui sẽ đóng thuế 1 chiếc (một chiếc) là chiếc xe do tui đứng tên, còn hai chiếc kia là của con tui, không có đóng điếc gì hết. Tui đóng một chiếc là vì tui thương bác chứ không phải là vì gia đình này khác gì đâu nhé.
Nghe đến đó ông tổ trưởng dân phố cảm ơn rối rít. Một chiếc cũng tốt lắm rồi anh Sơn ơi. Còn hơn là không có chiếc nào. Sáng mai chủ nhật tui ghé nhà anh thu tiền và viết biên lai luôn nhé. Rồi ông cúp máy cái rột chấm dứt cuộc “tâm sự” chiều thứ bảy như sợ tôi đổi ý mà không đóng cái phí xe máy trời ơi đó nữa.
Nghĩ mà thấy thương làm sao ông tổ trưởng dân phố của tôi.






      

22 tháng 12, 2015

22-12

Ngày quân đội 22-12, đang chúi mũi làm việc thì đồng đội cũ í ới gọi cuối giờ về đi làm vài ve chứ. Tính nhận lời nhưng chợt nghĩ bà xã và con gái lớn đi vắng. Con bé út thì đi làm đến 8 giờ tối mới về.  Nhà chỉ còn 2 cha con. Nghĩ vậy nên năn nỉ hẹn bạn bè đồng đội dời cuộc vui lại mấy ngày. Chủ nhật tới sẽ tái ngộ. Đám bạn lính cùng C20 này chỉ có 3 tên, một trong 3 tên mà vắng thì không thể tụ họp. Dễ dàng dời lại là thế.
Nhưng không lẽ không có dấu ấn gì để lại trong ngày này. Vậy là trên đường về nhà đi xuyên qua một cái chợ, tôi ghé mua con cá lóc đồng nặng gần kí. Biết là cá đồng chứ không phải cá nuôi vì nhìn vô trong chậu khoảng chục con đang bơi quẫy khiến nước bắn tung tóe, mỗi con có một kích cỡ khác nhau. Chứ mà 10 con như một thì chắc chắn là cá nuôi, ăn sẽ không ngon. Làm thêm chục ngàn rau sống đủ loại như xà lách, lá hẹ, rau thơm, cải con ….  Về nhà cho ngay vô lò điện nướng lên. Trong lúc đó thì nhặt rửa rau, pha chế nước chấm tỏi chanh đường ớt.
Vừa xong thì con gái đi làm về. Thấy con cá nóng rẫy nứt cả vỏ đang nằm khoanh trong cái nồi nướng bằng thủy tinh nó nhìn tôi đầy lòng kính nể. Con bé này nó thính thế. Hình như hôm nay nó đi làm về sớm hơn nửa tiếng.
Cứ thế cuốn bánh tráng Củ Chi và chấm. Hai cha con làm hết bay.

Vừa ăn tôi vừa nhớ về câu hát mà hồi đi lính ngày nào cũng phải gào to lên như tụng kinh vì nd quên mình, tôi nghĩ cái thời ấy đã qua rồi nhé. Ngày hôm nay 22-12, quân ta không ngu gì mà vì ai đó quên mình nữa. Con cá lóc gần kí nướng lên cuốn bánh tráng xà lách rau sống chấm nước mắm chanh tỏi ớt. Cũng đủ để tưng bừng. 

                                                         Con cá lóc nặng gần kí


                      Cứ thế tôi thả vô lò điện. Sau 30 phút đã thế này đây.


Bổ sung thực đơn tối nay, 23-12, mực ướp sa tế nướng với ớt chuông Đà Lạt


15 tháng 12, 2015

Tiếng hát sinh viên SaigonACT – vọng mãi bài ca yêu nước

Đến bây giờ, khi cuộc thi đã kết thúc, khi những dư âm của cuộc thi đã lắng lại, khi những lá cờ thưởng, những tấm bằng khen đã được treo trang trọng ở phòng truyền thống của nhà trường, trong tôi vẫn như ngân nga giai điệu của những lời ca điệu múa trong năm tiết mục biểu diễn tham dự Hội thi tiếng hát sinh viên lần thứ XIV khu vực miền Nam của trường SaigonACT.
Còn nhớ buổi sáng sau đêm khai mạc với chương trình mở màn của SaigonACT, TSKH Nguyễn Văn Khánh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường – Trưởng ban tổ chức Hội thi đến phòng làm việc của tôi và hỏi: Ông thấy chương trình biểu diễn của trường ta thế nào. Tôi thưa với sếp Khánh: Đó là một chương trình ca múa nhạc gọn gàng, sạch sẽ và không có lỗi. Nhưng điều nổi bật mà tôi đã thấy ở chương trình đó là tính chủ đề xuyên suốt về lòng yêu nước và tự hào dân tộc; về lòng yêu biển đảo quê hương mà trên hết là chủ đề mang tính thời sự về vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước. Nghe tôi nói những lời đồng cảm và đồng điệu, thầy Nguyễn Văn Khánh đã nở nụ cười tươi của nhà nghệ sĩ.
Với con mắt của một người ngoại đạo, tôi vẫn thấy rất rõ tính bố cục chặt chẽ ở chương trình biểu diễn của SaigonACT. Mở màn là một tiết mục múa hoành tráng Lướt sóng ra khơi – Khát vọng biển. Ngay ở tiết mục có thời lượng dài nhất chương trình này cũng có một trình tự kết cấu hợp lí: Khung cảnh hòa bình của những người dân chài trên bờ biển - kẻ thù xâm lược xuất hiện – chiến đấu và hi sinh – cuộc sống thanh bình trở lại. Đó cũng chính là điệp khúc lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta suốt hàng ngàn năm đã qua. Tiếp theo là một đơn ca với giọng ca khỏe khoắn cao vút của Tú Uyên; rồi một song ca nam nữ, một tam ca nam và tiết mục múa hát khép lại chủ đề chương trình. Chỉ với giới hạn thời lượng 30 phút cho phép của Hội thi, đó là một kết cấu hợp lí và dễ chấp nhận.
Hẳn khán giả vẫn chưa quên trong đêm bế mạc công bố các tiết mục đạt giải, chính tiết mục tốp ca Việt Nam ơi! Của SaigonACT (tiết mục được ban giám khảo xếp loại A) được ban tổ chức chọn làm tiết mục kết thúc khép lại đêm công diễn với những giọng ca hào sảng như một giai điệu tự hào đã làm bừng sáng cả chương trình, bừng sáng cả hội trường và làm người xem ra về trong thỏa mãn.      
Điều đọng lại trong lòng người xem là những lời ca điệu múa vừa khỏe khoắn vừa trữ tình lại rất hồn nhiên và trong sáng của những sinh viên đang lứa tuổi đôi mươi căng tràn nhựa sống. Nó như một chất men say có khả năng lan truyền cảm hứng từ âm nhạc và vũ điệu của bài ca về lòng yêu quê hương và tự hào dân tộc. Đó cũng là sự vọng mãi bài ca yêu nước.
Điều đó cũng phần nào nói lên rằng, đời sống tinh thần nói chung và sinh hoạt văn hóa văn nghệ nói riêng của thầy và trò SaigonACT đã được duy trì lành mạnh, phong phú và mang tính truyền thống của một ngôi trường mạnh về đào tạo văn hóa, nghệ thuật và du lịch. 
Nếu có điều gì đó đáng tiếc ở chương trình dự thi của SgACT thì đó là phần đầu của tiết mục múa mở màn, ở khung cảnh hòa bình tiếng đàn ghi ta bập bùng nghe rất nét nhưng âm thanh đã để âm lượng hơi nhỏ, khiến hiệu ứng âm thanh bị giảm sút đáng kể.
Hi vọng đến tháng tư năm sau, chương trình dự thi của SgACT sẽ tiếp tục gặt hái thành công tại vòng thi chung khảo toàn quốc ở Đà Nẵng.

     Đại diện đoàn SgACT, thứ 3 trái sang, nhận thưởng giải Ba toàn đoàn  

12 tháng 12, 2015

Vòng quanh múa lộn (4)

                            Triền miên tiểu thuyết của Lê Quang Phương

Chương IV :            Nàng Tuyết Vân

Mai Thị Tuyết Vân có nước da trắng như sương như tuyết. Tuổi băm đôi băm ba, nhưng mới nhìn qua tưởng chừng mới hai mốt hai hai, vì vậy cô hay bị bọn học trò mới lớn gọi là em. Những lúc như thế Vân thường nhỏ to với mấy cậu em choai choai rằng này này chị bảo cho mà biết và một điệu cười thánh thiện.  Cô đã trẻ lại biết đánh phấn bôi son nên lại càng trẻ. Cô áp đảo mồm mũi người ta bằng hương thơm. Hương từ người và từ nước hoa. Cô làm tê liệt ánh mắt người ta bằng nước da trắng, môi son, eo thon, chân dài. Nước da trắng ấy mà tắm tiên ao Cồn bảy mẫu mùa sen nở như ngày xưa thì quả là như tiên tắm. Nếu trở lại được ngày xưa như thế thì ối thằng lấy bèo tây phủ lên đầu, ngậm ống lito làm đặc công nước để tiếp cận mục tiêu.  Ao Cồn ngày nay thối mùi cứt vịt nên đừng liên tưởng tới Tuyết Vân tắm tiên làm gì cho tội.
 Khi đang học lớp 10, Tuyết Vân đã nổi tiếng nhan sắc khắp huyện Xuân Tươi. Có nhan sắc thì mắc lỗi gì!? Các thầy thì yêu mến, các cô thì ganh ghét. Bạn nam và thầy giáo nam, đứa ngu ngơ thì thích Tuyết Vân bằng trái tim và ánh mắt, thằng dũng cảm tài ba thì mắt ngắm tay sờ lòng ham muốn được sàm sỡ. Bạn nữ và cô giáo (nữ) thì ganh ghen đố kỵ. Người đẹp mà thông minh sắc sảo lại càng đẹp. Vân là một đứa con hoang. Không ai biết bố Vân là ai. Mẹ Vân xinh đẹp như Vân. Nhà nghèo nên Vân thường thiếu các khoản tiền trường. Nghèo là đau đớn nhất của một kiếp người. Cô cũng đi học đều đặn, nhưng chỉ đến trường tiết một hoặc tiết bốn năm. Thời gian còn lại cô đến nơi làm thêm kiếm tiền và cho người ta thưởng thức ngắm nhìn cô. Kiếm được tiền, một phần đem về đưa cho mẹ, một phần Vân đem đặt trước mặt cô giáo chủ nhiệm để cô gạch các khoản nợ trong sổ. Cô giáo biết đồng tiền ấy lấy từ háng cô học trò tội nghiệp ra nhưng không biết làm sao được. Vì học là phải nạp tiền, vì nhà nó nghèo mà nó lại không muốn bỏ học, vì cô phải thu đủ không thì cô mất điểm thi đua.
 Tuyết Vân được gọi thành Tiết Vân là theo cánh nói của bọn có tiền trên huyện.
   Có một phòng trên huyện được dân mạng gọi là phòng dâm dục. Phòng này cứ chiều chiều đi đánh bóng bàn là đọc thơ. Thằng trưởng phòng hay đọc:
                             Anh là con gà trống mơ
                         Sống không đạp mái bạc phơ mất đầu.
 Hai câu này hay tới mức cả vạn người ở huyện Xuân Tươi này thuộc. Nó được đăng tải trên Gugờ cho thiên hạ cùng xem.
 Rồi thằng chuyên viên phụ trách môn giáo dục công dân đọc tiếp để nịnh thằng trưởng phòng:
                        Trống mơ đánh bắt xa bờ
                        Chăm lo nạp thuế vợ  ngờ ngợ chi
 Có câu: Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” bây giờ quá đúng. Đúng nhất là ở huyện Xuân Tươi này, thơ tình và thơ ca ngợi dạt dào tuôn chảy, lai láng ở các bàn rượu  Mỗi xã đều có một câu lạc bộ thơ. Mỗi làng có một câu lạc bộ thơ. Mỗi thôn có một câu lạc bộ Thơ – Thể (tập thể dục và làm thơ ngay tại nhà văn hóa thôn). Một huyện Xuân Tươi này có 59 xã và thị trấn sẽ gần ngàn hội thơ cấp thôn làng xã. Riêng cấp huyện không gọi là câu lạc bộ nữa mà gọi là hội thơ. Có hội thơ Đường, hội thơ tình và hội thơ hưu trí thường xuyên có ấn phẩm để kính tặng kính mừng. Chỉ có phòng dâm dục mới làm thơ tình. Các ban phòng đoàn thể khác làm thơ ngợi ca. Thơ tình mới hay và mới được nhiều người đọc. Thơ ca ngợi in thành từng tập, xuât bản để chào mừng đại hội thành công tốt đẹp.
 Thơ tình là gì, là thơ để gửi cho người tình và để thỏ thẻ vào tai những bà vợ ít học, Trưởng phòng dâm dục bảo thế và đọc:
Sáng nay trên công sở
Anh nhớ em
Điện thoại kêu reng reng
Anh gọi theo em em em
Anh say em như say sự nghiệp
Nên anh không bỏ việc
Thăm em!
Say em say say say…!
Điếu  đổ
Tê tê tê
Mê mê mê.
Phê phê phê
Điếu đổ…
   Nhà thơ cấp huyện lấy đó làm xấu hổ thực sự cho thơ. Ông bảo bọn cán bộ mà làm thơ là cưỡng hiếp tập thể thơ, bóp cổ thơ. Ông lo nàng thơ bị mang bầu kiểu oẳn tù tì ngoài ý muốn mà tiếp tục đẻ ra thơ ca hò vè để dâng kính tặng. Ông cạch luôn những cái gọi là hội thơ với hội văn nghệ hoặc câu lạc bộ thơ văn liên thế hệ gì gì đó.
 Quân lắm tiền động cỡn, hay bia rượu lại hay cười khơ khớ rồi đêm đêm đi đánh bắt vùng quê. Khi ngồi vào bàn làm việc nơi công sở thì chúng làm thơ. Nguồn cảm hứng để làm thơ là hồi tưởng lại trên giường khách sạn. Nguồn để đi khách sạn là dưới cơ sở nạp lên bằng mọi hình thức. Nguồn để cơ sở cống nạp lên trên là thu từ dân. Với khẩu hiệu “Quyết liệt và quyết liệt…”, các ông xã ông làng ông thôn yêu cầu dân làng Chân Mây, không từ một ai, còn thoi thóp thở là còn sống là còn phải đóng các khoản. Khi nghị quyết hội đồng đã ban ra các khoản đóng góp rôi, nếu ai đó chết đi thì sẽ được trưởng thôn ghi nợ cho vợ con. Truy thu bằng đủ. Rồi tiền bán đất rồi tiền ngân sách hành chính công bố về. Đấy là nguồn mà quan xã vòng vo bùa phép nộp lên các ban phòng tham mưu để kính thưa. 
  Quân động cỡn có tiền này nghe tin ở làng Chân Mây có nàng Tuyết Vân là chúng săn bằng được. Đầu tiên là trưởng phòng dâm dục hay đọc thơ tình. Chiều ngày sau, bên bàn bóng bàn rồi bên bàn bia, sau khi cái bụng nào cũng trương lên do vài gầu bia tuột vào, trưởng phòng nói cho nhân viên khi cùng nàng lâm trận, da Tuyết Vân đỏ như bát tiết canh vịt ở quán nhà Ba Cụt chợ Bò.
  - Đỏ như tiết hớ hớ ! Tiết Vân hớ hớ.
 Từ thằng thanh niên chưa vợ cho đến đứa đầu hai thứ tóc đều vô tư hơ hơ cười. Cả bọn hô dzô trăm phần trăm rồi ngửa cổ cho bia tuột xuống dạ dày. Từ đó điện thoại của Tuyết Vân có nhiều số lạ gọi đến. Các số lạ đó dần thành quen rồi được Tuyết Vân ghi vào danh bạ là Huyện tài chính 1- Đầu trọc -  Huyện tài chính 2 - Ráo dục 1 – Tóc đỏ - Ráo dục 2, -Ủy ban 1 – Văn phòng …
 Tên Tuyết Vân xuất xứ từ đó. Nhưng chỉ được lưu truyền trên huyện. Dân làng Chân Mây cũng có vài đứa gọi theo thế thôi chứ mấy thằng có tiền để mà thấy da ngực da đùi trắng phau như tuyết của nàng dưới bàn tay nhào nặn của bọn có tiền có quyền mà đổi thành màu son đỏ của tiết canh vịt.
 Chả có anh nào là nông dân dám bỏ cả tạ thóc năm bảy trăm ngàn để vào nhà nghỉ Tuyết Vân àm việc. Trương Bạo tuổi thất thập nhưng cũng có lần nói với Trương trưởng làng:
 - Tao được thấy nước da từ phau phau như lông vịt bầu chuyển đỏ như mỏ chào mào rồi nhớ. Nhất là đôi trái  ngực của nó ơ hơ ơ hơ…
 Trương Văn gạt phắt.
 - Đồ nói phét. Từ nay tao quản luôn vườn chuối đình làng. 
 - Nói thật!
 - Nói phét!
 - Nói thật
 - Thứ mi đừng có nằm mơ.
 - Có mi đừng có mà mơ, chứ tao được thật.
 - Hắn có ngứa cũng chả cho mi
 - Hứ ngứa…
 - Nói phét/Nói thật/Nói phét / Nói thật…
 Hai cụ cứ thế quát nhau ngoài đình, chả cụ nào tin cụ nào, chả cụ nào sợ cụ nào, chả cụ nào chịu thua chịu kém cụ nào về mọi phương diện kể cả về cái khoản ấy (có khi chỉ là nói mồm). Trương Văn tài trí mưu mô hơn nhưng Trương Bạo lại bạo mồm bạo lực hơn. Một thằng sẵn sàng oánh bằng mồm, một đứa sẵn sàng nện bằng tay. Hai thằng là anh em họ hàng nhưng thằng nào cũng muốn làm anh. Chúng tựa vào nhau để điều khiển làng. Nhưng khi có mặt chỉ riêng hai đứa, chúng lại phát sinh sự cố vục vặc nhau. Điều này thường xảy ra ở đình làng lúc vắng người nên không ai được biết. Chuyện Trương Bạo có vào nhà nghỉ Tuyết Vân hay không, vào rồi có được mần chi hay không, Trương Trưởng làng đang cho mạng lưới tay chân dò la. Chả biết dò la để mần chi. Chắc là để cho thơ ra đời. Vì hương ước của làng văn hóa là mỗi tháng mỗi thi nhân thi hữu hội viên câu lạc bộ thơ phải đóng góp cho làng chí ít là  một bài thơ. Mỗi bài thơ chí ít phải có bảy ba hai mốt câu. Trương Văn vừa là trưởng làng vừa là chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Chân Mây nên phải nêu gương chấp hành hương ước để sản xuất thơ. Viêc săn lùng đề tài lấy cảm hứng thì không có gì phải bàn cãi.
  Không biết là may hay là không may, bởi nhà thơ cấp huyện không nắm được việc Hích và Bạo cãi nhau ngoài đình.
Nhà nghỉ Tuyết Vân năm tầng lung linh sáng màu quyến rũ mờ mờ ảo ảo nằm ven đường quốc lộ 47 chạy qua làng Chân Mây. Đây là nơi trút bỏ áp lực công việc, áp lực mưu mô làm tiền làm quan của quan chức.
  Cả hai mẹ con nhà Tuyết Vân lúc nào cũng tươi cười với khách vào nhà nghỉ. Ánh cười thánh thiện của mẹ con nhà nàng làm dịu ngọt bao trái tim cằn cỗi, làm nhu mì nhiều cái đầu nóng nảy. Chẳng ai lý giải được vì sao hai cuộc đời ấy lại có được ánh cười này.
 Mẹ Tuyết Vân ngày trước là cán bộ Văn Hóa trên huyện Xuân Tươi. Mẹ nàng nhan sắc mặn mòi lại có giọng hát hay. “Đôi ta duyên phận phải chiều / . Tơ hồng vấn vít chỉ điều xe săn / Cầm tay giao mặt dặn rằng / Chỉ thề nước biếc đạo hằng chớ quên. . Duyên i phận ta i phải chiều  ... Điệu chèo duyên phận, mỗi khi mẹ nàng cất lên là từ đứa quê mùa cho tới ông cán bộ cao thượng đều phải rửa tai lắng nghe. Vận số đã định, thầm mong một đường trời cho một nẻo. Muốn chiều nơi duyên phận mà đâu có được chiều. Đến khi giật mình mới biết đã là kẻ lạc loài hối tiếc thì mẹ nàng đã hoài thai nàng là đứa con không cha.
  Nàng mang họ mẹ. Thân hình từ chiều cao cho đến khuôn người, nét mặt trái tim đều giống mẹ.
 Tác giả của tác phẩm trong bụng mẹ nàng chính là anh chàng béo lùn có tật nói ngọng. Chàng là con ông ngân hàng, mẹ chàng làm nghề mổ lợn. Thuở còn phân phối, bố chàng còn chưa làm ngân hàng nên đói khát, được ăn bát cháo lòng nhà mẹ chàng mà bén duyên cầm sắt. Không phải hoàn toàn do ông bà ngoại nhà chàng thường chiều con rể (là bố chàng) và cấp trên (cũng của bố chàng) bằng lòng lợn xe điếu và tiết canh bát úp gia truyền mà bố chàng được vào vị trí ông lãnh đạo ngân hàng. Mẹ chàng đã âm thầm nâng bố chàng lên rồi đặt vào chỗ lắm tiền ấy. Chàng tự tin vào đời và tự tin chơi gái vì lắm tiền nhiều thịt. Bài học đầu tiên vào đời là chàng chiến thắng trên quan trường là do đã biết dùng đại liên để bắn tiền và thái độ lom khom. Chàng chiến thắng trong tình trường là dùng tiền và súng lục. Tiền và súng lục của chàng đã bắn nát đời nhiều thiếu nữ và cả những đàn bà hãnh tiến cần tiền. Mẹ của Tuyết Vân là nạn nhân của chàng trong một cuộc văn nghệ quần chúng. Mẹ chàng lại cất lên làn điệu chèo duyên phận đi qua năm tháng ấy làm tươi đẹp những tâm hồn đẹp và khuấy động dục tình những tâm hồn tình dục. Dục tình bị khuấy động điên đảo khiến súng lục của chàng lùn đã ngắm vào mẹ nàng. Sau liên hoan văn nghệ là liên hoan rượu thịt. Sau cuộc rượu thịt ấy mẹ nàng đã bị chàng lùn cướp tình và mấy lời một phần hứa ba phần dọa. Uy quyền của cha chàng lùn lớn lắm. Mẹ nàng cũng được một mớ tiền và chờ đợi. 
  Khi để lại tác phẩm trong bụng mẹ nàng là lúc chàng lùn được đi tạo nguồn.        
 Mới có mấy năm buôn da bán thịt mà mẹ con nhà nàng đã giàu có nhanh chóng. Uy tín với cán bộ thôn, làng xã ngày một cao cao thêm, tỷ lệ thuận với số tiền Tuyết Vân làm từ thiện. Mỗi khi đóng góp xây đền, xây chùa, xây đình làng, xây nghĩa địa, xây nhà văn hóa thôn, xây nhà truyền thống xã, làm đường, làm mương tiêu nội đồng,  làm công trình văn hóa cộng đồng dân cư, góp cho nhà chưa có nhà xí làm nhà xí hai ngăn; góp cho nhà có nhà xí rồi nhưng chỉ là tấm ván bắc lên rồi tỏm xuống ao Cồn, làm nhà xí tự hoại. Góp cho xóa nghèo bền vững (Cái này Tuyết Vân làm tốt nhất. Nhiều chị đã âm thầm cảm ơn và coi Vân như là ân nhân cho họ đổi đời). Tuyết Vân đã được nhân dân giới thiệu tạo nguồn lãnh đạo lên các cấp. Người đứng ra giới thiệu nàng là bà chủ tịch hội phụ nữ xã. Bà bảo rằng chữ trinh kia cũng có bằng ba bảy đường.  Cán bộ lúc đầu không đồng ý nhưng sau cũng phải ậm ờ bảo rồi bỏ phiếu
 Khi mới lập nghiệp, mình Tuyết Vân tiếp khách. Việc làm ăn phát đạt đã chiêu mộ thêm nhân viên ăn nghỉ tại nhà và nhân viên thời vụ. Nhân viên thời vụ là mấy em mấy chị cần tiền cho con đóng tiền trường, đóng các loại quỹ của làng xã. Đội quân này là những cô hàng xáo, chị thu mua phế liệu, các cháu học sinh từ lớp chín đến lớp 12. Riêng mấy chị đi thu mua phế liệu khi đi dối chồng dối con vận áo quần dơ bẩn, khi đến nhà nghỉ tìm vỏ lon bia thì xiêm y thay đổi. Người đẹp vì lụa, các chị ve chai này thoắt cái thành người đẹp từ trong ra ngoài. Quần áo lao động chân tay được lột ra nhanh chóng để thay thế bằng y phục lao động tình dục. Nội y đắt tiền được đeo vào vùng cấm. Váy ngắn hai giây hoặc một giây theo màu da mà tự chọn. Môi mày mi mắt mông má được điểm tô. Nước hoa thơm được bôi tùy chỗ tùy người, sao cho quấn quýt hương đời khó cưỡng. Thoắt cái những thục nữ nông thôn chân lấm tay bùn thành người đẹp. Giả như có anh chồng nào lạc vào nơi bồng lai tiên cảnh này, có gặp thì khó mà nhận ra đây là vợ mình. Chuyện giả thiết nhưng rồi lại có thật. Một anh chồng ở làng Đông vào nhờ vả Tuyết Vân để vay tiền chữa bệnh. Vân là bạn học cấp 2 và Vân hay thương hay giúp người nghèo. Chồng bất ngờ gặp vợ trong bộ váy áo đẹp cùng nước hoa thơm với môi son má phấn. Chồng vợ nhìn nhau, hai bên chết sững người. Người vợ định thần bỏ chạy. Anh chồng định thần ôm giữ vợ lại. Anh thấy vợ mình đẹp hơn ngày cưới. Chị thấy chồng mình uy nghi đàng hoàng hơn chán vạn thằng đàn ông đàng hoàng uy nghi. Hai người ôm nhau. Ôm nhau không biết khóc hay cười, mừng vui hay hờn tủi, chỉ có họ mới biết. Anh chồng nông dân này chưa xóa được kiếp nghèo. Người chồng đã động viên vợ tiếp tục như thế. Một năm sau. Hết năm Nhâm thìn sang năm Quý mão, nhà này được làng xóm bỏ phiếu cho thoát nghèo.
 Với nhan sắc và tài trí cùng mấy năm kinh nghiệm lăn lộn chốn đèn mờ mà học hỏi được, Tuyết Vân đã nhanh chóng đào tạo ra những nhân viên chuyên nghiệp hoặc thời vụ đắt khách. Bọn đàn ông nơi thị thành khoái món này nhất nên thường cho thêm các chị đôi chục đến một trăm sau mỗi lần. Thế là có thêm khoản tiền cho con học, thêm chai rượu nút lá chuối cho chồng uống. Các chị lại biết thêm các ngón nghề mà các thằng chồng nông dân cục mịch nay đã lưu manh hóa vẫn không có được khi lên giường với vợ. Các chị biết ơn nhà cô Tuyết Vân đã tạo thêm việc làm tăng thêm thu nhập lại tăng hiểu biết mùi đời, vượt lên số phận nông dân thấp hèn. Tuyết Vân là tấm gương để đổi đời cho các chị lấy đó âm thầm dạy con dạy cháu cách thoát nghèo bền vững nhất. Chỉ tiếc rằng trăm cô thôn nữ khó tìm được một người đẹp, thông minh mà lại có lòng thương người ngang tầm như Tuyết Vân. Tiền học tiền trường tiền xóm tiền họ tiền thôn tiền làng tiền xã là nỗi kinh hoàng với mẹ con nhà nàng từ khi còn đi học. Không có tiền đóng góp không những không có danh dự mà còn phải coi chừng, sợ lắm. Đuổi học khỏi trường. Ở làng xã, nếu không nộp thì bằng cách này hoặc cách khác xã khép cho tội chống người thi hành công vụ, rồi sẽ có lệnh bắt khẩn cấp như bao lần đã có.
 Tuyết Vân thường cho thêm tiền những cô những chị làm thời vụ. Nàng nói rằng:
   - Thương người ta lắm. Đồng tiền kiếm từ háng mình ra đem đi đóng góp tự nguyện. Chúng nó dùng phần nhỏ để xây dựng, có khi chúng chả xây chả dựng chi. Có chỗ đã có tiền nhà nước rót về nhưng chúng vẫn tuyên truyền để dân đóng góp tự nguyện. Một phần chúng chia chác, một phần chúng nộp cho trên để được bao che. Chị em mình phải dùng L mà lấy lại. Đem cái đó ra mà đè đầu cưỡi cổ lại chúng. Mà moi móc lại đồng tiền chính đáng, đồng tiền sạch của mình. Ta làm tiền bằng háng còn sạch hơn đồng tiền bóp nặn dân đen của chúng.  
 Tuyết Vân sống có tình người, như  người ngày xưa, có nỗi niềm tâm sự cao thượng xa vời và lạ lẫm như vậy mà lại có được tiếng thơm vang xa. Có cử nhân xinh đẹp thất nghiệp tìm đến với chị Tuyết Vân để kiếm sống, để tạo vốn lập nghiệp hoặc học nghiệp. Lại có cả các cô giáo đại học mầm non hưởng lương tháng bảy trăm đồng từ ngân sách xã đến nhà nghỉ Tuyết Vân. Nhà giáo lương thấp đến với Tuyết Vân để tăng thêm thu nhập nhằm đảm bảo cho cuộc sống mà theo đuổi cái nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Khi gặp những cô gái còn trinh vào nhờ bán cái tiết trinh, Tuyết Vân vội vã cầm tay trinh tiết kéo vào phòng mình mà nhỏ to thỏ thẻ rằng:
  - Tiết trinh ơi em đến đây làm gì. Đến làm gì hỡi tiết trinh ơi. Ngàn vàng hơn cả ngàn vàng, chị cho đây cầm lấy. Về mà buôn bán. Về mà đi học. Tốt nghiệp rồi thì cầm tiền đây mà tìm việc. Kẹp háng lại mà giữ cho được cái trinh. Cái trinh vạn lần cao quý, ngàn lần đức hạnh. Ai dám mua trinh, ai nào cướp trinh, sao nỡ bán trinh.
 Nàng tâm sự nhỏ to rồi nàng hát như là khóc bên em gái dại khờ:
Sầm Sơn ơi!
Sầm Sơn ơi!
Sóng vỗ ơi sóng vỗ
Tiết trinh ơi
Tiết trinh ơi
 em còn nhớ rõ
Một buổi mai trốn nhà dối mẹ
Khi đi em hãy còn trinh
Khi về mẹ hỏi tiết trinh đâu rồi.
 Thế rồi chị dỗ dành em, em dỗ dành chị. Sáng mai em về vẫn còn nghe lời chị hát theo:
                                 Khi vào em hãy còn trinh
                                 Khi ra trinh tiết em mình còn nguyên
 Với những người đàn bà lao động trong nhà nghỉ Tuyết Vân, họ vừa chân thành và tận tụy lại vừa e thẹn chiều chuộng khách làng chơi nên được lòng khách; vì họ thấy đôi ba trăm bạc là to lắm, bằng nửa tháng lương, bằng nửa tạ thóc. Đàng hoàng và sòng phẳng là cái mà các cô gái làng chơi tại nhà nghỉ Tuyết Vân chấp hành tự giác và triệt để. Không tham không ăn cắp là đạo đức của nghề nghiệp được các cô tôn trọng hơn mọi thứ điều lệ hay quy phạm ngoài  đời. Mua bán tự nguyện. Đúng người làm giá. Sòng phẳng rồi nhiệt tình. Tuyết Vân bảo ban họ như vậy. Nàng bảo “đó là trinh tiết là phẩm giá làm người”. Đường lối chủ trương cao đẹp của Tuyết Vân không những khiến dân lành kính trọng mà ngay cả dân gian, dân đen, quan làng quan xã có nhân cách cũng nể vì. Bởi đó mà Tuyết Vân yên ổn làm ăn.
 Hôm nọ có một nhân vật quan trọng đi xe sang trọng ăn mặc trịnh trọng và vô cùng cẩn trọng ghé vào nhà nghỉ Tuyết Vân. Chuyện này vẫn thường xảy ra như mọi lần. Nhân vật này trạc ngũ tuần. Người thấp lùn xấu xí, nói thì ngọng líu ngọng lo. Ăn mặc chải chuốt, đầu tóc thơm tho. Bôi nước hoa đàn ông (không rõ, hay là của đàn bà, vì thấy mấy chị mấy em đưa tay kín đáo bịt mũi theo thói quen quê mùa. Mấy em đều ớ lên một tiếng rồi hạ tay đang bịt mũi bịt chặt lấy miệng rồi vội vã lánh xa). Mấy chị em bịt mồm bịt mũi chắc không phải vì mùi nước gì đó quẹt đầu bôi tóc. Không phải do những kích thích dẫn truyền từ mũi lên não. Chị em bịt mồm bịt mũi là vì khiếp sợ. Chị em đã nhận ra ai là ai rồi. Cái bụng phệ quá súng lục ấy thì không nhầm lẫn đi đâu cho được (Bữa đấy mẹ nàng Tuyết Vân đang về quê thăm mẹ của mẹ. Bà ngoại lại đang được nghe mẹ hát đôi ta duyên phận phải chiều).
 Người này không biết có phải là doanh nhân không, hay là quan chức. Dáng điệu ranh ma, ánh mắt hèn hạ, chỉ có kẻ vô học lại có thế lực mới có. Nếu là quan chức thì việc gì chị em phải sợ.
 Quan cũng có nhu cầu thỏa mãn cậu nhỏ của quan. Thông thường mấy mụ vợ nhà quan hay nanh nọc và muốn điều khiển cả việc quan, tạo ra sức ép còn trên cả sức ép công việc. Tay kí công văn ban phát uy quyền, tay thu bổng lộc, chân đi du hí, miệng thưởng thức của ngon vật lạ. Những cái đó đâu đủ, chưa phải là đỉnh cao. Chỉ có đưa cậu nhỏ nhà quan vào nơi cần đến rồi trút hết áp lực thì mới lấy lại được thăng bằng sáng suốt và tạo được đỉnh cao đích thực. Nếu có đạo luật làm quan thì dứt khoát phải có điều khoản cho phép quan được đến những nơi mà dân thường được đến. Lại phải có chương điều bắt buộc vợ nhà quan không được nhòm ngó vào việc quan, không được thuê thám tử rình mò những nơi nhạy cảm những việc nhạy cảm của quan.
  Là thế lực đen hay đỏ, là doanh nhân hay quan nhân. Không cần biết mà cũng không thể biết.
 Ta cứ gọi là chàng, mặc dù chắc chắn chàng không phải là văn nhân vì văn nhân phải nghèo và phải ngu ngơ lạc lỏng.
 Tuyết Vân được lái xe mời ra để gặp chàng. Vì chàng lùn nên chỉ đứng đến nách của nàng. Nàng tươi cười cúi xuống cùng cái gật đầu làm mê lịm tim người. Nàng dắt tay chàng vào phòng. Theo thói quen có được từ lâu, chàng múa may lay động hai tay vào ngực vào mông nàng. Nét mặt vẫn tươi như hoa như nguyệt, miệng vẫn cười mắt vấn liếc nàng đưa một tay nhẹ nhàng gạt bàn tay chàng đang lâm le thọc xuống ngã ba vùng cấm không phép miễn vào của nàng. Tay kia, cũng kịp thời túm lấy mấy ngón tay chàng đang ham hố tìm tới núm vú nàng.  
         - Nào nào ngoan nào.
 Giọng nàng dịu mềm mà đầy uy lực.
 Nàng đã nhận ra chàng là ai rồi.
 Chính thằng này ngày trước đã cướp đi cái ngàn vàng của nàng. Lúc ấy mới vào lớp 10. Mẹ nàng ốm, nhà nàng nghèo. Nàng là đứa con không bố. Tiền xây dựng trường, tiền học thêm, tiền quỹ phụ huynh, tiền xổ số, tiền bảo hiểm, tiền đồng phục, tiền nước uống, tiền khuyến học, tiền chữ thập đỏ, tiền đoàn phí…mấy mươi loại tiền ở trường. Ở nhà, làng xã đang rầm rộ vào chiến dịch xây dựng tượng đài nghĩa trang, điện đường trường trạm lớn lao và hoành tráng lắm, huy động sức dân quyết liệt lắm. Công sở tượng đài càng nguy nga hoành tráng bao nhiêu thì lòng dân càng tan nát bấy nhiêu. Người làng Chân Mây bắt đầu bỏ ruộng bạt xứ kiếm ăn kiếm tiền gửi về nộp các khoản phải nộp.  Mẹ nàng mấy lần được xã gọi lên nhắc nhỏ rồi nhắc to rồi đe dọa vì thiếu khoản này vì chậm khoản kia. Nhà trường cũng mấy lần mời mẹ nàng lên với câu hỏi vì sao không cho con tiền đóng góp khoản kia khoản này. Nàng bị giáo viên tạm thời đình chỉ, khi nào có tiền nộp thì được vào lớp. Thương mẹ thương thân, nàng âm thầm tìm việc tìm tiền nơi quán nhậu. Nàng đã gặp hắn, gọi hắn bằng chú xưng cháu. Hắn nói ngọng nhưng hình như có chút lịch sự và thật là ra dáng ra vẻ. Ngày một ngày hai chú cháu quen thân nhau rồi ngồi xe con đi Sầm Sơn. Ngày vui tắm biển, đêm chú cưỡng hiếp cháu. Khi hắn đang tàn phá cuộc đời nàng, chống cự không nổi nàng chỉ còn biết kêu trời rồi kêu đau đau đau. Nàng thầy có cái gì đó thật là ghê tởm và khủng khiếp. Tiếng kêu đau đau đau cứ lập đi lập lại cho tới khi hắn buông tha nàng. Nàng chạy ra dầm mình vào biển đêm. Nàng lấy cát chà xát vào hai bầu vú của mình toan xóa đi những vết răng của hắn cắn. Nàng dạng chân ra nhờ sóng biển dội vào nỗi đau còn đang ứ máu hòng muốn rửa ngàn lần cho sạch. Tuổi non trẻ nàng không lý giải được tại sao tại sao!? Nàng không nghĩ đến cái chết mà nàng chỉ thì thào đau đau đau cùng sóng gió. Tiếng hô đau đau của một thiếu nữ non tơ giữa biển nước mênh mông.   
   Đau đau đau nhưng bù lại nàng được ít tiền để đủ nộp học đầu năm. Hắn bỏ tiền vào ngực vào háng nàng và buông lời ngọt nhạt ngọng nghịu anh anh em em với nàng.
 Cô giáo chủ nhiệm lật từng trang trong sổ ghi thu các khoản nộp của học sinh. Cứ mỗi lần tìm thấy tên Mai Thị Tuyết Vân cô lại xướng lên số tiền phải nộp:
 - Mai Thị Tuyết Vân (MTTV) này, tiền chữ thập đỏ năm mười ngàn đồng này. MTTV này tiền mua xổ số ủng hộ hoàn cảnh khó khăn này, hai chục ngàn đồng. Cộng. MTTV tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt thiên tai miền trung này mười ngàn đồng.Cộng… 
  Cô giáo cắm cúi tính tiền, Tuyết Vân Lẩm nhẩm tính theo. Nhà giáo vừa đếm vừa vuốt mép những đồng tiền nhàu nhỉ vừa mừng ra mặt. Tuyết Vân đã đóng đủ trăm phần trăm tiền nợ trường. Chắc chắn cô sẽ được trích lại bốn phẩy năm phần trăm công thu. Tuyết Vân thoáng nhìn thấy những đồng tiền nàng vừa trao tay cô giáo dinh dính màu bầm đỏ. Nàng cứ như người mất hồn nhìn những đồng tiền còn vương màu đỏ bầm đỏ tím rồi miệng lại mấp máy đau đau đau,
  Từ đó Tuyết Vân biết cách kiếm tiền từ đâu. Tiền đem về đưa mẹ nộp cho làng xã để yên phận cũng do nàng kiếm ra từ ngã ba sung sướng như cách bọn nó hay nói. Tiếng hô đau đau đau đã lặn vào tim nàng lúc nào không biết.
 - Ngoan nào! Nàng vừa nói vừa lấy tay véo mũi chàng, bẹo tai chàng.
 Chàng không thể nhận ra được nàng, vì biết mấy thiếu nữ đã bị súng lục của chàng bắn phá để lấy vận hoan lộ, vài ba năm đầu chàng còn nhớ nhưng lâu dần con số đã lầm lẫn. Nàng bây giờ lại đã trưởng thành, phong độ như một đại gia, như một chính khách, lại như một khối nam châm tình dục khiến cho chàng như người mất hồn mất vía.
 Nàng lấy bàn tay thơm tho của mình vuốt vào mắt vào mặt chàng, bẹo má thêm cái nữa búng mũi thêm cái nữa rồi buông lời ngọt ngào.
 - Em cho một con bé lớp 10 còn niêm. Sau có thích thì tăng 2 em chiều. Nàng nói rồi nhìn thẳng vào mặt chàng. Thằng chó chả nhớ chi. Đợi đó mà có, thằng khốn nạn. Nàng tự nói với mình rồi lấy tay vòng phía sau vỗ vỗ vào ví tiền sau mông chàng.
 Vẫn buông lời êm ái nàng bảo:
 - Mở ví ra lấy tiền.
 Chàng ngoan ngoãn mở ví.
 Vừa đá lông nheo vừa mỉm cười, nàng thỏ thẻ:
- Tiền trao cháo múc mới tươi cái đời.
 Chàng lấy tiền ra, nhét cả nắm tiền to vào ngực nàng như là nhồi lá đa vào bao tải. Chả có gì phải tiếc, bởi chàng vừa đi dự mừng đại lễ về. Với chàng tiền chỉ là lá đa. Với dân tiền là tiền, đồng tiền liền khúc ruột. Cũng chả sao vì dân luôn tự nguyện và vị tha mà.
 Những đồng tiền vừa bẩn vừa lạnh từ tay chàng sau khi nằm áp vào da thịt trên ngực nàng chúng được ủ ấm, hình như nó cựa quậy, nó sống động, sạch sẽ và thơm tho dần lên. Hình như những đồng tiền này đã ưng thuận nàng, bởi cái đức hạnh nàng dùng những đồng tiền bán trôn này vào mục đích ngược với lũ quan lại làng xã nhà nàng. Những đồng tiền này lại được chi cho những số phận hẩm hiu, nghèo nàn nơi thôn cùng ngõ hẻm.
Nàng bẹo má chàng thêm cái nữa rồi đi gọi cả tiếp viên bán trú, cả tiếp viên thời vụ đến để bắt đầu vào cuộc. Tiếp viên được nàng dặn dò cặn kẻ rằng “ sao cho … sao cho … nhưng đừng để nó chết”.
 Đêm ấy chàng vô cùng khoái lạc. Sau nhiều lần lên đỉnh núi thần tiên chàng bắt đầu lim dim rồi lịm dần, rồi tụt dốc, rồi nhanh chóng chàng thấy mình lao xuống vực thẳm tăm tối và sâu hun hút. Kinh khủng quá, chàng thấy mình hồn lìa khỏi cái thân xác lùn lùn, bụng phệ của mình rồi chơi vơi chới với. Chàng chưa bao giờ soi gương nhìn toàn bộ thân xác mình. Nay hồn chàng thoát ra nhìn lại, chàng thấy mình như là cái khối gì đấy đâu phải là thân xác giống người. Xác chàng bị đàn chó ngao cắn xé tanh bành tóe bẹ. Hồn chàng chập chờn nơi tranh tối tranh sáng. Chàng thầy mình cứ rơi mãi rơi mãi vào vực thẳm. Rồi lắc lư, lắc lư, thoi thóp, thoi thóp. Sao lại lắc lư lắ lư như thế. Lại có tiếng gì như là tiếng móng ngựa xiết vào mặt đường từng bước từng bước. Cuối cùng chàng chẳng biết gì nữa. Có một mũi tiêm cắm thẳng xuyên qua lồng ngực vào tận tim rồi một dòng nước ấm đánh thức trái tim chàng. Dòng nước ấm lên đánh thức bộ não, hồn phách chàng đang tìm lại, chập chờn lưỡng lự nhập vào thân xác. Chàng tỉnh dần.
 Nhà nghỉ Tuyết vân đã cưỡng hiếp chàng. Chàng bị cảm phòng. Cảm giác lắc lư lắc lư là Tuyết Vân để chàng trần truồng như vậy nằm lên thùng xe trâu chở tới bệnh viện. Làng Chân mây có kinh nghiệm chỉ chở kẻ phạm phòng bằng xe trâu. Nếu chở bằng xe hơi có tí mùi xăng dầu thì vô phương cứu chữa. Tuyết Vân nói vậy nhưng chưa có một công trình khoa học nghiên cứu nào để bảo lãnh dùng xe trâu hay xe hơi đúng.        
  Nhà thơ cấp huyện đã dày công nghiên cứu nhà nghỉ Tuyết Vân cả tháng trời. Thật rỗi hơi. Chẳng biết ông nghiên cứu cái gì?  Không biết ông đã thực hành thực tế được gì không. Chính nhân quân tử mày râu ra khỏi nhà nghỉ Tuyết Vân là mặt mày hớn hở, roi rói tươi, roi rói cười  Nhưng nhà thơ cấp huyện mỗi lần ra khỏi nhà nghỉ Tuyết Vân lại mặt mày ủ rũ. Sợ vợ chăng? Không. Tiếc tiền chăng? Không. Vì vợ nhà thơ biết thừa rằng nhà thơ làm gì có tiền mà tiếc. Không có tiền mà vào chốn lung linh mờ ảo như vậy để làm chi. Chỉ có đi tìm nàng thơ để làm thơ tình mới vào chốn đó. Không sai. Thử đọc mấy câu này đích thị là của thi nhân cấp huyện rồi:
Tuyết Vân trinh trắng muôn phần
  Muôn phần trinh trắng bội phần.
Tuyết Vân như tuyết như mây
Gió đưa gió đánh gió lay
Trắng trong vẫn cứ bội phần
Tuyết tan mây tán nguyệt tàn.
 Tuyết Vân bảo với nhà thơ cấp Huyện rằng : Em phải đòi lại cho được nhiều tiền. Thật nhiều tiền để em rửa hận cái đời.
 Dân làng Văn Hóa Chân Mây gọi cái lờ là cái đời.
 Chẳng biết cái triết lý sống của nàng Vân có rửa hận được cái đời hay không. Còn thơ của nhà thơ cấp huyện mu mơ mù mờ như vậy, chả hay, nghe đâu đã bị cấm. 
LQP                                                                                                                                                                                         


    Tác giả Lê Quang Phương (ngoài cùng bên phải) với bạn bè đồng đội