30 tháng 4, 2016

Đi miền Tây với bạn bè

Có 2 đồng đội Lê Quang Phương và Lê Đăng Sơn vô dự họp mặt CCB Sư đoàn 341 nên Nguyễn Quang Ngọc cầm lái chiếc mazda quen thuộc còn tôi xin sếp nghỉ lễ sớm 2 ngày thành lập một đoàn CCB C20 F341 đi miền Tây vui chơi.
Sáng 27 – 4 lên đường. Đi hết cao tốc HCM – Trung Lương thì đến Mỹ Tho Tiền Giang. Tấp vô nhà Lê Ngọc Kim, cũng là bạn sv khoa văn đi lính, cũng là đồng đội C20. Hai vợ chồng Kim Liên tốt nghiệp khóa 15 vô dạy CĐSP Tiền Giang, cùng về hưu, cư ngụ ở Mỹ Tho từ ngày tốt nghiệp ra trường cho đến nay.
Vợ Kim đi vắng, chúng tôi bước vô một căn nhà khang trang với cửa nhà mở sẵn, Kim,chủ nhà với mái tóc bạc trắng đang xào nấu món gì nghe xèo xèo trong bếp ngoảnh ra nói: chúng mày vô đi, tao lỡ tay chút. Lại thêm một thằng bạn vợ con vắng nhà tự tay nấu cơm đãi bạn.
Ăn uống xong Kim khóa cửa cùng nhập bọn với chúng tôi. Đoàn thành 5 người như 5 anh em trên một chiếc mazda. Cả 5 thằng bạn học cùng là lính cũ đều tếu táo như nhau nên trên xe luộn rộn tiếng cười đùa, cười đến chảy nước mắt, cười đến đau cả miệng. 
Hành trình chiều đi là Mỹ Tho - Bến Tre - Trà Vinh - Vĩnh Long - Cần Thơ. Một hành trình cực kì ngẫu hứng thích đâu đậu đấy.
17h đến Cần Thơ.
Trang, bạn học cùng lớp 15 khoa sinh với Ngọc và Phương đang làm trưởng khoa ở Cao đẳng Cần Thơ cùng nhiều đồng nghiệp đã đợi sẵn ở nhà hàng Năm Đời 6 bên dòng sông Hậu với một mâm tiệc thịnh soạn. Ăn uống đến 10h đêm thi về Khách sạn DONA.
Sáng dậy rời Cần Thơ. Ngọc do thông thạo địa hình nên thiết kế tua trở về rất hấp dẫn đi qua Vĩnh Long - Sa Đéc – Đồng Tháp Mười.
Chúng tôi đã đến tận trung tâm Đồng Tháp Mười với di tích tháp 10 cổ. Có chuyến đi này tôi mới được biết vì sao gọi nơi đây là Đồng Tháp Mười. Có 2 giả thiết được đặt ra và giả thiết nào cũng có lí: Là nơi có cái tháp 10 tầng; hoặc là nơi có 10 cái tháp. Tôi nghiêng về giả thiết sau hơn vì người ta đã khai quật được ở vùng này di tích còn lại của 2 tháp số 9 và số 10. Chúng tôi đến Sa Đéc ăn tô hủ tiếu bà Sìm chỉ với 6 ngàn đồng/tô mà ngon no lạ lùng; đã đến tham quan ngôi nhà cổ xưa của một gia đình quí tộc Đồng Tháp có 125 năm tuổi mà vẫn chắc chắn và đẹp đẽ; đã đến làng hoa Sa Đéc; đã ngồi giữa cái quán lơ lửng trên đồng sen Tháp Mười bông sen nở kín đồng ăn cá lóc nướng trui, ăn thịt chuột nướng mọi uống với rượu sen thơm lừng v.v.
Tối mịt mới về lại Sài Gòn sau khi kết thúc bằng chầu thịt trâu ở đường Cộng Hòa.
10h sáng nay tôi chia tay Quang Phương và Lê Sơn ở cổng Tân Sơn Nhất. 
Giờ này thì hai ông bạn hẳn đã an tọa ở quê nhà Thanh Hóa rồi, để lại sau lưng một chuyến đi ngẫu hứng với rất nhiều cảm xúc và ý nghĩa.
Hình ảnh nhiều lắm mà nằm hết trong máy Ngọc và Phương do máy tôi bị hỏng. Bộ ảnh đầu tiên của cuộc hành trình này được cả bọn nhất trí đặt tên là Điều còn lại.
Bữa tối đầu tiên, 26 - 4 chúng tôi tập kết trong căn hộ chung cư Hà Đô của Ngọc ở Gò Vấp. Vợ con Ngọc đi vắng hết nên cả bọn tự do tuyệt đối:

Trái sang: Lê Sơn, Lê Quang Phương, Nguyễn Quang Ngọc


Lê Sơn, Phương, Hà Sơn


Hà Sơn, Phương, Ngọc


                                   Lê Sơn, Hà Sơn, Ngọc



26 tháng 4, 2016

Họp mặt cựu chiến binh Sư đoàn 341


Sáng nay tại thị trấn Trảng Bom huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai, Ban Liên lạc CCB Sư đoàn 341 chúng tôi họp mặt kỉ niệm 41 năm ngày đánh trận mở màn chiến dịch HCM – giải phóng chi khu quân sự Trảng Bom.
Đây là lần đầu tiên tôi tham dự một cuộc họp mặt CCB của Sư đoàn. Những lần trước thì do tôi không biết. Năm ngoái họp mặt thật hoành tráng toàn sư đoàn ở Dinh Độc Lập thì tôi phải về quê cúng lễ 49 ngày cho ba tôi. Vì thế mà tôi rất háo hức.
Đặc biệt cuộc họp mặt CCB F341 lần này có hai ông bạn học cũng là đồng đội CCB F341 là Lê Quang Phương và Lê Đăng Sơn từ Thanh Hóa vô. Để có được chuyến Nam tiến đặc biệt của hai ông bạn xứ Thanh này, tôi và Nguyễn Quang Ngọc, rồi phải nhờ cả Nguyễn Trung Ngọc ở Vinh gọi điện cả chục cuộc thuyết phục. Riêng tôi đã phải nói với hai ông một câu gan ruột: Hồi trước bọn mình phải hành quân vượt Trường Sơn cả nửa năm trời mới vô đến Đồng Xoài, hà cớ gì bây giờ chỉ mất có 90 phút mà không vào một chuyến họp mặt với bạn bè, thắp một nén hương thơm cho đồng đội ở nghĩa trang Liệt sĩ  Trảng Bom, Long Khánh, Biên Hòa, trong đó có mộ của Đỗ Xuân Ngôn và Hoàng Huy Tụng.
Phải đến nước đó hai ông lính cũ mới nói lời OK cho.
Chiều qua Phương và Sơn khởi hành từ sân bay Sao Vàng lúc 16h. Tôi đi làm về đến nhà lúc 17h, chỉ kịp khoác cái túi nhỏ vô xe rồi chạy vội lên nhà Nguyễn Quang Ngọc để cùng kịp ra sân bay đón 2 đồng đội.
Rồi chúng tôi chén chú chén anh chuyện trò râm ran cho đến 1h sáng trong căn hộ ở Gò Vấp của Ngọc. 4h sáng đã dậy lên xe ra Trảng Bom cho kịp giờ viếng nghĩa trang.  
Khi chúng tôi đến thì đã có cả một đội quân CCB F341 đông khoảng vài trăm người đang xếp hàng ngay ngắn để chuẩn bị cho buổi lễ viếng. Hầu hết mọi người đều mặc quân phục rất đẹp, trên ngực lấp lánh huân chương, kỉ niệm chương.
Sau phần lễ, chúng tôi, Ngọc, Phương, Lê Sơn và tôi tỏa đi tìm mộ Tụng và Ngôn để thắp hương viếng bạn. Mộ Tụng thì năm ngoái tôi đã đến viếng nên còn nhớ vị trí, nhưng mộ Đỗ Xuân Ngôn thì cả bọn đến chục người tìm mãi không ra dù đã có sơ đồ mộ chí. Phải mất hơn 30 phút mới phát hiện Ngôn nằm ở một góc rợp mát bóng cây. Tình, cũng là một lính C20 nói to lên: Hóa ra ông Ngôn ni thấy bọn mình đi tìm nên trốn kĩ thế.
Chúng tôi quỳ xuống bên nấm mộ của người bạn học cùng khóa 12 khoa Văn ĐHSP Vinh, cùng nhập ngũ tháng 9 năm 1972, cùng vào Nam ra trận nhưng đã không cùng... trở về. Ngôn đã nằm lại trong trận đánh vào căn cứ địch ở cửa ngõ Sài Gòn trong lúc chỉ còn đúng một tuần nữa sẽ đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 chúng tôi được đặt chân vào Dinh Độc Lập. Mảnh đất Trảng Bom lịch sử nơi ngày xưa là chi khu quân sự khét tiếng quan trọng và ác liệt của đối phương đã thành nơi an nghỉ ngàn đời của Đỗ Xuân Ngôn và đồng đội. 
41 năm đã đi qua.
Năm ngoái cũng vào khoảng thời gian này, tôi cùng vợ chồng Nguyễn Trung Ngọc và Lê Quang Phương, Lê Đăng Sơn… đã tìm về tận nhà Đỗ Xuân Ngôn ở miền quê Hậu Lộc Thanh Hóa để thăm căn nhà Ngôn, thăm cái bàn thờ vô cùng đơn sơ của Ngôn trong căn nhà cũ kĩ không thể cũ kĩ hơn.
Nghĩa trang Liệt sĩ Trảng Bom có 696 ngôi mộ thì trong đó đã có khoảng 2/3 ngôi mộ Liệt sĩ đề tên đơn vị trên mộ chí là Sư đoàn 341 của tôi.
Dưới ngôi mộ với những phiến đá hoa cương đen bóng này là người bạn học đại học, người đồng đội của chúng tôi – Liệt sĩ Đỗ Xuân Ngôn. Trong khói hương nghi ngút của bầu trời Trảng Bom xanh cao, tôi cầu mong cho Ngôn được thanh thản mà yên giấc ngàn thu.
Hãy an nghỉ nhé bạn. Ngôn và Tụng và rất nhiều đồng đội của tôi ơi.

Trong khói hương nghi ngút trước nấm mồ của bạn Đỗ Xuân Ngôn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trảng Bom. Trái sang: Tình, Hà Tùng Sơn, Lê Đăng Sơn, Lê Quang Phương, Nguyễn Quang Ngọc. 5 thằng lính cũ 41 năm trước cùng ở một đại đội trinh sát C20 của Sư đoàn 341.


3 thằng bạn học cùng lớp khoa Văn ĐHSP Vinh khóa 12. Trái sang: Lê Đăng Sơn, Đỗ Xuân Ngôn, Hà Tùng Sơn. Chúng tôi cùng nhâp ngũ một ngày, cùng ở một đại đội C20 F341, cùng ra trận nhưng đã không được cùng nhau...trở về. Một thằng ở giữa đã thành Liệt sĩ và vĩnh viễn nằm lại Trảng Bom.  


Những cựu chiến binh sư đoàn 341 trước đài liệt sĩ Trảng Bom sau 41 năm trận đánh Trảng Bom thắng lợi

Ngày này 41 năm về trước, chúng tôi cùng là lính sư đoàn 341, cùng đánh trận Trảng Bom mở màn cho chiến dịch HCM lịch sử. Người đứng thứ 2 phải sang là Lê Tự Hiểu, cũng là lính C20 và là em của Lê Thị Hiệu bạn học cùng lớp 12A K2 với tôi. 


   


23 tháng 4, 2016

Phở Dậu – Đệ nhất phở Sài Gòn



Có lẽ trên đời này ai cũng thích được ăn ngon nhưng để trở thành người sành ăn thì không phải ai cũng có thể. Bởi ăn uống cũng là một sự lịch lãm trong cuộc sống. Một món ăn ngon không hẳn phải là món mắc tiền. Có khi những món rất mắc tiền ăn ngon đã đành mà gặp món rẻ tiền nhưng hợp khẩu vị càng ngon hơn vì vừa khoái khẩu lại vừa đỡ tốn tiền.

Chẳng hạn khi nói đến món phở dân sành ăn thường tấm tắc nghĩ về Hà Nội. Đó mới là cội nguồn của món ăn quốc hồn quốc túy này.

Vậy mà ở Sài Gòn cũng có những tiệm phở lung linh không kém gì đất kinh kì.

Nhớ có lần trên một chuyến đi từ Hong Kong về Sài Gòn bằng tàu bay của Unitid Airlines. Đội bay toàn là dân Mĩ nhưng lại lọt vô một anh tiếp viên người châu Á nhìn bộ dạng không xác định ra là dân nước nào. Mấy vị khách người Sài Gòn ngồi cùng dãy ghế với tôi vô công rồi nghề mới bày trò đố nhau anh chàng người Á đó nước nào. Ai thua thì hẹn cả bọn  sáng ngày mai gặp nhau ở quán phở Lệ nào đó. Đến lúc anh tiếp viên đi qua mọi người níu lại hỏi thì anh ta nói bằng giọng Sài Gòn: Nếu sáng mai mọi người có đi chung độ phở Lệ thì cho anh ta tham gia với.

Chẳng biết mấy người trong cuộc cá độ kia có giữ được lời hứa giữa lưng chừng trời ấy không nhưng nghe vậy thì tôi biết thêm một thương hiệu nổi danh của phở Sài Gòn. Sau này tìm hiểu mới biết phở Lệ nằm ở góc Nguyễn Trãi thuộc Quận 5 gần bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Phở quán này nổi tiếng nhờ có nước lèo ngon, thịt bò mềm, bò viên cũng ngon nữa.

Mới đây tôi được nghệ sĩ violon Trần Mùi chiêu đãi một chầu phở ở một cái quán trong khu cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Đó là phở Dậu. Một quán phở ngon khét tiếng Sài Gòn mà dân sành phở không ai là không biết.

       


                                

Phở Dậu có từ trước giải phóng. Theo nghệ sĩ Trần Mùi thì quán này ngon tới mức Trung tướng Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kì khi còn làm tư lệnh không quân của quân đội Sài Gòn cũ, mỗi lần đi kinh lí đâu xa khỏi Sài Gòn nếu bỗng dưng mà nổi cơn thèm phở thì ông ta lên trực thăng tự mình lái về Sài Gòn, ăn một tô phở Dậu rồi lại trở về nơi công cán.

Quán ở sâu trong sân khu chung cư. Không cần biển hiệu mà khách ăn nườm nượp. Anh nào ăn khỏe thì kêu tô lớn, ăn yếu thì kêu tô nhỏ. Hương vị đất Bắc tràn trề nghi ngút bốc lên từ tô phở. Nếu ai biết thêm bí quyết của quán thì kêu thêm chén nước tiết (có người kêu là nước cốt) ngọt lừ nữa thì cái ngon không thể  kể ra hết bằng lời được. Ai ăn mới biết. Ăn hết tô phở húp xong chén nước tiết giống như vừa tiêm vô người liều thuốc tăng lực vậy. Chợt thấy những quán phở 24 sang trọng rải rác khắp Tp chỉ là cái đinh ... gỉ.

Thôi không kể nữa.

Đệ nhất phở Sài Gòn đấy.


19 tháng 4, 2016

Nếu ngày mai trở lại


                   Nguyễn Đình Anh

Nếu ngày mai em về nơi đây
Em đừng quên những chiều trên biển
Biển thì đẹp, em thì trìu mến
Bóng chúng mình in lại giữa Lan Châu.

Nếu ngày mai,ngày mai em về nơi đâu?
Để anh một mình trầm tư trên phố
Trong giấc mơ chập chờn sóng vỗ
Thoáng hiện nụ cười và khúc hát của em

Nếu ngày mai em sống ấm em
Em có nhớ Lan Châu? Có về với biển
Em có nao lòng khi con tàu cập bến
Có nhận ra con đường dạo ấy ta đi?

Nếu ngày mai anh trở lại nơi đây
Anh sẽ thức thâu đêm một mình trên biển
Anh sẽ đi và lưu luyến mãi
Gọi em hoài trên biển khi trăng lên./.

                                       NĐA


Tác giả Nguyễn Đình Anh; Lớp 12A - K2 ĐHSP Vinh; hiện ở Vinh



14 tháng 4, 2016

Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Bình: Bị chê, năn nỉ và dọa kiện

Bài viết “Ất ơ như du lịch Quảng Bình” của tác giả Hà Tùng Sơn đăng trên Lao Động.
Bài trên báo Lao động số ra ngày 12/4/2016 của nhà báo Minh Thi; link:http://laodong.com.vn/van-hoa/trung-tam-xuc-tien-du-lich-quang-binh-bi-che-nan-ni-va-doa-kien-539692.bld
Sau khi Báo Lao Động đăng tải bài viết của bạn đọc phản ánh tình trạng “vườn không nhà trống” của gian hàng đại diện cho ngành du lịch Quảng Bình tại Ngày hội Du lịch TPHCM lần thứ 12 diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, tác giả bài báo đã nhận được những lời “năn nỉ” xin gỡ bài, thậm chí còn bị dọa dẫm và bắt xin lỗi.
Gian hàng “vườn không nhà trống”
Ngày 8.4, Báo Lao Động Điện tử đã đăng bài “Ất ơ như du lịch Quảng Bình” của bạn đọc Hà Tùng Sơn. Bài viết phản ánh tình trạng “vắng vẻ, trống trải và vắng lặng đến nao lòng” của gian hàng đại diện cho ngành du lịch Quảng Bình tại Ngày hội Du lịch TPHCM lần thứ 12 diễn ra từ 24 - 27.3 vừa qua. Tác giả cũng góp ý để cách trưng bày, quảng bá sản phẩm du lịch Quảng Bình sao cho khoa học và bắt mắt hơn, cũng như nhân viên Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh cần thay đổi tác phong làm việc tích cực hơn.
Trong bài viết, tác giả Hà Tùng Sơn ghi nhận: “Dù lúc đó đã là 10h sáng của ngày khai mạc 24.3 nhưng ở đó chỉ là một gian hàng trong tình trạng “vườn không nhà trống”. Chỉ có hai cái bàn với bốn cái ghế và không một bóng người, không một phương tiện truyền thông (chẳng hạn như cái màn hình ti vi để chiếu các clip về du lịch tỉnh nhà), không cả một tấm áp phích, pa nô, không một sản phẩm trưng bày…”.
Hai ngày hôm sau, 26.3, vào lúc 8 giờ sáng ông quay lại, thì vẫn cảnh “gian hàng của Du lịch Quảng Bình vẫn che bạt kín mít”. Ông kể tiếp: “Tôi đứng chờ một lúc thì thấy có hai anh thanh niên từ trong ra mở bạt. Kiên nhẫn đứng chờ tấm bạt xanh được mở ra, tôi lại thấy hiện ra cảnh “vườn không nhà trống” của gian hàng du lịch Quảng Bình ngày khai mạc… Đúng 11 giờ, tôi lấy hết kiên nhẫn và cả sự tò mò cố hữu về một hiện tượng “vô tiền khoáng hậu” để quay lại gian hàng Quảng Bình. Hai anh thanh niên trông coi gian hàng đã biến đâu mất. Chỉ có bác lớn tuổi (chắc cũng quê hương Quảng Bình như tôi) đang bần thần đứng ngắm gian hàng của Quảng Bình cho đỡ nhớ quê hương”.
Tác giả kết luận: “Tất cả chỉ có thể nói là một sự tắc trách, vô trách nhiệm với công việc, với sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà từ chính lãnh đạo ngành đến nhân viên thực hiện. Hay là hai nhân viên nam kia nghĩ rằng vào trong thành phố phương Nam xa xôi cả ngàn cây số nên không ai biết, muốn làm việc ra sao cũng được”.
Trung tâm đòi “xin lỗi”, Sở sẽ kiểm tra
Sau khi bài báo đăng, Báo Lao Động đã nhận được công văn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình về việc tiếp thu ý kiến bạn đọc Báo Lao Động. Nội dung công văn nhấn mạnh: “Trước hết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình chân thành cảm ơn và trân trọng tiếp thu ý kiến phản ánh của tác giả bài viết và đông đảo bạn đọc quan tâm đến du lịch Quảng Bình. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình có ý kiến như sau: Đây là hoạt động thường niên mang tính chất sự nghiệp, do Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Bình tổ chức thực hiện. Sự việc trên xảy ra tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, do đó chúng tôi sẽ kiểm tra lại quy trình và kết quả của hoạt động này, trên cơ sở đó sẽ xem xét, chấn chỉnh và xử lý tập thể, cá nhân liên quan (nếu có sai phạm) và sẽ thông tin đến quý báo, bạn đọc được rõ”.
Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại đó, tác giả bài viết Hà Tùng Sơn nhận nhiều cuộc điện thoại từ một người xưng là Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Bình, “năn nỉ” ông Sơn nói với Báo Lao Động gỡ bài báo xuống vì người này đang bị lãnh đạo tỉnh bắt viết tường trình, kiểm điểm sự việc theo nội dung phản ánh trên Báo Lao Động. Và một người khác cũng nhắn tin cho tác giả qua facebook, đề nghị ông “viết lời xin lỗi Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Bình, nếu không, Trung tâm sẽ kiện”.
Tác giả bài viết cũng khẳng định: “Tôi bảo đảm là tôi viết đúng như những gì đã thấy. Thậm chí là viết không hết nữa. Chỉ mong lắng nghe những đóng góp chân thành, cầu thị, Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Bình nên nhận lỗi, tiếp thu để sửa chữa, từ đó phát triển ngành du lịch của tỉnh nhà”.

11 tháng 4, 2016

Một thoáng Tiên Dung

 Viết nhân ngày giỗ Tổ

                                                       Truyện của Chử Anh Đào

                                                                                                                       
Lại một đêm mất ngủ. Khi ban mai còn đẫm sương đêm và mờ ảo như làn khói loãng phía xa mờ phía ngã ba Hạc Trắng, Tiên Dung xuống giường, xỏ chân vào đôi dép cỏ mà bà vú đan cho, với lấy cái khăn mặt đi về phía giếng Ngọc. Còn vương vấn trong không gian quanh nhà là ngát mùi hoa bưởi, hoa xoan. Bao giờ cũng thế, cứ sau tết là trời ấm dần lên. Muôn loài, sau những chịu đựng cùng cực trong giá buốt giờ như được Mẹ Tự nhiên thổi vào luồng sinh khí. Người ta muốn được sống. Người ta cố hít sâu vào lồng ngực hương hoa, mạch sống đất trời. Ở tuổi trăng tròn, Tiên Dung không là ngoại lệ. Mà hình như niềm mê say, khao khát ấy nơi nàng còn bạo liệt hơn những người khác. "Mất ngủ" với nàng có nghĩa là không muốn ngủ, muốn được sống. Vì những đêm xuân như thế thì ngủ là một sự phí hoài.
Giếng Ngọc nằm lưng chừng núi Nghĩa Lĩnh, nước trong văn vắt, mát lành và không bao giờ vơi cạn. Tiên Dung buông vấn tóc bới đuôi gà nghiêng xuống. Mặt gương trong vắt hiện lên một khuân mặt có nước da trứng gà bóc; đôi mắt to đen, như biết nói dưới cặp lông mày hơi rậm và xếch rất nam tính; sống mũi thẳng hơi hếch và đôi môi nồng thắm. Tiên Dung khẽ mỉm cười và giơ ngón tay cái dứ dứ vào khuôn mặt kia- một gương mặt kết tụ những tinh hoa của bố và cái (mẹ).
Tiên Dung ăn sáng bằng xôi sắn chấm muối vừng, trám om với các mị- đám tì nữ. Xôi được nấu bằng gạo tiến kẻ Á và sắn Phú Lộc. Những hạt xôi trong như ngọc, mịn màng bám vào những cọng sắn ruôi mỏng tựa những chùm hoa nhỏ. Mùi xôi thơm lựng, đẫm mùi sỏi đá trung du, mùi phù sa bờ bãi sông Hồng, mùi mồ hôi dân dã và cả khí thiêng đất trời hội tụ. Thời đại Tiên Dung sống là buổi bình minh của lịch sử. Đã có nhà nước, có người đứng đầu nhưng tất cả mọi thứ hầu như đang còn lẫn vào nhau, hòa quyện vào nhau, khó mà phân biệt. Từ cái ăn, cái ở đến mọi sinh hoạt khác đều mang một chữ :con người. Vua cũng cày ruộng, săn bắn; hoàng hậu, công chúa cũng trồng dâu, dệt vải, hát xoan sân đình...Khác chăng là tài thao lược và đức độ của người đứng đầu và lòng muôn dân kết về một mối nơi núi thiêng Nghĩa Lĩnh. Bằng chứng là những của ngon vật lạ, những sản vật đặc sắc một vùng như mắm tôm, cá Kẻ Gáp, tương Dục Mĩ, chuối Bản Nguyên, cọ Phù Ninh, trám Trạm Thản...mùa nào thức nấy, các con dân đều "tiến" lên vua cha yêu quí của mình...
Bữa sáng đã xong. Hôm nay Tiên Dung sẽ cùng đám tì nữ ra bến Then, xuôi sông Cái về bến Bạch Hạc để thưởng thức món cá Anh Vũ kho tương như lời hẹn của người bạn thân con tù trưởng Bi dưới ấy. Là phận nữ nhi nhưng Tiên Dung lại toát lên những khí chất của đấng mày râu. Từ nhỏ nàng đã không thích chơi ô ăn quan, đánh chuyền đánh chắt mà thích khăng, thích đáo, bày trận giả đánh nhau của bọn con trai. Lớn lên một chút là tập cưỡi ngựa, theo các anh các chú tập phóng lao, bắn cung, bắn nỏ...Như có ngọn lửa hồ thỉ tang bồng, dặm nghìn da ngựa ngày đêm cứ sục sôi, gào thét trong huyết quản, như đối nghịch với thân hình ngày một căng nở mà mềm mại, đầy nữ tính của nàng.

                 Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung (Tranh vẽ từ internet)

Con sông Cái vĩ đại gập ghềnh hiểm trở nơi thượng nguồn mà khi về đến kinh đô Phong Châu trung du đã trở nên hiền hòa, bao dung và độ lượng. Con sông nặng phù sa, miệt mài năm tháng bồi đắp bãi bờ xanh biếc bãi ngô, mía, dâu tằm. Con sông đã đi vào mặt trống đồng rộng hơn sải tay đặt nơi chính điện trong cung cấm. Đang là tiết thanh minh. Bầu trời trong sáng. Những con lũ còn đang hoài thai nơi rừng sâu núi thẳm thượng nguồn. Nước sông trong leo lẻo, có thể nhìn thấy từng đàn cá trôi, cá măng tung tăng bơi lội. Thi thoảng, có con hứng lên tung mình khỏi mặt nước, làm một đường cong phồn thực, khoe vảy lóng lánh dưới ánh mặt trời. Rời bến Then, thuận buồm xuôi gió, thuyền đã đi qua Xuân Lũng, Xuân Huy, rồi Thạch Sơn, Hợp Hải. Qua những nơi mà nghìn năm sau sẽ thành di chỉ: Sơn Vi, Gò Mun, Hiền Quan, Văn Lang... Khi tới bến Á thì nắng chiều đã dịu. Dòng sông như nở rộng thêm ra. Mùa hè qua, dòng chính sông Cái chảy bên hữu ngạn. Bên này là bời bời ngô, lúa. Tuần tự mỗi năm sông đổi dòng như thế. Thấp thoáng thuyền ngư phủ, tiếng gọi đò. Từng đàn hạc trắng mải miết bay về núi Tản viên- quê hương của ông anh rể Sơn Tinh trước mặt. Những sợi khói chiều của thôn dã bên trong đê đã rụt rè vẽ những nét xanh mảnh vào  bầu trời cao rộng. Phong cảnh thanh bình và nên thơ quá. Tự nhiên cảm hứng tuôn trào. Tiên Dung muốn dừng lại bến sông này để được vẫy vùng, được hòa mình cùng dòng nước mát. Thuyền dừng. Nàng trút bỏ xiêm áo, hồn nhiên như đứa trẻ lên ba ùa xuống bãi cát. Dấu chân nàng in trên cát trắng như những bông hoa sen, hoa súng tươi hồng. Rồi nàng lội xuống dòng sông. Muôn nghìn hạt nước mơn man, ve vuốt và vỗ về cái cơ thể thanh tân của nàng. Như không chỉ có nước mà còn là gió, là hương, là chim, là cá, là ánh dương cùng nhảy múa, reo vui bên nàng. Tất cả làm nên một bức tranh của Mẹ Tự nhiên vĩ đại mà Tiên Dung là nhân vật trung tâm.
Chuyện tắm xong, lúc bọn tì nữ quây màn để nàng dội lại bằng nước giếng nấu lá xả lấy ở trong thôn ra, gặp chàng trai họ Chử nghèo khó không áo quần vùi trong cát; rồi vượt qua nỗi sợ hãi với bề trên, họ nên vợ nên chồng thuận lẽ tự nhiên và chàng trai ấy trở thành tứ bất tử của người Việt hàng mấy nghìn năm sau thì ai cũng biết. Người viết chỉ lưu ý hai chi tiết. Một. Lúc Tiên Dung dội nước, cái mà nàng nhìn thấy đầu tiên dưới chân mình là một vật giống hình cái nấm đang độ nhú mầm, chưa có tai xòe rộng. Chẳng mất nhiều thời gian là mấy, Tiên Dung nhận ra nó giống y đúc vật thiêng gọi là "nõ" trong lễ hội phồn thực Trò Trám của kẻ Gáp ngày mười một tháng giêng cách đây vài tháng mà nàng đã đi xem. Cát bám vào vật ấy bị nước xối trồi hẳn lên giữa thanh thiên bạch nhật. Một thoáng rùng mình, ngạc nhiên, đỏ mặt, nhũ hoa cương cứng, tê dại, miệng khô cứng, hơi thở gấp gáp, đứt quãng...Nàng cúi xuống, dùng hai tay vuốt nhẹ "nõ" và áp nó lên má đỏ như gấc của mình. Trời nghiêng một sắc cầu vồng nơi nàng quì xuống...Rồi mới đến cánh tay, gương mặt và toàn thân người chồng tương lai. Hai. Tiên Dung và Chử Đồng tử không quay về kinh đô mà dong buồm xuôi mãi về phía Đông- Nam, mạn Gia Lâm, Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên ngày nay. Hành trình này rất thuận ý Trời, được Vua cha tha thứ. Và trước mũi thuyền tình yêu của họ luôn có đàn chim Lạc bay trước dẫn đường.
                                                         PK. Trước ngày giỗ Tổ
                                                         5/3/ Bính Thân 2016
                                                                     C.A.Đ
                                                                       

            

Quan chức – Vạ miệng và xin lỗi

Chiều ngày 1 tháng 4 năm 2016, khi Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã phát biểu:đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng người dân không biết (người viết nhấn mạnh) nên có cảm giác là tất cả không an toàn.”
Phát ngôn mang tính khẳng định của Bộ trưởng Phát, chưa thể nói là đúng hay sai nhưng xét về logic hình thức, ông đã đổ trách nhiệm thực phẩm bẩn cho người dân và từ đó đi đến một khẳng định đầy tính võ đoán “người dân không biết”.
Đó là một phát ngôn thiếu khôn khéo nếu không nói là quá dại dột từ một chính trị gia cao cấp như Bộ trưởng Phát. Bởi gần như là ngay lập tức sau phát biểu của ông Bộ trưởng đã làm dậy sóng từ trên báo chí đến trên cả diễn đàn Quốc hội, từ quán café vỉa hè cho đến các diễn đàn mạng, nhất là trên mạng xã hội facebook. Đỉnh điểm là bài đăng trên báo Lao Động với cái tít cũng đầy tính khẳng định: “Ông quá coi thường dân thưa ông Phát”.
Kết quả là ngay sau đó Bộ trưởng Phát đã phải mời đại diện báo Lao động và cánh báo chí đến văn phòng bộ để xúc động nói trước ống kính truyền hình quốc gia: “Tôi xin lỗi người dân”.
Có lẽ trong đời làm chính trị của mình, chưa khi nào Bộ trưởng Cao Đức Phát sử dụng ngôn ngữ một cách khó khăn như thế.    

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hachiro xin lỗi dư luận và xin từ chức vì vạ miệng. (Ảnh: Asahi)

Tình trạng quan chức và chính trị gia đổ trách nhiệm cho dân, thậm chí nói xấu dân ở nước ta không phải là ít. Còn nhớ tại phiên họp Quốc hội ngày 17.11.2011, đại biểu Quốc hội đoàn TP. HCM Hoàng Hữu Phước khi trả lời báo chí đã nói rằng: "Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình". Cách nói của Đại biểu Phước có thể dễ dàng dịch ra là do dân trí nước ta thấp nên chưa cần ban hành luật biểu tình như các nước văn minh khác.
Lần khác, một quan chức ngành ngân hàng khi trả lời phỏng vấn của báo Thanh niên (số ra ngày 25.8.2012), thì nói: "Do dân trí, tập quán ở Việt Nam chưa cao như ở một số nước. Rất nhiều người dân hiện nay đi gửi tiền nhưng cũng không để ý đó là ngân hàng tốt hay xấu. Có khi chỉ vì ngân hàng này ở ngay đầu ngõ nhà mình nên mang tiền đến gửi cho thuận tiện.” Nói vậy là lại coi thường dân nữa rồi. Dân ta có câu “Đồng tiền liền khúc ruột”. Khi đưa tiền gửi vào một ngân hàng nào đó hẳn họ đã rất biết cách  “chọn mặt (để) gửi vàng”. Lãnh đạo ngân hàng mà nói thế có khác gì tự mình “vác đá ghè chân mình”!
Cũng lâu rồi, cách đây gần cả chục năm, một lãnh đạo cao cấp của Hà Nội (bây giờ thì ông đã rời chính trường) khi đi kiểm tra tình hình ngập lụt nặng nề của thành phố Hà Nội hồi tháng 11 năm 2008 đã dại mồm dại miệng mà nói: "Tôi thấy dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm". Sóng dư luận lại dậy lên ngay lập tức và ông này cũng phải ngay lập tức nói lời xin lỗi trên báo chí: "Tôi thực sự lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người".
Nói lời xin lỗi dân, đó là một giải pháp ứng xử khôn ngoan của chính khách trong một thế giới văn minh. Tiếc rằng không phải chính khách nào cũng biết điều đó. Những chính khách không biết nói lời xin lỗi sau những cơn vạ miệng sẽ suốt đời nợ dân, dù chỉ một lời xin lỗi.
Tục ngữ Việt Nam có câu rất hay: Lỡ chân thì dễ, lỡ miệng thì khó”. Tục ngữ Trung Hoa có câu cũng rất hay: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời đã nói ra bốn ngựa khó lòng đuổi theo). Vì thế tục ngữ cũng có câu  “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là vậy. Hay giản dị hơn như câu ca dao mà có ý nghĩa như một câu tục ngữ ông cha ta đã đúc kết: Lời nói chẳng mất tiền mua; Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Sống ở đời, ai khôn ngoan mà chẳng dại đôi lần. Vấn đề là biết cách để càng ít dại càng tốt và khi đã lỡ dại thì nên biết nói lời xin lỗi. Ấy cũng là khôn vậy.


7 tháng 4, 2016

Đôi dép

                                           Truyện thiếu nhi của Chử Anh Đào

Đó là đôi dép nhựa mẹ mua cho Nghi cách đây gần một tháng. Đôi dép màu xanh dương có hai sọc trắng nơi quai trông thật thích mắt. Không phải cứ cũ rách đôi này mới mua đôi khác. Nghi có hẳn một bộ sưu tập giày dép. Chả là xem hoạt hình qua ti vi, điện thoại, những nhân vật mà Nghi yêu thích giày dép, áo quần, mũ mãng...có cái gì là Nghi vòi mẹ mua cho bằng được. Chỉ tội người mẹ trẻ tội nghiệp, lương giáo viên ba cọc ba đồng mà không bao giờ từ chối ý thích của đứa con thơ.
Chiều chủ nhật hôm ấy, trong lỉnh kỉnh hàng hóa mẹ mua ở siêu thị về có đôi dép. Nghi nhảy cẫng lên, quàng tay qua cổ và hôn rối rít vào má mẹ. Đôi má lấm tấm mồ hôi bừng đỏ vì hạnh phúc đơn sơ. Đôi dép trong bì nilon có nhãn con rồng vàng, Nghi nâng hai tay lên mũi hít hà, tận hưởng cái mùi nhựa thơm ngái, quyến rũ. Nó khư hư với đôi dép cả lúc ăn cơm chiều. Tối đến, nó đặt đôi dép lên trên chiếc gối màu hồng nơi giường ngủ. Với nó, đôi dép đêm nay là người bạn mới thân nhất trần đời. Rồi nó thiếp đi trong những âm thanh ngọt ngào, quen thuộc của những "Mẹ yêu con", "Lời ru mùa đông"...nơi cái máy đầu giường. Trong mơ nó thấy đôi dép thần giúp nó bay lên trời xanh, tay nó chạm vào những đám mây trắng có đủ hình thù các con chim thú trong gian đồ chơi: gấu bông, khủng long, cá sấu, đà điểu, chó, mèo... Nó cùng đôi dép bay qua những dãy núi cao ngất để gặp đại bàng,vua sư tử; bay qua biển rộng vào nhà cá voi; bay tới đảo châu báu để chỉ lấy một đồng tiền vàng về tặng mẹ; bay vào rừng thẳm tới nhà bà cô bé quàng khăn đỏ; bay ra thảo nguyên bời bời hoa hướng dương để nhặt tiếng hót chim sơn ca trong như ngọc vừa buông xuống...Gió ù ù bên tai nhưng đôi dép bảo: " Đừng sợ. Tớ có sức mạnh thần kì. Với lại, có những người bạn tốt bên cạnh thì không bao giờ phải sợ bất cứ cái gì".



Chiều nay cuối tuần, khi bóng cành phượng ngoài sân ngả xuống hàng gạch thứ hai trước hiên thềm là lúc tan trường. Hờ hững cầm cái "phiếu bé ngoan" trên tay, Nghi chờ gương mặt rạng rỡ của mẹ ngoài cửa lớp. Với nó, "phiếu bé ngoan" không là chất gì. Hồi mới học hết tuần thứ nhất, chiều về nội hỏi: "Cháu ông có được phiếu bé ngoan không?" Nó miễn cưỡng rút cái mẩu giấy nhòe nhoẹt trình ông. Lát sau ông lại hỏi: "Phiếu đâu để ông dán vào bảng". Nó bảo: "Con xé tan xác "phiếu bé ngoan" rồi". Phần thưởng gì mà ai cũng được, kể cả những đứa hay khóc nhè, không chịu ăn, ngủ trưa hay bĩnh ra cả váy quần?
Nghi bước tới giá, thản nhiên cầm đôi dép màu xanh thân thuộc. Ra cửa, mẹ bảo:"Nhầm rồi, không phải dép của con. Sáng nay con đi dép màu vàng có hình con bướm". Nó vẫn khăng khăng nói đây là dép của nó. Mẹ bảo: "Dép con sạch hơn bởi bà nội ngày nào cũng rửa. Nó bảo: "Thì sáng sạch. Nhưng mẹ chở con từ nhà tới lớp thì phải bụi chứ". Mẹ chỉ: "Đôi dép này là của một bạn trai. Con xem, nó rộng hơn nhiều so với dép con". Nó cãi: "Thì con dùng lâu năm nên nó phải rộng ra chứ". Không biết với con bé bốn tuổi thì "lâu năm" với nó là bao nhiêu? Chỉ biết có một thằng cu đang mếu máo mách mẹ nó: "Bạn Nghi giành dép của con". Người mẹ nói nhỏ vào tai cậu mấy câu gì đấy mà nạn nhân của vụ cướp cạn tươi ngay lên như hoa mai ngày tết.
Bước vào nhà, một đôi dép giống y hệt nhưng được xếp ngay ngắn, sạch sẽ như có ý chờ chủ nhân ngay cửa phòng ngủ. Mẹ chỉ đôi dép với giọng nghiêm lạnh khác thường: "Giờ thì con biết mình sai chưa? Ngày mai lo mà trả lại và xin lỗi bạn ấy". Nó đỏ mặt, bối rối nhưng giọng lại đanh thép khác thường: "Bạn Nhu. Dép có hai đôi giống nhau. Nhưng mẹ chỉ có một. Dứt khoát là con không bao giờ nhầm, mẹ nhỉ".                                                                                                                                                                                               PK. 6/4/16

                                                                   C.A.Đ


Chim sâu

                                              Truyện thiếu nhi của Chử Anh Đào
                                                
Mỗi lần đi đâu về, cái Nghi- đứa cháu vừa bốn tuổi tháng trước lại lon ton ra cửa, khoanh tay, cúi đầu: "Con chào ông nội". Rồi chưa kịp nghe hết lời khen chỉ có ba từ "cháu ngoan lắm" nó đã vội vàng chạy về chỗ của mình để mải mê hoặc là chơi xếp hình, hoặc dán mắt vào ti vi, điện thoại xem phim "Hãy đợi đấy", "Vua sư tử"... Làm như nếu không chơi không xem những thứ ấy thì sẽ không lớn nổi thành người.
Nhưng hôm nay thì khác. Vừa nghe tiếng xe máy ngừng nó đã chạy ra, quên cả chào mà cầm tay ông lôi xềnh xệch xuống nhà sau. "Ông nội, đi với con. Có cái này hay lắm!"



Sau sân nước là khoảng đất trống gọi là "vườn" chỉ nhõn một cây quất chơi tết năm ngoài rồi trồng lại. Cộng thêm đúng một bụi gừng và một bụi riềng, tang thương như trong thơ Phạm Thái. Nhưng vườn của hai nhà bên cạnh thì khác, Bên phải của ông "Mít đặc" vì nhãn mít chen nhau mà sum suê tỏa mát. Bên trái là của ông "Rượu dâu", mướt một vườn dâu. Chẳng phải nuôi tằm dệt vải như thủa thanh bình xa xôi mà chủ nhà lai rai thu hoạch quanh năm làm rượu bán. Bé Nghi không biết chuyện ấy. Với nó thích nhất là những quả dâu chín mọng, có thể nhờ người lớn hái ăn hoặc chơi đồ hàng. Ví như những quả dâu cũng là một gia đình. Những trái lớn là ông bà bố mẹ rồi đến các anh chị em. Nó bày ra, xếp thành vòng tròn như đang sắp tới bữa, chỉ tay vào quả dâu nhỏ nhất: "Quang, em mời ông bà và cả nhà ăn cơm đi chứ". Nếu ở xa hay khuất tầm nhìn thì ai cũng tưởng "hội" này phải gồm hai ba nhóc trở lên vì ngôn từ gồm rất nhiều nội dung, cung bậc: thân ái, trìu mến, quát tháo, nạt nộ, ra lệnh, dỗ dành...Tới nơi, Nghi buông tay ông ra, đặt ngón trỏ lên miệng rồi hỏi nhỏ:
- Ông có nghe thấy gì không?
Như nhiều đứa trẻ con khác thời nay, nó rất hay hỏi và chờ đợi những câu trả lời. Mà chẳng biết là đùa hay nghiêm chỉnh. Ông trả lời đúng nó cũng chán. Có lần nó bảo: "Sao người lớn cứ đúng mãi thế? Cho con đúng với chứ." "Muốn con đúng thì ông phải làm sao?" "Thì ông phải giả vờ trả lời sai đi"...Lần này cũng vậy, dù đã nghe thấy những tiếng "lích chích" nhưng ông bảo "Ông  nghe thấy tiếng còi ô tô".
- Ông ráng nghe gần hơn đi. Ở trên những cành dâu ấy- Nó chỉ một ngón tay như lãnh tụ, đầy tính định hướng.
- À, giờ thì ông nghe ra rồi. Tiếng chim sâu gáy.
- Không phải "gáy" mà là hót. Thế ông có nhìn thấy chúng không?
- Ông không nhìn thấy. Chỉ thấy phía đó có cái gì động đậy.
- Chán ông quá. Ông bỏ kính ra để nhìn cho rõ hơn đi. Động đậy thì lá dâu cũng động đậy vì gió thổi. Còn chim sâu động đậy là do nó có màu khác(!) do chúng bay nhảy từ cành nọ sang cành kia.
- Ờ, Ờ, ông nhìn thấy một con rồi.
- Có nhiều con lắm. Gọi là gì ấy nhỉ? "Một bầy". Phải rồi, một bầy chim sâu.
Nó hỏi tiếp:
- Thế đố ông chúng đang làm gì?
- Dễ ợt. Chim sâu thì tìm bắt sâu chứ gì nữa.
Nó nhìn ông như vừa thương hại vừa đắc thắng:
- Lần này thì ông thua cháu thật rồi. Lúc đầu cháu cũng nghĩ như ông. Nhưng nhìn kĩ. Cháu định nhìn những con sâu bị tóm như thế nào thì thấy là không phải.Chúng không bắt sâu mà tìm những quả dâu đã chín đen để ăn.Ăn miễn phí, ăn tự chọn đấy ông ạ. Thế là có hại đấy ông ạ. (Cũng như ông mắt kém, nặng tai, xem ti vi có tật cứ gào lên hỏi con cháu: "Bên ta đâu? thằng nào là địch? đánh bỏ mẹ chúng đi", nó thường phân các con chim, thú thành hai loại: có lợi và có hại). Rồi nó trở nên trầm ngâm như bà cụ non : "Tưởng bảo vệ (từ nó mót của cô mẫu giáo) lại hóa ra ăn cắp. Không hiểu vợ chồng ông "Rượu dâu" có biết không nhỉ?"
                                                                                                PK 17/3/16

                                                                                                    C.A.Đ