29 tháng 5, 2015

Tôi đi nằm viện


Chọn đúng dịp cuối năm tôi xin nghỉ việc một ngày để đi khám sức khỏe tổng quát định kì. Ở bệnh viện Thống Nhất có quy định 6 tháng người bệnh được đi khám tổng quát một lần nhưng tôi thì cứ 12 tháng mới đi. Một là vì tôi lười khám. Hai nữa là trước đó công đoàn trường cũng đã tổ chức cho GV, CB, NV được khám rồi. Vậy là một năm tôi có hai lần khám tổng quát ở hai bệnh viện khác nhau. Một ở nơi tôi đăng kí bảo hiểm y tế là BV Thống Nhất và một nữa ở nơi trường hợp đồng thuê khám.
Theo kinh nghiệm, tôi không ăn sáng và dậy đi sớm. Tiếng là bệnh viện dành cho đối tượng trung cao nhưng ở Thống Nhất lúc nào cũng đông nghịt người bệnh. Đa số là ông già bà lão về hưu đã lâu ngày, đi chậm và nói khẽ (vì loại này muốn đi nhanh nói to cũng không còn sức chứ không phải họ văn minh lịch sự gì).
Khám tổng quát nghĩa là phải đi qua hàng chục phòng khám chuyên khoa với hàng chục vị BS khác nhau. Tôi ghét nhất ở phòng khám siêu âm. Một cô y tá trẻ bảo tôi nằm dài lên giường cởi thắt lưng ra. Tôi đang lóng ngóng vì ngại thì cô y tá đã kéo tụt hẳn quần tôi xuống quá mông, rồi xoa lên một lớp dầu mỡ gì đó lạnh ngắt để một bà BS khác dò máy siêu âm màu.   
Vừa nhìn trên màn hình đến đâu bà BS vừa phán đến đấy: Gan nhiễm mỡ nha, máu cũng nhiễm mỡ nha…  Rồi bà yêu cầu tôi nên bỏ hẳn bia rượu, bớt ăn thịt và tăng thêm rau trong bữa cơm… Khi tôi đã ngồi dậy rồi, bà BS tỏ vẻ ân cần hỏi chứ anh còn thấy thường bị đau hay nhức mỏi chỗ nào nữa không. Tôi nói là hay bị đau lưng, nhất là đau mỏi ở vùng thắt lưng. BS khuyên tôi nên sang khoa chẩn đoán hình ảnh chụp MRI để kiểm tra vùng cột sống cho chính xác. Tôi bảo vậy để tôi sang đó chụp luôn cho khỏi mất thì giờ. Bà BS nói ngay: không được. Người bệnh ngoại trú mỗi lần chụp MRI phải bỏ tiền túi ra trả 2,5 triệu. Nếu muốn miễn phí theo chế độ điều trị bảo hiểm thì tôi phải lập thủ tục nhập viện để thành một bệnh nhân nội trú. Khi đó bệnh nhân sẽ được miễn toàn bộ viện phí kể cả chụp MRI. Tôi hỏi nếu nhập viện luôn bây giờ thì có được chụp ngay không. BS bảo hôm nay nhập thì nhanh nhất sáng mai mới chụp được. Có phim với kết quả rồi xuất viện ngay, mất mát gì đâu mà sợ. Tôi nhẩm tính vậy là mất hai ngày nhưng biết được chi tiết tình trạng cột sống và vùng thắt lưng thì cũng tốt. Bấm máy thông báo cho bà xã. Bả nghe rồi bảo vậy nhập viện luôn đi. Mấy khi được chụp MRI miễn phí.  
Vậy là bà BS phòng khám siêu âm viết phiếu nhập viện cho tôi vào khoa nội thần kinh ngay.
Tôi với hai bàn tay không tung tăng như một kẻ đi dạo phố làm thủ tục nhập viện để thành một bệnh nhân nội trú. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi làm bệnh nhân nội trú của một bệnh viện bởi đời tôi từ trước đến nay chưa đau ốm gì đến mức phải nhập viện cả. 
Phòng bệnh với nhà WC khép kín trên lầu 3 có hai giường nệm khá sạch sẽ và thoáng. Làm gì có chuyện hai, ba người bệnh nằm chung một giường đâu nhỉ. Ở giường đối diện là một bác hưu trí già gần 80 tuổi hom hem, đầu gối chân và cả cột sống đau nhức nhối đi lại khó khăn với một bà vợ già cũng gần bằng ông vào chăm nuôi đang bắc ghế ngồi đọc báo ngoài ban công. Họ nội trú ở đây đã hơn chục ngày. Tôi đang đứng lóng ngóng cạnh cái giường thì một cô y tá điều dưỡng vào đưa cho một bộ quần áo bệnh nhân có lẽ trước đây là màu thiên thanh nhưng giờ thì nó bợt bạt không ra cái màu gì. Hình như gần với màu xám tro. Thêm tấm ga trải giường với một cái chăn mỏng và cái gối.  Trải ga xong đâu đó tôi leo lên nằm xoải chân thoải mái vô cùng. Nằm viện nội trú thế này cũng sướng.
Đang lim dim nhìn cái quạt trần quay thì một y tá khác vào nắm tay đo huyết áp làm bệnh án. Rồi một anh BS còn trẻ có bảng tên là Hiền vào thăm khám. Tôi nhân tiện trình bày luôn là thực ra tôi không bị đau ốm gì cả. Chẳng qua phải nội trú vô đây để được chụp MRI theo tư vấn của BS phòng khám. Anh BS gật đầu: Cháu hiểu rồi. Nhiều người vào đây với mục đích như chú lắm. Rồi anh ta cấp cho tôi một nắm thuốc bảo phải uống làm hai lần trong ngày cho hết rồi viết phiếu chỉ định cho tôi 9h sáng mai lên khoa chẩn đoán hình ảnh chụp MRI. Tôi nghĩ vậy là chậm lắm thì chiều mai mình xuất viện được rồi. Nhập hôm trước hôm sau xuất, chưa đến hai ngày nằm viện. Có lẽ tôi đạt kỉ lục về bệnh nhân nội trú điều trị nhanh nhất nước trong năm cũng nên.
Anh BS đi rồi, bà vợ của ông bệnh nhân ở giường đối diện đặt tờ báo xuống nói: Vậy mà thấy chú vào nhanh nhẹn hăng hái trải ga giường tôi tưởng là chú đi chăm nuôi người nhà chớ. Ai dè chú lại là người bệnh. 
Hừm. Tôi mà là người bệnh thì cả thành phố này còn ai khỏe nữa.
Trưa đó tôi xuống cantin bệnh viện ăn hết một đĩa cơm cá nục kho, ăn thêm một tô hủ tiếu với một đĩa to rau xà lách nữa mới no. Lên lại phòng bệnh, ngủ một giấc đến 3h chiều tôi kín đáo trút bỏ lại bộ quần áo nhàu nhĩ không biết là sạch hay bẩn của bệnh viện rồi nhẹ nhàng lách vô thang máy trốn về nhà ăn cơm chiều, tắm rửa và ngủ ở nhà cho nó sướng. Ngu gì nằm giường bệnh trong lúc mình có đau ốm bệnh tật gì đâu. Sáng mai lại nhâp viện sớm. Có hề hấn gì.
Sáng hôm sau tôi có mặt ở bệnh viện lúc 7h. Vừa thấy tôi anh BS Hiền đã cảnh cáo: Tối qua chú trốn viện là sai quy định nha. Lãnh đạo mà biết là phê bình cả chú và cháu đấy. Rồi anh ta cúi xuống nói nhỏ vô tai tôi: chú có trốn thì cũng phải đợi sau 8h tối, khi BS trực đi kiểm tra, thăm khám bệnh nhân xong đã nhé. Ai đời bệnh nhân nội trú mà bỏ trốn hiên ngang như chú chứ.
Hì. Anh BS trẻ này tốt thật. Vậy mà người ta với báo chí cứ thêu dệt cả hàng ngàn câu chuyện về sự xấu xa của đội ngũ thầy thuốc, của ngành y, của những con người từ lâu đã được mệnh danh là lương y như dì ghẻ. Trong lúc tôi vào bệnh viện này thấy toàn người tốt. Không lẽ bệnh viện Thống Nhất là một ốc đảo của ngành y nước ta.
Đúng 9h tôi cầm phiếu của BS Hiền lên phòng chụp MRI. Lần đầu tiên tôi được chui cả đầu và người vào một cái máy gọi là MRI. Bên trong cái máy MRI đó tối tăm như địa ngục và rú rít lên những tiếng kêu ma quái ghê rợn. Cứ như là mình đang tham gia vào một trò chơi cảm giác mạnh. Sau này chết nằm trong quan tài chắc cũng giống thế này quá.
Chiều tôi lên phòng BS trực của khoa hỏi xin phim và xem kết quả chụp  thế nào. BS Hiền bảo chưa được chú. Sáng mai đầu giờ các BS của khoa sẽ tập trung đọc hết phim chụp hôm trước của bệnh nhân và thống nhất đưa ra kết luận cuối cùng. Tôi nói vậy làm sao chiều nay chú ra viện được. BS bảo cho dù có kết luận là không sao rồi thì chú cũng chưa thể ra viện được bởi theo quy định của BV bệnh nhân khi đã vào nội trú ít nhân phải 3 ngày sau mới xuất viện được.  
Thế có chết tôi không. Lại phải thêm một ngày chờ đợi nữa trong cái không gian chẳng có gì thú vị này.
Tối đó đúng 8h, đợi cho BS và y tá điều dưỡng trực ca đêm đi thăm khám, đo huyết áp và phát thuốc uống xong, tôi lại lẹ làng thay đồ rồi ra nhà xe lấy xe phóng về nhà.
Vậy mà cũng phải đợi đến 15h chiều hôm sau tôi mới được cầm cái phong bì to đựng phim chụp MRI với cái kết luận ghi rõ bằng hai chữ viết tắt BT của BS trưởng khoa (BT là bình thường không phải bó tay) cùng một nắm giấy tờ các loại lên phòng viện phí đóng dấu vào hóa đơn thanh toán. Tổng chi phí cho 3 ngày nằm viện với chụp MRI hết hơn 4 triệu đồng. Quái, những thứ gì mà đội giá lên cao thế nhỉ. Trong lúc ăn uống thì mình phải tự túc hết rồi. May mà chế độ bảo hiểm của tôi được miễn viện phí 100%, không phải cùng chi trả xu nào.
Bắt tay chào tôi, BS Hiền cười tinh quái: Nói thiệt với chú, những người đã đến tuổi U60 như chú mà không đau với nhức mỏi cột sống thì mới lạ. Nếu chú tìm ra một người như thế cháu sẽ trả áo Bs lại cho bệnh viện về làm nông dân trồng lúa với ông bà già cháu ở quê ngay.
Đó có lẽ là một điều chắc chắn. Tôi nghe và nghĩ vậy.
Phóng xe ra đến ngã tư Bảy Hiền tôi thấy phố phường hôm nay sao đẹp và đáng yêu thế. Ai nói là sức khỏe quý như vàng. Phải nói là sức khỏe quý gấp hàng vạn lần vàng ấy chứ.
Kệ. Mất ba ngày lằng nhằng trong Thống Nhất nhưng xác định được cái cột sống với vùng thắt lưng hay nhức mỏi không bị gì cũng tốt. 
Hôm sau lên trường, gặp ông thầy trưởng khoa tâm lí, vô tình ổng hỏi tôi dạo này sức khỏe thế nào. Tôi kể lại câu chuyện 3 ngày làm bệnh nhân nội trú với vụ chụp MRI cho ông PGS già nghe. Ông vỗ tay đánh đét: Chết rồi, vậy là chú mi bị thằng Thống Nhất nó lợi dụng cho sập bẫy rồi. Tôi há hốc mồm: Thầy nói sao chứ em có thấy nó sập bẫy với lợi dụng gì em đâu. Ông trưởng khoa Tâm lí cười to: Chú lại ngây thơ nữa rồi.  Bà vợ tôi là BS chuyện gì mà tôi không biết. Số là cuối năm rồi mà cái khoa nội thần kinh nó chưa đạt đủ số lượng bệnh nhân điều trị nội trú trong năm theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm nên nó bấm với mấy vị BS phòng khám là kéo cho nó mấy bệnh nhân nhập vô nội trú, chỉ cần mỗi vị nhập 3 ngày là ok. Đấy, chú mi là nằm trong số đó.
Ối trời ơi. Lại có cả cái gọi là hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chết tiệt đó trên đời này nữa sao.
Chuyện đã hai năm bây giờ mới kể.

  

26 tháng 5, 2015

Thơ của người đàn bà tuổi ba mươi

                    
          (Đọc "Phác thảo đêm" của Ngô Thanh Vân- NXB Hội Nhà văn- H.2015)

                                                                                                          Chử Anh Đào

          Tôi rất quan tâm tới chân dung đồng loại, nhất là những người cùng hội cùng thuyền. Để biết họ, ngoài những quan sát đầy chủ quan, võ đoán vì định kiến và những đơm đặt không mấy thiện ý của thiên hạ thì tốt nhất là qua nhật kí, qua tự bạch và tác phẩm của họ. Và đêm qua tôi đã thấy một người...
          "Phác thảo đêm" là tập sách thứ 5 sau 9 năm công bố tác phẩm thứ nhất của nhà giáo- nhà thơ Ngô Thanh Vân, người đã được tới 4 giải thưởng về văn học nghệ thuật ở trung ương và địa phương. Sách dày 146 trang, gồm 51 bài thơ được chia theo, tạm gọi là 5 "chủ đề" về những người ruột thịt, về quê hương đất nước... Nhưng nổi bật lên cả là những rung động, suy tư, giằng xé, vật vã của chính cá nhân tác giả.
          Mỗi tác giả, mỗi trào lưu sáng tác đều có những thời gian nghệ thuật khác nhau. Các nhà thơ cách mạng thường viết về các buổi sáng mai- thời khắc bắt đầu của sự sống với "mặt trời chân lí chói qua tim". Các nhà thơ mới hay nói về buổi chiều, về cái cô đơn sắp kết thúc mà có lẽ tiêu biểu là "Ngậm ngùi" của Huy Cận. Trong lịch sử văn học Việt Nam thì Nguyễn Du cũng là người thức khuya nhất, hay nói về đêm nhất: "Trong trường dạ tối tăm trời đất", "Hòm gỗ đa bó đóm đi đêm", "Đêm vắng, đồng hoang, đom đóm bay tứ tung", "Tiếng trống canh làm lạnh cả đêm hè", "đêm tối đen biết tìm đâu ra ánh sáng tươi đẹp?"... Có người nhận xét: những người hay thức là những người giàu nội tâm. Người phụ nữ là tác giả giờ tuổi ba mươi, cái tuổi đẹp nhất của một đời người. Tất cả đều đã khác xưa, từ ánh mắt, nụ cười, những giọt nước mắt, lời ru, tình yêu...Tất cả đều đã chín, đã viên mãn, đã vị tha nhưng vẫn ráng hết mình dù có bị xô đẩy, dập vùi, gãy cả chân thì vẫn không nao núng rướn về phía trước để đi tìm bản ngã đích thực của chính mình (tr 33, 45).


                                   Phác thảo đêm của Ngô Thanh Vân

          Người phụ nữ này sau những ban ngày vật vã mưu sinh vì tiền bạc, áo cơm "ghì sát đất" (Nam Cao), sau chồng con đã ngủ, thiên hạ đã chìm vào cơn mê, giờ háo hức với chút không bận bịu đời thường để đối diện với chính mình: "Còn phút giây này thôi/ mai lại cơm áo gạo tiền/ gạo tiền cơm áo/chữ chảy theo ròng rã mồ hôi/ nên với đêm/ ta thật lòng hoan hỉ/ mở ra. Mở ra. Ấm áp phận người" (Tự khúc đêm/tr 11,12). Nhưng sự "mở ra" này không lấy gì là thanh thản. Trái lại, đầy chông gai, phức tạp, rối như bụi lau ngày nắng gió.
          "Phác thảo đêm" chủ yếu bày tỏ cái tôi trữ tình của tác giả với những cung bậc tâm hồn thầm kín, chân thật và vô cùng phong phú. Nếu có những bài hướng ngoại như viết về cha, mẹ, chồng con, buôn làng, góc phố... thì vẫn là hiển hiện một cái Tôi Ngô Thanh Vân không trộn lẫn.
          Tác giả đã ngoài ba mươi, rồi sẽ chợt đâu "bất hoặc", "tri thiên mệnh". Nói như một nhà thơ người dân tộc thiểu số: "Cứ nói rằng nhiều tuổi/ Điều đó anh biết rồi/ Nhiều tuổi mà con gái/ Vẫn là con gái thôi". Đối diện với đêm ở Ngô Thanh Vân trước hết vẫn là sự đối diện của giới tính. Tác giả xưng "tôi", "em", tự nhận là "người đàn bà tham công tiếc việc", là "bướm đêm", "thiêu thân", "chim sợ cành cong"...để cảm nhận và phát biểu, trước hết là những vấn đề muôn thủa: không có lúa mà xay, không có nước để làm nguội bớt những dục vọng "nóng rẫy bản năng vùng vẫy". Những bi kịch của những đứa con tinh thần giữa một bên là những "máu/ mồ hôi/nước mắt", "trân trọng", "rưng rưng" của người sinh thành ra chúng và một bên là địa chỉ không mong đợi: "Trong quang gánh của bà đồng nát vừa đi ngang qua nhà". Những sinh linh mà người ta nhẫn tâm vứt bỏ và một bên là những người đỏ mắt trông chờ (tr 64). Những đứa con thiếu cha do một lần lầm lỡ của người mẹ trẻ ru con. Những tranh cãi về trinh tiết. Những khát vọng mơ hồ...Tác giả tự nhận là người đã "nếm tận đáy nỗi buồn" (tr 27). Người đàn bà này đã "mặc niệm, lập trình, sám hối, ngộ", đã phải tranh đấu với những "thị phi", "hoài nghi" giăng mắc khắp nơi trong cuộc sống thường nhật để dằn lòng, vượt lên và tồn tại. Kiên quyết dứt khoát đấy nhưng cũng đầy cam chịu, nhẫn nhục thà vẫn "đồng sàng" mà tùy "dị mộng" vì một lí do nhân văn hơn là những đứa con. Vẫn "khó ngặt qua ngày, xin sống" (Nguyễn Trãi) khi hạnh phúc chia lìa; "Giọt nước đã tràn li/ Làm sao mà hốt lại" (Chia đôi) Lại chợt nhớ tới Nguyễn Du: "Chậu nước đổ, thế là hết, khó lòng vét lại/ Ngó sen đứt, thương thay tơ vẫn còn vương" (Thơ chữ Hán)
          Vẫn là Ngô Thanh Vân tình nghĩa, đầy yêu thương, sống có trước có sau khi viết về các đối tượng trữ tình khác như mẹ, cha, chồng, các con. Ngay cả gương mặt phố của những kiếp cần lao đầy "lo âu toan tính". Mới chạm khẽ vào mùa thu thôi đã "sương giăng ngập kín lối về". Nhà thơ thấy mình có lỗi trước một A Chông nhọc nhằn, nghèo khó (tr 119); xót xa "Rủ nhau về cõi mông lung" khi rừng biến mất (tr 120).
          Toàn tập, bài nào cũng đọng lại trong lòng người đọc những suy ngẫm. Nhưng tôi thích nhất hai bài làm theo thể lục bát: "Người ơi, táo rụng sân đình " (tr 68) và "Ru mẹ" (tr 87).
          Qua tập thơ,vượt lên trên tất cả những khó khăn, vật vã của đời sống là chân dung một con người giàu nghị lực, trung thực với bản thân và một trời đa đoan thi sĩ chứ không phải qua một lăng kính hay ảo giác nào (tr 35).
          Tuy nhiên, "Phác thảo đêm" sẽ tỏa sáng hơn nữa nếu tác giả lưu tâm hơn khi sử dụng từ ngữ. Thật khó nuốt trôi từ "bán trôn" trong câu thơ "Thiếu phụ không bán trôn" (tr 49) không phải vì mức độ Thanh hay Tục của nó mà vì có thể thay thế bằng những từ khác. "bán mua" hay "coi mình là hàng hóa" chẳng hạn. Còn "Gió Tây nguyên như nhựa hí vang trời" là một câu thơ dễ dãi, nhiều người đã mắc cách diễn đạt này. "Từ "phận" nghe sao mà chua xót" (tr 95) thấy hao hao thật thà kiểu P.Đ.L.
          Thứ đến là những bài thơ viết cho con gái, con trai. Vẫn biết là những lời dạy bảo để dành nhưng có cảm giác chúng quá nghiêm trang, nghiêm trọng, kiểu "Con người muốn sống con ơi/ Phải yêu đồng chí yêu người anh em" (TH). Nhà thơ dặn con gái: "Dẫu bên ai, con hãy nhớ một điều/ Sống thật lòng mình. Và, cần bản lĩnh" (tr 96); con trai: "Ngày con sinh biển Đông dậy sóng/ Con có làm Thánh Gióng?.../Khi đất nước cần con phải biết hi sinh" (tr 101).
          Cuối cùng, đành rằng không ai nghi ngờ ý thức công dân và lòng nhiệt tình yêu nước của tác giả nhưng nhiều câu trong hai bài thơ cuối cùng: "Biển" (tr 136) và "Biển gọi" (tr 139) là những câu khẩu hiệu đích thực./.
                                                                             PK 22/5/15

                                                                                  C.A.Đ


20 tháng 5, 2015

Người tốt người xấu


Nhớ bữa ra Vinh tháng trước, Nguyễn Trung Ngọc và tôi ngồi đàm đạo với nhau về một nhân vật mà cả hai chúng tôi cùng quen biết. Tôi bảo nhân vật gọi là  X ấy chẳng được tích sự gì. Ngọc thì cho rằng vậy nhưng nó là một người tốt.
Tôi thấy chỗ này có cái gì đó chưa ổn.
Trên thực tế, để khẳng định một con người là tốt hay xấu cũng là cả một vấn đề khá phức tạp. Đứng từ góc độ này thì sẽ nhìn thấy một con người này, đừng từ góc độ kia sẽ nhìn ra một con người khác. Vì thế trong  việc nhìn nhận một con người cụ thể không khéo sẽ dẫn đến oan sai và rơi vào trạng thái cực đoan.
Nhưng nói đơn giản lại, để trở thành một con người tốt trong xã hội, người đó phải ít nhất sống tốt và làm được việc tốt. Nếu con người ta sống ở trên đời mà không sống tốt và làm được việc gì tốt thì đó là một người không tốt nếu không nói là người xấu. Còn thế nào là sống tốt và làm việc tốt thì tùy quan niệm và góc độ nhìn nhận của mỗi người mà đưa ra sự đánh giá của riêng mình.
Cả tuần nay tôi đã cất công đọc hết cuốn truyện kí (mà thực chất là nhật kí) Sóng trắng của Nguyễn Văn Giai dày đến 790 trang do người con trai đầu của tác giả mang từ Quy Nhơn vào tặng. Tác giả Nguyễn Văn Giai (1933-2010) là thầy dạy tôi môn Văn học Nga hồi năm 2 đại học. Khi tôi ra trường về dạy ở khoa Ngữ Văn ĐHSP Quy Nhơn thì ông là Trưởng khoa và tôi cùng sinh hoạt chuyên môn với ông trong tổ bộ môn Văn học nước ngoài. Cuốn nhật kí dày dặn của ông đã viết một cách rạch ròi và chi tiết về những người là đồng nghiệp một thời của tác giả khi ông còn làm công tác giảng dạy tại khoa Văn ĐH Vinh những năm 1969-1970. Trong đó ông đã ca ngợi những con người mà ông cho là tốt và phê phán những người mà ông cho là không tốt. Dù đã được tác giả thay tên đổi họ nhưng những ai từng là giảng viên, sinh viên khoa văn Đại học SP Vinh những năm sơ tán vì chiến tranh đều nhận ra hình bóng của những nhân vật có thật ở ngoài đời tốt và không tốt trong cuốn sách Sóng trắng của Nguyễn Văn Giai.
Người tốt và người không tốt (nếu không nói là người xấu) trong Sóng trắng là dưới con mắt nhìn đầy thiên kiến chủ quan của tác giả Nguyễn Văn Giai. Nhưng ở ngoài đời và dưới con mắt nhìn của người khác thì thực tế chưa hẳn đã như thế. Vả lại nói cho công bằng, tác giả đã đứng từ quan điểm nào để có quyền phê phán người này là tốt còn kẻ kia là xấu. Cũng vì thế mà cuốn sách đã gây nên những tác động nhiều chiều với các đồng nghiệp ở khoa Văn ĐH Vinh khi nó được phổ biến ở đây.
Đó là cả một vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận trong sáng tác văn học nói riêng cũng như trong cuộc sống nói chung.


Trở lại với câu chuyện như một sự đàm đạo ngẫu hứng giữa tôi và Nguyễn Trung Ngọc về nhân vật X ở trên. Sau khi nghe tôi đưa ra thiên kiến của mình, Ngọc gật gù: có lí.
Cũng từ đó mà tôi thấy Ngọc rộng lượng hơn tôi trong cách nhìn nhận về con người. Có vẻ như trong chuyện này tôi khắt khe quá chăng.


4 tháng 5, 2015

Vĩ thanh một hành trình


Phải nói rằng cứ sau mỗi chuyến đi, sau mỗi cuộc tiếp xúc gặp gỡ bạn bè gần xa, tôi càng nghiệm ra rằng: bạn bè là một phần tất yếu của cuộc sống. Không có bạn bè đời sống tinh thần của mỗi con người sẽ nghèo nàn đi biết bao nhiêu.  Chơi với bạn bè nếu so sánh một cách khập khiễng thì cũng có phần nào đó như một sự vay trả, như một sự gieo gì gặt nấy. Bạn bè tốt với ta, ta tốt với bạn bè. Như thế cuộc sống sẽ tươi đẹp lên nhiều. Điều đó khiến ta yêu đời yêu cuộc sống hơn. Với tôi, mỗi cuộc gặp gỡ bạn bè có giá trị như một lần nạp thêm năng lượng sống.
Chuyến ra Vinh – Thanh Hóa mới rồi của tôi là như thế. Đi về đã cả tuần nay rồi nhưng dư âm thì chưa dứt trong tôi. Thỉnh thoảng những cú điện thoại của Nguyễn Trung Ngọc, Lê Quang Phương, Lê Đăng Sơn… gọi vào như đánh thức dậy nhiều cảm xúc sau một chuyến đi xa.
Từ Tây Hồ Thọ Xuân chúng tôi về Hậu Lộc thăm nhà Hoàng Mạnh Truật. Một ngôi nhà ba tầng mới xây xong còn tinh tươm thơm mùi sơn nằm ngay trên tỉnh lộ 10. Vợ Truật, một cô giáo mầm non nhiệt tình rót bia mời bạn bè đồng đội của chồng.


Trước cửa nhà Hoàng Mạnh Truật. Trái sang: Lê Đăng Sơn, HTS, Nguyễn Trung Ngọc, Hoàng Mạnh Truật và vợ (Ảnh: Lê Quang Phương)

Rồi chúng tôi cùng Truật đến thăm nhà người bạn, người đồng đội đã thành liệt sĩ Đỗ Xuân Ngôn hi sinh ngày 31 – 3 -1975 (đúng ra là ngày 24/4/1975) mà phần mộ hiện nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trảng Bom, Đồng Nai. Ngôi nhà của Ngôn giờ do một người cháu ở trông nom, cũ kĩ nghèo khó như bao gia đình liệt sĩ khác. Sau khi thăm và thắp hương lên bàn thờ Đỗ Xuân Ngôn, bạn Lê Quang Phương đã có một nhận xét mang tính khái quát là hình như gia đình của đồng đội liệt sĩ nào cũng nghèo khó và đang nghèo khó như nhau. Thế mới biết sự hi sinh của người lính trong chiến tranh vinh quang đâu chẳng thấy, chỉ thấy thiệt thòi lâu dài cho bản thân và gia đình họ. Nói như nhà thơ Nguyễn Duy: Trong mọi cuộc chiến tranh, dù bên nào thắng thì nhân dân cũng luôn là bên thất bại.


 Cả đoàn chúng tôi cùng với những người cháu của của Đỗ Xuân Ngôn trước ban thờ Ngôn


 Trên ban thờ di ảnh người bạn học, người đồng đội, LS. Đỗ Xuân Ngôn trong bộ quân phục ngày mới nhập ngũ chụp ở Nghĩa Đàn tháng 9-1972, như đang nhìn xuống trò chuyện với chúng tôi


 Nguyễn Trung Ngọc rồi lần lượt từng người thắp hương tưởng niệm bạn Đỗ Xuân Ngôn. Cầu mong cho Ngôn ở dưới suối vàng được an giấc ngàn thu


 Chụp ảnh lưu niệm với những người bà con của Đỗ Xuân Ngôn trước căn nhà xưa cũ của bạn. Từ mái nhà này tháng 9 năm 1972 Ngôn đã ra đi để rồi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Cũng trong chuyến đi này tôi còn có cơ hội ghé thăm nhà bạn cùng tiểu đội Nguyễn Quang Phát và Lê Ngọc Sáng. Định là sẽ ghé nhà Phát có tí ti rồi đi ngay nhưng mâm cỗ cũng đã được vợ Phát mau mắn dọn ra rồi. Vậy là cả bọn lại có cơ hội ngồi xếp bàng trên bộ phản rộng bóng lộn như gương của nhà Phát để đánh chén. Phát nhắc lại cái đêm chia tay tôi để rời C20 về bổ sung cho trung đoàn 273 trước khi cả sư đoàn 341 hành quân vào Nam chiến đấu. Phát đã rơi nước mắt vì không biết có còn cơ hội sống để gặp lại nhau nữa hay không. May quá, chúng tôi vẫn gặp lại nhau sau 40 năm, khỏe mạnh và … hoành tráng như thường. 


 Trùng phùng tại nhà Nguyễn Quang Phát ở Hậu Lộc. Trái sang: Nguyễn Quang Phát, Nguyễn Trung Ngọc, HTS, Hoàng Mạnh Truật, Lê Đăng Sơn (Ảnh: Lê Quang Phương)


HTS và Nguyễn Quang Phát. Bạn Phát có ngôi nhà rường bằng gỗ quí cao, to, rộng đẹp lung linh trị giá mấy tỉ bạc

Ở Tp. Thanh Hóa, Lê Ngọc Sáng đã chờ sẵn với cuốn Châm ngôn cuộc sống trên tay kí tặng bạn bè. Sáng học khoa hóa, dạy hóa nhưng lần nào gặp Sáng cũng có sách tặng tôi. Cũng là một niềm đam mê kì lạ.
Chuyến ra Thanh này đã cho tôi một cảm nhận đầy đủ nhất về một miền đất xinh đẹp hiền hòa và rất đáng yêu. Con người xứ Thanh qua những khuôn mặt bạn bè là đáng yêu, thông minh và hài hước đến mức tự trào.  Các bạn mỗi người vài câu đã đọc cho tôi nghe cả một bài vè dài về Thanh Hóa với những câu nghe muốn chết cười:
…Rừng xanh bát ngát, là rặng phi lao
Gió mát rì rào, gió Lào nóng hổi
Núi bằng cái mẹt, lại gọi núi Voi
Công nghiệp bứt phá, là phá đường tàu
Cái cầu con con, gọi là cầu Bố
Vài cây lố nhố, gọi là rừng Thông
Con gái chưa chồng, đặt vòng tránh đẻ
Thanh niên trai trẻ, lại sớm về hưu…
Những câu trên chỉ có dân Thanh đọc tự trào với nhau, chứ nếu dân Nghệ hoặc dân xứ khác mà ngâm nga lên rồi cười với nhau có khi mấy ông bạn xứ Thanh tức nổi điên cầm gậy phang chạy trối chết.
Sau 3 ngày 2 đêm thăm thú trên đất Thanh Hóa, tay lái lụa Nguyễn Trung Ngọc đưa tôi về lại Vinh. Lần này Ngọc cho tôi biết thêm một cung đường rất mới đối với tôi là đường Hồ Chí Minh đoạn từ huyện Như Xuân, Thanh Hóa về đến huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Chiếc Nissan của Ngọc lướt trên một cung đường êm ả vượt qua những triền núi của miền Tây Thanh  Hóa – Nghệ An. Vượt qua những vùng đồi mới cách đây không lâu còn là những triền hoa quỳ đẹp ngút ngàn của trang trại bò sữa TH True milk. Xe đi qua Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn, nơi ngày xưa khi mới nhập ngũ năm 1972, tôi và Ngọc có 3 tháng huấn luyện ở Trung đoàn 22A. Cảnh vật xưa qua cơn dâu bể nay đã không còn nhận ra chút xíu nào vết tích cũ. Những rừng cây Nghĩa Thuận mà sau mỗi cơn mưa to tôi thường tìm nhặt hạt dẻ trôi xuống nơi chân núi nay đã biến mất, nhường chỗ cho những con đường lớn, những thị trấn mới mọc lên với nhà lầu xe cộ san sát như phố phường.


      Nguyễn Trung Ngọc đang lái xe, Phan Nga (ngồi bên cạnh) lái...Ngọc

Nán lại thêm một ngày nữa ở Vinh tôi có thêm một vài cuộc gặp gỡ nữa với bạn bè lớp cao học 6. Thời trai trẻ qua đã lâu nay để lại nhiều bạn đã có học hàm PGS với mái đầu điểm bạc.

 Chiều 26 tháng 4 năm 2015, Ngọc Nga tiễn tôi về lại Sài Gòn. Chuyến đi này nếu không có vợ chồng bạn Ngọc Nga, tôi sẽ không có được sự hoàn hảo hoàn mĩ như thế. Chia tay nhau, Ngọc đã ôm tôi mà đọc khẽ bên tai tôi khổ thơ hay trong bài thơ Các bạn ơi tôi lại qua đây! rất cảm động được Ngọc viết sau cuộc họp lớp 16D-K2 hồi tháng 8 năm 2013:
Bọn chúng ta phiêu dạt quá nửa đời
Màu sương gió làm mái đầu nhuốm bạc
Nhưng còn mãi bài ca ta vẫn hát:
Lời tri âm chung thủy bạn bè tôi!
Dư âm bài thơ của Nguyễn Trung Ngọc khiến tôi khi đã lên máy bay rồi như vẫn muốn ngân nga:
Tuổi xế chiều lưu luyến phút tiễn đưa
Bạn vụt đến lại xa tôi biền biệt
Cái ôm chặt nén bao nhiêu thân thiết
16 D, ôi! lại xa rồi...
Sân bay Vinh kì này tôi gặp lại đã được xây dựng mới khang trang, hiện đại hơn, nâng cấp thành sân bay Quốc tế. Trên bãi đỗ tôi nhác thấy cùng một lúc có đến 3 chiếc Aairbus đang đỗ chuẩn bị đưa khách vào Sài Gòn.
Chuyến bay khởi hành từ Vinh trễ 45 phút. Khi tôi đáp xuống Tân Sơn Nhất thì đã gần 19h. Vừa mở điên thoại đã thấy tin nhắn của Ngọc:  Xuống sân bay gọi điện ngay nhé.
Bạn bè là thế đấy.
Cuộc sống cũng là thế đấy.   


 Sân bay Vinh vừa được xây mới, nâng cấp thành sân bay quốc tế. Khang trang và hiện đại


Trên bãi đỗ có cùng lúc 3 chiếc Aairbus đang đỗ chuẩn bị đưa khách vào Sài Gòn - một sân bay không nhỏ


2 tháng 5, 2015

Ở nhà Lê Quang Phương


Rời làng Vân Lộ, chúng tôi trở lại nhà Lê Quang Phương ở Tây Hồ sát bên thị trấn Thọ Xuân. Tôi cứ tiếc là đã có sẵn cái tên Tây Hồ sao không gọi luôn là phủ Tây Hồ cho oai. Quê Phương có cái tên đẹp thế.
Xe chúng tôi chạy trên một con đường nhựa rất đẹp hai bên là cánh đồng lúa Thọ Xuân đang thì con gái. Nơi làng quê tưởng như rất thanh bình này vào năm 1987 từng nổi sóng với bài kí sự trên báo Văn Nghệ của nhà văn Phùng Gia Lộc Cái đêm hôm ấy… đêm gì?  Đất nước ta nó thế. Cái gì cũng phải trả giá đắt, kể cả những cái được xem là tất yếu như làm ăn để mà sống cũng không yên cho…
Chỉ 6 km đã vào ngõ nhà Lê Quang Phương, một căn nhà hai tầng rộng rãi, khang trang. Phía trước là một cái sân lát gạch rộng thênh thang. Sau nhà còn có cả chuồng gà công nghiệp và hồ nuôi rùa cao sản. Nhà sinh vật học có khác.
Cùng lúc tôi và Nguyễn Trung Ngọc chợt thấy Lê Đăng Sơn từ Tp. Thanh Hóa đi xe buýt 30 cây số lên lù lù xuất hiện trong bộ dạng của quần ka ki và áo vét tông. Ngọc vội ra hiệu cho Lê Sơn dừng lại để bấm một tấm ảnh có ý nghĩa lịch sử của một con người từng góp phần làm nên lịch sử của ngày 30-4 Sài Gòn 40 năm trước. Thời đi lính, Lê Quang Phương và Nguyễn Trung Ngọc cùng với Đỗ Xuân Ngôn (đã hi sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh ở Xuân Lộc) ở với nhau cùng một tiểu đội, hơn thế còn cùng một tổ tam tam; tôi với Lê Đăng Sơn cùng một tiểu đội hồi ở C20 Sư đoàn 341. Sau 40 năm gặp lại nhau ở chốn này, trong căn nhà ấm cúng của bạn bè đồng đội. Chuyện tưởng dễ mà không dễ bởi khoảng cách về địa lí, khó khăn về thời gian, eo hẹp về tiền bạc... 
Ngồi chưa ấm chỗ thì Bích Diệp, bà xã của Lê Quang Phương, cũng là một cô giáo dạy văn cấp 3, cùng tốt nghiệp từ khoa văn ĐHSP Vinh, đã kịp dọn ra chiếu một mâm rất thịnh soạn. Tất cả xoa chân cùng ngồi xuống nâng li rôm rả cho một cuộc trùng phùng hơn cả mơ ước. Như tôi sau gần nửa thế kỉ đi qua kể từ năm 1969 rời Thọ Xuân về lại QB, đã phải đi hàng ngàn cây số với bao nhiêu chặng đường mới được ngồi với bạn bè trong không khí thắm tình đồng đội như thế này. Không vui, không cảm động sao được.
Ngồi ở nhà Phương, chuyện ăn nhậu cũng sôi nổi nhưng sôi nổi hơn nữa là chuyện văn chương, thơ phú và viết lách. Phương học khoa sinh cùng lớp với Nguyễn Quang Ngọc (hiện ở Sài Gòn) nhưng hình như mấy gã cựu sv khoa sinh thường tiềm ẩn máu văn chương có khi còn hơn cả dân văn chương chúng tôi. Nếu Quang Ngọc bỏ nghề dạy học với bảng đen phấn trắng nhảy sang báo Nông Nghiệp VN làm một cây bút phóng sự lâu năm và có tiếng tăm thì Phương lại có tay viết văn. Đã có lần tôi kể câu chuyện hồi tháng 5-1975, Sài Gòn mới giải phóng được mấy bữa tôi đã thấy có truyện ngắn Chia cơm của Phương chỉnh chện đăng trên trang nhất tờ Văn Nghệ Giải phóng, khi đó tôi đang làm quân quản ở phường Hiền Vương quận 3 đã phải lác cả mắt và phục lăn thằng bạn học khoa sinh.
Bây giờ về hưu rồi, máu văn chương viết lách của Phương càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Phương đặc biệt thích thơ Đường. Trong nhà Phương còn cho sao chụp và phóng to những bài thơ Đường nguyên bản nổi tiếng như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu treo trang trọng trên tường; trong laptop Phương cho lưu và cài đặt chương trình tiếng thơ về thơ Đường cổ như Tương tiến tửu của Lý Bạch… Phương mở to cho mọi người cùng thưởng thức. Điều đó khiến cho trong đoàn có hai giảng viên Văn học Trung Quốc dạy ở Khoa Văn trường đại học hẳn hoi là tôi và Phan Nga vô cùng kính nể. Mình là dân chuyên nghiệp mà có vẻ như đang thua xa tay chơi nghiệp dư Lê Quang Phương rồi. Sự say mê đó của Phương cũng nên xem là một điều hiếm hoi và kì lạ. Nói điều này bởi trong bữa tiệc ấm cúng đó, trừ Phương học khoa sinh, còn lại vợ chồng Ngọc - Nga, vợ Phương là Diệp, Lê Đăng Sơn và tôi đều tốt nghiệp khoa văn ra, nhưng đã bị Phương lấn át về thơ Đường nói riêng và về văn chương nói chung. Như tôi chỉ kịp chờ Phương đọc câu đầu trong Hoàng Hạc lâu Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ để kịp chen ngang vô câu tiếp theo Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu… 
Thiệt là đáng khâm phục và thú vị.
Tuy nhiên cũng vì chuyện này mà nghe nói Phương sau khi tiễn chúng tôi về tận Tp. Thanh Hóa vui chơi với nhau cả một ngày trời trở lại nhà, Bích Diệp vợ Phương đã có ý kiến chỉ đạo ông chồng mê văn chương của mình: Lần sau nếu có ngồi với mấy bạn học văn dạy văn thì tắt bớt đài đi. Thế mới biết các cụ ta nói cấm có sai: Cha mẹ ta có công sinh ra ta, vợ ta có công nuôi dạy ta, vậy nên ta phải vâng lời vợ ta. Ngay như tôi thời còn làm trưởng phòng biên tập của đài truyền hình mà nhiều lúc viết lách bài vở, nói năng với bạn bè còn thường xuyên bị mụ vợ (giáo viên dạy hóa) biên tập lại nữa là… Chuyện này cũng xem như là một điều may với các ông chồng suốt đời ngây thơ khờ dại chúng tôi vậy.  
Cuộc gặp gỡ ở nhà Lê Quang Phương đã làm nên một ngày vui với tôi và bạn bè trong chuyến trở lại Thanh Hóa này. Nhớ lắm.  


Bỗng đâu có Lê Đăng Sơn lù lù xuất hiện ở cổng nhà Lê Quang Phương, dáng dấp cứ như Từ Hải

                    Hai gã cùng tiểu đội cùng học một lớp cùng tên Sơn

Trái sang: Nguyễn Trung Ngọc, HTS, Lê Quang Phương, Lê Đăng Sơn (Ảnh: Phan Nga)

    Trước cửa nhà Lê Quang phương. Trái sang: Ngọc, Phương, Sơn và Sơn

Một fan của thơ Đường, ảnh chụp trên tường nhà Lê Quang Phương  

Tiếp theo: Vĩ thanh một hành trình





Tôi đi tìm (tiếp theo)

Nhật kí vào Sài Gòn của Lê Quang Phương

    V. Tìm về đại đội

Cuối tháng 5 -1975
Tôi vẫn lang thang đi tìm giữa Sài Gòn mãi miết
Tìm gì
không biết
tìm chẳng thấy
tôi trở về đơn vị
gặp nhau
điểm mặt
bấm đốt ngón tay mấy chục thằng đã chết
Bảo rằng đi sâu ở lâu
Ai ngờ đi mau chết mau
Nghe trong gió câu “Thần tốc thần tốc”
Chiếm được Sài Gòn rồi mới thấy đau nhìn nhau không khóc
Lại bấm đốt ngón tay điểm mặt, năm chục bảy chục gần trăm thằng chết
Nghĩ mà kinh
Mà khiếp
 Thằng Bình (Thọ Xương) , thằng  Hòa (Nam Giang), Thằng Tụng (Xuân Phong) đâu,
đâu rồi thằng cậu Lập Quảng Bình… chết chết

 Mấy chục năm nay tôi chưa đến hết
 Thắp một nén  hương
 cho thằng chết
để tôi được yên lòng!


VI - Cải huấn
           1- Cùng chơi bóng
Tháng 6 -1975
Trại Cải huấn sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở Long Đất Bà Rịa Vũng Tàu
Bộ đội mình ở một bên còn dãy gia binh bên kia là họ
Từ Sài Gòn tôi được điều về đó
Cùng tắm chung mấy thùng nước mưa cùng chơi chung một sân bóng đá
Bộ đội mình nấu cơm cho họ ăn và  lên lớp dạy đời cho họ
Gặp nhau họ lễ phép chào thưa – Tôi cảnh giác đề phòng
Lúc nghỉ ngơi họ âm thầm ít nói.
Chỉ khi ra sân bóng cùng chơi, họ mới vui, hò reo dô dô cái vui thứ thiệt
Tôi quên rằng họ mới bắn vào tôi và họ cũng quên rằng tôi mới ùng oàng vào họ.
Quả bóng tôi rê dưới chân, anh ấy gọi bồ ơi tôi kẻ chỉ chuyền sang, chạy chỗ
Bóng trả về, đường chuyền như dọn cỗ, tôi lắc đầu một cú lập công.
 ở ngoài sân, hai bên dô dô hả hê tay vỗ
tôi bắt tay, anh vỗ vai, niềm vui òa vỡ.

Bữa ấy về tôi được đôi lời nhắc nhở
Không được bắt tay, không vỗ vai lại càng không được nghe được gọi bồ ơi!
Mất cả vui
hai tiếng bồ ơi
chết tiệt.
                        
 2- Cùng đọc thơ

Tôi đau đáu vọng về phương Bắc
Họ thẫn thờ cùng nhắc vợ con
Một chiều ráng đổ hoàng hôn
Cảnh buồn
 từng tốp người buồn bên nhau.

 Chung cảnh tình nhìn sầu giáp mặt
(chiến tranh qua 
hòa bình thật )
Hoàng hôn ơi hiu hắt tầng cao

 - Thoi đưa ngày tháng ruổi mau,
Người đời thấm thoát qua màu xuân xanh

Bỗng mấy giọng trầm thanh ngân đọc
Tôi dừng chân ngừng bặt hoàng hôn

 - Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
 Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền

Chân rảo nhẹ tôi liền bước ghấp
Không ngại ngần vội  nhập cuộc chơi
Xá chi cừu hận vừa rồi
Câu thơ chung đọc dưới trời là hơn

 -Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

Tôi cùng họ ngước nhìn lên
Hoàng hôn ngằn ngặt tím miền mây xa

 - Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
-         Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này

 -Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt
Cửa Cam tuyền mờ mịt thức mây
 Nối vần tôi cũng đọc ngay
 Nhịp tam nhịp tứ lòng say với lòng

- Cùng trông lại lại cùng chẳng thấy
Chỉ xanh xanh những mấy ngàn dâu
- Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai

 Việt Nam ơi sông dài biển thẳm
Tôi và anh ai thắng ai hơn
Nhìn nhau lòng dằng dặc buồn
Một trang đẫm máu lệ còn tuôn rơi

Thơ xưa lời lại nối lời
Hoàng hôn thoắt đã về chơi cung Hằng

Phủ Tây Hồ, Thọ Xuân, Thanh Hóa 
2 - 5 - 2015 
LQP




1 tháng 5, 2015

Tôi đi tìm

Nhật ký những ngày vào Sài Gòn của Lê Quang Phương

I.     Lục tìm trong Dinh Độc Lập                                                 
Hai giờ sáng ngày 1/5-2015
 Bốn mươi năm trước vào giờ này, ngày này tôi đang lục tìm. Không hiểu vì sao tôi lại lục tìm, trong các phòng, dưới cả tầng hầm của Dinh Độc Lập.
 Chỉ mặc một chiếc quần đùi, một tay buông thỏng vì vết thương không người chăm sóc. Chân đi dép lốp, súng đạn bỏ rơi ngoài trận địa.
 Rất nhiều tủ tôi đã mở tung cánh cửa.
 Quyết tìm cho được, nhưng cũng chẳng biết để làm gì. Chắc là để thỏa chí tò mò và để cho oai, bây giờ tôi nghĩ thế.
Có bóng người, anh ta cao gầy tôi nhớ rõ, chắc đang đi tìm tiền bạc của nả chi đây.
 Mặc!
 Tôi lật giở từng chồng hồ sơ.
 Những bàn lim láng bóng. Những dụng cụ văn phòng Mỹ Ngụy, những văn bản kính trình tổng thống.
 Lạ lẫm, thơm tho, hăng hăng mực mốc, cái mùi xa hoa cái mùi rút chạy.
 Tôi lướt qua, cầm qua bởi thấy hay hay.
 Tìm không ra
Mỏi mệt
       đói khát
                mắt hoa như khói
                       cánh tay lành cũng không còn nhấc nổi
 tôi lại ngất rồi
… mơ màng về đất Bắc xa xôi
chưa có bom dội không tàu bay không cao xạ tầm gần tầm xa đạn nổ
những đêm đốt đuốc quanh làng thiếu niên hô đã đảo. Một loa la to “ … cút khỏi Miền Nam!” “ Cút khỏi!”
 Lít nhít mấy trăm đứa học trò nêu cao tinh thần anh Trỗi
   “Nguyễn Văn Trôi - Nguyễn Văn Trôi – Anh đã chết rồi anh còn sống mãi!”
 Trời đã sáng
…tôi tỉnh lại
 Không có ở đây. Hồ sơ anh chắc ở khám Chí Hòa.
Nếu như là có. Nếu như tìm ra và giữ lại được đến bây giờ. 

II.  Được úy lạo
Sáng 2/5-1975
Khi
đài hát vang
trong ngày vui đại thắng,
thì tôi đi lạc lõng giữa dòng người.
  Mấy bà má thương tôi úy lạo
 Cầm cái gì đó ăn trong muôn ánh mắt tò mò.
 Tôi cắn miếng to, tôi nuốt vội.
 Tôi đã chia nắm cơm của tôi cho người đói khát trong trận đánh vào Long Khánh.
Người nhận cơm lạy anh giải phóng,
cám ơn!
Nay tôi nhận được miếng ăn giữa đường phố Sài Gòn!
Không lạy không cám ơn
Tôi dương cổ cao tôi tròn mắt nuốt
Nay tôi thấy lại tôi
nhỏ nhoi tội nghiệp.

Tôi ngửa cổ tu ừng ực
ai đó đưa tôi ca nước,
ngửa cổ ừng ực tôi tu
nước ngọt làm tim tôi dịu khát
 ngây ngô
tôi cười .
  ….tôi lại thấy đạn bom và súng lửa. Men theo xe tăng tôi nả súng từng hồi.
 Đạn pháo nổ những miệng loe núi lửa toác phun ra rùng rợn ớn trời
 Lô cốt đầu cầu sụp đổ, tôi xông vào đánh chiếm Trảng Bom, cái gì xuyên người tôi bỏng rát điếng hồn
tôi gục ngã.
 nghe một giọng miền trung giữa phố Sài Gòn thằng hai đâu đừng trốn nữa
 anh giải phóng sốt cao quá nè!

III.   Tết Đoan Ng

Chiều tối ngày 5/5-1975
Anh giải phóng là tôi do được ăn
được uống
Được băng bó vết thương
 được tắm gột con người
Áo quần bộ đội bà má Miền Trung tìm mặc cho tôi
Để ra dáng môt người chiến thắng
Con trai má đâu rồi không thấy
anh sĩ quan quân đội cộng hòa
đã cùng má mấy đêm qua.

Tôi ăn
chiếc bánh bông lan
Má đưa
bảo tết mùng năm con nờ!

IV.      Gặp thi sĩ Bùi Giáng
10/5-1975
Tóc bờm xờm như rừng mây
Dáng cao gầy như hạc
Thoắt đó lại ló đây
Lạ lùng trong từng bước
Mấy con cá cờ bơi trong túi nước bóng người đeo theo lủng lẳng bên sườn.
Bọn trẻ bụi đời, đánh giầy, bán báo,bán hàng rong láo nháo chạy theo

Tôi vẫn đi tìm ngược tìm xuôi tìm gì chưa thấy

Vội chạy theo rằng hỏi đấy là ai!
 Ta là thi sĩ của gió của mây
Ta chạy trên thế gian này để rồi ra bờ sông ngồi khóc
Thơ ta đốt lên cho châu chấu chuồn chuồn…
Bọn trẻ hát rong: “Châu chấu chuồn chuồn…”
 
Thơ ta bọt phẹt trào tuôn
Gió thình mây chảnh bóng vờn tóc thông
“ Ai ăn bánh bột lọc không / Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng . Tôi đọc thơ Tố Hữu
Này này anh bộ đội
Xuân Diệu chết rồi mà. Còn chi là thơ nữa!

Này hãy nghe đây ta
khóc hồn ta vội vàng
“Các em đầu đội vai mang
Tiếng kêu rào rạt mùa lan sang mùa
Anh đi cây bút vẽ bùa

Chào em  mộng mị xin thừa thải dâng!”(*)

Tây Hồ, Thọ Xuân, Thanh Hóa, 30-4-2015
LQP
(*) Bốn câu thơ cuối trong ngoặc kép là của thi sĩ Bùi Giáng tặng Lê Quang Phương