28 tháng 6, 2015

Đoản khúc vô đề

Bài số 28


Your questioning eyes are sad. 

They seek to know my meaning as the moon would fathom the sea. 


I have bared my life before your eyes from end to end, with nothing hidden or held back. 

That is why you know me not. 


If it were only a gem, 

I could break it into a hundred pieces and string them into a chain to put on your neck. 


If it were only a flower, round and small and sweet, 

I could pluck it from its stem to set it in your hair. 


But it is a heart, my beloved. 

Where are its shores and its bottom ? 


You know not the limits of this kingdom, 

still you are its queen. 


If it were only a moment of pleasure it would flower in an easy smile, 
and you could see it and read it in a moment. 
If it were merely a pain it would melt in limpid tears, 
reflecting its inmost secret without a word. 

But it is love, my beloved. 

Its pleasure and pain are boundless, 
and endless its wants and wealth. 
It is as near to you as your life, 
but you can never wholly know it.


Bài thơ tình thứ 28

                                         Rabindranath Tagore
                                                   Lê Quang Phương chuyển ý 

Băn khoăn đôi mắt em buồn
Như là dò hỏi ngọn nguồn đời anh
Như trăng rọi đáy biển xanh
Băn khoăn đôi mắt nhìn anh u sầu

Anh không giấu giếm gì đâu
Phơi bầy trần trụi nông sâu cuộc đời
Chính vì lẽ đó em ơi
Mà em chả hiểu về tôi chút gì

Nếu anh là ngọc Ru - bi
Anh vung tay đập cho kỳ vỡ trăm
Xâu thành chuỗi kết long lanh
Anh đem dâng tặng choàng quanh cổ nàng

Nếu anh là đóa hoa vàng
Đóa hoa thơm thảo nhẹ nhàng dịu êm
Thì anh sẽ ngắt cài lên
Cài lên mái tóc của em anh cài

Nhưng em ơi!
Đời anh là một trái tim
Đâu bờ đâu đáy dò tìm sao nên
Nữ hoàng ấy chính là em
Trị vì vương quốc trái tim anh nồng
Nhưng mà em vẫn rằng không
Rằng không không biết đâu vùng bờ biên

Và anh khi ấy trái tim
Phút giây vui sướng dịu huyền như hoa
Rồi em sẽ hiểu nhanh mà

Nếu tim muôn nỗi xót xa
Sẽ tan thành lệ không nhòa mà trong
Lệ trong dấu nỗi sầu đong

Nhưng em ơi
Tim anh là chính tình yêu

Niềm vui nỗi khổ đa điều đa đoan
Những gì tình ái cầu mong
Là giàu là có vô cùng vô biên

Trái tim dành trọn cho em
Một đời dâng nguyện anh đem trao này
Nhưng nào em chẳng có hay
Tình anh khắc khoải bao ngày vì em
    13-8-1991                                 

ĐOẢN KHÚC VÔ ĐỀ

                                                           Lê Quang phương
I
Lúc nào tôi cũng thấy
Thấy người ấy trong tôi
Bảo quên đi lại nhớ
Bực mình quá đi thôi
                                                                                    II
                                                                                Cái buồn trong nỗi nhớ
                                                                                              Cái nhớ trong nhớ nhung
                                                                                 Cái sầu trong sầu tưởng
                                                                      Tình ý chi lạ lùng
                           III         
Anh luôn thấy khổ đau vì xa em vì thiếu
Lại một đêm, lại một đêm, lại một đêm
cô đơn đi liêu xiêu
Anh bảo góp gạo nấu cơm chung đi em yêu
em bảo xin đừng xin chớ
Anh bảo thôi ta chia tay đi,
em lấy tay xua rằng xin chớ xin đừng
                                                         
IV
Anh yêu em chân thành
Nh­ưng em yêu ng­ười ta
Ng­ười ta yêu người khác
Cả mấy người ngơ ngác 
Đi tìm tình bơ vơ

Cảm tác cùng điệu chèo Luyện Năm Cung
                                                                                        
                                                                              Lê Quang Phương

Ai đưa tới bến Giang Đình
Cho ta neo chiếc thuyền tình đợi ai
Điệu chèo còn vẳng bên tai
Lời xưa tình ấy đong đầy ngàn năm

Thuyền tình ta vẫn chờ mong
Ta đong tiếng hát vào trong lòng thuyền

Chàng ơi!
Thiếp đã đầm duyên
Tầm tang canh cửi tơ liền mối vương

Mười hai cái bến vô thường
Nhà tranh một mái ta thương nhau cùng!



                                                                   
Thuyền giấy
Thuyền giấy
Rabindranath Tagore
                        Lê Quang Phương dịch   
Day by day I float my paper boats one by one down the running stream.

In big black letters I write my name on them and the name of the village where I live.
I hope that someone in some strange land will find them and know who I am.


I load my little boats with shiuli flowers from our garden, and hope that these blooms of the dawn will be carried safely to land in the night.

I launch my paper boats and look up into the sky and see the little clouds setting their white bulging sails.

I know not what playmate of mine in the sky sends them down the air to race with my boats!

When night comes I bury my face in my arms and dream that my paper boats float on and on under the midnight stars.

The fairies of sleep are sailing in them, and the lading is their baskets full of dreams.
Ngày lại ngày tôi thả
Những thuyền giấy của tôi
Từng chiếc rồi từng chiếc
Bơi theo dòng về xuôi

Bằng chữ  lớn đen biếc
tên làng tôi tên tôi
trên mạn thuyền tôi viết.
Tôi mong rằng thuyền trôi
về một miền đất lạ
gặp một người nào đó
là biết tôi thôi mà.

Thuyền nhỏ nhoi tôi chở
Hoa Siêu - li đang nở
Hái ở trong vườn nhà
Hy vọng những đóa hoa
Yên ổn cập bến bờ
Mang bình minh cùng nở

Buông thuyền ngửa nhìn trời
Ơ!  Bạn nào của tôi
Ở trên cao cũng chơi
Thả thuyền mây trắng gió
Đua với thuyền giấy tôi

Đêm về tôi ngủ sấp
Úp mặt vào cánh tay
Mơ thấy thuyền giấy trôi
Miên man dưới sao trời 

Những nàng tiên giấc ngủ
đi trên thuyền giấy chơi
giấc mơ chất đầy giỏ
lấp lánh ánh sao rơi



21 tháng 6, 2015

Lấy, không lấy


Đề tài này tôi kị viết nhưng hôm nay thì phải viết. Lại viết đúng ngày báo chí 21 tháng 6 nên phải viết thật. Bao nhiêu tờ báo to (to chứ không phải lớn) vì không viết thật nên dù ngốn tiền nhà nước như nước nhưng chẳng có ma nào đọc. Trong lúc đó dân tình, kể cả tôi ngày nào cũng như ngày nào cứ chong hết mắt lên mấy trang báo lề trái, kể cả mấy trang blog tưởng như đồ chơi vớ vẩn.
Viết và nói theo sự thật, đó là một yêu cầu đầy sự xa xỉ trong chế độ mà ta đang sống. Có lần một ông bạn thân có thằng con mới nhảy vô nghề báo. Ông ấy dặn con, rồi kể lại cho tôi biết: Con hãy cố gắng làm một nhà báo chân chính nhé. Tôi nghe cười khì: Khi và chỉ khi nào thằng con ông sang Mĩ thì mới có thể làm được một nhà báo chân chính. Đó là một giấc mơ mang tầm nước Mĩ của một ông bố tốt nhưng bất lực. 
Với tất cả sự lạc quan vào cuộc sống, tôi có thể nói rằng: ở xứ ta không có khái niệm chân chính theo đúng nghĩa trên tất cả các lĩnh vực, chứ không riêng gì với nghề báo.
Lại lan man rồi. Xin trở lại với câu chuyện lấy hay không lấy.
Ông bạn thân vừa là đồng nghiệp vừa là đồng đội cũ của tôi vợ bị ung thư mất đã hơn 3 năm nay. Chơi với nhau đã mấy chục năm tôi thấy ông là một người nghiêm túc, hiền lành, không biết nói đùa là gì. Hai đứa con một trai một gái. Đứa con gái lấy chồng theo chồng, đứa con trai thì có cũng như không vì nó đi làm công ty  rồi theo bạn bè suốt ngày, chỉ về nhà sau 22h. Ở cái thành phố lớn nhất nước này đám thanh niên thường vậy.
Cứ thế, ông bạn gần như là một người sống độc thân khi tuổi tác đã quá ngưỡng U60. Sáng dậy ông ăn vội gói mì rồi lên trường dạy năm, ba tiết gì đó. Trưa về ghé dọc đường làm hộp cơm. Chiều tối về đa số là ghé quán nhậu với bạn bè. Khi thì bạn bè gọi ông, khi thì ông chủ động gọi bạn bè. Ông làm thế là để tránh về nhà trước 9 giờ tối. Bởi khoảng thời gian từ sau bữa cơm chiều đến trước khi đi ngủ  là trống trải nhất, đáng sợ nhất với người độc thân nên ông tìm cách tránh.
Chủ nhật mới rồi ông gọi tôi sang nhà. Sau vài li bia ông tâm sự:  Từ khi vợ mất, mình sống thế này cũng buồn lắm. Lúc đầu tưởng sẽ quen nhưng càng sống càng thấy con người ta khó mà quen được với sự cô đơn. Nghèo khó có thể quen, nhưng cô đơn khó mà quen. Biết hoàn cảnh mình, bạn bè trong trường giới thiệu cho một cô giáo cũng đã gần 50 đang cảnh độc thân. Mình và cô giáo đó cũng đồng cảm với nhau, đã đi lại gần gũi với nhau nhiều lần. Cổ cũng sẵn sàng về với mình góp gạo thổi cơm chung. Nhưng mình ngại lắm. Ngại con cái không muốn có thêm mẹ kế rồi nội bộ cha con phức tạp ra. Ngại nữa là lâu lâu gặp nhau thì hay ho, ngọt ngào thế nhưng biết đâu về ở với nhau rồi lại đâm già cả trái tính trái nết. Yêu đương biết đâu lại thành thù hận.
Vì thế mà mình cứ dùng dằng không quyết. Vì thế mà mình tham khảo ý kiến ông.
Tôi hỏi: vấn đề là ông cần cái gì. Nếu là cần cái khoản đàn ông đàn bà thì thỉnh thoảng gặp ông cũng giải quyết xong rồi. Còn nếu cần một người để khi tối lửa tắt đèn, khi trái gió trở trời có nhau thì hãy tính cho kĩ. Cả đời ông đã sống vì con cái. Nay chúng nó trưởng thành hết rồi thì ông cũng nên vì ông một lần xem sao.
Bạn bảo: nói thì dễ vậy chứ làm khó lắm ông ạ. Trên đời này không có gì thú vị bằng mối quan hệ giữa con người với con người; nhưng cũng không có gì phức tạp bằng mối quan hệ giữa con người với con người. Có người mình cứ tưởng sẽ là bạn thân mãi mãi mà đến một lúc nào đó bỗng cứ xa nhau ra mà không biết vì lí do gì. Mối quan hệ giữa đàn ông với đàn bà lại càng phức tạp. Nó không chỉ là vấn đề tính dục mà còn lằng nhằng bao nhiêu thứ khác mà ngay cả người trong cuộc cũng không hiểu nổi vì sao nó lại như thế.
Hây zà… Vụ này tôi bó tay. Lấy hay không lấy chứ đâu phải là tồn tại hay không tồn tại mà có thể phát biểu ngay được. Giữa tồn tại hay không tồn tại thì chắc chắn sẽ chọn sự tồn tại. Nhưng lấy hay không lấy thì không thể chọn luôn và ngay như thế được.
Hai thằng tôi cứ thế ngồi lặng lẽ nhấm nháp với nhau cho hết buổi mà không đưa ra được kết luận gì.
Lấy hay không lấy. Đó cũng là một vấn đề vô cùng trọng đại của ông bạn tôi.
  



15 tháng 6, 2015

Tôi làm sách, anh làm sách, nó làm sách...

                                                                                              Chử Anh Đào

 Đành phải tập theo cụ Nguyễn Công Hoan với cái tựa đề trên, theo một truyện ngắn nổi tiếng mà Cụ đã giễu cười cái nhố nhăng về báo chí thời thực dân phong kiến vì với nội dung bài viết này, cái tên nó ắt phải thế.
 Sách là một sản phẩm văn hóa đặc biệt của nhân loại. Hồi nhỏ bố tôi dạy thấy tờ giấy có chữ thì phải nhặt lên. Dù thiếu thốn, dù cần kíp cũng không được lấy sách báo làm giấy lau tay, bọc gói, kê ngồi hay nhóm lửa...Vì thế là có tội. Từ khi biết đọc, khi mẹ cho tiền mua sách tới giờ, vẫn nguyên vẹn trong tôi một thói quen: mua sách về, rửa tay cho sạch rồi mới mở sách ra, hai tay trân trọng, từ từ nâng lên mũi hít vào từ từ để thưởng thức hương thơm của tinh khôi mùi giấy mới. Tôi tự hỏi tác giả làm ra những cuốn sách là ai? Và tự trả lời họ là những bậc thần thánh!
Nhưng sách bây giờ thì đã khác.
Ở đây tôi không đề cập tới những loại sách thuộc phong cách khoa học, chính luận; những loại sách phong thủy, tử vi bói toán... rẻ tiền mà chỉ nói tới những cuốn sách thuộc dòng phong cách nghệ thuật với những đặc điểm ngôn ngữ nổi bật là tính hình tượng, tính biểu cảm và đa nghĩa của nó.Tôi cũng không hàm hồ vơ đũa cả nắm mà chỉ phản ánh hiện tượng với mong muốn mọi thứ sẽ dần tốt đẹp hơn. Sách của các tác giả chuyên nghiệp cũng sẽ xin phép không bàn luận.
Có thể nói mà không sợ quá đáng rằng: bây giờ là thời loạn sách, vàng thau lẫn lộn kinh tế thị trường. Câu hỏi cần phải trả lời là vì sao mà loạn?
Loạn là vì do những người đẻ ra nó!
Họ là ai?
Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi vẫn nằm lòng lời dạy của Khổng Tử rằng trong đời sống, cần lấy sự tôn trọng và thành thật để đối xử với những người khác. Lại cũng nhớ đến những câu thơ nhân ái của Eptusenko : "Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu"
Vì thế, những người viết...Họ là những người đang sống quanh ta. Trước hết là các đại gia, các nhà quản lí. Khi mọi thứ đã viên mãn, họ vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đấy.Trằn trọc, thao thức tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, gà gáy mãi mà vẫn chẳng sáng. À, phải rồi! Đích thị là cái món thơ văn. Và họ háo hức vào cuộc với một niềm tin tất thắng. Thơ văn, chuyện nhỏ. Hai đế quốc to mà ta còn thắng nữa là...Thế là viết, là in. Giấy tốt, bìa cứng, ảnh chân dung to như ảnh lãnh tụ với các chú thích "hiện đang là, nguyên là..." tràn đầy bìa 4. Tên tác giả bìa 1 sừng sững như núi Hàm Rồng chực đổ xuống đè bẹp tên đứa con nhỏ nhoi, tiên thiên bất túc. Thứ đến là những người đã tới tuổi nhỉ ngơi, đang yên đang lành vui vầy cùng con cháu. Chợt một buổi sáng đẹp trời kia, bên bạn bè thân hữu "khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" thì Nàng thơ nhập thần, văn chương phát tiết. Công việc sáng tác, nhiều nhiêu khê và phiền lụy lắm. Trà rượu ngon đã đành.Hoa thơm trái ngọt một nhẽ. Còn phải có bàn có ghế, giấy bút, phương tiện... Nhiệt độ ngoài trời không quá nóng hoặc quá lạnh, Chỗ ngồi sáng tạo phải không có ruồi. Rồi nhờ người biên tập, xuất bản miệng...Con cháu cấm đứa nào dám ho he, người già đang "hoàn đồng" mà lại.Chỉ thấy thương thương, tội tội. Chỉ chép chép miệng tự an ủi: thà cụ mần thơ còn lương thiện và lành hơn ối lần suốt ngày săm soi viết đơn kiện cáo, mất tình làng nghĩa xóm và được vạ má sưng. Rồi là lớp ngựa non háu đá, dê cỏn buồn sừng, ngang nhiên vi phạm lời dạy của tiền bối: văn chương, kị nhất là thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. In được vài bài đã tưởng thành núi Thái. Nhiệm vụ đầu tiên là coi thường những người khác. Văn nhân tương khinh mà lại. Rồi, đã là nghệ sĩ thì phải khác người, từ quần áo tóc tai mũ mãng tới lề lối sinh hoạt rượu chè gái gú bất cần đời. Hứng lên thì trời cũng chẳng là cái đinh rỉ gì. Hãi quá!
Viết văn thơ với họ,có rất nhiều mục đích cao đẹp. Đơn giản là tiêu thời gian nhàn rỗi, tránh được nhàn cư vi bất thiện; là một hình thức thể dục tinh thần để chống chứng hay quên và lão hóa; để "cùng trời đất muôn đời bất hủ" như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, để "có danh gì với núi sông" như Nguyễn Công Trứ...E rằng mục đích cuối cùng là to nhất.
Nội dung thơ văn của họ là thể hiện lòng biết ơn đời đời với Bác Hồ vĩ đại, Đảng quang vinh, là tình yêu vô bờ bến với quê hương xứ sở, là bản tụng ca về tình yêu, tình nghĩa cha mẹ, thầy trò, anh em bè bạn...Với những nội dung như vậy, đố nhà xuất bản nào không cấp giấy phép.
Họ thông thạo tất cả các thể loại văn học. Nhưng yêu thích nhất là "hồi kí" và "thơ". Chuyện người khác còn thuộc vanh vách huống chi chuyện mình. Trong các hồi kí, nguy cơ thành nhân vật trung tâm của lịch sử, không có ông thì đếch có tự do độc lập hôm nay là điều dĩ nhiên. Còn về thơ. Nước Đại Việt là cường quốc thơ ca. Ra ngõ gặp nhà thơ. Vậy thì ta là nhà thơ. Lục bát "ta, mình" là dễ nhất, miễn là đừng đụng tới vần "ồn" nhạy cảm. Thậm chí Đường luật, tự do, phá cách kiểu "trèo lên cây khế cao cao/ Nhìn xuống dưới đất sợ bỏ mẹ" cũng không sao. Ông là nhà thơ chứ đâu phải thợ chữ, mà có thời gian trau chuốt. Thơ hay cốt ở ý tưởng, ở tính đảng, tính giai cấp, tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc(!)
Chính do quan niệm máy móc cơ giới như trên mà cái gọi là giá trị nghệ thuật ở đây hầu như vắng bóng. Vừa rồi, cầm trên tay một tuyển tập. Hãy khoan bàn về nghệ thuật mà bắt đầu bằng hình thức thôi. Các tác giả chỉ là một nhóm nhỏ tự phát mà ghi ngoài bìa 1, chỗ thường là họ tên người viết là "Tuyển tập thơ văn Tây Nguyên". Cuốn sách ấy, ngay " lời ngỏ" đã sai không dưới 6 lỗi chính tả: địa danh, "hơi hướm", "nức nẻ", " tầm tả", " viên mản"... Không dưới hai lần, khi được nhờ đọc bản thảo, tôi đã nói với hai người bạn vong niên: "Nhà thơ gì mà sai chính tả nhiều quá". Và họ tím mặt giận tôi. Thấy mất ăn mất ngủ, đầu óc để đâu đâu, tôi nói với một người khác: "Hay là đóng hai chục ngàn một tháng thay cho nộp thơ Hội người cao tuổi?". Ông mắt lăng mày vược xua tay rối rít: Ấy chết, không được đâu. Các cụ mắng chết!
"Đứa con" đã ra đời. Công việc đầu tiên của ông C. là đặt sách trên một cái đĩa phủ nhiễu đỏ, thành kính thắp hương dâng lên các bậc sinh thành trên bàn thờ như là một hành động báo hiếu chân thành và sâu sắc nhất. Tiếp đến là buổi ra mắt sách tại nhà riêng hoành tráng như lễ và đông như hội. Khách nam ngực sát ngực. Khách nữ vú sát vú. Họ ăn nhậu và chúc mừng. Có người thật thà thì bảo: Đã được ăn uống thỏa thích, tiếc gì câu khen. Kẻ thâm hơn thì rỉ tai người bên cạnh: Kệ, khen cho nó chết! Cuối tiệc thì chủ nhà đã thực sự ngồi trên chín tầng mây xanh vòi vọi, dõng dạc gọi bụt bằng anh mà phán với thực khách: Ông đéo sợ Tố Hữu (!) Ông này còn định đem sách kí tặng khách trong ngày đám cưới con ở cửa hôn trường. May quá. Một phần trăm tỉnh táo nơi ông nhờ sự can ngăn của các con và hai họ mà màn hài kịch đã không diễn ra.
Một người nổi tiếng đã nói, đại ý: nhà văn viết sách bao giờ cũng hướng tới người đọc.Nếu không có người đọc thì tiếng nói của anh ta chỉ là tiếng thì thào thảm hại trên sa mạc. Một cuốn sách in ra là bắt đầu khai sinh cuộc đời mới mà từ đây sự khen chê, yêu thích hay ruồng bỏ không còn phụ thuộc vào người sinh ra nó nữa mà phụ thuộc vào công chúng. Dù là sản phẩm tinh thần đặc biệt, hàng hóa đặc biệt nhưng sách cũng sẽ được đánh giá theo các tiêu chuẩn thật/ giả; sạch/ bẩn; đứng đắn/ nhảm nhí... Sách in ra thì phải phát hành. Có nhiều động cơ: báo công, thể hiện lòng quí mến nhau, khẳng định bản thân, thu hồi vốn...; nhiều hình thức: ép, gạ, năn nỉ, kèm theo giấy giới thiệu của tỉnh...Nhiều trường hợp khổ cho cả người bán lẫn người mua, "rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn". Ở các công sở, ngoài cái nạn chổi, tăm, cặp ba dây... của hội người mù là nạn sách. Nhiều cơ quan đề biển: "Ở đây không mua sách". Ngoài lề một tí. Tác giả bài viết này cũng đã có lần ăn quả đắng sau nhiều lần từ chối thành công các cuộc gạ khác với lí do: Sách, nhà trồng được; cơ quan mua sách theo hệ thống phát hành của ngành, nếu trái luồng sẽ bị xuất toán. Nhưng lần ấy, qua điện thoại, đầu dây bên kia nói rằng chúng tôi sáp phát hành cuốn gia phả có họ Chử của ông. Nếu đồng ý, bưu điện sẽ chuyển tận tay và vui lòng đưa tiền cho bưu tá. Tủi thân, vinh dự, tự hào vì gần nửa thế kỉ xa quê mà bạn bè vẫn nhầm lẫn mình là đồng bào dân tộc hoặc người Việt gốc Hoa mà không biết là hậu duệ của tứ bất tử Việt, tôi đồng ý. Tuần sau người ta mang đến cuốn "Hương pháp dựng bộ gia phả dành cho người đương đại và thế hệ mai sau" của nhà xuất bản Văn hóa- Thông tin. Sách bìa cứng, khổ 30 x 40, nội dung tùy tiện và nhảm nhí vô cùng. Họ Chử biệt vô âm tín. Cay đắng và trộm nghĩ: Già còn dại. Không biết còn bao nhiêu người là nạn nhân của cái trò này nữa?
Khi tôi đang viết những dòng cuối cùng này thì lại được một tác giả nhờ người mang tặng một cuốn thơ của ông in ở nhà xuất bản Văn học. Sách có tên :"Phấn thừa hương cũ, Lối xưa xe ngựa, Ngàn năm thương nhớ, Lữ hành về xa ngái..." Đại loại thế, vì không nỡ gọi thẳng tên nó ra./.
                                                                   PK. 14/6/14
                                                                        C.A.Đ



11 tháng 6, 2015

Nhớ quán ăn Quê Hương


Hồi còn ở Quy Nhơn, Bình Định, hễ có nhu cầu ăn một bữa cơm thực sự đúng nghĩa cơm Việt, nhất là những khi tiếp đãi bạn bè và khách khứa của cơ quan từ xa tới là tôi lại đến quán ăn Quê Hương số nhà 185 đường Lê Hồng Phong. Quán nằm ở trung tâm thành phố, cách nhiệm sở của tôi chỉ hơn trăm mét.
Nằm ở mặt tiền lại có cấu trúc theo kiểu nhà hình ống nhưng quán Quê Hương vẫn đủ thoáng mát và rộng rãi. Vào các buổi trưa, nếu dẫn khách khứa hoặc bạn bè đến đây, tôi vẫn thường gặp đủ cánh bá quan văn võ từ các sở ban ngành của BĐ.
Đến Quê Hương ngay khi vừa bước lên lầu, bạn sẽ gặp anh chàng quản lí tuổi còn trẻ nhưng tác phong lễ phép, điềm đạm như một ông cụ non với trang phục thường xuyên sơ mi trắng, gi lê đen và mái tóc xịt gom chải chuốt bóng lộn.
Tôi sẽ khó mà nói hết những món ăn hợp khẩu vị của quán Quê Hương bởi ở đây món nào cũng ngon, cũng hợp khẩu vị, cũng đều là đặc trưng của món ăn Việt nhưng giá cả lại rất phải chăng. Vì thế mà quán luôn đông khách.
Từ món bê thui chấm tương chao đến món dồi trường chấm mắm nêm… khai vị với vài li bia trước khi ăn; từ cơm gà luộc, gà rán, gà kho sả ớt, gà xé phay, thịt heo luộc… đến cá lóc, cá bống, cá rô kho tộ; món nào cũng đậm đà đến nhức nhối cả chân răng.
Một trong những đặc điểm của Quê Hương là vô đây bạn sẽ tha hồ thưởng thức đủ các loại mắm: Mắm nêm, mắm tép, mắm tôm, mắm thu (làm bằng cá thu), mắm nhỉ, mắm ruột (làm bằng ruột cá ngừ dùng để chấm cà)… Dù trong mâm có đông người đến đâu thì mỗi thực khách vẫn được nhà hàng dọn riêng cho một comple mắm như nhau. Tha hồ mà chấm và tha hồ mà nêm nếm. Thiệt đúng là kính thưa các loại mắm.
Nhưng điều mà tôi thích nhất ở Quê Hương là các món rau. Rau muống xào tỏi, rau bí xào tỏi, bông lí cũng xào tỏi và nhớ nhất là món rau lang luộc chấm mắm cua (cua đồng, quê tôi gọi là đam). Cái món ăn dân dã của con nhà nghèo đồng quê thời đói khổ ai ngờ nay lại thành như đặc sản của Quê Hương. Bạn hãy gắp một đũa rau lang xanh giòn, chấm ngập trong chén mắm cua nóng hổi và thơm nức mùi lúa mới, đi với một chén cơm bốc khói. Không ngon mới lạ. Thậm chí khi đang cơn đói, bạn chỉ cần chan vài muỗng mắm cua với chén cơm nóng, cũng đã thấy quá ngon rồi. Có lần tôi tiếp mấy bạn đồng nghiệp ở Gia Lai xuống, các bạn bảo lần sau vô đây chỉ cần kêu cơm nóng với rau lang chấm mắm cua là đủ.
Nhưng ở quán Quê Hương có một món khác còn hấp dẫn trên cả rau lang chấm mắm cua. Ấy là món canh rau tập tàng. Thành ngữ Việt Nam có câu: Rau tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn. Con tập tàng là những đứa trẻ sinh ra mà không xác định được bố nó là ai. Đó là một đứa con hoang. Đứa con hoang sinh ra trong sự ghẻ lạnh của người đời nên nó ý thức được sự thua thiệt của mình và luôn tìm cách chống chọi để vươn lên trong cuộc sống. Vì thế mà nó khôn. Rau tập tàng là một mớ rau thập cẩm gồm tất cả các loại rau trồng và cả rau dại. Từ bầu bí, dền, muống, mồng tơi, rau má, rau ngót…cho đến lá ớt, lá cà chua, lá tàu bay tập hợp lại trong một nồi canh gọi là canh rau tập tàng. Ở quán Quê Hương, canh rau tập tàng thường được nấu với thịt nạc bằm hoặc tôm tươi lột vỏ. Ăn nguyện một chén canh rau tập tàng ngọt lừ lại có mùi thơm thơm, hăng hắc rất khó xác định là của loại rau gì, bạn sẽ không thể không hỏi về nghĩa của từ tập tàng và công thức nấu món canh tưởng như đơn giản mà rất phức tạp này. Có lần vợ chồng tôi mời vợ chồng một ông bạn từ Sài Gòn ra với món canh rau tập tàng của Quê Hương, chị vợ dân Sài Gòn rất ngạc nhiên về độ ngon ngọt và mùi thơm đặc trưng của nó đã tìm hiểu kĩ về cách nấu. Mấy ngày sau từ Sài Gòn chị gọi điện ra cho biết là đã đi chợ mua đủ các loại rau và nấu y chang sự hướng dẫn của quán Quê Hương nhưng sao ăn không thấy ngon như ở Bình Định.
Thế đấy. Nếu ai cũng nấu ăn ngon như nhà hàng thì nhà hàng dẹp tiệm hết à.


                          Canh rau tập tàng (Ảnh từ internet)



8 tháng 6, 2015

Tôi cũng là độc giả yêu thích tác phẩm của Mạc Ngôn

                                                                                                     Lê Quang Phương

HTS: Comment mà như thế này thì cũng quá cha một bài viết. Nghĩ thế nên chủ nhà mạn phép rút ra khỏi comment và đưa lên đây cho xứng tầm.

Nhân đọc bài viết của tác giả Phan Thị Nga Tự sự trong Cao lương đỏ của Mạc Ngôn (xem ở đây: http://hatungson.blogspot.com/2015/06/tu-su-trong-cao-luong-o-cua-mac-ngon.html):

Đọc Mạc Ngôn như là một sự hưởng thụ và hơn thế nữa là một sự đổi mới trong tâm thức người đọc.
Có một vị nào đó nói Mạc Ngôn mắc nợ nhân dân Việt Nam qua “Ma chiến hữu”. Riêng tôi vốn là người lính, tôi thấy gần gũi với Mac Ngôn, với người lính Trung Quốc, với nhân dân Trung Quốc (chứ không phải với nhà cầm quyền TQ) khi đọc “Ma chiến hữu” . Chiếc cầu nối cho sự gần gũi ấy là những bộ hài cốt, là nghĩa trang, là những câu chuyện của những hồn ma trong “Ma chiến hữu” 
Tôi đọc Mạc Ngôn bắt đầu từ “Cao lương đỏ”, rồi tìm xem cho được phim “Cao lương đỏ”. Văn chương nghệ thuật của Mạc Ngôn như màu của cao lương cứ ám ảnh trong tâm trí tôi từ đó. Văn của Mạc ngôn rõ ràng có màu sắc… Suốt hai tháng trời tôi bị ông lôi cuốn. Hơn hai mươi năm tôi đã không đọc tiểu thuyết vì không tìm được cái lạ (của ta của tây hay của tàu đều thế), và cũng vì không có thời gian, không có điều kiện để đọc. May thay gặp được các tác phẩm của Mạc Ngôn, đọc được vài dòng là đã bập vào không dứt ra được, cứ trắng đêm này sang đêm khác thức mà đọc, bởi cái sự lạ, sự khác thường, sự phi thường của bút lực (ngó rõ quen mà cứ là lạ làm sao ấy) Chẳng biết chia sẻ cùng ai. Như người lâu không được uống rượu ngon nay được nhấp thử, rồi ngửa cổ, rồi ngân nga, rồi nhâm nhi tự thưởng một mình, thứ rượu văn chương Mạc Ngôn ấy thoảng qua có vẻ quê mùa nhưng thật cao sang và vô cùng thâm hậu. Văn Mạc Ngôn như rượu, siêu rượu. Đọc Mạc Ngôn thấy ông nói được tiếng nói của cây tỏi. Văn của ông có mùi tỏi, mùi của đồng ruộng của nông dân, của nổi dậy và nổi loạn, nó có nét na ná tương đồng với mùi đồng ruộng, mùi nông dân nông thôn Việt Nam bây giờ. Chỉ tiếc rằng cây tỏi VN chưa một lần nổi giận trong tiểu thuyết của các nhà văn VN.
Có lẽ ám ảnh người đọc nhất vẫn là “Phong nhũ phì đồn”. Đất nước Trung Hoa bị cưỡng hiếp, lai căng, bị giao phối khác loài, và kết quả cưỡng phối ấy là con lai biểu hiện ưu thế giống lai không mong muốn, bất ngờ và không kiểm soát. Không có sự vĩ đại mà chỉ thấy thương và sợ. Rồi “Đàn hương hình” đem đặt chung với “Phong Nhũ Phì Đồn” để cùng nhìn, cùng suy thì mới đáng sợ thứ con lai của cá mập (Carcharodon megalodon) với người hiện đại (Homo sapiens), nếu nó lạc về biển cả…
Một số tác phẩm của Mạc Ngôn tôi mới chỉ đọc có một lần. Đọc để thưởng thức trong đêm, như thưởng rượu một mình. Đọc rồi lại cật vấn lại suy tư mất ngủ, và hình như có đổi mới được cái gì đó trong cái đầu óc già nua mụ mẫm của tôi.
Tôi cũng là độc giả yêu thích tác phẩm của Mạc Ngôn. 
LQP


                                       Nhà văn Mạc Ngôn (Ảnh từ internet)