27 tháng 6, 2014

Một ngày vui




Sáng dắt xe đi làm. Vừa đến đầu ngõ gặp ngay một chị chở xe cây với đủ thứ cây cảnh ngất nghểu đi bán dạo. Tôi vốn thích cây cối nên chầm chậm đi theo ngắm nghía. Kết quả là tia được một cây cóc xanh mướt có đủ 3 nhánh với một nhánh đang trổ hoa và cả một nhánh khác đang li ti một chùm qủa to bằng hột đậu phộng. Hoa và quả cây cóc thì cũng chẳng đẹp nỗi gì nhưng lá cóc là một trong những loại lá mà nếu đi với đọt lộc vừng, rau càng cua, lá cách, lá hẹ và xà lách… rồi đem cuốn bánh tráng phơi sương Trảng Bàng với thịt heo luộc chấm nước mắm ngon thì hết ý. Tôi đã nhiều lần thưởng thức đến no căng món rau rừng thập cẩm  này trong các nhà hàng bánh tráng Hoàng Ty hoặc bò tơ Củ Chi nên lâu nay vẫn ao ước có một cây cóc để lâu lâu lên vặt lá cuốn bánh tráng. Cái vị chua chua của lá cóc, chát chát của đọt lộc vừng, hăng hăng của lá cách và rau càng cua... mà hòa trộn với nhau thì thật bắt miệng. Chỉ mới nghĩ đến đó đã thấy phải quyết liệt (mượn từ của thủ tướng Dũng) mua cho được cây cóc này.

Liền dừng lại hỏi mua. Bao nhiêu chậu cóc vậy chị. Trăm hai bán cho chú đấy. Nghĩ bụng bà này mà nói trăm hai thì giá đúng của nó là 100 ngàn rồi. Cả một cây cóc chất lượng cao như thế mà chỉ có trăm ngàn thì quá được. Nhưng không vội. Theo kinh nghiêm xương máu trong mua bán, tôi vẫn trả ép giá để khỏi hớ. Tám chục nhen. Bà bán cây chỉ kịp nghe có vậy mắt đã sáng rỡ: Ừm... thì...bán mở hàng cho chú. Trời. Mới trả một tiếng mà OK ngay vậy là lại mua hớ nửa rồi. Có khi 5 chục chị ta cũng bán. Vậy mà bả còn giả bộ cà lăm nhân đạo nữa. Nhưng lỡ rồi mua luôn. Với lại một cây cóc xanh mướt cao cả mét đang trổ hoa ra quả thế này, tám chục dù có hớ cũng rẻ chán. Chị chở vô nhà cho tui. 
Vậy là quay vô nhà, tranh thủ trồng cây cóc vô một cái chậu đẹp trên sân thượng, ngắm nghía mãi mới đi làm. Trễ mất 15 phút đến trường. Không sao. Cả năm tôi đã đi sớm rồi, hôm nay cũng phải bù lại một chút trễ chứ.

Vừa đến trường thì có điện thoại Nguyễn Xuân Sùng. Sùng ở Ba Đồn vô thăm con hôm qua. Hôm nay muốn đi chơi gặp gỡ nên gọi bạn bè. Tôi hỏi kế hoạch của ông thế nào. Muốn đi đâu không. Sùng nói tui là lính tham gia giải phóng Sài Gòn nhưng rất buồn là chỉ mới đi qua bên ngoài chứ chưa được vô trong cái dinh Độc Lập lần nào nên hôm nay muốn lên đó tham quan cho biết. Còn chiều tối nay thì vợ chồng Thu Huệ biết Sùng vô đã lên chương trình mời Sùng, Luyến Tân và tôi nữa lên nhà nhậu rồi.

Tôi nói ngay: chuyện nhỏ. Chiều nay cuối tuần, 3 giờ tui sẽ rút lui sớm khỏi nhiệm sở, ghé đưa ông đi tham quan Dinh Độc Lập. Sau đó chạy thẳng về nhà Thu Huệ nhậu luôn. Gì chứ vụ làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ thì tôi cũng thạo lắm rồi. Ngay địa chỉ dinh Độc Lập cũng đã không dưới chục lần đưa người nhà, bạn bè, nhất là lần đưa mạ tôi đi tham quan từ mấy năm trước.

Và mọi chuyện hôm nay suôn sẻ, vui vẻ hơn cả dự định.

Được trồng một cái cây mà mình đang ao ước. Được gặp gỡ và đưa bạn bè đi thăm thú Sài Gòn. Được tham gia một cuộc họp lớp 16D mi ni tại nhà Thu Huệ, uống vài li rượu sâm Hàn Quốc thơm lừng. Vậy cũng đủ cho một ngày vui rồi.  

Buổi sáng:
                                Cây cóc chỉ 80 ngàn mà xanh tươi, rất đẹp mã


                                Cành cao nhất đang trổ bông


                                  Cành sát gốc đã đậu quả. Nhà vườn nào trồng tài thế.

 Buổi chiều:

                                Vợ chồng Sùng Thư trước Dinh Độc Lập


        Nguyễn Xuân Sùng trong phòng khánh tiết. Chỉ thiếu mỗi chủ nhà là TT. Thiệu


Với chiếc Mercedes Benz 200 W110  của Đức được sản xuất vào thập kỷ 1960 mang biển đăng kí 9 nút VN-13-78; là một trong những chiếc xe mà Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã sử dụng trước 30-4-1975. Không ít người cho rằng Tổng thống  Thiệu đi xe biển số có đuôi 78 tức là thất bát nên bị sụp đổ là phải lắm...


                   Bên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-75


 Và cả bên chiếc tiêm kích F-5E do phi công Nguyễn Thành Trung ném bom xuống Dinh ngày 8-4-1975     


20 tháng 6, 2014

Âm thanh



                                                          Nhàn đàm của Chử Anh Đào         

          Âm thanh góp phần làm nên cuộc sống. Có những âm thanh như tiếng mẹ ru con, tiếng tình nhân rót mật vào tai nhau những lời minh sơn thệ hải…người ta nghe cả đời không chán. Lại có những âm thanh như bom rơi đạn nổ, giông bão thét gào thì chẳng ma nào thích. Thích hay không thích là quyền của mỗi người. Mặc! Âm thanh tồn tại cả trước khi có loài người và còn tồn tại mãi mãi. Vấn đề ở đây là tính mức độ. Tính mức độ là một trong những tiêu chuẩn của cái đẹp. Mà ranh giới giữa cái đẹp và cái buồn cười, cái xấu nhiều khi chỉ là một sợi tóc, rất mong manh, dễ chuyển hóa. Hãy thử đặt mình là đối tượng được thưởng thức các loại âm thanh sau đây, bạn hẳn sẽ đồng ý ngay với tôi rằng chúng không dễ chịu chút nào.

          
 Bắt đầu từ một ông bạn, quê ven biển miền Trung, phát âm thiếu dấu, “cà có cuống, cà có đuôi”. Đang nhẹ nhàng du dương trong quán cà phê Nhạc Trịnh, như bị điện giật, ông nhổm người lên, luống cuống thọc tay vào túi quần. Thì ra là có người gọi tới. Cái điện thoại Tàu, ở âm lượng nhỏ nhất vẫn hào sảng như loa phường vang lên cả mấy mươi mét nhạc hiệu “Tiểu đoàn 307”. Rất ý tứ, ông khum tay như bịt bớt âm thanh rồi đi ra ngoài sân. Xa rồi mà vẫn cứ như “trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh” cả làng cả tổng đều nghe thấy. Những thông tin riêng tư như em gái bị chồng đánh, cháu sẩy thai ở bệnh viện, ông sui tai nạn giao thông… lập tứcchui tọt hết vào những lỗ tai không chờ đợi.
          Lại một ông bạn vong niên nữa. Ông này xa quê đã hơn nửa thế kỉ nhưng vẫn khăng khăng thâm tình với cố hương bằng cách giữ nguyên giọng nói đậm đặc thổ âm và phương ngữ nơi chôn nhau cắt rốn, y ông Hạ Tri Chương đời nhà Đường trong “Hồi hương ngẫu thư”. Miệng lại méo, lại có tật vô duyên chưa nói đã cười, thành ra phải rất thân , vừa nghe vừa đoán mới dich ra tiếng Việt được khoảng 80% nội dung thông báo. Ăn nhậu chỗ nào thì ông này lập tức trở thành trung tâm ngay vì cái giọng oang oang đầy rẫy vần trắc, lại có nhu cầu làm thầy giáo, đứng hẳn lên mà khoa chân múa tay như lãnh tụ trước đám đông bần hàn, dốt nát, lên giọng chỉ bảo, dạy dỗ người ta. Hậu quả, ông là nạn nhân của chính mình: ba lần thay răng giả vì tai nạn giao thông và “lời nói- đọi máu”
          Ối giời! Còn một vị khác. Đầu tóc quần áo lúc nào cũng bóng mượt chỉn chu, mày râu nhẵn nhụi như Mã Giám Sinh. Kính trắng gọng vàng, comple cà vạt ngay cả lúc trời 38 độ. Thường trực tới mức người ta thắc mắc sau lưng: Không biết lúc ngủ với vợ lão có cà vạt comple không nhỉ? Ông này có đặc tính là gặp ai cũng bắt tay nồng nàn và âm lượng lời nói cỡ 80 đề xi ben. Hôm ở đám tang, ông vác bộ dạng thường lệ nhưng đeo cái cà vạt màu đỏ của đám cưới mà oang oang chào hỏi, tay bắt mặt mừng những người quen như bạn bè họp mặt sau hai ba mươi năm xa cách. Nhoài sang phía chủ nhà bàn bên, ông hỏi: “Cụ năm nay bao nhiêu tuổi ấy nhỉ?”. “Dạ kém bốn tuổi đầy một trăm.” “Đại thọ! Phúc đức! Mình năm nay cũng kém hai mươi bốn tuổi đầy một trăm. Thế cụ đi lúc mấy giờ?” “Dạ, hai giờ sáng hôm qua.” “Tốt quá!” Chả biết cái gì là “tốt quá” ở đây.

         
 Cơ quan tôi sáu chục người. Tháng họp toàn thể một lần. Thủ trưởng thường trực bộ mặt nghiêm trọng làm ai cũng phải giật mình tự hỏi không biết mình đã mắc lỗi gì. Dù người hơi bị ngắn nhưng ông đường bệ bởi vòng bụng trên 120 và dáng đi như bơi bướm của mình. Không biết có phải là cách để tăng quyền uy hay tính chất trọng đại của công việc mà ông nói rất nhỏ, cứ thì thầm như bọn làm bạc giả, như kẻ trộm chia của. Ngay cả những người ngồi gần ông nhất cũng đã dỏng hết cả tai lên mà vẫn bập bõm không trọn vẹn những lời vàng ý ngọc. Đã thế, thỉnh thoảng lại hét lên : Tôi nói các đồng chí nghe rõ không? Dạ. Riêng câu này thì chúng em rõ ạ.
          Thật không muốn làm người đọc chán nản, bực bội nhưng những chuyện trên không phải là cá biệt. Tôi viết bài này trong ồn ã của âm thanh kinh kệ mở hết vô lim từ 9 giờ sáng tới bây giờ là 15 giờ chiều trong ngôi nhà mặt tiền phố LTT, đối diện với một trường học lớn. Thiển nghĩ Đức Ngài có phục sinh hiện hữu thì ắt Người sẽ không gào lên như thế. Phiền lắm! Ở đây hình thức âm thanh chính là nội dung. Sở hữu âm thanh như thế nào, người ta sẽ biết tới tư cách và trình độ văn hóa của chủ nhân những âm thanh ấy.
                                                                        PK 20.6.14
                                                                             C.A.Đ



13 tháng 6, 2014

Trận thua đầu tiên



Thú thực trần đời này tôi chẳng biết bóng bánh là gì và cũng chẳng thú vị gì cái trò 2 chục thằng cùng mặc quần đùi hùng hục tranh nhau một quả bóng trên một cái sân rất đẹp. Nói cho đúng ra thì vì lòng yêu nước và tự hào dân tộc, tôi chỉ xem bóng đá trên TV khi đội Việt Nam gặp đội Thái Lan trong các giải của SEA Games mà thôi. Còn cái sân vận động Quy Nhơn ở Bình Định hay sân Thống Nhất ở Sài Gòn thì tôi chưa một lần đặt chân đến, không biết nó tròn méo thế nào. Vậy mà vài chục năm nay, cứ 4 năm một lần, tôi  không ít thì nhiều đều bị dính vào các trận đấu của world cup, mặc dù tên cầu thủ bóng đá nổi tiếng trên thế giới tôi chỉ biết được 2 người là Pele và Beckham (do TV và mọi người nhắc đến nhiều quá, và cái tên cũng dễ nhớ).

Nói tôi dính vào không phải là do xem xót gì nó (có khùng mới nửa đêm về  sáng bỏ cả ngủ nghê, căng mắt ra xem như bị thôi miên vì hai đội bóng ất ơ nào đó tận bên xứ trời tây chẳng liên quan gì đến nước mình) mà chỉ vì có tham gia vào cá độ trước mỗi trận đấu.

Chuyện cá độ thì tôi cũng không máu me gì mà thường vô tình bị đám bạn bè đồng nghiệp cuốn vào. Mà mục đích kéo tôi vào là để chia lửa khi chúng nó bị thua độ. 

Chẳng hạn như hôm qua, đến giờ ăn trưa bỗng nhiên anh Hai Thắng bên Ban dự án hô lên: “Trưa nay bỏ cơm hộp đi làm chầu thịt cầy hợp tác xã chào mừng khai mạc world cup nhen chúng mày”. Khai mạc hay bế mạc world cup thì đối với tôi không có liên quan gì nhưng món cầy tơ lâu lâu làm một bữa cũng sướng nên tôi ủng hộ ngay. Vậy là cả bọn rào rào đóng máy kéo nhau đến quán cầy tơ thui rơm Nam Định ở Tân Sơn Nhì. Đội hình gồm 6 tên: Hai Thắng, Năng đào tạo, Cường, Ngươn, Hoàng với tôi.

Li nếp Bắc thơm lừng và trong như mắt mèo đầu tiên nhanh chóng được nâng lên để chào mừng khai mạc world cup. Li thứ hai để chúc mừng đội sẽ thắng trận mở màn đêm nay. Đến đây thì có sự chững lại: Brazil hay Croatia sẽ thắng. Anh Hai Thắng, một chuyên gia dự đoán khẳng định như đinh đóng cột là sẽ huề 1-1. Vì thường thì trong trận khai mạc, kết quả tỉ số không cao và rơi vào huề 1-1. Không đồng ý với Hai Thắng, chú Năng đào tạo lại quả quyết là Croatia sẽ thắng. Lí do là cả thế giới đều nghiêng phần thắng về đội mạnh chủ nhà Brazil nhưng trong bóng đá, đội kèo dưới ít hi vọng là Croatia sẽ lật ngược thế trận và sẽ thắng. Hắn còn khẳng định chắc như bắp tỉ số trận đấu sẽ là 2-1 nghiêng về Croatia. Vậy là Hai Thắng và Năng với hai dự đoán trái ngược bắt tay cá với nhau: Nếu huề 1-1 thì Năng thua độ, nếu Croatia thắng Brazil 2-1 thì Hai Thắng thua độ. Li thứ 2 được cạn. Đến li thứ 3 thì anh Hai Thắng nói chẳng lẽ mỗi tao với thằng Năng cá với nhau còn 4 thằng chúng mày ngồi ngoài hưởng lợi à. Hoàng giơ tay xin phát biểu: Nếu ngoài hai khả năng trên ra, còn lại bất kì kết quả thế nào thì 4 người còn lại chúng em sẽ chấp tất. Hai Thắng và Năng nghe vậy cười tít cả mắt, vỗ tay bôm bốp. Sao nhóm 4 tên này ngu thế.

Sau đó cả bọn thống nhất độ trận khai mạc sẽ diễn ra vào trưa mai tại quán dê núi Bình Thuận bên Cộng Hòa, chỗ này tuy có xa nhưng bù lại chất lượng cao. Vẫn là thay cho một bữa cơm hộp văn phòng.

 

             Lễ khai mạc world cup 2014 trên sân vận động Sao Paulo



Đêm qua dĩ nhiên tôi vẫn ngủ nghê bình thường như bao đêm khác mà không quan hoài gì đến trận khai mạc world cup nào đó đang diễn ra ở đâu đấy. Gần sáng tôi mơ màng nghe như điện thoại có tiếng chuông báo tin nhắn nhưng mặc kệ, đang ngon giấc. 6 giờ sáng vẫn đang ngủ nốt thì điện thoại réo lên những hồi dài. Bật máy ra thì nghe tiếng Hai Thắng cười khà khà: 3-2 chú mày nhé. Bốn thằng tụi bay nhớ xem lại ví trước khi đi làm.

Thôi rồi. Vậy là nhóm 4 tên chúng tôi đã thua độ. Hai Thắng và Năng đã rơi vào cửa thắng. Mở tiếp tin nhắn chưa đọc thấy của Năng vào lúc 4h33 phút: “Croatia đang dẫn trước 2-1. Thầy Thắng chắc thua độ rồi”.

Bóng đá đúng là không biết đâu mà lần.Mọi dự đoán dù rất có lí đều trật lất.

Vậy là trưa nay tại quán dê Cộng Hòa có một nhóm thực khách 6 tên trong đó có hai tên ăn không mất tiền, 4 tên còn lại chia đều lãnh đủ.

Riêng tôi, từ rất lâu đã rút ra một chân lí: Trong các giải world cup nếu tôi bắt đội nào thắng thì đội đó sẽ thua. Bằng chứng là khi còn ở Bình Định, tôi với tay Hải triết (tên Hải dạy triết học nên gọi là Hải triết) trận world cup nào cũng cá nhau với độ là một chầu café ăn sáng vào sáng hôm sau. Hải là một tay mê bóng đá ngày quên ngủ đêm quên ăn. Chưa có trận nào mà hắn không thức đến xọm cả mắt để xem. Vì thế để ưu ái cho kẻ ngoại đạo ngu ngơ là tôi, trận nào hắn cũng nhường tôi bắt trước. Để chắc ăn, trước mỗi trận, tôi lên mạng lùng sục tất cả mọi dự đoán của các chuyên gia bóng đá hàng đầu thế giới (trừ Việt Nam ra). Tôi còn theo dõi kĩ bảng tỉ lệ cá cược thắng thua của các nhà cái chuyên nghiệp tổ chức đánh bạc tận bên Tây-Mĩ. Vậy mà rút cuộc, chầu café với ăn sáng nào  tôi cũng phải ngậm ngùi rút ví trả tiền trong lúc Hải triết rung đùi xỉa răng tanh tách và mỉm cười sung sướng. Suốt cả tháng trời diễn ra world cup mà được ăn sáng với café không mất tiền, hắn không cười sung sướng mới lạ.

Cứ vào mùa world cup, qũi đen của tôi bị thâm hụt trông thấy.

Đêm qua mới là trận đầu tiên. Vào giờ này, mấy tên trong nhóm tôi đang chúi mũi vô mạng nghiên cứu trận tiếp theo để gài độ tiếp. Hi vọng sẽ gỡ gạc lại chầu dê núi Bình Thuận trưa nay. 

 

 

12 tháng 6, 2014

Môn sử, vì sao...?



                                                                            Chử Anh Đào

          Chất lượng dạy-học, thi cử ở các cấp trong những năm gần đây và số lượng thí sinh đăng kí dự thi môn Lịch sử ở kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng đào tạo của ngành giáo dục nước ta hiện nay.
          Là một người trong ngành, lại phụ trách bộ môn mà từ xa xưa có cùng nguồn cội (Văn-Sử-Triết bất phân), người viết bài này không thể không có ý kiến. Tất nhiên không có tham vọng và cũng không thể trông đợi chỉ một bài viết nhỏ, phiến diện mà thay đổi được đại cục.
          Xin được bắt đầu với những kỉ niệm thời thơ ấu, dù đấy là truyền thuyết, dã sử hay chính sử, nhưng các bậc cha mẹ, ông bà, các thầy cô giáo đã gieo những hạt mầm đầu tiên vào tâm hồn thơ trẻ, non nớt về niềm tự hào về nòi giống Tiên- Rồng, về sức mạnh quật khởi chống giặc ngoại xâm và ý chí ngăn sông dời núi của tổ tiên ta…Những sự tích trăm trứng, Thánh Gióng, Sơn tinh- Thủy tinh đã góp những viên đá tảng đầu tiên cho nhân cách làm người sau này. Chúng là những dấu son trọn vẹn trong tâm hồn mãi cho đến khi con người ấy trở về với đất. Lớn lên chút nữa, ở bậc trung học cơ sở là những cọc gỗ nhọn trên sông Bạch Đằng Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên; là “Gươm mài đá, đá núi phải mòn/ Voi uống nước, nước sông phải cạn/ Đánh một trận sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông” của “Bình Ngô đại cáo”, là Quang Trung Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc, chiến bào sạm khói súng, chiến thắng mấy mươi vạn quân Thanh vào ngày mùng năm tết “Mùng năm ết trận thắng to/ Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân”… Đó còn là những con người bằng xương bằng thịt được bao phủ bằng lấp lánh hào quang huyền thoại. Bà Trưng cưỡi voi ra trận nhưng khi Mã Viện bắt quân lính cởi truồng để đánh nhau thì Hai Bà với nữ tính của giới mình đã xấu hổ mà vỡ thế trận.Nhưng hình ảnh “Hồng quần nhẹ bước chinh yên/ Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành” của Hai Bà còn phấp phới bay mãi trên đầu các đấng bậc nam nhi đại trượng phu. Bà Triệu khi cưỡi voi đánh giặc phải dắt vú vào cạp váy cho khỏi vướng. Người đan sọt làng Phù Ủng Phạm Ngũ Lão mải suy ngẫm về vận nước mà quân lính đâm giáo vào đùi, máu đầm đìa chảy mà không hay. Yết Kiêu – môn khách của Trần Hưng Đạo là vị thần Rái cá hóa thân giúp nhà Trần. Trần Bình Trọng thà “làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”… Rồi đến chuyện kể Điện Biên Phủ với con đường ngầm trên đồi A1, lá cờ chuẩn đỏ thắm, những Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện… Tất cả, tất cả đều hiện lên rất sống động. Vì sao vậy? Là vì sự háo hức được hiểu biết về ông cha mình của người nghe, người học. Và quan trọng hơn, cách dẫn dắt câu chuyện, giọng kể của thầy, của các bậc trưởng lão cứ y như là người trong cuộc đã tham gia các cuộc chiến đấu lừng danh ấy. Người kể bằng cả cảm xúc chân thành và nồng cháy đã hóa thân vào nhân vật, sự kiện mà truyền đạt lại. Vì vậy sức hấp dẫn và sự thuyết phục được nhân lên tới cả hàng trăm lần so với (ví dụ) một giọng điệu dửng dưng ngoài cuộc, bất đắc dĩ phải nói; nói mà không tin điều mình đang nói.
          Như thế, điều có thể khẳng định vị trí đầu tiên ở đây là người thầy. Nếu là một thầy giáo giỏi giang về chuyên môn và tràn đầy lòng nhiệt huyết thì không phải chỉ là Văn, là Sử mà dạy bất cứ môn nào học sinh cũng đều kính trọng, hứng thú học tập. “Chỉ mong đến giờ của thầy” là tâm trạng chung của nhiều thế hệ học sinh dành cho thầy giáo yêu kính của mình. Thầy giỏi ắt có nhiều trò giỏi và ngược lại. Đó là chân lí phổ quát, không có ngoại lệ.

          Thứ đến, đành rằng tất cả các môn học, nhất là các môn khoa học xã hội đều không nằm ngoài chính trị và phục vụ chính trị. Nhưng mỗi môn khoa học lại có đặc trưng riêng của nó. Khoa học, khách quan, trung thực là một trong những đặc trưng của môn Lịch sử. Sử sách phong kiến đã đáp ứng yêu cầu này. Nhà vua cũng không có quyền can thiệp. Khí tiết viết sử của các nhà sử học thời Xuân Thu còn vằng vặc mãi đến ngày nay. Vua thông dâm với vợ quan đại thần Thôi Trữ, bị người chồng giết chết. Các sử quan dù người trước bị mất đầu nhưng người sau vẫn chép như thế (chứ không phải “đau tim”,  “đột quị” theo yêu cầu của triều đình). Ở một nước khác, có nghĩa trang chung cho những người đã ngã xuống khi tham gia nội chiến nồi da nấu thịt. Tất cả không một ai bị lãng quên vì họ cùng góp phần cho lịch sử đất nước sang trang mới. Họ còn làm một bộ phim hoành tráng về trận đại bại của họ trong thế chiến thứ 2 nhằm phản ánh trung thực lịch sử và rút ra bài học để những sai lầm không lặp lại. Lịch sử Việt Nam hiện đại thì lại khác. Có lẽ vì muốn động viên khích lệ nhằm đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng mà sách giáo khoa và các phương tiện thông tin đại chúng đều một bài một giọng: thế giới chia làm hai phe, miền Bắc được mùa, miền Nam thắng lớn; quân ta thông minh, kiên cường, nhân đạo; quân giặc ngu dốt, hèn nhát, dã man…Thật là “Mất vệ sinh, bội thực tự hào” (Nguyễn Duy- Nhìn từ xa, Tổ quốc). Chưa kể, chưa học đã biết trước là ta nhất định thắng, địch nhất định thua thì còn học làm gì nữa. Nhàm chán, vô vị là kẻ thù của nhận thức, khám phá. Chưa kể đến một lúc nào đấy người ta nhận được thông tin tất cả không hoàn toàn như vậy. Người ta mới ngã ngửa người ra , có cảm giác như bị lừa, hoang mang không biết tin vào đâu nữa. Đến bây giờ, trong một thế giới phẳng, những phát ngôn kiểu “dân chủ gấp vạn lần”, “là hai anh em canh hòa bình cho thế giới” đã mang lại sự mỉa mai không mong muốn. Sử thi Ấn Độ Mahabharrata đã rất chí lí khi thông qua một câu chuyện cụ thể để rút ra kết luận là: Đức hạnh được giáo dục trong sự một chiều, bưng bít thì rất bấp bênh! Có cảm giác ở ta, môn sử đã không được tách riêng, độc lập mà bị gộp, bị chi phối trực tiếp với các môn khoa học xã hội khác thuộc kiến trúc thượng tầng. Đây là lí do thứ hai khiến ít có thầy giỏi và học sinh, sinh viên chán học môn sử. Đã chán học sử nhà, cộng với sự xâm lăng, tiếm ngôi của các phương tiện thông tin giải trí khác, người ta đâm ra thuộc sử Tàu, y phục, trang điểm theo Hàn quốc. Sự khủng hoảng của môn sử góp phần làm lung lay tận gốc rễ văn hóa truyền thống Viêt mà hành động một thanh niên hôn chỗ ngồi của “ngôi sao” Hàn quốc là một vết nhục tầm quốc thể khó rửa sạch. Định hướng tương lai cho cá nhân, cho cả dân tộc là một trong những nhiệm vụ của môn sử. Buồn thay, trên thực tế, nó đã không làm được.
          Chắc chắn còn những lí do, những phương cách khác như tâm lí thương mại, thực dụng của xã hội; chương trình, sách giáo khoa; phương pháp ra đề kiểm ta, đánh giá, phương pháp giảng dạy bộ môn…Nhưng những điều đó ngoài tầm hiểu biết của người viết bài này./.
                                                                    PK. 12.6.14
                                                                   C.A.Đ