28 tháng 6, 2016

Quảng Bình quê ta ơi

 Ở xa nghe tin tỉnh Quảng Bình ban hành chỉ thị cấm văn nghệ sĩ không được viết về biển chết cá chết.

Biển chết rồi cá chết
Ngư dân phủ bạt thuyền
Những ngày không  đi biển
Ngư dân cũng héo mòn

Thế rồi trên ban xuống
Cấm tiệt văn nghệ sĩ
Biển chết không vào nhạc
Cá chết không vào thơ

Cái ác đang nhởn nhơ
Giữa thanh thiên bạch nhật
Sao lại cấm nghệ sĩ
Không được nói sự thật

Thiệt là tôi không hiểu
Sự thật như mặt trời
Bàn tay nào che nổi
Ánh sáng vầng thái dương

Hay là nhằm che chắn
Tội ác quân người Hán
Từng ngàn năm đô hộ
Tàn sát dân tộc ta?

Đã là văn nghệ sĩ
Thì cũng là con người
Sao cấm họ hát ca
Về nỗi đau đồng loại

Rồi ngày mai ngày mai
Cháu con ta nguyền rủa
Về một lũ nhát gan
Đồng lõa với giặc Tàu
                28/6/2016 



Dị bản của Lê Quang Phương:

Quảng Bình Quê ta ơi!

" Nếu ai hỏi vì sao"
Quê ta nhiều cá chết
- Lặng im và không biết
Bởi uy ông giặc Tàu

Nếu ai hỏi vì sao
dưới tầng sâu biển đau
- Gầm gừ biển gào thét
vì sao hở vì sao ?

Đã bốn ngàn triệu năm
Sự sống gieo vào biển
Vần vũ ở trên cao
Sinh nở trong mầu nhiệm

Từ mầm sống sơ khai
Biển nuôi thành tôm cá
Biển gửi vào lục địa
Chim thú và muôn hoa

Rồi nhân loại ra đời
Có anh và có tôi
Cùng chung nôi biển cả
Cùng uống ánh dương soi

Còn ác hơn cầm thú
Lũ đội lốt mặt người
Chúng dối lừa cả chúa
Thải độc vào biển khơi

Trong tim ta sóng hát
Trong mắt ta ánh trời
Trong lòng ta đất nước
Ta ca bài biển khơi

Tôi và anh cứ hát
Ca bài ca làm người
Biển của chung nhân loại
Của anh và của tôi

Quảng bình quê ta ơi !


Phủ Tây Hồ, Thọ Xuân, Thanh Hóa
1/7/2016 
 

24 tháng 6, 2016

Tôi thích ông này

Thủ tướng Campuchia đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, bị công an bắt

Tờ Khmer Times hôm 23/6 đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bị công an bắt và phải nộp phạt vì lỗi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.


Thủ tướng Campuchia Hun Sen lái xe máy không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Khmer Times. (P/S: Hình như ông Thủ tướng đáng yêu này đi xe máy không quen, có vẻ căng thẳng).

Cụ thể, trong chuyến thăm tuần trước tới tỉnh Koh Kong, tây nam Campuchia, ông Hun Sen đã bị cảnh sát giao thông tỉnh này bắt dừng xe và nộp phạt, vì lỗi lái xe máy không đội mũ bảo hiểm.
Biên bản xử phạt được một viên cảnh sát có tên Sun Nem ghi lại, theo đó, vào ngày 18/6, "một người lái xe máy tên Hun Sen đã phạm vào luật 6, bộ luật giao thông đường bộ Campuchia, và phải nộp phạt 15.000 riel (khoảng 80.000 VNĐ)".
Viên cảnh sát này cũng đề nghị Thủ tướng Campuchia mang biên bản tới Phnom Penh nộp phạt.


Biên bản xử phạt lỗi vi phạm giao thông của Hun Sen. Ảnh: Khmer Times

Ông Hun Sen sau đó đã công khai xin lỗi công chúng vì lỗi này. Trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Campuchia cho biết ông chấp nhận hình phạt, đồng thời khẳng định sẽ nộp phạt cho mình cũng như ông Sen Dy, người ngồi sau và cũng là chủ của chiếc xe máy hôm đó. 
Thủ tướng Campuchia nói thêm, quyền miễn tố áp dụng đối với các nhà lập pháp Campuchia cũng không thể "cứu" ông khỏi việc bị xử phạt vi phạm luật giao thông.
Theo Đức Huy (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)


20 tháng 6, 2016

Trả nợ cuộc đời



Nói là trả nợ môn học cho oai thôi chứ thực ra phải nói là thi lại mới gọi đúng tên của sự việc. Đã đi học suốt mấy năm cao đẳng và đại học, chúng ta sẽ thấy trong lớp luôn có một bộ phận không nhỏ sinh viên kì thi nào cũng thiếu điểm để buộc lòng phải thi lại.
Việc thi lại thường diễn ra vào mỗi tháng nghỉ hè.
Vì thế những ai phải thi lại thường mất hè là cái chắc. Có lẽ vì thế mà có câu hát quen thuộc: Mỗi khi đến hè lòng man mác buồn. Buồn không chỉ vì hè đến phải chia xa bạn bè, mà buồn vì hè đến phải thi lại. Hồi tôi học đại học ai cũng thuộc nằm lòng câu tự an ủi quen thuộc: Không thi lại không phải là sinh viên.
Có người kì thi nào cũng dính một vài môn thi lại, có người thậm chí dính đến ba, bốn môn. Học để thi đi đã khó, học để thi lại còn khó hơn nhiều. Vì mỗi khi lật giáo trình ra để học thi lại, thấy không có gì mới, hình như cái gì cũng biết, chỉ có điều không nhớ mà thôi. Vì thế mà học thi lại rất dễ làm cho sinh viên nản chí. Ai đó nói thi lại là một cực hình. Rất đúng. Thi lại làm ta dễ cô đơn, buồn tủi và có khi vì thi lại mà có người đâm giận hờn vu vơ một ai đó.
Không cô đơn sao được khi ngoài kia hoa phượng nở rực trời bạn bè từng đôi nắm tay nhau tung tăng bay nhảy còn mình lại ... chúi mũi vô trang giáo trình cũ rích.
Không vu vơ giận hờn sao được khi cái điện thoại bỗng dưng rung lên với lời nhắn của cô bạn xinh đẹp: Đang làm chi đó, đi trà sữa không... Hổng lẽ nhắn lại: Tui đang học thi lại. 

 Thi lại trong bao nỗi cô đơn và buồn tủi
 
Với sinh viên, thi lại là chuyện cũng bình thường, như một tai nạn nghề nghiệp trong học tập. Vấn đề là biết cách bình tĩnh tiếp nhận bảng điểm với thành tích không mấy đẹp và biết chủ động học lại, ôn thi lại để trả nợ cuộc đời, ý lộn, trả nợ môn học cho sòng phẳng.
Người Việt nam ta có câu: Cái khó ló cái khôn; hoặc câu: Trong cái may có cái rủi. Biết đâu nhờ mỗi lần thi lại khiến ta cũng lớn khôn lên ít nhiều.

16 tháng 6, 2016

Bảo Thu và Mạc Can

Tôi biết và chơi với anh Bảo Thu (tên thật là Nguyễn Trung Khuyến) đã hàng chục năm nay, từ hồi còn làm ở BTV Bình Định. Anh sinh năm 1944, hơn tôi đúng chục tuổi. Tôi xem anh là bậc thầy về mọi chuyện trong cuộc sống, từ văn học, nghệ thuật cho đến sản xuất các chương trình phim ảnh, cải lương…
Tính anh nghệ sĩ và hào phóng đến từng sợi tóc. Hồi Bảo Thu còn làm nhà sản xuất các chương trình cải lương, tôi từ Quy Nhơn vô mua chương trình về phát sóng, anh đưa cho tôi cả chục băng VHS với những vở cải lương cổ điển do anh sản xuất đem về phát thoải mái ở đài, nói có tiền thì trả mà không có thì coi như anh biếu đài Bình Định phát chơi.
Anh là nhà ảo thuật lừng danh ở Sài Gòn trước 30/4/75. Năm 1963, anh trúng tuyển kỳ thi bằng Giáo sư Ảo thuật của trường QTAT tại Pháp. Năm 1964, anh được Hội Ảo thuật gia Việt Nam Cộng hòa bầu làm Đại biểu chính thức của bộ môn Ảo thuật tại Việt Nam. Bảo Thu là người đầu tiên và duy nhất cho đến nay nhận được vinh dự này. Ông từng đi tu nghiệp về ảo thuật, xiếc múa rối, kịch tại Pháp, Áo, Bỉ, Hà Lan… Vì thế mà dân Sài Gòn từ nửa thế kỉ nay luôn gọi anh là GS. Bảo Thu, hoặc TS. Bảo Thu. GS. TS. thứ thiệt chứ không phải loại hàng mã nhan nhản trong xã hội ta ngày nay.  
Tuy nhiên tôi chưa được xem anh biểu diễn ảo thuật lần nào.
Bảo Thu còn nổi tiếng là nhạc sĩ chuyên sáng tác các ca khúc trữ tình mà trước đây vẫn gọi là nhạc vàng.  Hàng trăm bài nhạc vàng của anh nổi tiếng trong giới trẻ học sinh, sinh viên và thanh niên, trong đó hay nhất là bài “Cho tôi được một lần” mà ai đã mê nhạc vàng thì không thể không thích:
Cho tôi được một lần
nhìn hoa giăng đầu ngõ
Một lần cài hoa đỏ lên tim
Một lần dìu em sang nhà mới
Tình yêu trong tầm với
Ngọt tiếng nói thơm môi
Trước giải phóng NS. Bảo Thu nổi tiếng đến mức được gọi là vua nhạc vàng.
Tôi đã nghe anh hát nhiều lần tại nhà hàng anh mở trên Phú Nhuận. Mỗi bài hát của anh đều có bóng hình của một người con gái mà anh yêu (còn người ta có yêu anh hay không thì anh cũng không biết); ngay bút danh Bảo Thu cũng là từ tên của hai người con gái mà anh yêu thương nhất (trong đó có một cô học trò kém anh nhiều tuổi) ghép lại mà thành.
GS. Bảo Thu là một tay nhà giàu có hạng ở đất Sài Gòn nhưng tiếp xúc với anh không ai nghĩ anh là người có tiền. Cái xe máy cà tàng, bộ quần áo giản đơn không hàng hiệu là những thứ gắn bó với anh đã hơn nửa thế kỉ nay. Gần 75 tuổi nhưng nhìn anh hoạt bát, nhanh nhẹn và khỏe mạnh như mới khoảng 50 tuổi là cùng. Thật đáng kính nể.  
Sáng nay tại nhà hàng Con cò trên Trần Bình Trọng quận 5, Bảo Thu mời TSKH Nguyễn Văn Khánh với tư cách là NSUT, nguyên Phó Cục trưởng Cục NTBD Bộ VHTT và DL và tôi với tư cách là nhà báo từng nhiều năm biên tập và sản xuất các chương trình TV đến dự chương trình biểu diễn các tiết mục xiếc và ảo thuật đặc đặc sắc và trao bằng danh dự cho các nghệ sĩ. Có khoảng 50 nghệ sĩ ảo thuật tiêu biểu đủ các lứa tuổi từ 18 cho đến 75, trong đó có nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ xiếc, diễn viên điện ảnh Mạc Can, tác giả của tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” và chục đầu tiểu thuyết, truyện ngắn nổi tiếng khác. Ông là người mà tôi đã gặp nhiều lần và thấy vô cùng kính trọng và yêu mến.  
Găp anh Khánh và tôi, Bảo Thu bắt tay thật chặt và gắn lên ngực áo chúng tôi tấm huy hiệu danh dự của Hội ảo thuật gia Sài Gòn.

Tôi với anh Khánh và nhà văn Mạc Can được GS. Bảo Thu sắp xếp ngồi bàn đầu sát sân khấu và vinh hạnh được BTC mời lên trao bằng danh dự cho các nghệ sĩ. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc và xem những màn biểu diễn xiếc, ảo thuật gần và mê li, rùng rợn, phong phú như vậy. Có một cô gái 18 tuổi đứng biểu diễn cách tôi có 1m nuốt luôn cả thanh kiếm và lưỡi cưa bằng thép dài nửa mét vào bụng mới ghê.

Với tác giả Tấm ván phóng dao, nhà văn trẻ Mạc Can. Ông luôn ôm cái cặp đen không còn dây kéo để khóa. Tôi hỏi có gì trong đó chú. Ông cười nói chỉ có thuốc lá, cái điện thoại và bản thảo một cuốn sách đang viết. Mạc Can cùng tuổi với Bảo Thu nhưng cuộc đời nghệ sĩ gian truân khiến ông có vẻ ngoài già hơn Bảo Thu đến 20 tuổi. Lần đầu tiên gặp ông tôi đã nghĩ chắc ông phải đến 90 tuổi là ít. Vậy mà ông chmới có 75 tuổi. Tội ông già thế.


Các phóng viên báo đài đến quay phim chụp hình khá đông, Mạc Can cũng tác nghiệp rất sành điệu bằng một cái điện thoại thông minh có màn hình rất lớn


TSKH. Nguyễn Văn Khánh (áo trắng)


Anh Khánh (thứ 3 phải sang) và anh Bảo Thu (thứ 6 phải sang) lên trao bằng danh dự cho các nghệ sĩ ảo thuật lớn tuổi. Tôi được mời trao cho mấy em 18 tuổi.


13 tháng 6, 2016

Viết cho con

                          Nguyễn Trung Ngọc

Bố biết con sinh thời chư­a có bình yên 
Dù giấc ngủ trong nôi không còn mê thấy súng, 
Bom không nổ trong bài con hát nữa 
Như­ng tình thương chư­a đủ giấc mơ lành.

Đất nước mình xứ sở màu xanh 
Giặc thiêu đốt giờ cây vàng úa mãi. 
Bố không thể nghĩ rằng phải một cuộc chiến tranh trở lại
Cho yên lành giấc con ngủ trong nôi 

Cho giấc mơ lành nở giữa làn môi
Như một thuở đi qua bố đã từng hi vọng:
Thay bạo ngược bằng tình yêu, lẽ sống
Chỉ còn yêu nhau người sống bên người! 

Thương con sống thời chưa có bình yên
Biên cương đó giặc phá mùa hoa trái
Nghèo dốt vẫn theo chân mình ở lại
Bài hát tình yêu chưa hát giữa đời...

Dù có tiếng dịu hiền của mẹ bên nôi
Giọt đắng mặn mồ hôi đọng trong lời hát ấy.
Mẹ đã vì con, yêu con biết mấy
Lớn lên có bạn rồi con nhớ những hôm nay!

Bố sẽ thấy con trong đội ngũ NHỮNG-CON-NGƯỜI
Sông hẹp lại dưới chân con, núi chỉ là mô đất
Cuộc sống mở chờ con. Không thể nào khác được
Thế kỉ hai mươi khép lại ở sau mình!

Để có được bây giờ đất nước đã hi sinh
Kể cả tuổi thơ con sự yên bình chưa có
Những mơ ước nơi con - Tình yêu của bố
Có chắp cánh bay lên tỏa chút hương đời?


Bình minh rạng ngời hé giữa làn môi
Của con đó, cũng chính là mơ ước
Bố đã thấy con ngày mai trên đường con bước
Từ cuộc sống hôm nay chưa có sự thanh bình.

Đã có những đêm dài bố thức thâu canh
Giữa vắng lặng nghe lòng mình trăn trở
Khó khăn hơn những năm tháng Trường Sơn gian khổ
Hành quân – hi sinh, không tiếc sức mình!

Quá vô tư trong những ngày sống giữa rừng xanh
Bố cứ ngỡ đuổi giặc xong là bình yên xây dựng 
Đâu biết hết khó khăn của mặt trận sau này không tiếng súng
Cuộc hồi sinh đau thấm thịt da mình!

Nào phải trên đời này ai cũng biết hi sinh.
Căn nhà nhỏ cho con bố còn chưa dựng nổi,
Mẹ quên cả tuổi xuân tháng ngày lăn lội,
Đồng lương nghèo đắp đổi quanh năm...

Rồi thời gian qua đi. Ai nghĩ có một lần
Cả danh dự, lương tâm người đời đem đổi bán
Trên đất nước dù không còn bom đạn
Nhưng tình thương chưa đủ giấc mơ lành!

Chân lí cuộc đời con hãy giữ niềm tin
CON NGƯỜI trong ta sáng ngời vĩnh viễn. 
Bố đã đi và con sẽ đến
Tự do
Hòa bìnha
Không của riêng ai. 

NTN

10/6/1982
(Tròn một năm có con trai)



Nguyễn Trung Ngọc lái xe, Phan Nga (ngồi bên cạnh) lái...Ngọc



9 tháng 6, 2016

TM 4. Tôi dạy triết học. Tôi không dạy chính trị

                                                    Nguyễn Trung Ngọc
                                                     (Nhớ lại một thời ở VU)

Nhớ một lần, tôi vào Sài Gòn thăm bố vợ đang dưỡng bệnh ở bệnh viện Thống Nhất. Trong căn phòng chật ních những bệnh nhân thời ấy người ta quen gọi là cán bộ trung-cao, một ông đã đứng tuổi chắc đã được bố vợ tôi nói trước, hỏi tôi: Cháu dạy chính trị ở VU? Dị ứng với từ chính trị tôi cự lại ngay: Dạ không! Cháu dạy triết học, cháu không dạy chính trị (sau này nghĩ lại cứ thấy buồn cười). Mà quả thật, đi dạy kiểu tuyên huấn, “bám sát văn kiện”, “giữ vững lập trường”…thì hơn 40 năm qua (tính theo năm công tác để về hưu của tôi) có lẽ tôi đã làm “nhiệm vụ chính trị” dở ẹc. Đến mức có lần tôi đã bị nhắc nhở xa xôi là “giảng dạy đi xa tài liệu”, “nói năng tuỳ tiện”, “có nguy cơ làm sinh viên xa rời Đảng…” Đảng ta có sự thống nhất từ trên xuống dưới. Anh đã là người của Đảng mà cứ đòi là anh, không nói những lời của Đảng thì ai chịu cho. Phải nói y như sách ấy: nền dân chủ của chúng ta là nền dân chủ kiểu mới, khác xa với dân chủ tư sản – một thứ dân chủ giả hiệu. Nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân…Sai đâu sách chịu miễn là mình an thân, “có lập trường tư tưởng vững vàng” là tốt rồi. Trời ạ! Tôi chọn nghề dạy Triết vì thấy Triết học là một khoa học có lịch sử từ thời cổ đại, là “yêu mến sự thông thái” chứ đâu phải để làm “thống soái” (Chính trị là thống soái), để áp đặt cái của mình bắt người khác coi là chân lí!
Thật may, những giờ dạy “xa rời”…ấy thật sự là những giờ dạy có hứng thú của tôi và sự thích thú của sinh viên hiện rõ nơi khoé mắt. Những năm gần đây, khi môn Triết học được chuyển đổi thành “Những nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin” (một cái tên dài lòng thòng ít thấy), tôi hay nói mấy lời nhập môn với sinh viên thế này: Thật tiếc là ở Việt Nam ta không có Triết học thực sự. (ấy chết, tôi lại nói tùy tiện rồi). Tôi chỉ được cùng các bạn nghiên cứu một học thuyết gần đây, có mặt từ giữa thế kỉ XIX, học thuyết Mác. Và chúng ta sẽ bàn về câu chuyện này từ góc độ Triết học. Cho nên ngay từ đầu tôi muốn các bạn đừng bị nhiễm thói huyênh hoang, chính trị theo kiểu “Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch”… (Và tôi chỉ vào tấm áp phích to tướng phía trên sân khấu với hàng chữ vàng: Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm; Thời kì này tôi hay phải lên lớp online với cả mấy trăm sinh viên ở hội trường). Nói thế nghe nó Tàu lắm mà chẳng khoa học tí nào. Nó vô địch hay không không phải ở chỗ ta giăng lên thế này. Không hiểu vì sao từ lâu người Việt mình cứ đồng nhất triết học với chính trị, coi triết học là chính trị và chỉ thấy mấy nhà triết học trùm lên là Mác, Enghen, Lênin. Tranh luận với nhau nếu đuối lí thì đưa Mác, Enghen ra làm bức chắn và coi như chấm hết (Mác nói thế rồi còn cãi gì nữa!). Tôi tin, nếu Mác, Enghen còn sống chắc các ông cũng lắc đầu...
Và rồi chúng ta còn mường tượng chân dung người cộng sản, chân dung các nhà cách mạng phải là những con người mặc áo sờn vai một chút, đi chiếc xe cà tàng một chút, chân xỏ đôi dép lốp, râu tóc gọn gàng, không đọc thơ lãng mạn, quay mặt với tranh phục hưng (vì hay vẽ đàn bà thiếu quần áo)…Tôi xin nói với các bạn: Enghen là người mặc mốt nhất nước Đức thời trẻ; Mác múa kiếm rất giỏi và thuộc rất nhiều thơ tình. Câu châm ngôn Mác rất thích là: “Tôi là người. Không có cái gì của con người là xa lạ đối với tôi”. Nếu tôi nói điều này nữa không biết có ai ngạc nhiên không: Có lần Mác còn dọa ném ông anh người yêu - Gienny, sau này là vợ - xuống cầu thang đấy! (Không sao cả, rất biện chứng mà).
 Cái sai là ở chỗ chúng ta đã không có tư duy triết học mà chúng ta thích kiểu áp đặt chính trị, miễn sao có lợi cho mình. Chân dung người cộng sản (cộng sản thật sự, cộng sản tốt đẹp), theo tôi, đó là người khổng lồ của Chủ nghĩa Nhân văn cao cả, trí tuệ và trong sáng, mạnh mẽ và rất tử tế. Lãnh tụ cộng sản phải là nhà bác học thật sự thì mới mong dẫn dắt loài người tiến lên. Nói một cách khác đi, chúng ta cần một lí thuyết đúng đắn soi đường để đến với văn minh, hạnh phúc chứ không phải một cái nhãn, mác rạng rỡ mà rỗng tuếch bên trong. Phương pháp luận triết học, đó là thứ ánh sáng chúng ta cần để đi đêm chứ không phải là ánh hào quang ở trong truyện cổ tích!              

Trong một buổi xêmina Triết học, với sự khuyến khích tự do tư tưởng của thầy, sau mấy lần rụt rè, một sinh viên đứng dậy hỏi tôi:
- Thưa thầy, vậy sau Chủ nghĩa cộng sản còn có hình thái xã hội                                          nào phát triển cao hơn nữa không ạ?
Rồi lại một cánh tay khác giơ lên cao hơn và có vẻ tự tin hơn:
- Em nghĩ thế này không biết có gì sai không: em thấy Chủ nghĩa xã hội xem ra cũng chẳng hay gì hơn, cứ so sánh mấy nước XHCN như Việt Nam, Triều Tiên, Cu Ba...với các nước Tư bản phát triển thì rõ!
Đấy là ý kiến của một số sinh viên không nhiều trong nhà trường bây giờ đang chịu suy nghĩ, chịu “học hỏi” khi nghiên cứu  về “Những nguyên lí cơ bản của Chủ Nghĩa Mác-Lênin”. Nếu “người lớn” chúng ta chịu lắng nghe, biết gợi cho sinh viên suy nghĩ với quyền tự do của họ, tôi tin rằng những trường hợp như thế chúng ta sẽ giúp các em tạo dựng được một niềm tin chính đáng – niềm tin có cơ sở đúng đắn!
Đã qua rồi cái thời kỳ thầy chỉ quen kiểu quy kết: “Tại sao em lại có cách nghĩ thiếu lập trường đến vậy? Tại sao sinh viên Xã hội chủ nghĩa lại có thể nhận thức non kém cho rằng Chủ nghĩa xã hội không bằng Chủ nghĩa tư bản?” Trong khi đó, chính thầy đã rất sai cả về phương pháp dạy học lẫn phương pháp tư duy nói chung. 
Cách đây chưa lâu trên một trang mạng tôi được một anh bạn  “tặng” cho một câu thế này: “Ông bạn tôi là N.T.N đang dạy môn Xã hội XHCN là một xã hội dân chủ gấp triệu lần xã hội TBCN”. Tôi biết anh đùa nhưng cũng thật buồn khi chính cách dạy một thời của đội ngũ giảng viên Mác – Lênin đã tạo nên định kiến đó trong xã hội. Nghĩa là chúng ta quen nói mà không cần sức thuyết phục của lí lẽ, không biết liên hệ thẳng thắn mà lại áp đặt một cách tùy tiện “Tư tưởng vô địch” của CN Mác vì cậy rằng sau lưng ta có cả một nền chuyên chính vững mạnh(!). Chúng ta đang giết chết chính mình mà không biết, theo một cách riêng nhưng rất hợp quy luật: cố thổi phồng quả bóng làm nó phải nổ tan!
Tôi bước xuống dưới lớp để tạo sự gần gũi hơn với học sinh, cười rất thân thiện và từ từ nói:
- Trong cuốn Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước Ăngghen có viết một đoạn ý như sau: Khi mà nhát chổi của nền đại công nghiệp XHCN quét phăng đi những rác rưởi của chế độ xã hội cũ thì tự khắc cũng sẽ xác lập một nền đạo đức xã hội phù hợp với cơ sở hạ tầng của nó. Lớp người mới sẽ có những chuẩn mực của họ. Cứ để cho con cháu chúng ta tự quyết định lấy tương lai của chúng…Và, cái phương pháp biện chứng chúng ta đang học cho phép các bạn tự hiểu có cái đỉnh cao cuối cùng của sự phát triển xã hội không. Enghen cũng đã nói đấy thôi: “Cứ để cho con cháu chúng ta tự quyết định lấy tương lai của chúng…” CN Mác là một hệ thống mở, phương pháp tư duy của Mác không thừa nhận có cái tuyệt đích, tôi xin nhấn mạnh điều này một lần nữa! Cứ nói “vô địch”, “muôn năm” đã là không hợp với Mác, Enghen rồi. Tôi cam đoan nếu sống lại chắc M, A sẽ mỉm cười khi ai đó muốn lấy học thuyết của các ông đặt dấu chấm hết cho mọi cuộc tranh luận. Chắc chắn hai ông rất thích người khác dám nói: “Ông ấy nói vậy nhưng tôi nghĩ thế này…,vấn đề là chúng ta cùng xem xem để giúp nhau hiểu đúng”. Tôn trọng khác biệt là điều Mác luôn thực hiện chứ không phải chỉ nêu ra cho có vẻ dân chủ. Về vấn đề này tôi rất đồng ý với cách của giáo sư Hồ Ngọc Đại: Lí lẽ của tôi là vậy. Anh cứ tranh luận đi, cãi tôi đi. Nếu thấy đúng tôi sẽ theo anh còn như anh không “cãi” được, tôi đúng thì anh phải nghe tôi chứ! Như vậy, trở lại vấn đề trên, chính Mác đã giúp chúng ta hiểu một cách khái quát nhất qui luật vận động của lịch sử là cái mới phủ định cái cũ, phát triển cao hơn cái cũ. Còn cụ thể sau B còn có C nữa không thì đến đây có lẽ mỗi chúng ta đã tự trả lời được.  
Các bạn nghe thêm đoạn này:
“Marx là một nhà đạo đức theo nghĩa đẹp nhất, truyền thống nhất. Ông chia sẻ với Aristote, Hegel và Thomas Aquinas quan điểm rằng một cuộc đời đáng sống không phải là một cuộc đời của những bổn phận và trách nhiệm, mà là của hạnh phúc trong sự thực hiện bản thân. Vì thế điều căn bản trong luân lí, theo ông, là học cách phát triển những tư chất của bản thân, và ông cho rằng bản chất con người được phát huy tốt nhất khi nảy nở cùng đồng loại và thông qua đồng loại. Hoặc, như ông viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: khi con người vui hưởng một xã hội, trong đó “tự do phát triển của mỗi người là điều kiện cho tự do phát triển của mọi người”. Khi con người thấy mình thỏa nguyện trong sự thỏa nguyện của kẻ khác thì chúng ta gọi đó là tình yêu. Marx nghiên cứu một triển vọng như thế ở bình diện chính trị. Đồng thời, ông không buồn để tâm đến mọi bàn luận vô ích về một xã hội không tưởng. Hoàn thiện hóa xã hội là điều Marx không hề quan tâm”.
Còn về ý kiến cho rằng “CNXH cũng chẳng hay gì hơn”…Trước hết, bạn đã sai về phương pháp khi lấy Việt Nam, Triều Tiên, Cu Ba làm đại diện cho cái gọi là CNXH của lí luận CN Mác. Mấy nước đó không phải là XHCN hiện thực. Tôi đồng ý nếu đấy là XHCN thì lí tưởng của nhân loại cần phải thận trọng hơn. Chúng ta đang hướng tới chứ chưa phải là đã tới CNXH. Tất nhiên mô hình mà Mác, Ăng ghen xây dựng dựa trên cơ sở sự phát triển CNTB thế kỉ XlX, đến nay có thể cần thiết có những điều chỉnh. Có điều, cái xã hội tương lai Mác hình dung, trước hết là một xã hội mà năng suất lao động đạt mức rất cao, Năng lực làm chủ thiên nhiên – và trước hết là cái này – vượt hẳn các hình thái trước. Điều này thì nhân loại hoàn toàn có thể đạt được. Không phải không có lí khi một số học giả của Nhật Bản, Hoa Kỳ cho rằng họ sẽ là nước đầu tiên đi lên Chủ nghĩa cộng sản theo luận giải của Mác.  
Vậy là, theo Mác, xã hội văn minh hơn là xã hội trước hết có nền sản xuất phát triển hơn. Ai đạt được cái đó người ấy sẽ chiến thắng. Rất duy vật! Chúng ta quan tâm điều đó chứ bận bịu gì nhiều ở tên gọi, ở cái mác niêm trên cổng quốc gia mình.
 Thật ra, chính Mác từng đánh giá rất cao CNTB: Chỉ hơn 200 năm phát triển CNTB đã tạo ra một khối lượng của cải khổng lồ hơn tất cả các phương thức sản xuất trước đó cộng lại. Khen như thế là khen nhiều lắm! có hiểu tư tưởng duy vật của Mác mới hiểu ông coi trọng phương thức sản xuất TBCN thế nào. CNXH muốn hơn CNTB trước hết phải hơn về cách làm ăn, cách tạo ra của cải vật chất trong xã hội chứ không phải hơn ở một lá cờ có biểu tượng công nông. Nhiều người cứ tưởng muốn có CNXH cứ cắm cờ, đặt tên là xong. Cũng như Việt Nam ta bây giờ là CNXH bởi quốc hiệu của nó là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự duy ý chí này đã khiến cho bao người, trong đó có sinh viên chúng ta, chưa hiểu đúng. Xin kể ra đây một câu chuyện.
Dạo ấy, trong hoạt động của tổ chuyên môn chúng tôi hay có chuyện mời học giả các nơi về nói chuyện. Tiện ông Thái Cung mới bảo vệ Phó tiến sĩ ở Liên Xô xong ghé về quê, khoa mời ông ta đến. (Khi ấy còn gọi là PTS; ông Thái Cung bấy giờ đang dạy Triết ở trường Nguyễn Ái Quốc). Tôi thấy đây là một người cởi mở, tư duy có góc cạnh nên cũng dự nghe hết cả buổi. Cảm giác ở con người này bằng cấp chỉ là chuyện cho vui còn kiến thức vượt ra ngoài tấm bằng hữu nghị thời ấy. Bắt tay chúng tôi xong ông vào đề ngay như không muốn để người ta giới thiệu dài dằng dặc về mình. Ông nghè mới mở đầu bằng một giọng cười  rất thoải mái: Tôi xin được cứ nói chuyện với các đồng chí như anh em một nhà. Lâu nay chúng ta đang giảng dạy một thứ lí luận rất phản động (hiểu theo nghĩa triết học). Chuyến đi Mat-cơ-va giúp tôi thấy ra cũng lắm điều. Đầu tiên xin kể với các đồng chí chuyện này:
Chân ướt chân ráo đến Nga, tôi có cuộc gặp đầu tiên với giáo sư hướng dẫn. Ông ta đưa  tôi vào ngay chuyện chuyên môn bằng một yêu cầu:
- Anh vừa ở Việt Nam sang, trước hết xin anh cho tôi mấy lời nhận xét về tình hình xã hội bên đó, tôi đang rất muốn biết!
Tôi trả lời rào trước đón sau y như trả lời một ông thầy trường Đảng bên ta, chỉ sợ mất lập trường:
- Thưa giáo sư, tình hình chung của Việt Nam hiện nay có lẽ giáo sư cũng đã biết nhiều qua báo chí. Đất nước chúng tôi còn nghèo, nền kinh tế chưa phát triển, lực lượng sản xuất còn rất thấp kém nhưng văn hoá xã hội, quan hệ giữa con người với nhau ở Việt Nam thì rất tốt đẹp, rất cao, không như các nước tư bản bóc lột…
Tôi đang định thuyết trình thêm một thôi mà không sợ sai vì nó giống y như báo chí ta vẫn viết thì ông thầy người Nga bỗng ôm bụng cười như nắc nẻ, cười không dừng được, rồi ông nghiêm mặt bảo tôi:
- Tôi muốn nghe ý kiến của anh!
- Dạ…thưa giáo sư…
- Đấy là nhận xét của anh thật à!
Tôi thực sự hoang mang: mình nói chuẩn vậy, giống y như sách rồi mà thầy nổi cáu, chẳng hiểu ra làm sao nữa. Làm nghiên cứu sinh mà bước đầu thế này…gay rồi. Ông thầy vẫn không nương tay:
- Anh sang đây bảo vệ luận án phó tiến sĩ triết học mà bài vỡ lòng của Chủ nghĩa Mác anh còn chưa học. Tôi thật không sao hiểu được anh lôi đâu ra những tư tưởng ấu trĩ đến thế. Anh có nhớ cái nguyên lí đầu tiên của Chủ nghĩa duy vật lịch sử, Mác-Ăngghen chỉ rõ lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất, quyết định mọi quan hệ xã hội. Vậy mà anh nói ở Việt Nam tuy lực lượng sản xuất còn thấp kém nhưng đời sống văn hoá, quan hệ giữa con người với nhau rất cao, rất tốt đẹp. Tôi không tin! Đấy là các anh tự cho như vậy thôi. Thử xem lại đi…
Trong phút chốc, tự nhiên tôi như người tỉnh cơn mê, sáng ra bao điều mà cái quan trọng đầu tiên là từ đây tôi biết nghĩ bằng cái đầu của mình, dám chịu trách nhiệm về những điều mình suy nghĩ.
Câu chuyện nhỏ trên bây giờ nghe không còn mới nữa nhưng ở vào thập kỉ 80 thế kỉ trước là một sự khai phá, một nhát chổi quét đi thói quen lạ lùng của người Việt: không dám suy nghĩ bằng cái đầu của mình! Giáo điều đến tệ hại. Đã đến lúc chúng ta cần thấy được sự cần thiết phải tống khứ bệnh giáo điều không chỉ ra khỏi Đảng lãnh đạo mà là ra khỏi đời sống tinh thần của người Việt chúng ta.
Nước ta còn nghèo, điểm xuất phát của chúng ta rất thấp. Nhưng sự lạc hậu, non kém có thể khắc phục được nếu chúng ta nhận thức đúng, dám nhìn thẳng vào sự thật và dũng cảm vươn lên như người Nhật, người Singapo.
Những cặp mắt trên những khuôn mặt còn rất trẻ của lớp sinh viên năm thứ hai nhìn tôi không chớp. Tôi cũng không biết họ đang nghĩ gì chỉ thấy một số có vẻ đang phấn khích thực sự. Hình như bài giảng hôm đó tôi đã làm được một điều nho nhỏ là gợi cho sinh viên một trong những ý nghĩa phương pháp luận đầu tiên của Triết học: người ta không thể nhận thức chân lí bằng cái đầu của người khác!      

                                                                                   Tháng 4-2016
                                                                                                   NTN

TP. Vinh, tháng 12 năm 1990. Chụp hình kỉ niệm với thầy Ngô Xuân Anh, GV môn VHTQ Khoa văn ĐHSP Vinh và phu nhân. Đứng sau là hai đệ tử của Thầy, Phan Thị Nga và tôi, cùng dạy VHTQ. Sao hồi đó tôi lại comple cà vạt cà vèo nghiêm chỉnh thế nhỉ. Hình này do tác giả Nguyễn Trung Ngọc chụp