30 tháng 3, 2017

Địa đạo Củ Chi

Định cư ở Sài Gòn đến nay đã 7 năm mà tôi chưa đến với địa đạo Củ Chi, thấy mình thật có lỗi. Gặp bạn bè tôi hỏi đã đi địa đạo Củ Chi chưa thì ai cũng đều nói là đã đi hết rồi, có người thậm chí còn đi đến 2-3 lần. Khách phương xa từ trong nước đến quốc tế đã tới Sài Gòn ai cũng tranh thủ tham quan. Vì thế sáng nay tôi đi tham quan địa đạo Củ Chi là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không.
Từ nhà tôi lên khu địa đạo Củ Chi hơn 50km. Nếu tính từ trung tâm thành phố thì khoảng 60km.  
Nếu tự túc đi thì xe buýt là phương tiện rẻ tiền và hữu hiệu nhất. Chỉ sau 60 phút, tôi đã đặt chân đến vùng đất nổi tiếng của căn cứ địa cuộc chiến tranh chống Mĩ.

Cứ ngỡ đi vào ngày làm việc giữa tuần (thứ 5) thì sẽ vắng vẻ lắm nhưng tôi đã nhầm to, du khách ta Tây đi Củ Chi cứ gọi là nườm nượp. Sáng nay tôi đã gặp ở đây đến 3 đoàn sinh viên của 3 trường đại học trong đó có đoàn sv khoa Giáo dục Chính trị của trường cũ của tôi là Đại học Quy Nhơn từ Bình Định vào tham quan với 2 xe ô tô loại 40 chỗ.

Chỉ 50km là đã được đặt chân đến vùng đất lịch sử này 

Từ cổng vào khu địa đạo tôi đi bằng ô tô điện được cầm lái bởi một cô du kích rất xinh


Ngày giữa tuần - thứ 5 nhưng du khách đến tham quan rất đông. Chỗ này là điểm tập kết của các đoàn mua vé tham quan khu địa đạo và khu giải phóng.


Ai cũng xúc động khi đặt chân lên những lối mòn trong rừng sâu khu căn cứ kháng chiến.

Cửa xuông địa đạo. Địa đạo này dài 120m. Toàn bộ hệ thống địa đạo Củ Chi dài 250km, sâu 5m so với mặt đất. Tôi chỉ đi được 40m là đuối, đành tìm cửa ngách để chui lên. Xuống địa đạo chỉ có đi khom ai bụng phệ thì bó tay.


Phòng tác chiến của sở chỉ huy

Bếp Hoàng Cầm

Ra khỏi địa đạo được mời ăn củ mì chấm muối mè, mỗi người chỉ được một củ ăn thấy ngon bùi vô kể. 

Tổ 3 người + 1. Hôm nay được bổ sung thêm một lính mới.

Nhận nhiệm vụ chỉ huy giao. Bỗng thấy thương cô du kích Củ Chi lạ lùng.

Có cả một xưởng sản xuất dép cao su trong rừng.

Đến Địa đạo Củ Chi thấy cả kho bom đạn.

Có cả máy bay trực thăng của quân đội Mĩ để lại

Cả đại bác và xe jeep

Tôi thích những căn nhà hầm lợp lá trung quân giữa rừng sâu

Cổng tam quan Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (còn gọi là Bến Được) 

Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược được xây dựng từ năm 1993 hoàn thành năm 1995. Đúng giờ ngọ, tôi đã vào đây dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Để bảo đảm tính linh thiêng, phía trong Đền Tưởng niệm du khách không được quay phim, chụp hình.


Nhà văn bia là một nhà vuông có hai mái, lợp ngói, ở giữa đặt một tấm bia đá cao 3m, ngang 1,7m, dày 0,25m, nặng 3,7 tấn. Tấm bia đá này được lấy từ khối đá nặng 18 tấn ở Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và được các nghệ nhân đẽo gọt, chạm khắc những hoa văn độc đáo của dân tộc.

 Bên cạnh Đền Tưởng niệm là tòa tháp 9 tầng cao 39 m. Trên vách Tháp có nhiều hoa văn, phù điêu thể hiện cuộc sống và chiến đấu của nhân dân Củ Chi “Đất thép thành đồng”. Lên tầng cao nhất của Tháp, chúng ta có thể ngắm nhìn một phần căn cứ cách mạng mà địa danh đã đi vào lịch sử: vùng “Tam giác sắt”


24 tháng 3, 2017

Từ Ngồi thấy xa xăm đến Tự cứu mình

Trong tháng qua tôi được bạn bè tặng 3 cuốn sách hay và quý. Chỉ có 3 cuốn mà có đủ cả 3 thể loại: Thơ có, biên khảo có và ... sách thuốc có.
Mặc dù một ông bạn học thời 16D K2 VU của tôi là Lê Em từng sáng tác ứng khẩu câu thơ nổi tiếng đắng lòng đã được đi vào giới văn chương cả nước như một câu ca dao của khoa folklore:
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ  
Nhưng tôi vẫn thường xuyên được bạn bè tặng thơ, và may thay thơ của bạn bè tôi đều đọc được nên lòng tôi cũng không vì thế mà … đắng lắm.

Ngồi thấy xa xăm và những bài thơ khác là một tập thơ mới của Nguyễn Công Thắng được xuất bản bởi NXB Văn học, Hà Nội, 2016. Anh là bạn đồng nghiệp cùng dạy khoa văn với tôi thời Đại học Sư phạm Quy Nhơn, nay là ĐHQN.
Thắng quê Quảng Ngãi, dạy môn VHVN cổ cận, trước khi vào dạy ĐHSP Quy Nhơn Thắng từng dạy ở Khoa Văn ĐHSP Huế từ những năm sau 30 tháng Tư 1975. Rồi Thắng chuyển cả nhà vô Sài Gòn định cư ở miệt Phú Nhuận. Vô Sài Gòn Thắng bỏ nghề dạy học chuyển sang làm biên tập cho tờ Thời báo Tài chính Sài Gòn. Người Thắng cao gầy, đến giờ vẫn cao gầy luôn nở nụ cười chân thành với bạn bè và có một tâm hồn thi sĩ trong một cốt cách phong trần nghệ sĩ. Thắng làm thơ không ồn ào, theo kiểu im im lâu lâu lại cho ra một bài đăng trên một tờ báo hoặc tạp chí nào đó. Tôi gọi Nguyễn Công Thắng là một tay làm thơ ngầm, không khoa trương ồn ào kiểu như một số tay làm thơ có tóc tai quần áo luôn bốc mùi dơ dáy ngồi đâu cũng ngoác miệng đọc thơ tình.
Thơ Thắng như con người Thắng, trầm tĩnh mà đĩnh đạc, trữ tình mà triết lí; luôn chất chứa một suy tư về thời cuộc về số phận con người nhưng cũng không kém phần lãng mạn:
… giờ tôi ngồi lặng yên và thấy xa xăm trải dài tưởng như mất hút vào vô tận  
ở đâu đó, lạy trời, còn những bãi cỏ hoang, tụi dứa dại, đám hoa mắc cỡ, lũ chuồn chuồn
và những thằng bé con nhập vào thong dong với gió lang thang dọc dòng sông mát lành…
(Ngồi thấy xa xăm).
Tập thơ của Nguyễn Công Thắng gồm 29 bài, in đẹp, sang trọng, là một ấn phẩm bắt mắt với bạn đọc gần xa từ nội dung đến hình thức.




Tác giả Nguyễn Công Thắng (thứ 3 trái sang hay phải sang gì cũng được tại Lễ tốt nghiệp của SV khóa VI Khoa Ngữ Văn ĐHSP Quy Nhơn, 1988. Trong ảnh này từ trái sang: Hà Tùng Sơn, Nguyễn Hồng Thoa, Nguyễn Công Thắng, Nguyễn Khánh Nồng - GV Ngôn ngữ đã qua đời, Biện Tấn Mân).

Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, Những bước chân hóa thạch, NXB Hồng Đức, 2017  là một vựng tập bằng hình ảnh của Sài Gòn xưa với những bài khảo cứu đi kèm của nhóm tác giả Nguyễn Mạnh Hùng, Phan Mỹ Tuyệt, Nguyễn Phan Sơn Trúc. Tôi quen biết với PGS sử học Nguyễn Mạnh Hùng từ khi ông còn làm Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Dịp Tết Nguyên tiêu mới rồi ông nhắn gặp tôi ở quán café Văn nghệ 81 Trần Quốc Thảo quận 3. Gặp nhau chưa kịp ngồi ông đã lấy sách kí tặng: Tặng em món quà.
Đọc Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, Những bước chân hóa thạch, tôi đã ngộ ra rất nhiều điều về mảnh đất và con người nơi tôi đang sống với bao điều thú vị và hấp dẫn. Đặc biệt khoái nhất ở Sài Gòn là mọi chuyện đều trở nên đơn giản và giản dị. Ngay cái tên Sài Gòn ngày nào cũng có dịp nhắc đến, nói ra nơi cửa miệng mà chắc mấy ai đã hiểu cho hết nghĩa từ nguyên của nó là gì đã được cắt nghĩa thú vị đến ngạc nhiên như sau:.
“Sài Gòn, theo cách hiểu của người dân Sài Gòn phiêu bạt giang hồ thì “Sài” chỉ là tên một loại củi, còn “Gòn” là loại cây gỗ xốp có trái dài, bọc trong lớp sợi dày, được đánh ra để làm gối đầu giường. Hãy tạm quên đi những chứng tích lịch sử “hàng trăm, hàng nghìn năm trước” mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa đã để lại trong sử sách, văn chương – thì Sài Gòn, cứ cho đó là tên gọi loại “củi” mà trong dân gian có câu:
Củi mục bà để trong rương
Ai mà sờ đến trầm hương của bà
Loại “củi” đã bị chôn vùi trong lớp đất, nay được dò tìm, đã hóa đá thành những “chuỗi ngọc” được xác định địa giới thuộc miền Viễn Đông xa xăm nằm trong khu vực Đông Nam châu Á.”
Chỉ đọc chừng đó cũng đã đủ để để ta lấy làm thích thú về cuốn sách ảnh Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, Những bước chân hóa thạch rồi.




Tự cứu mình:
Một lần đi ăn mì vằn thắn với bạn bè trên đường Phó Đức Chính quận Nhất, tôi may mắn được giới thiệu với ông Nguyễn Văn Phước Việt kiều Mỹ đã trên 75 tuổi. Ông là một thầy thuốc chuyên nghiên cứu về đông y vừa có cuốn Tự cứu mình Quyển I, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016. Tôi cầm cuốn sách ngắm cái bìa rất lạ và nói với ông: Cái hình ảnh giọt máu thắm đỏ làm nền cho chữ “cứu” thật là ý nghĩa. Ông nghe lấy làm khoái lắm.
Tự cứu mình là cuốn cẩm nang y khoa về tất tần tật các loại bệnh con người ta có thể mắc phải từ đơn giản đến phức tạp và các phương thuốc đơn giản dễ tìm kiếm nhất để phòng và cứu chữa nó.
Tác giả Nguyễn Văn Phước nói với tôi là trở lại Mỹ, ông sẽ hoàn thiện nốt Tự cứu mình tập II và Tự cứu mình tập III rồi sẽ đem về VN in tiếp để phục vụ quốc dân đồng bào. Quý hóa lắm thay.


   

Trân trọng giới thiệu cùng các bạn.


    

18 tháng 3, 2017

Khôn mà ... ngu

Mấy ngày nay tôi bị đau cái răng cuối cùng bên phải của hàm dưới. Cái răng đó thường được gọi chung là răng hàm, ở quê tôi còn gọi là răng cấm.
Buổi trưa ngủ dậy thì thấy sự không bình thường ở trong miệng, có cái gì đó đang nhức nhối. Tỉnh ra thì xác định đó là đau răng. Sự nhức nhối tăng nhanh chóng mặt. Thò tay vô lắc lắc thì thấy nó rung rinh, không, nói đúng ra là lung lay chứ mà được rung rinh đã là sướng. Đau đến mức ngay chiều hôm đó đã phải nói bà xã nấu cháo cho ăn.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đau răng. Đúng là ở đời đau gì cũng khổ. Ai đau cái gì thì nói cái đó khổ nhất. Đau bụng nói đau bụng khổ nhất vì suốt ngày ngồi trên bồn cầu mặt ủ mày chau như nàng Kiều thất tình, đau đầu nói đau đầu khổ nhất, rồi đau lưng, đau xương khớp, tiểu đường… cũng kêu là khổ nhất. Hôm bữa tôi sang nhà thằng bạn học thời đại học là Nguyễn Hữu Thu bên Gò Vấp chơi thấy nó đang bị bệnh gout hành, chân tay sưng lên mấy cục tròn tròn như quả ổi đào con con. Nó bảo hèn chi người ta gọi bệnh là thống phong. Thống là đau, phong là gió. Căn bệnh mà chỉ một làn gió nhẹ thổi qua cũng thấy đau thì gọi là thống phong. Đó chính là bệnh gout. Tôi nghe Thu nói mà hãi, cầu mong cho mình đừng mắc cái chứng bệnh gió thổi cũng đau ấy. Rồi Thu khẳng định đau gout là khổ nhất.
Đau đi liền với khổ là vậy. Vì thế mà gọi là đau khổ.
Nay tôi bị đau răng, ăn chẳng muốn ăn, uống chẳng muốn uống, đêm đến đau nhức nhối không ngủ được, đến mức tôi ước giá mà chết đi được một lúc thì sướng. Và tôi cho rằng đau răng là khổ nhất. Cả đêm bị đau răng ấy tôi chơi liền hai viên giảm đau Pancidol Extra 500, mỗi viên uống cách nhau 1 giờ mà cũng không ăn thua. Chỉ mong trời mau sáng để phi đến bệnh viện khám chữa xem thế nào, nếu cần thì nhổ bỏ quách. Chưa khi nào tôi thấy đêm dài lắm bi quan như thế.
Ngủ không được tôi mở máy tính lên mạng nghiên cứu về bệnh đau răng. Tôi tìm hiểu về cái răng mà mình đang bị đau. Thì ra nó được gọi chính xác là răng khôn. Trong hai hàm răng với đầy đủ 32 cái của con người thì 4 cái răng mọc ở vị trí cuối cùng của cả hai hàm trên và dưới ấy được gọi là răng khôn (còn gọi là răng số 8). Còn vì sao nó được gọi là răng khôn thì chỉ đơn giản là vì nó mọc khi con người ta đã trưởng thành khôn lớn nên gọi là răng khôn. Chính vì mọc khi con người đã trưởng thành, nướu răng đã cứng nên răng khôn khó mà mọc thẳng, lại bị mấy đàn anh mọc trước chiếm hết chỗ nên nó thường mọc xiên xẹo, thậm chí còn đâm chọc vô cả ông anh liền kề của nó là răng số 7 gây nên những ca tiểu phẫu tức thời cho chủ nhân của nó. Mọc muộn màng khi con người đã trưởng thành nên nó không có chức năng giá trị gì hết. Trong con người ta có một bộ phận duy nhất không có giá trị thậm chí còn gây hại đến cơ thể đó chính là 4 cái răng khôn mà… ngu ấy. Cũng vì thế mà ở phương Tây, khi răng khôn vừa mọc nhiều người đã đến BS nha khoa nhổ ngay đi để trừ hậu họa, có người nhổ một lúc cả 4 cái với đầy đủ thuốc gây tê như một cuộc tiểu phẫu. Tuy nhiên không phải răng khôn của ai cũng mọc xiên xẹo, nhiều người răng khôn mọc ngay thẳng bình thường nên nó tồn tại bình thường mặc dù vẫn không có chức năng tác dụng gì (như tôi chẳng hạn).

Mọc răng khôn (ngoài cùng bên trái). Ảnh từ internet.

Tóm lại sau một đêm thức trắng kiến thức về nha khoa nói chung và về răng khôn nói riêng tràn ngập trong đầu tôi. Nhất là cách phòng tránh bệnh về răng miệng, cách làm sao cho hàm răng chắc khỏe, nên đánh răng như thế nào, sử dụng loại bàn chải gì, kem đánh răng nào, khi đau thì chữa bằng Tây y như thế nào, chữa ngay để giảm đau bằng thuốc nam như thế nào… thì tôi nghĩ mình đã có thể đi thuyết trình được cả tiếng đồng hồ rồi.
Sáng dậy, tôi xách y bạ lên Thống Nhất sớm. Phòng khám răng hàm mặt – 108 có lẽ là phòng ít bệnh nhân nhất. Cô Bs răng đeo găng soi đèn thò ngón tay vô lắc lắc rồi phán: Răng khôn của chú cũng không thuộc loại ngu lắm đâu vì nó mọc thẳng và đau ở độ này thì chưa cần thiết phải nhổ. Rồi cô ghi cho tôi cái toa thuốc gồm 4 món dặn uống một tuần mà không hết đau thì chú quay lại đây tái khám nhé. Tôi nghe mừng hết lớn, chứ nếu mà nhổ cả cái răng to tổ bố thế chắc chết.
Nhận thuốc xong tôi tìm đến phòng răng ở khu khám dịch vụ của cô bạn học thời cấp 3 tên Thủy Nguyễn cũng là BS nha khoa của BV Thống Nhất nhờ kiểm tra lại xem sao. Cũng bằng mấy động tác thăm khám, BS Thủy bảo BS Vy cho thuốc vậy là chính xác, rồi Thủy cẩn thận thực hiện việc bảo dưỡng, lấy cao răng, đánh bóng răng cho tôi.
Nhẹ cả người.
Về đến nhà tôi khoe ngay với bà xã là không phải nhổ nhiếc gì hết, chỉ uống thuốc là khỏi. Nhưng bà xã tôi còn kinh nghiệm hơn bởi bả có bài thuốc nam chữa đau răng rất hiệu nghiệm là dùng lá bàng non cho thêm một nhúm nhỏ muối bỏ vô cối xay sinh tố với một li nước sạch sau đó lấy rây lọc sạch bã, cứ vài ba giờ lại ngậm súc một ngụm. Tôi làm theo quả nhiên thấy đỡ hẳn.
Sau 3 ngày đông tây y kết hợp, nay cái răng khôn mà … ngu của tôi 10 phần đã bớt đau đến 9.
Qua khỏi cơn đau răng, tôi bỗng thấy cuộc đời lại tươi đẹp hẳn ra nếu không nói là tươi đẹp hơn cả trước khi bị cơn đau răng khôn hành hạ. Đúng là ở đời cái gì mất đi mới thấy quý, nhất là với sức khỏe trong đó có sức khỏe của răng miệng.

Bởi thấy lại cuộc đời vẫn tươi đẹp nên mới có viết bài này.   


       

6 tháng 3, 2017

Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng


Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ
là hai câu thơ nổi tiếng trong bài thơ Không tôi nào nữa yêu em của nhà thơ Nga vĩ đại ở thế kỉ thứ XIX Mikhail Iurjevich Lermontov. 
Hai câu thơ nói lên sự linh thiêng của đền đài miếu mạo khi nó thực sự đi vào cõi tâm linh của con người như một niềm tin vào tình yêu bất diệt. Đó không phải là sự mê muội mù quáng mà là lòng tin vào đấng siêu nhân được người đời suy tôn dựng lên như một lẽ tự nhiên. Dĩ nhiên ở bên cạnh những pho tượng đổ, những ngôi miếu vắng ấy không bao giờ có sự xuất hiện những cái hòm công đức há miệng nuốt tiền như một sự ăn xin, một sự cướp giật lòng sùng bái đầy ích kỉ của đám con nhang đệ tử ngày ngày lũ lượt đến chùa xì xụp vái lạy để mưu cầu danh lợi.
Ấy là tôi đang muốn nói đến những hằng hà sa số các đền chùa, tượng phật các loại đã và đang được dựng lên trên khắp đất nước ta, cái sau to hơn cái trước, nếu cái trước là to nhất vùng miền thì cái sau phải to nhất nước, cái sau nữa phải to nhất Đông Nam Á, cái sau sau nữa phải to nhất châu Á… cứ thế cho đến ngày tất yếu sẽ có cái chùa hoặc tượng to nhất thế giới.
Vào cái ngày chưa lâu khi khu chùa Bái Đính to nhất Đông Nam Á được khánh thành ở Ninh Bình bởi tiền của được đổ ra từ hầu bao của một tay trọc phú đang được đảng và nhà nước Vn tung hô là một doanh nhân thành đạt,  tôi nghĩ ngay thế là nước ta lại có thêm một địa chỉ buôn thần bán thánh vĩ đại nữa rồi. Và quả nhiên ngay sau đó ngày ngày người người lũ lượt kéo nhau đến thả tiền vào hàng trăm hòm công đức được bày ở khắp nơi để xì xụp khấn vái mưu cầu danh lợi cho riêng mình. Tay trọc phú càng giàu lên trông thấy trên sự mê muội tham lam và ngu xuẩn của người đời. Hôm trước có ông đồng nghiệp ra đút tiền khấn vái ngoài đó về hồ hởi khoe rồi tư vấn cho tôi là ông nên đi một chuyến, hên lắm ông à. Tôi thì sổ toẹt vào cái đám chùa chiền phật tổ quốc doanh ấy.

Chùa BĐ, một ngôi chùa quốc doanh của bọn trọc phú; xây ra để hốt bạc khách thập phương; nơi thờ phụng linh thiêng có cần lớn nhất Đông Nam Á như thế này không.

Kẻ ăn cắp tiền bạc của cải của người khác là lưu manh. Kẻ ăn cắp lòng tin của con người là lưu manh của lưu manh. Ngu muội đến mức bị đám lưu manh đội lốt đầu trọc lừa đảo là ngu muội của ngu muội.
Ngày hôm qua đọc tin và xem hình ảnh về pho tượng phật với quy mô lớn nhất miền Bắc qua ba năm xây dựng ở miền quê lúa Thái Bình nghèo khó sau khi đã tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng thu được từ sự mê muội của người dân bị sụp đổ như bom dội, tôi nghĩ đấy chính là sự linh ứng quả báo nhãn tiền của thuyết giáo nhà phật. Xây tượng cho to, đặt thật nhiều hòm công đức để kinh doanh, không đổ mới lạ. Đức Phật tổ Như Lai đâu có chỉ dạy đệ tử như thế bao giờ.
Điều lạ lùng là hình như càng ngày sự mê muội của dân chúng nước ta càng lan rộng. Từ chỗ chỉ những người ít có cơ hội học hành như nhân vật thím Tường Lâm trong truyện ngắn Lễ cầu phúc, hay như nhân vật Nhuận Thổ trong truyện ngắn Cố hương của Lỗ Tấn mới mê tín dị đoan thì ngày nay, cái sự mê tín ấy đã lan rộng đến cả tầng lớp có học, tầng lớp được xem là trí thức, nhất là một bộ phận tầng lớp quan chức to nhỏ các loại đang ngày đêm mưu cầu danh lợi. Làm gì cũng coi bói, đi đâu cũng coi ngày. Mất của coi bói, được của cũng coi bói. Đau ốm thập tử nhất sinh coi bói, khỏe mạnh trở lại cũng coi bói. Con thi đại học rớt coi bói, con thi đỗ đại học cũng coi bói. Cách đây mấy năm, mẹ tôi ở quê đã hơn 80 tuổi bị ốm nặng đến mức đi nằm bệnh viên bị BS trả về nói là hết thuốc chữa rồi, cho bà về nhà để đi cho thanh thản. Mấy cô em tôi cuống lên thương mẹ nên vô tận Huế coi bói một ông thầy nổi tiếng. Ổng phán cái rụp: không quá 21 ngày nữa là mệ đi. Tôi nhận được điện hoảng quá liền mua vội vài lạng yến sào về thăm mẹ gọi là có chút báo hiếu của thằng con bất hiếu suốt đời ở xa cha mẹ. Mẹ tôi lần đầu tiên ăn yến sào nên rất công hiệu, cụ khỏe lại sau ba ngày và vẫn sống khỏe mạnh minh mẫn cho đến hôm nay. Thấy mẹ tôi khỏe lại một cách không thể ngờ, mấy đứa em ngạc nhiên lắm không biết lí do vì sao lại đi coi bói một ông thầy cúng khác cũng rất nổi tiếng ở trong huyện. Ông thầy cúng này trạc tuổi 40, tóc cắt ngắn kiểu đầu đinh với đôi mắt láo liên giảo huyệt toát lên vẻ gian xảo, đi xe hơi tự lái lấy như một tay chơi chính hiệu. Ông bày lễ cúng rồi phán: mệ còn sống được đến 9 năm nữa mới đi. Phán xong ông ta đút 700 trăm bạc vô túi rồi lên xe hơi nổ máy phóng đi chỉ sau chưa đầy 60 phút hành nghề (trong lúc tôi đi dạy nếu là ở trường đại học công lập của nhà nước cũng chỉ được 60 nghìn đồng cho 60 phút hao hơi rát cổ trên bục giảng). Mẹ tôi năm nay đã 85 tuổi. Vậy theo lời tay thầy cúng phải đến năm 94 tuổi cụ mới thăng. Tôi nghe mừng hết lớn. Chợt thấy thương mấy đứa em tôi học hành cũng đã nhiều, khôn ngoan cũng đã lắm, sắc sảo cũng không vừa mà sao cứ để cho mấy tay thầy cúng gần xa lừa đảo mãi thế. Tiền cho con đi học thì lúc nào cũng kêu thiếu mà tiền cúng cho thầy cúng thì lúc nào cũng đủ. Thậm chí lão thầy cúng ra giá 700 nghìn, các em còn cao hứng thưởng thêm thầy 300 nghìn nữa cho tròn một triệu. Tôi ở xa về, nghĩ nước xa không cứu được lửa gần, trăm sự chăm nuôi cha già mẹ yếu đều trông nhờ cả vào mấy đứa em trai em gái, em dâu em rể ở quê nên chỉ biết im lặng, không nỡ lên tiếng làm mất lòng và tình cảm anh em. Thực bụng, tôi chỉ mong đám thầy cúng tào lao thiên đế trên đời này biến hết cho xã hội được trong lành.
Nói chuyện đâu xa. Ngay trong nhà tôi mới năm ngoái đây thôi, vợ tôi nghe lời mấy bà bạn hay đi lễ chùa với câu có thờ có thiêng có kiêng có lành nên hàng tháng cứ đến cữ ngày rằm mùng một lại đến một ngôi chùa ở gần nhà bỏ tiền vô mấy cái hòm công đức (một ngôi chùa nhỏ bé của phường nhưng có đến mấy cái hòm công đức) rồi đứng chắp tay nghe một ông thầy chùa tụng kinh gõ mõ. Đi được vài tháng chợt thấy ở mỗi hòm công đức đều có một nhà sư đứng cạnh nhìn lom lom và nhắc nhở những người đi lễ chùa đừng quên bỏ tiền vô đủ 5 hòm công đức đặt khắp các gian chùa, lại còn nói rõ là đừng cúng tiền lẻ loại mệnh giá một, hai nghìn đồng. Cúng tiền lẻ nhà chùa đếm mệt và không thiêng. Tại sao ngôi chùa nào cũng la liệt hòm công đức thu đầy tiền tươi thóc thật của những dân chúng mê muội như nhân vật thím Tường Lâm trong truyện ngắn Lễ cầu phúc của Lỗ Tấn. Trong lúc các nhà thờ công giáo không hề có mấy cái hòm đó. Cũng là tôn giáo mà khác nhau một trời một vực, một bên thì đàng hoàng văn minh, một bên thì lừa đảo vô lương tâm. Nhận thấy rõ cái bản chất lợi dụng đức tin vào nhà phật, lại thêm sự kinh doanh thần thánh sặc mùi tiền bạc của nhà chùa, vợ tôi lặng lẽ chấm dứt sự đi lễ ngay sau đó.  

Than ôi là sự mê muội của những con người khôn ngoan. Và than ôi là sự thức tỉnh của những con người tưởng đã có lúc mê muội. Pho tượng phật to nhất miền Bắc xây 3 năm chưa xong đã đổ cũng là phải lắm. Hi vọng nó sẽ là một sự thức tỉnh cho những kẻ buôn thần bán thánh và thức tỉnh luôn cho cả những ai còn mê muội, gi gỉ gì gi cái gì cũng cúng.


Sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà


Đàn ông vào bếp khi đàn bà đi khỏi nhà. Đàn bà vào bếp khi có đàn ông ở nhà.
Đàn ông ra chợ mua cái mình cần. Đàn bà ra chợ tìm cái mình cần mua.
Đàn ông ra chợ thấy hàng hóa ê hề tha hồ mua. Đàn bà ra chợ thường than không biết mua gì.
Đàn ông ra chợ mua cái gì cũng thấy rẻ. Đàn bà ra chợ mua cái gì cũng thấy đắt.
Đàn ông chỉ cần 10 phút để ra khỏi nhà. Đàn bà cần 60 phút để ra khỏi nhà.
Đàn ông ra khỏi nhà là lên xe đi ngay. Đàn bà ra khỏi nhà còn chạy vào chạy ra vài lần rồi mới lên xe đi.
Đàn ông bạc tóc vì sự chờ đợi. Đàn bà bạc tóc vì đàn ông không biết chờ đợi.
Đàn ông nói nhiều khi chưa lấy vợ. Đàn bà nói nhiều từ khi lấy chồng.
Đàn ông nói nhiều khi say. Đàn bà nói nhiều khi đàn ông say.
Đàn ông say sẽ nghĩ về người đàn bà không phải của họ. Đàn bà say sẽ nghĩ về người đàn ông đã bỏ rơi họ.
Đàn ông ăn cơm nhà nói chuyện thế giới. Đàn bà dù ăn cơm thế giới vẫn chỉ nói chuyện nhà.
Đàn ông thành đạt sẽ có thêm đàn bà. Đàn bà thành đạt sẽ mất đi người đàn ông của chính họ.
Đàn ông thường nhớ về người đàn bà đầu tiên. Đàn bà nhớ người đàn ông cuối cùng.
Đàn ông khi nào cũng thấy mình còn tiền. Đàn bà lúc nào cũng kêu hết tiền.
Mĩ phẩm đem lại cho đàn bà sự tự tin. Với đàn ông đó là sự lừa dối.
Đàn ông thường ngắm mình qua những tấm gương treo nơi công cộng. Đàn bà thường soi gương khi ở nhà.
Đàn ông lúc nào cũng thấy mình có nhiều quần áo. Đàn bà đứng trước cả tủ quần áo vẫn kêu không có gì để mặc.
Đàn ông đi xa 5 ngày chỉ mang quần áo đủ mặc 3 ngày (nếu thiếu họ lấy đồ cũ ra mặc lại). Đàn bà đi xa 5 ngày sẽ mang quần áo đủ mặc cho 10 ngày (kết cục họ vẫn bị thiếu một cái gì đó quên không mang theo).


Đàn ông ít khi thấy nhà bẩn. Đàn bà lúc nào cũng thấy nhà bẩn.
Đàn ông ăn món mà mình thích. Đàn bà ăn món mà đàn ông không thích.
Đàn ông thường ân hận vì sự khờ khạo trước đàn bà. Đàn bà thường ân hận vì sự khôn ngoan trước đàn ông.
Đàn ông về già mới phong độ. Đàn bà chỉ phong độ khi còn trẻ.
Đàn ông thường về già mới có giá. Đàn bà chỉ có giá khi còn trẻ.
Đàn ông thường nói xấu vợ khi ra khỏi nhà. Đàn bà chỉ nói xấu chồng ở trong nhà. 
Đàn ông thấy yêu đời khi gặp một cô gái trẻ. Đàn bà thấy chán đời khi đi qua một cô gái trẻ.
Đàn ông lấy vợ rồi mới nghĩ đến tương lai. Đàn bà chỉ có tương lai khi lấy chồng.
Đàn ông thành đạt khi kiếm được nhiều tiền. Đàn bà thành đạt khi kiếm được người đàn ông nhiều tiền.
Cuối cùng, đàn ông luôn cần có đàn bà nhưng họ không không bao giờ muốn biến thành đàn bà. Đàn bà cũng cần có đàn ông nhưng nhiều lúc họ lại muốn được như đàn ông..