30 tháng 5, 2012

Ngon lành cành đào



Sáng nay ghé trạm cùng bác Trần Mùi uống café giao ban sau chuyến hành Hà Nội về lại SG.
Trong câu chuyện Trần Mùi kể lại trường hợp có ông bạn thân đang là một giáo viên cấp 3 ngon lành dở chứng đi bán hàng đa cấp. Số là cách đây mấy ngày ông bạn ấy vốn xưa nay rất giản dị bình thường bỗng dưng lại thấy xuất hiện trong trang phục sơ mi cà vạt tay xách ca táp rất sang trọng đến gặp và cho biết là hiện đã chuyển sang làm thành viên bán hàng cho Lohoi, một cty nổi tiếng và tai tiếng đầy mình về bán hàng đa cấp với tuyên ngôn sản phẩm của mình là forever (mãi mãi). Chẳng những thế nó, tay bạn ấy lại còn dở giọng thuyết phục mình tham gia vào hệ thống làm thành viên để được thu nhập lương cao ngất ngưởng hàng trăm triệu đồng một tháng và mua sản phẩm cho nó.
Xưa nay ở bên Tây như Anh, Mĩ  sao thì không biết chứ ở Vn mình mà nói đến bán hàng đa cấp là đồng nghĩa với sự lừa đảo. Những người tham gia vào hệ thống bán hàng này phải lừa đảo bằng cách bán hàng trước hết cho người thân như cha mẹ anh chị em ruột rồi đến bạn bè quen biết để lấy lại khoản tiền đã bỏ ra mua hàng nhằm trở thành thành viên của hệ thống. Sau đó càng lừa được bao nhiêu thì tiền thu về càng nhiều bấy nhiêu tương ứng với những danh hiệu từ đồng chì đến bạc vàng kim cương. Gặp ai họ cũng dở giọng khuyên nhủ là phải mua loại hàng hóa sản phẩm cao cấp này sử dụng trước hết là để cứu bản thân mình sau đó là cứu cha mẹ anh em ruột thịt của mình. Cứ như là mình và người thân đang hấp hối không bằng. 
Mà không gian xảo lừa đảo sao lại có cái lối bán hàng hóa sản phẩm như là bọn buôn thuốc phiện vậy. Thậm thà thậm thụt, rủ rủ rê rê, tập huấn bán hàng mà thực chất là bày cho mấy chiêu lừa đảo làm cho mọi người sập bẫy. Nếu đường đường chính chính sao không dám quảng cáo sản phẩm lên tv báo chí, đưa sản phẩm ra cửa hàng, siêu thị bày bán công khai.  Ở đời phàm cái gì mà không đàng hoàng thì đó là thứ bất chính, gian tà.  
Điều khiến bác Trần Mùi ngạc nhiên và không hiểu nổi là tại sao một anh giáo viên trí thức đang ngon lành cành đào (từ mới học được trong cuốn truyện tranh Sát thủ đầu mưng mủ) lại nhảy ra tham gia vào cái trò lừa đảo ấy.
Còn điều đáng khinh bỉ là ở chỗ chẳng thà không biết cái trò bán hàng đa cấp là lừa đảo nên bị dụ dỗ tham gia vào; đằng này là trí thức có học hẳn hoi, không thể không biết đó là trò lừa đảo có qui mô có hệ thống, thế mà vẫn cố tình tham gia vào.
Những thằng bạn như thế coi như không có nữa.     

27 tháng 5, 2012

Mỗi ngày tôi không chọn một niềm vui

Hôm nay nữa là kết thúc giáo trình cho BDU. Mùa thi đã đến với Sv cả tháng nay, các môn học phần lớn kết thúc đã lâu rồi nên trên chuyến xe đưa rước đi về hôm nay chỉ còn vài chiến sĩ trong đội quân đánh thuê (một cách gọi khác đúng nghĩa hơn của khái niệm thỉnh giảng) từ Sg lên.
Vậy là xong đi một món nợ công việc trong năm.
Buổi cuối dành thời gian để giới hạn chương trình, nói đúng hơn là khoanh lại cho đám học trò biết là nên học vào chỗ nào trong cái bể học mênh mông mà ngán ngẫm ấy để thi học phần cho qua cầu đặng khỏi tốn tiền ngu cho việc thi lại.
Kết thúc còn sớm được 15 phút, lấy máy ra đi lòng vòng chụp mấy bức hình của sân trường BDU làm kỉ niệm. Không gì thì mình cũng đã dạy cho khoa văn trường này 3 khóa rồi. Cứ tình hình chiêu sinh khối C trong đó có ngành ngữ văn ngày càng đen tối giống cuộc đời chị Dậu như hiện nay,  sang năm biết có còn học trò không mà lên dạy.
Mỗi ngày như hôm nay tôi không có quyền chọn cho mình một niềm vui. Niềm vui thích thì tự đến thôi.
                                                     Mặt tiền Trường BDU       

         Khối đá với biểu tượng 4H - Học Hỏi Hiểu Hành mà thực chất chỉ là Học và Hành là đủ

Logo BDU

                         Phượng vĩ đã đỏ rực ở góc sân trường  báo hiệu một mùa thi đang tới

Vui vẻ sống (chứ nỏ phải chết) như cày xong thửa ruộng; Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng; Ngả mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành

24 tháng 5, 2012

Wifi muôn năm

Chưa bao giờ mình thấy các thiết bị của thời đại kĩ thuật số không dây - wifi lại phát huy lợi ích triệt để như hôm nay, tại lớp học và làm theo tấm gương đạo đức ông kụ, một nội dung công việc đã được mặc định hàng năm không làm không xong.
Trên bục là một vị thiến sót chuyên ngành tư tưởng ông kụ đến từ VNU Sài Gòn. Ông này nói như lên đồng,  như mộng du về những điều có từ thời đệ nhất cải cách ruộng đất. Ổng nói như một cái máy thâu băng giờ mở ra restore với chất giọng kiểu giả thanh. Chứng tỏ ông ta cũng làm cho xong việc để lấy nhuận miệng vài trăm bọ đút túi.  
Phía dưới là hàng trăm cử tọa đủ các cung bậc từ cử nhân mới ra trường đến các sư sĩ…  ngồi im phăng phắc nhưng không phải để nghe tay thiến sót giảng đạo mà là họ đang dùng các  thiết bị  kết nối Wifi như laptop mini, ipad, điện thoại 3G…  để lướt web đọc đủ thứ trên trời dưới bể thậm chí là chát chít.  Nhất là khi không gian để ngồi nghe lại đã có sẵn Wifi.
Trừ mấy cụ hàng bô lão không am tường IT, tất cả đều tập trung hết mực vào thiết bị mạng. Ai cũng ngón tay lướt web nhoay nhoáy vô cùng điệu nghệ.
Đã qua rồi cái thời đi học nghị quyết phải cầm theo cuốn truyện hoặc tờ TN, TT. Mác lê thời kĩ thuật số có khác.
Giả sử mà không có mấy cái thiết bị số và sóng Wifi thì không biết là hôm nay hàng trăm con dân sẽ bị tra tấn đến mức nào nhỉ.
Wifi muôn năm!

22 tháng 5, 2012

Già rồi



Người mà sống đến đoạn thích đi họp mặt bạn cũ, đồng đội cũ; rồi háo hức với hội trường, hội khóa, hội lớp… thì chứng tỏ là già thiệt rồi. Bởi người già thường sống bằng kỉ niệm.
Như mình đây, dăm mười năm về trước, mỗi lần nhận được giấy mời in ốp sét trang trọng của khoa văn, của trường đại học, rồi của cả trường cấp 3 nữa thì xếp vào một xó, lấy lí do bận việc để không về dự mà thực ra là không thích đi vì thấy nó vô bổ. Chỉ cần bỏ ra buổi tối hí hoáy viết một bài gì đó về trường về khoa về khóa về lớp mail đi để đăng trong số đặc san kỉ niệm. Vậy là coi như xong một nghĩa vụ và thở phào nhẹ nhõm để gió cuốn đi một sự kiện quan trọng mà trong đó có chứa một phần đời của mình. Mặc cho bao bạn bè thân thiết từ phương xa tốn tiền í ới điện thoại rủ rê mời mọc.
Vậy mà khi đã đi qua tuổi tri thiên mệnh thì tình hình khác hẳn. Hầu như không bỏ sót một cuộc hội hè nào. Hội lớp cấp 3 bé tí xiu chỉ chục tên họp mặt cũng đi. Hội đồng đội cũ chỉ bằng tổ tam tam với ba thằng lính chiến cũng đi. Hào hứng và sung sướng vô cùng. Vừa đi vừa hát  câu Đâu có hội là ta cứ đi cứ như là ngày nào hăm hở vượt Trường Sơn đi đánh Mĩ.
Nói chuyện này là do tối qua đi đám cưới con trai Đào Quốc Toàn đồng nghiệp thời dạy khoa văn QNU, cả một đám dân GV cũ của QNU ngồi với nhau. Nào là Nguyễn Thanh Minh, Nguyễn Ngọc Quận, Nguyễn Tiến Lực, Ngô Quang Hiển, Trịnh Sâm… cả bọn rôm rả nhắc nhau là hình như tháng 12 tới Trường QNU tổ chức kỉ niệm 35 năm thành lập. Nói hình như là vì đã có thông báo chính thức nào đâu. Chỉ mới nghe hơi nồi chõ mà đã háo hức thế chứ đã có thông báo bằng văn bản giấy tờ gì đâu, đã biết cụ thể là ngày nào đâu. Mà nếu có thì cũng còn đến cả … nửa năm nữa cơ mà. Rồi tính chuyện sẽ về Qui Nhơn bằng  máy bay hay tàu hỏa. Có tên còn nêu sáng kiến là cả bọn nên lập thành một đoàn thuê hẳn cái ô tô 20 chỗ đi cho vui và hoành tráng. Cử ra trưởng đoàn phó đoàn, ông này phụ trách tổ chức, ông kia phụ trách tài chính, ông nọ phụ trách màn hát hò… Cứ như là Cụ Hồ qui cố hương.  Ai cũng hăng hái. Đi là dĩ nhiên rồi, vấn đề chỉ còn là đi như thế nào nữa mà thôi. Chả bù cho ngày xưa, nhận được cái giấy mời thì đút sâu ngay vô ngăn kéo.
Đang say sưa tám chuyện thì bỗng Nguyễn Ngọc Quận đứng dậy rũ áo xin về trước. Hỏi sao vội vậy hắn nói về viết cho xong cái bài gửi đăng tuyển tập 35 năm của khoa (khoa đây nghĩa là Khoa Ngữ văn ĐHQN). Thằng Đấu trưởng khoa nó điện thoại giục mấy bữa nay rồi; tối nay không xong để mail đi thì ngày mai là hết hạn nhận bài.
Tích cực với hội hè kỉ niệm thế. Không già mới là lạ. 

20 tháng 5, 2012

Chuyện chưa xưa

Chuyện chưa xưa là chuyện cũng mới xảy ra cách 2 năm thôi, chưa phải là chuyện cũ, chuyện ngày xưa.
Ngày đó tôi phụ trách mục giới thiệu sách mới trên Tv và radio. Tuần một số. Mở ra mục này là do tôi thôi. Đọc sách và viết lách đăng báo đó đây mà không dùng trên đài nhà thì phí, lại mất một khoản thâm canh nhuận bút giữa trời. Tôi phịa ra với lí do là nhằm làm tăng thêm tính học thuật, đa dạng, phong phú… cho chương trình. Mấy cha nghe tôi đề xuất mở chuyên mục gật lia lịa như con bổ củi, lại còn khen mình là sáng tạo. Thực ra là chỉ để thỏa mãn cái thú vui cá nhân của tôi và bè bạn yêu sách vở văn chương mà thôi. Thực tế chứng minh là khi tôi rời đài ra đi hôm trước thì hôm sau chuyên mục này cũng vĩnh viễn biến khỏi màn hình. Thời buổi này ai rỗi hơi mà đọc sách với viết lách bình luận vô bổ bởi thực tế cho thấy là những tay càng ít học hành, càng xa lánh sách vở thì càng thăng tiến nhanh trên chốn quan trường.
Ban đầu tôi đặt tên chuyên mục là Trên giá sách của chúng tôi, sau thì Mỗi tuần một cuốn sách.
Vậy rồi sách biếu, sách gửi tặng về tơi tới. Từ thượng vàng đến hạ cám đủ chủng loại. Có cuốn nghiêm túc tôi giới thiệu nghiêm túc. Có cuốn cà chớn tôi giới thiệu kiểu cà chớn. Mà nhiều nhất là các tập thơ đủ kiểu dạng.
Khốn nạn, làm sao dân xứ ta làm kinh tế thì kém mà làm thơ thì giỏi giang thế không biết. Có lẽ dân Việt ta sính thơ và tài thơ nhất thế giới. Nhà thơ làm thơ, nhà văn chuyên viết văn xuôi cũng làm thơ; nhà chính trị làm thơ, nhà kinh tế cũng làm thơ; lãnh tụ làm thơ anh chạy xích lô cũng làm thơ; nhà tư tưởng làm thơ ông tổng giám đốc cũng làm thơ… Thiệt đúng là nhà nhà làm thơ người người làm thơ, tất cả vì một nền văn hóa xhcn tươi đẹp. Ngay cái thân tôi đây thỉnh thoảng nổi cơn hâm hấp cũng cầm bút viết thơ. Thì có khó gì đâu. Chỉ cần viết đủ dăm bảy chữ gõ enter qua hàng thế là thành thơ. Người làm thơ nhiều đến nỗi có lần trong một đám nhậu có 5 người mà đã có đến bốn ông làm thơ đăng báo, ba ông có thơ in thành tập; ông còn lại tuy không làm thơ nhưng cũng thường xuyên hắng giọng đọc thơ sang sảng. Vui làm thơ, buồn làm thơ; không vui không buồn cũng làm thơ. Yêu làm thơ, thất tình làm thơ,không yêu không thất tình cũng làm thơ... Thử đi tìm lí do cắt nghĩa cho sự phát kiểu trăm hoa đua nở của nền thơ Việt thì có người cho rằng vì ở nước ta, có người chỉ chuyên làm một thứ thơ tụng ca lãnh tụ như ông Tố Hữu mà cũng vô đến bộ chính trị, lên tới phó thủ tướng thường trực chính phủ. Ông này làm thơ tụng ca lãnh tụ đến mức quên cả tụng ca đấng sinh thành là cha cha mẹ đã đẻ ra mình. Đến mức con ông mới đẻ ra chưa biết bập bẹ nói tiếng ba tiếng mẹ như con bao dân thường khác thì đã biết Tiếng đầu lòng con gọi Xít ta lin. Lí do này e đúng. Đó quả là một tấm gương sáng cho tình trạng sốt làm thơ của cả nước ta. Tôi có kinh nghiệm cứ ra đường thấy ông nào đầu tóc bù xù, áo quần xộc xệch bốc mùi hôi hám, vừa đi vừa lảm nhảm như kẻ tâm thần thì đích thị đó là nhà thơ.
Trở lại với vụ giới thiệu sách.
Có lần tôi nhận được tập thơ của hội cây cao bóng cả An Nhơn, vùng đất được người BĐ xem là địa linh nhân kiệt (mà cơ khổ, trên khắp cái đất nước này chỗ nào mà chẳng tự phong là địa linh nhân kiệt cơ chứ, chỉ mỗi cái giàu có và văn mình như thiên hạ là không nơi nào có) với lời nhắn gửi của ông hội trưởng là chú em ráng giúp anh đưa tập thơ này ra với công chúng. Tôi đọc mà ngán ngẫm cho sự đời, cho cái nền văn học và thơ ca Vn hiện đại. Những câu gọi là thơ cứ văng ra.
Có cụ viết:
Trở thành người cao tuổi
Cơ quan cho nghỉ hưu
Nhưng đời đâu cho nghỉ
Ta làm thơ cho đời
Một cụ khác vốn là thuyền trưởng nghỉ hưu thì viết:
Con là thầy dạy văn
Thấy cha già mà sợ
Thơ như là hơi thở
Chuyển lạch luồng đối lưu
Về thơ tình thì khỏi nói:
Những mối tình chơi vơi
Bơi như con con cá tươi
Trong tim ta ra khơi.
Yêu như là mây trôi
Thế là do bực mình và buồn cười quá mà nộ khí xung thiên, mà cảm hứng chợt ào về như giông bão, tôi ngồi vô máy gõ ngay dòng mở đầu:
Trong không khí của phong trào làm thơ đang ngày càng rộng khắp trên cả nước, ở huyện AN ta, các cụ trong hội người cao tuổi cũng không chịu thua kém, đã vừa sản xuất ra mẻ sản phẩm đầu tiên với tập thơ mang tên: An Nhơn chiều mây bay.
Viết rồi biên tập xong, tôi đặt bút kí cho phát sóng. Tôi cũng hơi ngài ngại sợ có tên nào rỗi hơi kiếm chuyện. Nhưng vì thấy toàn là những lời lẽ khen tụng ngạt ngào nên không thấy tăm hơi gì. Ở xứ ta nó thế. Cứ bốc thơm phét lác tận trời xanh cũng ok, còn nếu chê dù chỉ 1 dòng là thành thù muôn đời muôn kiếp không tan ngay.
Chẳng những thế, một tuần sau các cụ còn cho người đem biếu chùm nem chợ huyện với bình rượu bàu đá ngon nhức nhối.
Nghĩ mà ngán ngẩm cho dân ta, lợi hám mà danh lại càng hám. Cái cần thì không làm, cái cóc cần thì bỏ công sức tiền của vô làm. Nói năng lí luận thì như loài hươu vượn mà làm ăn kinh tế thì như loài mèo mửa, nhìn ra thế giới thấy không giống ai. Thảo nào hơn nửa thế kỉ nay dắt tay nhau đi hết từ thắng lợi này sang thắng lợi khác rồi mà vẫn cứ thuộc nhóm các nước nghèo trên thế giới.

19 tháng 5, 2012

Chết học và copy và paste

Hồi đi học bọn mình ngán nhất là mấy môn ní nuận xuông (chủ trương phát ngôn như thế để tránh vụ nhạy cảm chứ không phải là tranh thủ mỉa mai đặc sản lói ngọng của người Hà lội) mà đầu bảng là môn triết học, bao nhiêu tài năng đã ngã dúi dụi khiến thân thể mang đầy thương tích trên đường học vấn, thậm chí là chết thẳng cẳng chỉ vì môn học đáng lẽ ra là rất hấp dẫn nhưng chỉ vì dưới ánh sáng chớp lòa của giáo gươm mà thành ra là môn chết học. Có người học giỏi, thông minh những môn khoa học cơ bản, chuyên ngành thì điểm thi cao ngất ngưởng, chỉ mỗi chết học là không đủ 5 điểm, thi lại mà thành ra là học lực cả dưới trung bình. Không chết thì sống với ai.
Mà ai có thể sống nổi nếu không trở thành khùng khùng với những quả trứng có trước hay con gà có trước. Trong lúc vấn đề đặt ra là gà chui ra từ trứng hay là trứng chui ra từ gà. Rồi vật chất có trước hay í thức có trước; rồi cái nào quyết định cái nào. Đúng là đâu cái điền.
Ngày nay, với thế hệ 8X, 9X thì tình trạng càng trở nên đen tối hơn. Chả thế mà có trường, Gv bộ môn khi tổ chức thi vấn đáp đã cho phép Sv được dùng điện thoại cầu cứu người thân, giống như là đang tham dự một game show trên Tv vậy.  Thực tế thì ngay cả ông thầy dạy môn này cũng thấy nó là vô bổ nên mới ra tay cứu trò độ thế như thế.
Lũ Sv 9X ngày nay nghe về các cặp phạm trù cơ bản cứ như là vịt nghe sấm. Nói vụ này mình lại nhớ hồi đi học lớp cờ cờ lờ lờ, có ông phó chủ tịch 1 huyện miền núi nghe giảng về các cặp phạm trù, khi thảo luận đã nói: Khi đi học vợ tui đã bán hết 1 cặp bò, 2 cặp heo lấy tiền cho tui ra Tp học, vậy mà học mãi tui cũng chưa có lấy trong đầu 1 cặp phạm trù nào. Thôi, tui xin về nuôi lại mấy cặp bò cặp heo đền cho vợ đây.     
Ngày nay, các thầy dạy chết học thường cho Sv làm bài tập theo nhóm ở nhà để tạo cho chúng nó cơ hội chép tài liệu cho dày lên, lại được tiếng là tăng cường tự nghiên cứu. Lũ học trò 9X sẵn máy tính với mạng internet, thế là chúng rúc vô google tìm kiếm,  dở chiêu bài copy và paste. Vậy là bài làm tha hồ mà dày dặn. Cả thầy lẫn trò cùng thở phào coi như là đã sống lại trước môn chết học.
Đúng là càng học càng ngu thêm. Mà thực ra là môn học đã làm ngu cả người dạy lẫn người học. Cứ như là một sự ngu hóa.

18 tháng 5, 2012

Võ Vĩnh Khuyến

Nghe người ta nói là giàu nhờ bạn sang nhờ vợ. Tôi xin bổ sung thêm là giàu nhờ bạn và sang cũng nhờ bạn nữa. Bằng chứng là Nguyễn Khắc Hóa ở học viện chính trị quốc gia HCM khi biết tôi có ông bạn tên là Võ Vĩnh Khuyến thì nói ông tài thế, làm bạn với cả bác Võ Vĩnh Khuyến cơ à.

Ts Hóa ngạc nhiên cũng có lí chỉ vì Võ Vĩnh Khuyến là một nhân vật rất đặc biệt; có lẽ trên toàn cõi Vn này có thắp đuốc tìm cả năm cũng không có người thứ hai như Khuyến.

Khuyến học trước 
tôi một khóa ở khoa văn trường Vinh. Khuyến học K11 tôi K12. Rồi cả hai tên cùng nhập ngũ một ngày, cùng huấn luyện tân binh với nhau 3 tháng ở một đại đội. Sau đó thì tôi về làm lính trinh sát C20, còn Khuyến về làm lính lái xe tăng ở tiểu đoàn thiết giáp của cùng sư đoàn 341.

Quê Hà Tĩnh, hồi học cấp 3 chuyên văn trường Phan Đình Phùng, Khuyến có tiếng học giỏi ở cái vùng đất nổi tiếng có nhiều người học giỏi nhất nước ấy.

Nhưng nói tới Võ Vĩnh Khuyến không phải là để nói cái sự học của anh mà là để nói về cái cá tính độc đáo vô song kia. 




                 Võ Vĩnh Khuyến thăm Tết nhà Hà Tùng Sơn

Thực ra thì hồi còn học khoa văn, do hoàn cảnh chiến tranh sơ tán, mỗi khóa học đóng ở một làng nên 
tôi và Khuyến chưa biết nhau. Chỉ biết và chơi với nhau khi vào lính ở đơn vị huấn luyện, nhất là khi về cùng sư đoàn lại càng biết nhau hơn.

Điều gây sự tò mò của 
tôi đối với Khuyến là anh luôn trang bị đầy đủ các thứ vũ khí, quân trang quân dụng bên mình suốt 24/24h; lúc nào trên cái xanh tuya lính của Khuyến cũng có đầy đủ dao găm, bi đông nước, hai quả lựu đạn, túi cứu thương cá nhân và một vài vật dụng khác nữa, có khi là cả cái que xâu dép cao su và bát sắt B52 với đôi đũa. Cứ gọi là kín một vòng tròn quanh cái vòng hai của Khuyến. Chẳng bù cho tôi,  rất ghét sự bùng nhùng của các thứ trang bị ấy, chỉ trông có cơ hội là tháo ra và ném vào đâu đó. Cái mũ cối của Khuyến cũng luôn được bọc lưới ngụy trang; trời chưa lạnh Khuyến đã mặc áo trấn thủ vào, đôi giày cao cổ luôn dính vào chân. Lúc đó trông Khuyến rất giống với hình ảnh anh vệ quốc quân thời chống Pháp. Vì vậy đi đến đâu, Khuyến cũng trở thành nhân vật nổi trội về thời trang của lính. Có lẽ cái chất lãng mạn của sinh viên khoa văn đã ăn sâu vào máu thịt Khuyến và anh đã tìm cách để hiện thực hóa nó.

Khi trở thành lính lái xe tăng, tiểu đoàn thiết giáp của Khuyến đóng ở một ngôi làng ven đồi bên Dương Thủy rất tiện cho việc hàng chục cái xe tăng T54, T34 và xe K63 gầm gào tập luyện; còn 
tôi thì đóng quân ở làng Uẩn Áo cách đó khoảng 2km. Bọn tôi thường qua lại chơi với nhau khi rảnh rỗi. Mà thường là tôi qua chỗ Khuyến bởi tôi rất thích ngắm nhìn sự oai hùng của hàng dãy xe tăng xếp hàng thẳng tắp với tháp pháo vươn nòng.

Về tiểu đoàn tăng rồi, Khuyến càng gia tăng hơn nữa những trang thiết bị quanh cái xanh tuya. Như thêm vào ống nhòm, túi bản đồ, la bàn... trông rất chi là sẵn sàng chiến đấu.

Trang thiết bị thì dữ dội như vậy nhưng Khuyến lại là một chàng trai rất hiền lành và lạ nhất là không có máu me gái gú gì. Con gái dù đẹp mấy đi lướt qua anh cũng như là cái bức vách vừa đi qua, không xi nhê gì. Ấy vậy mà có sự lạ là bọn con gái lại rất chú ý đến Khuyến. Ở chỗ làng Uẩn Áo 
tôi đóng quân có em Vi rất dễ thương, cả tiểu đội tôi xông vào thay nhau tán cả tháng trời chưa đổ. Vậy mà chỉ một lần nhân Khuyến sang chơi, tôi đưa vào nhà Vi uống nước và tán tào lao thiên đế thì Khuyến lại lọt vào mắt xanh của cô nàng. Thỉnh thoảng lại hỏi sao lâu rồi không thấy anh Khuyến sang chơi. Hàng mi chớp chớp nhìn rất nhớ nhung đến anh lái xe tăng. Tất nhiên là Khuyến đâu có cần nhớ đến cái em Vi vu vút vít nào đó làm gì. Thấy vậy bọn tôi bàn nhau là mỗi lần đi tán em Vi, thằng nào cũng phải đeo hết trang thiết bị lên người như Khuyến xem có hiệu quả gì không. Kết quả là vẫn về mo. Lạ.

Năm 1976 sau chiến tranh, những thằng lính Sv bọn 
tôi may mắn sống sót trở lại trường đại học. Khuyến học K15, tôi K16 vẫn là sau một khóa. Trong lúc bọn tôi nhanh chóng rũ hết đồ lính tráng để mặc lên người đồ dân sự cho khỏe thì Võ Vĩnh Khuyến vẫn cứ như ngày còn ở tiểu đoàn thiết giáp. Lên giảng đường vẫn bộ đồ lính, vẫn cái mũ cối gắn lưới ngụy trang, nhất là vẫn cái xanh tuya giờ chỉ còn treo mỗi cái bi đông lúc nào cũng đầy nước. Mùa đông vẫn diện đủ áo trấn thủ may chéo; vẫn là giày cao cổ. Thực tế là Khuyến càng muốn giản dị bao nhiêu thì lại càng nổi bật lên bấy nhiêu. Và anh chàng vẫn nhìn đám con gái Sv xanh đỏ tím vàng thướt tha ẻo lả đi lướt qua mình như nhìn những cái bức vách di động. Khiến nhiều nàng tức điên.

Rồi ra trường, Khuyến được phân vào giảng dạy ở trường CĐSP Quảng Ngãi, thì thầy Võ Vĩnh Khuyến vẫn giữ nguyên comle trang thiết bị lính tráng như thế mà bước lên bục giảng cho Sv hết về thơ văn Nguyễn Khuyến sang thơ văn Tú Xương, hết truyện Kiều Nguyễn Du sang thơ Nguyễn Công Trứ. Khi đó thì 
tôi dạy ở QNU, có lần Khuyến vào dự một hội nghị khoa học của trường tôi mang theo đề tài để báo cáo và vẫn với nguyên hình nguyên trạng thời trang lính như thế trên diễn đàn khoa học.

Mấy năm trước, khi cả hai thằng con trai đều tốt nghiệp đại học và ở lại Tp thì Khuyến dời đô vô Sài Gòn sống ở chung cư Nguyễn Thị Nhỏ gần vòng xoay Lê Đại Hành. Tôi lên chơi thấy bạn đang đánh trần lau chùi những món cổ vật thiệt ít giả nhiều, với cả một lô một lốc những vật kỉ niệm tí hon trưng bày kín cả một bức tường phòng ngủ. Và dù sống giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội nhưng Võ Vĩnh Khuyến vẫn như ngày xưa. Vẫn mặc nguyện bộ đồ ka ki của lính, diện đủ đôi giày vải cao cổ; thêm cái nón bảo hiểm sơn màu nhà binh bọc thêm lưới ngụy trang, vẫn cái xanh tuya treo bi đông đựng nước chè tàu đậm đặc mỗi khi rời nhà ra phố.

Trong lúc 
tôi đang ngắm nhìn căn phòng bảo tàng thì Khuyến mở ra một cái hộp đựng đầy các bản thảo, các bài báo khoa học của Khuyến trong mấy chục năm nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam dày nửa gang tay nói tao đang muốn in cái này thành một tập sách để kỉ niệm. Nên quá đi chứ.

Đến vào buổi trưa chủ nhật nên vợ chồng Khuyến giữ mình lại ăn cơm. Ngồi ngắm chòm râu phất phơ của Khuyến rất giống chòm râu ông kụ thời kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc, 
tôi nói giá mà ông làm chủ tịch nước thì có thể gọi là cha già dân tộc được đấy. Khuyến nghe thế xua tay xuỵt xuỵt rồi chỉ tay vô bà Hồng đang lúi húi trong bếp: mày nói khẽ thôi, mụ ấy nghe thấy thì chết. Tôi tưởng là sợ phạm thượng gì bởi Hồng vợ Khuyến là thượng tá công an; hóa ra không phải. Hồng đã kịp nghe và ló đầu ra: Mấy ông nói ông Khuyến là cha già dân tộc thì tui là mẹ già dân tộc à!!! 
Sợ quá.

Ngay cạnh cửa sổ trên căn hộ chung cư lầu 6 là một cái chõng tre điển hình của làng quê Hà Tĩnh. Đó là nơi hàng ngày Khuyến chỏng gọng nằm đọc sách, ngâm nga thơ phú; khi có bạn bè ở xa đến thì đó là nơi bạn nằm nghỉ lại.

Rồi ngày Tết đến chơi nhà 
tôi  Khuyến cũng vẫn giữ nguyên thời trang và trang thiết bị lính như thế. Trong lúc vợ tôi súc ấm pha trà thì Khuyến đã xua tay và lấy bi đông rót trà ra uống.

Nguyễn Khắc Hóa, dạy lí luận và văn hóa học, cũng là đồng hương Hà Tĩnh với Khuyến, cũng chơi với Khuyến từ lâu và rất quí trọng Khuyến; đã đưa ra một nhận xét mang đậm chất lí luận văn học: Võ Vĩnh Khuyến là người chưa ra khỏi cuộc chiến dù chiến tranh đã đi qua hơn một phần ba thế kỉ.

Khuyến nghe thế chỉ hiền hậu mỉm cười, chòm râu theo model cha già dân tộc rung rung.

17 tháng 5, 2012

Đề Đô thành nam trang và một giai thoại tình yêu bất tử

                                                                                                                                        
Thôi Hộ là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Đường. Thơ ông còn lại 6 bài được ghi ở trong bộ Toàn Đường thi nhưng ông lại là nhà thơ nổi tiếng với chỉ một bài thơ Đề Đô thành nam trang, một áng tình thi gắn với một câu chuyện tình lãng mạn khi mùa xuân về và được lưu truyền mãi trong giới yêu thơ như là một huyền thoại về tình yêu trong thi ca.
Chuyện kể rằng chàng Thôi Hộ dù thông minh sáng láng và hay thơ nhưng lại là một sĩ tử không may chốn trường thi. Ông đi thi đến lần thứ hai rồi mà vẫn bị hỏng. Buồn chán trong lòng nên nhân tiết thanh minh, Thôi Hộ đi du xuân về phía nam thành Đô. Chợt thi nhân thấy trước mắt mình hiện ra một trang trại với cây cối xanh tươi tốt đẹp, nhất là cả một rừng hoa đào đang rộn ràng khoe sắc giữa gió xuân thổi từ phương đông về.
Cảm mến vô cùng cảnh đẹp thiên nhiên của trang trại, ông ghé lại gõ cửa xin nước uống. Và câu chuyện cứ như là một chốn nhân duyên tiền định, người mang nước cho ông uống là một thiếu nữ vừa tròn tuổi trăng rằm, đẹp đẽ không kém gì một tuyệt sắc giai nhân. Nàng mang nước mời nhà thơ uống còn mình thì e lệ đứng nép dưới cành đào. Giữa một khung cảnh của hoa đào khoe sắc thắm, thiếu nữ cũng ửng hồng đôi má, miệng chỉ chúm chím cười hoa đào che kín nụ mà kín đáo chẳng nói năng chi. Trong lúc đó thì chàng trai trẻ chưa vợ Thôi Hộ đắm đuối nhìn, không biết là sắc hồng của hoa đào khiến khuôn mặt người đẹp hồng tươi hay ngược lại là đôi má hồng của thiếu nữ tỏa sắc hồng thắm tươi lên những nụ hoa đào. Quả là hoa đẹp mà người cũng thật là đẹp!       
                 
thiuenu5.jpg

                      Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Không đừng được nỗi lòng, thi nhân liền lấy giấy bút với cảm xúc dào dạt mà viết thành bài thơ tứ tuyệt với nhan đề:

Đề Đô thành nam trang
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Dịch nghĩa:
Đề (thơ) ở trại phía nam Đô thành
Ngày này năm ngoái tại cửa đây
Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng
Gương mặt người xưa giờ không biết ở chốn nào

Bản dịch thơ của thi sĩ Tản Đà:
Thơ đề ở trang trại phía nam Đô thành
Cửa đây năm ngoái cũng ngày này
Má phấn hoa đào ửng đỏ hây
Má phấn giờ đây đâu vắng tá
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây         
DSC08252.JPG

hoa đào năm ngoái.jpg
                       Thư pháp Đề Đô thành nam trang
Viết xong cẩn thận kí tên phía dưới rồi đem gài vào cánh cổng trang trại cất bước ra về mà lòng Thôi Hộ vẫn không ngừng bâng khuâng.
Bẵng đi một thời gian sau, trong lòng Thôi Hộ thấy quá đỗi xốn xang vì thương nhớ người thiếu nữ nơi trang trại, chàng bèn quay trở lại thì nghe từ trong nhà có tiếng khóc vẳng ra. Không hiểu là điều gì đang xảy ra, chàng quyết định đường đột gõ cửa thì thấy ngay một ông già đi ra, nhìn chàng và hỏi :
- Ngài có phải là Thôi Hộ không ? Con gái tôi sau khi đọc bài thơ của ngài mà mắc bệnh tương tư, u sầu suốt ngày đêm, không ăn uống gì và vừa qua đời.
Thôi Hộ nghe chuyện thì ân hận vô cùng vì thấy do mình mà thiếu nữ đã chết. Chàng bèn bước vào trong quỳ xuống bên giường nàng, ôm lấy cái thi thể còn nóng ấm của thiếu nữ mà khóc lóc thảm thiết. Nước mắt của Thôi Hộ rơi xuống thi thể người con gái như minh chứng cho một tình yêu oan trái. Và kì diệu thay, những giọt nước mắt khóc thương cùng với vòng tay ấm nóng của Thôi Hộ đã khiến cho người con gái sống lại. Nàng chợt mở mắt, khuôn má lại dần ửng hồng như hoa đào giữa mùa xuân đang khoe sắc thắm ngoài sân. Một nụ cười e ấp của hạnh phúc đang phục sinh.
Ngay sau đó, hai người liền kết duyên vợ chồng và Thôi Hộ lại vào kinh đi thi lần thứ ba. Lần này nhờ có thần tình yêu chắp cánh, chàng đã đỗ tiến sĩ, chấm dứt những năm tháng lận đận chốn trường thi. Đó là kì thi tiến sĩ đời nhà Đường vào năm 796. Nhờ thi đỗ tiên sĩ mà Thôi Hộ làm quan đến chức Tiết độ sứ. Đôi trai tài gái sắc với hai trái tim đập cùng một nhịp yêu thấm đẫm chất tình thi lãng mạn đã sống với mãi với nhau cho đến khi đầu bạc răng long, con cháu đề huề.
Đại thi hào Nguyễn Du khi sáng tác Truyện Kiều đã mượn hai câu trong bài thơ Đề Đô thành nam trang của Thôi Hộ để miêu tả tâm trạng chàng Kim Trọng khi trở lại vườn thúy thì thấy nàng Kiều đã bước chân vào con đường của mười lăm năm lưu lạc:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Sau này có rất nhiều bản dịch thơ và phóng tác từ Đề đô thành nam trang, tiêu biểu là bài phóng tác của tác giả Vương Ngọc Long ở Sài Gòn trước năm 1975, rất được truyền tụng trong giới yêu thơ thời đó:
Hoa đào năm ngoái
Tôi đã gặp em trước cổng nầy
Ngày nầy năm ngoái gió xuân bay
Ánh dương phơi phới hồng đôi má
Ưng ửng đào hoa em ngất ngây

Lẳng lặng nhìn em ánh mắt sâu
Môi thơm ngan ngát lộc xuân đầu
Trăm năm tơ ngãi là em đó
Gặp gỡ làm chi để kiếp sầu

Cầm tay chẳng nói một lời sao
Tiễn biệt chia xa luống nghẹn ngào
Có phải lương duyên trời đã định
Mỏng manh phai nhạt sắc hương đào

Tôi trở về đây đứng đợi mong
Hương xưa tìm lại phấn xuân hồng
Người đâu? Còn lại hoa đào đó
Cười cợt vô tình với gió đông.
Và câu chuyện tình yêu với sự chắp cánh của thơ ca vẫn sống mãi, truyền tụng mãi trong những người yêu nhau và yêu thơ hết đời này sang đời khác như sức sống bất diệt của tình yêu và thi ca giữa một khung cảnh mùa xuân thắm hồng sắc hoa đào với sự ửng hồng trên đôi má người thiếu nữ.

       
         

16 tháng 5, 2012

Về chuyên luận Vè chàng Lía

Ai đã từng sống ở Bình Định hẳn không thể không một lần nghe câu:
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành
Câu vè theo thể lục bát luôn gợi nhớ về một hình ảnh vừa đáng khâm phục vừa đáng thương của một nhân vật lịch sử Bình Định ở thế kỉ XVIII mà mỗi lần nhắc đến đều khiến người dân nơi đây ngùi ngùi xúc động. Cuộc đời với những câu chuyện kể theo lối truyền miệng như một huyền thoại của chàng Lía từ lâu đã sống động và sống mãi trên dải đất Bình Định qua tác phẩm văn học dân gian Vè chàng Lía dài như một bản trường ca với 1438 câu.
Đã có không ít bài viết về chàng Lía và Vè chàng Lía, đã có không ít công trình nghiên cứu trong nửa thế kỉ qua ít nhiều đề cập đến nhân vật lịch sử này. Nhưng để có một công trình giới thiệu toàn diện về cuộc đời và sự nghiệp của chàng Lía thì vẫn là một chỗ trống chưa được khỏa lấp cho đến khi cuốn chuyên luận giới thiệu và nghiên cứu về tác phẩm Vè chàng Lía(*) do Trần Xuân Toàn và Đặng Thị Bích Ngọc biên soạn ra đời.

           


Với một bố cục hợp lí, chuyên luận được chia làm ba phần:
-   Khảo sát chung về tình hình văn bản Vè chàng Lía.
-   Tìm hiểu một số vấn đề về nội dung và nghệ thuật Vè chàng Lía.
-   Hình tượng chàng Lía trong các thể loại văn học dân gian và văn học viết.
Xem kĩ thì thấy ở phần nào, tác giả chuyên luận cũng đã cố gắng giải quyết thấu đáo về cả bề rộng lẫn chiều sâu trên những cứ liệu kết hợp giữa lí luận của khoa nghiên cứu folklore học với thực tiễn sưu tầm tác phẩm Vè chàng Lía ở Bình Định.
Từ phần đầu, khảo sát chung về tình hình văn bản cho đến phần cuối, phân tích nhân vật chính trong Vè chàng Lía với tư cách là một hình tượng văn học, tác giả đã khẳng định Vè chàng Lía là một tác phẩm thuộc dạng vè lịch sử với những đặc điểm gần giống với truyền thuyết chứa đựng một hàm lượng hư cấu cần thiết. Chính điều đó đã làm nên sự hấp dẫn của Vè chàng Lía.
Nhân vật chàng Lía, một thanh niên nông dân nghèo khổ, tướng mạo đen đúa nhưng có sức mạnh vô địch và một khí phách ngang tàng như một hiệp khách thời trung cổ; lại có dáng dấp của một anh hùng hảo hán cầm đầu một đội quân đóng giữa căn cứ Truông Mây chống lại quan quân triều đình phong kiến nhà Nguyễn; chuyên đi cướp của người giàu chia cho dân nghèo đã một thời làm nức lòng người Bình Định về một lí tưởng công bằng và bác ái.  
Người đọc, người nghe kể Vè chàng Lía hẳn ai cũng thấy sướng trong người với những câu vè giản dị mà hào sảng khi nhắc đến tài võ của Lía:
Chàng Lía hết sức lẹ lanh
Lại thêm sức mạnh ai kình cho qua
Đường côn toàn vẹn trăm bề
Múa nghe giông tố tiếng nghe vù vù
Hoặc nói sự ngang tàng của Lía:
Lía ta ngang dọc thay là
Mục đồng nể sợ ai mà chẳng kiêng
Người Bình Định từ xa xưa vốn dĩ có tinh thần thượng võ. Không chỉ đàn ông, ngay cả đàn bà con gái Bình Định cũng nổi danh:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi đi quyền
Với tinh thần đó thì hình tượng Lía trong Vè chàng Lía là hiện thân của truyền thống thượng võ ấy. Đó cũng là sự cắt nghĩa cho lí do của sự yêu thích, qúi mến suốt hàng trăm năm nay của người Bình Định với truyền thuyết về Lía và về tác phẩm Vè chàng Lía. Một tác phẩm dân gian mang đậm chất bi tráng. Chính cuộc đời của người anh hùng trẻ tuổi Lía đã làm nên cái hùng và cái bi trong Vè chàng Lía.  Người đọc Vè chàng Lía qua nhiều thế hệ vừa rất cảm phục kính trọng Lía nhưng cũng rất lấy làm thương hại Lía là vì vậy.
  Ngày nay, trong sự xô bồ của cuộc sống hiện đại với những loại hình nghệ thuật, những phương thức biểu diễn hiện đại, có thể Vè chàng Lía không còn chỗ đứng trong sự yêu thích của người đời như thời quá khứ. Nhưng có đặt trong bối cảnh lịch sử, trong hoàn cảnh ra đời của Vè chàng Lía, chúng ta mới thấy hết giá trị không chỉ về nội dung mà cả về nghệ thuật của nó. Nghiên cứu Vè chàng Lía, tác giả của chuyên luận đã rất chú ý trong việc làm bật nổi khía cạnh này. Và đó là một đóng góp đáng kể của Trần Xuân Toàn và Đặng Thị Bích Ngọc ở cuốn Vè chàng Lía.  
 Ở Bình Định có hai loại hình nghệ thuật truyền thống rất được ưa chuộng là tuồng và dân ca. Với Vè chàng Lía, đó là nơi để người Bình Định phổ vào một cách dễ dàng các làn điệu dân ca, khiến những câu vè mộc mạc trở nên du dương da diết, rất dễ đi vào lòng người. Vè chàng Lía sống mãi cũng là vì thế.
Sau những trang viết công phu đầy tính học thuật của chuyên luận, cuốn sách còn tập hợp đầy đủ toàn văn hai dị bản Vè chàng Lía với những chú thích tỉ mỉ đầy đủ rất tiện cho những ai cần tìm hiểu kĩ càng và nghiên cứu sâu hơn về Lía và Vè chàng Lía.
Các văn bản về Lía qua một số truyện ngắn và phần phụ lục của sách  cũng là một sự bổ sung cần thiết để bạn đọc có cơ hội tìm hiểu, nhận thức đầy đủ về nhân vật lịch sử chú Lía. Vì thế có thể xem cuốn sách là một bức tranh toàn cảnh, toàn diện có ý nghĩa như là một toàn tập về Vè chàng Lía. Không phải bỗng dưng mà công trình được đưa vào Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam và được Dự án tài trợ xuất bản.              
Tuy nhiên, có lẽ là do quan niệm thiên về nội dung mà nhẹ về hình thức nên ở chuyên luận Vè chàng Lía  tác giả đã ít đi sâu vào giới thiệu, phân tích phần nghệ thuật của bài vè dài hơi này. Ngay từ luận điểm với tên gọi « Đôi nét về nghệ thuật Vè chàng Lía» (trang 99) đã nói lên điều đó. Cái hay cái  đẹp về nội dung, nhất là với một thể loại nôm na như vè mà cụ thể ở đây là Vè chàng Lía thì ai cũng hiểu; nhưng để đi sâu vào các vấn đề thuộc phạm trù thi pháp học của tác phẩm thì đó là miếng đất rất cần sự khai phá, gieo trồng của nhà nghiên cứu.  Và đây chính là chỗ còn khiếm khuyết của chuyên luận Vè chàng Lía.    
(*)Vè chàng Lía, Trần Xuân Toàn và Đặng Thị Bích Ngọc; NXB Thanh niên, 2010.


   

Phú quí giật lùi


Là nói sự xa lánh của Sv đối với các ngành học thuộc khoa học xã hội mà cụ thể hơn là với ngành ngữ văn của mình.

Nhớ lần đầu cách đây 2 năm, lên Thủ Dầu Một dạy cho BDU. Khóa học thứ mấy không biết Nhớ lần đầu cách đây 2 năm lên BDU dạy cho Khoa Văn kháo mấy không nhớ nhưng nhớ là có đến  hai lớp mỗi lớp có hơn 100 Sv, có lớp đến 120 Sv. Khóa tiếp theo cũng hai lớp nhưng mỗi lớp giảm còn khoảng 80 Sv. Khóa thứ 3 thì chỉ còn lại một lớp với 60 Sv. Mình đã thấy thê thảm lắm rồi. Vậy mà giờ nhớ lại thì khóa học đó vẫn là sung túc so với bây giờ.


Nói vậy bởi hôm nay lên lại BDU, dạy nguyên ngày thứ 7, khi bước chân  vào lớp học khóa này mình chỉ thấy lèo tèo hai mấy nhân mạng, chính xác là chỉ một lớp với 27 Sv khoa văn cho một khóa tuyển sinh.
Thiệt đúng là phú quí giật lùi.  
Trong tuyển sinh đại học, nếu một ngành học mà tuyển chỉ được 30 Sv với học phí chừng 10 triệu/ năm (5 triệu/học kì)/Sv thì chỉ đủ để không lỗ chứ đừng nói là lời lãi gì. Dưới 30 Sv thì cầm chắc lỗ.  Lỗ nhưng vẫn phải duy trì vì không thể chấm dứt ngang xương một ngành học mà phải gian truân  lắm mới đẻ được ra nó. Nếu vì lỗ mà không duy trì thì coi như là xóa sổ một ngành học. Điều đó còn tai hại hơn nhiều. Vì thế mà dù lèo tèo các trường vẫn cố giữ.
Tính mình vào lớp dạy chỉ mong Sv càng đông càng tốt. Có khi dồn hai lớp lại đến trên 200 Sv thì giảng càng bốc. Vì thế mà hôm nay sĩ khí và quân thanh của buổi lên lớp xẹp hẳn đi khi nhìn xuống giảng đường chỉ còn có một thiểu số.  
Dẫu biết rằng lớp ít hay nhiều, 2 chục hay hai trăm thì quyền lợi của người giảng viên cũng không hề hấn gì nhưng tinh thần và cảm hứng thì biến đâu mất tiêu.
Không nên và không thể trách học trò đã xa lánh ngành ngữ văn, xa lánh các ngành học KHXH. Hãy trách cái xã hội đã để xảy ra thực trạng đáng buồn đó.
Trong lúc này thì mình biết rằng ở các nước văn minh và dân chủ như Mĩ hay phương Tây, các ngành học KHXH vẫn rất được Sv ưa chuộng. Đơn giản là ở đó họ giảng thật, nói thật với Sv. Ít nhất là họ không nói dân chủ của xã hội tư bản gấp triệu lần dân chủ ở các nước XHCN.

13 tháng 5, 2012

Chân dung

Mạ mình 82 tuổi cũng khỏe mạnh và minh mẫn bình thường hàng ngày vẫn đi chợ xa cả cây số, nấu ăn ngon lành. Dù sinh ra cả một đàn con trai gái đến 8 đứa, lũ con trai gái này lấy vợ lấy chồng  lại sinh ra cả một đàn cháu gồm 16 đứa; có đứa cháu đã kịp sinh ra 2 đứa chắt nữa rồi. Nhưng cuối cùng thì lũ con cháu ấy như một đàn chim đủ lông cánh vù bay đi hết. Vẫn chỉ là còn lại hai vợ chồng già lão với nhau ở làng Thọ Lộc như là đôi vợ chồng son.
Ngược lại với ba mình, mạ mình thì không thích chụp ảnh chút nào. Đơn giản là cụ ngại chụp không ăn hình, lại do ăn trầu thường xuyên nên sợ xấu. Nhưng lí do chính đáng nhất là khi nào có con cháu về thăm thì mạ mình hầu như là có địa chỉ thường trú ở trong nhà bếp. Nấu hết món này đến món khác vì chỉ lo con cháu ở xa về đói khát. Nấu xong dọn ra ê hề rồi vẫn không chịu ngồi vô mâm. Con cháu mời gọi ới ời thì cứ vọng ra ăn đi ăn đi, mạ ăn sau. Rồi vẫn cứ lui hui trong bếp không chịu ra. Mình đoán là cụ cố ý để cho đám con cháu ăn cho no nê thoải mái đã rồi còn lại gì thì ăn sau. Đúng là cả một đời vì chồng vì con.
Lạ một nỗi là mình và đám em út cháu chắt mỗi lần đặt chân về đến nhà là ăn thứ gì mạ mình nấu ra cũng thấy ngon, ăn cứ như là tằm ăn lá dâu. Có đứa về ăn cơm mạ mình nấu mấy ngày mà tay chân mặt mũi đầy đặn hẳn ra.   Mình ấn tượng nhất là những ngọn rau lang non mềm như cọng giá, những  vòi đọt bí hái trong vườn mập mạp như măng tơ, luộc lên chấm với mắm mịn ăn không biết no. Rồi mít non trộn lá lốt với lạc rang, rồi chè xanh hái trong vườn om với gừng tươi uống thả cửa suốt ngày…
Cũng vì thế mà mỗi khi đến màn chụp ảnh, trong lúc ba mình đã chỉnh tề trang phục như sắp đi họp tỉnh ủy thì mạ mình lại đang ở đâu đó ngoài vườn hoặc trong bếp nên mãi đến nay cụ vẫn chưa có bức chân dung để đời, trước là treo lên cột nhà, sau là đặt lên ban thờ. Mình vẫn băn khoăn  vì khiếm khuyết đó.
Vậy mà mới rồi con dâu trưởng của ba mạ mình, tức là mụ vợ mình về thăm hai cụ ở chơi cả chục ngày. Ba mình lại hỏi có mang máy ảnh về không. Dĩ nhiên là có. Và rốt cục thì mạ mình cũng đã có được tấm chân dung để đời mà theo mình là như ý:
   

   Chân dung
   
 
 

 

 Thêm tấm nữa với kiểu áo khác

  Lại là vợ chồng son

Cha con chú rể út là lính hải quân đảo Cồn Cỏ Hùng-Dũng

Cu Dũng 9 tháng tuổi nhưng mặc vừa áo trẻ 24tháng, chắc và nặng như cái cối xay

Chiều thị xã



Có một thị trấn nhỏ sau một đêm thức dậy bỗng ngỡ ngàng thấy mình thành thị xã. An Nhơn đấy. Ngày 30 - 3 - 2012 họ đã làm lễ to để kỉ niệm 37 năm ngày giải phóng và nhân thể ăn mừng lên ngôi thị xã. Cũng đã có một số đặc san VNAN ra đời.




Tháp cổ chiều loang  nắng
Tôi đi trong con phố bình an
Thị xã giấu nhà em bên hẻm nhỏ
Tôi tìm về hình bóng của ngày xưa


Như trôi vào hoang hoải mờ xa
Thị xã mới và những con đường cũ
Những tên đất, tên phường thân thuộc
Em ở đâu sao nỡ để anh tìm

 
Tôi vẫn đi về phía chiều em
Chiều Thị xã An Nhơn nắng ngời trên đỉnh tháp
Đàn én mỏng chao trên mái vắng
Thành Đồ Bàn mây trắng ngẩn ngơ trôi


Chiều An Nhơn chiều khuất bóng em

Tôi như lạc giữa con đường cũ
Nghe thảng thốt câu bài chòi vọng đến
Thị xã hào hoa Thị xã anh hùng
 
Những đền đài có thể sẽ hóa bùn
Những phố phường một ngày mai sẽ khác
Nhưng còn mãi trong tôi một chiều em Thị xã Ánh hoàng hôn lấp loáng quê nhà
                                                    
Tân Sơn Nhì, 2012

                    Nhuận bút chỉ trăm ngàn nhưng rất quý