30 tháng 11, 2009

Người Việt biết đùa

Từ những sự kiện, những câu chuyện có thật; những người thật, việc thật trong cuộc sống thường ngày, Lê Thiếu Nhơn đã đúc kết thành những bài học mang tính triết lí nhân sinh sâu sắc, khiến người đọc phải suy ngẫm.Cuốn sách được chia làm ba phần với những tít đề mang phong cách của thế hệ @.Phần 1: Lang thang thế sự.org,Phần 2: Ngã bảy nghệ thuật.net,Phần 3: Dọc đường văn học.com.Ngoài ra ở phần Thay cho lời kết Chát với Nguyễn Ngọc Tư có ‎‎ý nghĩa như một sự bổ sung cho những nội dung đã đề cập ở ba phần chính của sách.Là người trẻ thuộc thế hệ sinh ra sau năm 1975, lớn lên khi vết thương chiến tranh từng ngày liền da, Lê Thiếu Nhơn có con mắt nhìn đời khá nhạy cảm nhưng lại rất thẳng thắn. Ở phần đầu cuốn sách, anh đã nêu một sự so sánh nghe qua thì có vẻ khập khiễng nhưng lại rất có l‎ý:Đó là mỗi khi xem đội tuyển bóng đá Việt nam thua trận, thường thấy rất nhiều giọt nước mắt tiếc nuối của giới trẻ. Sự mộ điệu ấy thật đáng trân trọng. Nhưng thử hỏi đã có bao nhiêu bạn trẻ hôm nay biết khóc khi nhìn vào bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế? Theo sự xếp hạng này, Việt Nam ngày càng tụt hạng so với thế giới và hy vọng mỗi ngày một thêm phập phồng.Trong Bài văn làm người, tác giả đã so sánh tình cảm của con đối với cha qua một bài tập làm văn của một học sinh phổ thông lớp 10 đặt bên cạnh cuốn hồi kí Yêu và sống của diễn viên Lê Vân. Trong bài tập làm văn, em học trò nhỏ đã rất thương và không một lời trách cứ người cha nghèo khó, không đủ sức kiếm tiền để nuôi nổi bản thân và gia đình. Còn ở cuốn hồi kí Yêu và sống, diễn viên nổi tiếng Lê Vân đã không tiếc lời để dành hẳn một chương nói về người cha của mình là nghệ sỹ nhân dân Trần Tiến một cách đáng xấu hổ. Từ những trang hồi kí độc địa ấy, Lê Vân muốn mắng mỏ người cha đã sinh thành ra mình cho hả giận. Nhưng hậu quả là chị đã tự mình thóa mạ mình, đã tự bộc lộ rõ là một đứa con bất hiếu.Đó là một bài học của đạo làm người trong cuốn phiếm đàm của Lê Thiếu Nhơn.Bằng một giọng điệu tưng tửng, một cách viết không mấy dụng công về ngôn từ, theo kiểu thấy gì ghi nấy, nhưng ngòi bút của Lê Thiếu Nhơn đã khắc họa được những điển hình văn học rất sinh động. Trong Sào huyệt văn minh, anh đã dựng nên năm nhân vật cùng tồn tại trong một công ty: bà kế toán trưởng Tơ Liễu và cậu con trai Thái tử, ông giám đốc vô danh, trưởng phòng tổ chức Chánh Nghĩa và bà già Cổ Tích về hưu. Năm nhân vật rất khác nhau về tính cách, tuổi tác và địa vị xã hội nhưng lại cùng giống nhau ở một điểm là có lối sống rất hủ bại và luôn tìm cách tham nhũng, bòn mót rút ruột cái công ty nhà nước kia. Những sào huyệt văn minh kiểu ngược đời như thế ngày nay không mấy khó khăn để tìm ra những địa chỉ cụ thể trong cuộc sống quanh ta.Với Sào huyệt văn minh, có lẽ Lê Thiếu Nhơn muốn đưa ra một hình ảnh trái chiều: Phải chăng ngày nay, tham nhũng đang được “xã hội hóa”.Ngòi bút châm biếm đậm chất u mua của Lê Thiếu Nhơn cũng đã không mấy ngại ngần khi đề cập đến một lớp người háo danh vọng trong xã hội ta ngày nay, một xã hội mà thật giả trắng đen lẫn lộn, qua bài Phải có danh gì với núi sông.Có một thực tế là hiện nay có rất nhiều người mà chân chưa hề bước vào một cổng trường đại học nào nhưng bằng cấp lại đầy mình, vậy mà đi đến đâu cũng xưng là thạc sỹ này cử nhân nọ. Những người này háo danh đến nỗi nếu lỡ may cấp dưới khi giới thiệu họ trước cử tọa mà thiếu mất một chức danh trong cấp ủy hay thiếu mất cái học vị cao học thì sẽ làm mình làm mẩy và xử cấp dưới cho ra bã mới thôi.Đúng là thời buổi hết chỗ nói. Khi cái thật biến mất thì cái giả lộng hành.Tuy nhiên không vì thế mà trong Người Việt biết đùa lại thiếu đi những những mẩu chuyện, những con người tích cực. Trong bài Tuyển thơ của chồng công vợ, Lê Thiếu Nhơn đã ca ngợi người vợ của cố nhà thơ Yến Lan là bà Nguyến Thị Lan, sau khi người chồng thi sỹ qua đời đã dày công gom góp những bài thơ chưa công bố của ông để in thành tập Thơ tứ tuyệt của Yến Lan. Đó chính là cái nghĩa tào khang của những con người thuộc về thế hệ trước mà thế @ ngày nay phải ngã mũ kính chào.Ngay ở phần cuối của sách Chát với Nguyễn Ngọc Tư, một nữ nhà văn nổi tiếng của vùng cực nam Tổ quốc là đất Mũi Cà Mau, Lê Thiếu Nhơn cũng chỉ bằng sự đong đưa qua lại bằng cách chát với nhau, đã cho bạn đọc thấy một chân dung trong sáng, hồn nhiên và hồn hậu của cây bút nữ này. Con người ta thật thoải mái khi được sống trong cõi đời này như nó vốn có. Và ngược lại, với những ai phải thủ một vai diễn để đi suốt sự nghiệp của mình thì cũng thật khổ sở lắm.Người vợ của nhà thơ Yến Lan, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có thể xem là những điểm sáng thẩm mỹ trong cuốn phiếm đàm của Lê Thiếu Nhơn.Nói về cuốn sách này của mình, Lê Thiếu Nhơn đã rất chân tình: Việt nam bước vào WTO, một đất nước khát khao hội nhập và phát triển. Đó là điều đã thôi thúc anh viết Người Việt biết đùa. Từ những chuyện mắt thấy tai nghe được pha thêm một chút xúc cảm văn chương mà thành Lang thang thế sự.org, Ngã bảy nghệ thuật.net và Dọc đường văn học.com. Người Việt biết đùa đã đùa vào những góc khuất của đời sống, có thể khiến không ít người phiền lòng. Nhưng biết sao được khi có nhiều sự thật nằm ngoài tiên liệu của chúng ta!
HTS