21 tháng 11, 2015

Cảm thụ tác phẩm nghệ thuật, những điều cần uốn nắn

                                                                      Th.s Chử Anh Đào
Tưởng như là đã cũ, nhưng chuyện nhìn nhận, cảm thụ, đánh giá một tác phẩm nghệ thuật nào đấy lại luôn là thời sự.
Xin bắt đầu từ một mô hình kinh điển của "vòng đời" tác phẩm. Đó là: Hiện thực- nghệ sĩ- quá trình sáng tạo- công chúng. Nghệ sĩ nào trong quá trình sáng tạo cũng  hướng tới công chúng, muốn được đông đảo công chúng chia sẻ với đứa con tinh thần của mình. Vì nếu sáng tác mà không được ai quan tâm, để ý thì chỉ như là tiếng kêu nhỏ nhoi, vô vọng giữa mênh mông sa mạc- như ý của một nhà văn nổi tiếng nhất nhì thế giới.
Nhưng người viết cũng đủ loại. Từ người có năng khiếu trời cho, từ tâm hồn nhân văn, khát vọng nung nấu chia sẻ tới loại háo danh, thừa mứa mọi thứ lại muốn có "danh gì với núi sông". "Ta đây nào phải ai đâu mà rằng" - như một người mẫu trong "Sợi xích" Kiều Như "chỉ khi tôi cởi đồ ra thì cả thiên hạ mới biết" tới ông bộ trưởng nào đó vằng vặc lí lịch ba đời chăn trâu bứt cỏ 400 trang bìa cứng như Lê nin tuyển tập.
Người đọc cũng trong tình hình như vậy.Thời bao cấp, có người bỏ cả một phần tư tháng lương èo ọt để mua chịu sách. Đọc xong, để sách ở phòng tập thể. một sáng mai cuối mùa mưa, nghe cái "rầm". Mối mọt là kẻ thù còn nguy hiểm hơn thực dân đế quốc. Lại có người kê tủ sách trang trọng tiền triệu ở phòng khách sang trọng như một lời cảnh báo: Ta không phải trọc phú đâu nhé. Cũng từng học hành, có văn hóa hẳn hoi...Tôi đã chứng kiến những người và việc ấy.
Trở lại, khi tác phẩm được xuất bản, nhà văn- cha đẻ tinh thần của đứa con ấy không còn toàn quyền với sự mang nặng đẻ đau của mình nữa. Nói như ca dao, giờ thì: "Em như nước giếng giữa đàng/ Người khôn rửa mặt, người quàng rửa chân".
Người đọc, như đã nói ở trên, là vô cùng phong phú và hiển nhiên là phức tạp. Có bao nhiêu người đọc thì có bấy nhiêu cảm xúc, đánh giá nhân vật của đối tượng duy nhất mà tác giả đã sinh ra. Chả thế mà một trong những quan niệm mới mẻ được nhiều nhà nghiên cứu, lí luận phê bình chia sẻ: người đọc là người đồng sáng tạo và một trong những phương pháp dạy văn hiện nay là Đọc hiểu tác phẩm.
Nhiều tác giả đã được người đọc vinh danh và yêu mến. Lại có thực tế khác là bị mỉa mai, coi thường. Vậy đâu là nguyên nhân?
Ngoài viêc chất lượng của tác phẩm quá yếu kém là nguyên nhân khách quan, còn vì sai lầm trong cách cảm thụ, đánh giá tác phẩm.
Xin đưa vài lí do cụ thể:
          1. Yêu ghét cá nhân. Ganh ghét vì người khác hơn mình. "Tên ấy đàn em mà dám hỗn" (Ít thôi. Nhưng vẫn có. Xấu hổ quá!)
          2. Qui kết tác giả không biết gì, phản ánh sai hiện thực. Kiểu: "Đồng bào dân tộc không cuốn chăn vào người bao giờ". "Làm gì có chuyện đồng bào treo chiêng cạnh bếp lửa"(!)...
Rất tiếc, đấy là lại là ý kiến của những nhà quản lí với "ngọn bút son sống thác ở tay", của những người đã học hành qua cử nhân, thạc sĩ chuyên ngành, đang nhận trọng trách vinh quang truyền giáo. Nhận xét của họ trên công luận tổn thương tới phẩm chất, danh dự của ai đó không may lọt trong tầm ngắm sâu bọ.
Nếu có thể, để mọi việc minh bạch và nhân văn hơn, xin nhắc lại những điều đã cũ mà các vị đã có cơ hội học tập (tuy có thể chưa lĩnh hội kịp hoặc đã quên):
          1.Đó là nguyên lí mà Lê nin đã dạy: Nghệ sĩ là người hướng dẫn, giáo dục chứ không phải theo đuôi công chúng.
           2. Nguyên lí: Nghệ thuật phản ánh hiện thực theo quan niệm của tác giả. Nếu phản ánh theo kiểu sao chép, chụp ảnh nguyên xi thì nghệ thuật sẽ rơi xuống cấp minh họa (không còn là nghệ thuật nữa). Cái cách đem hiện thực ra so sánh xem "có giống hay không giống?", "nó cạnh khóe hay nói xấu ai?"...xưa như Diễm rồi! Tin là mọi người đồng ý với tôi ngay khi đọc những câu thơ sau đây của Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Tố Hữu lúc mà các tác giả không sao chép, chụp ảnh:
                        - Trong gang tấc lại gấp mười quan san
                                                                                    (ND)
                        - Gần nhau trong tấc gang
                          Mà biển trời cách mặt.
                                                                                    (HCM)
                        - Em là ai, cô gái hay nàng tiên?
                          Em có tuổi hay không có tuổi
                          Mái tóc em đây hay là mây là suối
                          Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm đông?
                                                                                    (TH)
(Chị Trần Thị Lí- nguyên mẫu của "Người con gái Việt Nam". Khi nữ anh hùng này ra hậu phương miền Bắc, thương tích đầy mình, đầu cạo trọc...)
Có thể tìm thấy những dẫn chứng này ở các tác phẩm nghệ thuật chân chính. Ngay cả khi phải bàn cãi đi nữa như "Anh chủ nhiệm" của HTT thì nhân vật này vẫn: "Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh/ Vẽ cả ngày mai thành bức tranh".
Để có một thị hiếu nghệ thuật tốt, ngoài phẩm chất tư cách lương thiện, vốn sống, vống văn hóa thì cần được giáo dục về nghệ thuật: thường xuyên tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật chân chính, có kiến thức lí luận về nghệ thuật...
                                                                                    PK21/11/15
                                                                                        C.A.Đ



                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới