18 tháng 11, 2015

Đi học - bài hát hay nhất về tình thầy trò

Có bài hát trẻ con mang một cái tên giản dị là Đi học nhưng mỗi lần nghe trên radio tôi cứ rưng rưng nuốt lấy từng lời. Bởi từ lời thơ đến nhạc điệu đều vô cùng trong sáng và hơn thế còn tha thiết tình cảm đến nao lòng, khiến người nghe cứ thương thương tội tội cho cả cô lẫn trò. Những lời thơ cứ da diết ngân nga:
Trường của em be bé
Nằm ở giữa rừng cây
Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay
Rồi những câu này nữa, sao mà hay sao mà thương thế:
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp

Chim đùa theo trong lá
Cá dưới khe thì thào
Hương rừng chen hương cốm
Em tới trường hương theo
Chẳng thế mà lần nào có dịp đi karaoké là tôi lại lật tìm cho bằng được Đi học để hát dù mọi người có cười chê gì cũng mặc. Ấy vậy mà khi thấy nhạc nổi lên và tôi cất lời thì có bao nhiêu người trong phòng, mà thường là không dưới chục người cùng đồng thanh hòa theo.
 Một điều rất đặc biệt:  tác giả phần lời của Đi học là một anh bộ đội đã trở thành liệt sĩ thời chống Mĩ tên Hoàng Minh Chính. Nhân đây không thể không kể thêm câu chuyện rất xúc động về Hoàng Minh Chính mà không phải là ai cũng biết.
Nhà thơ Định Hải, cựu biên tập viên NXB Kim Đồng kể lại:
Vào khoảng năm 1969 trên đường vào Nam đánh giặc, khi qua Hà Nội người lính trẻ Hoàng Minh Chính tranh thủ ghé đến NXB Kim Đồng và đưa cho Định Hải một tập thơ khá dày dặn. Trong cả tâp thơ đó Định Hải đọc được những câu thơ trong trẻo của bài thơ Đi học. Đây là bài thơ có tứ thơ rất hay dù câu chữ còn thô ráp. Biên tập viên Định Hải quyết định chọn và biên tập bài thơ đó. 

Đi học ban đầu có 6 khổ viết theo thể ngũ ngôn:

ĐI HỌC
Hoàng Minh Chính

Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi
Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì 

Hôm qua em tới trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp 

Đường xa em đi về
Có chim reo trong lá
Có nước chảy dưới khe
Thì thào như tiếng mẹ 

Dù bom rơi đạn nổ
Em vẫn học vẫn hành
Vẫn ngắm màu cờ đỏ
Rạo rực giữa rừng xanh 

Trường của em be bé
Nằm lặng dưới rặng cây
Chiến hào chạy giữa lớp
Chẳng sợ gì máy bay 

Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay
Mũ rơm thơm em đội
Hương cốm chen hương rừng

Mỗi lần em tới lớp
Là một lần lớn thêm
                     
Đọc xong, biên tập viên Định Hải quyết định sửa lại đôi chỗ nên bài thơ chỉ còn lại năm khổ. Tuy nhiên không hiểu sao khi in vào trong SGK Tiếng Việt lớp 2 cho học trò học, người ta lại xén đi hai khổ, chỉ còn có thế này:

ĐI HỌC
Minh Chính

Hôm qua em tới trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp 

Trường của em be bé
Nằm lặng giữa rừng cây
Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay 

Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi.
                (Từ SGK lớp 2)

Bài thơ Đi học sau khi được biên tập, Định Hải đã đưa vào một tuyển tập thơ cho thiếu nhi nhưng nếu in vào sách mà để tên tác giả là Hoàng Minh Chính thì “nhạy cảm” quá bởi lẽ lúc bấy giờ nước mình đang có vụ  liên quan đến chính trị của một ông cũng có tên là Hoàng Minh Chính. Thế nên Định Hải nói với Hoàng Minh Chính Đi học rằng, nếu in bài thơ này thì sẽ phải bỏ họ Hoàng đi chỉ để tên tác giả là Minh Chính vì  sợ vụ “xét lại” ông Chính “chính trị” sẽ làm anh gặp phiền phức vì tên trùng nhau. Anh lính Hoàng Minh Chính khi đó còn rất trẻ thật thà nói: Vâng, làm thế nào thì tùy ở anh, có gì anh sửa giúp em. Và, bài thơ Đi học lần đầu tiên đến với bạn đọc và cũng mãi mãi với tên tác giả Minh Chính là do vậy.
Trong cuộc nói chuyện ấy Định Hải có dặn dò Minh Chính ngay khi vào đến miền Nam thì viết thư báo cho nxb Kim Đồng và Định Hải biết tình hình cũng như cho số hòm thư quân đội để sách in ra còn biết đường gửi vào. Nhưng một tháng, hai tháng rồi hàng năm trời vẫn không có tin tức gì. Mãi sau này Định Hải mới biết, người chiến sĩ trẻ ấy vào tháng 3 năm 1970 đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường Quảng Trị ở tuổi  26 mà không hề biết rằng bài thơ của mình đã được in trong tập, đã có mặt trong sách giáo khoa lớp 2 và đã được phổ nhạc để sống mãi đến bây giờ... làm thổn thức bao con tim mỗi khi bài hát của anh được cất lên.
Chỉ một bài thơ nhỏ cho trẻ con mà ai cũng nhớ ai cũng thuộc. Đó là nhà thơ chiến sĩ - liệt sĩ Hoàng Minh Chính.
Người phổ nhạc cho Đi học, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đã thật tài tình khi những nốt nhạc bài hát ngân rung lên là cứ như hiện lên trước mắt mọi người về một ngôi trường tiểu học nho nhỏ nghiêng nghiêng nép bên một vùng gò đồi trung du xập xòe lá cọ. Những học trò nhỏ dễ thương với chỉ một cô giáo nhỏ cũng dễ thương không kém.
Nếu tôi mà bỗng nhiên được một phép màu nào đó ngồi vào ghế  bộ trưởng giáo dục, sẽ ngay lập tức kí quyết định tặng giải thưởng lớn cho tác giả của Đi học.
Giá mà lúc này tôi được dạy một lũ học trò lớp 2 để kể cho các trò rất nhỏ nghe về câu chuyện Đi học này nhỉ.
Chưa ai viết về cô giáo và học trò ở vùng cao Việt Nam hay như thế.   

Hương rừng thơm đồi vắng 
Nước suối trong thầm thì
Cọ xòe ô che nắng 
Râm mát đường em đi 

Hôm qua em đến trường 
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp

Chim đùa theo trong lá
Cá dưới khe thì thào
Hương rừng chen hương cốm
Em tới trường hương theo 

Trường của em be bé
Nằm ở giữa rừng cây
Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay

Hương rừng thơm đồi vắng 
Nước suối trong thầm thì
Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi
                           Cô giáo và học trò vùng cao. Hình minh họa từ internet.

Nghe Đi học ở đây:
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/di-hoc-bui-dinh-thao-dang-cap-nhat.NbtcyChp3m.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới