30 tháng 8, 2012

Mới và cũ



Bây giờ đang là thời điểm bước vào cuối năm vì 8 tháng đã trôi qua rồi. Nhưng đó là với mọi người ở các ngành nghề khác, còn với nghề dạy học thì một năm học mới lại bắt đầu.
Với những ai đã đi qua tuổi thơ học trò, năm học mới thật là náo nức. Áo quần mới, cặp sách mới, vở mới, bạn bè mới, thầy cô mới và bài học mới. Gi gỉ gì gi cái gì cũng mới. Ngày khai trường cứ vui như  Tết, chỉ thua mỗi vụ không có pháo nổ.
Lên đại học cũng na ná thời học phổ thông với những cái mới như thế, chỉ khác là hầu như ở đại học không có ngày khai giảng, rồi ngày bế giảng cũng không nốt. Chỉ có học và học. Đơn giản là ở trường đại học số lượng Sv đông cả chục ngàn con người, lấy đâu ra đủ chỗ cho một lễ khai giảng toàn trường. Đến tập trung toàn khoa có khi còn khó nữa là. Thời mình đi học là thế. Đến trường là học. Học xong thì lặng lẽ ra trường đi làm thầy với cái quyết định có sẵn không phải chạy đôn chạy đáo xin xỏ gì. Đến cái bằng tốt nghiệp có khi cả chục năm sau mới quay lại  nhận, mà không nhận cũng không sao, chả thấy ai hỏi han gì.
Nhưng đó là với học trò.
Với thầy thì hình như cái mới không có. Trường vẫn là ngôi trường cũ, đồng nghiệp vẫn là những khuôn mặt cũ, thậm chí còn cũ hơn; học trò thì năm ngoái dạy năm 2, năm nay cũng vẫn dạy năm hai; lớp năm hai năm ngoái toàn những Sv 20 tuổi, lớp năm hai năm nay cũng thế, vẫn đồng loạt tuổi 20. Bài giảng cũng thế, vẫn chừng đó chương chừng đó tiết. Nội dung bài giảng lại càng không mới, có khi năm học này nói cho hết những cái đã nói ở năm học trước đã là tốt lắm rồi. Bởi có ông càng dạy càng chán nghề nên cắt bớt bài giảng đi cho đỡ chán. Đám Sv thì học càng ít chúng nó càng sướng. Sv bây giờ ra trường chỉ thích mỗi chuyện kiếm được việc làm nhẹ nhàng, ngồi phòng máy lạnh sang trọng mà có lương cao.
Nói tóm lại chỉ có năm học mới là mới còn lại mọi thứ đều ngày càng cũ.
Ai không tin thử đi dạy vài năm sẽ tin ngay.

29 tháng 8, 2012

Xanh xanh đỏ đỏ...




    Trong sự phát triển chung của các phương tiện thông tin đại chúng nước nhà những năm gần đây, truyền hình trung ương và các địa phương đã có những bước tiến khá dài, ngày càng đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của người xem. Tuy nhiên trong cách thể hiện của các đài truyền hình ở nước ta có một điểm rất đáng xem lại. Đó là cái logo của các đài đang sử dụng.
    Bắt đầu là từ sáng kiến của Đài Truyền hình Việt Nam với logo gồm ba chữ VTV  có đủ ba màu đỏ, xanh lơ và xanh sẫm kèm theo một chữ số cũng màu đỏ rực ở cuối để chỉ kênh chương trình. Lần lượt đến hơn nửa trăm  đài truyền hình cả nước (trừ Đài PTTH Hà Nội) cũng theo mô típ đó mà bắt chước theo y xì xì. Cá biệt có đài còn đưa thêm vào logo cả những hình ảnh có ý nghĩa như là một biểu tượng của địa phương mình. Như đài Hà Tây cũ là hình ba ngọn núi của đỉnh Ba Vì, ở dưới còn chịu khó vắt thêm cái  dải lụa đào Hà Đông; Đài Huế là hình cố đô Huế, đài Bình Định trước đây vài năm là tượng vua Quang Trung đang cưỡi ngựa vung gươm ra trận (trong lúc ông vua này khi ra trận chỉ cưỡi voi), đài Nghệ An là hình ảnh bông sen đang xoè nở mà do thiếu mất cái cọng sen nên người xem phải suy mãi mới ra, bởi không ai nghĩ bông sen lại là biểu tượng của Nghệ An, nếu có thì phải là của tỉnh Đồng Tháp mới đúng. Các kênh của truyền hình kỹ thuật số VTC thì thường có đến hai logo. Góc phải là logo của VTC với thuần màu trắng rất hiện đại, nhưng ở góc trái một số kênh của đài này thường là logo của một công ty quảng cáo đã bỏ tiền ra hợp tác mua lại cũng với một sự đỏ rực của màu lửa cháy. v.v. và v.v. (xem hình ảnh logo của một số đài hiện tại)
  Đúng là muôn hình vạn trạng, mạnh ai nấy vẽ.
 Đây, một ví dụ của xanh xanh đỏ đỏ...
Có một cảm nhận chung  là hình như đài truyền hình nào ở nước Việt ta cũng cố gắng để cho logo của đài mình được to hơn, nhiều màu sắc hơn và đậm đà hơn để đập vào mắt người xem được nhiều hơn. Điều đó khiến cho logo của các đài truyền hình từ trung ương đến các địa phương đều trở nên màu mè, rườm rà xanh đỏ một cách trông rất chi là ... nhà quê. Chẳng là trong dân gian ta từ lâu đã có câu xanh xanh đỏ đỏ chứng tỏ nhà quê!!!
  Ngẫm lại thấy ông cha ta đúc kết thật là chí lí, chỉ có đám con cháu là không chịu học cho thuộc bài mà thôi.
  Mục đích của sự xuất hiện cái logo chỉ nhằm một điều có ý nghĩa như là thương hiệu, nhãn hiệu hoặc là dấu hiệu của một sản phẩm, một tổ chức, đơn vị. Với các đài truyền hình, logo cũng không nằm ngoài mục đích ấy. Vì thế mà hầu như tất cả các đài truyền hình trên thế giới đều tạo cho mình một logo để bắn lên góc màn hình khi phát sóng, nhằm báo cho người xem biết là họ đang xem đài của nước nào, của hãng truyền hình nào. Tuy nhiên, cũng hầu như là logo của các kênh truyền hình nổi tiếng, ra đời đã từ rất lâu ở những nước phát triển, tức những nước có nền văn minh  theo đúng nghĩa của nó, trên thế giới đều có chung một đặc điểm là thuần một màu trắng mờ, nhỏ và đơn giản. Chẳng hạn như đài Nga, đài CCTV của Trung Quốc, đài BBC của Anh, đài CNN của Mỹ; hoặc các kênh truyền hình  HBO, STAR MOVIES, DISCOVERI ... của hãng UBC, kênh TV5 của Pháp, DWTV của Đức, NHK của Nhật ... tất cả đều như thế.
Đó là chưa nói đến chuyện sự màu mè rực rỡ, rườm rà một cách không cần thiết của các logo truyền hình của ta sẽ góp phần làm bẩn màn hình, phân tán sự chú ý của người xem; và sự thiếu tính thẩm mỹ (mà những người làm ra nó nhầm tưởng là có tính thẩm mỹ lắm) sẽ tạo nên một sự phản cảm cho người xem; có lúc còn vì to và rườm rà quá mà làm che bớt mất hình ảnh trên TV.
Đã qua rồi cái thời truyền hình phải có một cái logo thật to, thật màu mè, đậm đà và hoành tráng trên  màn ảnh để mọi người biết đó là đài truyền hình của mình, là mình cũng có truyền hình, mà là truyền hình màu hẳn hoi như ai (mà thực ra là chẳng giống ai ngoài mấy nước cũng nghèo nàn, lạc hậu như nước ta).
Ở đời, cái gì không hợp lí thì nên sửa lại cho hợp lí; cái gì còn lại của sự ấu trĩ thì hãy nhanh chóng bước qua để có thể hoà nhập với sự văn minh, hiện đại của thế giới. Trong đó logo của các đài truyền hình cũng không là ngoại lệ.
(Bài đã đăng trên hoinhavanvietnam.vn và đài Pháp Á.)   

26 tháng 8, 2012

Học sinh Đồng Hới ở Sài Gòn


Trong bài này có những cái tên đang rất hot nhé.

Ở Tp. Hồ Chí Minh có không ít các thế hệ học sinh của Trường cấp 3 Đồng Hới (tên gọi cũ của Trường THPT Đồng Hới ngày nay) sinh sống và lập nghiệp nhưng đông nhất và thường tề tựu gặp gỡ nhau nhất có lẽ là những bạn học ở Khóa 1968 – 1971. 
Chẳng biết tự bao giờ nhưng bằng rất nhiều con đường, những cựu học sinh của Trường cấp 3 Đồng Hới đã tìm về với thành phố phương Nam lớn nhất và hiện đại nhất nước là Sài Gòn để sinh cơ lập nghiệp. Họ sống bằng nhiều nghề, hoạt động và công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Và may mắn thay ai cũng sống được và sống khỏe (nói theo cách của người Nam Bộ); không ít người trong số họ là những tên tuổi ít nhiều nổi danh và có một sự nghiệp thành đạt. Có lẽ đó là nhờ cái hên của những con người mang cốt cách Quảng Bình thông minh, dũng cảm, chịu thương chịu khó, hay lam hay làm và ham học hỏi để tiến thủ lại từng được học hành và lớn lên dưới mái trường Cấp 3 Đồng Hới vang bóng một thời.
Theo một số liệu thống kê mà chắc chắn là chưa đầy đủ của người viết bài này, riêng khóa học 1968 – 1971 ở Sài Gòn có ít nhất 15 nguời trong đó có 4 bạn là nữ. Phải kể đến phụ nữ trước không phải vì họ thuộc số ít hay vì chính sách chế độ gì mà vì ngay từ thời nữ sinh Đồng Hới họ đã là những thiếu nữ nổi danh vì xinh đẹp và sau này khi vào định cư ở thành phố họ cũng là những nhân vật có sự nghiệp đáng nể. Nói vậy bởi nếu ai đã có dịp đến Bệnh viện Nhân dân 115 ở đường Thành Thái Quận 10 không thể không nghe nói đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch Lâm Hồng Tú. Nay thì BS Tú đã nghỉ hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục cộng tác với bệnh viện trong việc khám chữa bệnh. Cách đây vài năm, khi gặp lại Tú, tôi thấy người bạn học cùng lớp 10B này vẫn giữ được dáng vẻ thiếu nữ dịu dàng nhỏ nhẹ ngày nào. Có khác chăng là bạn í lại bước ra chào mình từ một chiếc xế hộp nhãn hiệu Camry đen bóng  mới cáu cạnh rồi nhã nhặn mời bạn bè lên xe lượn sang Phú Mỹ Hưng uống café và ăn kem trong một sáng chủ nhật đẹp trời. Cùng học 10B với tôi còn có Lê Thị Nam vốn là Việt kiều Thái Lan về nước. Cái lần Lâm Tú tự lái xe đưa chúng tôi sang Phú Mỹ Hưng trên đường đi đã ghé Quận 4 đón Nam khi đó còn là đương kim giám đốc Kho bạc Quận này. Nam là người mà bạn bè khó quên bởi trong lớp 10 hồi đó có mấy cặp là anh em ruột cùng học thì Nam và người anh ruột Lê Trung, lớp phó lao động đều cùng học một lớp với tôi.  Khác với BS Lâm Tú nhẹ nhàng ăn nói thì giám đốc Nam lại rất mạnh mẽ và quyết đóan và có lẽ cũng vì thế mà năm ngoái cả khóa chúng tôi họp lại đã nhất trí bầu Nam làm phó ban liên lạc học sinh Đồng Hới ở Sài Gòn chuyên trách về tài chính và đời sống (Nói cái danh nghe cho oai chứ thực ra là để mỗi lần tụ họp mọi người lại kín đáo dúi vào tay Nam vài ba trăm cùng nhau thanh toán cho bữa nhậu theo kiểu hợp tác xã). Cũng hành nghề bác sĩ như Lâm Hồng Tú còn có Ngô Trần Linh Nga hiện là bác sĩ quân y ở Bệnh viện Quân y 175 ở đường Nguyễn Kiệm Quận Gò Vấp. Rồi còn có Thủy Nguyễn, học sau một khóa (khóa 1969 – 1972) nhưng lại có người chị ruột là Bích Thọ cùng học khóa 68 – 71  với tôi (hiện dạy  học ở Nha Trang). Thủy Nguyễn học y khoa nhưng lại có năng khiếu viết văn và là bác sĩ nha khoa ở Bệnh viện Thống Nhất ngay Ngã tư Bảy Hiền Quận Tân Bình. Mọi người vẫn đùa nhau là chỗ bạn bè nên mỗi lần vào BV Thống Nhất nhổ răng thế nào cũng được BS Thủy Nguyễn nhổ khuyến mãi thêm một cái (!). Phái nữ khóa 68 – 71 còn có Phạm Thị Hường lấy chồng là anh Thản cũng là dân cấp 3 Đồng Hới học trước tôi 2 khóa. Nhà Hường – Thản  gần cầu Đỏ ở Quận Bình Thạnh và có trang trại nuôi gà ở Thủ Đức, thỉnh thoảng vẫn mời bạn bè thời cấp 3 đến nhà đãi chầu gà ta mệt nghỉ.
Cánh con trai đông hơn và phong phú hơn. Theo ngành công an có Nguyễn Doãn Mạnh  và Hoàng Nuôi cùng có nhà ở Quận Tư; Phan Xuân Vũ nhà ở Tân Bình làm công tác Đảng ở Công ty Bia Sài Gòn – Củ Chi. Cả Mạnh, Nuôi và Vũ  đều là những thành viên tốt bụng và nhiệt tình nhất của bạn bè học sinh Đồng Hới khóa 68 – 71. Nuôi còn được cả bọn tín nhiệm bầu làm Trưởng ban liên lạc Sài Gòn. Mỗi lần có bạn bè ở quê vào hoặc từ xa đến là í ới gọi nhau tụ tập, mọi người dù bận rộn mấy cũng cố gắng đến để được nói cười mày tao chi tớ cho thoải mái. Tôi vẫn chưa quên  những lần cả bọn tụ tập nhau đón chào các bạn Hồng Hạnh, Khuyến Trung Nghĩa, Trần Hùng, Phan Thanh Hà, Bích Thọ … với những câu chuyện nổ ran như pháo về kỉ niệm xưa, về cái thời nhất quỉ nhì ma với không biết bao nhiêu là trò ngu ngu dại dại. Thật đúng là bây giờ nhắc lại “Những chuyện buồn buồn lại thấy vui vui; những chuyện vui vui lại nghe nhơ nhớ”. Dịp Noel mới rồi có Phan Thanh Hà cựu Trưởng ban liên lạc khóa 1968 – 1971  hiện công tác ở Bộ Công an từ Hà Nội vào, cả bọn đã chọn nhà hàng Hương Quê 2 làm nơi tụ tập và chuyện trò suốt một chiều thứ 7 vui đáo để. Cũng tại cuộc gặp này, mọi người đã đồng loạt hô khẩu hiệu quyết tâm gạt bỏ công việc mưu sinh và gia đình sang một bên để tháng ba này về Đồng Hới dự kỉ niệm 45 năm thành lập Trường và nhân thể tổ chức Hội Khóa. Những vé may bay khứ hồi đi Đồng Hới đã được đặt, những dự định đã hình thành chi tiết. Chắc chắn Hội trường, Hội khóa lần này lại còn vui hơn lần trước nữa.
   
  Các bạn nữ từ trái sang: Nam, Hường, Thủy, Tú; Hàng sau: Phan Thanh Hà và mỗ.
Hành nghề giảng dạy ở đại học và nghiên cứu khoa học có Hoàng Quang Thuận, GS.TS. Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông thuộc Viện Khoa học Việt Nam; Đỗ Kiến Quốc PGS.TS dạy ở Đại học Bách Khoa thuộc Đại học Quốc gia Tp. HCM và một vài bạn khác nữa… Họ lặng lẽ làm việc, nghiên cứu, giảng dạy và cũng nhiệt tình một cách lặng lẽ trong quan hệ với bạn bè. Cuộc sống vẫn vậy như cụ Nguyễn Du nói: Mỗi người mỗi vẻ (dù có thể) mười phân (chẳng) vẹn mười.
Nói đến học sinh Đồng Hới khóa 68 – 71 ở Sài Gòn mà không nhắc đến Phạm Bá Chiểu thì sẽ là một thiếu sót lớn. Phạm Bá Chiểu đẹp trai, trẻ lâu học Đại học Y khoa Hà Nội chuyên khoa sản phụ, nghĩa là anh chuyên về khám thai và đỡ đẻ nhưng lại nổi  tiếng về thơ tình với những câu thơ cháy bỏng (phải chăng là do thường xuyên tiếp xúc với phụ nữ trong tình trạng nước sôi lửa bỏng). Thơ tình Phạm Bá Chiểu in nhiều trên các báo ra trong nước và nhiều nhất là trên Weblog Phambachieu chuyên đăng chỉ duy nhất thơ tình. Tình thi Phạm Bá Chiểu sôi nổi bao nhiêu thì tác giả của nó lại càng si tình bấy nhiêu. Đến giờ dù đã sang tuổi U năm mấy nhưng Phạm Bá Chiểu đi đến đâu là các em chân dài xinh tuơi đi theo đến đấy chỉ để được nghe thi nhân đọc thơ, bình thơ và tặng thơ. Mỗi em được Chiểu tặng một bài không bài nào giống bài nào nhưng bài nào đọc lên cũng lai láng như nhau.  Viết về Chiểu thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ may mà Chiểu học y khoa sản phụ chứ nếu anh mà học ngữ văn thì số các em xin chết vì tài thơ có mà đếm cả ngày cũng không hết!
Đấy. Đám bạn học cùng khóa 1968 – 1971 thời cấp 3 Đồng Hới ở Sài Gòn là như thế. Có thể vẫn còn những gương mặt khác nữa mà tôi chưa nắm hết và chưa thể kể hết ra đây, nhưng có một điều chắc chắn là dù đã cất cánh bay xa khỏi mái trường Đồng Hới thân yêu tính đến nay là vừa trọn 40 năm ròng, trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, đi qua bao lửa đạn của chiến tranh, những học sinh Đồng Hới chúng tôi ở Sài Gòn vẫn luôn tự hào và khắc ghi về mái trường cấp 3 Đồng Hới với biết bao nhiêu là kỉ niệm tuổi học trò của mình.
Hẹn gặp nhé Hội trường và Hội khóa tháng Ba này.
                   Tân Sơn Nhì Sài Gòn những ngày áp Tết Tân Mão 2011
         
                                                            
     

25 tháng 8, 2012

Những ngày thường đã cháy lên



Không khí của kỉ niệm tổng khởi nghĩa tháng Tám như đang sống dậy với một chiều hướng khác vào những ngày này. Đi đến đâu cũng râm ran chuyện trùm Kiên bị bắt, rồi Lý Xuân Hải ACB nhập kho.  Lật các trang mạng điện tử như Dân làm báo, Quan làm báo còn thấy thêm Bê Trầm xin quản thúc, Quang Masa cũng đã bị nhốt, rồi thêm Anh Hùng Techcom cũng đang bị quản thúc, ái nữ Việt bản đã xa bay...
Chả biết thực hư đến đâu nhưng những thông tin rất hót đó làm cho đám quần chúng của cách mạng như mình thấy đôi chút mát lòng hả hê. Hóa ra trời cũng có mắt, vỏ quýt dày còn có móng tay nhọn. Tình trạng cứ như là chú AQ của Lỗ Tấn trong cách mạng Tân Hợi đang giữa ngày hè bỏng rát mà được uống nước đá. Ra đường thấy mọi người như đều là đồng chí với nhau; đến nhiệm sở ai cũng chủ động kêu café đãi bạn bè để bàn việc lớn. Mà đó là ở Sài Gòn, nơi được mặc định là khi ngồi lại với nhau, nói chuyện gì cũng được trừ chuyện chính chị chính em ra đấy.  Còn những nơi mà toàn dân làm nhân sự như Hà Nội và miền Trung thì không biết là không khí còn sôi nổi đến đâu nữa.
Trong lúc đó thì tối nào bật TV lên cũng thấy đồng chí TBT Nguyễn Phú Trọng hô hào chỉ đạo phê và tự phê trong đảng. Cờ đỏ búa liềm rợp trời. Rồi đồng chí chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi phải biết hổ thẹn với tiền nhân. Không biết các đồng chí ấy đã phê nhau đến đâu nhưng mình thì thấy rất phê rồi.
Náo nức thay. Phải chăng là vận nước đã đến rồi nên bình minh chiếu khắp nơi.
Phải chăng là đêm trước của một cuộc cách mạng đang đến.
Nói cho dzui dzậy thôi.  Hơn nửa đời ở trong hàng ngũ này, mình quá rành 6 câu mà.  

24 tháng 8, 2012

Những bí ẩn theo ta suốt cuộc đời


Có những kỉ niệm đi theo ta suốt cuộc đời. Có những bài thơ hay như kỉ niệm cũng đi theo ta suốt cuộc đời. Như là một điều ám ảnh. Như là một sự ám vào mình. Bài thơ Những điều bí ẩn của nhà thơ Nga Evtushenko  là một trường hợp như vậy. 

Đại học Vinh. Khi tôi đang theo học năm thứ 2 hệ cao học. Cầm tập thơ mỏng mảnh có cái tên giản dị mà gợi sự tò mò Lọ Lem đâu chỉ có 30 trang  của Evtushenko, tôi đã đọc hết veo trong chốc lát. Sau đó chầm chậm đọc lại. Thấy bài nào cũng hay, bài nào cũng thấm đẫm những suy tư lai láng về cuộc đời, về con người. Đã có không biết bao nhiêu tập thơ qua tay tôi, nhưng đến nay, với tôi Lọ Lem vẫn là tập thơ hay nhất. Nó vẫn đi theo tôi suốt từ bấy đến nay sau vài chục năm trôi đi với bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, vẫn chiếm một chỗ khiêm nhường trong tủ sách của nhà tôi, nhưng là một chỗ không thể không có, một chỗ không thể thiếu không chỉ là trên giá sách, mà trong cả tâm hồn.
Trong tập thơ hay nhất ấy, có một bài thơ hay nhất: Những điều bí ẩn.




Theo tư duy thông thường của nhà phân tích, bài thơ được chia làm hai phần.
Phần một với bốn khổ đầu nói về những cảm xúc đầu đời của một thời trai trẻ. Những rung động của tâm hồn có sức mạnh đốt cháy  tơi bời những trái tim trẻ tuổi có thể nhịn tất cả, hy sinh tất cả chỉ vì một chữyêu. Phần này đặt tên là Bí ẩn đi chân trần.
Phần hai với năm khổ thơ còn lại  nói về những trớ trêu, hững hụt khi con người ta đã bước vào vào tuổi trưởng thành; khi những bí ẩn đam mê rất đỗi thiêng liêng của tuổi trẻ chợt tan biến như bong bóng xà phòng. Những xúc cảm đầu đời nay đã trở thành vô cảm. Cái được ngỡ như đã cầm nắm chắc trong tay với những bí ẩn đi theo ta suốt cuộc đời thì bây giờ, đau đớn thay, cũng có nghĩa là cái đã mất đi. Buồn vô cùng và thất vọng cũng vô biên.
Phần này được định danh là Bí ẩn đã bay xa. 
Evgueni Evtushenko kỷ niệm sinh nhật lần thứ 79 của mình bằng một chương trình đọc thơ tại hội trường Đại học Bách khoa Moskva - Nga tối 18/7/2011

Evgueni Evtushenko là một nhà văn Nga cự phách.  Những câu chuyện về cuộc đời và văn nghiệp của ông có thể nói cả ngày không hết. Vào năm 1983. Khi Viện văn học Nga mang tên Gooc - ki mở một cuộc thăm dò dư luận với câu hỏi: Nếu được chọn ra hai mươi nhà văn Nga kiệt xuất, bạn sẽ chọn ai. Trong con số hai mươi ấy, có tên tuổi Evtushenko.
Hỏi tiếp: Nếu chọn lại còn mười người, bạn sẽ ghi tên những ai? Mười người vẫn có Evtushenko.
Vậy năm người sẽ có những ai? Vẫn cứ có Evtushenko.   
Câu hỏi cuối cùng của cuộc thăm dò: Nếu chỉ chọn có một người? Tất cả vẫn đồng thanh: Evtushenko.
Evtushenko là như thế đấy.
Sau này, do bất đồng với thể chế xã hội xô viết, Evtushenko sang định cư ở Mỹ, mặc dù ông là người yêu nước Nga đến tận cùng xương tủy. Ở Mỹ, ông sống bằng cách đi đọc thơ trước công chúng và giảng dạy về văn học Nga cho nhiều trường Đại học. Nước Mỹ tự do nhân văn và trọng dụng nhân tài đã không  có chút phân biệt đối xử nào với nhà thơ Evtushenko. Ông sống khỏe theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng và danh giá ở nước Mỹ nhưng lòng vẫn đau đáu về Tổ quốc Nga.
Năm 1991 chế độ Nga - Xô Viết sụp đổ, Evtushenko đã nhiều lần  trở về với quê hương, tổ quốc Nga của ông, song ông vẫn định cư chính ở nước Mỹ. Và ông lại tiếp tục vẫn là thần tượng của những người Nga có tâm hồn.
Với Những điều bí ẩn trong Lọ lem của Evtushenko, tôi đã từng có, đang từng có, và sẽ luôn có một việc làm như là một thông lệ của riêng mình trong nghề dạy học. Đó là, sau khi đã giảng xong giáo trình văn học cho sinh viên,  bao giờ cũng kết thúc và từ biệt các lớp sinh viên bằng cách giới thiệu và đọc bài thơ Những điều bí ẩn  như để tạo một dư ba về sự đồng cảm giữa những người yêu văn học với nhau.
Sau tất cả những điều đó, tôi mới  kính cẩn cúi chào sinh viên  ra về.
Và đây, bạn hãy cùng thưởng thức những hạt ngọc trong một bài thơ toàn là ngọc ngà châu báu của Evtushenko. Và bạn cũng đừng quên tài năng của dịch giả bài thơ này từ tiếng Nga sang tiếng Việt là nhà thơ Bằng Việt nhé.
                   
                          Nhà thơ, dịch giả Bằng Việt


 
NHỮNG ĐIỀU BÍ ẨN

Những bí ẩn của tuổi thơ tan biến
Như những bến bờ sáng sớm mù sương...
Thuở những Tônhia, Tanhia duyên dáng
Bí ẩn đi nhón gót giữa sân trường!

Bí ẩn những vì sao, bí ẩn bao loài thú,
Gốc liễu khác thường ư? Vì một đám côn trùng
Và cánh cửa bí ẩn kêu cọt kẹt
Chỉ riêng ở tuổi thơ, cánh cửa mới lạ lùng

Những kỳ quan tỏa xa trên khắp miền thế giới
Như những quả bóng màu, không biết thổi từ đâu
Cứ liên tiếp nhả ra từ miệng nhà ảo thuật
Làm đám trẻ mê đi khi chứng kiến phép màu.

Và đôi bạn gái trai, lướt trên băng bí ẩn.
Chợt áp mặt vào nhau, khẽ bí ẩn thầm thì,
Tay vừa khẽ chạm tay đã như luồng điện giật
Vừa rụt rè, vừa nóng hổi, say mê...

Ấy thế rồi tuổi trưởng thành vụt đến
Tấm áo cũ vẫn choàng, giờ rách hết còn đâu?
Và tất cả mọi phép màu phù thủy
Đều vụt bỏ rơi ta, về với lứa em sau!

Bí ẩn quên ta rồi, ta lớn rồi phải khác.
Các vị phù thủy ơi, sao ác nghiệt quá chừng!
Tuyết vẫn tuyết rơi trên vai như trước
Nhưng rơi thế rồi thôi, chẳng một chút động lòng.

Những quả bóng nhiều màu từ miệng nhà ảo thuật
Chẳng hồi hộp nữa rồi, buồn chán biết bao nhiêu!
Bao người khác quanh ta chẳng làm ta háo hức
Và họ cũng nhìn ta thô thiển, sỗ sàng theo!

Nếu tay lại bắt tay, hay vô tình khẽ chạm
Thì có gì đâu, cũng chỉ giống tay mình!
Rất đơn giản là tay, nào có gì bí ẩn,
Nào còn lại gì đâu những cảm giác si tình!

Bí ẩn rất đơn sơ nhưng vẫn cần bí ẩn,
Dù ít dù nhiều, xin trả lại cho ta...
Bí ẩn rất lặng yên, rụt rè và nhút nhát,
Bí ẩn đi chân trần, mảnh dẻ, đã bay xa!
                          
(Nguồn: Lọ lem, thơ Evtushenko, Bằng Việt dịch

Ảnh: Rút từ Internet)

23 tháng 8, 2012

Thiêng





Viết blog tưởng là nói tào lao cho vui, ai dè cũng có lúc như điềm gở.
Hôm trước mới viết bài Chuyện cái răng liên quan đến vụ cách đây 2 năm mình vô Thống Nhất bảo dưỡng răng, hai hôm sau tự dưng cái tiền đình trở chứng, lên xuống cầu thang thấy đầu cứ quay mòng mòng, hoảng quá liền xách y bạ chạy thẳng vô TN xem lại tình hình có…tình hình gì không.
Đến phòng khám gặp lại cô Bs Trang đã quen mặt từ mấy lần trước. Sau khi lật dở mấy trang y bạ cũ cô Bs làm vẻ thân mật hỏi: Đợt này thầy còn bận đi dạy đâu nữa không? Không, tôi đang được nghỉ hè một tuần. – Vậy thì hôm nay nhập viện nhé.
Ối trời, già đầu rồi mà còn dại bị cô Bs cho sập bẫy. Chả là mấy lần trước, bắt đầu từ hồi tháng 3 năm nay lần nào vô khám cũng được Bs ghi hẳn vô y bạ dòng chữ Đề nghị nhập viện.  Mình vốn ngại Bv như nhà nông ngại cỏ lại nghĩ chắc cũng chẳng có bệnh tình gì to tát nên đều nại cớ là đang bận công chuyện, bận đi dạy đâu đó xin khất đã vài lần, chỉ cần Bs cho vốc thuốc về uống là đủ. Cô Bs nghiêm khắc và có trách nhiệm đã bắt mình phải viết vô y bạ câu: Tôi xin phép được nhập viện sau.Nay thì hết cớ để nại  lại còn xùy ra thông tin là đang nghỉ hè nên cô Bs bắt nhập viện thôi.

Biết thóp mình ngại, cô Bs giải thích: thực ra nhập viện chỉ là  để đủ yêu cầu chụp MRI thôi. Có nội trú mới được chụp, còn ngoại trú thì không thể vì vụ MRI này nghe nói hao tiền bảo hiểm lắm. Chỉ cần vào vài hôm, chụp xong thấy không có gì lớn lao hơn rối loạn tiền đình thì ta về. Mình cũng chỉ mong có thế.
Vậy là Ok, mình nhập viện đúng vào ngày bầu Kiên nhập kho, thứ 2 ngày 20-8-2012. Một ngày đen tối với tay trùm tài phiệt của Vn nhưng với mình thì hi vọng là không đến nỗi nào.
May quá. Chụp cái em rai xong thì Bs kết luận là không có chi ngoài vụ rối loạn tđ. Nhưng lệ của Bv là đã nhập vô thì ít nhất cũng phải nằm chơi theo dõi bệnh tình sức khỏe cho tới 3 ngày sau mới được xuất. Bv nhà nước chứ đâu phải cái chợ mà vô đó rồi ù ra ngay.
Mình bấm đốt nói với ông Bs trực khoa Nội TK: vậy là thứ tư em ra nha Bs. Ổng cười bí hiểm.
Sáng nay đúng thứ tư vừa thấy ông Bs ló đầu lên khỏi cầu thang là mình xin về ngay. Vậy mà cũng đủ thứ thủ tục nhiêu khê, phải gần 4 giờ chiều mới thoát ra đến ngã tư Bảy Hiền.
Nhẹ cả người.
Lần sau thì chừa không dám khoe chuyện cái răng nữa.


 

18 tháng 8, 2012

Chuyện cái răng


Nói chuyện văn chương lắm cũng nhàm mình chuyển sang nói chuyện cái răng. Cái răng đây không phải là tên một quận của Tp. Cần Thơ mà là cái răng trong miệng mình.
Dân Vn ta có câu thành ngữ quen thuộc cái răng cái tóc là góc con người. Nghĩa là cùng với cái tóc, cái răng làm nên một góc nhìn không thể thiếu của con người.
Có khi chỉ nhìn vào tóc và răng mà biết được rất nhiều điều về một con người. Tóc bồng bềnh như sóng là điệu đà đài các, tóc bạc gác tóc đen là già nua tuổi tác, tóc hai lai nửa vàng nửa đen là ăn chơi đàng điếm, tóc su mì là cá tính mạnh mẽ, tóc trọc long lóc là chơi siêu hơn cả nhà sư…
Răng cũng vậy. Răng đều tăm tắp thẳng hàng như bắp là răng của người sang, răng chín sáu ba không là số người khấp khểnh, răng cời răng khểnh là răng của người duyên. Có người còn căn cứ vào hàng răng của một cụ cựu tổng đã trên bảy mươi xoan mà mỗi khi cụ nhe cười nhìn hai hàm răng cứ rạng ngời ngời mà không chói lóa để nâng thành đúc kết: Răng chắc… cẳng (còn có tên gọi khác là cu, chim)… bền. Chả bù cho cô hoa hậu Ngọc Hân dù là gái tân thời Hà Nội mà mắt thì hiếng, răng thì khấp kha khấp khểnh vó câu gập ghềnh.
Răng quan trọng là vậy nhưng dân Việt ta 10 người thì mất 11 người bị bệnh răng miệng. Chả thế mà đi đến đâu cũng thấy mấy tiệm nha khoa mọc lên như nấm sau mưa ở khắp đất Sài Gòn và khắp các Tp, thị xã, thị trấn khác của cả nước. Có khi tiệm răng nhiều ngang với quán café. Từ nha khoa thế kỉ đến nha khoa tâm đức, người bị bệnh răng tha hồ mà lựa chọn.
Mình cũng bị bệnh răng như bao người khác. Sâu đục thì chưa thấy nhưng cứ mỗi lần nghiến hai hàm răng cấm cả hai bên phải trái lại rồi hít mạnh một cái là nghe gió lùa qua khe hở buốt nhưng nhức. Mấy lần cũng tính vô đại một tiệm răng nào đó chữa xem sao nhưng rồi nghĩ cũng chưa đến nỗi nên cho qua cả mấy năm.
 Vậy mà một lần vô Thống Nhất khám để xin thuốc trị rối loạn tiền đình, thấy sát bên cạnh có phòng khám răng treo biển Nha khoa thẩm mĩ đặc biệt lấy cao răng bằng máy siêu âm. Mình nể quá và tò mò quá nên sau khi lấy được một túi thuốc trị thần kinh thì xách y bạ sang phòng răng, mục đích là xem thử lấy cao răng bằng máy siêu âm nó như thế nào.
Ai đã đến Thống Nhất thì sẽ thấy phòng khám răng ở đây là nhàn hạ nhất thế giới vì bệnh nhân rất thưa vắng. Chẳng bù cho mấy phòng bệnh khác như xương khớp, tim mạch… bao giờ cũng đông nghìn nghịt. Vì thế mà khi thấy mình thập thò bước vô, mấy cô Bs đang vắt chân ngồi tám với nhau bỗng chào hỏi rất nhiệt tình cứ như là có khách quí đến thăm nhà. Mình nói tình trạng hít gió nghe nhức buốt và nếu được thì lấy cao răng. Ok, sẽ làm cả hai. Cô Bs nha khoa bảo thế.
Đầu tiên là vụ bịt hai lỗ hổng ở hai hàm răng cấm. Đâu khoảng 20 phút thì xong sau khi đã xịt một chất keo gì đó vô. Vụ này phiếu thanh toán năm chục ngàn. Rẻ chán. Các Bs giải thích mình phải trả tiền là do keo xịt này phải mua ngoài, trong chế độ bảo hiểm không có.  Chuyện nhỏ. Cả một góc con người mà chỉ ngần ấy tiền thì nhằm nhò chi.  
Xong vụ xịt keo mình được chuyển sang một ghế nằm khác với một cô trẻ hơn để lấy cao răng. Nói thật vụ này mình ngại nhất. Người ta bảo  từ sáu tháng đến một năm phải đi lấy cao răng một lần nhưng lần nào đi mình cũng ngại ngại là. Mang tiếng có học hành hiểu biết mà răng miệng để đóng cao không xấu hổ với mấy Bs nha khoa mới lạ.
Vấn đề là mình không thấy sự xuất hiện của tia siêu âm nào trong vụ lấy cao răng này như cái biển quảng cáo treo ngoài cửa phòng. Cách lấy cũng thủ công giống hệt như ở chỗ nha khoa thế kỉ mà mình vẫn lấy. Cũng cạo sồn sột, cũng xịt nước rồi súc miệng khạc nhổ. Mình tính hỏi nhưng biết thế yếu của bệnh nhân trước mặt Bs là không được yêu sách gì nên…thôi.
Vụ lấy cao răng này hơi bị lâu, phải mất gần cả tiếng đồng hồ mới xong. Điều lạ là vụ này lại không mất tiền, miễn phí hoàn toàn. Vậy mà trong đầu mình dự tính cũng phải mất trăm ngàn nữa là ít.
Vậy là vụ tưởng là không mất tiền lại mất năm chục, vụ tưởng đáng mất một trăm lại free.
Nhưng quan trọng hơn vẫn là chất lượng. Mình vốn vẫn tin tưởng các Bv quốc doanh cỡ như Thống Nhất  nhưng với các phòng răng  quốc doanh thì không lấy gì làm tín nhiệm lắm nên vẫn thường khám chữa và bảo dưỡng răng miệng ở các phòng răng tư nhân.  Vì thế đây là lần đầu tiên mình bước chân vô một phòng răng công.  Trong khi cái giá bỏ ra lại chỉ có năm chục ngàn đồng thì tìm đâu ra hai tiếng chất lượng. Vậy nên ra về mà lòng cũng chẳng hi vọng gì nhiều. Trên đường về mình nghiến chặt hai hàm răng hết hít liên tục bên này lại hít sang bên kia  để thử thì thấy đã hết tê buốt hẳn.  Nhưng chẳng biết là được mấy bữa.
Vậy mà tính ra đã hai năm trôi qua rồi chất lượng vẫn bảo đảm như vừa mới trám xong. Thỉnh thoảng ở nhà mình vẫn hít hít khoe với mụ vợ về độ bền của vụ khám chữa răng ấy. Vợ bảo răng Thống Nhất mà cũng tốt nhỉ.   
 

  

16 tháng 8, 2012

Lập thân tối hạ thị văn chương




 Từ hồi còn đi học tôi đã được nghe các thầy dạy cho cho câu thơ nổi tiếng của Viên Mai, nhà thơ Trung Hoa thế kỉ XVIII luôn được các nhà nho Vn truyền tụng:
Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương
(Mỗi bữa bưng bát cơm lên ăn không quên ghi lên thẻ trúc
Lập thân thấp hèn nhất ấy văn chương)
Ý của Viên Mai là nói tới những kẻ đã nhờ vào thơ phú, xu thời nịnh thế mà trở nên giàu có, kiếm được danh tiếng địa vị. Vì thế trong những con đường lập thân thì con đường dùng văn chương là hèn hạ nhất.
Ý Viên Mai là vậy. Trên thực tế, ở Vn ta, không ít kẻ sau khi đã kiếm được chút địa vị trong thiên hạ, có khi là cả quyền cao chức trọng với bạc tiền đầy muôn nhưng thấy danh tiếng chưa đủ nổi bèn tìm đến văn chương mà thường là tìm đến thơ để mong lấy thơ làm cho danh nổi như cồn.
Tai sao lại là thơ mà không phải là văn. Bởi viết văn khó hơn làm thơ nhiều. Có người miệng nói tía lia cả ngày như máy nhưng khi cần ngồi lại viết một cái đơn có khi cũng không xong, huống chi là một bài tạp văn, tùy bút, truyện ngắn…
Còn với thơ, ở phương đông mà nhất là dân Vn ta, ai cũng có thể trở thành nhà được. Cứ vần vè câu chữ rồi qua hàng thò vô thụt ra là thành thơ. Có khi chỉ ngồi gạch gạch xóa xóa chừng 15 - 20 phút là đã có một bài thơ. Vậy nên ở xứ Vn ta, các lãnh tụ đồng thời cũng là những nhà thơ là vì thế. Có lẽ chỉ có đồng chí Tôn Đức Thắng là không làm câu thơ nào. Nhà thơ làm thơ đã đành, nhà văn cũng làm thơ, nhà chính trị làm thơ, nhà khoa học làm thơ, nhà giáo làm thơ, đến ông đạp xích lô như ông nhà thơ xích lô gì đó ở Huế kiếm cơm không đủ ăn cũng làm thơ.
 Đúng là nhà nhà làm thơ, người người làm thơ. Ta nhất định thắng, thơ nhất định...thua.
Nhớ hồi tôi còn dạy ở ĐHSP QN, có ông lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình vốn là một cán bộ kháng chiến rất đáng kính trọng, khi đó đến thăm trường và phát biểu với cán bộ giảng viên. Từ trên bục cao nhìn xuống ổng nghĩ đây toàn là giới trí thức học hành đỗ đạt cả nên phải thể hiện ta đây cũng trình độ không kém dù ông chưa đi qua lớp 12 bổ túc văn hóa. Vậy là ông cao giọng : Tôi đề nghị các đồng chí, các thầy phải xây dựng trường ĐHSP QN thành một trường tiên tiến xhcn, một nhà trường đại học mẫu mực của cả nước. Vì thế hôm nay tôi xin tặng các đồng chí hai câu thơ tôi vừa xuất khẩu nghĩ ra :
Rất dễ hiểu bởi không có gì khó hiểu
Trường sư phạm là trường mẫu kiểu
Cả hội trường từ GS hiệu trưởng đến bí thư đảng ủy, CB-GV vỗ tay ran ran. Ông ta thấy thế lấy làm đắc ý lắm, nghĩ tài thơ của mình vậy là cũng ngang hàng với đồng chí Nguyễn Du, ít nhất cũng cỡ với đồng chí Nguyễn Trãi rồi.
Từ đó trong mắt bọn tôi, ông bí thơ này từ chỗ là một nhà kháng chiến lẫy lừng giờ chỉ ngang hàng với một chú hề.
Văn chương đã giết chết người ta như thế đấy.
Thực ra tự thân văn chương, thơ phú không có cái lỗi gì nếu anh chỉ dùng nó làm một thứ giải khuây, giải sầu hoặc mua vui cho riêng mình. Như một thứ tự sướng của các cháu thiếu nhi 15 – 16 tuổi. Nhưng nếu anh dùng nó để tự huyễn hoặc mình rồi từ đó mong huyễn hoặc cả thiên hạ thì nó sẽ là thứ vũ khí có sức mạnh hủy diệt, nhanh chóng nhấn chìm anh xuống bùn đen hôi hám.

Nhưng văn chương đích thực nhiều khi có sức nặng như một ngôi đền thiêng mà hễ ai cố tình đụng vào nó, dùng nó để ém nhẹm, chơi xấu người khác như kiểu vụ bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân của Đàm Chu Văn vừa bị bọn người Hoa xấu ở Đồng Nai đem ra góp ý răn dạy mới đây rồi cũng sẽ bị trời đánh thánh vật cho tơi tả, mà trước hết là tên tuổi của những nhà phê bình hồng vệ binh theo tinh thần nhân văn giai phẩm ấy đã bị hạ bệ trong mắt thiên hạ.
Đúng là Lập thân tối hạ thị văn chương.
Ông Viên Mai quả là sâu sắc vậy.

13 tháng 8, 2012

Bình Hưng không xa


tên một xã của huyện Bình Chánh, kiểu như xã Vạn Trạch của huyện Bố Trạch vậy. Nhưng nói dzậy mà hổng ... phải dzậy. 
Thế là sau gần cả 1 năm hò hẹn mãi cuối cùng tôi cũng đến được với nhà của ông bạn Bổng  ở nơi đây. Nghe thì có vẻ xa ngái thế nhưng thực ra thì Bình Hưng cũng cách ko xa chợ Bến Thành là mấy, chỉ mất độ vài chục phút xe máy.
Đầu buổi sáng ông bạn hẹn gặp nhau ở quán bánh mì thịt nguội Hòa Mã.
Vừa ăn vừa nghe Bổng là người đã sống ở đất Sài thành từ rất lâu giới thiệu về quán bánh mì nổi danh suốt nửa thế kỉ này mà thấy sướng. Này nhé:  Đó là tiệm bánh mì tại 53 Cao Thắng quận 3 gần góc Nguyễn Đình Chiểu xuôi về. Một cái bảng hiệu bạc phếch đã 5 - 60 năm nay không có gì thay đổi,  tủ để các món thịt nguội, patê vẫn đặt ở nguyên một vị trí. Vào năm 1960, chủ quán là  một bà từ Hà Nội vào định cư SG mà khách quen ai cũng gọi là bà Tịnh, cùng hai người con gái và mấy người cháu mở tiệm bánh mì mang tên Hòa Mã để kỉ niệm tên phố Hòa Mã của cố hương  Hà Nội. Bánh ở Hòa Mã là kiểu bánh mì đặc ruột - thịt nguội bày ra dĩa, ăn bằng dao nĩa theo gu Tây,  ổ bánh mì xốp giòn ăn với chả lụa, patê, xúc xích, jambon... đủ vị Tây rất tiện cho những người đi làm, đi học ăn sáng. Tôi ăn hết suất của mình mà thấy chắc dạ quá chừng, đến bữa trưa vẫn chưa thấy đói.
Ăn xong băng qua cầu Nguyễn Văn Cừ, chạy tiếp qua cầu Kênh Xáng là đến xã Bình Hưng. Nhìn bao quát khung cảnh và đường phố tôi cứ tưởng như là đang lạc vào khu phố sang của Phú Mĩ Hưng bên Q7. Một khu phố mà theo Bổng giới thiệu thì gọi là ấp 4 thuộc xã mà được qui hoạch sạch sẽ, thoáng đãng và sang trọng. Vừa chạy xe tôi vừa ước giá mà mình có một căn biệt thự ở đây để an trí nhỉ.
Cách nhà Bổng độ trăm mét là Rạch Ông Lớn, một nhánh của Sông SG chảy về, nước rạch trong mát với những rặng dừa nước xanh um tùm dọc hai bên bờ.
Đến thăm nhà bạn ở Bình Hưng xong ra về tôi thấm thía thêm ý nghĩ đúng là Bình Chánh cũng có vùng.

 
DSC08050.JPG
   Rạch Ông Lớn nhìn về phiá cầu Ông Lớn trên đường Nguyễn Văn Linh từ Q7 chạy về hướng miền Tây
 
 
DSC08053.JPG
   Rạch Ông Lớn nhìn về phía Khánh Hội Q 4
 
 
 
DSC08052.JPG
  Ghe trĩu nặng chuối từ miền Tây về SG
 
 
DSC08056.JPG
  Một góc ấp 4 xã Bình Hưng, chưa phải là trung tâm xã lị đâu nhé
 
 
 
DSC08058.JPG
Một bãi cỏ xanh thoáng đãng bên đường phố
 
 
 
DSC08060.JPG
Tôi muốn mắc ở đây 1 cái võng nằm đung đưa rồi đt kêu nhà hàng  mang tôm hùm luộc đến.