23 tháng 12, 2019

Sự cố ngày tôi xuất ngũ


Chương 1: Suýt bị giữ lại làm giáo viên văn hóa quân đội
Mấy bữa nay thấy trên Fanpage đồng đội CCB C20 F341 tràn ngập hình ảnh họp mặt kỉ niệm 47 năm ngày thành lập sư đoàn 23/11 tại Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... Đó cũng là ngày những thằng lính SV chúng tôi rời C12 đoàn huấn luyện 22A ở Nghĩa Đàn về C20 F341 để trở thành những chiến sĩ đầu tiên của đại đội trinh sát C20 sư đoàn bộ binh 341.
Tuy nhiên mấy năm đi lính ngắn ngủi, tôi không nhớ ngày thành lập sư đoàn bằng việc nhớ ngày tôi xuất ngũ cũng vào những ngày của tháng 11 này của 44 năm về trước, 11/1975.
Ngày 30/10/1975 tôi lưu luyến chia tay UBNDCM (ủy ban nhân dân cách mạng) phường Hiền Vương quận 3 là nơi tôi đang làm công tác quân quản để về lại Sư đoàn đang đóng ở Tô Hiến Thành quận 10.
Ngày 1/11/1975 những thằng lính SV chúng tôi được nhận quyết định xuất ngũ trở về trường cũ.
Một đoàn xe đò dài dằng dặc trên 20 chiếc của hai hãng xe nổi tiếng khắp miền Nam lúc ấy là Phi Long và Tiến Lực được Ủy ban Quân quản Thành phố SG điều động để chở tất cả lính sinh viên của quân đoàn 4 ra Bắc. Đó là những người lính sinh viên của các sư đoàn 341, sư đoàn 7 và sư đoàn 9. Và đó cũng là cả một sự ưu ái lớn của Chủ tịch UBQQ Thượng tướng Trần Văn Trà đối vói chúng tôi.
Lần đầu tiên trong đời tôi được đi trên một cái xe khách to đẹp và êm ái lại chạy nhanh như tên bắn trên con đường quốc lộ 1 xuyên Việt đi qua những thành phố làng mạc tỉnh thành của miền Nam vừa giải phóng như thế.
Cứ tưởng chắc chỉ vài ba ngày là chúng tôi ra đến miền Bắc, gặp lại cha mẹ quê hương, trở về trường cũ. Nhưng chuyến Bắc tiến ấy kéo dài gần 2 tuần tôi mới đặt chân đến Quảng Bình.
Nếu chặng đường hành quân vào Nam của sư đoàn trước đây cũng bằng ô tô của Binh đoàn Trường Sơn 559 ngày ngủ đêm đi thì bây giờ ra Bắc ngược lại, ngày đi đêm ngủ. Đã thế có những nơi đoàn chúng tôi phải dừng lại nghỉ ngơi vài ba ngày rồi mới đi tiếp mà không biết vì lí do gì.
Tôi nhớ cái lần ra đến Bình Định, chúng tôi ngủ lại trong những cái hầm để máy bay chiến đấu của sân bay Phù Cát hai ngày. Đến bữa ăn mỗi thằng được chia hẳn 1 nửa cái bắp cải luộc nhừ chấm xì dầu ăn với cơm. Mà vẫn thấy rất ngon.
Lâu nhất là khi ra đến Đà Nẵng, chúng tôi nằm lại ở Hòa Khánh mất cả tuần rồi mới được đi tiếp ra Huế. Trong túi tôi khi đó có 30 đồng tiền giải phóng là một khoản tiền rất có giá trị tôi kiếm được trong đợt đổi tiền từ VNCH sang tiền GP hồi tháng 9/1975 (Một cái đài Sony mới cứng khi đó tôi mua ở SG chỉ 10 đồng). Tôi đưa ra chiêu đãi bạn bè ăn cho bằng hết vì mang ra Bắc sẽ thành giấy lộn.
Khoảng giữa tháng 11 thì chúng tôi ngủ đêm cuối cùng trên hành trình ra Bắc tại một trạm giao liên ở Hàm Ninh, phía nam phà Quán Hàu. Đây là quê của Nguyễn Hữu Nhơn nên đến đó là hắn chia tay về nhà luôn. Đêm ngủ ở Hàm Ninh tôi và Hoàng Tấn Quả hầu như không ngủ được. Mới tinh mơ 5 giờ sáng hai thằng tôi đã đập nhau dậy mang ba lô chạy lấp xấp một mạch gần 20 km vượt phà Quán Hàu về Đồng Hới.
Chia tay ai về nhà nấy nhưng chúng tôi gồm 4 thằng Quả, Nhơn, Trần Quang Ánh và tôi không nghỉ xả hơi ngày nào mà hẹn nhau ngay hôm sau lên tỉnh đội QB làm thủ tục xuất ngũ.
Nơi làm thủ tục ra quân là Trạm 31 tỉnh đội QB đóng trong nhà dân ở cái làng gần Diêm Điền, trên đường ra ga Đồng Hới. Từ nhà tôi ra đó chỉ hơn cây số.
Mấy tay cán bộ chính sách của Trạm 31 thấy chúng tôi chìa giấy tờ của F341 Quân đoàn 4 ra là biết ngay đang chạm mặt với mấy thằng lính SV từ mặt trận B2 (Miền Đông Nam Bộ) ra nên có vẻ lễ độ phết.
4 thằng tôi ngồi trên một cái băng ghế dài trong một căn nhà dân rộng rãi được lấy làm văn phòng cơ quan trạm.
Tôi được gọi lên làm đầu tiên. Khi cái quyết định cho xuất ngũ trở về trường cũ là ĐHSP Vinh của tôi vừa được kí và đóng dấu xong, chỉ còn tích tắc nữa là trao vào tay tôi thì bỗng có một ông sĩ quan ra dáng chỉ huy của Trạm 31 mang xà cột từ đâu chạy vào. Viên chỉ huy này nói với người cán bộ quân lực đang cầm tờ QĐ mang tên tôi trên tay: Trường hợp đồng chí HTS này thủ trưởng tỉnh đội ra lệnh giữ QĐ lại không giải quyết xuất ngũ nữa nhé, để đưa về dạy ở trường văn hóa.
Hai người họ nói qua lại với nhau về số phận của tôi ngay trước mặt tôi và mấy tên Quả, Nhơn, Ánh cùng nghe rất rõ và chứng kiến. Chỉ giữ một trường hợp tôi thôi, còn tất cả mấy vị kia làm quyết định cho xuất ngũ về trường cũ hết.
Đất dưới chân tôi như sụp xuống.
Thế là tan giấc mơ quay lại trường đại học.
Khi đó tôi cũng không biết cái trường văn hóa quân đội ấy là ở đâu, của ai, quân khu hay tỉnh đội. Chỉ biết là tôi sẽ tiếp tục mặc áo lính khi chiến tranh đã hết, nhất là khi mấy thằng bạn thân cùng C20 lại ung dung trở về trường, còn tôi thì mắc kẹt lại. Người cán bộ Trạm 31 vẫn cầm tờ QĐ của tôi trên tay nói: đồng chí về nhà nghỉ ngơi mấy hôm rồi quay lại nhận quyết định về trường văn hóa.
Tôi hoang mang vô cùng. Nếu khi đó tôi bỏ ra về thì chắc chắn là mấy hôm nữa sẽ nhận được QĐ về trường văn hóa quân đội làm một anh giáo viên mặc áo lính dù trình độ tôi khi đó mới hết năm thứ nhất khoa văn.
Nhưng tôi chưa vội về mà ở lại chờ bọn Quả Ánh Nhơn làm xong rồi cùng về. Mấy tay này vẫn ngồi nguyên trên cái băng ghế theo dõi sự oái oăm của số phận tôi.
Đúng lúc đó thì cái điện thoại hữu tuyến trên bàn làm việc của người cán bộ quân lực réo vang. Anh ta nghe xong thì bỏ lại trên bàn cái tờ QĐ xuất ngũ của tôi rồi vội vàng chạy sang căn nhà bên cạnh. Chắc là có việc gì đó gấp lắm.
Trong đầu tôi lúc đó bỗng vụt sáng một quyết định táo bạo. Không một chút chần chừ, tôi lượm ngay tờ quyết định giấy in đen không ra đen trắng không ra trắng to bằng tờ A4 gấp nhỏ lại cho vào túi áo ngực bộ đội, cài nắp đóng khuy lại cho chắc chắn rồi chạy ra sân, nhảy lên cái xe đạp Favorit mượn của ba tôi, phóng vèo vèo về nhà. Cả 3 thằng bạn Quả, Nhơn, Ánh há hốc mồm nhìn tôi biến mất với tờ QĐ trước mắt chúng.
Chả biết lúc đó chúng nó nghĩ gì nữa nhưng tôi thì không còn thời gian để nghĩ. Chính quyền Bảo Đại năm 1945 mà cách mạng ta còn cướp được huống chi là tờ quyết định ra quân.
Vừa phóng xe đạp tôi vừa nghĩ cách ra Vinh.
Đi xe khách Đồng Hới ra Vinh ngày đó là cả một sự không tưởng. Tàu thì chưa có. Nếu chần chừ tồn tại ở cái đất Quảng Bình này có khi tôi bị bắt vô trại cải tạo cũng nên. Chỉ còn cách lấy xe cơ quan đi. Cả cơ quan ba tôi khi đó chỉ có một cái xe com mang ca.
Về đến nhà, tôi vứt cái xe đạp quý hơn vàng của ba tôi giữa sân cơ quan hộc tốc chạy lên phòng làm việc của ba tôi. Tôi nói với ông là con đã làm xong thủ tục ra quân. Bây giờ con rất cần phải ra Vinh sớm để nhập học trở lại. Ngẫm nghĩ một lúc lâu, ba tôi gọi chú lái xe tên Trinh lên, nói sáng mai anh chở thằng S ra Vinh nhé. May thế. Có lẽ đó là cái cách ông thưởng công cho thằng con trai đầu sau mấy năm đi lính trận mạc trở về.
Sáng hôm sau trời Đồng Hới lạnh mờ sương, mới 6 giờ sáng hai chú cháu tôi đã lên xe ra Vinh. Xe vừa ra khỏi cổng cơ quan thì thấy Nhơn và Ánh chở nhau trên cái xe đạp định vào nhà tôi hỏi thăm xem tình hình thế nào sau cái vụ giật tờ QĐ và chạy bay biến ấy, nhân thể ra nhà Hoàng Tấn Quả bàn chuyện đi Vinh. Cả bọn chúng nó đều đã xong hết thủ tục xuất ngũ mà không gặp trở ngại gì. Tôi bảo chú Trinh dừng xe lại, nhảy xuống nói tao đi trước đây, gấp lắm, tụi bay đi sau nhá. Nói xong nhảy lên xe đóng cửa cái rầm đi tiếp. Cái com măng ca chẳng có điều hòa máy lạnh gì, cửa thì mở toang hoác chạy càng nhanh càng mát.
Hai thằng Nhơn, Ánh lại thêm một lần há hốc mồm nhìn tôi.
Chiều hôm đó thì đến Vinh.
Chia tay chú lái xe tôi mang ba lô đi thẳng vào phòng Tổ chức cán bộ. Gặp ngay thầy Minh phó phòng phụ trách công tác sinh viên. Ông xem kĩ giấy tờ rồi bắt tay chúc mừng tôi sống sót trở về, viết ngay cho tôi cái giấy giới thiệu về khoa văn.
Tôi đã xuất ngũ trở về trường cũ như thế đấy.
Chuyện này Hoàng Tấn Quả và Trần Quang Ánh chứng kiến rõ ràng đầy đủ từ đầu đến cuối (Nguyễn Hữu Nhơn thì đã mất rồi). Thỉnh thoảng gặp nhau Quả vẫn tủm tỉm nhắc lại vụ tôi cướp tờ QĐ ra quân ấy như một kỉ niệm để đời.
(Còn tiếp. Chương 2: Tôi đã trở thành đảng viên đa đảng ntn)


 Tờ QĐ ra quân chẳng hiểu sao tôi vẫn đươc giữ lại đến giờ. Đọc vẫn rất rõ ràng, chất liệu giấy rất tốt.

 Giấy chứng nhận học tập do thầy Hiệu trưởng GS Nguyễn Thúc Hào kí ngày 10/9/1972 . Ghi rõ là tôi Học sinh năm thứ 2 khoa văn được thôi học để làm NVQS. Ngày đó SV không được gọi là SV mà phải gọi là học sinh. Nghe nói là do Bác Hồ chỉ đạo, gọi thế để chúng nó khỏi tự hào kiêu căng, cũng như giảng viên đại học không được gọi là giảng viên mà phải gọi là cán bộ giảng dạy, phi công thì phải gọi là chiến sĩ lái máy bay... tất cả là để mấy người làm nghề đó khỏi kiêu căng, hợm mình.

Về thăm lại Sư đoàn – Hơn cả thân tình và trọng thị


14h chiều ngày 14/12/2019, có hai chiếc xe 30 chỗ chở 60 CCB cùng các thân nhân và bè bạn Đại đội Trinh sát C/D20 F341 rời Nhà khách Z111 Bộ Quốc phòng nằm trên đường Bà Triệu TP. Thanh Hóa đến Sở chỉ huy Sư đoàn 341 để thăm lại Sư đoàn.
Đây là một chuyến thăm mang ý nghĩa “về nguồn” bởi sau gần 45 năm kể từ ngày giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam 30/4/1975, đa số các CCB C20 đã chia tay Sư đoàn 341, rời quân ngũ để trở lại với cuộc sống đời thường, người phục viên về quê, người xuất ngũ trở lại trường đại học, người chuyển ngành công tác dân sự...
Trở lại thăm Sư đoàn khi ai nấy đều đã quá tuổi lục tuần, mái tóc đã bạc màu sương khói, 60 CCB C/D20 đều trào dâng một cảm xúc hồi hộp và cảm động.
Nhớ lại sáng ngày 1/11/1975 của 45 năm về trước, khi đoàn xe chở những người lính sinh viên chúng tôi rời cổng Sở chỉ huy Sư đoàn 341 lúc đó đóng trên đường Tô Hiến Thành quận 10 TP. Sài Gòn để xuất ngũ trở về trường cũ, chúng tôi ai cũng ngoái đầu nhìn lại và nghĩ không biết có một dịp nào đó trong cuộc đời được gặp lại Sư đoàn. Bởi ở đó, đằng sau cái cánh cổng của Sở chỉ huy Sư đoàn 341 là cả một thời trai trẻ đầy oanh liệt, rất đáng tự hào của chúng tôi trong những năm tháng làm người lính của Sư đoàn.
Cái ngày mong đợi đó hôm nay đã đến. Dưới sự tập hợp và kêu gọi của BLL CCB C20, hôm nay, 60 CCB C/D20 chúng tôi về thăm lại Sư đoàn 341 thân yêu của mình.
Để đến được với cuộc gặp gỡ này, nhiều CCB C/D20 đã phải vượt qua không ít rào cản như sức khỏe, bệnh tật, thương tật, thậm chí cả tâm lí; nhiều người tuổi cao sức yếu, không ít người có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn để có một chuyến đi xa không phải là sự dễ dàng. Một số CCB ở miền Nam đã phải vượt chặng đường dài hàng ngàn cây số, thậm chí do kế hoạch thay đổi vào phút chót họ đã phải mua vé máy bay khứ hồi đến hai lần. Khó khăn là thế nhưng vẫn không cản được bước chân những CCB C20 tìm đường về thăm lại Sư đoàn và gặp gỡ lại đồng chí đồng đội.
Khi xe chúng tôi đi qua cánh cổng to đồ sộ của Đại bản doanh Sư đoàn 341, nhìn qua cửa kính thấy các chiến sĩ vệ binh sắp thành hai hàng thẳng tắp đứng nghiêm giơ tay lên vành mũ kính chào, chiếc xe chạy chầm chậm giữa hai hàng quân và chúng tôi đã vô cùng xúc động. Nhiều người đã sốc khi gặp khung cảnh đón tiếp trang nghiêm ấy. Vừa bước xuống xe đã thấy hàng chục sĩ quan cấp tá do Đại tá Lê Văn Tặng, Phó Sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn dẫn đầu cùng lãnh đạo các phòng ban của Sở chỉ huy Sư đoàn đứng chào chúng tôi ngay ở tiền sảnh. Lấp lánh trên cầu vai là những quân hàm cấp tá 4 sao, 3 sao, 2 sao... đầy kiêu hãnh.
Những cái bắt tay, ôm hôn thắm tình đồng đội giữa hai thế hệ cán bộ và chiến sĩ cách nhau một khoảng cách gần 45 năm của những người lính Sư đoàn 341.
Rồi chúng tôi được các chỉ huy Sư đoàn hướng dẫn và đưa đi thăm Nhà truyền thống Sư đoàn, dâng hương hoa viếng Đài tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ của Sư đoàn đã hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, thăm doanh trại, thăm vườn rau cây cảnh...
Có chuyện vui là trước khi vào thăm Nhà truyền thống, chúng tôi đang đứng chuyện trò giữa sân thì bỗng khẩu lệnh từ vị Thiếu tá trực ban Sư đoàn hô vang: Tất cả 3 hàng dọc tập hợp! Đã 45 năm không nghe cái khẩu lệnh quân đội như thế nên tất cả 60 CCB chúng tôi nhìn nhau ngỡ ngàng cứ tưởng như là nó được dành cho ai đó. Cuối cùng thì chúng tôi cũng tập hợp thành 3 hàng dọc. Trong đầu tôi nghĩ thầm: anh Thiếu tá trực ban này mà hô tiếp “Đi đều bước!” chắc chết. May mà anh ta chỉ hô “Đi thường bước”.
Sự đón tiếp của Sư đoàn đối với CCB chúng tôi phải nói là vô cùng trọng thị và thân tình. Ngay ở mặt tiền sảnh của Hội trường là dải băng rôn lớn: Chào mừng các CCB C/D 20 F341 về thăm Sư đoàn; lối vào Hội trường được rải thảm đỏ; trên Sân khấu là hoa tươi với tấm pa nô lớn mang dòng chữ: “Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam) gặp mặt truyền thống Đại đội, Tiểu đoàn 20 Trinh sát lần thứ II”.
Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn làm MC giới thiệu Đại tá Sư đoàn phó Lê Văn Tặng lên phát biểu chào mừng. Trong phát biểu, Đại tá lê Văn Tặng đã nhấn mạnh: “Lịch sử vẻ vang của Sư đoàn 341, của Quân khu 4, Quân đoàn 4 sẽ mãi mãi khắc ghi những chiến công hiển hách và những thành tích đặc biệt xuất sắc mà các bác, các anh, các chú, lực lượng "Tinh thông nhạy bén", "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" đã đóng góp vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả và sự trưởng thành, lớn mạnh của Sư đoàn hôm nay.”
Tiếp theo là các phát biểu của Trưởng ban Liên lạc CCB C/D20 Lê Hồng Mão, của nguyên C/D trưởng C/D 20 Lê Trần Quý, của Tổng Thư kí Phạm Thanh Tùng, của một trong những chiến sĩ đầu tiên của C20 Hà Tùng Sơn. 


 
Trong phát biểu của mình tại Sở chỉ huy sư đoàn 341 tôi đã nói một điều rất cật ruột: “Nhiều đồng đội của chúng ta đã vĩnh viễn nằm xuống ở các NTLS, nhiều đồng đội bị thương tật, bệnh tật nặng nề chỉ ao ước được một lần bước chân ra khỏi nhà để gặp lại bạn bè đồng đội mà không thực hiện được.
Chỉ nghĩ thế đã thấy mình đang quá may mắn. Sau 45 năm được cùng đồng đội C20 về thăm lại sư đoàn trong sự đón tiếp hơn cả thân tình và trọng thị tôi bỗng thấy mình quá hạnh phúc”.
Tiếp theo là phát biểu của Đại úy Trần Tuấn Anh, đại đội trưởng C20, đại diện thế hệ cán bộ, chiến sĩ đại đội trinh sát.
Hình ảnh đẹp nhất của cuộc gặp có lẽ là cái bắt tay và ôm hôn giữa Đại úy Lê Trần Quý nguyên C trưởng C20 và Đại úy Trần Tuấn Anh đương kim C trưởng C20. Một cái bắt tay và ôm hôn mà giữa nó là một khoảng thời gian của 47 năm đã đi qua.
Về thăm Sư đoàn lần này, CCB C20 đã mang theo món quà quý là bộ sách hồi kí Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập (hai tập) do các CCB của C20 viết và tổ chức biên soạn in ấn. Bộ sách khẳng định sự tài hoa của một thế hệ cán bộ, chiến sĩ C20 trong thời kì đầu của C20 những năm tháng cuối cùng của chiến tranh chống Mĩ và sau này là cuộc chiến tranh bảo vệ biến giới Tây Nam Bộ. Họ chính là những con người tài hoa ra trận và thắng lợi trở về.
Riêng tôi khi ngồi giữa những đồng đội CBB C20 và được gặp lại Sư đoàn thân yêu của mình, tôi chợt nhớ những câu thơ trong bài thơ “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời” của nhà thơ Nga Evghenhi Evtushenko:
Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ
Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?
Những người CCB C20 F341 chúng tôi dù mỗi người là một số phận, dù có người thành đạt trong sự nghiệp hoặc còn vất vả lao đao trong cuộc sống nhưng tất cả đều tự hào và kiêu hãnh vì chúng tôi, những người lính đầu tiên của C20, cũng là những người lính đầu tiên của Sư đoàn 341 đã đóng góp phần nhỏ nhoi của mình để làm nên lịch sử của C20 và cũng là làm nên lịch sử của Sư đoàn 341.
TP. Hồ Chí Minh
Ngày thành lập QĐND VN 22/12/2019