11 tháng 11, 2015

Hồn cây cỏ

Cây bút Chử Anh Đào từ phố núi Gia Lai vừa có thêm cuốn sách mới ra mắt bạn đọc cả nước, cuốn Hồn cây cỏ(*), một cuốn sách gồm bốn thể tài văn học: Ký, tạp văn, truyện và bình luận văn học. Như vậy Hồn cây cỏ là một tập hợp những bài viết gần đây, chủ yếu là trong hai năm 2014 -2015 đã được Chử Anh Đào cho đăng rải rác trên các báo, tạp chí và một số trang mạng. Căn cứ vào thể tài tác phẩm, cuốn sách được chia làm ba phần. Phần một: Những gương mặt; phần hai: Tạp văn, phần ba: Truyện và phần bốn: Thơ và lời bình.
Trong Những gương mặt Chử Anh Đào chủ yếu khắc họa chân dung về những con người đời thường trong cuộc sống hàng ngày mà anh từng được tiếp xúc hoặc chung sống với họ. Đó là những con người rất đỗi bình thường nhưng lại là những tấm gương sáng trong cuộc sống (Có thế mới gọi là gương mặt).
Ngay ở bài kí mở đầu sách: Hồn cây cỏ, bạn đọc sẽ được tiếp xúc với một ông già Nam Bộ sống giữa khu vườn sầu riêng của Pleiku. Một con người mà khi đọc xong ta khó định hình được thành phần xã hội: Ông vừa là một trí thức (đã tốt nghiệp trường canh nông Mỏ Cày Bến Tre từ thời Pháp thuộc), vừa là một lão nông tri điền nhưng giàu có như một địa chủ lại có tri thức, vừa là một nhà giáo dục, một nhà cách tân thực tiễn. Hình ảnh “một người đàn ông trung niên có khuôn mặt chữ điền trán cao, mắt sáng với cái nhìn nheo nheo, độ lượng” rê máy cắt cỏ một cách khỏe khoắn lại biết chăm lo việc học hành cho ngay cả con cái người làm thuê mà tác giả miêu tả một cách trân trọng và yêu thương sẽ đọng mãi trong tâm trí người đọc như một nhân cách cao cả, đáng kính. Gương mặt ấy nay đã đi xa nhưng tâm hồn thơm thảo của  ông thì như vẫn vương mãi đâu đây trong khu vườn thơm ngát hương sầu riêng Nam Bộ giữa phố núi cao nguyên. Điều đặc biệt, nhân vật đó lại chính là nhạc phụ của Chử Anh Đào. Trần đời, tôi chưa thấy chàng rể nào viết về bố vợ của mình với những lời đầy yêu thương và chân kính như vây.
Nếu ở Hồn cây cỏ Chử Anh Đào viết về một trí thức trong vai lão nông thì ở Thầy tôi, anh lại viết về một người mang dáng dấp của một lão nông nhưng lại là một trí thức thực thụ: Thầy Nguyễn Cảnh Phức, nguyên giảng viên Hán Nôm khoa Ngữ văn Trường đại học Vinh. Một người thầy đáng kính của rất nhiều thế hệ sinh viên và học viên cao học đã từng học ở đại học Vinh, trong đó có tác giả Hồn cây cỏ. Thầy Nguyễn Cảnh Phức không chỉ đáng kính với học trò về sự uyên thâm mà còn đáng kính cả về sự vô cùng giản dị của một nhân cách vừa cao thượng vừa hồn hậu. Đó cũng là một gương mặt theo đúng nghĩa của nó. Trong cuộc đời của một người từng đi học qua nhiều trường lớp có hàng trăm người thầy đã đi qua trên bục giảng, nhưng đọng lại những con người được học trò xác nhận là thầy tôi thì không nhiều lắm. Nguyễn Cảnh Phức là một bậc thầy như vậy.


Đọc Những gương mặt, ta thấy toát lên một thâm ý của người viết là trong cuộc sống quanh ta, những con người giữa đời thường, những con người không một lần xuất hiện trong những màn tung hô màu mè trên tivi, không một lần lấp lánh ánh huân chương trên ngực áo, không một danh hiệu thi đua hình thức vớ vẩn… nhưng với tri thức, kiến thức và nhân cách đáng kính nể, thiết nghĩ họ thực sự xứng đáng là những tấm gương sáng cho chúng ta học tập và làm theo, cứ gì phải hô hào học hỏi những hư ảo ở đâu đâu.  Đó là một thành công của Chử Anh Đào trong Hồn cây cỏ.
 Ở phần hai: Tạp văn có thể xem là thể tài sở trường của Chử Anh Đào khi cầm bút. Với 23 bài viết, tác giả đã đề cập đến sự đời với đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Từ những Lòng trắc ẩn, Trái tim nhân hậu, Những điều tưởng như nhỏ nhặt… đến Những cái nhất, Mỹ học âm thanh, Mại dâm, đồi trụy, Tôi làm sách, anh làm sách, nó làm sách… ngòi bút của Chử Anh Đào đã tung tẩy để bạch hóa bản chất và phê phán một cách nhẹ nhàng nhưng chua cay và rất trào lộng của đủ các loại người trong cuộc sống. Kẻ tham chức quyền, người háo danh vọng; kẻ dằn vặt khổ ải, người phởn phơ sung sướng. Có thể xem Tạp văn là phần viết thành công nhất của Chử Anh Đào trong Hồn cây cỏ.
Là một giảng viên văn học lâu năm, gần như dành cả sự nghiệp cho giảng dạy văn học, vì thế trong cuốn cách dày dặn của mình Chử Anh Đào đã dành dung lượng lớn cho hai thể tài văn học là TruyệnThơ và lời bình. Độc giả sẽ gặp ở đây những truyện ngắn nói về tính thực dụng của con người thời hiện đại. Từ kẻ tham ăn tục uống uống như ông trưởng khoa Kiến trong Lí quạ kêu, đến kẻ tham tiền và xảo trá rắng trợn vô liêm sỉ như lão Bạng trong Người bán hàng tết… Tất cả đều hiển hiện một căn bệnh nan y của xã hội chúng ta đang sống, cái xã hội của thời gọi là hiện đại: Sự giàu có của đồng tiền và đi liền đó là sự xuống cấp của nhân cách và đạo đức. Tuy nhiên, đó đây trong những câu chuyện kể của Chử Anh Đào vẫn lấp lánh những nhân vật đáng yêu và đáng trân trọng như ông M. trong Một người bệnh, nhân vật ông giáo trong Hoa trạng nguyên cuối mùa… đọc những trang sách hồn hậu ấy của tác giả, ta thấy cuộc đời này vẫn đẹp lắm và con người ngày nay vẫn đáng yêu lắm. Thêm một điểm sáng nữa của Chử Anh Đào trong Hồn cây cỏ.
Tuy nhiên, có thể do đãng trí nên trong sắp xếp bài viết vào các phần của sách, Chử Anh Đào vẫn có sự chưa hợp lí. Rõ nhất là khi anh đưa bài Nguyễn Du và “Những điều trông thấy” và bài Thái độ Nguyễn Du với phong kiến Trung Hoa vào phần Những gương mặt  trong lúc lẽ ra nó phải được xếp vào phần bốn: Thơ và lời bình. Có lẽ ý của Chử Anh Đào là muốn nói đến con người Nguyễn Du với tư cách là một gương mặt nhưng thực ra ở đây là hình ảnh con người Nguyễn Du toát lên từ tác phẩm của ông.
Người ta vẫn nói mỗi con người sống trên cõi đời này đều có thể viết được một cuốn sách về chính cuộc đời mình. Người ta cũng nói mỗi con người sinh ra cần phải làm được ba việc lớn trước khi lìa bỏ cõi đời: làm được một ngôi nhà, trồng được một cây xanh và viết được một cuốn sách. Xét theo quan niệm ấy, với sự ra đời của cuốn Hồn cây cỏ, Chử Anh Đào có thể lấy làm mãn nguyện lắm bởi đây đã là cuốn sách thứ tám của đời anh, đời một ông giáo dạy văn và viết văn.

  (*) Hồn cây cỏ, Chử Anh Đào, NXB Hội Nhà văn, H. 2015.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới