27 tháng 6, 2013

Khác biệt

                                                                                         Chử Anh Đào

            Thủơ ấy, ông ở cùng dãy nhà tập thể “phố nhà binh” với tôi. Cơ quan đặt ở khu Bộ tư lệnh lữ đoàn Kị binh bay của Mĩ, cách trung tâm Plei Ku chừng 4 km về phía Đông. Ông thuộc số anh em “ cán bộ khung” của đất thang mộc Thanh- Nghệ tăng cường. Chúng tôi là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Những người “lính” tăng cường tuổi trên dưới bốn mươi, hầu hết đã có vợ con ở quê nhà. Và chắc chắn là nghèo khổ như bất kì gia đình Việt Nam nào khi ấy. Còn chúng tôi, lính “hợp chủng quốc”: Việt Bắc, Huế, Qui Nhơn, Tây Nguyên…tuổi ngoài đôi mươi. Vì vậy sự khác biệt trong cách cảm, cách nghĩ, tác phong, lối sống là một sự thật hiển nhiên.
            Nhóm  “khung”, “nòng cốt”, “cốt cán” gì đấy, sau giờ làm việc là đánh trần ra. Chỉ sau vài ba tháng, trước phòng của họ đã kịp mọc một vườn rau xinh xắn: ớt, dền, cải, mùng tơi…mùa nào thức ấy để cải thiện. Có ông còn trồng được chuối, khoai lang, su su cân cho bếp ăn tập thể. Rồi còn nuôi thỏ, nuôi gà, nuôi lợn…Tất nhiên là chẳng phải để ăn chơi, mà để “nhập kho”. Vì, như khi Nguyễn Du vào làm quan triều Nguyễn ở Huế, chẳng đã để lại đằng sau mình “thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc” (mười miệng ăn đang kêu đói ở phía Bắc Hoành Lĩnh) đó thôi.
            Cái tài thứ hai của nhóm này là đi chợ. Chân ướt chân ráo nhưng mỗi người cũng sắm ngay cho mình một cái xe đạp. Hồi ấy, sau bốn, năm năm giải phóng, những “bơ thừa sữa cặn”, “tàn dư” của thực dân đế quốc như xe máy, ti vi, tủ lạnh… cũng đã vợi đi nhiều. Nhóm này bày binh bố trận, trinh sát, lên phương án tác chiến; trước khi hành quân hay sau khi vào phố về là lại túm năm tụm ba bàn bạc, hội ý, làm giá hàng , thì thụt như kẻ trộm chia của. Nhìn gian lắm! Họ mua tất tần tật những gì có thể bán lại mà có lời: quạt, quần áo cũ, phụ tùng xe đạp, xe máy tã nát…Còn phương thức lưu thông hàng hóa thế nào thì bọn tôi chịu.
            Lại nói cái nhà ông ở cùng dãy với tôi. Trái ngược hoàn toàn với cái tên của mình, ông nhỏ thó. Nhỏ tới mức không thể tự mình ngồi lên yên xe đạp mà phải vừa dẫn xe vừa chạy rồi nghiêng người nhảy phóc lên. Ông có tài vặt là sửa ra đi ô, đồng hồ. Hàng tuần ông vào phố, tăm tia những thứ ấy rồi về xử lí chúng với niềm say mê và sự tập trung cao độ. Chắc ông nghĩ tới thành quả, nghĩ tới vợ con lam lũ nơi quê nhà để mà gắng sức? Ông cũng “ không thể nào hiểu nổi” (lời ông) khi tôi bỏ ra cả buổi sáng chủ nhật để vẽ vời chân dung nghệ sĩ để sau đó tặng ngay cho người thích nó. Theo ông, đó là công việc ngớ ngẩn và uổng phí thời gian, tiền bạc.
            Còn bọn trẻ chúng tôi, ngông cuồng và rồ dại. Chỉ có cái đói là hơn cánh kia và sự chịu đựng cái đói lại thua xa họ. Ông bà ta đã nói: Đói thì đầu gối phải bò; bần cùng sinh đạo tặc. Chúng tôi “bò” theo kiểu khác. Chúng tôi cũng “tăng gia sản xuất” nhưng theo một kiểu khác. Chúng tôi chỉ muốn làm con nai ăn sẵn lộc đồi tranh, làm con heo tìm củ mì trong rẫy người khác. Loại hình lao động trực tiếp là thu gom bao cát, đục chốt ri, đào hầm rác, dỡ tôn thưng quanh nhà…đem đổi hoặc bán cho bà Huệ trước cổng cơ quan, lấy tiền uống cà phê, uống rượu. Rồi nữa, tết, cánh nòng cốt về quê, gửi trứng lại cho quạ. Xe đò vừa nổ máy, chúng tôi lập tức nuốt lời, phản bội hiệp định kí chưa ráo mực, đem bắt nhốt hết cả bồ câu, thỏ, vịt, gà, ngan ngỗng của họ vào một “trại Đa vít” là phòng ở của ông Hùng tổ Văn và lần lượt hành quyết chúng cho những ngày tết thêm mặn nồng, tử tế. Ra giêng, họ vào, cười trừ với nhau một phát là xong. Nhưng trò đó đã dạy họ một bài học để họ không thể mắc sai lầm lần thứ hai.
            Cho đến bây giờ, khi cuộc sống ngỡ đã làm mình thành gỗ đá, tôi vẫn giữ nguyên niềm ân hận và xúc động trước những giọt nước mắt của ông Hùng tổ Văn (cái ông đã giấu “dũng sĩ diệt giặc đói” (trái mít non) vào trong tủ quần áo mà vẫn bị mất) Ông khóc vì “họa vô đơn chí”. Chúng ập xuống ông sau một đêm, tỉnh dậy thì đàn gà con mới nở của ông đã vĩnh viễn mồ côi mẹ và buồng chuối đang đầu xanh tuổi trẻ nơi gần nhà về sinh cũng đã không cánh mà bay.
            Giờ,tất cả đã qua cơn bĩ cực. Cùng với thời gian, tôi tin người ta sẽ độ lượng và dung thứ cho những khác biệt của nhau trong đời sống.
            Viết bằng một cái máy già nua
                        PK 26.6.13

                        C.A.Đ


26 tháng 6, 2013

Hát với nhau

Cuối buổi chiều hôm kia đang chúi mũi vô công việc ở Vp thì lão 2 Minh điện thoại: Tối nay 7 giờ có mặt ở nhà hàng ca nhạc hát với nhau Nhành lan tím 115 Võ Thị Sáu nhen mày.  Hỏi lí do tụ tập và thành phần, lão cụt lủn: em Ngọc Hoa ở Mĩ về đã chục ngày nay rồi, mai em bay về lại bên đó nên mời các thầy gặp mặt chia tay. Ngắn gọn thế thôi, tao còn gọi tên khác đây. Cúp máy.
Ngọc Hoa là cô học trò cũ khóa 5 mà các thầy khoa văn QNU đều biết vì là một người đa tài và khá nổi tiếng. Riêng tôi chỉ tham gia cho đủ đội hình của dân khoa văn QN lưu vong ở SG, là một cái cớ để gặp mặt nhau bởi dù sống cùng TP nhưng có người cả năm không thấy mặt. Ai cũng bận rộn kiếm ăn, không có thì giờ để bù khú cà phê cà pháo. Nhóm lưu vong có hơn chục tên, hôm nay có gần đủ với những Nguyễn Công Thắng, Ngô Quang Hiển, Lê Hải Vân, Nguyễn Thanh Minh, Đào Quốc Toàn, HTS... chỉ thiếu có vài 3 tên trong đó có Lê Mỹ Trang đau bụng do ăn hải sản, Nguyễn Ngọc Quận sổ mũi do đi dạy mắc mưa.
Thông thường những cuộc như thế này ăn uống không bao nhiêu nhưng chuyện trò hát hò thì nhiều nên tôi về nhà tắm rửa xong, thấy vợ dọn cơm cũng ngồi dằn bụng trước 1 chén cho chắc ăn rồi mới mặc đồ xỏ đôi dép lê đi nhậu cho thoải mái.
Tối đầu tuần cứ tưởng quán vắng khách hóa ra kín mít. Đa số là đặt chỗ trước, mấy bàn đến ngẫu hứng phải ngồi chỗ view xấu. Thì ra đây là quán của NS Thế Hiển. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây nên ngu ngơ như bò đội nón.
Vừa bước qua cửa đang dáo dát tìm bàn tôi đã bị dội lại bởi những giọng ca đang màn cao trào trên sân khấu hát với nhau. Một chú nhóc khoảng 15 tuổi đang gào bài gì đó có câu cứ lặp đi lặp lại Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi. Chỗ tôi ngồi gần cái loa thùng nên lỗ tai cứ bùng bùng. Rồi một chị cỡ U50 ca bài Đừng xa em đêm nay nghe rất mơ màng da diết. Tiếp một ông bụng phệ lên mần bài Hát mãi về anh của Thế Hiển. Ông này vừa ngân xong câu đầu thì thấy chủ quán NS Thế Hiển cầm bông hoa nhựa lên tặng và song ca cùng, nhìn rất sôi nổi và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng với không khí chiến đấu ca ngợi người chiến sĩ nơi biên cương chống quân xâm lược Tàu.
Xen kẽ giữa màn của các thực khách ăn ít hát nhiều là các ca sĩ người đẹp của quán lên biểu diễn. Ai hát cũng hay và ai cũng đẹp.
Mấy lâu nay đọc mạng thấy các nhà báo viết nhiều về những mảng tối của các quán hát với nhau nhưng ở quán này thì tôi thấy rất trong sáng, không em út, không ôm ấp, không tăng 2 tăng 3; không thấy có khoảng tối nào dù đèn mờ nhấp nháy. Hát với nhau mà như thế này thì nên quá đi chứ (chỉ có hơi bị hao tiền nhưng may là có Việt kiều Ngọc Hoa lo đủ). 
10 giờ đêm thì lục tục đứng dậy chào nhau ra về. Hát với nhau mà thế thì OK quá, có gì đâu mà đám nhà báo rách việc cứ la toáng lên nhỉ.


21 tháng 6, 2013

Báo lớn và báo nhỏ

Từ lâu tôi đã quan niệm rằng một tờ báo được gọi là lớn là tờ báo có nhiều người đọc, có tiara cao. Với quan niệm đó thì ở nước ta có lẽ chỉ có 3 tờ báo lớn là Thanh niên, Tuổi trẻ và Công an TP HCM. Trong lúc thực ra 3 tờ này có khổ nhỏ và nhất là chỉ mang tầm báo cấp sở. Tuổi trẻ là báo của Thành đoàn TP. HCM, Thanh niên là báo của Hội thanh niên VN, Công an TP.HCM là báo của Công an TP. Đó là những tờ báo mà người dân Tp. HỒ Chí Minh và cả nước  từ anh công chức đến bác xích lô đều vui vẻ bỏ tiền túi ra mua đọc mỗi buổi sáng hàng ngày như một thú tiêu khiển, một nhu cầu tinh thần không thể thiếu.
Cũng với quan niệm đó thì những tờ báo nhỏ là những tờ báo không có ai bỏ tiền ra mua hoặc là không có ai thèm để mắt tới. Oái oăm thay ở xứ ta những tờ báo này thường  có khuôn khổ to như ND, QĐND, LĐ… dù đó là những tờ báo bự cấp trung ương.
Như vậy một tờ to không hẳn là một tờ báo lớn và ngược lại.
Với tôi, ngoài 3 tờ Thanh niên, Tuổi trẻ và Công an Tp HCM, còn có một tờ báo nhỏ mà cũng thuộc loại lớn như vậy. Đó là Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Chỉ cần gõ vào thanh tìm kiếm của Google và “sệt”, bạn sẽ thấy hiện ra tờ Tạp chí VHNA với một nội dung vô cùng phong phú và bài vở rất có chất lượng lại mang tính học thuật cao. Tôi có cảm nhận tờ tạp chí này chỉ dành cho những người có học. Tôi đã tìm thấy trong đó những bài viết về những bậc thầy của thầy tôi, không ít tác giả các bài viết cũng là bậc thầy của tôi. Cái phông văn hóa của nó thật cao.
Mà nói chuyện văn chương chữ nghĩa với dân xứ Nghệ thì có khác gì đánh trống qua cửa nhà sấm. Trên đất nước này tôi đã đi nhiều nơi, đã ở nhiều chỗ, nhưng nể nhất vẫn là chuyện học hành chữ nghĩa của dân xứ Nghệ. Khi ngồi với mấy  ông xứ Nghệ bạn chớ vội khua môi múa mép mà coi chừng bị hố bởi trước mặt bạn rất có thể là những bậc thức giả uyên thâm, trong bụng đầy sách vở, trong đầu đầy chữ nghĩa.
Trở lại với tờ Tạp chí VHNA. Cách đây không lâu, nhân câu chuyện lùm xùm một số doanh nghiệp ở Bình Dương tấy chay, không tuyển dụng lao động là dân các tỉnh Thanh – Nghệ - Tĩnh, tôi viết trên trang blog của mình bài “Đừng nên như thế” (nó ở đây http://hatungson.blogspot.com/2012/10/ung-nen-nhu-the.html). Anh bạn tôi là Nguyễn Trung Ngọc dạy ở Đại học Vinh vào đọc bèn cóp ra đem gửi cho Tạp chí VHNA. Được VHNA đăng cả trên báo in lẫn báo điện tử (ở đây: http://vanhoanghean.vn/goc-nhin-van-hoa3/dien-dan38/dung-nen-nhu-the). Tôi có duyên lần đầu tiên với Tạp chí VHNA như thế. 
Từ đó tôi thường xuyên đọc Tạp chí VHNA trên mạng.
Mới rồi nhân chuyện thất bát trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay của khối C, tôi ngồi gõ bài “Không mày đố thày dạy ai” đăng lên blog. Nghĩ bài này mang tính thời sự có thể gửi đăng báo, mà gửi báo nào cũng được vì báo nào chả có trang giáo dục trong lúc bài viết của mình lại chẳng mang tính vùng miền gì. Phân vân một lúc tôi email cho Tạp chí VHNA đơn giản chỉ là vì tôi thích tờ tạp chí này. Điều khiến tôi ngỡ ngàng là  chỉ chừng 30 phút sau tôi đã nhận được reply của Tổng biên tập Phan Văn Thắng với lời lẽ rất trân trọng, nguyên văn như sau:
“Thưa anh, Tôi đã nhận được bài của anh gửi. Chúng tôi in bài này của anh vào báo giấy. Đề nghị anh không gửi nơi khác. Chúc anh khỏe. Cảm ơn anh nhiều! Trân trọng! Phan Văn Thắng.”
Đó là một nét văn hóa của Tạp chí VHNA và của riêng nhà báo Tổng biên tập Phan Văn Thắng  bởi nhiều tòa soạn báo của nước ta không có thói quen lịch lãm đó. Còn Phan Văn Thắng là ai và là người như thế nào thì tôi cũng không biết được gì vì chưa một lần diện kiến.
Tôi biết ở Tạp chí VHNA, bài vở gửi đến nếu được tòa soạn chấp nhận có thể đăng ngay lên báo mạng; với những bài tốt hơn sẽ được chọn lọc để đăng lên báo in rồi sau đó mới post lên báo mạng. Bởi vậy dù chưa thấy bài mình trên Tạp chí VHNA nhưng niềm vui thì cứ âm ỉ suốt một ngày (tâm trạng này chỉ có dân viết lách mới biết).
Không chỉ vì nhân ngày báo chí Việt Nam 21 tháng 6 mà có bài viết này.
                                                                

19 tháng 6, 2013

Thoát khỏi Thành phố


Hai ngày nghỉ cuối tuần mới rồi cùng ông bạn là đại gia Nguyễn Quang Ngọc ở báo NNVN lên  trang trại của hắn ở Bình Phước. Tôi đã lên đây mấy lần, lần nào đi cũng thích thú háo hức như nhau. Đi thì được ăn ngon được du hí, không thích mới lạ. Còn với ông chủ trang trại Quang Ngọc, đi là để làm ăn. Hắn cầm lái, tôi ngồi ghế bên thắt đai an toàn cẩn thận tha hồ ngắm nghía phong cảnh, thích gì chụp nấy.  Một thằng đi làm ăn, một thằng đi ké hưởng thụ. Sướng.
Trang trại của Ngọc rộng gần 30 Ha. Tôi hỏi Ngọc nếu bán thì mỗi Ha được bao nhiêu. 900 triệu/ha. Tôi nhẩm tính vậy là thẳng bạn mình đang có trong tay ít nhất 27 tỉ đồng cho khu rừng cao su này. Nếu vào tay tôi bán ngay cầm 27 tỉ một nửa mua vàng cất một nửa gửi vô ngân hàng lấy lãi cho chắc  ăn rồi đi du lịch đó đây lại không vất vả lo toan gì. Nhưng với thằng có gan làm giàu như Ngọc hắn dại gì bán. Máu me của đại gia mà, đâu phải lông bông như tôi.
Trang trại luôn có gần chục lao động ăn ở tại chỗ  vun trồng và thu hoạch cạo mủ cao su hàng ngày với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Đi về đã mấy ngày nay nhưng lu bu công việc quắ giờ mới đổ ảnh ra coi:

 14 giờ chiều thoát khỏi Thành phố, hòa vào dòng xe như nước chảy trên xa lộ Hà Nội 


                                         Lướt qua những ngôi nhà chọc trời      

Trên đường đi qua một nhà hàng lớn có tên Như Quỳnh. Hai thằng vào chọn con cá con tôm nào ngon nhất thì bảo nhân viên nhà hàng bắt ra nướng ăn.


                          Những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt của trang trại Ngọc.


                        Những khoảng đất trống mới được trồng thêm cây cao su  con


                                  Những chú heo mọi thung thăng dưới tán cao su


                                                Chiếc xe làm ăn của Ngọc

         Vòng quanh trang trại là những hồ nước do con sông Bé tràn vào tạo nên


 "Vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng". Câu hát một thời tôi ngân nga. Khung cảnh trời nước hoang sơ cứ như là bến bờ trong sách Thủy hử của Thi Nại Am.


 Hiền hòa  như thế này đây. Bên này trang trại của Ngọc là đất Bình Phước. Bên kia bờ đã là đất của Bình Dương. 

Lí lịch

Nhàn đàm của Chử Anh Đào                                       
                                                      
            Ai cũng có một lí lịch. Lí lịch phải trung thực. Những trường hợp khai man sẽ bị luật xử lí. Vì vậy trong các bản nộp cơ quan, chính quyền, không dễ gì một người có đến hai ông bố, lúc làm nghề này, khi lại ở một vị trí khác.
            Nhưng ngoài đời sống xã hội thì có đấy! Trong các cuộc bia rượu, thậm chí chỉ là quanh các bàn trà, cà phê giải khát…
            Tôi có một ông bạn, kẻ Bắc người Nam, quen nhau từ hồi sau 1975. Hối ấy, không biết vì nguyên cớ gì mà đang lịch sự sang trọng, người ta nhất loạt cất veston, áo dài… vào tủ, mua quần áo bảo hộ lao động, hoặc ít ra là các loại vải thô màu xanh, đen, mặc vào (cho giống giai cấp công- nông(!) Ở Hà Nội, theo nhà văn Trần Dần, sau 1954 cũng có tình hình ấy)
            Trở lại với ông bạn của mình. Xu người có chiều cao khiêm tốn. Trán dô, ngắn; tai chuột; tóc rễ tre; cằm nhọn; mắt trắng dã dưới đôi lông mày chổi sể; hay liếc xéo; giọng nói nhiều thổ âm, nặng và rất khó nghe. Xu bảo:  Hoàn cảnh gia đình cơ cực lắm. Bốn đời bần cố nông, chăn trâu bứt cỏ, ở đợ. Nhiều thành viên tha phương cầu thực. Ông nội chết phải bó chiếu đem chôn…Nếu không có cách mạng thì…Tôi nhìn kĩ Xu và thực lòng tin như vậy. Cả bốn năm năm đại học mà tóc rễ tre vẫn chưa phai màu nắng gió nơi quê có núi liền với biển “chỉ gió bão là mọc nhanh như cỏ”, nó hung hung tựa râu bắp và có mùi khen khét. Đến bàn chân. Tuy nhỏ con nhưng Xu mang giày cỡ 42. Ngón cái bất trị cứ toãi ra như kiên quyết không muốn vào “ Hợp tác xã”, nhìn kĩ còn thấy màu bùn đất. Xu nghiện thuốc lá nặng. Loại thuốc mà Xu hút là thuốc rê mang ở quê vào, từng liếp còn nguyên lá, “Lao động”, “Vàm Cỏ” phải gọi bằng cụ. Vậy mà cứ hút được chừng nửa điếu Xu lại dụi đi, giắt phần còn lại lên tai. Tôi ngẫm ra con người là ích kỉ nhất, chỉ chịu được mùi của mình!
            Bẵng đi hai chục năm, tôi mới lại có dịp quay về phố núi “chiến trường xưa”. Xu giờ đã khác, làm sếp to ở một cơ quan tỉnh. Duy chỉ có dáng người và ánh mắt là vẫn như xưa, còn lại đã đổi khác: Tất cả cứ như bóng lộn lên, sáng như gương, bệ vệ, béo tốt, mọi thỏa mãn tràn cả ra ngoài. Trong bữa tiệc tiếp đón nồng nàn, có nhiều quan khách liên hệ công tác ở địa phương khác. Bia rượu vào, Xu oang oang oang nói vừa chém gió (tôi biết tính Xu thế. Trong bữa rượu mà chỉ mình Xu nói thì thôi. Chứ nói qua nói lại là Xu gồng mình lên, “vô lim” hết cỡ)  về danh gia vọng tộc của mình. Ông cố là cử nhân khoa thi chữ Hán cuối cùng nhé. Ông nội làm “chánh tổng kháng chiến” nhé. Ruộng đất thẳng cánh cò bay nhé (Không tin hỏi cò thì biết nhé) Kẻ ăn người ở tính đến có vài chục nhé. Bố theo Việt minh, làm chính trị viên đại đội thuộc tiểu đoàn F, trung đoàn K, sư 328(!) nhé. Bà dì lên thành phố, buôn bán  thành tư sản dân tộc, tiếp tế thực phẩm và thuốc men cho chiến khu R nhé. Sau giải phóng có ông trung tướng đến thăm và tặng quà, chụp ảnh lưu niệm nhé. Thằng em trai đang làm phó chủ tịch huyện nhé…ÔI chao! Đúng là một bản lí lịch vẻ vang, thơm tho của dòng dõi Tiên Rồng. Ai bảo là chó nhảy bàn độc? Ai bảo như lũ lụt miền Trung, có nhà thơ đã viết : “Một phen ếch nhái nhảy lên bàn thờ”?
            Tuy là khập khiễng nhưng chợt nhớ tới chuyện một sếp nọ ở phòng văn hóa thông tin, đi đâu cũng ba hoa rằng ông nội trước giữ chức “Lềnh”của Tổng Thạch Vĩ mà không biết “lềnh” là một tên gọi khác của “mõ”. Sếp khác khoe trong kháng chiến chống Pháp, gia đình ông bà nội ngoại cũng “dinh tê” nhé. (Chắc ông ta tưởng  “dinh tê” là một cơ ngơi tòa ngang phủ dọc quyền quí) Lại chợt nhớ tới nhân vật Chu Văn Quyềnh trong phim “Đất và người”. Là phận tôi tớ bưng bê, lo xôi thịt cho ủy ban nhân dân xã đánh chén mà đi đâu cũng bô bô làm lao động gián tiếp ăn công điểm, không hề biết mắc cỡ mà trái lại, “ta tự hào đi lên” như lời một bài hát. Đến khi  xã cho lão trông coi cái máy xay xát gạo, lão thửa ngay bộ bludong xanh và vỗ ngực phèn phẹt: Đây đã trở thành giai cấp công nhân rồi nhé!
            Những chuyện trên đây xảy ra trong lúc hoàn toàn trời đã yên, biển đã lặng. Nhưng “Vinh” đâu không biết, chỉ thấy “Nhục” lắm thay!        

                                                  PK 18.6.13

                                                   C.A.Đ

13 tháng 6, 2013

Không mày đố thày dạy ai



Theo số liệu thống kê vừa công bố từ Bộ Giáo dục Đào tạo, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi đại học – cao đẳng năm nay đạt được con số 1.700.983. Trong đó số hồ sơ khối C chỉ có 102.000, đạt tỉ lệ 6%. Cả nước có 419 trường đại học và cao đẳng nằm rải rác ở 63 tỉnh thành, nhưng mùa tuyển sinh năm nay hồ sơ dự tuyển khối C chỉ có vậy.  
Rõ ràng, số lượng sĩ tử muốn theo đuổi ngành khoa học xã hội và nhân văn đã tiếp tục giảm về mức thê thảm. Đã có thời thi vào khối C một thí sinh phải chọi với tỉ lệ 1/30 thậm chí là 1/40, nhưng hiện nay tỉ lệ chọi chỉ còn 1/4 hoặc 1/5. Tỉ lệ chọi thấp thì chất lượng đầu vào thấp và dĩ nhiên đầu ra cũng thấp luôn. 
Đó là một sự rơi theo chiều thẳng đứng.
Trong lúc trên thế giới, ở các nước càng phát triển thì ngành khoa học xã hội cũng theo đó mà phát triển theo. Sinh viên ở các nước phát triển càng cao (chẳng hạn như Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây) càng đua nhau vào học ở những ngành khoa học xã hội, bởi đó là một sự thức thời cao sang trong một xã hội văn minh.  Vậy tại sao nước ta ở thì hiện tại lại đang theo chiều ngược lại với thế giới văn minh. Phải chăng chúng ta, hay nói cụ thể hơn là thế hệ với những người trẻ có học của nước ta không cần đến kiến thức của khoa học xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước!
Trả lời câu hỏi này là cả một vấn đề. Nhưng trước hết người ta hay đổ cho người học ở nước ta là họ đang ngày càng trở nên thực dụng hơn. Một ngành học mà người sinh viên tốt nghiệp xong không tìm thấy đầu ra; cầm tấm bằng cử nhân trên tay đi tới đâu cũng chỉ gặp toàn những ánh mắt ghẻ lạnh, thậm chí là dè bỉu của các nhà tuyển dụng; lỡ kiếm được việc làm thì đồng lương không đủ húp cháo qua ngày. Vậy ai dám mạo hiểm đăng kí vào học. Không giảm mới lạ.
Nghe ra cũng có lí.
Nhưng người lớn thật bất công khi lên án con em mình như thế.
Với con mắt nhìn của tư duy biện chứng, phải thấy rằng nguyên nhân chính của thực trạng trên là bắt nguồn từ bối cảnh xã hội và chính từ bản thân các ngành đào tạo của khoa học xã hội nhân văn - một ngành học dễ bị hàn lâm hóa và phi thực tế. Do đó mà không thuyết phục được người học và xã hội. Ngày nay nếu có dịp bước chân vào những giảng đường khoa học xã hội, mọi người sẽ dễ dàng nghe từ các giảng viên rao giảng những tín điều như của người cõi trên. Sinh viên chỉ nghe để mà nghe. Nghe rồi văng ra. Rồi cứ thế, lớp anh trước lớp em sau truyền nhau một bài học nhớ đời là phải lánh càng xa càng tốt các ngành khoa học xã hội nếu không muốn nghe những điều vu vơ ở trường đại học. Hồ sơ dự tuyển khối C mỗi năm một giảm là lẽ đương nhiên.
Cách đây 3 năm người viết bài này đi thỉnh giảng cho khoa văn một trường đại học. Lớp có 100 sinh viên. Năm sau lên lớp cho khóa tiếp theo chỉ còn 60 sinh viên. Khoá gần nhất chỉ còn 30 sinh viên. Khóa năm nay thì chỉ còn 16 sinh viên. Dạy ở lớp đại học năm thứ hai mà lèo tèo như là một lớp chuyên đề sau đại học. Và không chỉ một khoa văn của trường đại học đó, ở khoa văn của hai trường đại học khác mà tôi vẫn thường dạy hàng năm cũng rơi vào tình trạng như vậy.
Thời tôi đi học thuộc nằm lòng câu thành ngữ Không thày đố mày làm nên. Nay thì lũ học trò vừa mang balo lên cầu thang giảng đường vừa ngâm nga câu thành ngữ mới của Sát thủ đầu mưng mủ ngay trước mũi ông thầy dạy chúng nó: Không mày đố thày dạy ai. Ngẫm mà đau.  
Đừng vội trách học trò đã xa lánh các ngành học khoa học xã hội. Hãy trách xã hội và người lớn đã tạo ra hoàn cảnh để cho học trò phải như thế. Bởi cha ông ta đã dạy rằng Tiên trách kỉ hậu trách nhân.