20 tháng 11, 2017

Dạy đại học thì không có quà

Tôi từ khi tốt nghiệp ĐH (1979) đến nay đã 38 năm. Kể từ đó đến nay dù có hơn 20 năm chuyển sang nghề làm báo hình thì tôi vẫn thường xuyên dạy ở bậc đại học theo chế độ thỉnh giảng.
Nghề dạy học với tôi luôn chất đầy cảm hứng, đến mức buổi lên lớp nào cũng như là buổi đầu tiên và giờ lên lớp nào cũng như là giờ hẹn với mối tình đầu. Nhớ nhất là những năm còn dạy ở ĐH Quy Nhơn, cứ đến ngày NGVN 20/11 thì các anh chị sinh viên tíu tít đến thăm nhà và tặng hoa cứ là vui như Tết Nguyên đán.
Tình thầy trò ấy đến nay vẫn vương vấn mãi bởi dù đã định cư ở TP. Hồ Chí Minh khá lâu thì cứ mỗi dịp 20/11 về tôi lại nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn chúc mừng
 của các thế hệ học trò ĐH Quy Nhơn qua điện thoại, qua mạng xã hội Facebook và Zalo. Tôi cảm động vì sự thắm thiết và thủy chung vô cùng đó của những con người miền Trung gian nan mà tình nghĩa.
Từ khi chuyển vào định cư ở TP. HCM tôi vẫn đi dạy đều cho mấy trường ĐH trên danh nghĩa là GV thỉnh giảng như VHU, TNU, BDU. Riêng với trường BDU thì tuần trước phòng Giáo vụ vừa gọi xuống thông báo lịch giảng của tôi sẽ bắt đầu vào sau Tết âm lịch tới. So với mấy chục năm dạy ở ĐH Quy Nhơn, số lượng SV mà tôi đã dạy khi vào SG có lẽ cũng lên tới hàng ngàn. Nhưng chỉ duy nhất một lần tôi lên lớp ở ĐH Bình Dương trên Thủ Dầu Một đúng vào một sáng thứ 7 ngày 20/11 là được lớp tặng một bó hoa tươi. Lần được tặng hoa 20/11 hiếm hoi đó tôi đã rất cảm động đến mức sau một ngày dạy hết cả hai buổi với tròn 10 tiết, tôi đã cất công mang bó hoa đã héo rũ ấy về tận SG cắm vô bình như một niềm vui nho nhỏ của nghề dạy học.
Ngoài lần đó ra thì mọi chuyện coi như là rất bình yên với ngày 20/11 của một GV đại học ở SG. Không chỉ với tôi mà nói chung với giới GV đại học ở SG thì đều như thế. Và đó là một sự bình thường. Không phải là vì sinh viên ở SG không yêu quí kính trọng thầy giáo mà chỉ vì tính cách của con người ở xứ trong này nó thực tế và đơn giản hơn nhiều so với miền Bắc và miền Trung, không màu mè và không hình thức. 

Mấy năm đầu thì tôi hơi bị sốc nên đã viết một bài với title Dạy đại học thì không có quà. 
Nay thì tôi đã quá thuộc bài và miễn dịch rồi nên thấy rất đỗi bình thường và vẫn thấy vui mỗi khi ngày 20/11 đến dù trên FB, trên điện thoại và trên Zalo của tôi vẫn có không ít tin nhắn chúc mừng
 của các thế hệ học trò và đồng nghiệp kèm theo những bó hoa… ảo. 
Thế cũng là quá đủ cho một niềm hạnh phúc lớn của tôi rồi.


20/11 seo phi chút


7 tháng 11, 2017

Ngày nhà giáo Việt Nam được học trò cũ tặng thơ

Cách đây 35 năm (1980) tôi là giảng viên môn Văn học Trung Quốc của Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Quy Nhơn (nay là Đại học Quy Nhơn). Ngày đó cuộc sống thời bao cấp của những năm sau chiến tranh khiến cho đời sống vật chất của cả thầy và trò đều rất vất vả nhưng đời sống tinh thần lại vô cùng phong phú. Thầy yêu nghề và rất nhiệt huyết với mỗi buổi lên lớp, trò chăm chỉ cần cù và đều đạt kết quả tốt trong học tập. Đến bây giờ sau mấy chục năm đã trôi qua, tôi vẫn rất nhớ những sinh viên quê Quảng Ngãi, Bình Định xuất thân từ những vùng nông thôn nghèo khó nhưng hiếu học và rất đỗi ân tình. Sau bao nhiêu năm tháng lăn lộn với đời, nhiều người trong số họ đã thành đạt, vững vàng trong cuộc sống.
Một ngày đầu tháng 11 năm 2017, khi không khí hướng về kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đang nóng dần lên, tôi bỗng nhận được bài thơ của một người học trò cũ thời đó gửi tặng qua mạng xã hội Facebook. Bài thơ có nhan đề Nhớ thầy đã gợi nhớ về những kỉ niệm của thầy và trò thời còn trên giảng đường đại học. Tác giả bài thơ là Trần Đình Quang, hiện là Trưởng phòng Biên tập chương trình các dân tộc thiểu số Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Ngãi. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được một học trò cũ học với mình 35 năm về trước làm thơ gửi tặng nên rất cảm động. Ai đó có nói nghề giáo bạc lắm nhưng riêng tôi thì không thấy, chỉ thấy nghề giáo thiêng liêng và rất đỗi nghĩa tình.
Xin được giới thiệu bài thơ với bạn bè gần xa.

Trần Đình Quang
NHỚ THẦY
(Kính tăng thầy giáo Hà Tùng Sơn, nguyên giảng viên Trường ĐHSP Quy Nhơn)

Tháng mười một về, lại nhớ thầy
Nhớ chiều đông Qui Nhơn gió hây hây
Nghe thầy giảng bài môn Văn Trung Quốc
Ba mươi năm xa trường chúng em vẫn thuộc
Những câu thơ Lý Bạch dưới trăng
Tam Quốc chíAQ chính truyện
Theo chúng em đi suốt cuộc đời

Tháng mười một về, nhớ quá thầy ơi
Nhớ Qui Nhơn một thời thầy đã sống
Sáng lên giảng đường, tối làm thêm cải thiện
Nhưng chuyện áo cơm không phai nhạt tâm thầy

Tháng mười một về, gió bấc hây hây
Em lại nhớ tiếng Quảng Bình thầy giảng
Nhớ giọng thầy vẫn luôn sang sảng
Bên tai em mỗi độ đông về.


Tháng 11.2017
TĐQ

Nhà báo Trần Đình Quang