20 tháng 11, 2015

Chuyện kể cuối ngày 20-11

Phải đến giờ này khi ngày NGVN 20-11sắp trôi qua, khi mà những thầy cô may mắn đã nhận đủ quà cáp và lời chúc mừng của học sinh; còn những thầy cô không may mắn (đa số là những thầy cô dạy đại học, nhất là dạy các trường đại học ở TP.HCM – vì ở TP.HCM, dạy đại học thì không có quà, chứ mà dạy ĐH ở Vinh hay ở Quy Nhơn thì vẫn có) cũng đã khép lại nỗi trống vắng sau một ngày lễ của nghề nghiệp; tôi mới dám mở máy viết những dòng này.
Đây là những mẩu chuyện có thật, người thật, việc thật do chính bạn bè tôi cũng là nhà giáo chứng kiến và kể lại.
Ai đã dạy tôi thì đứng lên.
Có một sinh viên khoa văn, sau hai mươi năm tốt nghiệp ra trường, hiện định cư tận nước Mĩ xa xôi. Cách đây mấy năm, anh ta cùng những người bạn Mĩ làm thơ và dịch thơ từ tiếng Việt ra tiếng Anh rồi xuất bản thành tập sách dày tại Mĩ. Trong chuyến cùng một nhà thơ dịch giả Mĩ về Việt Nam quảng bá cho tập thơ cũng là để cho mọi người thấy mình đã thành người nổi tiếng sau nhiều năm long đong nơi xứ người, anh ta đã có dịp tiếp xúc với thầy và trò khoa văn trường đại học mà anh ta là cựu sinh viên. Vốn yêu thích văn học và nhất là biết tin diễn giả của buổi giới thiệu sách mới là một học trò cũ của khoa nên không chỉ sinh viên các khóa đàn em mà các thế hệ giảng viên, trong đó có khá nhiều thầy cô giáo đã từng lên lớp dạy anh nhà thơ – dịch giả nay đã thành Việt kiều kia đến nghe khá đông đảo. Hội trường của trường VU chật kín. Sau màn giới thiệu rất trân trọng và đầy tự hào của lãnh đạo khoa, anh sinh viên cũ bước lên bục và nói về quá trình đam mê, dịch thơ Việt ra tiếng Anh để giới thiệu rộng rãi thơ Việt với bạn đọc Mĩ và thế giới. Cuối buổi giới thiệu thơ, bỗng anh ta đưa mắt nhìn bao quát những hàng ghế đầu của hội trường, nơi có nhiều giảng viên của khoa, có cả những thầy cô giáo cũ của anh ta đang ngồi rồi cao giọng yêu cầu: Ở đây ai là người đã dạy tôi thì hãy đứng lên. Không biết là anh học trò cũ đưa ra yêu cầu trên để làm gì nhưng mọi người khi nghe rõ câu nói của anh ta thì như là không tin vào tai mình, cứ nghĩ là mình nghe nhầm. Cả hội trường từ thầy đến trò bỗng im phăng phắc và vẫn ngồi yên không một ai đứng dậy. Anh ta tưởng mọi người chưa nghe rõ nên nhắc lại một lần nữa với âm lượng lớn hơn: Ở đây ai đã từng dạy tôi thì hãy đứng lên! Đến lần nhắc lại thứ hai này thì tất cả mọi người đều đứng lên nhưng không phải là đứng lên để anh ta được nói lời tri ân của một học trò cũ với những thầy cô giáo cũ của mình mà tất cả đều xô ghế để ra về.      
Có lẽ khỏi phải phân tích bình luận nhiều về câu chuyện có thật mà như đùa này. Câu chuyện lập tức lan rộng từ Vinh ra cả nước từ Hà Nội vô đến Sài Gòn, lên tận Tây Nguyên xa xôi. Đến mức sau dịp ấy tôi lên thỉnh giảng trên ĐH Tây Nguyên cũng nghe bạn bè trên đó kể lại câu chuyện này. Năm sau đó có dịp ra Vinh, tôi lại được nghe các bạn bè đồng nghiệp từng học với tôi đang giảng dạy ở đó kể lại với tư cách là người từng chứng kiến.
Rồi tôi được đọc trên một tờ báo bài của Thầy Hoàng Ngọc Hiến, một bậc thầy của nhiều bậc thầy khoa văn các trường đại học nước ta, bình luận về câu chuyện bỉ ổi trên với nhan đề: Nói ai đã từng dạy tôi thì hãy đứng lên là một sự phỉ báng những người thầy của mình”.
Nói như Thầy Hoàng Ngọc Hiến là quá đủ. Một sự phỉ báng với đầy đủ ý nghĩa của nó.
Dạy thể dục không phải là thầy
Vợ tôi được mời dự cuộc họp lớp kỉ niệm 20 năm ra trường của một khóa học sinh cấp 3. Trong buổi họp có gần đủ mặt các thầy cô giáo từng dạy cho học sinh khóa học đó suốt 3 năm thời THPT. Tuy nhiên không có mặt một thầy giáo dạy môn giáo dục thể chất nào (gọi nôm na là môn thể dục). Thầy Hiệu trưởng thấy vậy bèn hỏi mấy bạn trong ban tổ chức thì nhận được câu trả lời: Dạ, là chúng em chỉ mời những thầy cô giáo đã dạy chúng em ở trên bảng thôi ạ.
Thế đấy. Dạy thể dục không phải là thầy.
Tôi còn vài chuyện có thật như thế nữa nhưng xin để dịp khác. Nói theo ngôn ngữ của dân chơi facebook thì đó là những mẩu chuyện đắng lòng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới