30 tháng 9, 2015

Nguyễn Hữu Dỵ

Nguyễn Hữu Dỵ học khóa 13 Khoa Văn ĐHSP Vinh. Tôi học trước Dỵ một khóa, khóa 12. Hết năm thứ nhất lên năm hai khi khóa 13 của Dỵ nhập học cũng là lúc tôi rời trường đi lính.
Ngày hết chiến tranh tôi trở lại VU học tiếp ở khóa 16 thì Dỵ đã tốt nghiệp và được giữ lại trường làm giảng viên ngôn ngữ học. Tôi nhìn hắn mà lấy làm ngưỡng mộ. Xem hắn như một hình mẫu để phấn đấu học hành.
Từ chỗ là khóa đàn em, sau 4 năm đi lính trở về, vai trò giữa Dỵ và tôi thay đổi hoàn toàn. Dỵ làm thầy còn tôi làm trò.
Nhưng tình bạn bè quí mến nhau giữa hai chúng tôi thì không thay đổi chút nào. Nhà Dỵ ngày ấy là một ngôi nhà lợp lá kè vách nứa đơn sơ giản dị như nhà sàn Bác Hở Thđô gió ngàn. Căn nhà ấy nằm ngay cổng chợ Vinh, những năm học đại học và cả hai năm cao học ở VU tôi thường lên nhà Dỵ tán tào lao. Vui đáo để.
Tôi thích Dỵ không phải vì hắn cùng quê QB với tôi (với tôi khái niệm đồng hương không có giá trị gì) mà chỉ đơn giản là vì cái cá tính và phong cách sống không giống ai của hắn.
Hôm qua vô phây của Dỵ thấy vợ chồng hắn mới đổ bộ vô Sài Gòn thăm nhà con trai ở chung cư Bình Khánh bên quận 2, liền gọi ngay cho hắn và hôm nay tôi đã có mặt ở Bình Khánh để hội ngộ với nhau sau nhiều năm xa cách. Chúng tôi đã có một buổi chiều hàn huyên rôm rả vô cùng.
Thế giới phẳng muôn năm.

                                     Nguyễn Hữu Dỵ và HTS


 HTS với vợ chồng Nguyễn Hữu Dỵ. Thế giới phẳng tuyệt vời. Dỵ bảo vô SG 2 ngày rồi nhưng chưa đi đâu. Chỉ ngồi yên trong căn hộ của con trai và nối mạng liên lạc với toàn thế giới.


Thằng cháu nội vừa đầy tháng của Dỵ ở chung cư Bình Khánh Quận 2, SNG.

   
                           Nguyễn Hữu Dỵ nâng niu thằng cháu nội vừa đầy tháng

P/S: Ảnh trong bài từ facebook Dỵ Nguyễn Hữu


25 tháng 9, 2015

Lời tri ân

PHÁT BIỂU CỦA HIỆU TRƯỞNG
TRƯỜNG ĐHVH TRI ÂN CÁC GIẢNG VIÊN - CBNV NGHỈ VIỆC
VÀ CHUYỂN CÔNG TÁC

TP.Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 9 năm 2015

 Kính thưa quý đại biểu
 Kính thưa quý thầy cô
Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, tôi rất lấy làm hân hạnh phát biểu những lời tri ân gửi đến quý thầy cô được nghỉ việc và chuyển vị trí công tác trong dịp này. 
Kể từ ngày thành lập năm 1997 đến nay, trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Văn Hiến chúng ta đã vinh dự tiếp nhận nhiều thế hệ thầy cô về công tác và cống hiến cho sự nghiệp của Nhà trường. Trong tiến trình lịch sử ấy, do những lí do khác nhau, nhiều thầy cô giáo đã được nghỉ công tác hoặc chuyển sang vị trí công việc khác. Và hôm nay cũng vậy, trường chúng ta tổ chức buổi lễ trang trọng và ấm cúng này để chia tay những thầy cô giáo được nghỉ việc và chuyển công tác khác trong năm nay.
Kính thưa quý thầy cô
Theo danh sách đã công bố, trong số những thầy cô nghỉ việc và chuyển công tác năm nay, có nhiều thầy cô đã gắn bó với Trường Đại học Văn Hiến từ những năm đầu thành lập. Trải qua bao thác ghềnh của thời cuộc, trải qua những biến thiên của lịch sử với không ít thăng trầm, Trường Đại học Văn Hiến vẫn tồn tại vững chắc và đang ngày càng phát triển. Hôm nay, dù còn nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước, Trường Đại học Văn Hiến của chúng ta đang đứng trước vận hội mới để trở thành một trường đại học có tầm cỡ trong nước. Để có được điều đó, chúng tôi, những người ở lại không bao giờ quên sự đóng góp nhiệt tình và to lớn của quý thầy cô đã nghỉ công tác trước đây và hôm nay. Lãnh đạo Nhà trường luôn trân trọng và đánh giá cao sự cống hiến của quý thầy cô trên nhiều lĩnh vực hoạt động của trường ta.
Quý thầy cô có quyền tự hào về những năm tháng đã làm việc hết mình cho Nhà trường, cho cuộc sống và cho chính bản thân mình.


Thưa quý thầy cô
Trường Đại học Văn Hiến chúng ta vừa đi qua một mùa tuyển sinh nhiều thắng lợi và những ngày này đang hăm hở bước vào một năm học mới với niềm tin tưởng vững chắc ở tương lai.
Hôm nay, dù không muốn chia tay nhưng vẫn phải nói lời tạm biệt, dù cuộc chia tay nào cũng chứa đựng nhiều nỗi ưu tư và niềm xúc động, nhưng trong sự rền vang của tiếng trống chào năm học mới, trong sự âm vang của những lời ca tiếng hát Văn Hiến trẻ trung yêu đời, chúng tôi đã thấy được những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay chứa đầy sự tin yêu của quý thầy cô trong cuộc gặp gỡ và chia tay nhiều cảm xúc này.
Chúng tôi hiểu rằng, cái cảm giác phải rời xa những gì thân thuộc, gắn bó gần gũi trong những tháng ngày đồng cam cộng khổ đã qua giữa chúng tôi, những người ở lại và những thầy cô nghỉ công tác hoặc được chuyển sang công tác khác với biết bao kỷ niệm vui buồn, sẽ là những ngọn lửa cháy hết mình để thắp lên truyền thống Đại học Văn Hiến, thắp lên truyền thống hiếu học và hăm hở cống hiến tài năng, trí tuệ và sức lực của mình cho đất nước.   
Trong dòng chảy bất tận của thời gian, trong guồng quay hối hả của cuộc sống bộn bề, hi vọng mỗi chúng ta dù đang tiếp tục ở lại phục vụ Nhà trường hay nghỉ  việc, chuyển sang công tác khác, mỗi chúng ta vẫn sẽ mãi cùng nhau hướng về một niềm tin vững chắc ở tương lai. Đó là tương lai của Trường Đại học Văn Hiến và tương lai của mỗi chúng ta.
Nói như vậy, tôi cũng mong rằng, trong buổi chia tay lưu luyến này, quý thầy cô sẽ thông cảm mà bỏ qua cho những gì còn khiếm khuyết không thể tránh khỏi của lãnh đạo Nhà trường trong thời gian qua. 
Thực lòng, trong buổi lễ cảm động hôm nay, toàn thể giảng viên, cán bộ và nhân viên của trường ta chỉ muốn chia sẻ tâm tình, trao nhau những lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm, những món quà lưu niệm như một lời cảm ơn sâu sắc đến quý thầy cô.
Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, tôi xin khẳng định rằng, những quý thầy cô có quyết định nghỉ việc hoặc chuyển giao công việc hôm nay đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chúng tôi khẳng định rằng, trên mọi vị trí công tác được giao, quý thầy cô với tất cả trách nhiệm và lòng tự trọng chính đáng của mình, đã vượt lên những khó khăn trong công việc và trong đời thường để yên tâm công tác và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Với tất cả sự chân thành của mình, tôi trân trọng tri ân và vô cùng cảm ơn những tấm lòng tâm huyết với nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm với công việc, cùng chung tay vì sự phát triển Trường Đại học Văn Hiến của quý thầy cô thân yêu. Tinh thần ấy của quý thầy cô sẽ đồng hành mãi mãi với chúng tôi, với các thế hệ hiện tại và tương lai của Trường Đại học Văn Hiến như một dòng chảy mạnh mẽ không bao giờ ngừng nghỉ trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của chúng ta.
Thưa quý thầy cô!
Trong không khí náo nức của một năm học năm học mới, nhìn lại những năm tháng đã đi qua với sự cống hiến to lớn của quý thầy cô, chúng tôi xin hứa sẽ luôn trân trọng quá khứ, trân trọng những lớp người đi trước như một hành trang tinh thần quý báu, như một yếu tố quan trọng mà chúng tôi sẽ mãi mãi mang theo để tạo lập những giá trị bền vững cho tương lai Trường Đại học Văn Hiến.
Bằng tất cả lòng kính trọng và tình cảm sâu kín của mình, chúng tôi tin tưởng rằng, quý thầy cô dù nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác, vẫn sẽ luôn quan tâm và đồng hành cùng chúng tôi trên con đường xây dựng và phát triển của Nhà trường.
Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, kính chúc quý thầy cô cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Trường Đại học Văn Hiến cũng như cho đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn.



Nguyễn Du làm quan triều Nguyễn

Tiến tới kỉ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du (1765-2015)
                                                                                                                                                                                                                 Chử Anh Đào

          Những năm đầu thế kỉ XIX lịch sử bước vào giai đoạn đen tối. Tây Sơn ngày càng nguy ngập. Thế lực phản động bành trướng. Một nhóm quí tộc lưu vong thừa lúc nhân dân mệt mỏi, thất vọng trước kết cục bi đát của phong trào Tây Sơn, dựa vào tư bản Pháp đã cướp được chính quyền.
          Trong những ngày ấy, Nguyễn Du từ bỏ cuộc sống ẩn dật, ra làm quan. Việc nhà thơ ra làm quan cho triều Nguyễn có thể có nhiều lí do: Có lệnh gọi mà ông không thể chối từ (theo gia phả); do Gia Long lên làm vua trong tình thế có nhiều thuận lợi trong việc thu phục hàng ngũ trí thức phong kiến đương thời; do sinh kế quẫn bách; do Nguyễn không chịu được thêm nữa cuộc sống ẩn dật tù túng đã sáu năm dưới chân núi Hồng? Dù với lí do nào chăng nữa thì việc Nguyễn Du ra làm quan là một thực tế mà ông phải ân hận suốt đời.

          
Những ngày làm quan, được hưởng bổng lộc, Nguyễn Du vẫn còn than thở: "Bạch đầu sở kế duy y thực"* (Đầu bạc mà chỉ lo mỗi chuyện cơm áo). Nhiều lần Nguyễn Du muốn treo mũ áo ra về nhưng tình cảnh nhà mười miệng ăn đang kêu đói ở phía bắc Hoành sơn (Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc) buộc ông phải tạm gác thú rau thuần cá vược.
          Trong thời gian làm quan, Nguyễn Du cũng được Gia Long tin dùng, cất nhắc. (Thời Nguyễn, những người làm quan gặp trắc trở, thăng giáng bất thường không ít). Nguyễn Du từ một chức công danh nhỏ ở một châu lần lần cũng được đứng vào hàng ngũ đại thần chốn triều đường. Được tin dùng cất nhắc như vậy, Nguyễn Du đã phải lo ngại:
                   Hoa đào chớ cậy được chúa xuân yêu dấu
                   (Vì) bên cạnh có dì gió tính hết sức hay ghen
          Cái ơn tri ngộ của Gia Long làm Nguyễn Du hết sức áy náy vì chưa báo đáp được mảy may. Tuy nhiên, trong đời sống bản thân, không có việc nào làm Nguyễn Du tủi hổ và buồn chán với chính mình bằng việc đã nhận ra làm quan. Ngay từ đầu bước vào con đường này, Nguyễn Du đã ân hận:
                   Viên ngọc trong đá không còn giữ được bộ mặt thật nữa rồi.
          Cái "nghề" này đương thời, Nguyễn Du thấy không phù hợp với bộ xương của mình. Nó làm cho người ta"Không bệnh mà lưng cứ khom khom", "Vui hay buồn cũng phải tính toán". Trên trường đua danh lợi, dáng cười hay dáng nhăn mặt cũng không được tự nhiên, không còn là sở hữu riêng của mình nữa mà thuộc về những người khác, của người khác. Hàng ngày Nguyễn Du thấy tấm thân sáu thước của mình bị câu thúc "cứ vất vả mãi"; thấy mình"đã là vật trong lồng cũi", không thể tìm lại cuộc sống tự do phóng khoáng nữa. Nhà thơ xấu hổ, xót xa:
                   Hoa cúc vàng năm ngoái nay lại nở
                   Hãy vì ta mà tạ từ cây tùng, tảng đá ở núi Hồng
                   (Ta) không còn mặt mũi nào trông thấy các bạn đồng minh nữa
          Những chế độ có áp bức, bất công là chế độ không thể dung hòa con người phận sự và con người cá nhân trong mỗi một con người!
          Biết thế nhưng hoàn cảnh bo bức để gia đình no đủ và yên ổn bản thân đã làm cho nhà thơ không thể nào thoát ra được những trói buộc cung đình. Nguyễn Du đành phải kéo dài cuộc sống tẻ nhạt trong cái "nghề" mà mình chán ghét này. Đã thế "Khi có việc, bọn nha lại đều lên mặt với ta". Có lúc ông bực dọc phát tức với chính mình: "Đầu bạc mãi vẫn chẳng chết".
          Nguyễn Du ghét cái "nghề" này nhưng tiếp xúc với môi trường chán ngắt của những người quyền quí trong xã hội, nhà thơ đã có dịp hiểu rõ lối sống nhơ nhớp của họ. Trong số này, đáng khinh nhất là những kẻ cơ hội hãnh tiến. Đây là những kẻ ít nhiều có công theo Gia Long ra làm vua. Nguyễn Du ghi lại những bộ mặt giả nhân giả nghĩa "cứng nhắc như lưỡi mác"; những điệu múa rất khéo: "Múa mà để lộ ra cái vẻ ngoài văn hoa tốt đẹp", mà giấu kín được bên trong"chất độc giết người". Với nghệ thuật "vật hóa", nhà thơ đã khái quát:
          Họ đi ra ngoài thì ngựa ngựa xe xe, ở nhà thì vênh vênh váo váo
          Đứng ngồi bàn tán tựa ông Cao ông Quì
          Không để lộ vuốt nanh, sừng và nọc độc
          Nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đường.
                                                (Phản chiêu hồn)
          Bọn này nhân danh đủ thứ cao đẹp thiêng liêng để tiện bề làm những điều xấu xa nhất. Nguyễn Du biết rõ điều này. Ông đã nhân danh con người để phê phán, lên án những kẻ mất tính người, chà đạp lên cuộc sống con người. Tác giả đồng nghĩa chúng với "rồng rắn quỉ quái, sài lang, ruồi xanh, đầu trâu mặt ngựa, mặt mo, giống hôi tanh..." với những bộ râu vểnh như mác, những cái lưỡi ba tấc và nọc độc trong tim...Bọn người này là sản phẩm của cái chính quyền đối lập với nhân dân ngay từ khi nó còn phôi thai. Cũng giai cấp ấy do chính quyền không còn nhựa sống nắm giữ đã đẻ ra một lớp con cháu Tô Tần. Lớp người này gắng xoay xở bằng mọi cách để giành cho được quyền cao chức trọng cốt mưu cầu danh lợi cho bản thân.
          Nhận thức của Nguyễn Du về những người cùng giai cấp của mình căn bản cũng là nhận thức của quần chúng lao động bị áp bức bóc lột. Vì vậy, các tác phẩm của nhà thơ có gí trị tố cáo mạnh mẽ và giá trị nhân văn sâu sắc./.
                                                                                                     C.A.Đ
* Những câu trích trong bài viết lấy từ phần dịch nghĩa "Nguyễn Du- Thơ chữ Hán"- NXB Văn học. H.1965.


15 tháng 9, 2015

Trở lại Mũi Né

Năm nay trường tôi tổ chức đi nghỉ mát thường niên muộn một tháng so với mọi năm. Đáng lẽ chuyến đi từ giữa tháng 8 nhưng chuyện tuyển sinh kì quặc năm nay là mang tính sống còn nên dời sang giữa tháng 9, từ 13 đến 15.
Đây là lần thứ 2 tôi đi nghỉ mát Mũi Né. Lần này ban tổ chức đổi món không ở villa nữa mà chuyển sang ở căn hộ chung cư dành cho nghỉ dưỡng Ocean Vista. Tôi với LS Nhi được phân ở cùng 1 căn hộ với phòng ngủ, phòng khách và đặc biệt là phòng bếp được trang bị đầy đủ các vật dụng cho một cuộc sống tự do, tự tay mình đi chợ rồi về tự đun nấu lấy mà ăn theo ý muốn. Chỉ cần đi bộ ra chợ làng chài ngoài bờ biển gần đó mua vài mớ tôm rau cá mực về nấu khoảng 30’ là có ăn tươi roi rói.
Tuy nhiên tôi và ông bạn vong niên không ngu gì mà lặn lội ra chợ và chui vô bếp để mới có ăn.
Ngày 3 bữa chúng tôi chung thủy với nhà hàng các kiểu và điệp khúc ăn ngủ tắm (hồ và biển).
Đi 3 ngày thì không kịp lên cân (điều mà tôi không muốn) nhưng thấy cơ thể và đầu óc thư giãn hẳn ra.

Chiều nay về lại Thành phố trong trận mưa to lịch sử của Sài Gòn. Mưa tối giời tối đất. Xe chạy trên xa lộ Hà Nội nước ngập nửa bánh. Vào lúc tôi ngồi gõ những dòng chữ này thì trời vẫn mưa như trút. Hàng vạn con người giờ này vẫn đang bị giam chân trên các con đường đã hóa thành sông. 

Căn hộ cao cấp nên phòng ngủ rất đẹp và rộng và gọn gàng, khộng lộn xộn lôi thôi như phòng ngủ nhà tôi 


 Thêm phòng khách cũng rộng. Thầy Nhi thường nằm đây ngủ luôn mà không thèm đoái hoài tới phòng ngủ. Ổng bảo mình ngủ ngon hơn khi nằm tạm bợ ở phòng khách, nếu lên giường nằm đàng hoàng có khi lại khó ngủ. Rất giống tôi.


Dù không khoái nấu ăn nhưng thầy trò tôi được sở hữu hẳn một căn bếp với đầy đủ các vật dụng để làm bếp như soong nồi, đồ nấu từ chai nước mắm, chén đũa, bếp hồng ngoại, lò nướng, lọ dầu ăn, tủ lạnh lớn... và bộ bàn ăn. Chỉ có điều là suốt 3 ngày ở đây, chúng tôi không màng đến nó. Ngu gì chứ.


                          Cạnh chung cư là hồ bơi lớn. Ngày 2 lần tôi bì bõm ở đây


 Đi bộ khoảng trăm mét là tới biển. Biển Mũi Né phẳng, cát sạch trắng phau và sóng rất nhẹ. Hợp với thằng không biết bơi như tôi, chỉ ra ngập tới rốn là OK.


 Thầy Nhi, người trước 30 tháng 4 năm 1975  từng đóng lon thiếu úy quân đội VNCH và hành nghề luật sư tại Sài Gòn. Năm nay thầy 75 tuổi, hết tháng 9 này mới chính thức nghỉ làm việc. Trên con đường từ chung cư ra biển


                               Tôi chụp cho thầy, rồi thầy chụp cho tôi

  Từ ban công nhìn ra biển cả Phan Thiết thật đẹp. Mỗi căn hộ ở đây có giá 2 tỉ đồng. LS Nhi hỏi nếu có ai đó cho ông một căn hộ ở đây mỗi năm ra nghỉ dưỡng vài lần ông có lấy không. Tôi nói là lấy nhưng sẽ bán ngay rồi đem 2 tỉ gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi đi thuê biệt thự ở sướng hơn.


Khu nghỉ dưỡng Ocean Vista rộng 8ha, mật độ xây dựng chỉ  22%, có 5 tòa chung cư cao từ 4 đến 7 tầng với 557 phòng ngủ, căn hộ nhỏ nhất 80m2, lớn nhất 250m2. Khung cảnh và tiện nghi đủ để làm hài lòng ngay cả những vị khách khó tính nhất.


11 tháng 9, 2015

Chuyện nhức đầu

Vợ chồng LS Nhi, ông bạn vong niên của tôi vừa có chuyến nghỉ phép hành hương ra Bắc để họp họ về. Họ của ông lớn lắm, mỗi lần họp có cả mấy trăm người. Trong họ, tầm đại gia có hàng chục vị nên mọi người đi họp chỉ tốn mỗi tiền đi lại, còn chi phí ăn ở quà cáp… đã có các đại gia bao hết. Đã thế những người già trên 80 tuổi còn được ban tổ chức tặng  phong bao mừng thọ 1 triệu đồng nữa. Họp họ mà được vậy kể cũng sướng, nếu là tôi mỗi tháng đi một lần cũng được.
Trở lại Sài Gòn, chiều qua ông ghé phòng làm việc của tôi kể chuyện về chuyến đi. Tôi gọi điện kêu càfe cantin mời ông rồi hỏi: Thầy đi chắc vui.
Với chất giọng trầm lắng ông nói chuyến đi đáng lẽ ra sẽ rất vui rất hoàn hảo nếu không tính đến vụ để quên cái bóp với toàn bộ giấy tờ như cmnd, cà vẹt xe, bằng lái các loại… cùng mấy triệu bạc trên taxi ở Hà Nội. 
Tôi nghe mà rùng cả mình và vô cùng thông cảm với ông khi nghĩ đến hành trình gian truân sắp tới ông phải cất công làm lại các loại giấy tờ tùy thân giữa cái Tp đất rất rộng và người rất đông này.
Nhưng rồi ông bảo: Mất cái bóp cũng mệt nhưng không mệt bằng vụ mụ vợ suốt ngày càu nhàu vì cái sự lơ đễnh của mình. Ông tính hễ bận việc gì thì thôi, chứ mà rảnh rỗi là bả lại lôi chuyện mình làm mất bóp ra dằn dá. Đến nhức cả đầu.  Suốt cả tuần nằm khách sạn ở Hà Nội như thế. Về lại SG mấy ngày nay rồi vẫn cứ như thế. Bản trường ca toàn điệp khúc này mình thấy hình như không có chương kết đối với bà vợ mình. Ông tính tôi phải làm sao bây giờ.
Với tất cả kinh nghiệm xương máu của mình, tôi chia sẻ sự đắng lòng này của ông và khuyên ông nên thực hiện chính sách 3 không: không nghe, không biết và không thấy. Bả nói cứ nói, mình không nghe là được.
Ừm… để mình thử xem có hiệu quả không. Rồi ông chia tay tôi ra về.  
Ôi, giá mà mấy bà vợ đọc được mấy dòng này nhỉ. Ai chứ vợ ông (và cả vợ tôi) thì chắc chắn là không bao giờ vô blog này đọc rồi. Bởi bà vợ ông thì không biết máy tính, còn vợ tôi thì bụt nhà không thiêng, với cái ipad bả vô mạng đọc đủ thứ nhưng trừ blog của tôi ra không thèm để mắt đến.
Cũng may vì nhờ thế mà tôi mới dám viết mấy dòng cật ruột này.