30 tháng 9, 2012

Áo em trắng quá nhìn không ra



Ngày 21-9 mới rồi, tại Qui Nhơn, Bình Định đã diễn ra Hội thảo  về cuộc đời và sự nghiệp thơ Hàn Mạc Tử, do Viện Văn học Vn và tỉnh BĐ tổ chức. 
Ông nhà thơ này ngoài tài thơ và bị bệnh hủi rồi chết trẻ thì cũng có 2 nét giống  mình: Quê quán ở QB và sống rồi ra đi ở Bình Định. Tuy nhiên ông ra đi là ra đi hẳn về thế giới bên kia, còn mình cũng ra đi nhưng là đi về phương Nam để thỏa cái thú xê dịch của mình. 
Nhân Hội thảo này góp đôi lời... ăn theo:  

Ai đã từng đến và từng đi khỏi Quy Nhơn mà không thể không nhớ về khu mộ của thi nhân Hàn Mạc Tử. Ông sinh ở Đồng Hới Quảng Bình, là người cùng quê với mình, nhận vơ 1 chút dù mình không thích thú gì cái khái niệm đồng hương. Ông mất đã gần tròn 72 năm, vào ngày 11 – 11 – 1940 lúc vừa bước sang tuổi 28 tại làng  phong Quy Hòa thuộc phường Ghềnh Ráng Tp QN, cách khu mộ một con đèo.


                   Mộ Hàn Mạc Tử trên đồi Thi nhân, Ghềng Ráng, Qui Nhơn
           


Nằm ở ngoại ô Tp chỉ cách Trường Đại học QN khoảng 2 km, nơi an nghỉ vĩnh hằng của nhà thơ tài hoa mà bạc mệnh này có một tên gọi cũng rất nên thơ: Đồi Thi nhân. Một nơi mà ai đã đến QN cũng muốn được một lần đặt chân tới để có dịp được nghiêng mình tưởng nhớ về một con người tài hoa mà mệnh bạc.
Riêng mình không thể nhớ hết là đã có bao nhiêu lần được đứng lặng ngắm nhìn tượng đức mẹ Maria đang cúi nhìn  ngôi mộ thi nhân đúc bằng xi măng giản dị của ông với dòng chữ “Đây an nghỉ trong tay MẸ MARIA- Hàn Mạc Tử…”..  bởi mỗi lần có bạn bè ở xa đến là mỗi lần mình lại được dịp đưa bạn bè lên đồi thi nhân viếng ông.

Mỗi lần như thế những câu thơ của ông cứ ùa về:

Mơ khách đường xa khách đường  xa
Áo em trắng quá nhìn ko ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà

Những câu thơ da diết thể hiện một sự khát khao sống và yêu của người nằm dưới mộ kia cứ làm cho du khách nao cả cõi lòng.
Có lẽ đó là một sự níu kéo đầy định mệnh.
Khu mộ thi nhân này cũng là nơi mà mình đã đến chào từ biệt sau hàng chục năm làm dân BĐ để trở về lại SG sinh sống.

                  
          
Thôi Hiệu:  Bạch vân thiên tải không du du

                          Nhà báo Huỳnh Hiến trước mộ Hàn Mạc Tử ;  Ảnh: HTS


Chào thi nhân ở lại Qui Nhơn, ta hành phương Nam, ảnh do Huỳnh Hiến chụp 24.6.2010, trước khi rời hẳn QN 5 ngày .


29 tháng 9, 2012

Trung thu nhớ bánh nướng

Thuở nhỏ tôi không có bánh trung thu như bây giờ mà chỉ có bánh nướng. Bạn cứ hành dung nó gần giống với một cái bánh trung thu bây giờ được thu nhỏ lại bằng một nửa. Có điều bánh nướng không bóng bẩy như bánh trung thu ngày nay mà nhìn mộc mạc thô ráp hơn nhiều. Có khi còn bị người làm nướng quá tay nên đôi chỗ cháy đen, nứt nẻ ra.
Thế mà bánh nướng với thế hệ tôi hồi lên 5 lên 10 tuổi là cả một món ăn xa xỉ như đặc sản. Nó ngon và thơm không thể tả, chỉ biết mỗi khi nhìn thấy bánh nướng thậm chí là chỉ nghĩ về cái bánh nướng không thôi là nước bọt đã tiết ra đầy miệng. Gọi là thèm chảy nước miếng. Cầm cái bánh nướng ngày đó trên tay, đố đứa trẻ con nào dám bỏ vô miệng ăn ngay, bởi ăn ngay thì mau hết và sẽ tiếc hùi hụi. Phải cầm chơi, nâng niu hít hà cho đến khi thèm phát điên lên mới bẻ từng miếng nhỏ thong thả bỏ vô miệng. Bỏ vô miệng rồi cũng không dám nhai, cứ để cho miếng bánh tự tan biến ra rồi trôi thẳng vào bụng. Khi đó mắt sáng lên như vừa nuốt vào người một chất bổ dưỡng vô song.
Bánh nướng ngày đó làm bằng thủ công và bày bán quanh năm trong các tủ hàng quà. Nhưng không phải cứ muốn là có ăn bởi ngày đó nghèo lắm,  tiền đâu mà mua. Hồi đó nhà tôi ở Đồng Phú, Đồng Hới, gần cái tháp nước di tích lịch sử bây giờ, nhà đông con nên thỉnh thoảng ra phố mạ tôi mới mua cho mấy anh em 1 vài cái, về tự tay mạ bẻ ra chia mỗi đứa một mẩu. Một năm chỉ được một vài lần như thế.  
Ngày đó làm gì có tiểu đường, bị gan nhiễm mỡ rồi máu nhiễm mỡ với ung thư này nọ để đến mức phải kiêng ngọt, kiêng béo, kiêng đủ thứ khoái khẩu như bây giờ.
Mà cũng chả phải vì kiêng. Trẻ con và cả người lớn ngày nay chẳng mấy ai màng đến bánh trung thu. Bởi bánh trung thu ngày nay ngọt và béo quá. Mỗi cái có đến hai lòng đỏ trứng gà muối và bao nhiêu là nhân thịt mỡ. Không ngán mới lạ.
Ở Sài Gòn, bánh trung thu được bày bán từ trước trung thu hai tháng. Những quày bánh trung thu rực rỡ lộng lẫy ánh đèn chạy dài các con phố bày bán ê hề những hộp bánh từ bình dân đến cao cấp.
Nhưng chẳng mấy ai hào hứng mua và ăn ngay cả những đứa trẻ hàng ngày được cha mẹ chở đi học lướt qua lại cũng không màng đến. Bởi vậy mà từ trước trung thu cả nửa tháng, các hàng bánh trung thu đã phải hạ giá mua 1 tặng 1. Rồi cả tuần nay, đi làm dọc đường Cộng Hòa, tôi đã thấy họ treo bảng đại hạ giá, mua 1 tặng 2. Oái oăm ở chỗ là người có tiền thì không muốn mua; người muốn mua, thường là người nghèo lại không có tiền. Những người mua bán ve chai đồng nát nhôm nhựa, những người bán hàng rong, bán vé số lam lũ thường đợi qua trung thu chờ cho đến khi nhà hàng treo bảng mua 1 tặng 3 mới mua vài cái về cho con ăn.
Và ngày ngày đi giữa những phố bánh trung thu, tôi lại nhớ về bánh nướng.

28 tháng 9, 2012

Hiền hòa Miền Tây

Miền Tây trong mắt mình luôn là một vùng đất hiền hòa, con người miền Tây lại càng hiền hòa gấp bội lần. Điều này có vẻ như đang ngày càng đối lập với chiều địa lí ở miền ngược lại.
Cảm nhận trên càng hiện rõ trong chuyến về miền Tây hai ngày hôm qua của cha con mình.
Đường về miền Tây bây giờ cứ như là đường lên thiên đàng. Đẹp tuyệt vời và tiện lợi vô cùng. Cung đường cao tốc SG – Trung Lương hiện đại với tốc độ xe cả trăm km/giờ; cầu Mĩ Thuận và cầu Cần Thơ không chỉ rút ngắn hàng giờ xe chạy mà còn hiện lên vẻ đẹp lung linh của những công trình xây dựng mang tính văn hóa cao.  Chả thế mà chuyến xe Phương Trang từ SG đi Cần Thơ và ngược lại chỉ mất 3,5 giờ đồng hồ kể cả 30 phút nghỉ ngơi ăn hủ tíu  ở trạm dừng chân Cai Lậy.
Phải kể thêm về cái xe Phương Trang. Thật là hoàn thiện và hoàn mĩ đến mức làm cho mình thay đổi hẳn sự ác cảm của khái niệm về cái gọi là xe đò. Những chiếc xe sơn màu vàng sẫm 40 chỗ ngồi nhập khẩu từ Hàn Quốc sạch boong, nhân viên và tài xế lịch sự, chạy êm ru không thể mong muốn gì hơn.

            Đường cao tốc từ Sài Gòn về miền Tây  
 

Về miền Tây mình có dịp đến ĐH Cần Thơ thăm bạn bè đồng nghiệp cùng học thời ĐH. Chợt thấy đồng cảm với bạn bè đến lạ lùng. Một cảm xúc rất dễ có khi ta đặt chân về miền Tây, sống giữa miền Tây.
Sự tiện lợi càng tăng hơn khi ngay ngõ nhà mình lại có chuyến xe buýt ra bến xe Miền Tây. Chuyến xe chạy như hung thần trên đường phố nhưng bù lại, ai muốn lên và xuống ở đâu cũng được chẳng cần chi bến với bãi.
 


       Con gái miền Tây 

Viết entry này lại cứ muốn về lại miền Tây, về với sự chân chất và lương thiện của cả đất lẫn người như là một ốc đảo còn sót lại của một xã hội đang ngày càng trở nên độc ác và hung dữ.  

27 tháng 9, 2012

Lòng tốt



Một xã hội văn minh là một xã hội mà ở đó lòng tốt trở nên thừa thãi. Câu này tôi đọc được vào năm 1976 trong thư viện Đại học Vinh từ một tập tài liệu in roneo giấy đen như ctứ chó một sản phẩm điển hình của thời đại bao cấp xhcn. Tập tài liệu  có tên là Luận cương đạo đức học với tác giả là Thầy Hoàng Ngọc Hiến. Thầy HNH khi đó vừa rời công việc giảng dạy môn Văn học Nga Xô viết cho khoa Văn ĐHV để chuyển ra Hà Nội. Mãi đến khi Thầy đã  về với thế giới  người Hiền thì tất cả giới có học đều đã gọi Thầy là GS.TS. HNH dù Thầy chưa hề được phong ngay cả cái gọi là PGS.
Giai thoại về Thầy Hoàng Ngọc Hiến thì nhiều lắm trong giới giảng viên đại học. Chẳng hạn, dù bản thân là người được nhà nước cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án PTS trở về, nhưng thầy đã nói một câu bất hủ: Nếu dắt một con bò từ Vn sang Nga thì 4 năm sau sẽ dắt về lại Vn một PTS.
 Một chuyện khác: Hồi dạy ở Khoa Văn ĐHSP 1 Hà Nội, do bao cấp khổ sở quá, bất chấp qui định cấm, gia đình thầy bất đắc dĩ phải chăn nuôi heo ngay  trong nhà tắm của tầng 4 khu nhà tập thể để tăng thêm thu nhập có thể sống qua ngày đoạn tháng. Khi lãnh đạo trường đi kiểm tra lập biên bản    đã ghi: Gia đình ông HNH đã nuôi heo trong nhà tập thể... Thầy phản bác thẳng thừng và yêu cầu    ghi lại cho đúng: Heo đã nuôi gia đình ông HNH...  
Trở lại với luận điểm của Thầy Hoàng Ngọc Hiến về lòng tốt trong một xã hội văn minh của chuyên đề Luận cương đạo đức học, nói thực lòng với đầu óc trong trẻo và một cái bụng rỗng tuếch lúc nào cũng nghĩ đến cơm ăn và áo mặc của những năm sau chiến tranh, khi mà xã hội đang vô cùng tối tăm mịt mù với hàng mớ lí thuyết vô bổ về làm chủ tập thể, triệt tiêu cá nhân, tôi đã ko thể  lĩnh hội được hết ý nghĩa sâu xa tư tưởng trên của Thầy HNH.
Tại sao lòng tốt lại có thể trở nên thừa thãi được khi mà người với người quanh ta lúc ấy và kể cả bây giờ cứ như là chó sói tranh nhau từng miếng ăn, giết nhau đưa nhau vào tù có khi chỉ vì một cái ghế.
Vào năm ngoái, cư dân mạng từng xôn xao về một câu chuyện lạ đăng trên hệ thống blog ko lề trái cũng ko là lề phải  về những chú công an giao thông ở Đà Nẵng. Chuyện kể về CSGT Đà Nẵng khi thấy người tham gia giao thông đi vào đường cấm thì thổi còi gọi lại nhưng ko phải là để lập biên bản phạt mà là để hướng dẫn cho người ta đi sao cho đúng. Một việc làm đúng ra là rất đỗi bình thường đã trở nên xa lạ thậm chí là kì lạ của xã hội khi mà CSGT của ta đều đã trở thành những anh hùng núp  ráo trọi.
Là người làm báo và cả dạy học, tôi cũng từng phản biện ráo riết về những bài báo kiểu gương người tốt việc tốt. Chẳng hạn như một thủ quĩ ngân hàng là đảng viên  trả lại tiền thừa cho khách hàng khi giao dịch.  Chỉ vậy thôi mà là gương sáng đấy. Thì chã nhẽ nhặt được tiền thừa tiền rơi của người khác lại điềm nhiên bỏ túi. Với người thường đã là chuyện ko thể huống chi lại là với người đảng viên CS trong sáng chói chang vằng  vặc như ánh mặt trời.
Đến khi nào thì những chuyện hiển nhiên đồng nghĩa với điều tốt ấy sẽ trở nên bình thường và thừa thãi trong xã hội như Thầy HNH đã viết.
Khi con người ta đã quen sống trong một xã hội đầy dẫy điều xấu đến mức nó trở nên điều bình thường thì điều tốt mà thực ra là điều bình thường trở nên lạ kì cũng ko có gì là lạ.  
Và cái xã hội tốt với những tấm lòng tốt sẽ trở nên thừa thãi mà Thầy HNH đã viết trong Luận cương đạo đức học vẫn đang là... mơ về nơi xa lắm.

25 tháng 9, 2012

Những con trâu đã vùng lên




Tối nay xem Tv thấy tại hội chọi trâu Đồ Sơn Hải Phòng năm nay, có chú trâu đã lồng lên húc bị thương nặng 5 khán giả, hàng trăm con người khác hoảng sợ giẫm đạp lên nhau bỏ chạy tán loạn, mình lấy làm hả dạ vô cùng.

Hả dạ bởi mấy lâu nay, mặc dù báo đài, nhất là thằng VTV, luôn đưa tin cổ vũ ca ngợi cho cái hội chọi trâu vừa dã man, độc ác lại tham ăn tục uống này. Đời thuở nào trong lúc ông cha ta đã ca ngợi, đánh giá cao Con trâu là đầu cơ nghiệp, thế mà dân Đồ Sơn HP với sự cổ vũ của đám báo đài chết dẫm và ngu dốt lại đi vỗ béo trâu, chăm sóc cho nó khỏe lên rồi đem ra chọi để chúng hủy diệt lẫn nhau, con nào vô địch đem xả thịt bán cho nhau làm mồi nhậu.
Dã man và tàn ác. Sao lại có một nơi mà con người lại ứng xử dã man với con vật thân yêu và hữu ích như thế trong cái thời đại văn minh của nhân loại này. 
Chả trách mà cái ác ngày càng nở rộ trong xã hội Vn ngày nay.


Cặp đôi khác thì cùng ngã
Những chú trâu gục ngã và nụ cười hả hê ngu muội của con người
Hồi còn ở BĐ mình đã có bài viết phát trên Tv phân tích và phê phán lễ hội đâm trâu của người Ba Na  ở hai huyện Vân Canh và Vĩnh Thạnh với sự đầu tư cổ vũ của ngành văn hóa tỉnh này. Đến bây giờ, dù chỉ xem qua Tv tôi vẫn chưa quên cảnh giữa một bãi đất trống, người ta chôn một cái cột to rồi cột chặt con trâu vào, sau đó một bọn thanh niên trai tráng khỏe mạnh tay cầm giáo mác nhảy choi choi vòng tròn, vừa nhảy vừa hú hét man rợ rồi thay nhau đâm vào con trâu tội nghiệp cho đến khi nó gục ngã, máu me chảy đầm đìa. Bên ngoài là đám đông dân chúng và cả cán bộ văn hóa, chính quyền từ xã đến tỉnh đứng thị chúng, hò reo cổ vũ. Sau đó cả đám đông đang say máu xẻ thịt trâu nhậu với rượu cần. Cái ác cứ thế nhân lên bội lần. 
Bài viết phê phán được nhiều người tán đồng nhưng lễ hội đâm trâu thì chúng nó, tức cái đám làm văn hóa mà vô văn hóa ấy không bỏ.  Vì chúng nó đã đưa được vào một dự án và từ đó có tiền ăn chơi lại được tiếng tâng công là phục hồi văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc miền núi.
Đúng là đã ngu lại còn tỏ ra nguy hiểm.
Chả trách mà cách đây gần trăm năm, Lỗ Tấn từng nói: Chữa bệnh cho con người về sức khỏe cũng cần thiết nhưng điều quan trọng hơn nhiều là cần phải chữa bệnh cho con người về tinh thần. Một khi con người còn ngu muội thì dù có sức khỏe mấy đi nữa cũng chỉ là một lũ người dã man và bị người ta lợi dụng mà thôi.  
Mình chỉ thầm mong có một lần nào đó, từ Vân Canh, Vĩnh Thạnh Bình Định cho đến Đồ Sơn Hải Phòng, những con trâu sẽ vùng lên húc chết hết cái đám người dã man ấy.
Và hôm nay, điều đó đã xảy ra ở Hải Phòng.
Những con trâu thân thương và tội nghiệp đã vùng lên.
 

Bắc Nam và nguyên nhân của sự dị biệt



  
Mọi người đang đi tìm nguyên nhân của bún mắng phở chửi cũng như là thói quen nói tục, chửi tục như là một đặc sản văn hóa của người Hà Nội. Theo mình thì tìm đâu cho xa, nó đã có sẵn từ lâu trong câu tục ngữ:  Gần mực thì đen thôi.
Điều này đã có trong cuốn sách của nhà văn Sơn Nam:
 
 Nhắc đến nhà văn Sơn Nam , hẳn chúng ta ai cũng biết đó là một nhà văn nổi tiếng của vùng đất Nam bộ. Ông là nhà Nam bộ học, là nhà văn chuyên viết về các vùng đất thuộc Nam bộ, ông cũng được người đời gọi là nhà văn đi bộ, vì ông là người chuyên đi bộ.
Là nhà văn, nhưng Sơn Nam còn là một người rất chăm viết báo. Ngay trên tạp chí Xưa và nay, nhà văn Sơn Nam đã có đến hơn 80 bài báo. Sau khi nhà văn qua đời, tạp chí Xưa  và nay đã chọn hơn 40 bài trong số đó tập hợp đem in thành cuốn Sơn Nam, Đi và ghi nhớ(*) này. Sau nhng chặng đường đã đi qua về vùng Gia Định – Sài Gòn xưa, Sơn Nam viết lại những cảm nhận rất riêng biệt qua cái nhìn tinh tế và hồn hậu của ông: “ Nam bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng nào phải là “địa đàng”… Xưa kia, người Khơ Me bản địa sống co cụm trên những giồng cao ráo, làm ruộng thâm canh, không thích triển khai diện tích vào nơi đầm lầy đầy rắn, cọp và bệnh sốt rét. Người Hoa vẫn giữ tập quán thâm canh, ở đất cao, làm rẫy rau cải, không xông xáo “phá sơn lâm, đâm Hà bá” như dân Việt. Dân ta đã định cư ở nơi đất thấp, nước phèn, đốn củi, phá rừng… Vùng đất Nam bộ, vùng đất Sài Gòn - Gia Định ngày nay, công ơn của tổ tiên thật là to lớn.”
Từ những câu văn thấm đẫm mồ hôi của Sơn Nam , toát lên sự hoài cổ và  lòng yêu nước thâm trầm của ông.
Đọc Đi và Ghi nhớ của Sơn Nam , bạn sẽ có thêm nhng kiến thức rất mới và rất lạ mà ngỡ như chỉ có ở Sơn Nam ông già Nam bộ. Chẳng hạn trong bài viết này, Sơn Nam đã đem đến cho bạn đọc một hình ảnh cây me rất quen thuộc ở miền Trung nhưng lại rất hiếm hoi trên đất Sài Gòn: Ở Sài Gòn, “ Phải chăng cây me khó thích hợp với nơi khí hậu bốn mùa nên trở thành quí giá? Nét thơ mộng của cành lá me không thể chối cãi. Đường phố Sài Gòn, nơi nào có me là chỉ thị của con đường xưa, từ đầu thế kỷ 20 về trước.  Giới đô đốc Pháp chuộng cây me; về sau, Hội đồng đô thành Sài Gòn phản đối, cho rằng lá  me giữ nước mưa, tạo không khí ẩm ướt, mưa tạnh rồi mà còn nước rơi (ta gọi là mưa lá me), lại quyến rũ loài muỗi gây sốt rét…trong giới nho sĩ và bình dân Nam bộ, cây me tượng trưng cho kẻ tiểu nhân. Thời xưa, chẳng ai trồng me làm cây cảnh, nếu có thì chưng bày ở góc sân sau hè.”
Quả là một sự hiểu biết quí giá mà nhà văn đã hào phóng cho bạn đọc biết về một loài cây quen thuộc.
Với lối viết giản dị, chân phương mà vẫn sâu sắc và dí dỏm, Đi và ghi nhớ của Sơn Nam như là người hướng dẫn một tua du lịch đưa bạn đọc trở về với cội nguồn của những giá trị lịch sử và địa lí của một vùng đất nổi tiếng, Nam bộ và Sài Gòn. Từ những vùng đất và con người, từ những trang viết của nhà văn miệt vườn Sơn Nam , “người Sài Gòn hiện rõ là những con người năng động, hiếu khách, trọng nghĩa tình bè bạn.” Và nhà văn Sơn Nam giải thích, sở dĩ có được những phẩm chất ấy là do người Sài Gòn sống gần gũi và chịu ảnh hưởng trực tiếp của người Pháp. Một cách cắt nghĩa rất khoa học của Sơn Nam bởi chúng ta vẫn nhắc về câu nói của ông K. Marx , nhà tư tưởng của cnxh  rằng “Tồn tại xã hội quyết định ‎‎‎ ý thức xã hội.” Đây cũng là lời lí giải, là sự đi tìm nguyên nhân cho những entry về sự DỊ BIỆT giữa HN và SG.     
Đi và ghi nhớ của Sơn Nam không chỉ nói về đất và người nói chung mà với cái nhìn biện chứng, khoa học của một nhà lịch sử, ông còn tìm dịp để phục hồi danh dự, vinh danh cho nhà nho yêu nước Phan Thanh Giản, người mà một thời đã bị gán cho tội phản quốc. Ông thẳng thắn đề nghị: Sách giáo khoa nên có bài về Phan Thanh Giản. Trong một chuyến đi về Vĩnh Long, Sơn Nam đã phát hiện ra rằng, từ thòi xa xưa, người dân Vĩnh Long đã dựng miếu Văn Thánh để thờ cụ Phan Thanh  Giản với tư cách là một nhà trí thức tiết tháo và yêu nước. Và họ đã trọng vọng cụ Phan còn hơn cả Khổng Tử, Tăng Sâm, Tử Lộ… Người Vĩnh Long từ xưa đã biết giở  nón, cúi đầu mỗi khi đi qua miếu Văn Thánh để kính cẩn chào cụ Phan Thanh Giản. Nhà văn đề nghị: “Trong chương trình sử học cho học sinh, nên có một bài nói về Phan Thanh Giản, đủ tình, đủ lí.”
Từ chuyện lớn về lịch sử sang chuyện nhỏ như ăn nhậu, ngòi bút của Sơn Nam nhiều lúc khiến người đọc phát thèm bởi những món ăn đặc trưng Nam bộ được ông miêu tả một cách sinh động. Chẳng hạn như món chuột đồng mà ông đã viết: “ Ngày nay món nhậu có thể là con chuột mập béo đầu mùa, sống ngoài đồng lúa chín, chuột khá sạch sẽ, trời sa mưa, chuột ăn toàn cỏ non, không bẩn như chuột cống ở thành phố. Chuột rô ti ăn với xoài chua đầu mùa băm nhỏ, vị chua sẽ đánh tan mùi hôi chuột.”
Những bài viết của Sơn Nam về đất và người Nam bộ, Sài Gòn – Gia Định là vốn quí về lịch sử và địa lí một vùng đất máu thịt của Tổ quốc. Nó đã trở thành nguồn tư liệu giàu có cho nhiều nghiên cứu sinh cao học và tiến sĩ tìm đến trong các bản luận văn lịch sử, văn học và địa lí. Và cũng từ đó, Đi và ghi nhớ của Sơn Nam là một tập hợp gồm nhiều chủ đề, thể loại khác nhau, nhưng chủ yếu là khảo cứu các vấn đề lịch sử, văn hoá, tập quán của Sài Gòn – Nam bộ xưa và nay.
  Đi và ghi nhớ cũng là một thành tựu khác của nhà văn Sơn Nam bên cạnh thành tựu văn học phong phú  rất Nam bộ của Sơn Nam.

(*) Tác giả: Sơn Nam
Nhà xuất bản: Văn hóa Sài Gòn
Năm xuất bản: 2008
 

23 tháng 9, 2012

Lâu lâu ra biển





Nhờ có đối tác làm ăn mới là một đại gia nên cuối tuần lại được đi nghỉ dưỡng. Trưa thứ sáu 20/9, làm xong công việc buổi sáng cả đoàn lên xe nhằm Vũng Tàu thẳng tiến. Đi giờ đó được cái là qua xa lộ Hà Nội không bị kẹt xe nên chỉ 3 tiếng sau đã đặt chân đến Long Hai Beach Resort, nơi được mệnh danh là thiên đường xanh nghỉ dưỡng.
Mà đúng là xanh thật. Trên một diện tích 5.000 m2 mà nhà đầu tư xây dựng một khu resort với chỉ 110 phòng ở kín hết cũng chỉ được 220 người còn lại là cây cối mênh mông, lại một phía là núi non, một phía là biển cả, không xanh mới lạ. 
Những căn nhà trệt chỉ có hai gian với với hai phòng ngủ là đà dưới cây cối sum suê chỉ nhìn đã mát con mắt. Nhìn qua cứ như là một ngôi làng của những người nghèo, những con đường ngoằn ngoèo, nhà này cách nhà kia cả một khoảnh vườn với bờ tường cách điệu. Trước mặt là những cây dừa trĩu quả, bên nhà là rặng tre ngà, sau nhà có cả buồng  tắm lộ thiên với chum và gáo.

Ra biển nghỉ dưỡng nên ba ngày chỉ với một điệp khúc: Tắm, ăn, ngủ rồi lại tắm ăn ngủ. Ông anh Thắng ở cùng nhà với mình bảo nó làm cứ như là nuôi heo công nghiệp. Thế này thì mỗi ngày cũng lên được mấy lạng hơi.

Là khu nghỉ 4 sao nên ăn uống là chuyện khỏi phải bàn. Bữa đầu thì hăng hái lắm nhưng rồi đến những bữa sau thì cứ như thể một dao động tắt dần. Ăn không ăn được, rồi chơi cũng không chơi nổi. Mình còn đỡ chứ như ông anh Thắng thì ăn uống không mấy màng, cũng không ham hố biển bót tắm tót gì, chỉ nằm nhà bật Tv xem bóng đá rồi cứ lim dim mơ màng ngủ. Đúng là đi nghỉ. 

Thực trạng đó khiến mình nhớ lại lời thằng bạn thân là Ngọc dạy ở VU.

Thằng này học văn ra nhưng lại suốt đời dạy Mác với Lê và tư tưởng ông Kụ. Lí thuyết suông thì hắn thuộc như cháo chảy nhưng tư tưởng thì lại chỉ muốn có cơ hội để đi ngược lại những giáo điều hắn vẫn hằng ngày trút vào tai đám Sv. Đúng là một tấn bi hài kịch, chẳng qua cũng chỉ vì bát cơm manh áo ở đời nên phải thế. Dù là bi kịch về tinh thần nhưng về vật chất kinh tế thì hắn lại khá. Cái mô hình phản động của bọn gọi là mĩ ngụy ngày trước giải phóng còn tàn dư rơi rớt lại với Nhà lầu xe hơi vợ đẹp con khôn hắn đều có đủ. Thỉnh thoảng tám với nhau qua điện thoại, hắn không quên triết lí vụn: Cái lứa bọn mình đúng là bi kịch. Thời trai trẻ sức dài vai rộng trong đầu chỉ muốn ăn với chơi thì không có mà ăn; nay có tí chút của ăn của để gọi là thì lại rơi vào tình  trạng ăn không ăn được, chơi cũng không xong, không bi kịch thì là gì.
Nói chuyện này lại nhớ những truyện ngắn của Nam Cao. Ông nhà văn đại tài sống ở tuổi U30 mà viết ra toàn những câu chuỵên già tổ chảng. Có hai truyện ngắn của ông khiến mình nhớ mãi. Một truyện viết về một bà già nghèo khổ cả đời chưa được một bữa no. Cái bụng rỗng lúc nào cũng réo ồng ộc và trong đầu chỉ nghĩ đến chuyện ăn. Sau đó thì vì đói quá mà bà lăn ra chết. Truyện này Nam Cao kết thúc bằng câu: Bà ấy thèm được ăn. Truỵên kia ngược lại, viết về một mụ địa chủ nhà giàu thừa mứa, đến bữa của ngon vật lạ bày ra đầy mâm mà chỉ liếc qua bà ta đã thấy ngán, không nuốt nổi một miếng. Truyện này kết bằng câu: Bà ấy thèm ăn được.

Sự đời nó vẫn thường oái oăm thế đấy. Biết làm sao được.
Tào lao cho vui vậy thôi chứ như mình hễ cứ được đi đó đi đây thoát ra khỏi  Tp đã là sướng lắm rồi, huống chi là đi nghỉ dưỡng. Ở Sg mà đi Vũng Tàu thì cũng na ná như dân Vinh đi Cửa Lò, dân Thanh Hóa đi Sầm Sơn, dân Hải Phòng đi Đồ Sơn, dân Qui Nhơn ra eo Nín thở... nhưng giá trị ý nghĩa và sự hao tổn thì lớn gấp nhiều lần.

Giá tháng được một lần cũng đỡ.


Nhà giàu có khác, cái gì của nó cũng có lí




Nhìn qua thấy giống làng quê mình




 Rất giống nữa là khác, cứ giản dị như nhà sàn Bác Hồ



Nhưng vô trong giường nằm nhìn ra chẳng giống chút nào




Nhất là khi trước cửa lại có cả cái tuk tuk để đi lại





dưới những con đường làng rợp tre xanh



Ra khỏi cửa là biển



Nhìn thật đã con mắt




Buổi sáng ra biển xem cá về




Nhưng với mình hồ bơi vẫn tiện hơn, nhất là sự an toàn




HTS và Pgs. Thái, Tr Khoa Kinh tế



Rốn sâu



Có cả một dàn chân dài và nhiếp ảnh gia




Phút cưa sừng làm nghé của Tr. Khoa Đông phương học, Pgs. Đặng Ngọc Lệ

21 tháng 9, 2012

Có những giải thưởng lớn được thưởng chỉ 1 đồng






Lễ trao giải thưởng Sách hay lần 2, năm 2012 do Dự án Sách hay và Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (Ired) tổ chức với chủ đề Sách và Khai minh đã diễn ra sáng nay tại khách sạn REX với một khán phòng 400 chỗ ngồi đầy ắp cử tọa và đông đảo những tên tuổi làm nên nguyên khí quốc gia thời hiện tại như nhà văn Nguyên Ngọc, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Gs. Chu Hảo, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, Gs. Nguyễn Đăng Hưng, Gs. Võ Tòng Xuân, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên…, đặc biệt có cả  Gs. Trần Văn Thọ, tác giả đạt giải từ một cuốn sách về quản trị doanh nghiệp cũng đã vừa từ Đại học Tokyo nhiệt tình bay về nhận thưởng… dù giải thưởng có ý nghĩa lớn và thực sự sang trọng này chỉ có: một bó hoa tươi, một bằng chứng nhận, một biểu trưng kỉ niệm và 01 (một) đồng tiền mặt danh dự.  

Thế mới biết không phải lúc nào và ở đâu đồng tiền cũng có sức mạnh của nó.
Khác 
với năm ngoái, giải thưởng Sách hay năm nay có tất cả 7 hạng mục với mục tiêu hướng đến được nhiều nhóm công chúng quan trọng trong xã hội, đó là: Giáo dục, Nghiên cứu, Tra cứu, Kinh tế, Quản trị, Văn học Thiếu nhi. Ngoài ra, còn có một hạng mục khác do Hội đồng Trao giải xét tặng là giải Dấu ấn mới.
 Tuy nhiên hạng mục mình quan tâm hơn cả là sách cho thiếu nhi và sách văn học.
Giải thưởng cho hạng mục sách thiếu nhi đã được trao cho tiểu thuyết quen thuộc Tuổi thơ dữ dội 
của nhà văn Phùng Quán, một cái tên tác phẩm và tác giả mà chỉ cần nhắc đến đã gây nên sự xúc động dữ dội cho những ai yêu quí nhà văn có cuộc đời gian truân và oan nghiệt này.
Giải thưởng sách dịch cho thiếu nhi được trao cho môt tên sách khá lạ: Chuyện con mèo dạy hải âu bay, một kiệt tác dành cho tuổi thơ của nhà văn Chi lê Luis Sepúlveda.
 

Giải thưởng sách văn học được trao cho nhà văn người Bình Định Nguyễn Mộng Giác với bộ trường thiên tiểu thuyết có nhiều tầng nghĩa gồm 5 tập lấy đề tài từ lịch sử là vua Quang Trung - Nguyễn Huệ: Sông Côn mùa lũ. Ông này từng vượt biên sang định cư ở Mĩ từ 1982 và vừa qua đời cách đây hai tháng (ngày 2 – 7 – 2012 tại Tp. Westminster, California, Mĩ, hưởng thọ 72 tuổi). Với giải thưởng này, những ai là người Bình Định hẳn lại thêm một lần nữa có lí do để tự hào về người đồng hương nổi tiếng trên đất Mĩ của mình.

 
 

 
    Nhà văn Nguyễn Mộng Giác
Giải thưởng văn học dịch thuộc vềTrăm năm cô đơn, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất đã mang về giải Nobel văn học năm 1982 cho tác giả, nhà văn người Colombia Gabriel Garcia Marquez. Cho đến nay, Trăm năm cô đơn đã trở thành tiểu thuyết lừng danh nhất mọi thời đại, chỉ đứng sau tiểu thuyết Đôn Kihôtê, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha của nhà văn Tây Ban Nha Cervantes. Hôm nay, Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez  được người Việt Nam trao giải thưởng Sách hay 2012 cũng là rất xứng đáng và không có gì là lạ.
Có đi dự sự kiện trao giải Sách hay 2012 hôm nay mới thấy giới yêu sách và mê đọc sách vẫn còn đông đảo lắm. Buổi lễ kéo dài từ 8g30 đến 12g30 mà hầu như tất cả vẫn ngồi nguyên chỗ, không ai bỏ ra về sớm như các buổi học nghị quyết. Điều này khiến nhà văn Nguyên Ngọc trong phát biểu kết thúc đã xúc động đến rơi nước mắt. Ông nói: "Tôi chỉ xin nói một câu ngắn gọn: Cảm ơn quí vị và các bạn đã đồng hành đến cùng với chúng tôi!"

Ra về, mình vẫn băn khoăn một điều là không biết một đồng tiền mặt danh dự của giải  thưởng ấy sẽ được thể hiện như thế nào.



Sách hay 2012: Sách và Khai minh



Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu khai mạc và bế mạc


Nhà văn, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn


Danh sách tác phẩm, tác giả đoạt giải thưởng Sách hay lần 2:


1/ Sách văn học: tác phẩm viết: Sông Côn mùa lũ của tác giả Nguyễn Mộng Giác, Nhà xuất bản Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu quốc học - 1998. 
Sách dịch: Trăm năm cô đơn của García Márquez do dịch giả Nguyễn Trung Đức chuyển ngữ. Nhà xuất bản Văn Học - 1986.


2/ Sách thiếu nhi: Tác phẩm viết: Tuổi thơ dữ dội của cố nhà văn Phùng Quán, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1987. Tác phẩm dịch: Chuyện con mèo dạy hải âu bay của Luis Sepulveda, Phương Huyên dịch, do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành.

3/ Giải Dấu ấn mới được trao cho tác giả Hồ Trung Tố với Có 500 năm như thế, Phương Nam Book và Nhà xuất bản Thời Đại, 2011.

4/ Sách nghiên cứu: tác phẩm viết: Việt Nam Phật giáo sử luận của tác giả Nguyễn Lang do Nhà xuất bản Văn Học phát hành năm 2000.

 Tác phẩm dịch thuộc về Bàn về tự do của John Stuart Mill do Nguyễn Văn Trọng dịch, Nhà xuất bản Tri Thức phát hành, 2006.

5/ Sách tra cứu: tác phẩm viết được trao cho tác phẩm Từ điển tiếng Việt do cố GS Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn ngữ học và Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1998.
Sách dịch: Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao của tác giả Trịnh Xuân Thuận do Phạm Văn Thiều, Ngô Vũ dịch, Nhà xuất bản Tri Thức, 2011.

6/ Sách giáo dục: Tác phẩm viết: Đại học Humboldt 200 năm (1810-2011): kinh nghiệm thế giới và Việt Nam của các tác giả Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm, Nhà xuất bản Tri Thức phát hành, 2011. Tác phẩm dịch: Émile hay là về giáo dục của tác giả: Jean-Jacques Rousseau, dịch giả: Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương, Nhà xuất bản Tri Thức, 2008.

7/ Sách quản trị: Sách viết: không có tác phẩm được giải. Sách dịch: Kiểm soát và quản trị (Corporate governance) của Bob Tricker do Nguyễn Dương Hiếu và Nguyễn Thị Thu Hương dịch, do Công ty DTBooks và Nhà xuất bản Thời Đại phát hành, 2011.

6/ Sách kinh tế: Tác phẩm viết: Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam của tác giả Trần Văn Thọ, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, 2005 và được NXB Trẻ - Phương Nam Book in lại năm 2006. Tác phẩm dịch: Những đỉnh cao chỉ huy của Daniel Yergin - Joshep Stanislaw do Phạm Quang Diệu và nhóm tác giả dịch, Nhà xuất bản Tri Thức phát hành, 2007.