25 tháng 2, 2015

Hết Tết

Nếu 10 ngày trước, sáng  28 Tết tôi hạ thổ được chậu mai xuống phòng khách nhẹ cả người thì chiều nay mùng 7 Tết, tranh thủ đi làm về sớm 1 tiếng đưa ngược được nó lên lại sân thượng cũng nhẹ cả người. Tương tự, nếu hôm đưa xuống xong là thực sự bắt đầu Tết thì hôm nay đưa lên xong cũng mới thực sự hết Tết, dù nhà tôi đã cúng đưa ông bà vào ngày mùng 4 Tết. Tính ra nhà tôi ăn Tết đúng 10 ngày.
Dân ta ăn Tết đã thiệt.
Nhớ hôm chiều 30 Tết Nguyễn Trung Ngọc ở Vinh điện vô hỏi thăm công tác chuẩn bị đón Tết xong hết chưa. Tôi báo cáo là xong hết rồi, bản thân mình chẳng còn việc gì để làm nữa. Riêng mụ vợ thì thấy còn nhiều việc lắm. Hắn nghe cười to lên rồi kể: Đứa cháu của vợ chồng Ngọc Nga có hôm mới hỏi bà (Nga vợ Ngọc) bà ơi, bà nấu gì trong phòng bếp mà cháu thấy bà ở trong đó cả ngày vậy. Tôi nghe chuyện thấy rất khoái chí liền kể ngay cho mụ vợ nghe, bả cũng cười và nói bà nào chả thế. Hôm mùng 2 Tết tôi về Cần Thơ thăm Tết nhà cô em gái, nó bảo từ bữa 28 Tết đến nay (mùng 2) chưa rời khỏi căn bếp giờ nào, suốt ngày xào xào nấu nấu. Giờ nó chỉ trông qua Tết để đóng cửa ngủ một ngày cho đã.
Hôm nay bữa trưa ở nhiệm sở cũng vui. Anh Hai Thắng mang đến cái bánh chưng loại 1 kí và 1 chai rượu Sán Lùng đặc sản Lào Cai. Chai rượu bằng thủy tinh trong veo hình cái hồ lô. Mấy anh em đem cái bánh bỏ vô lò điện nướng lên vàng rộm uống với rượu Sán Lùng ngon đáo để. Lần đầu tiên trong đời tôi ăn bánh chưng nướng. Cũng là lần đầu tiên tôi được uống rượu Sán Lùng. Bữa nào đi du lịch Sa Pa Lào Cai phải lùng mua mấy chai mới được. Ngoài vỏ đề 40 độ mà uống rất vô,  nghe thơm phưng phức và êm ngọt dịu gì đâu. Thiệt đúng là đặc sản.

                                       Dù đã cúng đưa ông bà từ hôm mùng 4... 

  ...nhưng Tết nhà tôi chỉ thực sự hết khi cây mai chiều nay mới ngược lên lại ngự trên sân thượng


                              Sau 10 ngày phục vụ Tết, hoa đã thành quả


                                      Cây hồng chiều nay cũng nở tưng bừng 


 Chai rượu Sán Lùng (còn gọi là San Lùng hay Shan Lùng) là thứ rượu đặc sản của người Dao đỏ sản xuất từ thôn Sán Lùng, xã Bản Xè huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai. Ai lên Lào Cai nhớ tìm mua nhé (Ảnh: internet)


22 tháng 2, 2015

Thế là Tết đến Xuân sang

                                       Lê Quang Phương

 Thân gửi các bạn mấy dòng song thất lục bát mừng Xuân mừng Tết



    TẾT ĐẾN XUÂN SANG

Này xuân hỡi đôi dòng tôi viết
Gửi bạn bè biền biệt xa xăm
Thế là Tết đến Xuân sang
 Nhà nhà sắm tết rộn ràng đón Xuân
Cùng sắc đỏ đào mừng xứ Bắc
Với cành mai  ấm áp trời Nam
Những lời chúc Tết đầu năm
Ấm êm hạnh phúc vinh quang mỗi nhà

Ba ngày Tết vội qua chi lắm
Bỏ Xuân tươi hoa thắm đang thì
Một mùa xuân nữa đang đi  
Hơi xuân phủ lấy hàng mi xuân mờ

Thức Xuân đọng trên bờ môi thắm
Gió Xuân lay nồng ấm hồn ai
Soi gương tóc bạc như vôi
Ờ ờ Xuân bất tái lai KIẾP NGƯỜI
LQP




21 tháng 2, 2015

Du xuân

Nhận lời mời của vợ chồng cô em gái, sáng mùng 2 Tết vợ chồng tôi về Cần Thơ thăm Tết và cũng là mừng tân gia nhà cô em gái vừa hoàn thành một căn nhà khang trang cao 4 tầng ngay trước thềm năm mới. Tôi có những 2 cô em gái làm ăn lập gia đình và sinh sống ở Cần Thơ đã mấy chục năm nay.
Đường về Miền Tây bây giờ thật thuận lợi. Từ nhà tôi lên xe buýt tuyến 32 đến bến xe Miền Tây chỉ mất chưa đầy 30 phút. Mua vé giường nằm hãng Phương Trang Sài Gòn đi Cần Thơ chỉ với 160 ngàn/vé. Cứ tưởng mới mùng 2 Tết thì chưa ai đi đâu, chắc mình đi rảnh rang lắm hóa ra người SG đi miền Tây cứ đông nườm nượp. Đó là chưa kể hàng đoàn xe máy của các cặp nam thanh nữ tú đi nối đuôi nhau như diễu hành trên QL1 về miền Tây. Đã từ bao đời nay, sông nước miệt vườn Miền Tây luôn hút hồn dân du lịch nói chung và dân Sài Gòn nói riêng nên hễ có dịp rảnh rang là mọi người lại tìm về với vùng đất châu thổ sông Cửu Long này.
Có đi Miền Tây vào dịp Tết mới thấy hết không khí đón xuân rộn rã của dân Việt ta. Hai bên đường hàng quán vẫn mở vẫn mua bán nhộn nhịp, quán ăn đầy xe và người; những rừng mai vàng trong các nhà dân nở ngút ngàn, cây cối xanh tươi…
Qua cầu Mỹ Thuận rồi qua cầu Cần Thơ là tới… Cần Thơ. 7h lên xe nằm ung dung ngắm khung cảnh loang loáng qua khung cửa kính, chỉ mất 3 tiếng rưỡi sau là đã đặt chân vào căn nhà mới của cô em gái. Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng cười nói rộn ràng cứ vui như… đang giữa ngày mùng 2 Tết.  
Về Cần Thơ mới thấy dân miền Tây vui chơi nhộn nhịp có khi còn hơn cả Sài Gòn. Cần Thơ với những đường phố rộng thênh thang cũng đầy xe và người. Đặc biệt dân Miền Tây vẫn còn lưu giữ nếp sinh hoạt ngày Tết qua lại chúc Tết thăm hỏi lẫn nhau như ở miền Trung và miền Bắc chứ không lạnh lẽo xa vắng trong quan hệ như dân Sài Gòn. Bia rượu cứ là cụng li bôm bốp. Một không khí rất… Tết.
Sáng nay mùng 3 dậy ăn sáng đâu vào đó tôi lên xe hãng Thành Bưởi để về lại Thành phố. Nghe nói hãng xe này chạy cũng ngon lắm nên đi thử cho biết xem có tốt như Phương Trang không. Kết quả là cả hai nhà xe này đều ngon như nhau. Bà con Thành phố có ai đi đâu thì cứ nhằm hai hãng Phương Trang, Thành Bưởi mà đi nhé. 
Vậy là vợ chồng tôi đã xong một chuyến du xuân thú vị.

   Ngôi làng và cánh đồng xanh mát Miền Tây (đoạn qua Cái Bè - Tiền Giang)


                                          Sông Hậu nhìn từ cầu Cần Thơ


                               Một góc Thành phố Cần Thơ bên bờ sông Hậu


                                   Cửa ngõ Tp. Cần Thơ


19 tháng 2, 2015

Đường hoa Hàm Nghi Tết Ất Mùi 2015

Gọi là đường hoa Hàm Nghi nghe có vẻ là lạ bởi đã hàng chục năm nay người dân Thành phố quen với tên gọi đường hoa Nguyễn Huệ. Nhưng không gọi không được vì nó nằm gọn trên con đường Hàm Nghi thì phải gọi vậy. Có lẽ tốt nhất nên gọi là đường hoa Sài Gòn.
Tết ở Sài Gòn mà chưa đi thưởng ngoạn đường hoa thì coi như chưa ăn Tết hiểu theo nghĩa đầy đủ của từ này. Riêng tôi đã 6 năm định cư Sài Gòn và cũng đã 6 năm ăn Tết với đường hoa Thành phố.
Sáng nay mùng Một ngủ dậy ăn sáng đâu vào đó xong chọn giờ hoàng đạo (9h) và chọn cả hướng tài lộc (hướng Đông) vợ chồng tôi nhằm đường Hàm Nghi thẳng tiến. Khác với sáng mùng 1 Tết mọi năm, mùng 1 Tết năm nay trên mọi con đường đều đông đúc người xuất hành. Ngay từ nhà tôi ra đến đường Tân Sơn Nhì đã thấy đông đúc. Ra đến Trường Chinh, Cộng Hòa, rồi Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa càng đông đúc hơn. Khi đến ngay giữa cầu Công lý thì tắc đường phải đứng chôn chân mất 10 phút do dưới chân cầu phía quận 3 có chùa Vĩnh Nghiêm nên dân tình đi lễ quá đông. Đầu năm ai cũng chen chân vô chùa vái lạy cầu lộc cầu tài. Trộm nghĩ, nếu chỉ đi khấn vái (kể cả khi đông đúc quá khấn cả vào mông nhau như cảnh chùa Vĩnh Nghiêm sáng nay) mà giàu sang phú quý thì cả nhân loại này đã giàu có hết rồi, cần gì phải trần lưng ra làm lụng cho mệt. Vụ chen nhau đi lễ chùa này chỉ nuôi béo mấy chú giữ xe tự phát và mấy cái thùng công đức của nhà chùa mà thôi. Thảo nào thấy ông thầy chùa nào cũng ục ịch láng mỡ.
Hành trình tôi đến với đường hoa năm nay không chạy hết đường NKKN để quẹo vô cuối Nguyễn Huệ như mọi năm mà là quẹo sang Pasteur để gửi xe xong thì tản bộ sang Hàm Nghi ở ngay khúc giữa đường hoa. Từ đó xuôi theo tay mặt về hướng chợ Bến Thành để đến phía đầu đường hoa.
Cảm nhận chung là đường hoa mỗi ngày mỗi xuống sắc, năm sau kém hơn năm trước một bậc. Rất nhiều đoạn bài trí tản mạn theo kiểu câu giờ, ít điểm nhấn và kém công phu hơn mọi năm trước.
Đó là tôi nói với con mắt của người đã 6 năm liền gắn với hình ảnh đường hoa. Chứ nếu mà lần đầu tiên bạn tới với đường hoa thì sẽ thấy khá vĩ đại. Tôi đã thấy không ít sự trầm trồ choáng ngợp của những du khách trước một đường hoa Tết năm nay, một đường hoa trải dài cả 500m.

Từ đường Pasteur sang đập ngay vào mắt là một ao sen với thuyền tam bản và vó bè bắt cá rất Nam Bộ


Hình như là một khu nhà bếp ngày Tết toàn bằng tre pheo. Nhà bếp mà có treo cả đôi câu đối thì hơi lạ. Tôi thích cái chõng tre này, giá có nó đem về bỏ trên sân thượng nằm hóng mát thì tốt  

                                Những giò hoa đủ màu đẹp lung linh


                                            Chả biết là bà xã đang chụp gì


                                            Tôi chụp cho bà xã một kiểu


                                               Bà xã chụp cho tôi một kiểu

  Rồi nhờ một chú bé bấm giùm cho hai bác một kiểu. Từ đây trở đi thì mạnh ai nấy chụp


                              Một lúc thì đã đến đầu đường hoa với gia đình họ nhà dê


                            Chả mấy khi gặp một gia đình dê sung túc đầm ấm như thế


 Nhưng nhìn kĩ thì thấy hình như đây là một gia đình dê đồng tính. Vì cả hai dê bố mẹ đều giống đực và có sừng như nhau (đúng ra dê mẹ làm gì có sừng). Có lẽ đây là hình ảnh biểu trưng cho luật hôn nhân đồng giới sắp được quốc hội thông qua.


                     Nhìn qua bên đường đã là chợ Bến Thành. Quay lại thôi.


 Đường hoa ngày một đông đúc hơn với dân tình thưởng ngoạn. Tôi cẩn thận kiểm tra lại bóp và điện thoại trong túi quần. Nghe nói tối qua 30 Tết, đã có hàng chục trường hợp bị mất bóp và điện thoại


                                      Một vùng phong lan sặc sỡ. Quá đẹp


                                 Trạm chờ xe buýt cũng thành trạm hoa

 Nhà tranh vách lá và xe hoa. Trong lúc mụ vợ chụp bông hoa nhỏ li ti thì tôi chụp đại cảnh

 Dàn khổ qua giữa phố phường. Giá hôm nào kết thúc cho mình về phơi khô nấu nước uống trị tiểu đường thì tốt


             Ruộng lúa giữa phố phường. Hình như là xen canh với đường phố 


                               Rặng tre làng giữa phố phường 


                                Bình tưới ra hoa vĩ đại


 Đoàn metro chở đầy hoa sẽ thành hiện thực của Tp. HCM vào năm 2020, một điểm nhấn của đường hoa SG năm nay


                               Rừng mai vàng khoe sắc đang rộ nở

 Kết thúc đường hoa là một đàn dê vàng béo múp míp biểu tượng cho sự no đủ và giàu sang

 Kết thúc đường hoa cũng là sự bắt đầu của Lễ hội đường sách Tết Ất Mùi 2015


 Tôi mua được ở Đường sách cuốn Sài Gòn tạp pín lù của Nhà văn hóa, học giả Vương Hồng Sển. Đến đây thì kiếm chỗ ngồi uống nước giải mỏi rồi về thôi 

Vậy là tôi đã xong được chuyến du ngọan Đường hoa Hàm Nghi Tết Ât Mùi 2015, cũng là xong được màn khai bút (mà đúng ra là khai laptop) đầu Xuân.



18 tháng 2, 2015

Bâng khuâng chiều 30


Chiều 30 Tết khiến mọi người bâng khuâng. Khi mà mọi việc cho Tết đã hoàn tất. Tắm gội tất niên cũng đã xong. Tôi ngồi ngắm cây mai đang dần rộ nở. Trong lúc ông hàng xóm đối diện đang mở nhạc và hát karaoke một mình rất to: Ơi Huế của ta… Ta có Huế ngọt ngào. Ông này người Huế làm nghề may gia công ngay trong nhà. Chiều qua lúc tôi đang lau 2 cánh cổng ông hỏi thăm vài câu, điều hiếm thấy trong năm. Tôi hỏi lại Tết anh không về quê à. Không anh, cho mấy đứa con về Huế ăn Tết với ông bà hết rồi, chỉ còn hai vợ chồng ở lại giữ nhà. Buồn lắm. Tôi hiểu nỗi buồn nhớ quê hương của người con xa xứ nơi ông. Bởi tôi cũng vậy. Tết chỉ muốn về với quê hương, với cha mẹ, với hương khói mồ mả tổ tiên ông bà.
Tiếng hát của ông tôi không thấy sự ngọt ngào của Huế mà thấy sự nhớ nhung của kẻ tha hương.
Đang bâng khuâng thì bà xã nói hình như nhà mình hết tăm xỉa răng rồi. Chuyện nhỏ. Xách xe chạy ra siêu thị BigC mini gần nhà làm ngay một hộp 8.000đ (siêu thị này bán xuyên Tết không nghỉ). Đi qua chỗ vỉa hè bán dưa hấu thấy một đống to lù lù như cái ô tô những quả dưa Kiên Giang đen trùi trũi mà đề giá chỉ 4.000 đồng/kí. Bình thường loại này phải 8 ngàn/kí. Hai anh chàng bán dưa vắng khách dưới nắng chiều 30 Tết mặt méo xèo xẹo nhìn như muốn khóc. Kiểu này là ế nặng rồi đây. Dù không có ý định mua tôi cũng liền dừng lại chọn một quả nặng 7 kí. Tôi chưa kịp trả anh bán dưa đã bảo: chú mua ủng hộ đưa con 25 ngàn cũng được, đáng lẽ là 28 ngàn. Tội thế. Anh ta còn dặn tối chú ra mua thêm nhé có khi con bán xổ quả 10 ngàn rồi về quê ăn Tết luôn. Kiểu này là con không về đến quê trước giao thừa rồi chú.
Lại bâng khuâng nữa. 
Về nhà rửa sạch rồi đặt quả dưa lên bàn thờ để đến khuya nay cúng giao thừa. Còn hơn 4 tiếng nữa chứ mấy.

Chiều 30 bâng khuâng, còn việc gì cần làm nữa không nhỉ.


                            Quả dưa Kiên Giang bao đỏ nặng 7kí chỉ 25 ngàn đồng


                                            Cúng giao thừa


16 tháng 2, 2015

Ta nghe mùa xuân hát bên kia trời

Tôi không tin là có ai đó lại dửng dưng khi Tết đến xuân về. Năm ngoái có một ông nhà văn còn phát biểu trên TV là ngày Tết thì cũng như ngày thường, hết 30 đến sáng mùng một rồi kế tiếp mùng 2, mùng 3 thôi. Mọi sự thì cũng như ngày thường, chỉ khác ngày thường là được nghỉ nhiều ngày hơn. Tôi nghe và cho rằng tay nhà văn này đang có vấn đề về thần kinh. Có lẽ những ai đang thật vô cùng bất hạnh, hoặc đang ở trong một cơn khủng hoảng tinh thần cao độ thì mới dửng dưng với Tết, mới không mong Tết. Và như vậy, những ai không có Tết hoặc dửng dưng với Tết thì thật là bất hạnh.
Với tôi, Tết có một có gì đó rất thiêng liêng và rất lạ không thể cắt nghĩa một cách rành mạch. Dù đã đi qua 60 năm cuộc đời, Tết vẫn luôn rất mới và thú vị. Hàng năm tôi vẫn náo nức và xúc động khi Tết đến.
Vì thế mà năm nào tôi cũng nắn nót và chuẩn bị đón Tết theo cách riêng và ý thích của mình.
Với nhà tôi, Tết chỉ thực sự bắt đầu khi chậu bông mai vàng đã được hạ thổ từ sân thượng xuống và chỉnh chện khoe sắc ở phòng khách. Công việc này chỉ mỗi tôi làm. Một chậu mai to là khá nặng. Sức yếu nhưng không muốn nhờ vả thuê mướn ai, tôi làm theo mẹo học mót được của người Bình Định từ hồi còn sống ở đó. Nhổ cây ra khỏi đất, lấy hết đất ra khỏi chậu. Nghĩa là chậu mai đã được chia 3 đất ra đất, cây ra cây, chậu ra chậu. Rồi cứ thế thong thả vận chuyển xuống 3 tầng lầu.
Sáng nay trong lúc vợ và con gái đi mua hoa ở chợ hoa đầu mối Đầm Sen thì tôi đã làm xong công việc nặng nhọc nhất và có ý nghĩa quyết định nhất cho sự bắt đầu một cái Tết nhà tôi ấy.  
Xong việc tôi pha ấm trà độc ẩm và tha hồ thưởng lãm công trình của mình. 
Tết đã thực sự về rồi.
Chợt tôi vẳng nghe từ nhà hàng xóm (tôi có may mắn luôn ở gần những nhà hàng xóm mở nhạc rất to) bài hát về mùa xuân với câu hát: Mùa xuân ơi! Ta nghe mùa xuân hát bên kia trời...
Tôi không biết bài hát tên gì và giọng nữ đang hát rất sôi nổi câu ca kia tên gì nhưng rất hợp với tâm trạng của tôi.
Tuy nhiên ngẫm kĩ lại thì thấy ca từ của bài hát này khí vô duyên khi Tết đã đến rồi mà mùa xuân vẫn ở mãi đâu đó bên kia trời. Nếu vô tay tôi thì sẽ viết là Mùa xuân ơi! Ta nghe mùa xuân hát bên hiên nhà (thay 3 chữ bên kia trời bằng bên hiên nhà). Phải là bên hiên nhà mới gần gũi, gần cả về không gian và thời gian chứ. May mà phần nhạc của bài hát đã gỡ lại làm cho bài hát vẫn hay, vẫn đi vào lòng người nghe nhất là khi người nghe đó lại là một kẻ đang ngồi uống trà một mình và ngắm những bông mai vừa hé nở do chính tay lão giồng được trong căn nhà yên tĩnh giữa một Sài Gòn ồn ĩ sáng 28 Tết .
Đang nghe được vài câu thì (nhà hàng xóm) chẳng hiểu sao tắt phụt ngang xương để cho câu ca Ta nghe mùa xuân hát bên kia trời cứ luyến láy mãi trong đầu khiến tôi cứ lẩm nhẩm hát theo mãi. Nó là bài hát gì và do ai sáng tác nhỉ. Tức quá liền bật máy, vô google sợt cho ra thì thôi. Thì ra đó là bài hát Nắng có còn xuân của nhạc sĩ Đức Trí. Tìm được rồi thì mở to hết volume lên nghe cho đã. Uyên Linh hát rất hay. Những lời ca thánh thót trong sáng long lanh như rót vào tai người nghe cực kì say đắm:
Mùa xuân ơi! Ta nghe mùa xuân hát bên kia trời.
Đâu đây tiếng đàn cầm buông lả lơi
Đâu đây tiếng đàn tôi nghe tả tơi
Và em tôi, lung linh giọt sương trắng trong vời vợi
Em biết yêu rồi, em yêu những chiều ngồi nghe gió rơi…  

Hay thế chứ. Ta nghe mùa xuân hát bên hiên nhà…

 Với sự xuất hiện của chậu mai vàng ở phòng khách, Tết đã thực sự bắt đầu ở nhà tôi 

          Trong lúc đó, cây mai còn lại trên sân thượng sáng nay cũng  đã nở tưng bừng

                               Hình ảnh của nó 4 ngày trước còn nụ thế này


                Bàn thờ ba tôi ngày Tết. Lần đầu tiên Tết tôi vắng ba



12 tháng 2, 2015

Khoe mai Tết

Tết đến người miền Bắc chơi hoa đào, người miền Trung chơi cả đào lẫn mai, riêng người miền Nam chơi mỗi mai vàng. Có thể nói với người miền Nam, phi mai bất thành Tết. Cây mai nở bông vàng rực sang trọng, ấm áp, mang đến không khí vui tươi và làm bừng sáng cả căn nhà ngày Tết. 


                     Cây mai 5 cánh vừa nở những bông đầu tiên sáng nay 26 Tết

Nhà tôi có 2 cây mai vàng là giống mai chính gốc Bình Định cất công mang từ Qui Nhơn vào. Người ta bảo vì mai là giống hoa rất đỏng đảnh khó chăm cho ra bông theo đúng ý nên nếu Tết đến muốn chắc chắn có mai chưng phòng khách thì bạn phải có trong tay từ 3 đến 5 cây, từ đó ít nhất có được 1 cây ra bông đúng dịp tết để chơi. Tôi chỉ có 2 cây, chăm sóc theo kiểu rất chi là tay mơ thuần túy amater, vậy mà năm nào cả 2 cây cùng ra nụ trổ bông đúng tết. Nếu là chỉ 1-2 năm thì còn nói ăn may, chứ đằng này đã 5 năm liền như thế rồi, không lẽ tôi ăn may mãi. Năm nay cũng vậy, cả 2 cây đều rất dày nụ, sẽ báo hiệu một mùa mai Tết sung túc.
Vợ tôi bảo là ông ăn may, con tôi thì bảo là ba có tay trồng mai. Tôi thì nghĩ có khi mình ở hiền nên gặp lành. Có thể đúng.
Qua nhiều năm tự tay chăm bón và hưởng thụ thành quả, tôi rút ra một điều là mai vàng rất cần nắng, có khi nắng còn cần hơn cả phân. Bởi 2 cây mai của tôi đều ngự cả trên sân thượng không che chắn gì dưới cái nắng mặt trời phương Nam chói chang quanh năm. Không có nắng mai sẽ không ra hoa. Hai nữa là trồng mai không cần xanh tốt như trồng rau mà chỉ cần tưới đủ nước để duy trì sự sống là được. Thứ 3 nữa là nếu muốn thúc mai nở sớm thì phải tưới đẫm nước ngày 2-3 lần. Còn nếu muốn hãm sự ra bông lại thì chỉ cần tưới ngày một lần và tưới chỉ vừa đủ cho khỏi chết cây là được. 
Hồi còn ở Bình Định tôi thấy do tiết trời lạnh nên người ta vặt lá mai từ rằm tháng 11 âm lịch, trước tết những 45 ngày. Nhưng ở Sài Gòn thì mãi đến rằm tháng chạp mới vặt lá. Vặt cho trụi lá xong thì chỉ 10 ngày sau là nụ đã căng mẩy khắp các cành.
Hai cây mai của tôi thuộc loại mốt của dân chơi mai cảnh. Một cây cho ra bông loại 5 cánh dày dặn, màu vàng gạch. Chứ mai mà cánh dày đặc như bông cúc (gọi là cúc mai) thì không đẹp đẽ gì. Mai phải ra mai, cúc phải ra cúc mới đẹp (cũng như uống cafe, cafe phải ra càfe, sữa phải ra sữa, chứ mà uống cafe trộn với sữa thì có ra cái giống gì). Cây còn lại bông có 8 cánh đặc biệt là có hương thơm, gọi là hương mai. Cả hai cây đều ra bông dài ngày, hết lớp này tiếp lớp khác. Đến sau mùng 5 Tết vẫn còn sây bông.
Cũng xin khoe thêm nữa là 2 cây mai nhà tôi đều thuộc loại siêu sạch. Mỗi năm vào ngày 6 Tết, sau khi chơi Tết xong mỗi cây được thay bằng một bao "Đất sạch dinh dưỡng trồng mai" do một cty ở Nhà Bè đóng gói sẵn. Tuyệt đối không phun bất cứ một thứ hóa chất diệt sâu bọ hay kích thích sinh trưởng gì khác. Lại thêm hàng ngày được tưới tắm bằng nước của nhà máy nước Thủ Đức lấy nguồn từ sông Đồng Nai. Không sạch mới lạ.
Sáng nay lên sân thượng tập thể dục, thấy cả 2 cây nụ đã căng cứng, tôi phải kéo một cây vô mái nhà trống để hãm bớt lại, không lỡ nó nở sớm thì uổng. Tôi đang phân vân không biết năm nay sẽ chọn cây nào đưa xuống phòng khách chưng tết.

                   Cây này đã 12 tuổi, bông có 5 cánh, vàng sậm như màu gạch


     Sáng nay tôi phải kéo vào dưới mái nhà trống cho bớt nắng, lỡ nó nở sớm thì uổng


                           Cây này nụ phân phối khá đều trên các cành và rất mẩy


                                Cây thứ 2 đã 15 tuổi,  vẫn để nguyên ngoài trời


                      Cây này bông có 8 cánh, có hương thơm. Là giống hương mai


                                     Nụ khỏe lại to nở đúng Tết là cái chắc

   

11 tháng 2, 2015

Phong Nha

                                                     Thơ  Nguyễn Xuân Sùng

PHONG NHA

Trong tiếng đàn ấy, mọi vật
đều sống bên nhau bình yên hạnh phúc

Bất ngờ
một thoáng Phong Nha
bồng bềnh mây nước
như là trong mơ
rêu phong
lèn dựng trầm tư
ngàn năm
nào có đợi chờ thi nhân
khói sương lãng đãng
xa - gần

rèm buông
ngăn với bụi trần
cõi tiên
ta về thăm
chốn động thiêng
đánh rơi phiền muộn
lãng quên tháng ngày

cung đàn ai lựa đâu đây
nghe riu rít gió
nghe mây chuyển ngàn
reo vui
thánh thót oanh vàng
trầm hùng
tự thuở hồng hoang
vọng về

ta hoà trong cõi đê mê
hoà trong tiếng gió
mà nghe ấm lòng

thuyền thơ
lướt nhẹ sông ngân
giữa vòm tinh tú
trong ngần tiếng tơ
ta đi đây
thực hay mơ
mà sư tử
đứng
ngẩn ngơ vệ đường

lối này rẽ chốn Hoàng Cung
đường vào tiên cảnh
chập chùng cầu mây
Phong Nha
chợt tỉnh giấc say
đường trần
đi hết
tháng ngày Suy Tư


   Vợ chồng tác giả Nguyễn Xuân Sùng trước Dinh Độc Lập tháng 7-2014 

VIẾT BÊN MỘ
NGUYỄN HÀM NINH

Đường về thăm Cụ chiều xuân
Lang thang xóm núi chọn vần cho thơ
Tơ trời nhuộm chín rừng mua
Xốn xang nắng sớm, ngẩn ngơ mây chiều

Hài văn khua động lưng đèo
Thung dung gậy trúc dõi theo mắt cười
Tri âm nào bấy xa xôi
Quản chi sương gió núi đồi nắng mưa

Chóp chài hoa trắng rừng thưa
Cao cao ngõ trúc bây giờ là đây
Câu thơ còn đọng sương mai
Thanh tao dâng chén rượu này Cụ ơi !

Chén vui chạm ở lưng trời
Cho nghiêng ngả đất rạng ngời vàng thau
Chén này chạm vợi nỗi đau
Bao năm Cụ đã ném sâu giữa dòng

Câu thơ có lửa có giông
Cuộc đời nhân thế gương trong chẳng mờ

Nơi nào rượu sớm trà trưa
Nơi nào thi tứ trăng khuya… nơi nào ?
Chia tay trong gió rừng chiều
Dõi xa còn thấy Cụ nheo mắt cười.


NGƯỜI GỐI CÁNH TAY MÌNH

18 tuổi
Trường Sơn lửa bỏng
Em đi phá đá mở đường
Dấu trái tim rừng rực yêu thương

Gối đồng đội
Gối ba lô
Gối súng
Giấc ngủ trườn qua năm tháng
Giấc mơ tình yêu

Tuổi 40
Thổn thức tiếng chim Từ quy
Không còn áo xanh đồng đội
Không còn người thương chờ đợi

Tấm gối sờn
Đôi bồ câu rã cánh
Bồ câu lẻ bạn

Em gối cánh tay mình

Đẫm niềm đau 





9 tháng 2, 2015

Chiêu tuyết cho dê

                                                          Chử Anh Đào

          Con dê là một biểu tượng văn hóa của phương Đông lẫn phương Tây từ nghìn xưa.Tuy nhiên, trong đời sống văn học nghệ thuật Việt, từ văn học dân gian tới văn học viết, dê có số “phiếu tín nhiệm” thấp, chịu nhiều tai tiếng.
          Ngay câu chuyện ngụ ngôn vỡ lòng:Dê trắng dê đen qua cầu đã dạy người ta bài học biết nhường nhịn, đừng như hai nhân vật trong chuyện mà chuốc lấy hậu quả chẳng hay ho gì.Trò chơi dân gian “bịt mắt bắt dê”phổ biến cũng bị lợi dụng. Người ta chế giễu: “Giả vờ bịt mắt bắt dê/ Để cho cô cậu dễ bề… với nhau”. Sau đây là tục ngữ, thành ngữ, ca dao về con vật này:
-         Cà kê dê ngỗng: lan man, không mục đích, hiệu quả.
-         Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng.
-         Bán bò tạu ruộng, mua dê về cày: việc làm không thích hợp.
-         Dương chất, hổ bì: mùi vị là dê (nhưng là) da hổ.
-         Treo đầu dê, bán thịt chó: nội dung không đúng với hình thức, lừa đảo.
-         Dê xồm ăn lá khổ qua
        Ăn nhiều sâu róm chết cha dê xồm
-         Tuổi Mùi là con dê chà
         Có sừng có gạc râu ra um sùm
-         Bươm bướm mà đậu cành bông
         Đã dê con chị lại bồng con em
-         Phượng hoàng đậu nhánh sa kê
         Ông thần ổng hổng vật mấy thằng dê cho rồi
 (Các từ “khổ qua”, “um sùm, bông, ổng, hổng” cho biết 4 câu ca dao trên có nguồn gốc Nam bộ. Từ “dê” ở hai câu sau đã chuyển loại thành tính từ để chỉ những ham muốn và hành động tính dục quá mức bình thường).



          Trong văn học viết, tình hình cũng không khá hơn. Với “Hịch các tì tướng”, Trần Hưng Đạo đã dùng từ” “dê chó” cùng với “cú diều” để chỉ sứ nhà Nguyên: “Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”. Hồ Xuân Hương mắng bọn học trò dốt và ví chúng như “ong non ngứa nọc”, “dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”. Nguyễn Gia Thiều mượn tích “dương xa” vua Tấn Võ Đế bên Tàu hàng đêm cưỡi xe dê vào cung cấm. Các cung tần mĩ nữ đã dùng lá dâu non để dụ dê, mong nhà vua gần gũi và mây mưa với mình.Trái với số đông, người cung nữ trong “Cung oán ngâm” của tác giả họ Nguyễn khao khát một tình yêu đích thực: “Phải duyên hương lửa cùng nhau/ Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào”. Những nghĩa sĩ Cần Giuộc trong văn tế của cụ Đồ Chiểu đội đất nước ông bà lên trên hết, thà một mất một còn với quân xâm lược: “Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó”. Tố Hữu gọi bọn giặc trong “Bà má Hậu Giang” là “một toán quỉ” và miêu tả ngoại hình của chúng: “Mắt mèo hoang, mũi chó, râu dê”…
          Trở lại, trong đời sống, dê là con vật hiền lành, dễ thương, nhanh nhẹn, thông minh; có nhiều đóng góp cho con người về tín ngưỡng, tôn giáo, nhận lấy đau khổ để cứu chuộc cho con người, thậm chí được phong thần trong thần thoại Hi Lạp…Xưa nay, sữa dê, thịt dê là thức ăn bổ dưỡng. ( Dân ta còn dùng xương để nấu cao sơn dương) Người La Mã cổ lấy da dê làm bùa. Áo, giày, túi đựng nước, bìa sách…làm bằng da dê sẽ trở thành “ hàng hiệu” quí giá. Còn sức mạnh vô song của dê đực trong việc duy trì nòi giống thì phải cảm ơn Tạo hóa, cảm ơn Mẹ tự nhiên vĩ đại.
          Vĩ thanh
1.     Từ dê nói sang chuyện người. Tôi có một ông bạn. Ông này ăn thịt cầy bền vững, tháng hai lần, mỗi lần mười lăm ngày, chấp cả rằm, mồng một. Ăn tới mức lá mơ nhìn thấy hắn phải héo; còn khoản “hò kéo pháo” thì dê cụ gặp hắn phải quì hai chân trước xuống chào. Chuyện lá mơ xảy ra khi đi trại Nha Trang, lúc vào nhà ông bạn họa sĩ chuyên nặn gốm Chăm. Chuyện dê cụ ra lệnh cho cả đàn quì chào sư phụ khi phát hiện hắn ngồi trên ô tô trước mặt diễn ra ở Ia Nhin, trên đường vào thủy điện Ia Li.
2.     Lẩu dê đặc sản Ninh Bình của Thi Mong ở số 10, hẻm Trần Phú ngon cực nhưng tôi không tới, phần vì chỗ thân quen, chủ nhà đãi không lấy tiền nhưng quan trọng hơn là tôi thề không bao giờ ăn thịt đồng loại.                                                                            

                                                                                 C.A.Đ