24 tháng 10, 2012

Báo An ninh thế giới cuối tháng thuổng bài đăng trên Tập san Trường THPT Đồng Hới

 Trước hết mời các bạn hãy đọc bài viết sau đây đăng trên:  

THẦY GIÁO TÔI
10:00, 13/02/2008
 Hồ sơ phạm nhân nói rõ, thầy chỉ có một con trai độc nhất. Và, thầy sẽ sống độc thân, nếu bản án y án, chuyển sang Toà án, sau đó xét xử và thi hành. Bao nhiêu năm làm công tác hành pháp, đến bây giờ, tôi quả là nghẹt thở, khi đứng trước một trường hợp éo le như thế này. Tôi sẽ cứu phạm nhân, cũng là cứu ân nhân đời tôi.
Các anh chị trong Ban Biên tập Báo ANTGCT thân mến!
Trong thời đại @ hiện nay, bên cạnh bao nhiêu người tốt, sống hết mình vì mọi người, có những kẻ sống táng tận lương tâm. Họ sẵn sàng vứt bỏ, chà đạp những giá trị cao cả, đầy tính nhân văn, mà đôi khi chính họ, trong quá khứ đã góp phần làm nên, miễn làm sao thực hiện được những mục đích ích kỷ, tầm thường của mình. Trong số đó, có những người mà xã hội đã hết sức ngợi ca, đề cao, trọng vọng, đó là những người ngày ngày đứng trên bục giảng, những kỹ sư của tâm hồn.
Nhưng, các anh chị ơi, đó là số ít, rất ít. Mãi mãi trong tôi ngân vang một bài ca sư phạm, bài ca về một người thầy giáo, người thầy mẫu mực, người thầy đầy đủ những ý nghĩa thiêng liêng, cao cả của nó. Chuyện tôi kể ra đây là chuyện có thật, có thật 100%. Tin hay không là tùy các anh chị và bạn đọc, nếu như chuyện được đăng lên báo.
Bố mẹ tôi mất sớm. Ở với anh trai, trong những ngày cơm thiếu gạo khan thời bao cấp, tôi đã biết phải vươn mình lên học thật giỏi để khỏi phụ lòng anh trai và chị dâu tôi. Rồi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mở rộng ra miền Bắc, đời sống của người dân khu 4 chúng tôi càng trở nên khốn khó, vất vả. Mỗi tuần, tôi chỉ được mang đi 5 lon gạo để theo học, ở nơi trường sơ tán. Tôi và bạn bè, ngoài giờ học, lao động đã đi hái thêm rau rừng, củ rừng để cho cái dạ dày đỡ khóc than.
Rồi dạo đó, một đợt lũ do nhiều đợt mưa lớn đổ xuống, tôi không tài nào về nhà lấy thêm gạo được. Đói quay, đói quắt, đói vàng mắt, đói đến rệu rã chân tay. Khi hoàng hôn sắp phủ xuống, tôi bỗng thấy thầy chủ nhiệm đến trước lán ở, nơi sơ tán, gọi tôi mà nói: "Em ăn đi, lương khô 702 đây. Chiều qua, mới nhận được 1/3 tháng lương, thầy mua được của một chủ nhà bên đường, xóm dưới", "Ôi! Sao nhiều quá thầy?" - tôi hỏi. Thầy vỗ vai tôi: "Chẳng đáng gì", "Thôi, thầy về đây!". Rồi mùa đông đến, thấy tôi mặc áo quá phong phanh, thầy lại tìm đến, tặng tôi một chiếc áo bông vải xanh màu nước biển, rồi bảo thầy đã có một cái áo bộ đội vải Tô Châu của một người bạn vừa cho. Còn áo này, tôi mặc lấy để bảo vệ sức khỏe.
Người ta nói, thầy giáo như người chèo đò đưa khách sang sông. Không biết thầy có còn nhớ tôi hay không, nhưng khi đã vào đại học, hình ảnh thầy giáo cũ vẫn thấm đậm trong tôi, mặc dầu lúc ấy tôi và thầy cách xa nhau vạn dặm.
Mùa hè đỏ lửa 1972, trong đợt Nhà nước tổng động viên thanh niên, sinh viên ra trận, tôi cùng nhiều bạn bè rạo rực, hân hoan "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". Tôi là chiến sĩ trinh sát của Sư đoàn 371, cấp tốc huấn luyện cơ bản tại miền Tây Lệ Thủy (Quảng Bình) để đợi ngày xuyên Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Do ý thức phấn đấu tốt, sau 3 tháng, chỉ huy đơn vị đã cắt hàm binh nhì và đề bạt tôi lên làm Tiểu đội trưởng, thay cho Tiểu đội trưởng cũ đi nhận công tác mới. Một buổi sáng, Đại đội trưởng gọi tôi lên hầm chỉ huy và thông báo, đơn vị vừa được tăng quân số, tiểu đội tôi sẽ có một chiến sĩ mới bổ sung.
Trưa hôm đó, chiến sĩ mới xuất hiện trước căn hầm, với súng AK, mũ, balô con cóc mới toanh. Tôi không tin nổi mắt mình. Đứng trước tôi, chiến sĩ mới ấy, chính là... chính là thầy giáo chủ nhiệm 3 năm học cấp 3 năm xưa của tôi. "Thầy! Thầy ơi!", tôi reo lên. Thầy giáo của tôi đứng nghiêm tư thế quân lệnh dõng dạc: "Báo cáo Tiểu đội trưởng, tôi, bình nhì Hoàng Phúc, chiến sĩ mới được bổ sung, có mặt!". Trời ơi, sao lại thế này? Người thầy đáng kính năm xưa, giờ đây là chiến sĩ dưới quyền chỉ huy của tôi? Thế đấy, vì Tổ quốc thân yêu, chiến hào của chiến tranh là nơi hội ngộ bao số phận, bao cuộc đời, cả những sự trớ trêu trân trọng và đáng yêu!
Tối hôm đó, tôi và thầy ngồi bên nhau. Tôi kể cho thầy, mình là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, làm đời lính hơn 3 tháng nay. Còn thầy cho tôi biết, từ mái trường cấp 3, mới rời bục giảng để có mặt trong quân ngũ. Hai thầy trò ngồi ôn lại bao kỷ niệm thân yêu những ngày dạy và học trong các lớp học bán dương, bán âm, cách xa nhau hàng trăm mét. Mỗi lần ra chơi, thầy  bách bộ từ lớp này sang lớp khác cũng vừa đúng thời gian nghỉ giữa 2 tiết dạy. Thế nhưng, ai cũng học khá, dạy tốt. Sự có mặt của thầy ở chiến hào lần đó làm tôi càng thấm thía và trân trọng lời thầy đã từng dạy chúng tôi về "Pavel Korchagin", về "Ruồi trâu" và về câu nói của Lê Mã Lương thời kỳ ấy:                  
Nước còn giặc còn đi đánh giặc
Chiến trường xa giục giã bước quân hành.
Và "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù".
Những ngày luyện tập trên xã Dương Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), người thầy, chiến sĩ binh nhì trong tiểu đội của tôi vô cùng gương mẫu. Bệnh đau nửa đầu không biết từ đâu ập đến. Tôi đã đề nghị để thầy lên Trạm điều dưỡng Trung đoàn điều trị, nhưng thầy gạt đi. Ngày luyện tập, tối, tôi thấy thầy đi tìm lá ngải cứu, giã nhỏ, quấn vào khăn rồi băng lên đầu. Thầy nói, chườm như thế cho đỡ đau, để còn sức hành quân cùng đồng đội. Khi hành quân luyện tập, tôi cố ý phân công thầy mang vác nhẹ hơn, nhưng thầy không chịu. Mỗi lần như vậy, thầy đến nói nhỏ vào tai tôi: "Đừng làm thế, không lợi cho em đâu". Câu nói đã thể hiện ý chí và đức độ của thầy biết bao.
Mấy tuần sau, đơn vị chúng tôi hành quân vào chiến trường B5. Sau mấy trận thắng giòn giã, đơn vị tôi kết hợp với bộ đội địa phương tiến hành tiêu diệt cứ điểm đồi 300 ở Tân Lâm, Quảng Trị. Đang giữa lúc xung kích tiến lên thì pháo địch từ Đông Hà bắn phản kích. Nhiều chiến sĩ hy sinh, còn tôi bị đất đá vùi dưới một rãnh đất và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong một bệnh viện dã chiến giữa rừng. Sau mới biết, thầy giáo của tôi đã dũng cảm cõng tôi vượt qua hàng rào, lùi về tuyến sau. Nếu không có thầy lúc ấy thì có lẽ tôi đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất Quảng Trị, còn đâu đến ngày hôm nay.
Bị gãy một xương sườn và máu ra nhiều, sau đó, tôi được đơn vị cho ra Bắc điều trị. Thấm thoắt, chiến tranh chấm dứt, tôi lại được trở về mái trường đại học thân yêu, học tiếp chương trình. Tốt nghiệp ra trường với bằng Luật sư loại ưu, tôi được một cơ quan hành pháp tỉnh nhận vào làm việc. Phấn đấu tốt, bây giờ tôi là Viện trưởng Viện KSND với nhiều năm thâm niên. Tôi vẫn luôn nghĩ về thầy giáo tôi. Không biết thầy đã hy sinh hay đang sống ở đâu? Những cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị cũ, giờ đây mỗi người mỗi nơi, không biết ai để hỏi tìm. Lòng tôn kính, biết ơn thầy trong tôi cứ dày lên trong năm tháng, đau đáu nỗi niềm, mong sao biết được tin tức về thầy.
Các anh chị trong Ban Biên tập Báo ANTGCT kính yêu của tôi ơi, đã nhiều lần tôi nhờ một vài tờ báo của Trung ương đăng tin ở mục "Nhắn tìm đồng đội" và mục "Thông tin quảng cáo" ở truyền hình quốc gia và địa phương để tìm thầy giáo cũ của tôi. Nhưng tin đi thì có, phúc đáp thì không.
Rồi một buổi sáng, như bao buổi sáng, tôi ngồi đọc hồ sơ bản án từ cơ quan điều tra tỉnh gửi sang. Có một hồ sơ làm tôi sửng sốt. Phạm nhân là một thanh niên 21 tuổi, can tội hiếp dâm, cướp của và giết người. Với tội danh này, theo Bộ luật Hình sự nước ta, án phạt cao nhất là tử hình thì không thể tránh khỏi. Rồi mắt tôi bỗng hoa lên, ngực đánh thình thình khi đọc những dòng chữ viết về thân nhân phạm nhân: Mẹ Nguyễn Thị Lan (chết), Cha: Hoàng Phúc - quê Thường Tín, Hà Tây, thương binh, nguyên là giáo viên THPT, đang nghỉ hưu. Tôi thét lên: "Thầy, thầy ơi". Đồng chí thư ký phòng bên nghe tiếng hét của tôi vội đẩy cửa bước sang, hỏi có việc gì thế? Tôi khoát tay, rằng, chẳng có việc gì cả, nhưng không sao giấu nổi hai mắt đang ứa lệ.
Suốt mấy hôm, tôi từ chối những cuộc mời ăn uống, vui chơi với bạn bè. Đầu óc tôi như muốn vỡ tung ra. 35 năm, thế là tôi đã tìm ra được thầy giáo tôi, ân nhân đời tôi, nhà sư phạm mẫu mực của chúng tôi, người vừa tốt nghiệp đại học ra trường đã sốt sắng tình nguyện vào khu 4 tuyến lửa ác liệt công tác để giảng dạy chúng tôi, người đã sẵn sàng lên mặt trận khi Tổ quốc kêu gọi, người đã bất chấp hy sinh vào cứu đồng đội giữa bom đạn mịt mùng...
Hồ sơ phạm nhân nói rõ, thầy chỉ có một con trai độc nhất. Và, thầy sẽ sống độc thân, nếu bản án y án, chuyển sang Toà án, sau đó xét xử và thi hành. Bao nhiêu năm làm công tác hành pháp, đến bây giờ, tôi quả là nghẹt thở, khi đứng trước một trường hợp éo le như thế này. Tôi sẽ cứu phạm nhân, cũng là cứu ân nhân đời tôi. Tôi chợt nghĩ đến các yếu tố giảm nhẹ: phạm pháp lần đầu, bị bức xúc, con của một thương binh, nhà giáo, từng cống hiến cho cách mạng. Phải rồi, tôi sẽ phê trong bản án với lời đề nghị như thế. Và, tất nhiên, tôi sẽ có những cuộc trao đổi riêng với Chánh án Tòa án.
Đang chuẩn bị viết những dòng ấy thì cửa mở. Thầy giáo Hoàng Phúc bước vào với một lá đơn trong tay. Tôi đứng dậy, bước tới, ôm lấy thầy, xúc động, nghẹn ngào. Thầy gầy, tóc bạc trắng, da nhăn, má hóp. Thầy lịch sự ngồi xuống ghế và vào chuyện ngay, không chần chừ, quanh co. Thầy cho tôi biết, thầy đang sống ở một phường ngoại ô thành phố, cách chỗ tôi làm việc không xa. Sau khi bị thương ở chiến trường trở về, thầy vẫn trở lại ngành Sư phạm và tình nguyện lên dạy ở miền núi. Vì ở đó đang rất cần giáo viên. Thầy lấy vợ muộn, cũng là một nữ giáo viên tình nguyện cùng trường. Nhưng một cơn bệnh hiểm nghèo của vợ đã cướp mất hạnh phúc của thầy hơn chục năm nay.
Nghỉ hưu, thầy về sống ở quê vợ, làm vườn, nuôi con. Nhưng, không ngờ, đứa con trai đã phản phúc, bất hiếu, làm những điều phạm pháp, phản hại đời thầy. Thầy biết tôi làm việc ở Viện KSND tỉnh và từng tìm thầy trên các báo và truyền hình ở Trung ương và địa phương lâu rồi, nhưng không bao giờ thầy lên tiếng. Bây giờ, lần đầu tiên, sau 35 năm, thầy mới tìm gặp tôi, chắc chắn sẽ là một điều nhờ vả - tôi nghĩ.
Nhưng trời ơi, các anh chị biên tập Báo ANTG Cuối tháng của tôi ơi, bạn đọc thân mến của tôi ơi, trong đơn, thầy không nói điều đó mà chỉ vẻn vẹn mấy chữ: "Tôi đề nghị pháp luật xử án con trai tôi thật bình đẳng, nghiêm minh, đúng luật, không nương nhẹ để làm gương răn đe, giáo dục những kẻ khác, nhằm góp phần xây dựng xã hội ta ngày một trong sáng, lành mạnh và cao đẹp". Ký tên.
Tôi phải làm gì đây, thưa các anh chị trong Ban Biên tập và bạn đọc? Thời gian chuyển hồ sơ phạm nhân sang cơ quan tố tụng sắp hết. Hãy cho tôi một lời khuyên. Khi tiễn thầy ra về, trước mắt tôi, thầy Hoàng Phúc luôn sừng sững hình ảnh của một nhà sư phạm đáng yêu, một kỹ sư tâm hồn khả kính.
Tất cả những ai muốn chia sẻ với tâm sự của người viết lá thư trên có thể gửi thư theo địa chỉ email:chuyenkhotin@cand.com.vn
  Hải Thanh (Luật sư, Viện trưởng Viện KSND)

Xem nguồn gốc ở đây:
 Còn đây là bài viết của HTS  đăng trên đặc san số kỉ niệm 40 năm thành lập Trường THPT Đồng Hới, xb tháng 3-2006, nghĩa là trước bài đăng trên ANTG 2 năm; bài viết này trước đó cũng đã đăng trên báo Quảng Bình (số nào thì tôi không nhớ):

 NGƯỜI THẦY CÙNG QUÂN NGŨ               
Đó là vào năm 1972 đầy nắng và gió lào khi tôi còn là lính trinh sát của sư đoàn 341 đang huấn luyện ở vùng miền tây Lệ Thủy (Quảng Bình) để đợi ngày vào Nam đánh giặc. 
Trong một đợt tập huấn ở sư đoàn bộ, vào giờ nghỉ trưa, tôi bỗng gặp được thầy giáo dạy toán của mình khi còn học lớp 9C (năm học 69-70) trường cấp 3 Đồng Hới. Đó là thầy Phan Chương , quê ở Hà Tĩnh. Thầy trò bất ngờ gặp nhau giữa thao trường Dương Thủy, đều trong những bộ quân phục vải Tô Châu chưa mất nước hồ, chẳng hiểu sao cả tôi lẫn thầy đều mừng mừng tủi tủi. Khi biết tôi là sinh viên năm thứ 2 của khoa Văn, Trường ĐHSP Vinh vừa rời ghế giảng đường để nhập ngũ được vài tháng nay, thầy cho tôi biết là thầy cũng vừa rời bục giảng của trường cấp 3 để lên đường. Và bây giờ thầy đang là chiến sĩ của trung đoàn pháo binh cùng trong biên chế sư đoàn với tôi.
Tôi lấy làm hãnh diện với ý nghĩ vậy là cả hai thầy trò của trường cấp 3 Đồng Hới cùng có mặt trong đội hình của một sư đoàn thời đánh Mĩ.
Tuy cùng là tân binh như tôi nhưng là người đã từng trải, thầy ghé tai tôi nói thầm là sư đoàn mình thế nào rồi cũng”vào”, mà “vào” sâu lắm, nghe đâu tận B2. Rồi thầy cùng tôi ôn lại những kỉ niệm về trường Đồng Hới thân yêu, nơi thầy đã có nhiều năm dạy toán và cũng là nơi tôi đã mài mòn đũng quần học sinh suốt mấy năm trời. Đặc biệt là những năm trường sơ tán ở Cồn Chùa. Hình ảnh những lớp học bán âm bán dương, lớp này cách lớp kia hàng  trăm mét, khi nghe kẻng báo hết tiết vang lên, các thầy cô phải đi vội đi vàng từ lớp này qua lớp khác cho kịp giờ vào tiết học mới. Cứ thế, chúng tôi ngồi nhắc với nhau về những thầy cũ, bạn cũ của trường. Những thầy Cán dạy văn, thầy Trình dạy toán mà lũ học sinh chúng tôi đã sáng tác ra một thành ngữ mới là “văn Cán toán Trình” để ca ngợi sự nổi danh của hai thầy trong giảng dạy không chỉ trong trường mà cả khắp toàn tỉnh Quảng Bình lúc bấy giờ. (Nhắc lai chuyện này, xin mạn phép thay mặt cho các bạn đồng môn của trường Đồng Hới mong được các thầy đại xá về sự vô lễ của học trò đối với các thầy ngày ấy). Rồi những thầy Khả, cô Nga dạy hóa, thầy Đoá hiệu trưởng, cô Xuyến dạy văn…  đều được nhắc đến với những kỉ niệm ấm lòng.
Trong câu chuyện, thầy Phan Chương còn hỏi tôi nhiều về những bạn học cùng lớp hoặc cùng khóa với tôi ngày ấy, nhất là những bạn học giỏi như hai anh em họ Đỗ là Dũng và Quốc (Dũng sau này cũng nhập ngũ và đã hi sinh trong chiến đấu, còn Quốc là giảng viên của ĐH Bách khoa Tp.HCM), hai anh em Tâm và Sự (Tâm vào ĐHSP cùng khóa với tôi, tốt nghiệp về dạy toán ở ngay trường Đồng Hới, còn Sự có năng khiếu về vẽ, học ở trường Kiến trúc Sài Gòn, trở thành kiến trúc sư); hai chị em Hoàng Sơn và Hoàng Hà (Sơn học ở Hunggary về công tác tại ủy ban KHKT Tp.HCM, Hà là Bs ở Bv Trung ương Huế), kể cả những bạn có tên khá đặc biệt kiểu như Lê Thế Giới (hiện dạy ở ĐHBK Đà Nẵng)v.v.  Bỗng thầy quay sang hỏi tôi có biết Phương Thảo đang học ở đâu không? Trời ơi, cô bé giỏi văn hay hát bài Quê em miền trung du, được xem là con cưng của thầy Lương Duy Cán, nhà Lộc Đại học sau tôi một lớp , có mái tóc dài óng ả và chiếc răng khểnh vô cùng duyên dáng thì làm sao mà một thằng si tình như tôi lại không biết chứ. Tôi cho thầy hay là PT cũng thi đậu vào khoa Văn trường Vinh, học sau tôi một khóa. Chỉ tiếc một điều là khi nàng nhập trường làm Sv thì cũng là khi tôi xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao. (Sau chiến tranh tôi mang ba lô trở lại trường đại học thì Thảo đã là giảng viên cuả trường CĐSP Huế- Bình Trị Thiên).
Thời gian ngồi với nhau chỉ hơn tiếng đồng hồ, vậy mà thầy trò chúng tôi đã nói được với nhau bao nhiêu là chuyện. Và kì lạ thay, tất cả đều là chuyện về trường Đồng Hới của mình với tất cả nỗi nhớ thương da diết về bao kỉ niệm mà cả hai thầy trò đều bổi hổi bồi hồi khi nhắc đến.  
Chia tay, thầy Phan Chương trở về trung đoàn pháo lúc đó đang đóng quân ở Trường Thủy, còn tôi phải đi gấp vào Vĩnh Linh để tham gia cuộc tập trận lớn của sư đoàn trên bờ biển Vĩnh Thái. Nắm chặt tay người thầy giáo cũ, tôi thấy ngùi ngùi ở trong lòng, không biết có còn dịp nào gặp lại thầy nữa không. Đến lúc này thầy mới cho tôi biết là sức khỏe của thầy không được tốt. Bệnh đau nửa đầu thường xuyên hành hạ thầy. Đêm nằm ngủ thầy phải lấy lá ngải cứu buộc lên đầu cho đỡ đau. “Có vậy mình mới theo kịp anh em trong đơn vị”.  Nghe thầy nói mà tôi thấy thương thầy vô cùng. Sức tôi thì trai trẻ, còn thầy tuổi đã lớn rồi lại đau yếu. Vậy mà thầy lại là người đã động viên tôi bằng một câu nói giản dị: “Gắng lên em nhé!”.
Rồi đúng như thầy phán đoán. Cả sư đoàn tôi hành quân vào mặt trận đánh nhau với địch ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ cho đến ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau 30 tháng 4, tôi được điều về làm công tác quân quản ở quận 3, nhiều lần gặp các cán bộ, chiến sĩ trung đoàn pháo lên, tôi đều có hỏi thăm về thầy Phan Chương nhưng không ai biết. Và cả sau này nữa, khi được phân công về giảng dạy ở ĐHSP Qui Nhơn, gặp lại những bạn từng là học sinh Đồng Hới đang giảng dạy ở trường này như Hoàng Tấn Quả, Nguyễn Quốc Tuấn… chúng tôi đều hỏi thăm nhau về các thầy giáo cũ, trong đó có thầy Phan Chương, nhưng cũng không có ai biết về thầy, người thầy giáo cũ đã có một thời là đồng đội của tôi.
Chẳng biết thầy có còn nhớ đến tôi không, nhưng tôi thì vẫn nhớ mãi về thầy và cái lần gặp gỡ bất ngờ ở thao trường Dương Thủy ấy. Cũng như tôi vẫn còn nhớ mãi lời dặn của thầy: Gắng lên em nhé!  


RỒI BÂY GIỜ SO SÁNH NHỮNG CHỖ TƯƠNG ĐỒNG GIỮA HAI BÀI VIẾT:
Tạm gọi bài trên ANTGCT là bản A; bài của HTS  là bản B
1/ Bản A: Mùa hè đỏ lửa 1972, trong đợt Nhà nước tổng động viên thanh niên, sinh viên ra trận, tôi cùng nhiều bạn bè rạo rực, hân hoan "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". Tôi là chiến sĩ trinh sát của Sư đoàn 371, cấp tốc huấn luyện cơ bản tại miền Tây Lệ Thủy (Quảng Bình) để đợi ngày xuyên Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam
    Bản B:   Đó là vào năm 1972 đầy nắng và gió lào khi tôi còn là lính trinh sát của sư đoàn 341 đang huấn luyện ở vùng miền tây Lệ Thủy (Quảng Bình) để đợi ngày vào Nam đánh giặc.

2/ Bản A:  mình là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, làm đời lính hơn 3 tháng nay. Còn thầy cho tôi biết, từ mái trường cấp 3, mới rời bục giảng để có mặt trong quân ngũ. 
              Bản B:  tôi là sinh viên năm thứ 2 của khoa Văn, Trường ĐHSP Vinh vừa rời ghế giảng đường để nhập ngũ được vài tháng nay, thầy cho tôi biết là thầy cũng vừa rời bục giảng của trường cấp 3 để lên đường.
3/ Bản A: Hai thầy trò ngồi ôn lại bao kỷ niệm thân yêu những ngày dạy và học trong các lớp học bán dương, bán âm, cách xa nhau hàng trăm mét. Mỗi lần ra chơi, thầy  bách bộ từ lớp này sang lớp khác cũng vừa đúng thời gian nghỉ giữa 2 tiết dạy.
Bản B:  thầy cùng tôi ôn lại những kỉ niệm về trường Đồng Hới thân yêu, nơi thầy đã có nhiều năm dạy toán và cũng là nơi tôi đã mài mòn đũng quần học sinh suốt mấy năm trời. Đặc biệt là những năm trường sơ tán ở Cồn Chùa. Hình ảnh những lớp học bán âm bán dương, lớp này cách lớp kia hàng  trăm mét, khi nghe kẻng báo hết tiết vang lên, các thầy cô phải đi vội đi vàng từ lớp này qua lớp khác cho kịp giờ vào tiết học mới.
4/ Bản A:  Bệnh đau nửa đầu không biết từ đâu ập đến. Tôi đã đề nghị để thầy lên Trạm điều dưỡng Trung đoàn điều trị, nhưng thầy gạt đi. Ngày luyện tập, tối, tôi thấy thầy đi tìm lá ngải cứu, giã nhỏ, quấn vào khăn rồi băng lên đầu. Thầy nói, chườm như thế cho đỡ đau, để còn sức hành quân cùng đồng đội.
Bản B:  Bệnh đau nửa đầu thường xuyên hành hạ thầy. Đêm nằm ngủ thầy phải lấy lá ngải cứu buộc lên đầu cho đỡ đau. “Có vậy mình mới theo kịp anh em trong đơn vị”.
5/ Bản A: Những ngày luyện tập trên xã Dương Thủy, 
  Bản B: Thầy trò bất ngờ gặp nhau giữa thao trường Dương Thủy,
6/ Bản A: Không biết thy có còn nh tôi hay không,
    Bn B:  Chẳng biết thầy có còn nhớ đến tôi không,

   Bài đăng ở trang 55...


   Trên số đặc san này, 3-2006

                                      
                                


5 nhận xét:

  1. HN tui đã đọc và đọc hơi kỷ hai bài viết:
    "Thầy giáo tôi" của người viết có bút danh Hải Thanh ( Luật sư-VT-VKSND)(Bản A) và "NGƯỜI THẦY TRONG QUÂN NGŨ" của HÀ TÙNG SƠN. Nhận thấy.
    Người thầy trong quân ngũ là những dòng ký chân thật như những gì đã xảy ra trong cuộc sống , trong cuộc đời và trong cuộc chiến.Trong chiến tranh của chúng ta vừa qua, có không ít trường hợp cha con, anh em cùng chung chiến hào, sống chết cùng nhau, còn trường hợp thầy trò như Hà Tùng Sơn với thầy Phan Chương cũng có nhưng rất hiếm nên quý giá vô cùng trân trọng vô cùng. Vì vậy Hà Tùng Sơn đã đi ngược thời gian, tìm lại quá khứ để ghi lại hình ảnh người thầy -Phan Chương-ở những ngày cùng mình trong quân ngũ , nghe xúc động vô cùng, nhân văn vô cùng. Dòng ký của Hà Tùng Sơn rõ ràng xuất phát từ con tim, từ tình thầy trò, tình đồng chí đồng đội cùng chung chiến hào...mà không ở đâu, chỉ có ở Việt Nam của chúng ta mới có.
    " Thầy giáo tôi " của Hải Thanh(tạm chia làm 2 phần"
    Phần 1 có nội dung y chang "NGUOI THAY TRONG QUAN NGU" của HTS từ hoàn cảnh ra đời cho đến thời gian , không gian và những địa điểm địa chỉ trong câu chuyện của HTS thậm chí LÀ MỘT-
    Còn phần 2(hậu cuộc chiến)người viết cố tình nhào nặn những tình tiết ly kỳ, để tự đề cao mình và câu khách. Là một người đã từng làm công tác điều tra các loại tội phạm trên 30 năm,hiện cũng là một luật sư. xét về mặt tâm lý,và tình cảm (cha con)thì không một người cha nào... như thằng cha Hoàng Phúc mò đến pháp đình để đề nghị xử nghiêm xử đúng con mình như trong câu chuyện này.
    Nói tóm lại người viết "Thầy giáo tôi" cũng có thể là một VT VKS , về hưu làm LS thật, nhưng cũng có thể người viết chỉ lấy cái but danh ấy để lòe thiên hạ. Nhưng dù là ai thì câu chuyện nói trên cũng lãng xẹt, vô duyên hết cở ( phần 1 là coppy, phần 2 là bịa)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoài Nhớ@: Rất cảm ơn những bình luận sắc sảo của Hoài Nhớ. Nhiều bạn khi đọc xong bài viết này đã bức xúc đề nghị tôi là nên gửi cho anh Hữu Ước sếp của tờ ANCT, Nhưng tôi thấy rườm rà quá nên thôi, với lại đụng vào đám CA tôi không thích. Vả lại nói như dân Sài Gòn thì đó cũng chỉ là chuyện nhỏ thôi mà. Chỉ ghét cái bọn làm nghề viết lách mà đi ăn cắp của người khác về làm của mình để lấy tiền và lấy tiếng.
      Bài của HTS cũng đã đăng trên báo VN nữa rồi đấy.

      Xóa
  2. Hoài Nhớ@: Rất cảm ơn những bình luận sắc sảo của Hoài Nhớ. Nhiều bạn khi đọc xong bài viết này đã bức xúc đề nghị tôi là nên gửi cho anh Hữu Ước sếp của tờ ANCT, Nhưng tôi thấy rườm rà quá nên thôi, với lại đụng vào đám CA tôi không thích. Vả lại nói như dân Sài Gòn thì đó cũng chỉ là chuyện nhỏ thôi mà. Chỉ ghét cái bọn làm nghề viết lách mà đi ăn cắp của người khác về làm của mình để lấy tiền và lấy tiếng.
    Bài của HTS cũng đã đăng trên báo VN nữa rồi đấy.

    Trả lờiXóa
  3. Cãi sao được nữa...
    Chỉ cần đọc cái tên tác "giả" - Hải Thanh (Luật sư, Viện trưởng Viện KSND)cũng biết là bịa đặt vì Luật sư thì không được làm Viện trưởng VKD và ngược lại. Ngu ơi là ngu. Nếu thay bằng Luật gia thì OK.

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới