1 tháng 10, 2012

Bạch vân thiên tải không du du



Còn nhớ hồi tôi học năm 4 khoa tổ chức buổi ngoại khóa về thơ mới 30 – 45 với diễn giả là hai ông đại thi nhân Xuân Diệu và Huy Cận. Sau khi ông XD lim dim bồng bềnh với những màn thơ tình nổi tiếng thì đến lượt ông HC. Ông này mở màn: Nếu nói về độ yêu người thì tôi  chưa chắc đã phải đứng sau XD nhưng do XD nói ái tình hay quá rồi nên tôi xin nói sang lòng ái quốc. Xưa nay tôi thấy trong các sách giáo khoa, các giáo trình đại học thường viết là các nhà thơ dòng văn học lãng mạn VN 30 – 45 ủy mị, tiểu tư sản, ngủ quên giữa đời thường … Tôi thì ko thấy như vậy. Họ, trong đó có anh XD và tôi đang đứng đây thực sự là những người rất yêu nước và thương nòi. Nói đến đây HC dừng lại và lim dim mỉm cười. Các bạn chắc đã đọc và học bài thơ Tràng giang của tôi rồi. Nó như thế này:
                 
  Tràng giang
                             Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài

                                                          Tặng Trần Khánh Giư

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Bèo giạt về đâu hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc...
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Bài thơ này được HC sáng tác vào tháng 9 – 1929 khi ông vừa tròn 20 tuổi. Trước hàng ngàn SV khoa văn ông hồn hậu và xúc động phân tích về cái hay cái đẹp của Tràng giang với một chất giọng Hà Tĩnh rền vang ấm áp. Ông đọc to câu cuối Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà  rồi nói câu này là tôi thừa kế và phát triển từ bài thơ Hoàng Hạc lâu của nhà thơ đời Đường TQ là Thôi Hiệu. Đó cũng là câu kết trong bài thơ của Thôi Hiệu:
Câu này hiểu ra là buổi chiều tà Thôi Hiệu nhìn thấy khói sóng bay là đà trên sông Hán Dương bèn liên tưởng đến hình ảnh làn khói bếp ở quê nhà khiến nhà thơ buồn mà nhớ nhà. Đó là lòng hoài cổ và yêu quê hương của Thôi Hiệu. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông đặt tay lên ngực chỗ có trái tim mà nói:  Nhà thơ TQ đời nhà Đường là Thôi Hiệu như thế đã hay đã đẹp lắm đến mức hàng ngàn năm nay bút mực thên hạ tả khôn xiết nhưng nhà thơ Huy cận của VN vào năm 1929 khi mới chỉ 20 tuổi đã yêu đất nước đến mức không hề có khói hoàng hôn như Thôi Hiệu mà vẫn nhớ nhà nhớ quê hương đang bi thương vì chiến tranh loạn lạc. Chứng tỏ lòng yêu nước của HC lớn hơn cả lòng yêu nước của Thôi Hiệu.
Nói rồi HC hấp háy mắt ra chiều tự hào lắm. Và tôi thấy đúng là như vậy. Một sự kế thừa và phát triển xuất sắc về thi pháp của HC từ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu.
Ông cũng nói thêm về câu thứ hai từ dưới lên của Tràng giang Lòng quê dợn dợn vời con nước nhiều người đã đọc và chép sai chữ dợn dợn thành ra dờn dợn như thế là sai về cơ bản ko hiểu hết ý thơ của ông. Theo ông đã có đến 50 % các bản in sai câu thơ này. 
 
Sau này mỗi lần lên lớp giảng Hòang Hạc lâu cho SV tôi lại được dịp đọc to và bình những câu thơ kinh điển như Bạch vân thiên tải không du dukể cho các bạn SV của mình nghe câu chuyện HC với Tràng giang trong buổi ngoại khóa ngày xưa ấy để mở rộng thêm sự súc tích và ý nghĩa bài thơ.

      Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu 
 
Dịch Nghĩa:
        
   Lầu Hoàng Hạc
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi mất rồi
Lầu hạc vàng còn trơ lại đây
Hạc vàng một khi đã bay đi, không trở lại nữa
Mây trắng nghìn thu lởn vởn hoài ...
Mặt sông, lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi
Trời tối rồi đâu là quê hương mình
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến người sinh buồn.

Nhà thơ Tản Đà đã dịch HHL và cho đến nay vẫn được coi là hay nhất trong hàng mấy chục bản dịch khác:         
Lầu Hoàng Hạc

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
 
Với tôi Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu thực sự là bài thơ hay nhất trong hàng trăm vạn bài Đường thi. Hay đến nỗi tài thơ như Lý Bạch mà khi  đến Hoàng Hạc lâu vãn cảnh làm thơ, thấy thơ của Thôi Hiệu đề trên vách lầu đã ném bút không dám đề thơ nữa chỉ nói được hai câu cảm thán:

Trước mắt có cảnh viết không được
Vì thơ Thôi Hiệu ở trên đầu

Giai thoại là thế, Lý Bạch là thi tiên của đời Đường, là người uống một đấu rượu làm một nghìn bài thơ (Lý Bạch đấu tửu thi bách thiên) vậy mà phải gác bút trước HHL của Thôi Hiệụ.
Ôi người xưa tài ba lỗi lạc mà khiêm nhường làm sao. 
Lầu Hoàng Hạc ở góc tây nam thành Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc TQ là một nơi sông núi kỳ vĩ diệu vợi, thời Thôi Hiệu làm thơ cũng là một nơi như là cõi tiên giữa cõi trần. Truyền thuyết cho rằng Phí Văn Vi tu luyện thành tiên, thường cưỡi hạc về nghỉ ở lầu Hoàng Hạc. Đó là nơi người trần thế đến bỗng thấy chênh vênh giữa cõi tiên và cõi tục .

Bài thơ Thôi Hiệu ghi được nỗi cảm hoài của một kẻ lãng du, lãng tử, phieu bạt trần ai xa quê hương và khi xa nhất cũng chính là lúc lòng nhớ quê bổng trở nên da diết nhất, và khi đó một nỗi buồn trầm lắng thăm thẳm hoài cổ chợt hiện ...
Bài thơ còn hay về sự tả một phong cảnh thiên nhiên có một không hai của chốn sông Hán Dương nơi có lầu Hàng Hạc. Từ một tòa lầu không, mây trắng vờn bay, từ con sông tạnh ánh tà dương phía xa xa, bãi cỏ thơm xanh rì phía trước. Những câu thơ như là một thứ âm nhạc vang lên một nỗi buồn sâu lắng day dứt.

Nguồn gốc của Hoàng Hạc Lâu:  Ở thời cuối Ðông Hán thế kỷ thứ 3 vào năm 223, vua nước Ngô ở thời đại Tam Quốc là Tôn Quyền ra lệnh xây thành Giang Hạ (Hạ Khẩu) bên ngã ba sông Trường Giang và Hán Thủy để đóng quân. Trong cái thế Tam quốc thời đó, Hạ Khẩu là một thành trì chiến lược rất quan trọng vì tam quốc đều cho rằng phe nào chiếm được Hạ Khẩu thì phe đó sẽ chiến thắng cuộc chiến.
Vì thế, nhằm để theo dõi binh tình, Tôn Quyền cho xây trên góc một ngọn đồi nhỏ cạnh sông Trường Giang một tháp quan sát bên phía tây nam của thành Giang Hạ để theo dõi binh tình. Ðứng trên tháp, người ta có thể quan sát được thuyền bè di chuyển trên sông Hán Thủy và phía tây của Trường Giang. Tháp quan sát này được đặt tên là Hoàng Hạc Lâu.
Cho đến ngày nay, không ít người đã không hiểu vì sao tháp lại có tên là lầu Hoàng Hạc, một cái tên có vẻ trong câu chuyện thần tiên hơn là một cái tên dùng trong giới quân sự. Dân tộc Trung Hoa thường có quan niệm “Thiên Nhân hợp nhất” nên họ thường hay thiên về những câu chuyện thần tiên trong bất cứ các câu chuyện lịch sử, đền đài hay bảo tháp. Vì vậy, câu chuyện về ngọn tháp quan sát của Ðông Ngô thời Tam
Quốc cũng đã nhuốm ít nhiều màu sắc những câu chuyện thần tiên 
Một giả thiết khác nghe có vẻ thần thoại hơn và tôi thích nghiêng về sự lí giải này:  Ở vào thời Chiến quốc, một hôm vua nước Ngô là Phù Sai thường gọi là Ngô Vương Phù Sai cùng quần thần cưỡi ngựa đi săn. Khi vừa đến bờ sông Hán Dương thì thấy từ giữa bãi cỏ non xanh rì một con hạc màu vàng đập cánh bay lên.  Nhà vua thấy trong lòng rất xúc động bèn sai xây một cái lầu ngay chỗ con hạc vàng cất cánh để ghi lại một kỉ niệm đẹp (Chợt nghĩ rằng làm vua cũng sướng thiệt. Tôi mà như thế thì ở đâu trên đất nước này cũng có lầu kiểu như lầu Hoàng Hạc).
                           
   Lầu Hoàng Hạc, ảnh chụp từ năm 1920
                   
   Lầu Hoàng Hạc nay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới