22 tháng 10, 2012

Mặt trái con người xứ Nghệ với nền kinh tế thị trường hiện nay

                                              Nguyễn Trung Ngọc                                                                       (GV Trường Đại học Vinh) 

Gần 
đây, dư luận trong nước nổi lên một vấn đề “lạ” (ít nhất là với người Nghệ An) là nguồn lực lao động xứ Nghệ bị từ chối ở một số doanh nghiệp trong nước.
Báo Dân trí ngày 9/10/2012 viết:

Lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bị tẩy chay ở Bình Dương

Từ công khai đến “quy định ngầm”, kể từ năm 2006, một số doanh nghiệp ở Bình Dương đã từ chối tiếp nhận lao động đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… với nhiều lý do rất mơ hồ.

  Báo Lao động ngày 10/10/2012 cũng đăng tin và ảnh phản ánh điều đó:

Tiếp vụ tẩy chay lao động Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Quy định ngầm không tuyển lao động các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh ở Bình Dương là có thật…
  Và v.v…
  Vấn đề được coi là “lạ” vì xưa nay chúng ta đã rất quen với cách nghĩ: lao động miền Trung là “của quý”, là có chất lượng cao. Không thể có chuyện “tẩy chay” lao động là người Khu Bốn được.  Nhân dịp này chúng ta thử bàn sâu hơn về Con người, về “nguồn lực hàng đầu” này của Xứ Nghệ để nhìn lại một cách khách quan nhất, hướng tới một chiến lược con người có hiệu quả trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể hơn là xây dựng quê hương Nghệ An giàu mạnh, phát triển.
  Xưa nay chúng ta đã nói rất nhiều về những ưu điểm của con người Xứ Nghệ. Chính tác giả bài báo nêu trên của báo Lao động cũng đã nhắc đến nhận xét của ông Bùi Thanh Nhân, phó chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương như sau: “Ưu điểm rất lớn mà các lao động của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà tĩnh có mà các tỉnh khác không có, hoặc không bằng, chính là sự cần cù, chịu khó, họ không ngại tăng ca, thức khuya, dậy sớm. Không có lao động các tỉnh trên thì Bình Dương không thể phát triển được như ngày hôm nay”.(1)
  Ở bài viết này chúng tôi không muốn nói thêm về những mặt mạnh, những nét nổi bật của con ngườiNghệ An Xô viết  nữa mà chỉ muốn đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi đang được thực tiễn đặt ra: Vì sao người lao động xứ Nghệ lại bị từ chối ở Bình Dương - mảnh đất công nghiệp vào loại hàng đầu cả nước hiện nay? Phải chăng đấy là sự “trật khớp” giữa tâm lí sản xuất nhỏ với nền kinh tế thị trường đầy thách thức?
  Bình Dương có “quy định ngầm” không tuyển lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Xét một cách nghiêm túc, điều này trước hết chúng ta phải nhìn lại mình đúng hơn là lo chất vấn họ đã có một cách làm mơ hồ, không theo luật pháp. Thị trường có quy luật của thị trường. Chúng ta có định hướng gì thì cũng không thể đi ra ngoài quy luật chung của nó. Có thế người ta mới nói rằng thị trường là khốc liệt! Nếu rồi đến lúc cái “quy định ngầm” kia có trở thành công khai thì có lẽ người lao động miền Trung cũng chỉ còn cách ngồi lên bàn cân để định đoạt sự công bằng.
Có thể nói, Nghệ An là xứ sở khá điển hình của nền văn minh nông nghiệp truyền thống. Người xứ Nghệ là người rất quyết liệt. Chính sự quyết liệt ấy đã làm nên nhiều việc lớn trong những hoàn cảnh lịch sử phù hợp với nó. Tâm lí dàn hàng ngang, đoàn kết cùng tiến lên…có lẽ không đâu bằng Nghệ - Tĩnh. Chính cái tâm lí ấy, tinh thần ấy đã giúp người xứ Nghệ đủ bản lĩnh tập hợp dưới lá cờ búa liềm đập tan xích xiềng thực dân, phong kiến năm 1930-1931; Chính cái tâm lí ấy, tinh thần ấy đã tạo nên lớp thanh niên người khu bốn khi hành quân ra trận là làm cho quân thù khiếp sợ…
Có người cho rằng: người Nghệ - Tĩnh cực đoan. Có lẽ cốt tính người xứ Nghệ là thứ cốt tính có nét  cái gì ra cái ấy, loại nào ra loại ấy (không nhạt nhạt như một số vùng khác). Trong điều kiện lịch sử nhất định, trong những trường hợp cụ thể nào đó, cái “quyết liệt”, “rõ nét” ấy đã làm nên giá trị của nó. Nếu không có cái duy vật cực đoan của Phơbách “hắt luôn cả chậu nước đang có đứa trẻ ngồi trong đó(2) thì chắc gì Châu Âu thế kỉ XIX đã thoát ra khỏi thế giới quan duy tâm của Hégel đang ngự trị lúc đó. Thế nhưng không phải mọi cái đều hay trong mọi trường hợp. Một điều đúng sẽ trở thành sai nếu như anh cao giọng(3). Bản tính xứ Nghệ dễ dẫn người Nghệ đến chỗ “cao giọng”, cực đoan. Đã nói không sợ là tuyệt đối không sợ, dù đó là ông giám đốc dễ tính hay khó tính, dù ông ta đúng hay sai chăng nữa. Không sợ cường quyền là đúng nhưng biết tôn trọng kỷ luật, tôn trọng trật tự là điều cần thiết. Từ chỗkhông sợ cường quyền thành cái tâm lí ra đường xe to phải nhường xe nhỏ; mày giàu rồi ngồi ô tô đi sau tí chả sao…là một sự biến hóa tinh thần không thể nào chấp nhận được. Cái “dân chủ” kiểu này ở đất Nghệ thấy nhiều hơn nơi khác!
Thách thức lớn trên con đường đi lên của chúng ta hiện nay chính là sự không khớp giữa lề thói làm ăn cũ với tác phong công nghiệp hóa cuộc sống đang đặt ra. Một ví dụ nho nhỏ: tôi từng có người đồng hương quê Nghệ “xuất khẩu” vào Bình Dương làm công nhân, chưa đầy năm đã thấy trở về. Anh ta giải thích đơn giản: lương thưởng cũng được nhưng “quy lát” quá chịu không được phải về thôi.
- Vậy là chú không chịu khó rồi!
- Đâu có! Ai chịu khó bằng dân ta được bác. Nhưng tôi chỉ chịu khó chứ không chịu được nhục. Đi làm chỉ chậm buổi dăm ba phút mà nhắc lên nhắc xuống lại còn phạt trừ lương nữa, về tết đến muộn dăm ngày nó cũng đòi đuổi việc, cửa quyền quá đáng! Tôi đi làm ở nhà có bữa dở ván cờ còn chậm cả tiếng…
Hóa ra cái “nhục” mà người thợ Nghệ An kia nói tới là ở chỗ anh ta bị bắt khép vào khuôn phép của guồng máy sản xuất công nghiệp, phải chịu kỉ luật trước việc làm thiếu trách nhiệm của mình. Ngườicông nhân – nông dân ấy đâu có thấy hết việc đi làm không đúng giờ của anh sẽ khiến cho cả dây chuyền sản xuất của nhà máy bị ngưng trễ. Sản xuất công nghiệp là vậy. Trong làm ruộng, sáng chưa cày xong chiều ráng thêm một chút chả sao. Nhưng là một mắt xích trong dây chuyền công nghiệp, anh để đứt là cả hệ thống cũng phải dừng. Thói quen dềnh dang, tùy tiện của sản xuất nhỏ đã làm cho cả một thế hệ người lao động chúng ta không chịu được với kỉ luật chặt chẽ của nền sản xuất máy móc dù họ vốn có dư sức chịu đựng lam lũ, khổ cực. Một sự thật hiển hiện: dân Nghệ tài chịu khổ mà không biết chịu khó. Và từ đó người thợ kia coi người quản lí mình là “cửa quyền” vì đã bắt anh đi vào khuôn phép. Anh đòi “dân chủ” và đương nhiên anh lại về với ruộng đồng của anh! Ở đây có lẽ cũng không nên trách một công nhân cụ thể nào. Một mình họ đâu có làm nên chuyện gì. Phải truy đến cội nguồn sinh ra chuyện ấy. Nó có quan hệ, nó bắt rễ từ trong cái tâm lí tiểu nông của chú AQ Phương Đông ngàn đời: dân Xô Viết sợ gì mấy thằng tư sản mới lai lai Chủ nghĩa thực dân mới ấy!
Trong những bài báo dẫn ở trên thực ra tác giả cũng đã phần nào cho thấy nguyên nhân “tẩy chay” lao động Khu Bốn:
Anh bảo vệ ở công ty E.V - KCN Đồng An - nói: “Tôi cũng là người Khu Bốn đây. Tôi hiểu cảm giác của mọi người, nhưng thật tình mà nói một số người ở tỉnh mình hay gây gổ đánh nhau, nhậu nhẹt lại còn nóng tính. Đã thế lại rất “đoàn kết”, hễ một người bị cho nghỉ việc thì lập tức sẽ có một nhóm phản đối...”
(“Lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bị tẩy chay ở Bình Dương”, Dân trí, ngày 9-10-2012)  
Lý do chính được các doanh nghiệp đưa ra cho việc không tuyển dụng lao động các tỉnh trên là vì: “Họ quậy quá. Họ nóng tính lại còn hay nhậu. Những vụ lãn công, đình công của các doanh nghiệp đều do người các tỉnh trên “lãnh đạo”. Họ “đoàn kết” lắm, hễ một người có chuyện là rất nhiều người hùa theo, gây náo loạn lên cả”.

       “Khi những người cùng hoàn cảnh, đặc biệt cùng quê thì họ càng đoàn kết, gắn bó chia sẻ với nhau. Nhưng một số người không được học cách ứng xử, nhận thức chưa đúng, nên tinh thần đoàn kết cộng đồng lại biến thành đoàn kết cực đoan mà họ không hề biết”.  

(“Tiếp vụ tẩy chay lao động Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh”,     Lao động, ngày 10-10-2012)

  Đứng trên góc độ triết học để khái quát vấn đề, truy nguyên các vụ việc có lẽ lại phải quay về với chân lí này thôi: tư duy cũ đang cần đổi thay trong điều kiện mới; Công nghiệp hóa không có chỗ đứng cho tâm lí tiểu nông lỗi thời!      Nhân dân Nghệ - Tĩnh rất anh hùng và cần cù sáng tạo. Người xứ Nghệ nặng nghĩa nặng tình. Không có lí nào chúng ta lại không làm sáng lên chân lí đó, không phát huy được truyền thống ngàn đời cha ông để lại? Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Chúng ta không ngại chỉ ra chỗ “xấu xí” của mình để biết vươn tới mãi. Kẻ nào chỉ thấy mình đẹp kẻ đó không bao giờ đẹp. Chúng ta không “cao giọng”, chúng ta biết đặt mình trong hoàn cảnh mới, không cố chấp với những gì “đã sai và có thể còn sai”(4) chắc chắn chúng ta sẽ đẹp như ngàn đời nay vốn đẹp!           

Cho đến nay, chúng ta chưa có một công trình nào nghiên cứu đầy đủ về sự “xấu xí” của người Việt nói chung, Người Xứ Nghệ nói riêng. Trên thế giới người ta đã làm việc này: người Mĩ đã có “Người Mĩ xấu xí” và “đã được quốc hội Mĩ dùng làm tài liệu tham khảo cho sách lược của mình”(5); người Trung Quốc có “Người Trung Quốc xấu xí” và nhờ đó người Trung Quốc nhận được nhiều thiện cảm của bạn bè năm châu hơn…Ở bài viết này, chỉ là nhân dịp báo chí có đề cập đến lao động Nghệ An, Hà Tĩnh chúng tôi mạnh dạn đưa ra vài suy nghĩ bước đầu với hi vọng chúng ta cùng nhau “nhìn thẳng vào sự thật” để loại trừ những mặt trái của người Nghệ ra khỏi cuộc sống đang đòi hỏi chúng ta hòa chung cùng cả nước bài ca ra trận mới – đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước!


Chú thích:

(1) Dẫn theo Lê Tuyết, tác giả bài “Tiếp vụ tẩy chay lao động Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh, báo Lao động ngày 10/10/2012

 (2) Dẫn theo Mác-Ăng ghen toàn tập

     (3) Ngạn ngữ Phương Tây

     (4) Chữ dùng của Việt Phương – Cửa mở, Việt Phương, 1969

(5) Một góc nhìn của trí thức, nhiều tác giả, tập III, Nxb Trẻ, 2003

 Tháng 10/2012

       NTN     

Tác giả bài viết  Nguyễn Trung Ngọc, thứ hai từ trái sang, với các bạn bè cùng lớp đại học 16D - K2 tại Lễ kỉ niệm 50 năm thành lập Khoa Ngữ văn ĐH Vinh, tháng 10 - 2009



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới