4 tháng 10, 2012

Trung Hoa cổ - vương quốc của những phát minh đầu tiên

Là đất nước rộng lớn có lịch sử lâu đời, Trung Quốc xuất hiện và phát triển một nền văn minh thuộc loại sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Trong quá trình đó, nhiều sự kiện, phát minh và sáng chế đầu tiên của thế giới đã được xuất hiện dưới thời Trung Hoa cổ. Xin giới thiệu một số phát minh tiêu biểu.    

   I. Lịch pháp lần đầu tiên xuất hiện dưới thời nhà Thương (XVII –XI trước Công nguyên) được căn cứ theo tuần trăng, Một tuần trăng khuyết được tính thành một tháng. Tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày. Một năm có 12 tháng, cách mấy năm lại có một năm nhuận có 13 tháng.
Lịch pháp là kết quả một quá trình quan sát lâu dài của người lao động trong sản xuất nông nghiệp. Có lịch pháp, con người mới nắm được thời tiết để làm mùa vụ. Sang thời Hán (206 – 220 trước Công nguyên) lịch pháp được Tư Mã Thiên cùng một số nhà khoa học thời này chỉnh lý đến mức hoàn chỉnh. Âm lịch mà ngày nay chúng ta vẫn dùng, chính là lịch pháp từ thời nhà Thương và được hoàn chỉnh dưới thời nhà Hán.
2. Thể chế “Cộng hòa” đầu tiên ra đời nhà Chu (XI – III trước Công nguyên) vào năm 841 tước Công nguyên, dưới triều đại Chu Lệ Vương. Bấy giờ, do mâu thuẫn xã hội gay gắt, nhân dân trong nước đã đứng lên phế truất quyền thống trị của Lệ Vương. Sau đó nhân dân đã họp lại tôn Cộng Bá Hòa – một người có tài đức lên làm Công chủ. Giai đoạn xã hội này kéo dài từ năm 841 đến năm 828 trước Công nguyên, tất cả là 14 năm. Đó là một thời xã hội mang tính dân chủ, trong nước không có vua, người đứng đầu đất nước do nhân dân tín nhiệm bầu lên. Thể chế Cộng hòa (共和) – được đặt từ họ tên của Cộng Bá Hòa ra đời từ đấy.


3. Tuyển tập thơ ca đầu tiên của Trung Quốc và thế giới là Kinh Thi – một tác phẩm vĩ đại của nền văn học cổ điển Trung Quốc. Kinh Thi ra đời trong khoảng thời gian suốt 500 năm, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân thu (XI – V trước Công nguyên).
Những bài thơ trong Kinh Thi gồm hai bộ phận: một bộ phận do tầng lớp quí tộc và các nhạc quan sáng tác; bộ phận còn lại do nhân dân lao động sáng tác. Ban đầu, Kinh Thi có khoảng 3.000 bài, đến thời Khổng Tử, ông san định lại còn 305 bài gọi là “Thi” hoặc “Thi tam bách”, dùng làm sách giáo khoa cho học trò và trở thành một bộ sách kinh điển của giới nhà nho. Kinh Thi là một trong ngũ kinh (gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu). Ba nội dung tư tưởng chủ yếu của Kinh Thi là: phản đối áp bức, lên án giai cấp thống trị, phản ánh thái độ của nhân dân đối với chiến tranh phi nghĩa, phản ánh đời sống lao động và tình cảm của nhân dân lao động.
Kinh Thi có vị trí rất lớn trong học thuật và tầng lớp trí thức nói riêng và nhân dân nói chung. Khổng Tử đã đánh giá vai trò quan trọng của Kinh Thi là “Bất học thi vô dĩ ngôn” (không học Kinh Thi lấy gì mà nói?).
4. Bộ sử đầu tiên trên thế giới nói về lịch sử của một nước là Sử ký của Tư Mã Thiên (145 – 90 trước Công nguyên) – một nhà viết sử vĩ đại sống dưới thời nhà Hán. Sử ký đã phản ánh một cách đầy đủ và sinh động lịch sử xã hội Trung Quốc trong khoảng thời gian 3.000 năm, suốt từ thời Hoàng Đế trong truyền thuyết đến thời Hán Vũ Đế.
Trước Sử ký của Tư Mã Thiên, ở Trung Quốc chỉ có những bộ sử sơ lược hơn về lịch sử một công quốc hay kể về những sự kiện quan trọng như “Xuân Thu”, “Thượng Thư”; còn ở trên thế giới thì những bộ sử như “Lịch sử” của Hêrôđôt (481 – 425 trước Công nguyên), “ Lịch sử chiến tranh ở Pelopône” của Thuxiđit (460 – 396 trước Công nguyên) trong văn học Hi Lạp, hay “Chiến tranh ở Gôlơ” trong văn học La Mã cũng chỉ mới dừng lại ở mức ghi chép những trận đánh lớn, chiến dịch lớn trong lịch sử quân sự mà thôi. Với Sử ký, Tư Mã Thiên cũng là người đầu tiên viết về những dân tộc “man di mọi rợ” với một thái độ đầy trân trọng trên tinh thần bình đẳng giữa các dân tộc và tuyệt đối tôn trọng sự thực lịch sử.
5. Người đầu tiên phát minh ra kỹ thuật làm giấy là Thái Luân – một nhà khoa học sống dưới thời nhà Hán. Thời này văn hóa phát triển, người đi học chữ nhiều, việc dùng thẻ tre, thẻ trúc để viết chữ vừa tốn kém vừa bất tiện. Thái Luân đã tìm cách tạo ra loại vật liệu dùng để viết, sao cho vừa đơn giản vừa rẻ tiền hơn. Vào năm 105, ông đã sử dụng các loại vỏ cây, gai, vải rách và lưới bắt cá cũ bỏ đi làm nguyên liệu để chế biến thành giấy. Và ông đã thành công. Nghề sản xuất giấy ở Trung Quốc bắt đầu được phổ biến từ đấy. Trên thế giới, phải đến mấy thế kỷ sau, nghề làm giấy mới được truyền từ Trung Quốc sang Ấn Độ, Ả Rập rồi truyền sang miền Bắc châu Phi và sau đó, mới từ Bắc châu Phi truyền sang châu Âu.
Việc phát minh ra giấy đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa thế giới. Thái Luân xứng đáng được tôn là ông tổ của nghề giấy.
6. Máy ghi dự báo động đất đầu tiên do Trương Hành – một nhà thiên văn học, lịch pháp và toán học cũng sống dưới thời nhà Hán chế tạo ra, gọi là “Nghi khí địa động”. máy ra đời vào năm 132, là một dụng cụ rất tinh xảo. Đồng là vật liệu để chế tạo máy. Nhìn qua, máy có hình dáng như một chiếc ấm, bên trong có một cây trụ, trên trụ có 8 cái vòi thông ra ngoài, bên ngoài có 8 con rồng chầu về 8 hướng (trong miệng mỗi con có ngậm một viên đạn bằng đồng); phía dưới mỗi con rồng có 8 con cóc bằng đồng ngồi há miệng (xem ảnh). Khi có động đất, máy ghi sẽ rung động. Nếu đất động ở hướng nào thì viên đạn trong mồm con rồng ở hướng đó sẽ rơi xuống miệng cóc. Căn cứ vào tiếng kêu to hay nhỏ của viên đạn, người ta có thể xác định được động đất gần hay xa, mạnh hay yếu…

7. Trường tư thục đầu tiên do Khổng Tử sáng lập. Khổng Tử (551 – 479 trước Công nguyên) người nước Lỗ, tên Khâu, tự Trọng Ni, là ông tổ của Nho giáo.
Là một nhà trí thức vĩ đại của thời Xuân Thu (770 -403 trước Công nguyên) nhưng Khổng Tử chỉ ra làm quan một thời gian ngắn. Suốt cuộc đời còn lại của mình, ông dành cho việc biên soạn sách và dạy học trò về các lĩnh vực lịch sử, tư tưởng và văn học như Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, phê bình Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu  và truyền bá tư tưởng của đạo Nho trong thiên hạ.
Dưới tay Khổng Tử có hơn 3.000 học trò theo học. Ông dạy cho học trò biết chữ và làm toán, về lễ và nhạc cùng các nghề bắn tên và đánh xe. Ông khuyên học trò “Học thì phải luôn luôn cố gắng”. Ông thường mang theo học trò đi chu du các nước, vừa đi đường vừa giảng dạy. Trong sách Luận ngữ Khổng Tử viết: "Học nhi thời tập chi, bất duyệt lạc hồ" (học mà thường ôn tập, cũng chẳng thích ư?)   
Khổng Tử không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại nhất mà còn là nhà giáo dục lớn nhất của Trung Hoa cổ đại. Tinh thần giáo dục không mệt mỏi cùng tri thức uyên bác của ông được các môn đồ kính trọng và tôn thờ hết thế hệ này sang thế hệ khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới