Ts Hóa ngạc nhiên cũng có lí chỉ vì Võ Vĩnh Khuyến là một nhân vật rất đặc biệt; có lẽ trên toàn cõi Vn này có thắp đuốc tìm cả năm cũng không có người thứ hai như Khuyến.
Khuyến học trước tôi một khóa ở khoa văn trường Vinh. Khuyến học K11 tôi K12. Rồi cả hai tên cùng nhập ngũ một ngày, cùng huấn luyện tân binh với nhau 3 tháng ở một đại đội. Sau đó thì tôi về làm lính trinh sát C20, còn Khuyến về làm lính lái xe tăng ở tiểu đoàn thiết giáp của cùng sư đoàn 341.
Quê Hà Tĩnh, hồi học cấp 3 chuyên văn trường Phan Đình Phùng, Khuyến có tiếng học giỏi ở cái vùng đất nổi tiếng có nhiều người học giỏi nhất nước ấy.
Nhưng nói tới Võ Vĩnh Khuyến không phải là để nói cái sự học của anh mà là để nói về cái cá tính độc đáo vô song kia.
Võ Vĩnh Khuyến thăm Tết nhà Hà Tùng Sơn
Thực ra thì hồi còn học khoa văn, do hoàn cảnh chiến tranh sơ tán, mỗi khóa học đóng ở một làng nên tôi và Khuyến chưa biết nhau. Chỉ biết và chơi với nhau khi vào lính ở đơn vị huấn luyện, nhất là khi về cùng sư đoàn lại càng biết nhau hơn.
Điều gây sự tò mò của tôi đối với Khuyến là anh luôn trang bị đầy đủ các thứ vũ khí, quân trang quân dụng bên mình suốt 24/24h; lúc nào trên cái xanh tuya lính của Khuyến cũng có đầy đủ dao găm, bi đông nước, hai quả lựu đạn, túi cứu thương cá nhân và một vài vật dụng khác nữa, có khi là cả cái que xâu dép cao su và bát sắt B52 với đôi đũa. Cứ gọi là kín một vòng tròn quanh cái vòng hai của Khuyến. Chẳng bù cho tôi, rất ghét sự bùng nhùng của các thứ trang bị ấy, chỉ trông có cơ hội là tháo ra và ném vào đâu đó. Cái mũ cối của Khuyến cũng luôn được bọc lưới ngụy trang; trời chưa lạnh Khuyến đã mặc áo trấn thủ vào, đôi giày cao cổ luôn dính vào chân. Lúc đó trông Khuyến rất giống với hình ảnh anh vệ quốc quân thời chống Pháp. Vì vậy đi đến đâu, Khuyến cũng trở thành nhân vật nổi trội về thời trang của lính. Có lẽ cái chất lãng mạn của sinh viên khoa văn đã ăn sâu vào máu thịt Khuyến và anh đã tìm cách để hiện thực hóa nó.
Khi trở thành lính lái xe tăng, tiểu đoàn thiết giáp của Khuyến đóng ở một ngôi làng ven đồi bên Dương Thủy rất tiện cho việc hàng chục cái xe tăng T54, T34 và xe K63 gầm gào tập luyện; còn tôi thì đóng quân ở làng Uẩn Áo cách đó khoảng 2km. Bọn tôi thường qua lại chơi với nhau khi rảnh rỗi. Mà thường là tôi qua chỗ Khuyến bởi tôi rất thích ngắm nhìn sự oai hùng của hàng dãy xe tăng xếp hàng thẳng tắp với tháp pháo vươn nòng.
Về tiểu đoàn tăng rồi, Khuyến càng gia tăng hơn nữa những trang thiết bị quanh cái xanh tuya. Như thêm vào ống nhòm, túi bản đồ, la bàn... trông rất chi là sẵn sàng chiến đấu.
Trang thiết bị thì dữ dội như vậy nhưng Khuyến lại là một chàng trai rất hiền lành và lạ nhất là không có máu me gái gú gì. Con gái dù đẹp mấy đi lướt qua anh cũng như là cái bức vách vừa đi qua, không xi nhê gì. Ấy vậy mà có sự lạ là bọn con gái lại rất chú ý đến Khuyến. Ở chỗ làng Uẩn Áo tôi đóng quân có em Vi rất dễ thương, cả tiểu đội tôi xông vào thay nhau tán cả tháng trời chưa đổ. Vậy mà chỉ một lần nhân Khuyến sang chơi, tôi đưa vào nhà Vi uống nước và tán tào lao thiên đế thì Khuyến lại lọt vào mắt xanh của cô nàng. Thỉnh thoảng lại hỏi sao lâu rồi không thấy anh Khuyến sang chơi. Hàng mi chớp chớp nhìn rất nhớ nhung đến anh lái xe tăng. Tất nhiên là Khuyến đâu có cần nhớ đến cái em Vi vu vút vít nào đó làm gì. Thấy vậy bọn tôi bàn nhau là mỗi lần đi tán em Vi, thằng nào cũng phải đeo hết trang thiết bị lên người như Khuyến xem có hiệu quả gì không. Kết quả là vẫn về mo. Lạ.
Năm 1976 sau chiến tranh, những thằng lính Sv bọn tôi may mắn sống sót trở lại trường đại học. Khuyến học K15, tôi K16 vẫn là sau một khóa. Trong lúc bọn tôi nhanh chóng rũ hết đồ lính tráng để mặc lên người đồ dân sự cho khỏe thì Võ Vĩnh Khuyến vẫn cứ như ngày còn ở tiểu đoàn thiết giáp. Lên giảng đường vẫn bộ đồ lính, vẫn cái mũ cối gắn lưới ngụy trang, nhất là vẫn cái xanh tuya giờ chỉ còn treo mỗi cái bi đông lúc nào cũng đầy nước. Mùa đông vẫn diện đủ áo trấn thủ may chéo; vẫn là giày cao cổ. Thực tế là Khuyến càng muốn giản dị bao nhiêu thì lại càng nổi bật lên bấy nhiêu. Và anh chàng vẫn nhìn đám con gái Sv xanh đỏ tím vàng thướt tha ẻo lả đi lướt qua mình như nhìn những cái bức vách di động. Khiến nhiều nàng tức điên.
Rồi ra trường, Khuyến được phân vào giảng dạy ở trường CĐSP Quảng Ngãi, thì thầy Võ Vĩnh Khuyến vẫn giữ nguyên comle trang thiết bị lính tráng như thế mà bước lên bục giảng cho Sv hết về thơ văn Nguyễn Khuyến sang thơ văn Tú Xương, hết truyện Kiều Nguyễn Du sang thơ Nguyễn Công Trứ. Khi đó thì tôi dạy ở QNU, có lần Khuyến vào dự một hội nghị khoa học của trường tôi mang theo đề tài để báo cáo và vẫn với nguyên hình nguyên trạng thời trang lính như thế trên diễn đàn khoa học.
Mấy năm trước, khi cả hai thằng con trai đều tốt nghiệp đại học và ở lại Tp thì Khuyến dời đô vô Sài Gòn sống ở chung cư Nguyễn Thị Nhỏ gần vòng xoay Lê Đại Hành. Tôi lên chơi thấy bạn đang đánh trần lau chùi những món cổ vật thiệt ít giả nhiều, với cả một lô một lốc những vật kỉ niệm tí hon trưng bày kín cả một bức tường phòng ngủ. Và dù sống giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội nhưng Võ Vĩnh Khuyến vẫn như ngày xưa. Vẫn mặc nguyện bộ đồ ka ki của lính, diện đủ đôi giày vải cao cổ; thêm cái nón bảo hiểm sơn màu nhà binh bọc thêm lưới ngụy trang, vẫn cái xanh tuya treo bi đông đựng nước chè tàu đậm đặc mỗi khi rời nhà ra phố.
Trong lúc tôi đang ngắm nhìn căn phòng bảo tàng thì Khuyến mở ra một cái hộp đựng đầy các bản thảo, các bài báo khoa học của Khuyến trong mấy chục năm nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam dày nửa gang tay nói tao đang muốn in cái này thành một tập sách để kỉ niệm. Nên quá đi chứ.
Đến vào buổi trưa chủ nhật nên vợ chồng Khuyến giữ mình lại ăn cơm. Ngồi ngắm chòm râu phất phơ của Khuyến rất giống chòm râu ông kụ thời kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc, tôi nói giá mà ông làm chủ tịch nước thì có thể gọi là cha già dân tộc được đấy. Khuyến nghe thế xua tay xuỵt xuỵt rồi chỉ tay vô bà Hồng đang lúi húi trong bếp: mày nói khẽ thôi, mụ ấy nghe thấy thì chết. Tôi tưởng là sợ phạm thượng gì bởi Hồng vợ Khuyến là thượng tá công an; hóa ra không phải. Hồng đã kịp nghe và ló đầu ra: Mấy ông nói ông Khuyến là cha già dân tộc thì tui là mẹ già dân tộc à!!!
Sợ quá.
Ngay cạnh cửa sổ trên căn hộ chung cư lầu 6 là một cái chõng tre điển hình của làng quê Hà Tĩnh. Đó là nơi hàng ngày Khuyến chỏng gọng nằm đọc sách, ngâm nga thơ phú; khi có bạn bè ở xa đến thì đó là nơi bạn nằm nghỉ lại.
Rồi ngày Tết đến chơi nhà tôi Khuyến cũng vẫn giữ nguyên thời trang và trang thiết bị lính như thế. Trong lúc vợ tôi súc ấm pha trà thì Khuyến đã xua tay và lấy bi đông rót trà ra uống.
Nguyễn Khắc Hóa, dạy lí luận và văn hóa học, cũng là đồng hương Hà Tĩnh với Khuyến, cũng chơi với Khuyến từ lâu và rất quí trọng Khuyến; đã đưa ra một nhận xét mang đậm chất lí luận văn học: Võ Vĩnh Khuyến là người chưa ra khỏi cuộc chiến dù chiến tranh đã đi qua hơn một phần ba thế kỉ.
Khuyến nghe thế chỉ hiền hậu mỉm cười, chòm râu theo model cha già dân tộc rung rung.
Chào Tùng Sơn!
Trả lờiXóaCũng do cơ may Khuyến ghé "nhà" tôi mà biết anh. Mới đầu bài viết cứ háo hức xem cái thằng cha Huyến đặc biệt đến cỡ nào. Hóa ra, chỉ là một thằng hâm. Hâm tỉ độ. Đọc hết đoạn này, không ai nói hắn không hâm mới là chuyện lạ:... Điều gây sự tò mò của tôi đối với Khuyến là anh luôn trang bị đầy đủ các thứ vũ khí, ...
Dỡn thôi, chớ chúng ta có quá nhiều điểm chung: là dân HT, học SP Vinh, đi lính một thời, về học lại, vào Nam cùng thời...
Mời anh qua "nhà" sẽ hiểu nhiều hơn về tui.
Chúc vui, khỏe!
http://levan.blogtiengviet.net/
http://www.youtube.com/user/levancon60
https://www.facebook.com/profile.php?id=100004288508546
https://plus.google.com/u/0/115605442636829237341/posts
Cảm ơn anh. Hâm như lão Khúng-Khuyến thì đến cả tỉ độ rồi.
XóaTôi đã vào trang blog của anh, thấy nặng tình đồng chí đồng đội lắm. Có lẽ đó là một hội chứng của thế hệ chúng ta.