17 tháng 5, 2012

Đề Đô thành nam trang và một giai thoại tình yêu bất tử

                                                                                                                                        
Thôi Hộ là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Đường. Thơ ông còn lại 6 bài được ghi ở trong bộ Toàn Đường thi nhưng ông lại là nhà thơ nổi tiếng với chỉ một bài thơ Đề Đô thành nam trang, một áng tình thi gắn với một câu chuyện tình lãng mạn khi mùa xuân về và được lưu truyền mãi trong giới yêu thơ như là một huyền thoại về tình yêu trong thi ca.
Chuyện kể rằng chàng Thôi Hộ dù thông minh sáng láng và hay thơ nhưng lại là một sĩ tử không may chốn trường thi. Ông đi thi đến lần thứ hai rồi mà vẫn bị hỏng. Buồn chán trong lòng nên nhân tiết thanh minh, Thôi Hộ đi du xuân về phía nam thành Đô. Chợt thi nhân thấy trước mắt mình hiện ra một trang trại với cây cối xanh tươi tốt đẹp, nhất là cả một rừng hoa đào đang rộn ràng khoe sắc giữa gió xuân thổi từ phương đông về.
Cảm mến vô cùng cảnh đẹp thiên nhiên của trang trại, ông ghé lại gõ cửa xin nước uống. Và câu chuyện cứ như là một chốn nhân duyên tiền định, người mang nước cho ông uống là một thiếu nữ vừa tròn tuổi trăng rằm, đẹp đẽ không kém gì một tuyệt sắc giai nhân. Nàng mang nước mời nhà thơ uống còn mình thì e lệ đứng nép dưới cành đào. Giữa một khung cảnh của hoa đào khoe sắc thắm, thiếu nữ cũng ửng hồng đôi má, miệng chỉ chúm chím cười hoa đào che kín nụ mà kín đáo chẳng nói năng chi. Trong lúc đó thì chàng trai trẻ chưa vợ Thôi Hộ đắm đuối nhìn, không biết là sắc hồng của hoa đào khiến khuôn mặt người đẹp hồng tươi hay ngược lại là đôi má hồng của thiếu nữ tỏa sắc hồng thắm tươi lên những nụ hoa đào. Quả là hoa đẹp mà người cũng thật là đẹp!       
                 
thiuenu5.jpg

                      Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Không đừng được nỗi lòng, thi nhân liền lấy giấy bút với cảm xúc dào dạt mà viết thành bài thơ tứ tuyệt với nhan đề:

Đề Đô thành nam trang
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Dịch nghĩa:
Đề (thơ) ở trại phía nam Đô thành
Ngày này năm ngoái tại cửa đây
Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng
Gương mặt người xưa giờ không biết ở chốn nào

Bản dịch thơ của thi sĩ Tản Đà:
Thơ đề ở trang trại phía nam Đô thành
Cửa đây năm ngoái cũng ngày này
Má phấn hoa đào ửng đỏ hây
Má phấn giờ đây đâu vắng tá
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây         
DSC08252.JPG

hoa đào năm ngoái.jpg
                       Thư pháp Đề Đô thành nam trang
Viết xong cẩn thận kí tên phía dưới rồi đem gài vào cánh cổng trang trại cất bước ra về mà lòng Thôi Hộ vẫn không ngừng bâng khuâng.
Bẵng đi một thời gian sau, trong lòng Thôi Hộ thấy quá đỗi xốn xang vì thương nhớ người thiếu nữ nơi trang trại, chàng bèn quay trở lại thì nghe từ trong nhà có tiếng khóc vẳng ra. Không hiểu là điều gì đang xảy ra, chàng quyết định đường đột gõ cửa thì thấy ngay một ông già đi ra, nhìn chàng và hỏi :
- Ngài có phải là Thôi Hộ không ? Con gái tôi sau khi đọc bài thơ của ngài mà mắc bệnh tương tư, u sầu suốt ngày đêm, không ăn uống gì và vừa qua đời.
Thôi Hộ nghe chuyện thì ân hận vô cùng vì thấy do mình mà thiếu nữ đã chết. Chàng bèn bước vào trong quỳ xuống bên giường nàng, ôm lấy cái thi thể còn nóng ấm của thiếu nữ mà khóc lóc thảm thiết. Nước mắt của Thôi Hộ rơi xuống thi thể người con gái như minh chứng cho một tình yêu oan trái. Và kì diệu thay, những giọt nước mắt khóc thương cùng với vòng tay ấm nóng của Thôi Hộ đã khiến cho người con gái sống lại. Nàng chợt mở mắt, khuôn má lại dần ửng hồng như hoa đào giữa mùa xuân đang khoe sắc thắm ngoài sân. Một nụ cười e ấp của hạnh phúc đang phục sinh.
Ngay sau đó, hai người liền kết duyên vợ chồng và Thôi Hộ lại vào kinh đi thi lần thứ ba. Lần này nhờ có thần tình yêu chắp cánh, chàng đã đỗ tiến sĩ, chấm dứt những năm tháng lận đận chốn trường thi. Đó là kì thi tiến sĩ đời nhà Đường vào năm 796. Nhờ thi đỗ tiên sĩ mà Thôi Hộ làm quan đến chức Tiết độ sứ. Đôi trai tài gái sắc với hai trái tim đập cùng một nhịp yêu thấm đẫm chất tình thi lãng mạn đã sống với mãi với nhau cho đến khi đầu bạc răng long, con cháu đề huề.
Đại thi hào Nguyễn Du khi sáng tác Truyện Kiều đã mượn hai câu trong bài thơ Đề Đô thành nam trang của Thôi Hộ để miêu tả tâm trạng chàng Kim Trọng khi trở lại vườn thúy thì thấy nàng Kiều đã bước chân vào con đường của mười lăm năm lưu lạc:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Sau này có rất nhiều bản dịch thơ và phóng tác từ Đề đô thành nam trang, tiêu biểu là bài phóng tác của tác giả Vương Ngọc Long ở Sài Gòn trước năm 1975, rất được truyền tụng trong giới yêu thơ thời đó:
Hoa đào năm ngoái
Tôi đã gặp em trước cổng nầy
Ngày nầy năm ngoái gió xuân bay
Ánh dương phơi phới hồng đôi má
Ưng ửng đào hoa em ngất ngây

Lẳng lặng nhìn em ánh mắt sâu
Môi thơm ngan ngát lộc xuân đầu
Trăm năm tơ ngãi là em đó
Gặp gỡ làm chi để kiếp sầu

Cầm tay chẳng nói một lời sao
Tiễn biệt chia xa luống nghẹn ngào
Có phải lương duyên trời đã định
Mỏng manh phai nhạt sắc hương đào

Tôi trở về đây đứng đợi mong
Hương xưa tìm lại phấn xuân hồng
Người đâu? Còn lại hoa đào đó
Cười cợt vô tình với gió đông.
Và câu chuyện tình yêu với sự chắp cánh của thơ ca vẫn sống mãi, truyền tụng mãi trong những người yêu nhau và yêu thơ hết đời này sang đời khác như sức sống bất diệt của tình yêu và thi ca giữa một khung cảnh mùa xuân thắm hồng sắc hoa đào với sự ửng hồng trên đôi má người thiếu nữ.

       
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới