Ai đã từng sống ở Bình Định hẳn không thể không một lần nghe câu:
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành
Câu vè theo thể lục bát luôn gợi nhớ về một hình ảnh vừa đáng khâm phục vừa đáng thương của một nhân vật lịch sử Bình Định ở thế kỉ XVIII mà mỗi lần nhắc đến đều khiến người dân nơi đây ngùi ngùi xúc động. Cuộc đời với những câu chuyện kể theo lối truyền miệng như một huyền thoại của chàng Lía từ lâu đã sống động và sống mãi trên dải đất Bình Định qua tác phẩm văn học dân gian Vè chàng Lía dài như một bản trường ca với 1438 câu.
Đã có không ít bài viết về chàng Lía và Vè chàng Lía, đã có không ít công trình nghiên cứu trong nửa thế kỉ qua ít nhiều đề cập đến nhân vật lịch sử này. Nhưng để có một công trình giới thiệu toàn diện về cuộc đời và sự nghiệp của chàng Lía thì vẫn là một chỗ trống chưa được khỏa lấp cho đến khi cuốn chuyên luận giới thiệu và nghiên cứu về tác phẩm Vè chàng Lía(*) do Trần Xuân Toàn và Đặng Thị Bích Ngọc biên soạn ra đời.
Với một bố cục hợp lí, chuyên luận được chia làm ba phần:
- Khảo sát chung về tình hình văn bản Vè chàng Lía.
- Tìm hiểu một số vấn đề về nội dung và nghệ thuật Vè chàng Lía.
- Hình tượng chàng Lía trong các thể loại văn học dân gian và văn học viết.
Xem kĩ thì thấy ở phần nào, tác giả chuyên luận cũng đã cố gắng giải quyết thấu đáo về cả bề rộng lẫn chiều sâu trên những cứ liệu kết hợp giữa lí luận của khoa nghiên cứu folklore học với thực tiễn sưu tầm tác phẩm Vè chàng Lía ở Bình Định.
Từ phần đầu, khảo sát chung về tình hình văn bản cho đến phần cuối, phân tích nhân vật chính trong Vè chàng Lía với tư cách là một hình tượng văn học, tác giả đã khẳng định Vè chàng Lía là một tác phẩm thuộc dạng vè lịch sử với những đặc điểm gần giống với truyền thuyết chứa đựng một hàm lượng hư cấu cần thiết. Chính điều đó đã làm nên sự hấp dẫn của Vè chàng Lía.
Nhân vật chàng Lía, một thanh niên nông dân nghèo khổ, tướng mạo đen đúa nhưng có sức mạnh vô địch và một khí phách ngang tàng như một hiệp khách thời trung cổ; lại có dáng dấp của một anh hùng hảo hán cầm đầu một đội quân đóng giữa căn cứ Truông Mây chống lại quan quân triều đình phong kiến nhà Nguyễn; chuyên đi cướp của người giàu chia cho dân nghèo đã một thời làm nức lòng người Bình Định về một lí tưởng công bằng và bác ái.
Người đọc, người nghe kể Vè chàng Lía hẳn ai cũng thấy sướng trong người với những câu vè giản dị mà hào sảng khi nhắc đến tài võ của Lía:
Chàng Lía hết sức lẹ lanh
Lại thêm sức mạnh ai kình cho qua
Đường côn toàn vẹn trăm bề
Múa nghe giông tố tiếng nghe vù vù
Hoặc nói sự ngang tàng của Lía:
Lía ta ngang dọc thay là
Mục đồng nể sợ ai mà chẳng kiêng
Người Bình Định từ xa xưa vốn dĩ có tinh thần thượng võ. Không chỉ đàn ông, ngay cả đàn bà con gái Bình Định cũng nổi danh:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi đi quyền
Với tinh thần đó thì hình tượng Lía trong Vè chàng Lía là hiện thân của truyền thống thượng võ ấy. Đó cũng là sự cắt nghĩa cho lí do của sự yêu thích, qúi mến suốt hàng trăm năm nay của người Bình Định với truyền thuyết về Lía và về tác phẩm Vè chàng Lía. Một tác phẩm dân gian mang đậm chất bi tráng. Chính cuộc đời của người anh hùng trẻ tuổi Lía đã làm nên cái hùng và cái bi trong Vè chàng Lía. Người đọc Vè chàng Lía qua nhiều thế hệ vừa rất cảm phục kính trọng Lía nhưng cũng rất lấy làm thương hại Lía là vì vậy.
Ngày nay, trong sự xô bồ của cuộc sống hiện đại với những loại hình nghệ thuật, những phương thức biểu diễn hiện đại, có thể Vè chàng Lía không còn chỗ đứng trong sự yêu thích của người đời như thời quá khứ. Nhưng có đặt trong bối cảnh lịch sử, trong hoàn cảnh ra đời của Vè chàng Lía, chúng ta mới thấy hết giá trị không chỉ về nội dung mà cả về nghệ thuật của nó. Nghiên cứu Vè chàng Lía, tác giả của chuyên luận đã rất chú ý trong việc làm bật nổi khía cạnh này. Và đó là một đóng góp đáng kể của Trần Xuân Toàn và Đặng Thị Bích Ngọc ở cuốn Vè chàng Lía.
Ở Bình Định có hai loại hình nghệ thuật truyền thống rất được ưa chuộng là tuồng và dân ca. Với Vè chàng Lía, đó là nơi để người Bình Định phổ vào một cách dễ dàng các làn điệu dân ca, khiến những câu vè mộc mạc trở nên du dương da diết, rất dễ đi vào lòng người. Vè chàng Lía sống mãi cũng là vì thế.
Sau những trang viết công phu đầy tính học thuật của chuyên luận, cuốn sách còn tập hợp đầy đủ toàn văn hai dị bản Vè chàng Lía với những chú thích tỉ mỉ đầy đủ rất tiện cho những ai cần tìm hiểu kĩ càng và nghiên cứu sâu hơn về Lía và Vè chàng Lía.
Các văn bản về Lía qua một số truyện ngắn và phần phụ lục của sách cũng là một sự bổ sung cần thiết để bạn đọc có cơ hội tìm hiểu, nhận thức đầy đủ về nhân vật lịch sử chú Lía. Vì thế có thể xem cuốn sách là một bức tranh toàn cảnh, toàn diện có ý nghĩa như là một toàn tập về Vè chàng Lía. Không phải bỗng dưng mà công trình được đưa vào Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam và được Dự án tài trợ xuất bản.
Tuy nhiên, có lẽ là do quan niệm thiên về nội dung mà nhẹ về hình thức nên ở chuyên luận Vè chàng Lía tác giả đã ít đi sâu vào giới thiệu, phân tích phần nghệ thuật của bài vè dài hơi này. Ngay từ luận điểm với tên gọi « Đôi nét về nghệ thuật Vè chàng Lía» (trang 99) đã nói lên điều đó. Cái hay cái đẹp về nội dung, nhất là với một thể loại nôm na như vè mà cụ thể ở đây là Vè chàng Lía thì ai cũng hiểu; nhưng để đi sâu vào các vấn đề thuộc phạm trù thi pháp học của tác phẩm thì đó là miếng đất rất cần sự khai phá, gieo trồng của nhà nghiên cứu. Và đây chính là chỗ còn khiếm khuyết của chuyên luận Vè chàng Lía.
(*)Vè chàng Lía, Trần Xuân Toàn và Đặng Thị Bích Ngọc; NXB Thanh niên, 2010.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới