Ở vào thế kỉ thứ 5 trước công nguyên, tức cách đây 2.500 năm, nhà triết học cổ đại của Trung Quốc là Lão tử đã viết nên cuốn Đạo đức kinh. Cuốn sách bao gồm những lời dạy và cũng là những lời chú giải về đời sống thiên nhiên và xã hội. Từ đó, Đạo đức kinh của Lão tử đã trở thành cuốn sách kinh điển của những người theo đạo Lão. Và cũng từ đó, có rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, văn học đã dày công nghiên cứu về Đạo đức kinh của Lão tử, vận dụng những tư tưởng tiến bộ của Lão tử trong cuốn sách này vào cuộc sống hiện đại để làm cho con người xã hội văn minh ngày càng hoàn thiện hơn. Cuốn Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống do tiến sĩ Wayne Dyer biên soạn là một trong những cuốn sách như thế.
Cuốn sách dày 468 trang này do NXB Văn hóa Sài Gòn ấn hành. Để hoàn thành công trình biên soạn này, tiến sĩ Wayne đã tham khảo hàng trăm bản dịch về Đạo đức kinh. Sau một năm nghiên cứu, suy ngẫm về các thông điệp của Lão tử, tự mình vận dụng, thực hiện các thông điệp đó mỗi ngày. Ông đã nhận ra rằng Đạo đức kinh của Lão tử là một cuốn sách dạy cho con người về sự khôn ngoan trong cuộc sống. Và không phải ngẫu nhiên mà nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới. Cuối cùng, từ những tư tưởng của Lão tử, tác giả Wayne đã đúc kết, biên soạn ra 81 bài tiểu luận nhằm giúp bạn đọc có một cái nhìn thấu đáo về Đạo đức kinh của Lão tử. Mỗi bài tiểu luận trong sách này là một thông điệp của cuộc sống mà tác giả của nó muốn gửi đến bạn đọc trong cuộc sống ngày càng trở nên gấp gáp, hối hả và bề bộn của xã hội hiện đại.
Trong lời đề từ của cuốn sách, tác giả viết: Không thay đổi thì không thể tiến bộ, những người không thay đổi đầu óc thì không thay đổi được gì. Phương châm ấy của cuộc sống cũng nói lên rằng, thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống là cả một quá trình của nhận thức sau khi đã nghiên cứu, vận dụng Đạo đức kinh của Lão tử. Chẳng thế mà nhiều học giả lớn trên thế giới đã xem bộ Đạo đức kinh của Lão tử là bản trình bày có giá trị nhất về bản chất của tự nhiên và là một nguồn tham khảo quí giá trên con đường đi tìm một cuộc sống hoàn thiện, hạnh phúc yên bình và cân bằng.
Lão tử sống vào giai đoạn cuối ngày càng suy mạt của thời đại Chiến quốc, khoảng thế kỉ thứ 5 trước công nguyên. Là một bậc hiền triết, ông đã viết Đạo đức kinh nhằm khai sáng tâm trí người đời. Ông phê phán lối sống vội vã, gấp gáp mà đề cao lối sống chậm, thanh thản. Ông cũng dạy con người sống không được thiên vị mà hãy công bằng với mọi người, với cả chính bản thân mình. Chỉ có như vậy thì xã hội mới có thể tiến bộ. Đặc biệt, Lão tử khuyên mọi người muốn có một cuộc sống yên bình thì không nên có cái nhìn khắt khe, khắc nghiệt về người khác; không nên phán xét về người khác mà quên mất sự hạn chế của bản thân mình. Một khi sa vào tình trạng này, bạn sẽ thấy mình rất khổ sở, không bao giờ có được sự thoải mái trong tâm hồn.
Đó cũng có nghĩa là một cuộc sống không có oán hận. Đạo đức kinh cho rằng con người ta gieo gì thì gặt về chính cái ấy. Gieo khắc nghiệt sẽ gặt về sự khắc nghiệt, gieo oán hận sẽ gặt về sự oán hận.
Vậy cái gọi là Đạo theo Lão tử nghĩa là sự tuyệt đỉnh của hiện thực. Là một nguồn lan tỏa toàn bộ mọi sự việc xảy ra ở trên đời này. Đạo không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc. Đạo không làm gì cả nhưng lại bao trùm lên khắp thế giới vạn vật.
Viết cuốn sách này thành nhiều chương, với mỗi chương là một chủ đề có ý nghĩa như một thông điệp của cuộc sống, tác giả Wayne cũng muốn gửi gắm đến bạn đọc những bài học mang đậm ý nghĩa nhân sinh và nhân văn. Chỉ có điều là do đặc điểm của đề tài, bạn không nên đọc sách này một cách vội vã mà phải đọc từ từ, mỗi ngày chỉ nên đọc một thông điệp để thấm dần và từ đó ứng dụng vào cuộc sống.
Chỉ có như vậy, bạn mới có thể trở thành một người tốt, một người có ích cho xã hội; và trở thành một con người vinh dự. Đấy cũng là điều mà Đạo của Lão tử nhằm hướng tới qua cuốn Đạo đức kinh của ông. Tuy nhiên cũng từ sách này, bạn sẽ nhận ra rằng, những bài học chân lí của Đạo Lão phải là cả một quá trình đi từ nhận thức đến vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Bằng con đường ấy, bạn đọc có thể có được những điều kì diệu có ý nghĩa lớn lao về sự tồn tại của chính bản thân mình. Và khi đó cũng có nghĩa là bạn đang hành Đạo để làm cho cuộc sống, trong đó có bản thân mình ngày một tốt đẹp hơn, nhân ái hơn.
Đọc hết sách này, bạn sẽ nhận ra điều cốt lõi của Đạo đức kinh của Lão tử chính là sự đắm mình vào cuộc sống trong một sự đơn giản nhất của những chân lí để từ đó bạn ngộ ra được những bài học bổ ích của cuộc sống. Chỉ đến lúc đó, bạn sẽ thấy rằng, thực ra cuộc sống rất giản dị và rất tự nhiên. Giản dị và tự nhiên như chân lí vậy. Với cách hiểu ấy, bạn cũng sẽ thấy từ Đạo đức kinh, đừng có cố công quan trọng hóa vấn đề, bởi ở trên đời này, khi người ta quan trọng hóa vấn đề cũng có nghĩa là khi người ta đang làm cho cuộc sống trở nên phức tạp và rối rắm.
Đó là một điều không ai muốn nhưng oái oăm ở chỗ là không ít người luôn tìm cách chui đầu vào sự sai lầm ấy.
Nếu có dịp, bạn hãy tìm đọc quyển sách này, đọc chậm rãi và thong thả, bởi như tác giả Wayne đã nói: Đây là cuốn sách sẽ thay đổi hoàn toàn cách bạn nhìn nhận cuộc đời của bạn và kết quả là bạn sẽ sống một thế giới mới đồng hành với tự nhiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới