6 tháng 5, 2012

Duyên nợ

Hôm thứ 7 ngày 21-4 mới rồi ngồi trên xe đi dạy cho BDU, chú lái xe của trường mở bản tin thời sự sáng lúc 6 giờ của đài phát thanh Tp. Tin đầu tiên từ giọng đọc của người ptv khiến mình ngay lập tức chú ý và xúc động lạ thường, ngồi lặng hẳn đi: Vào ngày này cách đây đúng 37 năm về trước  quân giải phóng đã tấn công thị xã Xuân Lộc, các sư đoàn của Quân đoàn IV đã bao vây tiêu diệt và đuổi tàn quân sư đoàn 18 của viên chuẩn tướng Lê Minh Đảo chạy về Hố Nai, đánh chiếm  Xuân Lộc; từ đó mở màn cho chiến dịch HCM.
Quân đoàn IV lúc đó do tướng Hoàng Cầm chỉ huy gồm 3 sư đoàn chủ lực gọi theo mật danh là công trường 7, công trường 9 và công trường 1 tức F 341 từ miền Bắc vào.
 



Lặng hẳn đi vì trong cái công trường 1 của quân đoàn số IV đó có tên mình, lúc đó đang ở trên một cái đài quan sát mặt trận thuộc sở chỉ huy tiền phương của sư đoàn. Khi lính bộ binh và thiết giáp của quân ta tràn vào làm chủ thị xã, những người lính trinh sát bọn mình coi như xong nhiệm vụ, thu dọn đồ nghề rút xuống mắc võng giữa một đồn điền cao su xanh mát ở ngoại ô thị xã Xuân Lộc nằm lắc lư như không hề biết đến chiến tranh là gì.
Sau đó thì vào Sg đúng ngày 30-4.
37 năm đã đi qua. Người ta cứ nói đó là ngày giải phóng. Giải phóng miền Nam, giải phóng Sg. Nhưng cũng có lúc mình cảm giác như chính mình cũng được Sg giải phóng. Đó là khi mình lần đầu tiên trong đời được nhìn tận mắt cái Tv; khi lần đầu tiên trong đời được đi giữa những dãy phố nguy nga, được lần đầu tiên khâm phục ngước nhìn những tòa nhà cao tầng tráng lệ;  lần đầu tiên biết mùi một loại nước uống lạ lẫm gọi là bia lazde. Nhất là khi mình được nằm khểnh trong những giờ rảnh rỗi mà đọc say mê đủ loại sách thượng vàng hạ cám của Sg trước 75. Niềm  thú vị và hấp dẫn cứ như là chú AQ của Lỗ Tấn đang cơn khát giữa trưa hè tháng 6 mà được uống nước đá.
 Còn rất nhiều sản phẩm của một xã hội văn minh khác nữa mà suốt thời gian làm quân quản ở quận 3 mình được thụ hưởng. Tuy nhiên lúc đó những cái loa tuyên giáo lại nói rằng đó là nọc độc thực dân, là tàn dư mĩ ngụy, là bơ thừa sữa cặn.
Sữa mà cũng có cặn. Chỉ có kẻ chưa bao giờ uống sữa mới nói xuẩn ngốc như thế. 
Thực sự, nói cho công bằng thì chính mình mới là người được Sg giải phóng. Còn mình có tham gia giải phóng Sg hay không thì không rõ lắm.
Ngẫm nghĩ kĩ thì cứ như là mình có một duyên nợ với những cái gọi là tàn dư, là nọc độc đó.
Và đây là câu chuyện được cất giữ đã lâu mà tôi muốn kể lại vào dịp này. Câu chuyện mang tên:


CHUYỆN VỀ MỘT TẬP TƯ LIỆU
CỦA ĐÀI TRUYỀN HÌNH QUY NHƠN
TRƯỚC NGÀY 30 - 4 - 1975
   

Năm 1988 tôi được chuyển về làm việc tại Đài Truyền hình Quy Nhơn khi đó là đài khu vực trực thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin với nhiệm vụ được giao là Trưởng phòng Biên tập - Chương trình. Đài Truyền hình Quy Nhơn (tên gọi đầy đủ là Đài vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn) vốn là một trong 4 đài địa phương được ra đời từ năm 1972 thời Việt Nam Cộng hòa là Cần Thơ, Huế và Nha Trang (Đài Truyền hình Sài Gòn lúc bấy giờ là đài trung ương quản lí cả 4 đài địa phương).
Theo những anh em kĩ thuật cũ kể lại thì trong thời gian đầu thử nghiệm, cứ đến giờ phát sóng thì một chiếc máy bay trực thăng của quân đội có gắn ăng ten phát bay lên cách mặt đất t3 đến 5km rồi phát hình từ không trung xuống. Về sau đài phát sóng được xây dựng trên đỉnh núi Vũng Chua có độ cao 800m so với mặt biển thuộc Tp. Quy Nhơn, thường gọi là Đài Vũng Chua và vẫn được duy trì sử dụng hiệu quả cho đến ngày nay.
Trong căn phòng làm việc của tôi lúc đó ở trụ sở Đài tại số nhà 181 Lê Hồng Phong (bây giờ là trụ sở của Sở Tài chính Bình Định), có một cái tủ tài liệu bằng gỗ mộc rất thô sơ và cũ kĩ, bên trong chất đầy một cách lộn xộn những cặp tài liệu cũng rất cũ kĩ. Một hôm rảnh việc, tự mình sắp xếp lại tủ và tôi đã thấy tận cùng dưới đáy tủ có một cặp tài liệu bằng bìa cứng bên trong có 3 tập tài liệu gồm: Cẩm nang đấu tranh chánh trị với cộng sản trong giai đoạn tái phát chiến tranh. Tài liệu này dày 20 trang, do Phủ tổng dân ủy thuộc Phủ  tổng thống Việt Nam cộng hòa phát hành. Phía dưới ghi:  Loại cẩm nang phổ biến hạn chế; khối kế hoạch chương trình thực hiện tháng 12-1973. Một tập khác mang bí số HT.440-3 có tên “Huấn thị về bảo toàn quân dụng và tiếp liệu cơ phận thay thế công binh” dày 80 trang. Tập còn lại mỏng hơn, phía ngoài trang bìa ghi “Tin tức và phóng sự hàng tuần của Tiểu khu Phú Yên do Khối Chiến tranh Chính trị TK. Phú Yên thực hiện”.
Do máu nghề nghiệp làm báo, tôi lập túc chú ý đến tập tin tức và phóng sự này. Trên trang bìa ở góc trái có bút phê “Ông Thọ sắp xếp và cho thực hiện vào một tối thứ ba hay thứ tư tuần này 2-5/10/72”. Phía dưới có dấu văn thư hình chữ nhật ghi “Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, Đến số: 2214, ngày 3 tháng 10 năm 72”. (Theo anh Nguyễn Định Hiếu, một cán bộ kĩ thuật làm việc tại Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn từ năm 1972 và sau ngày tiếp quản được chính quyền của chế độ mới bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kĩ thuật của Đài Truyền hình Quy Nhơn giải phóng, thì ông Thọ ghi ở đây là một người quay phim phụ trách phim trường của Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, hiện đang sống ở Sài Gòn). Tôi lấy tập tài liệu thuộc về quá khứ lịch sử của một chế độ đã sụp đổ để hẳn sang một bên và tần ngần lật giở các trang bên trong thì đó là một bản tin lời và một phóng sự ảnh gồm có 5 bức hình kèm theo một trang đánh máy các lời bình về sự kiện xảy ra vào lúc 12 giờ ngày 18 tháng 9 năm 1972 ở Phú Yên “Lễ kỉ niệm đệ nhất chu niên ngày thành lập tiểu đoàn 2/210 địa phương”. Ngoài ra còn có tấm hình một người dân đang được chụp hình làm căn cước. Mỗi tấm hình đều có kèm theo lời bình chú về những quân nhân được tuyên dương công trạng và gắn huy chương đủ loại trước các cấp từ lữ đoàn đến quân đoàn.
Những tư liệu quá cũ được tôi tìm thấy sau 13 năm cuộc chiến tranh vệ quốc kết thúc kể từ 30 tháng Tư năm 1975 và sau hơn 15 năm kể từ ngày chúng được thực hiện, tháng 10 năm 1972. Nó như một minh chứng cho một thời kì lịch sử của Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, nay là Đài Phát thanh –Truyền hình Bình Định; và cho sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của một chế độ được dựng lên dưới bàn tay của cường quốc Hoa Kì.  Từ đó đến nay 37 năm đã đi qua với bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, dù đã xê dịch từ Quy Nhơn vào định cư tại Sài Gòn, tôi vẫn mang theo cặp tài liệu của phía  bên kia như một vật chứng, một kỉ niệm của hơn hai mươi năm làm báo hình tại Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, sau này là Đài Phát thanh –Truyền hình Bình Định. 
Những bức hình tư liệu của một thời dĩ vãng mà mỗi khi ngắm nhìn tôi lại cứ nghĩ không biết bây giờ số phận của những con người có mặt trong đó đang như thế nào, đang phiêu dạt nơi nao.

   


 
“Ông Thọ sắp xếp và cho thực hiện vào một tối thứ ba hay thứ tư tuần này 2-5/10/72”. Phía dưới có dấu văn thư hình chữ nhật ghi “Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, Đến số: 2214, ngày 3 tháng 10 năm 72”.


 
một phóng sự ảnh gồm có 5 bức hình kèm theo một trang đánh máy các lời bình về sự kiện xảy ra vào lúc 12 giờ ngày 18 tháng 9 năm 1972 ở Phú Yên “Lễ kỉ niệm đệ nhất chu niên ngày thành lập tiểu đoàn 2/210 địa phương”.  

    Lời bình cho tấm hình này:

 
Nguyên trang đánh máy lời bình cho phóng sự ảnh



    
Tấm hình một người dân đang được chụp hình làm căn cước



  

 
  Tập tài liệu này mang bí số HT.440-3 có tên “Huấn thị về bảo toàn quân dụng và tiếp liệu cơ phận thay thế công binh” dày 80 trang.

 



 
  Cẩm nang đấu tranh chánh trị với cộng sản trong giai đoạn tái phát chiến tranh. Tài liệu này dày 20 trang; do Phủ tổng dân ủy thuộc Phủ  tổng thống Việt Nam cộng hòa phát hành; Loại cẩm nang phổ biến hạn chế; khối kế hoạch chương trình thực hiện tháng 12-1973. 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới