Cụ Đào Tấn (ảnh: Đào Tiến Đạt)
|
(Vũ Ngọc Liễn biên khảo,
NXB Sân khấu, 2003)
Đào Tấn là một nhà soạn tuồng lớn của Bình Định và cả nước.
Những vở tuồng do ông biên soạn đã có nhiều tác động rất mạnh mẽ vào tâm lý xã
hội, vào cảm thụ nghệ thuật của đông đảo khán giả, được người đương thời và hậu
thế rất yêu mến, kính phục. Cũng vì thế mà đã hàng trăm năm nay, tuồng của Đào
Tấn luôn làm say đắm lòng người.
Tuy nhiên nói đến Đào
Tấn, tuồng chưa phải là tất cả. Sau tuồng, Đào Tấn còn để lại một di sản khá đồ
sộ là thơ và từ do ông sáng tác. Và cũng như với tuồng, sự nghiệp thơ và từ Đào
Tấn cũng đã làm cho các nhà nghiên cứu về ông tốn không ít giấy mực. Đã có
nhiều công trình nghiên cứu, giới thiệu về thơ và từ Đào Tấn ra đời.
Ở cuốn Đào Tấn - Thơ và từ lần này, sau "Lời đầu sách"
của người biên khảo, cuốn sách đã in lại bài viết nhiều công phu và tâm huyết
của nhà thơ Xuân Diệu từ năm 1985- Đọc thơ và từ của Đào Tấn. Phần còn lại và
cũng là nội dung chủ yếu của cuốn sách dày hơn 600 trang là thơ và từ khúc do
cụ Đào sáng tác với 144 bài thơ các loại (trong đó có ba bài thơ nôm) và 60 bài
từ khúc. Ở cuối sách còn thêm phần phụ lục nguyên văn chữ Hán gồm 201 bài thơ
và từ.
Sự ra đời của sách này
là kết quả của quá trình sưu tầm, tập hợp một khối lượng lớn các tư liệu, tài
liệu về Đào Tấn từ lâu nằm rải rác khắp ba miền đất nước của tác giả biên khảo,
nhà nghiên cứu tuồng Bình Định Vũ Ngọc Liễn.
Theo Vũ Ngọc Liễn, ở lần
tiến hành biên khảo công trình về Đào Tấn này, ông đã gộp các tài liệu đã in và
chưa in thành 3 tập:
Tập 1 - Thơ và từ.
Tập 2 - Tuồng hát bội.
Tập 3 - Đào Tấn qua thư
tịch.
Có nghĩa là hai tập đầu
chuyên về tác phẩm của Đào Tấn; tập 3 bao gồm các thư tịch do cụ Đào viết và
người khác viết về cụ Đào.
Trước đây, vào năm 1987,
cũng đã từng có một cuốn Thơ
và từ Đào Tấncủa một nhóm biên soạn do Vũ Ngọc Liễn chủ biên, được ấn hành
bởi Nhà xuất bản Văn học, nhưng nếu so với bản in Thơ và từ lần này thì quyển
mới đã được bổ sung đến 94 bài bao gồm thơ và từ lâu nay chưa được công bố.
Điều này đã làm nên giá trị mới cho công trình biên khảo nghiêm túc về Đào Tấn
của Vũ Ngọc Liễn. Tuy nhiên, không vì sự mới ấy mà Vũ Ngọc Liễn đã đưa vào cả
những thơ và từ chỉ mới ở dạng được nghi là (hoặc cho là) của Đào Tấn. Ông đã
không muốn có những hàng giả, hàng nhái của cụ Đào trong sách này. Đó là một sự
nghiêm cẩn, tôn trọng sự thật nhằm bảo đảm được tính khoa học và khách quan của
người làm biên khảo. Và vì thế mà Đào
Tấn - Thơ và từ là một cuốn
sách đáng được tin cậy.
Đọc thơ và từ Đào Tấn,
bạn đọc yêu quí Đào Công có thể sẽ ngộ ra một điều rằng: Với Đào Tấn, tuồng đã
làm ông trở nên nổi tiếng, trở thành vị hậu tổ của tuồng; nhưng chính thơ và từ
khúc mới là bộ phận sáng tác làm nên giá trị tư tưởng lớn lao trong toàn bộ
cuộc đời nghệ thuật của ông. Thông qua thơ và từ khúc, con người và đời sống tư
tưởng, tình cảm của cụ Đào hiện lên thật rõ nét và sinh động.
Trong bài Trùng du Lam sơn tuyệt cú đề trên miếu vua Lê Thái Tổ khi đến
thăm đất Lam Kinh, nhà thơ họ Đào đất Bình Định đã viết:
Anh hùng can đảm uất phong lôi
Tứ cố thương mang diệc
tráng tai
Cấp vũ xao đầu vân tắc nhĩ
Lãng hoa quyển xuất nhất chu lai
Nhà thơ Xuân Diệu đã
dịch rất hay bài thơ này:
Gan mật anh hùng mang gió sấm
Mênh mang bốn phía cảnh
hùng sao!
Trên đầu mưa gấp, tai
mây lấp
Hiện lá thuyền trên hoa sóng xao.
Với bài thơ trên, Đào
Tấn đã nói về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê với cái nhìn của một nhà chính
trị đồng thời là một nhà nghệ sĩ. Một sự nghiệp anh hùng và lẫy lừng nhưng cũng
thật là nên thơ và lãng mạn. Giữa những sự vật mạnh mẽ như gan mật, gió sấm,
cảnh hùng, mưa gấp, mây lấp chất đầy trong cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng của
vua Lê bỗng hiện lên một lá thuyền xao trên sóng nước như hoa.
Phải là người có con mắt
tinh đời lắm, mới có được những câu thơ như thế.
Những câu hay, bài hay như thế có rất nhiều trong thơ và từ khúc Đào Tấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới