15 tháng 12, 2015

Tiếng hát sinh viên SaigonACT – vọng mãi bài ca yêu nước

Đến bây giờ, khi cuộc thi đã kết thúc, khi những dư âm của cuộc thi đã lắng lại, khi những lá cờ thưởng, những tấm bằng khen đã được treo trang trọng ở phòng truyền thống của nhà trường, trong tôi vẫn như ngân nga giai điệu của những lời ca điệu múa trong năm tiết mục biểu diễn tham dự Hội thi tiếng hát sinh viên lần thứ XIV khu vực miền Nam của trường SaigonACT.
Còn nhớ buổi sáng sau đêm khai mạc với chương trình mở màn của SaigonACT, TSKH Nguyễn Văn Khánh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường – Trưởng ban tổ chức Hội thi đến phòng làm việc của tôi và hỏi: Ông thấy chương trình biểu diễn của trường ta thế nào. Tôi thưa với sếp Khánh: Đó là một chương trình ca múa nhạc gọn gàng, sạch sẽ và không có lỗi. Nhưng điều nổi bật mà tôi đã thấy ở chương trình đó là tính chủ đề xuyên suốt về lòng yêu nước và tự hào dân tộc; về lòng yêu biển đảo quê hương mà trên hết là chủ đề mang tính thời sự về vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước. Nghe tôi nói những lời đồng cảm và đồng điệu, thầy Nguyễn Văn Khánh đã nở nụ cười tươi của nhà nghệ sĩ.
Với con mắt của một người ngoại đạo, tôi vẫn thấy rất rõ tính bố cục chặt chẽ ở chương trình biểu diễn của SaigonACT. Mở màn là một tiết mục múa hoành tráng Lướt sóng ra khơi – Khát vọng biển. Ngay ở tiết mục có thời lượng dài nhất chương trình này cũng có một trình tự kết cấu hợp lí: Khung cảnh hòa bình của những người dân chài trên bờ biển - kẻ thù xâm lược xuất hiện – chiến đấu và hi sinh – cuộc sống thanh bình trở lại. Đó cũng chính là điệp khúc lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta suốt hàng ngàn năm đã qua. Tiếp theo là một đơn ca với giọng ca khỏe khoắn cao vút của Tú Uyên; rồi một song ca nam nữ, một tam ca nam và tiết mục múa hát khép lại chủ đề chương trình. Chỉ với giới hạn thời lượng 30 phút cho phép của Hội thi, đó là một kết cấu hợp lí và dễ chấp nhận.
Hẳn khán giả vẫn chưa quên trong đêm bế mạc công bố các tiết mục đạt giải, chính tiết mục tốp ca Việt Nam ơi! Của SaigonACT (tiết mục được ban giám khảo xếp loại A) được ban tổ chức chọn làm tiết mục kết thúc khép lại đêm công diễn với những giọng ca hào sảng như một giai điệu tự hào đã làm bừng sáng cả chương trình, bừng sáng cả hội trường và làm người xem ra về trong thỏa mãn.      
Điều đọng lại trong lòng người xem là những lời ca điệu múa vừa khỏe khoắn vừa trữ tình lại rất hồn nhiên và trong sáng của những sinh viên đang lứa tuổi đôi mươi căng tràn nhựa sống. Nó như một chất men say có khả năng lan truyền cảm hứng từ âm nhạc và vũ điệu của bài ca về lòng yêu quê hương và tự hào dân tộc. Đó cũng là sự vọng mãi bài ca yêu nước.
Điều đó cũng phần nào nói lên rằng, đời sống tinh thần nói chung và sinh hoạt văn hóa văn nghệ nói riêng của thầy và trò SaigonACT đã được duy trì lành mạnh, phong phú và mang tính truyền thống của một ngôi trường mạnh về đào tạo văn hóa, nghệ thuật và du lịch. 
Nếu có điều gì đó đáng tiếc ở chương trình dự thi của SgACT thì đó là phần đầu của tiết mục múa mở màn, ở khung cảnh hòa bình tiếng đàn ghi ta bập bùng nghe rất nét nhưng âm thanh đã để âm lượng hơi nhỏ, khiến hiệu ứng âm thanh bị giảm sút đáng kể.
Hi vọng đến tháng tư năm sau, chương trình dự thi của SgACT sẽ tiếp tục gặt hái thành công tại vòng thi chung khảo toàn quốc ở Đà Nẵng.

     Đại diện đoàn SgACT, thứ 3 trái sang, nhận thưởng giải Ba toàn đoàn  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới