11 tháng 12, 2015

Những nghìn năm xa xăm...

                                                                              Chử Anh Đào                                                               
   Người JRai, Bah Nar trong tín ngưỡng vạn vật hữu linh của mình, rất tin ở các Giàng. Họ cảm thấy nhỏ bé, yếu ớt và khi có dịp lại cúng Giàng, cầu mong sự chở che, giúp đỡ, phù hộ để có một đời sống yên bình, no đủ. Các hiện tượng, sự kiện xảy ra trong tự nhiên và xã hội, nếu không giải thích được, họ viện tới thần linh, cho là tại ý Giàng và nhờ Giàng phán xử. Nhiều tập tục cũng bắt nguồn từ đó, kèm theo những hệ quả đau lòng, từ nghìn đời cho mãi đến tận hôm nay.
    Khi có mâu thuẫn trong đời sống, nếu hai bên không tự giải quyết được thì đưa ra cho làng xử. Hội đồng già làng và thầy bói- những người được coi là trung gian giữa người và thần, đại diện cho công lí, lẽ phải sẽ đứng ra xét xử. Những biện pháp kiểm tra, về mặt khoa học là không có căn cứ, đầy bất trắc và oan uổng. Nhưng cả cộng đồng đều tự giác chấp nhận. Ví dụ nhà có người ốm đau, bị mất trộm, nghi vợ, chồng gian dâm...người ta đổ chì nấu chảy vào tay (có lót lá môn), bắt ngửi bùi nhùi ớt bột, bắt lặn nước...những đối tượng bị nghi ngờ. Ai nóng không chịu nổi; ai ho sặc sụa; ai trồi lên trước là người có tội. Hình phạt tùy mức độ sẽ là đền bằng hiện vật (gà, lợn, trâu bồ, chiêng ché...), bêu riếu, làm nhục giữa làng (phỉ nhổ, lột hết áo quần, ăn cơm trong máng heo...), đuổi khỏi làng...
   Không kể những tập quán dẫn tới những cái chết đau lòng, bất nhân như chôn con theo mẹ, giết người bị nghi là ma lai, bùa ngải, thuốc thư... còn là những cái chết vì danh dự và lòng tự trọng (Nhưng dù gì cũng là kết thúc sự sống). Một người đàn ông Bah Nar đã tự tử vì trong lễ mừng lúa mới, xâu thịt của ông thiếu một miếng. Ông lấy cái chết để tạ lỗi với thần linh, để bảo vệ lẽ công bằng từ ngàn đời của cộng đồng. Một người JRai khác bị nghi là ăn trộm gà, buộc phải lặn nước với người khác. Tuổi già sức yếu, dù không bao giờ làm việc xấu xa ấy nhưng lấy đâu ra hơi mà lặn? Và khi cuộc thử bắt đầu, ông ngụp xuống, cởi khố, một đầu buộc vào rễ cây, một đầu buộc vào cổ mình. Người thắng cuộc đã đổi bằng sinh mạng sống của chính mình!


                                      Phụ nữ JRai

   Gần đây, tập tục thì vẫn là cũ. Người JRai theo mẫu hệ. Con gái bắt chồng. Lấy vợ, người con trai về ở hẳn đằng nhà gái. Nhưng kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường đã từng bước ngự trị trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Ở lớp bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ vừa qua, một cô giáo người JRai nói với tôi: Bây giờ ghê lắm thầy ạ. Người ta đem chú rể lên cân. Mỗi cân giá một triệu đồng. Chú rể nặng 65 kí thì nhà gái phải trả cho nhà trai 65 triệu đồng. Con người được coi như là hàng hóa. Tình nghĩa, cũng vì thế mà biến mất. Đấy cũng là một trong những lí do giải thích vì sao các cuộc li dị của đồng bào ngày một gia tăng./.
                                                                                                         PK11.12.15

                                                                                                            C.A.Đ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới