10 tháng 12, 2015

Siu Tơ Nu vĩ đại

                                         Truyện ngắn của Chử Anh Đào                                 
                                                            
            Một thời gian dài, tôi cứ tưởng "vĩ đại" là từ để gắn sau các lãnh tụ, anh hùng và các công trình mang tầm thế kỉ, tầm nhân loại. Cũng lại một thời gian dài, nền giáo dục đã dạy tôi cái ý thích và nhu cầu noi gương. Thành ra thấy những khẩu hiệu có từ "vĩ đại" là tôi dừng lại chiêm ngưỡng đọc nghiến ngấu; thấy những quyển sách có từ "vĩ đại" ở bìa là tôi như vồ lấy. Bằng chứng là tháng12 năm 1986,vô Sài Gòn vì có công chuyện, tới nhà sách gần ngã tư Cộng Hòa (Bác Ái - Nguyễn Biểu), cạnh trường Đại học SG bây giờ, tôi đã mua cuốn "Gatxbi vĩ đại". Về đọc, té ngửa rằng nhân vật chính là một chàng trai, từng đi lính và thầm yêu trộm nhớ một thiếu nữ xinh đẹp. Khi ra quân thì người yêu đã có chồng- một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối nhưng không hạnh phúc. Để có cơ hội gần người yêu, chàng ta đã mua đất, xây biệt thự và tưng bừng mở tiệc ngày đêm bên bờ vịnh đối diện nhà người yêu cũ. Rồi những lần gặp nhau. Rồi hạnh phúc ngắn ngủi như của Măc côm bơ. Rồi Gatxbi bị bắn chết. Hết chuyện! Tôi rất lấy làm thú vị khi tác phẩm đã mở mắt cho mình những tầng ý nghĩa và chiều kích của từ "vĩ đại". Một người bình thường, thậm chí vô danh nữa, vẫn có thể là vĩ đại trong cách nhìn, cách đánh giá của đồng loại vì những lí do và hành động chỉ mang tính chất cá nhân, riêng tư thầm kín. Và noi gương (lại noi gương) Scolt Filzgerald, tôi viết "Siu Tơ Nu vĩ đại".
            Siu Tơ Nu sinh ra ở làng Ia Pía- một làng đất đai màu mỡ, bằng phẳng, thuộc lãnh địa của hai thủ lĩnh JRai danh tiếng nhiều thế kỉ trước. Đồn rằng khi mới chào đời, hai "trứng chim" của chàng đã to khác thường nên a mí, a ma đã lấy đó làm cái gốc để đặt tên. Lớn lên, khi chim biết hót, đi học, thầy cô giáo và bạn bè người Việt thì thản nhiên gọi Tơ Nu. Còn lũ con gái JRai chỉ nghe tên thôi, mặt đã đỏ tưng bừng như trái Kơ pang giữa nắng tháng mười.
            Dời trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, Tơ Nu thuộc diện cử tuyển. Chàng sôi kinh nấu sử ở cố đô H. bốn năm và trở thành một trong những cử nhân Ngữ Văn đầu tiên của người JRai. Học vị ấy thơm lừng từ các ngọn núi phía đông đến phía tây trên dải Trường Sơn hùng vĩ, nơi quê mẹ đất tổ của chàng.
            Trong bốn năm đời sinh viên (có lẽ dài bằng cả đời người không phải là đại học sinh) Tơ Nu đã để lại một dấu ấn nổi bật, không được ghi trong chính sử nhà trường nhưng mỗi bận họp lớp, họp trường thì ai nấy cũng không quên nhắc lại...Ở trường là cái đói triền miên. Sinh viên người Việt ẻo lả chân yếu tay mềm mà bao tử còn "gầm thét" huống chi những đứa con của núi rừng đang sức ăn sức ngủ. Đói tới mức ngày chủ nhật chỉ nằm dài trên giường, sách cũng không đọc được, ườn người chờ kẻng cơm tập thể (Mà khi đói, khi chờ thì thời gian dài lắm. Ngỡ là đã nghìn năm trôi qua mới tới mười một giờ). Dạo ấy, Tơ Nu ốm. Ốm nhưng mà vẫn ăn khỏe. Bi kịch từ đấy mà ra. Có người bạn trong lớp, dân xứ Quảng thật thà chất phác bảo: cố đi xuống nhà bếp xin thêm cơm. Tơ Nu nghe lời, lò dò tới trình bày hoàn cảnh. Một cái nhìn kiểm tra đánh giá từ đầu xuống chân kèm theo câu phán của bà bếp trưởng: "Đơn! về viết đơn". Tơ Nu đã viết bốn trang giấy học trò có tiêu đề não nuột, cảm thương, thật thà nhưng kêu gọi được lòng trắc ẩn nơi người khác: "Đơn xin ăn" kèm theo chứng nhận của bệnh xá nhà trường. Và chàng được hưởng đặc ân này (thêm một chén cơm) trong năm ngày. Nhưng mọi phiền não cũng từ đó mà ra. Phẩm chất thật thà đã làm hại chàng. Lớp chàng ngoài những thanh niên ra còn có cán bộ đi học, bộ đội xuất ngũ, có chi bộ tám đảng viên. Họp lớp, người ta chất vấn: Giờ là chế độ nào mà dân còn khổ, còn đói? Xin xong còn ba lần hô "muôn năm", xỏ xiên lãnh tụ à? Đã là sinh viên năm thứ hai khoa văn mà sử dụng từ ngữ như thế à? v.v... Như một buổi đấu tố. Tơ Nu quyết không khai đồng chí trong đống rơm là ông bạn người Quảng. Tơ Nu phải gánh chịu tất cả: hạ hạnh kiểm, ghi lí lịch, thông báo về địa phương vì "lập trường quan điểm tư tưởng có vấn đề". Tơ Nu nuốt cục oan ức vào bụng. Giá ở quê chàng với những luật tục truyền thống thì mọi sự sẽ khác. Còn ở đây, như con nai con bị sa bẫy, đơn độc giữa trùng trùng nội qui, qui chế và thói dọa nạt, ức hiếp kẻ yếu. Ai bảo trong lòng chàng đã không nứt ra những hố sâu ngăn cách? Cuối khóa, tất cả mọi buồn vui căm giận, chàng trút vào cái luận văn tốt nghiệp có tên: "Vấn đề "miếng ăn" trong các tác phẩm của Nam Cao".
            Tốt nghiệp, Tơ Nu về dạy ở trường phổ thông trung học huyện nhà. Nhưng cứ nhầm lẫn mãi, không phân biệt được ông nhà thơ Ấn Độ Ra bin Đra nat Tago với ông bác học thời cổ đại Pitago; ông Tú Xương với Tú Mỡ; ông Bút Sắt với Bút Tre...(Vì đằng nào cũng "Tago", đằng nào cũng "Tú", đằng nào cũng "Bút"- như lời Tơ Nun). Sở về kiểm tra, thấy điểm môn văn của học sinh lớp Tơ Nun phụ trách toàn điểm chín, mười thì đâm nghi ngờ. Dự giờ, giảng bài "Tức cảnh Păc Pó", thầy hỏi học sinh: "Sáng ra bờ suối tối vào hang là gì?" Học sinh trả lời: "Là con cua ạ". Bài "Chiều tối", thầy đề dẫn và hỏi: "Trong thơ văn đã nói rất nhiều về chim. Chim của Nguyễn Du thì thoi thóp về rừng, chim Bà huyện Thanh Quan ho ra máu, chim Chế Lan Viên đeo vòng cườm trên cổ, chim Xuân Diệu bờ ruộng cánh phân vân, còn chim của B.H chúng ta đi đâu?" Học sinh trả lời: "Dạ, mệt mỏi về rừng tìm chốn ngủ ạ". Với đề kiểm tra: "Em hãy phân tích ý kiến cho rằng "Vợ chồng A Phủ" là "Đất nước đứng lên" của đồng bào các dân tộc Tây Bắc", một học sinh đã viết những câu: "Có thể nói Nguyên Ngọc và Tô Hoài là những cặp rất song sinh về tình cảm...Mị và A Phủ sống trong một vùng không có chính quyền cách mạng do tên A Sử cầm đầu...Sau khi uống rượu, Mị mặc quần áo vào rồi đi chơi. Gặp anh Thế đã dụ dỗ họ nên người...Nhân vật A Sử đã đem ánh sáng cách mạng tới vùng Tây Nguyên. Chế độ phong kiến đã làm cho hai tác phẩm này trở nên đau khổ". Bài này được Tơ Nu cho điểm chín, có lẽ vì thí sinh đã có công nhiều lần nhắc đến "cách mạng"(!)
            Hai năm sau Tơ Nun được điều động lên Sở làm chuyên viên ban Giáo dục dân tộc. Như tên gọi của nó, nhiệm vụ của ban này là nghiên cứu các vấn đề về giáo dục vùng đồng bào dân tộc, từ đặc điểm tâm sinh lí, phong tục tập quán tới việc vận động học sinh tới lớp, duy trì sĩ số, xây dựng cơ sở vật chất trường học... Một núi việc. Song, tắm cái đã! Đang là những ngày mùa khô sau tết nguyên đán, tương đương với tháng "ning nơng" lễ hội của đồng bào, ở thành phố mà nắng gió cũng như quạt lửa vào người ta, giống ở thung lũng lòng chảo IaYun. Vậy là hai ngày sau khi nhận nhiệm sở, bốn giờ rưỡi chiều ngày 28 tháng 3, chưa hết giờ hành chính nhưng thấy công sở đã vắng tanh, Tơ Nun hồn nhiên cởi đồ tắm. Tắm, ấy là lẽ thường tình. Nhưng điều làm cho công việc này trở nên vĩ đại là ở địa điểm tắm. Không phải giọt nước ở làng, không phải bên giếng, bên sông bên suối cũng không phải trong toalet mà là ở cái hồ nước hình tròn đường kính năm mét có hòn non bộ giữa sân cơ quan, ngay cạnh trục đường chính đông người qua lại bậc nhất thành phố. Tơ Nun vùng vẫy, quẫy đạp, nước bắn tung tóe kèm theo "ô, a" hò hét rầm trời như trẻ nhỏ. Những người đi đường hiếu kì dừng lại để "xem tắm". Ông bảo vệ vừa nịnh vừa giải thích với đám đông rằng đây là cán bộ, là chuyên viên cấp cao của sở, mới điều động từ huyện về, mọi người thông cảm giải tán lại vừa ghé tai Tơ Nu thì thầm gì đó để chàng kịp hoãn sự sung sướng lại trước khi quá muộn.
            Có lần, bộ triệu tập chuyên viên một số sở trong cả nước ra Hà Nội hai tháng để viết sách giáo khoa song ngữ cấp tiểu học. Không biết chất lượng công trình ra sao nhưng mọi người lại nhớ Tơ Nu ở những chuyện khác. Xin dẫn ba chuyện nhỏ. Xuống ga Hàng Cỏ, Tơ Nu ngước mắt đến rơi cả mũ để nhìn. Chợt có hai thanh niên đến vỗ vai, hỏi nhìn gì đấy? "Nhìn nhà" - Tơ Nu trả lời. "Ở đây không được miễn phí. Nhìn một tầng là năm nghìn đồng". Một thoáng ngạc nhiên nhưng rồi quân ta lặng lẽ rút hai tờ mười nghìn và một tờ năm nghìn đưa cho hai gã nọ."Em mới nhìn năm tầng". Chúng đi rồi, Tơ Nu thầm nhận xét: "Bọn này cũng ngu bỏ mẹ. Ông đây đã nhìn hết mười lăm tầng rồi"... Ăn sáng, chắc là nhớ quê, Tơ Nun không thấy trong thực đơn bèn ra hiệu bằng cách đưa hai tay cầm một vật tưởng tượng đưa ngang miệng. Chủ quán hỏi, chàng trả lời: "Gặm ngang". Vẫn không hiểu, khách lại nói: "Bắp". Nhíu mày nhăn trán cuối cùng người Thủ đô cũng hiểu "bắp" là "ngô". Bắp để nuôi heo còn ngô nuôi lợn. Lợn thì không, còn heo thì đi đóng phim... "Không có. Chọn món khác đi. Hay muốn chửi" - chủ quán lườm lườm...Sáng chủ nhật, "con ở miền Nam ra thăm lăng Bác". Thấy hai chiến sĩ gác lăng đứng nghiêm không nhúc nhích, Tơ Nu tưởng là tượng mồ trong quê (Các nhà mồ ở quê cũng có tượng lính bồng súng). Chàng bước ra khỏi hàng lại sờ vào tay một người. Vẫn đứng nghiêm. Chỉ có đôi mắt là nhấp nháy. Tơ Nu đem cái thắc mắc của mình về tận quê để hỏi già làng.
            Đã bốn mươi mùa rẫy mà Tơ Nu vẫn chưa được ai bắt làm chồng. Vầng trán vốn đã mênh mông ngày một mông mênh hơn nữa. Lơ thơ vài sợi tóc bay trong chiều ế. Lạ lắm! Ở đời tôi biết không ít người, cả nữ lẫn nam, rất đẹp, rất hiền, rất giỏi, rất ngoan nhưng vẫn ế như thường. Ví như ông bạn tôi, sống thế nào mà trước bảy lăm luôn bị chính quyền nghi là Việt cộng; sau bảy lăm thì chính quyền lại nghi là CIA. Ai dám dây vào cái con người hành tích không rõ ràng chứ đừng nói là trong sạch trong thời buổi "lí lịch" được nâng thành "chủ nghĩa"? Chuyện muộn của Tơ Nu có lẽ là ở chỗ "khu Bốn đẩy ra, khu Ba đẩy vào:. Về làng, phụ nữ e dè cán bộ cấp tỉnh; lên phố thì chưa thể hòa nhập hoàn toàn với cộng đồng đa số. Có lần tôi hỏi : "Trông lin ga thế, phồn thực thế mà sao không ráng kiếm chỗ đổ cái nước vào?" Tơ Nu gãi gãi cái trán hói, cười cười thú nhận: "Cùng cánh đàn ông cả, mình nói thật, cũng đã chín lần "quan hệ xã hội". Bi hài nhất là cái lần với một cô nàng JRai lên cơ quan tập huấn nửa tháng. Cô này phong nhũ phì đồn, bao nhiêu cái nước cũng chưa vừa. Nghe nói ông chồng vì chuyện không biết chán của cô đã chạy về nhà mẹ... Anh chị quan hệ thế nào không biết nhưng có cái đơn kiện của cô gái. Lãnh đạo cơ quan mời Tơ Nu lên. Chàng ngạc nhiên và tuyên bố là vô lí vì "đã trả tiền sòng phẳng rồi mà. Nếu không chịu rút đơn thì về làng lặn nước" (Lặn nước là một cách xử kiện của người JRai. Những người bị nghi ngờ là có tội phải lặn xuống nước. Ai ngoi lên trước là thủ phạm).
            Cuối cùng thì Tơ Nu cũng có một đám cưới. Cô dâu là người đồng bào, tên KSo HMoan. Cô này chồng chết đã làm lễ Pthi (bỏ mả). Đây là đám cưới tân- cổ giao duyên, vừa truyền thống vừa hiện đại. Tưng bừng vui vẻ ba ngày ba đêm. Khói nướng thịt bay lên tận trời xanh làm Giàng ho sặc sụa. Chỉ tội bốn đứa con còn nhỏ của cô dâu, sợ người lạ, cứ lẵng nhẵng bám chặt váy mẹ.
            Vừa qua, sau bốn năm, trong một đợt đi điền dã về tượng mồ dân gian, tôi gặp lại Tơ Nu ngay trong làng của chàng. Tơ Nu bận cái áo thun xanh rẻ tiền của đội bóng đá có in chữ cơ quan đã nhàu nát. Không biết chàng vừa làm gì xong mà mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Mừng lắm, vì gặp lại ân nhân (Chả là hồi ấy khi cưới ở làng xong, Tơ Nu tổ chức cưới lại ở cơ quan. Tơ Nu viết giấy mời ba trăm khách gồm tất cả những người quen từ thân đến sơ. Tôi bảo: coi chừng, không tính toán kĩ số lượng khách, thừa ra thì khốn. Tôi kiên quyết lôi chú rể tới nhà hàng rút lại mười lăm mâm. Vậy mà đến ngày vui vẫn còn thừa ba mâm. Hú vía! Đám cưới đìu hiu. Dù không hát bao giờ nhưng tôi phải cố gào lên bài "Đăm Thơi", dân ca JRai cho không khí bớt tang thương. Từ đó Tơ Nu rất thương tôi. Về làng, có gì, từ ngọn rau, con cá, quả cà đắng, trái ổi ương...đều mang lên cho). Tơ Nu ôm chầm lấy tôi và rủ về nhà uống rượu. Tơ Nu thông báo có thêm hai con gái nữa. Nhà không có rẫy, chỉ một sào ruộng. Tám người chỉ trông chờ vào mấy triệu lương hưu của chàng. "Nhưng vẫn sống vui vẻ". Câu nói kèm theo nụ cười mãn nguyện tràn ra khỏi miệng Tơ Nu, theo gió ào đi trong nắng quái cao nguyên./.
                                                                                                PK 10.12.15
                                                                                                      C.A.Đ



            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới