8 tháng 12, 2015

22-12: Nén nhang trên nghĩa trang Pleiku

                                                              Nguyễn Trung Ngọc
   
Dịp 30/4 năm nay (2015) một nhóm cựu chiến binh thực thụ chúng tôi – Sài Gòn có, Nghệ An có, Thanh Hoá có – kéo nhau về Hậu Lộc, Thanh Hoá thắp hương tưởng nhớ Ngôn – người bạn lính sinh viên, người đồng đội đã nằm xuống mảnh đất Xuân Lộc ngay sát trước ngày giải phóng. Tôi còn nhớ, hôm đó ngay trước sân ngôi nhà cũ kĩ lụp xụp của gia đình Ngôn, Lê Quang Phương đã rỉ vào tai tôi: “Mình đã đến nhiều gia đình liệt sĩ và thấy một điểm chung là họ đều rất nghèo khó, thiếu thốn. Trời ơi… Chết là hết!”
Trước căn nhà của người bạn học đại học - đồng đội - Liệt sĩ Đỗ Xuân Ngôn, Hậu Lộc, Thanh Hóa, 4-2015. Thứ 3 phải sang: Nguyễn Trung Ngọc 

Gia đình ông cậu vợ tôi là một gia đình có hai liệt sĩ, cũng còn rất thiếu thốn, vất vả. Nhưng trong mất mát gia đình tôi vẫn có được một may mắn lớn.
Một hôm, cách đây đã mấy năm, có một người không quen biết bỗng nhiên tìm đến nhà ông cậu vợ tôi và hỏi:
- Xin lỗi, đây có phải là nhà của liệt sĩ Đỗ Xuân Huệ, hi sinh trong thời kì chống Mĩ?
Cả nhà ngơ ngác, không ai hiểu là chuyện gì nữa. Anh cả Huệ hi sinh từ 1968. Từ bấy đến nay gia đình không biết Anh nằm lại ở đâu, “bình yên” hay không còn gì nữa! Chị Huề em gái kế anh Huệ không biết có phải linh cảm được điều gì đã khóc oà ngay trước mặt người khách lạ:
- Đúng rồi anh, đúng rồi…tôi là em của anh Huệ đây! Mời anh vào nhà, Có chuyện gì phải không anh?
Người khách trạc chừng sáu lăm, khuôn mặt rắn rỏi, phúc hậu, bình tĩnh bước vào nhà. Sau mấy lời tự giới thiệu ngắn gọn ông vào đề ngay:
- Đầu năm nay tôi đi Tây Nguyên tìm mộ anh tôi. Đến nghĩa trang Pleiku tình cờ tôi nhìn thấy mộ một liệt sĩ cùng quê Nông Cống mình. Nhìn kĩ thấy trên bia mộ ghi: LS Đỗ Xuân Huệ, quê quán: Xã Tố Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Trở về, tôi tìm đến UB huyện Nông Cống mới biết huyện mình không có xã Tố Thắng mà chỉ có Tế Thắng nên hôm nay tôi tìm đến đây may ra suy đoán của tôi không nhầm: chắc khi chôn cất, làm bia mộ, đơn vị đã ghi sai chữ Tế Thắng thành Tố Thắng. Thật may tôi đã đúng, đã đến được địa chỉ cần tìm. Không biết có hồn thiêng của Anh dẫn dắt không, tự nhiên tôi chỉ muốn tìm đến gia đình mình, càng sớm càng tốt. Xin hỏi nhà mình có biết anh Huệ nằm ở nghĩa trang Pleiku không ạ?
Chị Huề nhào tới ôm chầm người khách lạ:
- Trời ơi! Có thật không anh? Mấy chục năm rồi gia đình tôi có biết gì đâu. Tưởng rằng sẽ chẳng bao giờ thắp được nén hương bên mộ anh tôi nữa. Nhờ ơn anh, nhờ ơn trời đất…
Mấy năm trôi qua, sự khó khăn, thiếu thốn đã không cho gia đình ông cậu vợ tôi thực hiện được một chuyến đi vào Tây Nguyên tìm mộ người con, người anh cả trong nhà đã ngã xuống chiến trường miền Nam khi vừa 22 tuổi.
Tháng 5 – 2015, đã về hưu cả hai, vợ chồng tôi quyết định tổ chức một chuyến đi Tây Nguyên giúp chị Huề tìm viếng mộ người anh trai liệt sĩ. (Anh Huệ, chị Huề có quan hệ con cậu – con cô với vợ tôi). Đoàn gồm 5 người, ngoài chị Huề và vợ chồng tôi còn có vợ chồng cậu em trai nữa. Đoàn đi cũng đông lại lo chuyện thăm viếng, đấy là lí do tôi phải bỏ qua cuộc gặp gỡ Chử Anh Đào – một “kẻ sĩ” Tây Nguyên tôi rất mến qua nhiều bài viết của anh trên blog Hà Tùng Sơn, bạn tôi.
Sau gần 2 ngày chạy từ Vinh, tôi lái xe thẳng đến cổng quân đoàn 3 theo chỉ dẫn của goole Maps đã nghiên cứu kĩ trước đó và nghỉ lại nhà khách của họ. Hai ngày sống ở Pleiku là hai ngày đầy ắp những cảm xúc tốt đẹp, thân thiện với mảnh đất nắng gió của Tây Nguyên bất khuất, lại gắn bó với tên tuổi của một nhà văn mà đến giờ tôi càng kính phục hơn: Nguyên Ngọc.
Nghĩa trang liệt sĩ Pleiku nằm ngay trong lòng thành phố, trang nghiêm và đẹp hơn cả sự tưởng tượng của tôi. Sau khi làm việc với chị quản trang, chẳng khó khăn gì chúng tôi đi vòng ra phía sau mộ anh hùng Núp mấy hàng là thấy ngay ngôi mộ của Anh. Đúng như lời vị ân nhân đã đến gặp gia đình nói lại, trên bia mộ anh Huệ ghi quê quán là “xã Tố Thắng, huyện Nông Cống”. Chúng tôi còn phát hiện thêm một lỗi khác nữa: dòng dưới cùng ghi “hi sinh năm 1963”. Anh Huệ nhập ngũ năm 1965. Chắc chắn đây lại là một sự nhầm lẫn dễ hiểu: ai đó, ở một khâu nào đó người ta đã nhìn nhầm con số “8” thành số “3”. Điều này khi trở về Bắc tôi đã viết một lá đơn gửi cho sở Lao động  - Thương binh và xã hội đề nghị họ xem lại và điều chỉnh. Lại thêm một chuyện quá hài lòng cho cả gia đình tôi: chỉ một tuần sau khi tôi gửi đơn (mà chỉ gửi qua mạng internet theo Email của sở LĐ-TB&XH) bia mộ đã được làm lại theo gia đình tôi đề xuất. Nhân đây xin gửi đến sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai lòng biết ơn của gia đình tôi, cũng là lòng biết ơn và lời ngợi ca của nhân dân đối với một cơ quan nhà nước đã làm việc tận tâm và trách nhiệm đến vậy (mà tôi cho là hiếm có trong thời buổi này).
Cả gia đình tôi đều thống nhất để anh Huệ nằm lại nghĩa trang liệt sĩ Pleiku trên mảnh đất cao nguyên nắng gió, đẹp như tranh vẽ và đầy ân tình của đồng bào Gia lai.
Nhân dịp 22/12 năm nay tôi nhờ bạn tôi đăng lên trang web này hơn 40 bức ảnh tôi đã chụp trong dịp đi tìm người thân kể trên. Từ may mắn mà gia đình mình có được, tôi hi vọng mình làm phúc được cho một gia đình nào đó để có thể họ bắt gặp người thân của mình đang nằm lại mảnh đất Tây Nguyên xa xôi, bao nhiêu năm rồi không hay biết.
Nếu có, xin liên hệ: Nguyễn Trung Ngọc, ĐT: 0983856233 



































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới