8 tháng 4, 2020

Vật đổi sao không dời


Từ năm 2012 trở về trước thì căn nhà tôi ở bây giờ có địa chỉ mang tên hẻm của một con đường có cái tên rất nổi tiếng và lâu đời, đường Tân Kỳ Tân Quý: Hẻm 249. Tiếng là hẻm nhưng nó dài đến 2 cây số và to hơn cả những con đường có tên tuổi, đặc biệt từ khúc giáp ngã 3 Nguyễn Cửu Đàm đến cuối đường nó phình to ra ngang với đường Tân Sơn Nhì. Trên con hẻm này có đến mấy trường cấp 3 trong đó có trường THPT Tân Bình và kí túc xá SV ĐH Công nghiệp Thực phẩm.
Ở thành phố mà nhà nằm trong con hẻm là cả một sự thiệt thòi huống chi nhà tôi lại là hẻm của hẻm. Vì thế cư dân ở đây ai cũng mong cho nó có một cái tên để thoát kiếp nhà hẻm.
Cầu được ước thấy, đến tháng 6.2012, một chiều tôi ở trường về chợt thấy mấy cái bảng tên hẻm 249 ở đầu đường bỗng được thay mới bởi những cái bảng mang tên đường rất lạ: Nguyễn Quý Anh.
Một cái tên mà tai tôi chưa từng nghe mắt chưa từng thấy.
Trí tò mò nổi lên. Vừa vô đến nhà lập tức mở máy ra tra xem Nguyễn Quý Anh là ai.
Thì ra ông này dân gốc Huế. Sinh 1883 tại Huế và mất 1938 tại Chợ Lớn. Ông là một nhân sĩ yêu nước có công chống thực dân Pháp. Thân phụ ông là Nguyễn Thông một nhân sĩ yêu nước chống Pháp từ lâu đã được đặt tên cho một con đường lớn ở TP. HCM chạy suốt từ quận 1 sang quận 3 sát ngay ga Sài Gòn.
Đặc biệt Nguyễn Quý Anh từng là sếp của cụ Hồ khi ông làm Giám đốc trường Dục Thanh, Phan Thiết trong khoảng từ 1907 đến 1912 khi trường Dục Thanh bị đóng cửa. Thời đó Nguyễn Tất Thành có xin vào trường Dục Thanh làm việc dưới quyền của NQA.
Có lẽ vì thế mà vào tháng 6/2012 HĐND TP HCM quyết định đặt tên cho con hẻm 249 TKTQ là Nguyễn Quý Anh.
Con hẻm nhà tôi từ đó oai hẳn ra. Riêng địa chỉ nhà tôi bớt được một cái xẹc.
Ở VN chỉ có 2 thành phố có đường mang tên Nguyễn Quý Anh là Huế (quê hương ông) và TP HCM (nơi ông qua đời).

 Một khúc đường Nguyễn Quý Anh, P Tân Sơn Nhì, Q Tân Phú.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới