9 tháng 4, 2020

Những bước chân hóa thạch

Một hôm tôi đi làm về thấy bà xã đang cắm cúi đọc cái gì trên ipad ngước lên nói có vẻ rất khám phá: Này ông, dân QB ghê lắm nha. Tôi ngạc nhiên chờ nghe bả giải thích: Hóa ra Tân Bình có nghĩa là Quảng Bình mới đấy.
Trời. Điều đó đối với tôi là một kiến thức đã xưa như trái đất vậy mà bây giờ bả mới phát hiện ra.
Thực ra Tân Bình (nghĩa là Quảng Bình mới) được Thần Hầu Nguyễn Hữu Cảnh dùng đặt tên cho đất Gia Định xưa bao gồm cả vùng đất phương Nam mới khai phá để nhớ về quê hương bản quán Quảng Bình của ông. Phủ Tân Bình thời đó bao gồm hết cả Sài Gòn ngày nay.
Sống ở Sài Gòn nên tôi thường tìm hiểu về nghĩa cái tên gọi rất giản dị của nó, SG nghĩa là gì.
Đa phần nghiêng về thuyết đây là vùng đất có nhiều cây bông gòn, dân thường dùng làm củi.
Thuyết đó cũng chỉ là một trong nhiều thuyết khác nhau.
Theo ngu ý của tôi thì thuyết này có thể sai toét loét vì từ xưa đến nay các nhà sử học và khảo cổ học đã tìm đỏ con mắt cũng không có dấu vết của cây gòn trên đất SG, với lại giả sử nếu có nhiều cây gòn thì dân ta cũng chả ngu gì dùng nó làm củi vì cây gòn rất khó cháy, bỏ vô bếp khói bốc mù mịt.
Cho đến một hôm tôi được thầy Nguyễn Mạnh Hùng tặng cho cuốn sách của thầy mới xuất bản: Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, Những bước chân hóa thạch (NXB Hồng Đức, 2017).


Đây là một vựng tập bằng hình ảnh của Sài Gòn xưa với những bài khảo cứu đi kèm của nhóm tác giả Nguyễn Mạnh Hùng, Phan Mỹ Tuyệt, Nguyễn Phan Sơn Trúc.
Tôi quen biết với PGS sử học Nguyễn Mạnh Hùng từ khi ông còn làm Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Dịp Tết Nguyên tiêu mới rồi ông nhắn gặp tôi ở quán café Văn nghệ 81 Trần Quốc Thảo quận 3. Gặp nhau chưa kịp ngồi ông đã lấy sách ra kí: Tặng em món quà.
Đọc Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, Những bước chân hóa thạch, tôi đã ngộ ra rất nhiều điều về mảnh đất và con người nơi tôi đang sống với bao điều thú vị và hấp dẫn. Đặc biệt khoái nhất ở Sài Gòn là mọi chuyện đều trở nên đơn giản và giản dị. Ngay cái tên Sài Gòn ngày nào cũng có dịp nhắc đến, nói ra nơi cửa miệng mà chắc mấy ai đã hiểu cho hết nghĩa từ nguyên của nó là gì đã được cắt nghĩa thú vị đến ngạc nhiên như sau:
“Sài Gòn, theo cách hiểu của người dân Sài Gòn phiêu bạt giang hồ thì “Sài” chỉ là tên một loại củi, còn “Gòn” là loại cây gỗ xốp có trái dài, bọc trong lớp sợi dày, được đánh ra để làm gối đầu giường. Hãy tạm quên đi những chứng tích lịch sử “hàng trăm, hàng nghìn năm trước” mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa đã để lại trong sử sách, văn chương – thì Sài Gòn, cứ cho đó là tên gọi loại “củi” mà trong dân gian có câu:
Củi mục bà để trong rương
Ai mà sờ đến trầm hương của bà
Loại “củi” đã bị chôn vùi trong lớp đất, nay được dò tìm, đã hóa đá thành những “chuỗi ngọc” được xác định địa giới thuộc miền Viễn Đông xa xăm nằm trong khu vực Đông Nam châu Á.”
Chỉ đọc chừng đó cũng đã đủ để ta lấy làm thích thú về cuốn sách ảnh Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, Những bước chân hóa thạch.

Trái sang: Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, HTS, TS Nguyễn Văn Khánh


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới