28 tháng 1, 2013

Sáo ngữ


                                       Chử Anh Đào

          Gia đình ông là gia đình văn hóa, ở ngay ngã ba có cái cổng phải đoán mãi mới ra bởi nó đã bong tróc, chữ nghĩa rơi rụng tả tơi: “ khu phố văn hóa cấp thành phố”. Ông bà là cán bộ nhà nước đã hưu. Tổ ấm ấy, giờ tam đại đồng đường, nề nếp, kỉ cương bền vững. Tôi đến nhà ông hai lần vì công việc, đúng lúc gia đình sắp ăn cơm. Từ phòng khách, tôi nghe giọng ông  oang oang dưới bếp : “ Tuần qua tình hình Việt Nam và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn không từ một thủ đoạn nào để chống đối ta, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, ngăn trở công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của ta. Trong nước thì lạm phát gia tăng, giá cả tiếp tục leo thang. Gia đình ta cần xác định nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài là triệt để tiết kiệm. Tất cả mọi thành viên, không có vùng cấm. Ai vi phạm sẽ kiên quyết xử lí…À mà có một tin vui. Tuần trước tôi đã có dịp gặp ông xui ở Koong Chơ Ro. Hai bên quán triệt và tin tưởng sâu sắc rằng tình nghĩa thông gia là muôn năm xanh tươi, đời đời bền vững. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục nâng mối quan hệ này lên tầm cao mới. Sắp tết Nguyên đán, tôi đã trân trọng kính mời gia đình ổng lên chơi. Ổng đã vui vẻ nhận lời…Nào mời các đồng chí ăn cơm.” Về sau tôi mới biết một trong những “ nét đẹp văn hóa” riêng của gia đình này là “ giao ban cuối tuần” vào các chiều thứ bảy.Trộm nghĩ nó vừa tiện ở chỗ đông đủ thành viên, vừa bất tiện nhỡ ai có lỗi gì đấy mà đem ra phê bình và tự phê bình thì bữa ăn sẽ mất ngon. Nhưng đặc biệt ấn tượng, ấn tượng tới mức chỉ nghe qua một lần mà tôi đã thuộc. Từ ngữ vừa lạ vừa quen, như loanh quanh đâu đây trên ti vi, đài, báo.
          Lại có anh bạn giáo viên người dân tộc. Người này rất tài giỏi: viết sách, làm từ điển…và sống ít nói, chân thật như đất, như nước của cộng đồng mình. Nhưng tôi thực sự ngạc nhiên khi một hôm gặp nhau, anh ta chào hỏi bằng câu : “ Ngọn gió nào đã đưa thầy đến tiện xá của em?”. Thoạt đầu tôi tưởng anh nhại cách nói lai Tây, cầu kì, xa lạ với người Việt. Nhưng tiếp tục những câu giao tiếp thời gian sau đó với những câu “ Thầy hãy cam đoan là đã tắt điện trước khi ra khỏi phòng”, “ Thầy có thể cho em xin tí lửa được không?”, “ Chúc thầy ngủ ngon và có những giấc mơ đẹp”… thì tôi có quyền nghĩ: Ông này bị bệnh thật rồi!
          Cũng liên quan tới chuyện này là chất lượng học văn của học sinh hiện nay.Yếu kém có nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân gây hậu quả trầm trọng là tiêu diệt cảm thụ, cảm xúc cá nhân để răm rắp tuân theo ý thầy, ý sách giáo khoa.( Đến nay tôi còn ngượng vì những kết luận trong các bài tập làm văn cấp II, III của mình: “ Ngày nay còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường em nguyện ra sức học tập và tu dưỡng để sau này…cho Tổ quốc Việt Nam.” Đồng lõa với tiêu diệt cảm xúc cá nhân là các “ Bài văn mẫu”. Các “ bài văn mẫu” này đã gây ra không biết bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười trong bài làm của thí sinh. Còn nhớ mấy năm trước, khi trường CĐSP Gia Lai còn thi tuyển đầu vào… Trong sách văn mẫu khi phân tích bài “ Cảnh chiều hôm” có câu mở đầu: “ Xưa nay trong thơ văn đã nói rất nhiều về hoa…” Đến khi phân tích bài “ Mộ” ( Chiều tối) một thí sinh đã viết: “ Trong thơ văn xưa nay đã nói rất nhiều về chim. Chim của Nguyễn Du thì “ thoi thóp về rừng”, chim của Bà huyện Thanh Quan ho ra máu, chim của Xuân Diệu thì “ bờ ruộng cánh phân vân”, chim của Chế Lan Viên “ đeo vòng cườm trên cổ”, Chim của Khương Hữu Dụng “ gáy sáng cả giường” còn chim của BH của chúng ta “ mệt mỏi về rừng tìm chốn ngủ.”
          Nhận xét:
 - Ba cách sử dụng ngôn ngữ trên là lệch chuẩn, mang đến cho người đọc, người nghe cảm giác khôi hài, nhàm chán vì sáo ngữ.
  “ Sáo ngữ” ( ):“ Bắt chước, lấy văn tự của người khác hay nói theo đuôi người ta, sáo ngữ là những câu nói đã thành lối( mòn)” ( Từ điển Hán- Việt)
 - Cùng với sự tìm hiểu về đối tượng, nội dung, mục đích giao tiếp để người nói lựa chọn những phương tiện ngôn ngữ thích hợp mà trong đó sự chân thật cần đặt lên yếu tố hàng đầu./.
                                                                   C.A.Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới