3 tháng 1, 2013

NS Trần Mùi với Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam




Nhân dịp Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam được tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân" vào ngày 22/12/2012, NS Trần Mùi, một người anh, người bạn và cũng là một cộng tác viên thân thiết của Hà Tùng  Sơn blog,  đã vinh dự thay mặt nhiều thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát phát biểu tại buổi Lễ trên.
Bài và ảnh do NS Trần Mùi cung cấp.





Bài phát biểu của Đại diện anh chị em vào chiến trường miền Nam tại Lễ đón danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân" của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam



Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam qua các thời kỳ.
Thưa các quý vị đại biểu và toàn thể anh chị em nghệ sĩ, diễn viên


Thật là hân hạnh khi đứng trên sân khấu trong một Nhà hát hoành tráng và sang trọng như thế này.

Tôi xin thay mặt toàn thể anh chị em cựu nghệ sĩ và những nghệ sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường miền Nam phát biểu những tình cảm và suy nghĩ như sau:


Trong những năm tháng ở chiến trường miền Nam, hình ảnh của khu Văn công Cầu Giấy là nơi Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương với những dãy nhà mái lá bình dị ngày ngày vang rộn lời ca điệu múa vẫn luôn là những kỷ niệm đẹp của chúng tôi. Ngày ấy, chúng ta đã sống và làm việc với nhau thật tình cảm và chan hòa. Cuộc sống bình dị, giản đơn, khó khăn, gian khổ nhưng thắm đượm biết bao nhiêu tình.. Mọi người vẫn cống hiến cho nghệ thuật, lớp lớp nghệ sĩ, diễn viên trưởng thành và đóng góp không nhỏ cho nghệ thuật nước nhà. Khu văn công Cầu Giấy ngày ấy là như vậy.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Đoàn Ca Múa Nhân dân TW là con chim đầu đàn của nền nghệ thuật cách mạng và đã sản sinh ra rất nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng, góp thành tích lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy. Trong hòa bình Đoàn đã có công rất lớn trong đào tạo cũng như phục vụ đối nội và đối ngoại xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Nhà nước.

Những năm 1963 - 1965 là thời kỳ giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc trở nên ngày một ác liệt, đoàn phải sơ tán nhưng vẫn đảm bảo mọi hoạt động phục vụ chính trị và đối ngoại. Đoàn là đơn vị đầu tiên thành lập Đội văn nghệ xung kích đi phục vụ tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình, Thanh Hóa, nhiều lần sang chiến trường C bên Lào phục vụ các chiến sĩ yêu nước Lào. Tại tuyến lửa Quảng Bình - các nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh, Mạnh Hùng, Anh Nghiêm, Phùng Thị Nhạn đã xúc động sáng tác và biểu diễn điệu múa "Bên mâm pháo" ngay tại trận địa pháo.

Tại mặt trận cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa, các nghệ sĩ Bích Thủy, Văn An, Mai Lan, Trần Mùi, Nguyễn Thịnh ... đang biểu diễn phục vụ các chiến sĩ ngay bên mâm pháo dưới chân cầu Hàm Rồng thì báo động có máy bay Mỹ tới lại xung phong vác đạn cho bộ đội bắn trả máy bay Mỹ và tham gia bắn máy bay tầm thấp trong tiếng bom cùng tiếng gầm rú điên cuồng của máy bay Mỹ. Hai máy bay "Thần Sấm" của Mỹ bị bắn rơi trong buổi trưa hôm đó. Vì vậy bộ đội có làm câu thơ sau:
"Hôm nay bắn máy bay rơi
Chiến công một nửa của người văn công"
Tất cả anh chị em tham gia chiến đấu đều được tặng huy hiệu 5/8 (Huy hiệu bác Hồ tặng cho quân và dân đã góp phần bắn rơi máy bay của giặc Mỹ).

Đoàn Ca Múa TW cũng là đơn vị đầu tiên thành lập Đại đội Dân quân tự vệ tay đàn tay súng, được trang bị vũ khí đạn dược và đạt điểm cao nhất trong các cuộc thao diễn quốc phòng do Bộ Quốc phòng - Bộ Văn hóa tổ chức.

Đoàn đã đóng góp, xây dựng và bổ sung nhiều cán bộ và nghệ sĩ xuất sắc, ưu tú cho nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước thời kỳ chiến tranh cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Những kỷ niệm ấy chúng tôi luôn mang theo trong hành trang của mình khi vào chiến trường miền Nam.

Trong những năm 1964 đến 1967, chiến trường miền Nam ngày một trở nên ác liệt, quân và dân miền Nam giành được nhiều thắng lợi vang dội ... Miền Nam cần tới sự chi viện lực lượng văn hóa nghệ thuật của miền Bắc XHCN để bổ sung, xây dựng cho Đoàn Văn công Giải phóng trực thuộc TW Cục miền Nam. Các cán bộ, nghệ sĩ loại giỏi như Thái Ly, Phạm Kỳ Lân, Lâm Quang Măng (Thanh Trúc), Phương Thảo, Phạm Nguyên Kiếm, Nguyễn Thế Viên, Trần Quý Mùi (Trần Mùi), Bích Thủy ... nhận nhiện vụ vượt Trường Sơn vào chiến trường tham gia kháng chiến với hình thức là đi B dài - khi nào miền Nam hoàn toàn giải phóng mới được trở về.

Trong những năm dài của cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt trên chiến trường B2 miền Đông Nam Bộ và mặt trận Khu 5 Quảng Đà, anh chị em đã vượt mọi khó khăn gian khổ ác liệt của chiến tranh, nhiều lần đối diện với cái chết, với những cuộc đụng độ giữa vòng vây của giặc Mỹ cũng như quân đội Sài Gòn.

Tay đàn tay súng, chúng tôi thật sự là những chiến sĩ giải phóng quân của nhân dân miền Nam kiên cường bất khuất.

Chiến trường miền Đông không yên tĩnh. Bởi chiến tranh đã kéo dài quá lâu, bom đạn trút xuống đầu chúng tôi ngày một nhiều hơn. Sự hy sinh có thể đến bất cứ lúc nào. Không chết vì bom đạn thì cũng chết vị đụng độ với biệt kích, thám báo và bệnh tật... Pháo đài bay B52 dội bom không điểm này thì điểm khác, không biết sao mà lường. Những cánh rừng bị bom xé nát cháy sém từng mảng. Máy bay trực thăng vũ trang xà thấp bỏ từng quả lựu đạn vào từng miệng hầm... Mọi người trong căn cứ phải im lặng chịu đựng không đựơc chống trả bởi nếu chống trả, toàn căn cứ sẽ bị lộ và tất cả sẽ bị hủy diệt.

Cuộc sống của chúng tôi thời ấy vô cùng căng thẳng, sự sống vài cái chết thật mỏng manh. Đời sống ngày một thiếu thốn, gạo thiếu phải ăn thêm rau rừng, đào bới những con suối để mong tìm được những con trai, con hến sống qua ngày. Căn cứ di chuyển không biết bao nhiều lần, không nhớ biết bao nhiêu căn hầm, giếng nước, nhà kho, nhà bếp, nơi tập luyện ... chúng tôi đã làm. Tay chai sạn bởi cầm cuốc cầm xẻng, cầm cưa cầm rựa chặt cây trong rừng. Đã vậy còn phải đi tải đạn, đi tiếp phẩm làm anh chị nuôi. Bao nhiêu ngày không được cầm đàn, không được ca hát vì phải đối phó với những trận càn quét của địch cũng như phải giữ bí mật nơi ở.

Mùa xuân Mậu Thân năm 1968, chúng tôi phải chia ra nhiều tốp nhỏ đi phục vụ chiến trường, tới sát ngay Sài Gòn phục vụ cho bộ đội sắp hành quân ra trận, phục vụ cho thương binh từ mặt trận Sài Gòn chuyển ra nằm rải rác vùng ven ô suốt hai tuần lễ liền.

Có một kỷ niệm xúc động làm chúng tôi nhớ mãi: trong lúc nghỉ trưa thì được lệnh phải đi ngay... một thương binh với nhiều vết thương nặng đã yêu cầu nghệ sĩ Tô Lan Phương hát bài "Xuân chiến khu". Tiếng hát dứt cũng là lúc người chiến sĩ ấy đã trút hơi thở cuối cùng...

Chúng tôi phải đi lại trên những cánh đồng ngập nước mang tên "Chó ngáp" ở Đồng Tháp Mười, nước ngập đến nửa người mà vẫn phải đi suốt đêm tới sáng, chân dẫn trên những gốc cây tràm đau tê tái, lấy ánh trăng dẫn đường... Sân khấu là những vạt rừng phát quang, trên những gò cao chung quanh nước mênh mông, phông màn bằng dù pháo sáng chiến lợi phẩm, ánh sáng chỉ là những chiếc đèn măng-sông mờ mờ ảo ảo, không micro chúng tôi vẫn diễn, vẫn hát say sưa cho bộ đội nghe trước giờ ra trận. 

Tại chiến trường miền Nam chúng tôi nghe tin máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, B52 rải thảm xuống Hà Nội. Chúng tôi vui mừng khôn tả với trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Những ngày này, chúng tôi được biết các nghệ sĩ của Nhà hát - đồng nghiệp của chúng tôi - tất cả đều có mặt ở các tuyến lửa để phục vụ và tham gia chiến đấu.

Thưa quý vị và các anh các chị!
Những người con từ cái nôi của Nhà hát đi vào chiến trường ngày ấy, cho đến ngày hôm nay, đều đã giữ trọn niềm tin. Trong các anh các chị, có những người đã mất, mất vì hy sinh anh hùng tại chiến trường, như nghệ sĩ múa Phương Thảo ngay tại sân khấu ở Quảng Đà ..., mất vì bệnh tật bởi những tháng năm dài đau khổ ...

Hôm nay đây, đứng trước các quý vị và các anh các chị, chúng tôi không khỏi nhớ tới những người đã từng là đồng chí, đồng đội của mình, nhường cơm sẻ áo cho nhau, kề vai sát cánh bên cái chết và sự sống.
Chúng tôi tự hào nói với các anh chị rằng: "Chúng tôi không hổ thẹn với những gì chúng tôi đã làm, đã cống hiến, cho dù rất nhỏ bé trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam ngày ấy"...

Bao nhiêu năm rồi, kể từ ngày trở về, chúng tôi mơ ước được gặp lại các anh các chị một cách chính thức như cuộc gặp hôm nay đây để "vui sao nước mắt lại trào".

Chúng tôi chân thành cảm ơn Ban giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã thu xếp cho chúng tôi được ra Hà Nội dự lễ đón nhận danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân", được gặp lại các anh chị và được phát biểu tại diễn đàn này. 

Điều mơ ước nhỏ bé ấy của chúng tôi những năm dài ở chiến trường hôm nay đã trở thành hiện thực...




Thấy Nhà hát ta ngày một trưởng thành và lớn mạnh, chúng tôi xin chúc mừng và tự hào vì đã được sản sinh ra ở mái nhà truyền thống ấy. Chúng tôi tin tưởng rằng: thế hệ nghệ sĩ diễn viên trẻ của Nhà hát ngày hôm nay có quyền tự hào với truyền thống tốt đẹp mà Cha anh của mình đã làm và luôn gìn giữ phấn đấu để xứng đáng với Danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân" mà Nhà nước trao tặng cho chúng ta hôm nay.

Xin trân trọng cám ơn và chúc quý vị cùng toàn thể Ban giám đốc, anh chị em nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam nhiều sức khỏe và gặt hái nhiều thành công trong hoạt động của mình.


TP Hồ Chí Minh 12/2012
Trần Mùi




NS Trần Mùi và Nhạc sĩ Ngọc Xuyên Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc VN.


NS Trần Mùi với Nhạc sĩ đàn Arcordeon nổi tiếng Hồng Quang.



NS Trần Mùi với ca sĩ Quang Huy



    Đội nhạc năm xưa của Đoàn Ca Múa Nhân dân TW



: Ca sĩ Mạnh Hà với tốp ca nữ năm xưa của Đoàn CM nhân dân TW



 Ca sĩ Mạnh Hà với diễn viên Nhạc CMNDTW



: Nhạc sĩ Trọng Bằng sau cơn tai biến tới dự



Tiệc ngoài trời trong khuôn viên của Nhà hát CMN VN



NS Trần Mùi với Nhạc sĩ Trọng Bằng



NS Quang Vinh với 2 nguyên Giám đốc Nhà hát là : Đỗ Tiến Định và Chu Thúy Quỳnh



 Những bó hoa tươi thắm tặng cho 2 nguyên Giám đốc cũ của Nhà hát


 Hình hoa kết tại sân ngoài Trung Tâm BD Âu Cơ - Hà Nội



NS Trần Mùi với vợ chồng NS Arcordeon Xuân Tứ và Ngọc Bích - diễn viên múa



 Những nghệ sĩ vào chiến trường miền Nam với vợ chồng NS Xuân Tứ trong tiền sảnh Nhà hát


 Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh


 Anh em nghệ sĩ ở chiến trường miền Nam trước giờ khai mạc




Hình 18: Tiết mục mở đầu


Hình 19: Nhận cờ Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân


Hình 20: Các thế hệ Nghệ sĩ và lãnh đạo Nhà hát chụp ảnh chung với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh ( Từ phải qua trái : Đỗ Tiến Định - Thế Viên - Bộ trưởng - Phạm Kiếm - Trần Mùi Vĩ Cầm Đỏ - Chu Thúy Quỳnh - Ngọc Hướng



Hình 21:


Hình 22: Ca sĩ Mạnh Hà - Quang Thọ





Hình 24: Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ nơi diễn ra Lễ đón nhận Danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới